Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
986
123.367.152
 
Trích dẫn văn của Kafka trong bản dịch "Lâu đài" (Thử Nêu Ra Chi Tiết Kỹ Thuật Viết Phức Tạp Qua Thứ Tự Các Chương Đoạn Của Tác Phẩm)
Trần Văn Nam

Nội dung các tác phẩm của Kafka trong hai tác phẩm chủ yếu (Vụ Án-Lâu Đài) được những nhà nghiên cứu phê bình đã đồng quan điểm chúng đều có tính chất nhân bản. Tác phẩm “Vụ Án” làm cho ta thấy sự thật đôi khi thiếu tình người của công lý. Đôi khi, nghĩa là không phải nói pháp luật đều vô nhân. Tác giả muốn đưa ra một vài trường hợp xử oan-ức không thấu đáo, chỉ căn cứ vào những nguồn tin chưa chính xác, căn cứ vào giấy tờ có thể do vu oan giá họa; lắm khi trầm trọng đưa tới tử hình như trong tác phẩm “Vụ Án”; mà người bị cáo không biết làm sao để kêu oan vì thấp cổ bé miệng trước guồng máy khổng lồ qua nhiều tầng lớp của hành pháp. Ta thông cảm vì tác giả Kafka viết tác phẩm này vào năm 1914 (căn cứ vào tài liệu: The Life of Franz Kafka của Mark Harman, học giả chuyên nghiên cứu Kafka) và tại vùng Trung Âu khi Kafka cư ngụ tại khu resort nghỉ mát Marielyst ở Đan Mạch, với chế độ dân chủ tự do còn hạn chế vào thời gian ấy. Còn tác phẩm “Lâu Đài”, theo tài liệu trên, bắt đầu được thực hiện từ năm 1922 ở Trung Âu và cũng được viết tại khu resort nghỉ mát gần biên giới Ba Lan (Kafka gốc Do Thái, ra đời ở Tiệp Khắc năm 1883, cha là người quyền thế vì là một thương gia giàu có, ở vào thời kỳ chưa phát động phong trào bài Do Thái). Luồng gió bài Do Thái chỉ xảy ra về sau, dưới chế độ Quốc Xã trong vùng Trung Âu, nhất là ở Đức. Với tài liệu nêu trên, ta biết tác giả thực hiện những tác phẩm lúc cư ngụ trong những khu Resort nghỉ mát khi đi du lịch. Tính nhân bản của hai tác phẩm trên hướng về xã hội, hướng về tha nhân thấp cổ bé miệng trước sức mạnh vô hình, không biết đâu mà kêu nài, của quyền thế (như trong Vụ Án), trước sức mạnh quan liêu của tầng tầng lớp lớp viên-chức và thư-lại phục vụ cho quyền thế. Tính nhân bản này có lẽ phản ánh từ sự phản đối ngầm quyền lực của người cha. Tác giả trực tiếp thấy những lạm dụng đầy bất công của người cha và những người phục vụ, đối với xã hội dưới sự cai trị; quyền hành như lãnh chúa thời phong kiến (phơi bày trong Lâu Đài). Chắc đúng như tác giả người Áo Ernest Fischer đã nhận định “… sự nhạy cảm và bất lực trước thế giới người cha đầy thế lực đã làm cho ông, thiên tài của sự yếu ớt, có khả năng vô cùng đặc biệt trong việc nhận biết những chi tiết và giải mã chúng…” (tài liệu thấy trong sách “Lâu Đài” của dịch giả Trương Đăng Dung). Phản ánh từ gia đình, tính nhân bản của Kafka hướng về xã hội. Còn trong tác phẩm “Hóa Thân” (viết năm 1915, truyện về một người khi thức dậy thấy mình biến thành con bọ hung), có lẽ phản ánh từ cách đối xử ghẻ lạnh của gia đình ông đối với một người thân quyến nào đó vì bị tật nguyền hay dị dạng?  Điều này căn cứ vào một câu nói của ông, trong tài liệu đã dẫn kể trên của Mark Harman, khi Kafka hỏi một người bạn “Anh nói thế nào về những điều khủng khiếp xảy ra trong nhà chúng tôi? (Kafka asks a friend: “What do you say about the terrible things that are happening in our house?). Điều này làm ta liên tưởng đến tác phẩm Jane Eyre của nữ văn sĩ Anh Charlotte Bronte, trong đó có nhân vật là người vợ hóa điên dại bị nhốt trên gác lầu của một dinh thự miền quê. Trong bài “Hóa Thân Của Franz Kafka” đăng trên mạng “vanchuongviet.org”, tác giả Võ Công Liêm có nói về phản ánh trong gia đình người cha quyền thế của Kafka: “ Phản ánh sống thực bên cạnh cuộc đời; một cuộc đời đầy rẫy rối ren, một tàn bạo do từ gia đình… Trạng thái tinh thần của Gregor trong gia đình (nhân vật hóa thành con bọ hung) là một rập khuôn chính xác qua trạng huống gia đình của Franz. Mà bốn bề của căn buồng như vây hãm không lối thoát. Gregor, một người lớn tuổi, là một người tù của gia đình hắn… sống giữa sự hờ hững của kẻ lưu đày…” Ta phân vân vì chưa đọc được tài liệu nào nói rõ về một người thân trong gia đình ông tật nguyền hay dị dạng bị đối xử ghẻ lạnh như thế; và phân vân vì có lời bàn con người hóa thành bọ hung là ẩn dụ “người hùng bệnh hoạn của cõi đời” (cũng trong bài trên của tác giả Võ Công Liêm).  Ẩn dụ người hùng bệnh hoạn của cõi đời có vẻ trừu tượng về biến-hóa-hình chưa xuất hiện và thuộc về siêu hình có thể xảy ra trong tương lai đầy ô niễm do kỹ nghệ. Ta nghiêng về ý tưởng tác phẩm cốt nói đến sự ghẻ lạnh trong đối xử của nhân thế, con bọ hung có lẽ là trường hợp tật nguyền hay dị dạng có thật, mặc dù chưa đọc được chứng liệu nhưng đã có câu nói trên của Kafka: “… những điều khủng khiếp xảy ra trong gia đình chúng tôi”. Tác giả Lê Đình Phước, trong bài “Không Gian Nghệ Thuật” trên mạng điện tử “phuoctk88.blogspot.com”, nhận định Kafka chủ đích xây dựng một “không gian thực và ảo” trong tác phẩm (kề cạnh ba không gian khác chung lại thành không gian nghệ thuật của Kafka, gồm có “không gian mê cung - không gian ngột ngạt tù túng - không gian ác mộng). Riêng không gian thực và ảo, tác giả Lê Đình Phước nhận định việc con người biến thành con bọ hung thuộc về huyễn hoặc. Nếu là cõi huyễn hoặc thì không do phản ánh sự thật cụ thể từ tật nguyền hay dị dạng. Tác giả Lê Đình Phước có ý nói về chủ đích nghệ thuật của Kafka muốn trộn lẫn thực và ảo, vì con bọ hung nhưng cảm nghĩ rất người: “… kéo cái huyễn hoặc ấy trở về với thế giới thực… Gregor ấy cảm thấy và ý thức rõ từng thay đổi sinh lý sinh học trong bản thân, đau đớn chứng kiến thái độ ứng xử của bố mẹ và cô em gái cưng, chuyển từ kinh hoàng đến ân cần, rồi phẫn nộ khinh rẻ và cuối cùng là hờ hững… Tác phẩm của Franz Kafka không có ranh giới giữa thực và hư, bao giờ cũng có một sự đan cài một cách rất tự nhiên cái quái dị với cái thường nhật”

