Phật dạy: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Một lão Hòa thượng khai thị thêm: “Thân thể là hư vọng, phải thật sự nhìn thấu, buông bỏ thân thể, thì thân thể sẽ phục hồi bình thường, tự nhiên khỏe mạnh, trường thọ. Nếu ngày ngày vì thân thể này mà lo lắng, thân thể sẽ không bình thường. Trị liệu tất cả bệnh khổ của thân tâm, thuốc tốt nhất là “lão thật niệm Phật”. Không tham chấp sức khỏe, để rồi rơi vào thân kiến mà Phật đã cảnh tỉnh. Tuy nhiên nếu thân bệnh sẽ không hoàn thành công việc thường ngày, nhất là rất khó trong thực hành chánh pháp, cầu giải thoát trước khi quá muộn. Có thể tự chữa bệnh cho mình? Câu hỏi này được Georges Ohsawa trả lời một cách thỏa đáng trước lúc ông trao chiếc chìa khóa y học vạn năng cho chúng ta.
Nhận định yếu quyết của Ohsawa: “Việc nấu ăn theo nền y học trường sinh mấy ngàn năm nay là Dương hóa”. Theo quy luật từ vũ trụ nhân sinh, bệnh trước hết là do nghiệp chiêu cảm. Bệnh là nghiệp nên nhiều trường hợp dẫu đủ khả năng đến bất cứ bệnh viện tối tân nào trên thế giới vẫn phải nhận lãnh cái chết. Theo triết lý y học Đông phương, cơ thể có sự cố là do không điều hòa Âm - Dương, tức là tính đến cái “quả” sinh ra từ “nhân” ăn uống sai lầm trong đời này. Phương pháp thực dưỡng của Ohsawa dựa trên dịch lý và thông qua việc nghiên cứu các bộ tộc trường thọ, đối trị với hầu hết các bệnh, được chứng nghiệm trên thế giới nên nhờ đó nhiều người bước ra từ cõi chết. Với thuốc men và cách điều trị hiện đại, có thể lành với người này song bó tay với người khác, tùy vào thể trạng, cơ địa và cả duyên nghiệp. Nhưng bệnh dẫu là nan y dưới phương pháp của Ohsawa đều không đáng ngại. Chẳng hạn người bị ung, xem như chạm tay tới bản án khốc liệt đời người. Nếu ăn gạo lứt muối mè hiệu suất lành rất cao, với rất nhiều minh chứng sống khi bệnh viện đã trả về. Ohsawa qua nghiên cứu, chữa bệnh trong hơn 40 năm, đã kết luận: nếu theo đúng thực dưỡng, ung thư thuộc hàng dễ chữa.
Điều này không khó lý giải trên cơ sở thử lập sơ đồ cuộc chiến giữa ta và địch: Đường, sữa, thịt cá bổ dưỡng vốn là thức ăn của con ung thư, (xem đó là lương thực của kẻ thù). Hippocarate - ông tổ của ngành Y học phương Tây, một người ăn chay trường khẳng định: “Nếu cơ thể không được làm sạch (như nhịn ăn hoàn toàn trong một hoặc nhiều ngày), thì càng cho ăn, càng làm hại nó thêm”, nhất là những thực phẩm được chỉ định là thức ăn chính của loài vi rút mà người bệnh đang mang. Mặt khác, hệ thống miễn dịch (ví như quân đội) sẽ tăng mãnh liệt nhờ ăn gạo lứt muối mè và nhờ cắt các nguồn thực phẩm khác thuộc đường sữa, thuộc động vật và thực vật âm tính. Ngược lại nếu chữa theo cách hiện đại, nhất là đưa hóa chất vào cơ thể, con bệnh được uống sữa, đường, trái cây và ăn thịt cá (tức cung cấp lương thực cho kẻ thù); trong lúc thuốc men và hóa chất vào người hệ miễn dịch dần dần bị tiêu diệt (quân đội mất hết khả năng chiến đấu). Hippocarate luôn khuyên nên nhịn ăn và nhịn đói để chữa bệnh. Ông còn đúc kết: “Thực phẩm là thuốc men của bạn”, thông qua việc ăn thuần chay cùng nhiều phương pháp tự chữa bệnh hiệu quả vô song; để thấy học trò của ông sau hơn hai ngàn năm hầu như đi ngược lại những lời dạy mang tính kim chỉ nam trong Y học. Bệnh thường phát xuất từ sự ăn uống, tức hành vi gồm cả thân, khẩu, ý sai lầm (một dạng nhân xấu theo cách lý giải của Đức Phật); nó như nguồn sông tách ra các nhánh (các loại bệnh); nhiều loại thuốc đắt giá hiện thời chỉ chặn nhánh chứ không có khả năng chặn nguồn. Chuyên gia về phương pháp tự chữa bệnh tuyệt thực G. P. Malakhov gọi nó là “nuôi bệnh”; ta tạm hiểu là dìm vi rút xuống sâu hơn trong tế bào, hoặc loài vi rút đó sẽ chạy qua nhánh sông khác sinh sống. Phương pháp dưỡng sinh gạo lứt + muối mè hay nhịn đói chính là cắt ở nguồn sông, nhờ vậy tất cả mọi nhánh của sông tự cạn!
