Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
695
123.238.929
 
Triết lý thợ hồ
Hoàng Đình Quang

Tốt nghiệp lớp mười hai, tôi thi rớt đại học, cả ba trường đều rớt. Tôi không buồn lắm, ba tôi không nói gì, chỉ có mẹ thì thật buồn. Mẹ buồn, đôi mắt mẹ trễ xuống, không nhìn thẳng, không nhìn ai mà hình như mẹ tìm một cái gì đó, có lẽ là tương lai của tôi. Tương lai của tôi? Tôi nhận quyết định nhập ngũ rồi hào hứng theo đám tân binh lên Trại huấn luyện Phú Giáo. Sau ba tháng, tôi được bổ sung về phòng hậu cần tỉnh đội. Ở một cơ quan "oách-xì dầu" này, tôi lại được biên chế vào một bộ phận nghe cũng oách không kém: Đội xây dựng cơ bản! Nghe vậy, nhưng không phải vậy mà chúng tôi là một "tiểu đội thợ hồ". Thì mọi nhẽ cũng đến vậy là cùng. Ai cũng nghĩ làm anh bộ đội thì chiến đấu ngoan cường, từ nhân dân mà ra, kẻ thù nào cũng đánh thắng... Kẻ thù của chúng tôi bây giờ là những bao xi măng, còn những hố móng có lẽ còn phức tạp hơn cả giao thông hào ngày xưa. Tuổi mười tám rưỡi của tôi vốn đã được đô thị hóa nên còn lẳng khẳng lắm. Cũng qua mau, cái thời hạn hai năm, tôi xuất ngũ. Trở về nhà với vốn liếng xạ kích bài một, ba bài chính trị cơ bản và trình độ "thợ hồ bậc bét", tôi thấy mẹ vui lên một chút. Còn ba:

 

- Thằng này có tay nghề "công nhân xây dựng" do quân đội đào tạo, về nhà nghỉ ít bữa rồi tao qua nói với chú Tiền, cho mầy theo chả!

 

Mẹ tôi bừng mặt:

 

- Cái gì? Ông tính cho nó theo cái nghề thợ hồ suốt đời chắc?

 

Ba tôi vẫn cười, lạc quan:

 

- Thì làm sao? Má bây nghĩ nghề thầu xây dựng kém lắm hả?!

 

Chú Tiền với ba là bạn từ hồi nào, tôi không biết, chỉ nghe nói chú tốt nghiệp kiến trúc sư đã lâu, làm cho nhà nước mấy năm. Gặp lúc đổi mới, chú nhảy ra mở cơ sở xây dựng, rồi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Nghe ba và mẹ nói với nhau như vậy, tôi thấy cũng cần phải bày tỏ ý kiến:

 

- Làm chỗ chú Tiền lương khá không ba?

 

- Khá hay không còn do nơi mình! Mầy mà ngon, chả cho mầy làm cai, làm sếp, chắc là lương cao à...

 

- Vậy cho con theo ổng! Tôi quyết định, rất nhanh gọn.

 

Ba tôi nói để ba dẫn tôi tới "bàn giao" cho chú Tiền, nhưng tôi không muốn. Chú Tiền tuổi còn trẻ nhưng cái trán đã rộng, cằm hơi hóp lại, ngó bộ vó không mấy rộng rãi. Ngắm tôi hết lượt từ đầu tóc tới đôi giày vải bố:

 

- Biết xây?

 

- Thưa chú, con biết xây, mà xây nhà... cầu cho đại đội không à...

 

Tôi tưởng chú Tiền thế nào cũng làm nghiêm mà nẹt cho tôi một chặp. Nào ngờ, ổng ngửa người ra ghế mà cười in hệt cải lương:

 

- Giỏi! Giỏi lắm, thanh niên bây giờ đi xin việc mà dám nói năng tục tĩu vậy là nhất xứ rồi!

 

Chú Tiền không nói gì nữa mà kêu qua máy bộ đàm: Ông Năm hả? Lên văn phòng tôi có chút việc, nghe!

