Trong các thức uống mà người Việt Nam biết đến thì cà phê là một đặc biệt. Đặc biệt vì cà phê, nguyên thủy do người Pháp đem qua ta còn dân mình thì nghĩ ra một cách uống rất không hợp với phong cách dân Tây chút nào. Nghĩa là uống cà phê phải cà kê, dê ngỗng mới thú vị. Uống cà phê không phải để giải khát mà uống để nghĩ ngợi, thư giãn, chuyện phiếm, mơ mộng và đôi khi để…ngồi một mình. Thường, mỗi khi rủ nhau ra quán nước đều:Cà phê đi! Mấy ai nói khác. Và cà phê đối với nhiều người đã trở thành một văn hóa, lâu dần biết đâu sẽ trở thành “ Cà phê đạo” như “Trà đạo” của ngượi Nhật.
Ngày nhỏ, lần đầu tập vào quán cà phê, vì không biết nên cứ để những giọt nâu rớt gần tràn ly hoặc cứ lóng ngóng đặt chiếc phin nhôm xuống bàn làm cà phê thừa chảy tràn rồi tiếc mãi. Lớn lên một chút, biết mơ mộng thì đã yêu và ghiền cà phê lúc nào không hay. Những ai từng là sinh viên mà không có chút cà phê chảy trong huyết quản. Cà phê đồng hành cùng dân công chức, dân văn nghệ, và với cả dân vô công rồi nghề, già và trẻ, không trừ chị em. Quá nửa đời, tôi vẫn là tín đồ của thứ nước nâu đặc sánh ấy.
Có những không gian đã khuất chìm nhưng vẫn rạng ngời mỗi khi nhớ lại. Quán nhỏ, mưa lạnh, lối đi hẹp, ghế gỗ hoặc ghế mây. Và mờ tối. Cà phê thơm lừng, giọt ấm. Sắc nâu có lửa làm gợi mắt nâu long lanh, mắt đen một thuở. Thảnh thơi ngồi nghe Trịnh Công Sơn. Có mái hiên lung linh hoa vàng trăng khuyết, những bức tranh thiếu nữ u sầu. Những bài ca một thuở cứ phiêu bồng mãi. Quán cũ với những bài tình xưa bây giờ đã hiếm thật rồi. Đi chơi hay công tác, tôi có thói quen dạo tìm mấy quán “cũ” như thế ở những nơi mới. Đôi khi với vài ba ngưới bạn. Đôi khi một mình. Thường thì phải dò hỏi. Khi có, khi không.
Bây giờ ở đâu cũng đô thị hóa nên cà phê cũng hiện đại và biến tướng theo. Nhan nhản cà phê video, cà phê internet, cà phê nhạc trẻ sôi động, cà phê bóng đá, cà phê lều tối, cà phê chân dài...và có trời mới biết còn có những cà phê kiểu gì?. Nhiều quán cà phê bây giờ là nơi phô diễn, nơi bọn nhóc tóc nhuộm vàng đỏ thản nhiên chiếm cứ. Đã không còn chỗ cho những người như tôi. Dù một góc yên tĩnh cũng khó khăn. Tôi đã cố thử nhưng thấy mình vẫn không quen được với các loại cà phê công nghiệp hòa vội uống liền nhàn nhạt, xa lạ với ghế màu xanh đỏ, ghế inox sáng loáng, với những giọng ca hét nhiều hơn hát. Hầu hết quán bây giờ hiện đại và sôi động. Có lẽ tôi đã thuộc về một thời xưa cũ và không còn hợp mùa. Nhưng quả thực cách ẩm thực, nghe nhìn, cảm nhận đã thay đổi rồi. Mỗi người có một quán hoặc một kiểu quán cho riêng mình. Uống cà phê đâu chỉ vì ngon hay không mà đôi khi là kỷ niệm, có khi chỉ là một không gian. Đã từng có một chỗ ngồi bình an, một chỗ trú thân cho tôi sau một ngày mỏi mệt. Tôi về dỗ mình trong quán cà phê chiều tối / bằng bài tang go mưa1. Buôn Ma Thuột, thủ phủ của cà phê, có nhiều quán thật thơ mộng với nhiều không gian xanh đầy nắng gió. Như cà phê Không Gian Xưa, cà phê Thiên Đường Mê hy Cô, thậm chí có cả… làng cà phê như làng cà phê Trung Nguyên, đi tha hồ mõi. Tôi