Tuyệt thực, phương pháp này theo các chuyên gia ngành khoa học nhịn đói, sẽ kích thích sự tái tạo sinh lý, dẫn tới việc đổi mới và làm trẻ lại các mô, tế bào và phân tử cùng thành phần hóa học của cả cơ thể, dễ dàng quét sạch mọi thứ độc tốc, a xít, mọi thức có thể gây nên điều gọi là bệnh tật. Chữa bệnh nan y phải mất vài chục ngày đến mấy tháng nhịn. Đây cũng là điều quá khó, quá khó. Hành xác rất dễ sai lầm. Nếu theo một điều gì không nhận được hạnh phúc thì nên bỏ. Thế nên chỉ áp dụng phương pháp này khi có chuyên gia và bản thân phải với một sự tự nguyện, tự do tuyệt đối và xem khoảng thời gian đó ta đang thực hành ân huệ cho chính cơ thể của mình; ngược lại có bực bội, sân si nó sẽ đưa lại tác dụng ngược. Có người nhịn không đúng cách đã nhận thảm họa khôn lường. Nguyên tắc của sự nhịn dài ngày chữa bệnh nan y là hoàn toàn không ăn, chỉ uống chút nước ấm; tắm rửa cũng phải có phương pháp riêng. Nhịn mà vẫn ăn trái cây, các loại thực phẩm kiêng, uống sữa, nước chanh, đường, thì cơ thể sẽ dựa vào chút ít đó mà không tiêu năng lượng dư thừa trong cơ thể; chưa nói những thứ ăn kiêng trên toàn là Âm tính, có những thứ cực âm. Người nhịn do vậy luôn trong tình trạng bị cơn đói tra tấn; chỉ xét về mặt tinh thần đã bị đánh gục. Nhịn ăn hoàn toàn sẽ khổ nhọc mấy ngày đầu, sau đó cơn đói tự dứt có khi hàng tháng trời; lúc đói dữ dội trở lại tức phải tạm kết thúc đơt nhịn. Trước đây bên phương Tây có một những trung tâm nhịn đói rất hiệu quả, song rồi bị đóng cửa với lý do: nếu theo phương pháp hiện đại, mười người vào, đa phần bó tay thì chẳng sao, (nan y mà!); còn nhịn đói hay thực dưỡng Osshawa, mười người vào, đa phần khỏi bệnh nhưng một vài người không qua khỏi liền bị lên án.
Nhịn ăn, gọi ở mức thấp hơn là khổ hạnh, hạnh này cũng cần lắm đối với người tu bất cứ thời đại nào. Đó là sự hỗ trợ tối cần thiết để hành giả hướng vào nội tâm, xoay tri giác vào tự tánh lần tìm hạnh phúc đích thực. Cũng có người lấy hạnh phúc từ tài, danh, sắc, thực, thùy. Không hẳn xấu. Nhưng hạnh phúc dựa vào đó, lúc mất đi phía trước phần nhiều là ngõ cụt. Nói đúng hơn, thứ hạnh phúc này chắc chắn bị tước sạch ở bên kia thế giới; còn niềm hạnh phúc có từ hành trì tâm linh sẽ theo ta xuyên được vào mọi cảnh giới. Vẫn nghĩ các vị sư trong núi là khổ hạnh ép xác, chân thật học Phật mới thấy niềm hạnh phúc của họ vô biên vô tận (dẫu một ngày chỉ ăn lưng chén cơm, nhiều vị cả tháng trời nhịn, lấy hạnh đó hồi hướng cho chúng sanh bệnh khổ). Ohsawa từng nhịn ăn 2 tháng và hỏi: Các bạn nhịn được bao ngày?
Chính là nghị lực, nghị lực của người bệnh.
