Biết người xưa ấy
đã khói sương che
biết tình xưa ấy
đã cách bến bờ….
Ở xứ này không ai bấm chuông nhà người ta lúc 7 giờ sáng ngày chủ nhật, ngoại trừ tên đó. “Đồ hâm nặng, đồ cà chớn, đồ té giếng!” Dung càu nhàu liên hồi, vẫn đứng nấu nước pha trà, mặc kệ chuông reo. Có lần bị rung chuông vào sáng sớm mùa đông, đang vùi mình trong chăn ấm ngủ nướng, Dung nổi dóa, hét lên qua máy nói vọng xuống cửa: “Đang gọi Polizei* đến đây, quậy đi rồi biết!”
Ngó qua cửa sổ, chưa bao giờ Dung thấy hắn chạy nhanh đến thế, chân tập tễnh, hắn phóng mấy bước qua đường, biến mất sau rặng cây đào góc phố. Cô cười thầm: “Tâm thần, dở hơi đến độ nào cũng phải sợ luật pháp.”
Cứ chủ nhật, hắn gọi điện thoại đến từng nhà, hay trây mặt làm khách không mời, đến tận nhà, phát giấy truyền đạo, rủ rê người ta đi nhà thờ, tự cho đó là nhiệm vụ cao cả của hắn đối với chúa trời và người đời, dù bị chửi rủa cũng cam chịu.
Hôm nay trời nóng, hắn lên cơn hâm nữa sao mà trở lại. Dung mở cửa sổ nhìn xuống cổng chính, thở ra. Chính hắn, đang đứng tần ngần trước cửa, một tay ôm mớ giấy nói về đạo nhà trời với đủ thứ tiếng trên thế giới, một tay xách cái gói khá lớn, có vẻ kỳ bí.
- Muốn quậy phải không, chuẩn bị tinh thần đi!
Dung đưa cái Handy ra cửa sổ cho hắn thấy, bấm số 110, gọi lớn: “Hello Polizei, bitte helfen Sie mir, ich habe problem….*„
Đứng dưới đất, hắn cũng gào lên: “Vừa phải thôi bà nội, bữa nay có truyền đạo đâu, đem cái này đến cho nè, xuống lấy đi!”
Hắn biến mất lên xe bus vừa cập bến bên kia đường. Cái chân cà nhắc của hắn chắc giờ đau nặng nên chạy chậm hơn trước, còn cặp nách theo cái gậy. Khổ thân, đã vậy cứ mê mãi đi truyền đạo, hắn tuyên bố, hôm nào thuyết phục được ai chịu nhận giấy truyền đạo hay lỡ ngu đột xuất đi đến nhà thờ với hắn, là cái chân hắn bớt đau nhiều.
Đám trẻ láu cá xui dại: “Ông anh ôm mớ giấy truyền đạo lên tầng thượng, nín hơi nhảy xuống đất một phát, tật cà nhắc khỏi ngay, có khi chạy nhanh hơn gió, đạo trời thiêng lắm đấy!” hắn nửa tin nửa ngờ, chưa dám thử.
Cái chân phải đi cà nhắc cũng chính vì cả tin bạn bè. Đang hò hét xem bóng đá, đám đàn ông say xỉn xoay ra tranh luận ồn ào rằng, nhờ chịu đựng gian khổ, nhịn nhục đi phát giấy truyền đạo, chúa đã động lòng trắc ẩn với niềm tin của hắn, bây giờ hắn có nhảy từ lầu cao xuống đất chả hề hấn gì, rồi cá độ với nhau. Bị thách thức sát ván, thêm hơi rượu bốc lên, hắn lừng lững đi lên tận lầu năm cao nhất, nhảy xuống tức khắc. Nằm im, bất động!
Hơn một tháng hắn rơi vô tình trạng koma*, sống đời thực vật trong bệnh viện. Thương cảm một linh hồn cô đơn sắp về nước chúa, mọi người ghé qua bày tỏ tình đồng hương, có người sụt sịt khóc thương hắn dại dột. Khi quan tài vừa mang đến, bất ngờ hắn tỉnh dậy, ngơ ngác đòi ăn cháo vịt và muốn đi phát giấy truyền đạo!
