Ngược dòng lịch sử về đất Định Tường
Sau khi mất ba tỉnh miền Đông Gia Định, Biên Hòa và Định Tường; các phong trào khởi nghĩa kháng Phápcủa nhân dân Nam kỳ liên tiếp nổi lên. Lãnh tụcác lực lượng nghĩa binh là các nhà trí thức yêu nước, thức thời, không thể ngồi yên khi “Bến Nghé của tiền tan bọt nước. Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây” (1)Các cuộc khởi binh của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân (Thủ Khoa Huân), Võ Duy Dương (Thiên Hộ Dương)… lan rộng.
Tháng 6 năm 1862, Thủ Khoa Huân và nghĩa quân của ông gia nhập lực lượng Trương Định.Ngày 5 tháng 2 năm 1863, quân Pháp tấn công vào căn cứ Tân Hòa (Gò Công). Căn cứ thất thủ, Trương Định kéo quân về Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh), cònThủ Khoa Huân lui quân về Bình Cách, trực tiếp lãnh đạo nghĩa quân tỉnh Định Tường.
Ngược dòng lịch sử về đất Định Tường với những mốc thời gian và sự kiện như sau:
Năm 1863, ông Nguyễn Minh Hương đưa lực lượng của mình, gồm thân thuộc và nông dân trong làng, theo phò Thủ Khoa Huân. Thời gian sau, ông được Thủ Khoa Huân giao giữ chức Đốc binh. Anh em của Đốc binh Hương gồm 6 người, ông là người thứ Tư, tất cả đều tham gia nghĩa binh của Thủ Khoa Huân đánh Pháp, hoạt động trên dãy đất từ Tân An đến Mỹ Tho.
Quân Pháp tấn công Bình Cách, Thủ Khoa Huân rút quân về Thuộc Nhiêu (nay thuộc huyệnCai Lậy,tỉnh Tiền Giang). Nghĩa binh tuy võ khí thô sơ giáo, mác, cung tên …nhưng lòng yêu nước rất cao, được nhân dân ủng hộ, củng cố lực lượng tiếp tục đánh giặc.
Tháng 6 năm 1863, lúc ban đêm quân Pháp bất ngờ tiến đánh Thuộc Nhiêu. Các trận đánh bảo vệ căn cứ là không cân sức. Cuối năm đó, Thủ Khoa Huân phải rút quân đến An Giang gặp Võ Duy Dương(Thiên Hộ Dương) và cùng thủ lĩnh Dương chiêu mộ nghĩa binh khởi nghĩa lần thứ hai. Thủ Khoa Huân chuyển quân về vùng Thất Sơn, An Giangdựa thế núi lập căn cứ, tiếp tục chiến đấu.
Theo Nguyễn Văn Hầu trong quyểnNửa tháng trong miền Thất Sơn(Nhà xuất bản Trẻ, 2006, tr. 155), lúc nầyBộ chỉ huy quân đội Pháp rất lo ngại “nông dân nổi loạn chống lại nhà nước Pháp”,Đô đốc Nam Kỳ De la Grandière đãgửi tối hậu thư buộc Phan Khắc Thận,Tổng đốc An Giang, giao nộp Thủ Khoa Huân cho họ trị tội vì ông nầy không tuân theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862).Tổng đốc An Giang không thuận. Doudart de Lagrée được lệnh đem 500 quân cùng đại bác từ Oudong (Campuchia) xuống huy hiếp thành An Giang. Trước áp lực đó, Tổng đốc An Giang đành nhượng bộ.
Giặc Pháp bắt được Thủ Khoa Huân đưa về Sài Gòn dụ hàng nhưng Thủ Khoa Huân vẫn kiên quyết chối từ. Cuối cùng, vào ngày 22 tháng 8 năm 1864, ông bị kết án 10 năm tù khổ sai và đày đi Cayenne, là một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.