Chúng ta phần lớn lệ thuộc vào thói quen ăn uống theo kiểu khoái khẩu trong lúc không tìm hiểu cơ thể chính xác cần gì đã được huân tập từ nhỏ, nên rất dễ phát bệnh. Chiếu theo nguyên lý trường thọ Đông phương cũng như qua nghiên cứu của khoa học dinh dưỡng hiện đại, ăn thịt động vật là bước thụt lùi trong tư duy nhận thức về nhân sinh và vũ trụ quan. Ăn chay không những bản thân, người chung quanh được thiện hưởng mà còn khiến môi trường chung trong sạch. Thực dưỡng trong việc chữa bệnh đơn giản là điều chỉnh lại cách ăn uống theo quân bình Âm Dương. Người bệnh hầu như phải chay tịnh ở mức tuyệt đối trong một thời gian, có bệnh dăm ngày đã lành, có bệnh vài tháng trở lên. Chưa bàn đến chuyện từ bỏ cá thịt, ngay bỏ đường thôi cũng khó lắm. Đường được Ohsawa kịch liệt cảnh báo từ nửa thế kỷ trước. Thậm chí ông còn ví mức độ nguy hiểm của nó còn hơn cả nha phiến, là nguồn năng lượng cho những khối u nẩy mầm. Trước cả thời gian đó một nhóm nghiên cứu ở phương Tây đã phát hiện ra tai hại của đường song do mức lợi nhuận từ đường quá lớn nên thông tin này với nhiều lý do đã không trở thành đáng tin cậy. Ngày nay khoa học cũng thừa nhận mức độ nguy hiểm của đường trong khi nó ăn sâu vào tiềm thức nhân loại. Cơ thể chúng ta hầu hết đã thừa đường qua việc ăn ngũ cuốc và nhiều thực phẩm khác, minh chứng là người mang bệnh tiểu đường tất nhiên phải hạn chế ăn cơm. Đường dưới bất cứ hình thức chế biến nào và cả trong trái cây đều đi ngược lại với phương pháp thực dưỡng bởi nó tạo nước từ các thực phẩm đưa vào cơ thể khiến tế bào trương nở, gây nên mức độ âm nặng, làm cơ sở cho nhiều căn bệnh hiểm nghèo và cả nan y. Một số nghiên cứu uy tín gần đây cho thấy, nếu để chữa trị ung thư điều tiên quyết phải loại đường, sữa, trái cây, (và thịt cá) ra khỏi danh sách ăn uống.
Thật không dễ đi vào con đường sáng này. Thậm chí có người đứng trước số phận đếm từng ngày, họ thà nhận đau đớn, được ăn uống theo lệ thường chứ không chọn nổi thực dưỡng Ohsawa. Có người gạt được thịt cá, lại không bỏ được những thứ tưởng nhỏ nhặt mang âm tính nặng như tiêu ớt, nước đá, cà phê, v.v. Ung thư (nhiều khi được gọi là bệnh chết), theo phương pháp thực dưỡng cũng giống như người kiệt sức vẫn phải trèo qua một ngọn núi chất ngất; nhưng có người với nghị lực lớn, (có thể nhờ vào niềm hy vọng về sự sống), họ lại vượt qua một cách nhẹ nhàng, rồi gắn bó với phương pháp này suốt đời. Bỗng nhớ trường hợp đôi vợ chồng ở quê. Người vợ bị ung thư, đã chọn Ohsawa. Động viên vợ, chồng ăn cùng. Người vợ sau đó lành hẳn và điều bất ngờ là cả hai không dứt được gạo lứt muối mè nữa. Theo Ohsawa: “Những món trường sinh là những thức ăn ngon nhất”. Điều quan trọng lúc ăn mà hầu như ai cũng bỏ qua là nhai kỹ, ngậm miệng nhai ra nước, thấy ngọt mới nuốt. Nhai càng nhiều lần, tuyến nước bọt sẽ hòa quyện như sữa, tạo năng lượng nhờ nội lực tự sinh, miếng cơm trở thành biệt dược. Ohsawa khuyên: “Nếu, vào lúc đầu, bạn không thể tìm thấy hương vị, thì hãy nhai mỗi búng (cơm gạo lứt muối mè) một trăm lần hay hơn. Bạn sẽ thấy nó một cách chắc chắn. Càng nhai, người ta càng thấy ra hương vị đích thực. Tất cả món nào thấy ngon lúc đầu, nhưng trở nên càng lúc càng ít ngon đi khi người ta nhai thì không phải là một món ăn tốt. Tất cả món gì làm tăng cường sức khỏe thì lúc đầu có một hương vị bình thường nhưng trở nên càng lúc càng ngon miễn là cứ nhai và tiếp tục nhai mỗi ngày thì các bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi, dẫu cho có ăn món ấy suốt đời. Nếu muốn hiểu hơn lời tôi nói, hãy nhai một miếng thịt một trăm lần, bạn sẽ nhận ra càng nhai càng gớm”.