 

Có tiếng gõ cửa nhẹ, rồi cánh cửa bằng nhựa màu trắng ngà được đẩy ra. Một ông già râu tua tủa trắng, cái lưng hơi cong xuống trong chiếc sơ mi bợt màu, mỏng dính. Ông già nhìn tôi rồi hơi khom mình xuống:

 

- Ông ... cho gọi tôi?

 

Chú Tiền ngẩng lên, ngó thẳng vào tôi, nhưng miệng lại nói với ông già:

 

- Ông Năm ngồi xuống đây! Ông biết thằng này không? Nó là thằng con quý tử của Ba Nghĩa, bạn tôi. Đi nghĩa vụ về, biết xây nhà cầu cho đại đội đi cầu tập thể. Tôi giao nó cho tổ ông, ráng kèm cặp nó nghe ông Năm!

 

Tôi cúi đầu, nhí nhí chào sư phụ một cách kính cẩn:

 

- Con chào ông Năm!...

 

Ông già Năm vẫn ngồi im, đầu hơi cúi xuống. Chú Tiền nói thêm:

 

- Nó biết võ vẽ nghề xây nhờ đi nghĩa vụ. Thôi, theo ông Năm về tổ đi!

 

Tôi đi theo ông già sư phụ, đầu ngẩng lên vẻ hiên ngang, bất cần. Vài khúc cây tháo từ giàn giáo ra tua tủa những đinh là đinh được đóng với nhau lỏng lẻo, gác lên vài tấm tôn phi-brô-xi-măng. Đó là lán của thợ hồ, chỏng chơ vài tấm ván dính đầy xi măng làm giường. Tôi không lấy thế làm bi quan, bởi vì tôi tin vào cái số của mình thế nào cũng có ngày lên cai, lên sếp.

 

Với ông Năm, mọi người chỉ biết ông thứ Năm, không rõ tên gì, đôi khi để khỏi lẫn lộn với vô vàn những ông Năm khác, người ta gọi ông bằng cái tên Năm Thợ Hồ, viết hoa hẳn hoi. Tóc bạc, râu thưa nhưng cũng bạc, chỉ có cặp chân mày là đen thui, lại dựng ngược, hơi xiên vào trong, nom khá dữ. Nhưng tánh ông hiền khô. Đã vậy lai hơi gù lưng, đến nỗi vai áo ông bạc phếch vì nhô ra dưới bầu trời, không nón mũ nào che kín.

 

Ngày đầu tiên đi làm về mọi nơi trong cơ thể tôi đau rã rợi, bắp tay như có ai nện còn bàn tay phồng lên ứ máu vì đập gạch, kéo xô. So với những ngày ở quân ngũ thì đội thợ hồ của ông Năm quả là khổ sai. Nằm xuống, tôi ngủ được một giấc ngắn, rồi tỉnh giấc không sao ngủ lại được. Sao thế nhỉ? Hai mươi hai tuổi mà nhuốm già, là có bệnh rồi! Những ngày sau, tôi sung vào tổ bẻ sắt, không phải lao lực như đánh vữa, nhưng tay chân đổ tóe máu tươi, mồ hôi ra xót đến tận tim gan. Cực thật.

 

Rồi một lần, tính tò mò cộng với sự tự tin thái quá mà tôi đâm ra dại dột, hỏi ông Năm một câu:

 

- Bác Năm à, có phải ngày xưa chú Tiền đưa bác từ Cần Thơ về phải không?

 

Ông Năm ngừng tay xẻng, nhìn tôi như kẻ ăn trộm nhìn một viên cảnh sát, khẽ gật đầu. Cặp chân mày đen bóng của ông càng xiên vào đến tận tinh mũi. Ông không nói gì, lại tếp tục công việc. Tôi biết mình dại, lo lắng. Chợt ông Năm nhìn tôi:

 

- Cậu học hết lớp 12 rồi phải không?

 

- Dạ, phải! Có chi vậy bác Năm?