Tháng 2 năm 1869, Pháp cho lệnh ân xá, đưa ông Thủ Khoa Huân về quản thúc tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một người bạn thời thơ ấu của ông, với hy vọng chiêu hàng. Ở đây, Thủ Khoa Huân liên lạc với các sĩ phu yêu nước,nhờ mua võ khí chuẩn bị khởinghĩa thì bị lộ. Thủ Khoa Huân trốn về Mỹ Tho họp vớiÂu Dương Lân tiến hành khởi nghĩa lần thứ ba vào năm1872. Dân chúng theo ông rất đông, trong số đó có nhiều người trong ban hương chức, hội tề làng xã và địa chủ... Địa bàn hoạt động của lực lượng khởi nghĩa Thủ Khoa Huân kéo dài từ Mỹ Tho đến Mỹ Quý - Cai Lậy.
Cuối năm 1874, quân Pháp có Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương đánh vào căn cứ ở Bình Cách. Đốc binh Hương chỉ huy nghĩa quân đánh trả quyết liệt nhưng không cản ngăn được.Trước thế giặc mạnh, nghĩa quân bỏ chạy tán loạn. Đốc binh Hương đưa Thủ Khoa Huân thoát về Chợ Gạo. Đếntháng 3 năm 1875, Thủ Khoa Huân trở lại vùng Tân An thì bị bắt vì bị chỉ điểm.
Lúc đó, có tin Đốc binh Hương là người chỉ điểm cho quân Pháp bắt Thủ Khoa Huân nhưng thực hư chưa rõ.
Tỉnh trưởng Mỹ Tho De Gailland chiêu hàng không thành, đã kết án tử hình ông.Ngày 15 tháng 4 năm Ất Hợi (tức 19 tháng 5 năm 1875), tàu Pháp chở ông xuôi dòng Bảo Định về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa.
Các tư liệu nghiên cứu lịch sử và viết về Thủ Khoa Huân sau nầy ghi như sau: “Trần Bá Lộc đã cho bắt vợ con của Đốc binh Hương (thuộc hạ của Thủ Khoa Huân) buộc ông này phải làm chỉ điểm”(Sách Nguyễn Hữu Huân,Nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuấttr. 118, các tác giả Phạm Thiều-Cao Tự Thanh-Lê Minh Đức - Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1986);và “Năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc bị bất lợi, ông cùng tùy tùng Đốc Binh Hương trở về Chợ Gạo dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Đốc Binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân ngày 15 tháng 5 năm 1875, đem giam tại Mỹ Tho (www.tiengiang.gov.vn/ trang thông tin điện tử tỉnhTiền Giang).
Vài bài viết khác về Thủ Khoa Huân cũng trích dẫn từ sách Nguyễn Hữu Huân,Nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuấtnói Đốc binh Hương là người chỉ điểm nhưng không có chứng cứ rõ ràng.Đốc binh Hương có tất cả 4 bà vợ. Các tư liệu nêu trên không ghi rõ giặc bắt bà vợ nào của ông và làm cách nào Trần Bá Lộc mua chuộc được Đốc binh Hương?
Theo lời kể của các vị đời trên họ tộc Nguyễn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang,sau ngày Thủ Khoa Huân bị xử tử, Đốc binh Hương cùng với Âu Dương Lân tiếp tục cầm quân chống giặc nhưng lực lượng yếu dần rồi tan rã. Sau 5 năm bị giặc truy lùng, Đốc binh Hương bị giặc bắt và giết hại vào ngày 12 tháng 7 năm Canh Thìn (1880). Các anh em của ông cũng cùng chung số phận.
Nỗi oan “chỉ điểm” của Đốc binh Nguyễn Minh Hương(1820-1880) đã làm con cháu họ Nguyễn các đời sau đau lòng, ít nhiều uất ức. Tổ tiên của mình có làm điều sai trái đó không? Làm sao chứng minh là không ?
Tìm tư liệu về Nguyễn Hữu Huân trên trang Bách khoa Toàn thư (Wikipeida) cũng thấy trích dẫn từ sách “Nguyễn Hữu Huân: Nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất”nói Đốc binh Hương là người chỉ điểm, nhưng trong phần chú thích lạicóthông tin khác: “Tuy nhiên, theo bức thư của Đỗ Hữu Phương đề ngày 24 tháng 5 năm 1875 gửi cho nhà cầm quyền Pháp thì người chỉ điểm tên Lê Thị Năm, có chồng tên Trần Văn Thuông tham gia chống Pháp bị bắt giam, nên bà tình nguyện chỉ nơi ông Huân đang ẩn trốn để chồng được tha (Lá thư mang ký hiệu SL.4504, hiện ở tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh)”.