Xem xét căn bệnh sau đây sẽ thấy giữa phương pháp thực dưỡng “cổ lỗ sĩ” và y học hiện đại hoàn toàn trái ngược. Việc bác sĩ khuyên chúng ta uống nước nhiều hàng ngày và nhất là đối với con bệnh để rửa thận, đào thải vôi và sỏi, theo Tiên sinh, “là những người ngớ ngẩn nhất”; “họ thuộc về giai đoạn thứ hai của trí phán đoán”, và “đó là tâm trạng và sự hiểu biết của những người văn minh”. Mỗi lít máu/nước thận lọc hàng trăm lần trong ngày; nếu uống trên một lít nước là buộc thận phải làm việc thêm rất mệt nhọc. Giới khoa học khảo nghiệm: hầu như thứ khô khan nào đem ép đều có nước, kể cả cục than, vậy nên thường ta ăn gì cũng quá nhiều nước rồi. Thận đã suy, uống nhiều nước thì kiệt. Kinh nghiệm của Ohsawa: trong 24 giờ nếu đi tiểu từ 2 - 3 lần là uống nước đúng. Theo chỉ tiêu này, mỗi ngày nếu không ăn canh, cơ thể chỉ cần chưa tới 1 lít nước. Đối với người đang trị bệnh nặng thì “hoàn toàn không uống nước và tất cả những gì lỏng (ít nhất trong một hoặc hai tuần, hay nhiều hơn nếu có thể)”. Đa phần người mập đều muốn ăn nhiều thịt, nhiều trái cây, nhiều đường. Đó là thói quen trượt đà và rất khó ghìm cương.
Dưỡng sinh tiết thực Ohsawa có 7 nấc, (có thêm 3 nấc âm: -1, -2, -3), tùy theo bệnh mà ăn ở mức phù hợp; cao nhất là “số 7” (mức chữa bệnh nặng, nan y): chỉ thuần gạo lứt + muối mè, trong ngày không ăn bất cứ gì thêm và chỉ uống rất ít nước, nhịn hẳn càng tốt; mức từ số 5 trở xuống giảm dần gạo lứt và có thêm khoảng 20 - 30% rau; mức thấp nhất có công thức: 40% gạo lứt, 30% rau cỏ xào khô và mặn, 10 % canh và 20% thịt cá (từ mức 3 trở lên không có thịt cá); kiêng trái cây, đường, kiêng ăn rau củ ÂM tính như măng, cà, giá, nấm...; các đồ uống như cà phê, bia rượu, nước đá,... Ăn những thứ DƯƠNG tính như bí ngô, bắp cải trắng, cải cay, cải ngọt, khổ qua, su hào, cải tần ô, rau dấp cá, ngò tây, nghệ, hành, kiệu, mít non, tương đậu nành trên một năm, cà rốt, rau bồ ngọt, rau đắng, trái gấc, dâu tây, hạt dẻ, táo, trà già ba năm, sữa thảo mộc, bột sắn dây, mạch nha, trà đinh lăng, nhân sâm, muối biển tự nhiên, v.v.
Một số thực phẩm Âm tính có thể nấu thành Dương: ví như quả vả đem chiên, hoặc để vậy kho khô với nghệ, nhiều muối; cà pháo thì ướp mặn hàng năm trời như dân gian xưa hay làm; hoặc trái chanh, mơ (âm tính nặng), người ta muối trong 3 năm sẽ chuyển qua dương, thành thuốc đặc trị nhiều loại bệnh.
Gạo lứt tốt nhất là nấu nồi đất hoặc nồi gang với lửa/than củi hoặc lửa ga, đặc biệt không dùng nồi cơm điện.
Ngâm gạo lứt 22 tiếng là do một nhóm nghiên cứu ở Nhật thử nghiệm, đây là giai đoạn gạo nẩy mầm, nhờ đó tăng chất bổ dưỡng. Tuy nhiên theo nguyên lý Ohsawa có lẽ hơi trái ngược vì ngũ cốc nẩy mầm là chuyển qua Âm (ví như đậu xanh vốn tốt, lúc thành giá thì cực âm, nên dưỡng sinh khuyên tránh). Hơn thế theo tinh thần từ bi trong đạo Phật, động, thực vật nẩy mầm tức là sự sống, thường người Phật tử không dùng. Vấn đề ngâm gạo lứt 22 tiếng có cần thiết không dẫu sao vẫn đang chờ lời đáp từ những công trình nghiên cứu nghiêm túc. Nhưng điều chắc chắn là nếu không ngâm gạo, cơm sẽ ngon hơn nhiều.