Bác sĩ cười, gõ tong tong vào hai chân bó bột.
- Chưa vô lò thiêu hay cưa chân là may đấy, còn truyền đạo gì nữa!
Hắn cực lực phản đối, đó chính là phép mầu nhiệm của chúa trời chứ đâu phải may mắn! Chả biết linh thiêng thế nào, ít lâu sau, giấy công nhận hắn được quyền cư trú ở nước Đức theo diện tị nạn nhân đạo gửi đến tận tay, trong khi nhiều người khác bị trục xuất vì không đủ lý do tị nạn. Thêm lý do tàn tật ở chân, hắn không bị bắt buộc tìm việc làm, thong dong nhận trợ cấp xã hội đủ ăn, lại có bảo hiểm sức khỏe và nhân mạng.
Niềm tin đạo giáo của hắn từ đó tăng lên theo cấp số nhân, còn đồng hương lại gánh khổ nạn vì việc truyền đạo ngày chủ nhật.
&
Bà Đức già ở tầng dưới gọi với lên: “Xuống lấy cái gói đi, nó cứ lù lù ở đây, làm tao hồi hộp, coi chừng có chất nổ!” Báo động làm Dung hơi hoảng, có thể lắm chứ, tên hâm giận mình hay đe dọa gọi cảnh sát nên trả thù chăng. Bà hàng xóm tính đa nghi, chế thêm dầu vô lửa: “Tao thấy mặt tên đó ngơ ngơ hơi giống bọn khủng bố…dù hổng có râu ria rậm rạp!”
Dung đem cái gói ra giữa sân, đứng xa xa, dùng cái cây xé rách lớp giấy ngoài, bà Đức già chuẩn bị bỏ chạy! Hóa ra đó là cái cây nhỏ bọc trong mấy lần giấy báo thấm nước để giữ cho tươi. Cây chỉ chừng 40 cm, có một nụ hoa nhỏ còn xanh, rễ đất bao lưới cẩn thận. Mở ra, có tờ giấy nhỏ với hàng chữ: “Tặng Dung cây hoa ngọc lan, vừa mang từ bên nhà sang, để nhớ quê hương”.
Dung ngẩn ngơ, lần trước về thăm nhà, ráng nhét một cây ngọc lan nhỏ vào va-li không được, đành bỏ lại tiếc nuối. Không hiểu sao tên hâm biết chuyện, lại biết mình yêu hoa ngọc lan. Từ chối, trả lại không được, dù sao cũng phải cám ơn người tặng. Khi định gọi điện thoại, Dung mới biết mình chưa bao giờ có số telefon của hắn.
Hình như người Việt ở đây chả ai quan tâm hắn ở đâu, làm gì, nhưng hắn thì biết hầu hết mọi người, cả số nhà lẫn điện thoại.
Anh Đăng nói:
- Hắn như ma xó, biết hết chuyện kín, chuyện hở từng người, nhưng
“chuyện đời tôi” của hắn thì dấu kín, chỉ biết hắn mồ côi từ bé, họ hàng đem về nuôi chỉ để sai vặt, làm công không. Lớn lên biết tự lập thân, đi lao động bên Tiệp, rồi theo bạn bè lần mò qua xứ Đức này, lúc thì hắn nói đang ở nhà của xã hội, lúc nói ở nhà thờ, phần tử rất khả nghi.
Chị Hà cười:
- Khả nghi gì lão hâm đó, hôm nọ thập thò đến nhà chị, bị anh Bình
quát, tao mới sửa nhà, đang dọn dẹp mệt bỏ mẹ, mày giở đạo ra, tao thiến
mày đấy! Hắn nói, để em phụ giúp anh một tay, rồi lăn vào làm thật lực, xong việc, anh Bình nói ở lại ăn cơm, đưa tiền công, nhưng hắn không nhận, chỉ xin mớ quần áo cũ. Chị mừng quá, lôi mấy đống quần áo cũ còn tốt, của người lớn lẫn trẻ con, cho tất. Thân hắn mồ côi, không vợ con, xin làm gì nhỉ? Sao tự dưng Dung lại muốn biết số telefon của hắn?