 

- Đi nghĩa vụ về?

 

- Dạ!

 

Tôi không hiểu ông già sẽ định làm gì tôi đây, nên người gồng cứng sẵn sàng ứng phó. Bỗng ông chìa bàn tay đầy những ngón thô ngắn và sần sùi những vết sẹo trắng nhởn ra trước mặt tôi:

 

- Mầy cho bác điếu thuốc...

 

Vẻ chân tinh ấy làm lòng tôi xuất hiện một cảm giác thân thiện và kính trọng ông già. Những ý nghĩ về một ông lão bơ vơ bị bỏ rơi rớt, một con người tầm thường trong một cái nghề tầm thường bỗng tan biến. Tuổi trẻ của chúng tôi là như vậy, yêu đấy, ghét đấy, trọng đấy và rồi khinh đấy, như hai mặt của bàn tay, khó mà kiên định được. Hai năm trong quân ngũ, rồi trở về tôi khát khao có một tình bạn hữu. Trong lý lịch quân nhân của tôi có mục "Bạn thân nhất", tôi ghi vô số kể, hiềm là hết giấy. Thế nhưng rồi sau đấy, tôi nghĩ về họ, những người bạn thân của tôi cũng dần dần lui vào hậu trường của trí nhớ. Tôi lại lăn mình vào cuộc mưu sinh, lại có những người bạn mới. Và, trong thân tâm tôi coi ông già Thợ hồ, vừa nghèo, vừa hèn là bạn. Đúng, ông chỉ là bạn của tôi thôi, bạn già.

 

Một lần, tôi tính mua chiếc xe cũ của anh Chín, cùng tổ. Chiếc xe Dame đời YJ, ọp ẹp, giá bảy chỉ, nhưng tôi mới để dành được bốn chỉ. Xin trả góp, anh Chín không chịu. Thấy thế, ông Năm gọi tôi ra, đưa cho tôi xấp tiền:

 

-Tao có chừng đây, đủ trả cho thằng Chín không?

 

Tôi ngần ngừ rồi cầm lấy xấp bạc, đếm thấy vừa đúng ba chỉ. Có xe rồi, nhưng tôi mang nợ. Tôi không thích nợ, đúng ra là sợ nợ nần, dù nợ ông bạn già. Ông không đòi, nhưng tôi cứ thấy áy náy. Thế rồi, tôi tích cóp, xin thêm mẹ, nửa năm sau đủ tiền trả ông Năm. Ông cầm tiền, dẫn tôi ra quán, chỉ xuống ghế:

 

-Tao bao mầy chầu nhậu nầy, nhưng tao phải cho mầy một bài học...       

 

Tôi lo lắng nhìn ông, nhưng không dám hỏi. Uống ba ly rượu thuốc, ông đặt ly xuống:

 

-Cái tướng mầy không giàu nổi đâu, con ạ!

 

-Sao vậy ông Năm?

 

-Còn sao nữa. Ông Năm bỗng nổi nóng. Mang nợ mà vội vàng đem trả, thì chẳng bao giờ khá nổi...

 

-Ông Năm biểu con...?

 

Thôi được rồi, nghe đây? Có lần mầy hỏi tao rằng ông Tiền "đem" tao về đây phải không? Đúng. Khi đó tao cũng có tiền, cũng xênh xang lắm, vì tao có nghề. Nghe ông Tiền vừa mở công ty, ổng kêu tao về giúp. Tao nghe theo, nghĩ mình ít văn hóa, rốt cuộc cũng chỉ là một thằng thợ quèn. Về làm với người có học, lại có kinh nghiệm làm trong nhà nước, biết đâu chả có ngày thành danh phận, nở mặt với thiên hạ. Nhưng làm với nhau một thời gian, tao mới biết, thằng chả không hề có một đồng cắc, ngoài số tiền ba cây vàng của tao. Nhưng Tiền là người giỏi vay mượn và cũng có tài... lỳ! Khi mượn ai, Tiền hứa ngon lành, nhưng khi trả thì lờ đi. Đòi gắt, có tới cả chục lần, hắn trả, nhưng lúc đó giá trị chỉ còn một nửa, phần vì giá đất tăng lên, phần vì đồng tiền tụt giá. Tao nghĩ, Tiền giầu là phải, ai như mầy, nợ có vài chỉ vàng đã vội vàng mang trả? Làm sao mà giàu được hả con?