Phải chăng đây là chứng cứ minh oan cho Ngài Đốc binh Hương?
Tìm trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (TP.HCM), thấy có hồ sơ SL. 4504, tức Services Locaux 4504 nay là GOUCOCH 4504(Những ban ngành địa phương của Chính phủ Nam kỳ) vàtập tài liệuCorrespondances Diverses de la Juitce Indigène Années 1875-1880 (Thư từ khác nhau của Tư pháp Bản xứ những năm 1875- 1880)có lá thư viết tay chữ Việt của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Nội dung như sau:
Chợ Lớn, le 24 Mai1875
Kính
Quan lớn được mọi sự mạnh khỏe và được tỏ.
Khi trước có người đàn bà nầy tên là Lê Thị Năm đến xin chịu chỉ chỗ bắt Thủ Khoa Huân cho được xin quan lớn tha tội cho chồng nó Trần Văn Thuông ở tù khám Sài gòn.
Thời quan lớn chịu hứa mà cho theo như lời nó
Khi tôi đi bắt những quân nghịch ấy thì thấy thật nó có lòng mà chỉ vẽ mọi đường cho được bắt quân nghịch ấy.
Bây giờ đã bắt được Thủ Khoa Huân rồi nó không xin phần thưởng mà chỉ xin lượng quan lớn tha tội cho chồng nó về thôi. Lại nó kỳ 15 ngày hay 1 tháng thì nó sẽ bắt tên Lâm Lễ cho quan lớn còn quan lớn muốn hỏi nó về việc tên Chương, tên Bình nó sẽ bẩm các việc cho quan lớn rõ.
Đỗ Hữu Phương
Hồ sơ lưu trữ Correspondances Diverses de la Juitce Indigène Années 1875-1880 còn có thư của Đỗ Hữu Phương viết bằng chữ Pháp gởi ông Giám đốc Nội vụ:
Phu Phuong adresse la présente lettre à Monsieur le Directeur de l’Intérieur.
La femme Lê Thị Năm qui a contribué par des indications à la prise du Thủ khoa Huân demanda la grâce de son mari, actuellement déterné à la prison de Saigon, Monsieur le Directeur voulant bien lui montra cette faveur.
Cette femme ne demanda aucune récompense en dehors de la grâce à son mari.
Elle promisa, dans un délai de 15 jours ou un mois, amenerait l’arrestation de Lâm Văn Lê.
Si Monsieur le Directeur voulait (?) d’autres renseignements, il pourrait interroger la femme Lê Thị Năm.
Signé: Đỗ Hữu Phương
C’est Lê Thị Nhơn parlé.
Bản dịch như sau:
Phủ Phương gởi thư này đến ông Giám đốc Nội vụ.
Người đàn bà Lê Thị Năm đã góp phần bằng những chỉ dẫn bắt được Thủ Khoa Huân, xin ân huệ cho chồng nó hiện bị giam ở khám Sài Gòn; ông Giám đốc đã rất muốn cho nó sự chiếu cố này.
Người đàn bà này không đòi một sự thưởng nào ngoài ân huệ cho chồng nó.
Nó hứa trong kỳ hạn 15 ngày hoặc 1 tháng có thể bắt Lâm Văn Lễ.
Nếu ông Giám đốc muốn có những tin tức khác, ông hãy hỏi con đàn bà Lê Thị Năm.
Ký tên: Đỗ Hữu Phương
Chính Lê Thị Nhơn nói lại.
Các tư liệu nầy là chứng cứ xác thực làm rõ kẻ chỉ điểm bắt Thủ Khoa Huân là một người đàn bà tên Lê Thị Năm, người khai báo sự việc là Lê Thị Nhơn. Các tác giả khi viết về nhân vật lịch sử Thủ Khoa Huân, thường trích dẫn tư liệu của tác giả trước, đã không biết, hoặc không cất công tìm kiếm tư liệu lưu trữ trong thời kỳ nầy, vô tìnhđỗ tội chỉ điểm cho Ngài Đốc binh Nguyễn Minh Hương. Nỗi oan đó kéo dài đến hôm nay là 139 năm.