Dung im bặt, nói lãng qua chuyện khác, thấy xấu hổ khi phải thú nhận món quà từ tay hâm nặng. Cũng chả dám hỏi ai, sợ bị nghi ngờ có tình ý riêng với hắn, trở thành trò cười cho mọi người. Cô tự nhủ: “Mình đâu có xin, hắn tự dưng cho, mắc mớ chi phải day dứt tội lỗi”, quên bẵng luôn nỗi thắc mắc tại sao hắn tặng mình cây ngọc lan.
Cây hoa lớn nhanh, nhà không có vườn, lại ở tầng cao, Dung phải trồng cây vô chậu lớn, mùa hè để ngoài balcon, mùa đông hì hục khiêng vô nhà, sợ tuyết giá làm cây chết cóng. Hơn năm sau mới hé ra bốn nụ hoa, cô nâng niu nhẹ nhàng, chăm bón phân tưới nước, lau sạch bóng cánh lá. Thi thoảng lại cho cây thưởng thức nhạc êm dịu! Hoa nở nhiều cánh trắng, vươn ra đài các, hương thơm dịu nhẹ. Đêm mùa hè sáng trăng, hoa càng tỏ nét đẹp tinh khiết, thanh tú. Dung với hai người bạn bày trò “ngắm hoa thưởng nguyệt” ngồi ở balcon, ăn bánh uống trà, chụp vài tấm ảnh bên hoa, gửi bạn bè, nhưng tình tiết ly kỳ có được cây ngọc lan trên nước Đức thì dấu biệt.
&
Bà hàng xóm đưa Dung cái hộp giấy lớn, nói: “Tuần rồi cô đi vắng, có người đến tìm, nhờ tôi đưa cô cái này”.
Dung cám ơn bà, ngạc nhiên với món quà không đợi, không biết chủ nhân, chỉ có hàng chữ bên ngoài: Nhờ chuyển đến cô Thuyền Dung, số nhà…..
Cô do dự khá lâu trước khi mở hộp, bóc lần lượt nhiều lớp vải mỏng. Đó là bức tranh sơn mài, khắc họa hình thiếu nữ bên chiếc đàn tranh, mặt sau có dòng chữ: “Tặng Dung, để nhớ quê hương”. Ngoài ra, không có chữ ký, không tên người tặng.
Dung bồi hồi ngỡ ngàng, chắc chỉ có hắn mới viết như thế. Cô chợt nhận ra chưa bao giờ biết tên thật của hắn, chỉ nhớ mấy biệt danh: tên dở hơi, hâm nặng, lão quái…cũng chưa bao giờ ngắm kỹ dung nhan hắn ra sao.
Sao mình vô tình thế nhỉ, cô tự giận mình khi ngắm bức tranh dưới ánh đèn, lớp xà cừ lóng lánh như dát bạc, hình cô gái đang nhấn phím đàn linh động, thật đẹp. Cô nhớ đến cây đàn tranh thuở nhỏ bị nứt hư khi một lần lỡ tay làm rơi xuống đất. Làm sao hắn biết mình yêu đàn tranh, sao hắn biết mình vẫn ao ước chơi lại đàn tranh.
Hắn có ý gì đây, Dung nhủ thầm, phải trả lại thôi, không có tình cảm gì mà khơi khơi nhận quà là không được, nhưng biết tìm hắn nơi nao? Đời lắm lúc trớ trêu, lúc nào cũng xua đuổi hắn như đuổi tà, giờ phải cất công đi tìm hắn.
Dung ghé sang nhà chị Hà nói chuyện bâng quơ:
- Bà con mình lúc này mừng húm, được ngủ yên hưởng thái bình, chủ
nhật không bị tên hâm đến quậy nữa. Hắn biến đâu mất nhỉ?
Chị Hà, anh Bình cùng cười:
- Lâu lâu hắn không xuất hiện đâm ra nhớ mới chết chứ, nghe đồn hắn
về quê nhà, kiếm ra một em chân dài rồi.