 

Tôi giật mình vì sự thật, và càng giật mình hơn vì cái kiểu triết lý của ông Năm Thợ Hồ!

 

Sau một năm nhận việc, quả đúng như lời dự đoán của ba tôi, tôi được giao chúc "cai", tức tổ trưởng. Ở công ty của chú Tiền, và trong nghề thợ hồ,  là phải dùng chữ "cai" mới đúng. Nhàn, lương cao, oai, và rất có nhiều thực  lực lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì, vì suy cho cùng cũng chỉ là anh làm thuê, như những người khác, nhưng họ là "phu"! Một hôm, tôi được vời về văn phòng. Ở đó, tôi thấy có nhiều người lạ và đặc biệt, có một chiếc xe jeep chở mấy người công an tới. Họ nhảy ra khỏi xe và đứng trước mặt chú Tiền, giám đốc của tôi, một người dõng dạc đọc Lệnh bắt tạm gia giám đốc. Trong khi bao nhiêu người sững sờ run rẩy thì tôi lại cảm thấy bình thản, như là mình đã được biết trước. Trên đường trở về đội, tôi mới cảm thấy lo, lo cho chú Tiền và lo cho cả chính tôi. Ông Năm nhìn thấy tôi bơ thờ, rồi hỏi:

 

- Ổng có bị còng tay không?

 

Tôi lắc đầu, gieo mình xuống bộ ván.

 

Vài năm sau, chú Tiền được tha, nhưng chú không thành lập công ty nữa mà chuyên mua bán xe máy cũ. Đến chơi nhà tôi, chú rủ tôi theo chú nhưng tôi từ chối.

 

Công ty giải thể từ ngày chú Tiền bị bắt, thế rồi, tôi lại làm đệ tử của bác Năm. Thầy trò tôi dắt díu nhau đi tìm việc, ai bảo gì cũng làm, nhưng chỉ xung quanh việc xây xoẳng, vôi vữa, xi măng. Vào dịp gần Tết chúng tôi cũng kiếm được khối tiền. Tôi theo bác Năm, cùng làm, cùng ăn, cùng ngủ, thỉnh thoảng về thăm ba mẹ, đưa cho mẹ ít tiền, ngồi nhà một chút rồi lại đi.

 

Một hôm bác bảo tôi:

 

-Sức ta hồi này thấy yếu rồi Hải à! Không biết còn làm được bao lâu nữa. Bác hỏi thiệt mầy nha: mầy có định làm nghề này lâu dài không? 

Tôi lúng túng chưa biết trả lời sao, đành nói thật:

 

-Con tính theo bác Năm đặng học nghề tới khi nào...

 

Ông già cười méo mó:

 

-Tới khi nào ta chết phải không? Được đó! Nghề này nó cực nhưng không bạc. Tuy nhiên, để theo được nó cần phải hiểu nó. Nó cũng có một triết lý nghề nghiệp, như mọi triết lý nhân sinh...

 

Tôi hấp tấp hỏi:

 

-Triết lý sao bác Năm?

 

-Ngày mai, mầy sẽ biết!

 

Sáng hôm sau, hai thầy trò tôi lại ngồi uống cà phê đầu hẻm. Ngồi mãi, không thấy ông Năm nói gì về công việc, nhất là cái "triết lý nhân sinh" của ông. Tôi đang sốt ruột thì ông bảo:

 

-Mười giờ trưa nay, mầy pha cho tao một thùng vôi màu, và một cây chổi. Thầy trò mình được làm khách, khách sang à nghen!