đã vài lần lên Đà Lạt. Phải nói xứ sương mù ấy nhiều quán cà phê đẹp. Những cái tên ấn tượng: Gia Nguyễn, Làng Văn, Phượng Tím. Những quán ấy sang trọng quá. Tôi nhớ một cà phê Tùng gần chợ Đà Lạt thuở còn Trịnh xưa, nồng ấm và xưa cũ, một cà phê Trăm Mái có đường lên trăng thật lạ. Một cà phê Văn dốc sâu Buôn Ma Thuột gợi một không gian buồn đậm chất văn nghệ, một Trúc Lâm Viên rất riêng ở Đà Nẵng. Và tôi cũng nhớ rất nhiều những quán cà phê trên phố núi Plieku bàng bạc thông xanh và dốc đồi những sớm mai se lạnh. Kỳ thực có khi là nhớ một cà phê vĩa hè sáng mưa nào đó ở một thành phố bất chợt nào từng ghé qua, thảnh thơi ngồi nhấm nháp với bạn bè mà lòng có nghĩ: Một người tưởng như đang chờ đợi, thực ra đang ngồi thảnh thơi2..Thời đại công nghiệp,cuộc sống trở nên gấp gáp nên ăn uống cũng gấp gáp theo. Bao nhiêu là thức ăn nhanh, đồ uống liền. Bây giờ người ta đã quá quen với các thao tác bật nắp, dốc vội, tu ừng ực hơn là ngồi đợi từng giọt cà phê thánh thót rồi cho đường và khuấy đều, thưởng thức chậm. Cách uống đã khác. Cách thưởng thức cũng khác. Nghe nhìn thường dễ hơn đọc và suy ngẫm. Và cà phê tưởng đã khuất chìm đâu đó. Nhưng không, ai đó đã nói Việt Nam là thiên đường cà phê, nên tôi tin cà phê chưa bao giờ là thức uống ế ẩm ở cái xứ nắng lắm mưa nhiều này. Và thử hình dung trong suốt một ngày, giữa khuya và sáng sớm, trưa hay chiều, thức để làm việc hoặc thức trong mùa World cup…cà phê lúc nào cũng có mặt.
Những năm gần đây cái thức uống đầy chất trí tuệ ấy đã cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng với các đồ uống khác để khẳng định mình. Và mới đây đã có lễ hội cà phê. Cà phê đã được tôn vinh như nó vốn được như thế và đã thực sự đã lên ngôi?. Các thương hiệu cà phê Trung Nguyên, Mê Hy Cô của Buôn Ma Thuột, Thu Hà của Pleiku, Mê Trang của Khánh Hòa, Vinacafé…rồi Nescfé, Starbucks…xuất hiện nhan nhản khắp nơi. Người ta quảng bá cho cà phê cũng rầm rộ không kém gì quảng bá cho dầu gội đầu, kem dưỡng da hay mì ăn liền và cà phê ở xứ ta đang thay đổi để thích nghi dần với nhịp mưu sinh của cuộc sống hiện đại. Những đại diện cà phê Âu Mĩ đã bắt đầu xâm nhập thị phần Cà phê Việt Nam và dần có chỗ đứng. Giá mỗi ly cà phê cũng thay đổi. Có nơi vài nghìn vẫn cứ ngon và đậm. Có nơi đến vài chục nghìn mà uống vào nhạt thếch rất không giống…cà phê. Gu uống cũng bắt đầu thay đổi. Mai mốt chắc không còn kiểu uống cà phê phin mà thay vào đó bằng những lon cà phê đóng sẵn như Cocacola hay Pepsi và những tín đồ như tôi sẽ trớ thành những “ông đồ”, thưa dần rồi mất hẳn. Và cũng không còn cảnh những chiều cuối năm công việc bận rộn nhưng vẫn tranh thủ ra ngồi ở quán quen ven đường mà nghe quê quán tôi xưa3, nhìn thiên hạ ngược xuôi bất tận với một chút buồn cố xứ. Tất cả sẽ là hoài niệm. Nhưng điều đó vẫn còn chưa hoặc chỉ là những suy nghĩ của tôi trong ngày u ám nào đó thôi vì bây giờ tôi đang bước vào một quán cà phê rất ưng ý chuẩn bị chọn chỗ và gọi: Em ơi cho một đen đá !. Và dĩ nhiên là ít đường.
8/2012
1. thơ Vũ Dy
2,3. lời ca khúc Trịnh Công Sơn