Biết được thông tin từ các tư liệu lưu trữ, hậu duệ họ Nguyễn xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo là con cháu trực hệ củaNgài Đốc binh Hương rất vui mừng vì nỗi oan của cha ông được giải, trong tâm tư tình cảm của họ tộc đã thấy nhẹ nhàng hơn.
Hậu duệ Ngài Đốc binh Hương ở Chợ Gạo,Tiền Giang ngày nay là những ai?
Đọc sơ thảo Gia phả họ Nguyễn (ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) biết được Ngài Đốc binh Hương được gọi là ông Sơ (Đời Hai) có 4 bà vợ, 11 người con. Người con thứ Chín là ông Nguyễn Văn Huyền (Đời Ba), con ông Huyền là ông Nguyễn Văn Hiền (Đời Bốn) đều sống thanh bần, không cộng tác với giặc.Con ông Hiền là ông Nguyễn Văn Sanh (Đời Năm -liệt sĩ thời kỳ đầu chống Mỹ).
Các con ông Nguyễn Văn Sanh gọi Đốc binh Hương là ông Sơ, đã noi gương cha ông, phát huy lòng yêu nước, có nhiều đóng góp với cách mạng, kể cả đóng góp máu xương, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc.
Người con thứ Hai của liệt sĩ Nguyễn Văn Sanh là liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm tự Đô, người thứ Ba là liệt sĩ Nguyễn Văn Chỉ, người thứ Tư là ông Nguyễn Văn Huy tức Trung tướng Nguyễn Việt Thành(Tư Bốn), nguyên Giám đốc Công An Tiền Giang, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công An; người thứ Chín là Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Tiền Giang; thứ Mười Hai là Nguyễn Văn Mười Hai,Thượng tá Công An thị xã Gò Công; thứ Mười Ba là Nguyễn VănTân, Thượngtá Công an tỉnhTiền Giang.
Vợ của ông Nguyễn Văn Sanh là bà Phạm Thị Phương (1925-2005) được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng vì có chồng và 2 con hy sinh vì Tổ quốc.
“Nghi án chỉ điểm” của Ngài Đốc binh Hương bấy lâu nay tuy không ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của con cháuhọ Nguyễn,cũng như tình cảm của đồng bào Chợ Gạo đối với họ tộc Nguyễn Minh, nhưng vẫn có điều gì đó gọi là vướng mắc trong lòng các hậu duệ khi nghĩ đến tổ tiên. Nay, mọi việc đã rõ, con cháu đời Sáu, đời Bảyhọ tộc Nguyễn càng tự hào hơn khi đọc hai câu đối tôn vinh họ tộc:
Thượng phò vương cứu quốc, tự tổ tiên vinh hoa phú quý
Hạ dưỡng dân khai cơ lập nghiệp trường cửu thái bình
Ông Tư Bốn Nguyễn Việt Thành từ ngày nghỉ hưu đến nay chú tâm lo cho xã nhà và họ tộc Nguyễn của mình. Ông là người đi đầu cuộc vận động “Hiến đất mở đường, góp tiền làm lộ” làm thay đổi tình hình giao thông ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Ông đã cùng với chánh quyền xã hết lòng chăm lo mồ mả liệt sĩ và gia đình chánh sách; riêng ông vận động anh em, con cháu đóng góp tiền bạc, công lao để quy tập mồ mả ông bà tổ tiên và thân thuộcvề nghĩa trang họ tộc Nguyễn Minh tại ấp Bình Long.
Và mới đây, ông cùng với người em thứ chín là Nguyễn Thanh Nhàn,dựng lại Gia phả họ Nguyễn(2), viết rõ lịch sử dòng họ với niềm vui nhân đôi minh oan được cho ông Sơ Đốc binh Nguyễn Minh Hương, thể hiện trọn vẹn lòng tôn kính và tự hào của con cháu với các bậc tổ tiên, ông bà đã khuất.
(1): Hai câu trong bài Văn tế của Nguyễn Đình Chiểu
(2) Gia phả họ Nguyễn do Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM phục dựng