Muối mè tỉ lệ: 7 - 10 mè + 1 muối (không mì tinh).
Ăn một miếng cơm nhai 30 đến khoảng 100 lần, xong nuốt một thể.
Theo một số người nghiên cứu về dưỡng sinh, phương pháp ăn “số 7” có thể phản ứng phụ đối với những bệnh nhân đã chữa quá nhiều thuốc Tây và thời gian chữa quá dài ngày, nên cần có chuyên gia theo dõi thể trạng để điều chỉnh.
Để đảm bảo chất lượng của phương pháp cũng cần nhắc lại là tuyệt đối kiêng bất cứ thứ gì liên quan đến chữ đường. Hễ trên nhãn có đường là tránh. Trái cây cũng thế. Nói chung chỉ dùng nó lúc bất đắc dĩ, còn không chủ động. Ăn đơn giản thuần dương, và thực hành nhâm nhi cảm giác hạnh phúc từ cơn đói nếu kết hợp với việc nghỉ ăn, bởi đó là lúc cơ thể thực sự được nghỉ ngơi, để nó “sạc” lại năng lượng cho chặng đời tiếp theo. Đối với người bình thường, thực hành ăn theo phương pháp kiêng âm, thạnh dương cũng đem lại lợi ích rất lớn. Công thức chuẩn: Càng ăn ít, càng nhai kỹ, càng khỏe mạnh và mau lành bệnh.
Ohsawa rất hiếm khi chữa lần thứ hai cho ai, bởi người bệnh đã qua tay ông sẽ không phải quay trở lại (dĩ nhiên họ phải tương đối tuân thủ chế độ). Người ăn ở mức “số 7” trong khoảng 7 năm trở lên là có thể ăn uống bừa bộn vẫn không hề hấn. Điều này chứng minh cho việc những bệnh nhân của Tiên sinh trong sự kiện bom nguyên tử ở nước Nhật, họ không bị nhiễm phóng xạ trong lúc rất nhiều người quanh đó nhận cái chết. Hay Ohsawa cũng từng uống một dạng thuốc độc trước lúc thuyết giảng để minh chứng trước đại chúng về phương pháp tối ưu của mình.
Ăn chay, hay ăn theo thực dưỡng Oshawa là tinh túy của minh triết trường thọ. Nguyên lý y học Viễn Đông kết hợp với hành trì tâm linh chính là hiểu cội gốc cơ thể mình do vậy bệnh được chữa tận gốc; đồng nghĩa người đó trở thành bác sĩ giỏi cho chính mình. Cách lập luận của Ohsawa rất gần giáo lý “tự nhiên”, “tự do” tuyệt đối của Đức Phật. Ông thường nhắm vào khái niệm “giải thoát”; hay triết thuyết: “Nếu bạn cho ai một phần nhỏ hay lớn tài sản của mình thì điều này không phù hợp với nguyên lý Đông phương của chúng tôi: “cho, rồi cho, rồi cho đến vô cùng”, bởi vì bạn diễn tả cái nguyên tắc của Tây phương: “cho ra rồi lấy lại” bằng ngôn ngữ của Đông phương; rất gần với Bố thí Ba la mật... Không rõ Ohsawa đã thấu lý về vũ trụ nhân sinh hay chưa (?) mà vẫn thiên chú trọng vào thể xác (sắc uẩn), quá xem nhẹ phần tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) để thoát khỏi bể khổ vô biên trong thế giới Ta Bà. Các vị chân tu cậy vào tâm lực không phân biệt chấp trước, họ ăn rất ít và thường chỉ một bữa thì không nhất thiết phải chọn lựa đồ ăn, điều này đã đứng trên phương pháp quân bình của Tiên sinh rồi. Hơn thế, người tu thành tâm sám hối tội chướng, tinh tấn chánh pháp, một lòng cầu giải thoát với nguyện lực cứu độ chúng sanh, họ chẳng những trừ được bệnh nan y mà còn chuyển được cả cảnh giới, đổi uế độ lấy tịnh độ. Tất nhiên, hướng về cõi Phật ai cũng phải từ những bước đầu tiên. Do vậy, biết kết hợp hài hòa giữa dưỡng sinh (thế pháp/tục đế) và tu luyện (xuất thế gian pháp/chân đế) có thể người tu sẽ tiến xa và tiến nhanh hơn trong sự nghiệp giải thoát khỏi vòng luân hồi hắc ám.
Độc giả có thể xem thêm bài viết liên quan: “Thấy bệnh & Thấy tánh” (Văn Hóa Phật Giáo số 200, 1/5/2014), hiện có trên Thuvienhoasen.org).