Bạn tôi làm ở một xí nghiệp nọ, gặp tôi anh than thở:
- Tớ chán cái xí nghiệp nổi tiếng này quá, cậu ạ. Tay nhà báo nào đó thổi phồng thành tích của nó hết cỡ. Trong khi ấy, bao nhiêu thối tha lại không đụng đến một chữ!... Càng nổi tiếng, công nhân càng khổ!
Dù ở ngành giáo dục nhưng tôi cũng không lạ gì vấn đề này. Ung nhọt đang mọc khắp cơ thể xã hội… Tôi vỗ vai bạn, khích lệ:
- Hãy đấu tranh! Có tổ chức công đoàn mà.
Bạn tôi nhếch mép nhìn tôi. Một lúc sau anh ấy nói:
- Khi người ta có quan hệ thân thiết với cậu, đối xử tốt với cậu, dù cậu không thật biết lòng dạ người ta như thế nào, cậu vẫn có thiện cảm với người ta chứ?
Tôi nghĩ bạn tôi đã chuyển đề tài, vội nói:
- Dĩ nhiên là có. Ai lại không vậy.
- Đã có thiện cảm, cậu có nỡ làm người ta đau lòng, buồn lòng không?
Tôi dè dặt không trả lời. Bạn tôi trầm giọng:
- Trở lại vấn đề ở xí nghiệp tớ. Tớ đang suy nghĩ nát óc để tìm một biện pháp hữu hiệu nhưng vẫn chưa ra. Phải làm sao loại trừ cái lưỡi câu.
Tôi ngạc nhiên:
- Cái lưỡi câu?
- Vâng. Đó là những cái bắt tay quá thân thiện, những chầu cà phê, những buổi nhậu, những cuộc thăm viếng, những ưu đãi mà ban giám đốc dành cho ban chấp hành công đoàn. Với cái lưỡi câu đó, kẻ tham mồi chạy đâu cho thoát!
Tôi giật mình, chợt thấy sợ những cái lưỡi câu đang hiện ra chỗ này chỗ nọ…
(Báo Giáo dục-Thời đại, 07/09/2002)