 

Tôi làm theo, chúng tôi ngồi xe ba bánh đến trước một ngôi nhà sang trọng. Bấm chuông, người ra mở cửa, tôi giật mình: chú Tiền! Trong nhà lô nhô người, chúng tôi được mời vào bàn tiệc. Toàn những người sang trọng, có cả các cô gái nõn nà, xinh đẹp và có vẻ ngả ngớn. Chú Tiền trấn an khách khứa có vẻ như đang ngạc nhiên trước sự có mặt của chúng tôi:

 

-Giới thiệu với anh em, đây là ông Năm Thợ Hồ, người có tài quét vôi nhất nhì thành phố. Hôm nay tôi mời ổng đến "biểu diễn" cho chúng ta coi. Đảm bảo vui! Bây giờ mọi người cứ tự nhiên ăn nhậu, coi như không có chuyện gì xảy ra. Mà tôi thì lại muốn quét vôi cái trần này...

 

Chú Tiền chỉ lên trần nhà, nói với chúng tôi:

 

-Bắt đầu đi, ông Năm... Nếu ông quét vôi xong cái trần này mà không một giọt nào rơi xuống, ông sẽ nhận được một cây vàng. Còn nếu có giọt nào rớt xuống thì ông không mất gì cả...

 

Ông Năm không nói gì, sắc mặt chợt đỏ bừng lên rồi tái ngắt, lặng lẽ bắc cái thang chống bên cạng bàn nhậu, leo lên rồi ra hiệu cho tôi đưa vôi và chổi cho ông. Khách bên dưới, lo lắng nhìn lên, thì chú Tiền giục "dzô đi! Dzô!". Bàn tay co quắp và cáng tay khô cứng của ông bắt đầu vươn ra, từng nhát chổi ướt vôi lướt trên trần nhà. Dù chú Tiền có giục thế nào, các quý vị phong lưu bên dưới cũng không tài nào ăn uống được. Có lẽ họ sợ không chỉ một giọt nước vôi màu mà có khi cả cái thùng sơn ụp lên đầu họ. Tôi muốn hét lên "Dừng cái trò bỉ ổi này lại, bác Năm! Nhưng tôi cũng lại muốn ông Năm chiến thắng! Thời gian như ngưng lại, và, khi nhát chổi cuối cùng của ông kết thúc, tôi đỡ thang cho ông xuống, hơn chục cặp mắt đỏ đi soi mói, vẫn không tìm thấy một giọ vôi nào trên mặt bàn. Mọi người lặng ngắt, còn sắc mặt chú Tiền đang từ xám ngắt bỗng trở nên đỏ tía. Giọng chú lắp bắp:

 

-Ông... ông N' năm! Ông giỏi quá. Nhưng hôm nay tôi xin tạm... thiếu ông...

 

Như đã biết trước, ông Năm ra hiệu cho tôi gấp thang, xách xô và chổi, còn ông đi thẳng, không chào ai. Tôi đuổi theo ông ra cổng nhà chú Tiền:

 

-Bác Năm, chu Tiền lại... xù?

 

-Không sao! Ta đi dặm cái chuồng heo cho bà Bảy...

 

Không thể nén được sự kính phục, tôi hỏi nhỏ:

 

-Bác Năm? Có bí quyết gì mà bác không để sớt một giọt?

 

-Không! Không phải bí quyết, mà là triết lý!

 

-Triết lý?

 

-Đúng! Đừng có tham! Mỗi lần nhúng vôi, chỉ quét một nhát. Nếu tham, sẽ hỏng!

 

Thì ra thế! Đúng là một triết lý nhân sinh!

 

Hoàng Đình Quang
Số lần đọc: 2842
Ngày đăng: 20.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hành hương - Hoàng Đình Quang
Một người Sài Gòn - Hoàng Đình Quang
Thương con - Phương Nam
Chói chang - Hào Vũ
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức
Xôn xao đồng nước - Anh Đức
Người gác đèn biển - Anh Đức
Bài ca cuộc sống - Phạm Lưu Vũ
Chuyến xe về làng - Anh Đức