Anh Lãng chen vô:
- Chân dài chân ngắn gì đâu, lúc sau này hắn thay đổi tiết mục, không
mê truyền đạo nữa, vì không ai chịu lên thiên đường với hắn, nên hắn bay về thăm quê hương thường xuyên, đem quần áo, thú nhồi bông, bánh kẹo cho trẻ em nghèo ở miền núi, miền quê. Tiền xã hội trợ cấp, không dám chi tiêu cho mình, nhịn ăn nhịn mặc, đem về giúp đỡ người tàn tật. Vừa rồi, đi qua đường ở trung tâm Saigon, lạng quạng thế nào bị xe bus đụng phải, tử luôn rồi.
Dung với chị Hà sửng sốt:
- Thật không, chắc tin vịt cồ?
- Nói dóc chết liền. Có mấy người bạn từ bên này về chơi, hay tin, đến
tận bệnh viện nhận là người nhà của hắn, cùng nhau làm đám ma rồi hỏa táng, đem rải tro xuống biển ở Cần Giờ như ý hắn muốn. Có chụp hình đầy đủ, hôm nào anh mượn về cho xem.
Dung lẳng lặng bỏ đi lang thang trên phố, không biết tìm gì, không muốn gặp ai, cũng chẳng biết về đâu. Chiều mùa thu se lạnh, áo khoác lại để quên ở nhà chị Hà, Dung không gọi taxi, cứ thế lầm lũi đi trong gió lạnh, sương mù lãng đãng rơi xuống bao phủ thành phố.
Cô cố gắng nhớ lại, nhưng không sao hình dung ra nét mặt người đó, hình như ở đó là bộ tóc rối, đôi chân mày nhíu lại đăm chiêu, bộ mặt rầu rầu…
Gương mặt lúc rõ nét, lúc nhòa đi như bóng mây bay, lúc hợp thành hình, lúc tan biến mơ hồ, không sao nắm bắt được.
“Mất rồi, mất thật rồi, quá muộn rồi!” Dung thì thầm với mình, thấy đau xót như vừa đánh mất một kỷ vật quí giá, “mà sao lại ra nông nỗi này, vì ai, hay lỗi tại mình!”
Gần nửa đêm Dung về tới nhà, ngồi ngắm hết cây hoa ngọc lan đến bức tranh sơn mài vẫn để trên bàn hai tuần nay, tự dưng thấy căn phòng mình sao trống trải chơ vơ quá. Cô mở cuốn sách dày ép mấy cánh hoa lan trong đó, hoa đã khô, hương thơm vẫn thoảng nhẹ trên giấy.
Đêm khuya sương mù càng dày hơn, Dung mở toang cửa sổ, mặc cho gió lạnh tạt vô mặt. Hình như có tiếng động ở cổng chính. Cô nghiêng người nhìn xuống, bóng ai đứng tần ngần cạnh chuông cửa!
Tim cô tự dưng như thắt lại, cô hồi hộp chờ đợi tiếng chuông rung.
Nhưng im lặng. Cô chờ.
Gần 10 phút trôi qua, ngó xuống, bóng người còn đó, vẫn im lặng. Hay chuông cửa bị hư? Dung lao xuống cầu thang, mở tung cổng chính.
Không một ai! Cả khu nhà vắng ngắt!
Sương mù che phủ nơi nơi, ngọn đèn vàng đầu đường đứng trơ trọi hiu hắt như mong đợi ai. Cô cứ đứng trong giá lạnh, nghe lòng rưng rưng thổn thức:
Biết người xưa ấy
đã khói sương che
Biết tình xưa ấy
đã cách bến bờ
Biết lòng không đậu
trông chi thuyền về…
Người như gương vỡ
trăm năm lỗi thề…..*
Germany
Ghi chú:
-Hello Polizei, bitte helfen Sie mir, ich habe problem….: Hello Cảnh sát, làm ơn giúp tôi, tôi đang gặp vấn đề….
-Koma: tình trạng hôn mê.
-*Biết người xưa ấy…. trích từ bài thơ Bên Sông của thi sĩ Phạm ngọc Lư (1972)