Vào dịp lễ Quốc khánh 2-9, lần đầu tiên, Phan Vũ – tác giả bài thơ nổi tiếng Em ơi!, Hà Nội phố đã có buổi sinh hoạt, giao lưu Thơ và Tranh tại Gallery họa sĩ Vũ Trọng Thuấn (277 Trần Hưng Đạo, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng), do Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng và CN Nhà xuất bản Văn Học MT-TN tổ chức. Dịp này, nhà thơ Phan Vũ đã trưng bày 19 bức tranh sơn dầu mới nhất, đồng thời tâm tình sẻ chia về cuộc đời sáng tác (thơ, đạo diễn phim, hội họa) của ông với anh em văn nghệ sĩ, người hâm mộ… qua chủ đề “Phan Vũ 90 năm – Trở về quê hương Đà Nẵng”
Tôi đến phòng tranh Phan Vũ với tâm trạng thực sự tò mò: ở độ tuổi U 90, sức sống, sức sáng tạo của ông ấy thể hiện ra sao? Và thật thú vị, quả nhiên, nhìn bộ mã bên ngoài: quần jean, áo ghi- lê, áo sơ mi chim cò, râu ria…trông ông na ná, và ko già nhiều hơn so với những nghệ sĩ cùng phong cách ở độ tuổi 70. Ông hút pip, đón những cốc rượu mời chào nói cười thoải mái, rồi đọc trường ca Em ơi! Hà Nội phố dằng dặc đầy trẻ trung, say đắm, bên cạnh tiếng ghi ta thùng cùng không gian ấm áp của phòng tranh nhộn nhịp sắc màu…
Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh ở Hải Phòng năm 1926, nhưng quê gốc ở Đà Nẵng. Sau khi học hết bậc tiểu học ở Hải Phòng, ông lên Hà Nội học tiếp trung học. 20 tuổi ông theo đoàn quân Nam tiến vào hoạt động ở Khu 8, Khu 9 (miền Đông và miền Tây Nam Bộ). Sau đó được cử vào Ban Chấp hành Văn nghệ Nam Bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc, tham gia chỉ đạo Đoàn Văn công tổng hợp Nam Bộ tham gia Đại hội Văn công toàn quốc 1956. Sau đó về làm biên kịch cho Đội kịch Trung ương rồi cho Xưởng phim Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, vào Nam công tác tại Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Phan Vũ làm thơ, viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang…Ông từng đạo diễn các phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại (phim về nữ anh hùng Võ Thị Sáu). Điều kỳ lạ, cho đến gần 20 năm trở lại đây, khi đã ngoài 70 tuổi, ông lại bước sang lĩnh vực hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.
Theo nhà thơ Phan Vũ, bài thơ Em ơi, Hà Nội phố được ông sáng tác vào mùa đông năm 1972, khi Hà Nội bị bom B52 đánh phá ác liệt . Bài thơ gồm 23 đoạn, nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Với ông, Em ơi! Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, mà đó là một tiếng kêu thương tha thiết... Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được.
Phan Vũ cho biết, ông đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian: “ Ta còn em con đường vắng/ Rì rào cơn mưa nhỏ/Trên vòm cao/ Đổ xuống chuông hồi/ Nhà thờ Cửa Bắc/ Tan chiều lễ/ Kinh cầu còn mãi ngân nga...”. Bài thơ viết về thời chiến mà không gợn chút không khí căng thẳng, tang tóc, Hà Nội vẫn hiện lên bình yên đến lạ lùng. Ông nói: “Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt. Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi! Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!”
Đến năm 1985, một lần nhà thơ Phan Vũ gặp nhạc sĩ Phú Quang. Một đoạn thơ đã được phổ nhạc, càng trở nên quen thuộc với công chúng. Nhiều người khen tặng, có người nói về giá trị phần ca từ, nhưng ông vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương. Hơn thế nữa, Phú Quang với ca khúc ấy là người có công lao đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời!
Ở mảng hội họa, Phan Vũ đến với nghệ thuật này hầu như hoàn toàn do tự học. Ông không dấu diếm, khi còn trẻ, ông thường giao du thân thiết và bị mê hoặc bởi tranh của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… cùng những câu chuyện xung quanh họ. Có lẽ điều đó cứ tự nhiên thấm vào người ông lúc nào không hay. Vào một ngày kia, ở tuổi 70, lần đầu tiên căng tờ giấy dó, dùng bột màu vẽ những bức tranh trừu tượng, dần dần Phan Vũ được một số họa sĩ lớp trẻ chỉ cho ông cách căng bố, pha màu cùng những tiểu tiết lặt vặt khác. Cho đến hiện nay, tranh Phan Vũ vẫn thiên về trừu tượng, nhưng không nệ phong cách và trường phái, mà thường vẽ tự do theo ngẫu hứng. Tranh của ông có những tựa đề : Những ngọn cụt, Phố đông, Khi mặt trời đỏ, Cào và xé, Ngẫu hứng v.v… với ý tưởng, đường nét, màu sắc “không giống ai” gây sự chú ý, tò mò cho người xem. Nhiều người nhận định về tranh ông cho rằng: “…Có sự hòa quyện chặt chẽ trong ý tưởng và cả trong phương pháp thể hiện, cho dù có nhiều tính trang trí, nhưng lại đậm tính ẩn dụ, tranh Phan Vũ đã có độ chín, độ bền…”. Còn Phan Vũ bộc bạch: “…Tôi muốn kéo những bức tranh đến gần những bài thơ của tôi. Một cái gì như chút tự sự bi tráng với những màu sắc rực rỡ đối lập nhưng lại có độ trầm tạo thành nỗi buồn dịu êm…”.
Tâm sự với thân hữu và những người yêu mến tại Đà Nẵng: “Mặc dù Đà Nẵng là quê gốc của tôi, nhưng những ký ức của tôi nơi đây thật mơ hồ, về gốc tích, về họ hàng…. Đây là lần đâu tiên, tôi thực sự được sống trong vòng tay ấm áp của bạn bè thân hữu quê nhà. Tôi hy vọng sẽ viết được một trường ca về Đà Nẵng như tôi đã từng viết về Hà Nội, Hải Phòng…”. Thật bất ngờ, trong câu chuyện rời rạc của ông đã tình cờ hé lộ ra mối quan hệ họ hàng với một người hàng ghế bên dưới. Thế là thay vì chương trình vui chơi, tham quan đây đó, khoảng thời gian còn lại, Phan Vũ đã được trở lại viếng thăm tận những làng quê đất Quảng, nơi ông cha của ông đã từng sống, gắn bó nhiều thế hệ…
Và vì lẽ đó, chúng ta có quyền hy vọng, trường ca Phan Vũ sẽ viết về Đà Nẵng sẽ khởi đầu như thế!
Ảnh: Nhà thơ Phan Vũ trong buổi sinh hoạt giao lưu, giới thiệu Thơ và Tranh tại Đà Nẵng