 

Vậy, tính nhân bản của “Hóa Thân” hướng về sự đối xử con người trong gia đình, còn “Vụ Án” và “Lâu Đài” thì tính nhân bản hướng về sự đối xử con người trong xã hội. Tính nhân bản đã rõ ràng như vậy, tại sao tác giả không phổ diễn lý tưởng đẹp ấy bằng tác phẩm dễ dàng thâu nhận cho đa số quần chúng. Ta muốn nói về văn phong và cấu trúc xây dựng tác phẩm sao cho giản dị, không phức tạp như đang có trong ba tác phẩm này, những tác phẩm thuộc về văn chương tân kỳ. Kafka mở đầu cho những tác phẩm vừa khó hiểu vừa rất sáng tạo với cách viết lạ lùng. Ông trở thành nhà văn tiền phong mà sau này những tác giả giải Nobel Văn chương (như William Faulkner, James Joyce, Samuel Beckett, Cao Hành Kiệm, Gabriel Garcia Marquez), một số trong những nhà văn này đã công nhận chịu ảnh hưởng của Kafka trong đường lối văn chương không theo phong cách cổ điển viết minh bạch với bút pháp hiện thực hay lãng mạn. Có lẽ ông đã nghiệm ra một sự thật hiển nhiên: Những tác phẩm cổ điển dù hay đến đâu rồi thế nào độc giả cũng cất vào tủ sách làm của quý, không đọc đến lần thứ ba vì họ đã hiểu hết nội dung, nhớ nằm lòng những đoạn văn xuất sắc, không còn cái gì để khám phá thấy nữa, không còn gì gọi là bí ẩn cần bàn thảo thêm. Cất vào tủ để làm gia bảo, truyền cho thế hệ sau kho tàng văn học. Muốn tránh tình trạng bất hủ nhưng nằm ngủ yên trong văn khố thư viện, vậy thì phải sáng tạo những cách viết khó hiểu, chỉ có thể hiểu dần dần, hoặc hiểu theo nhiều cách mà bất phân thắng bại ai cảm thức đúng hơn ai. Do đó tác phẩm trở thành những tranh cải không ngớt, phải đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc nẩy sinh một ý nghĩ mới dành cho tác phẩm, như vậy tác phẩm vừa bất hủ vừa mời mọc đọc hoài. Điều này dẫn ta tới cái nhìn vào ý hướng viết của tác giả: ý hướng sáng tạo hình thức văn chương song song với ý hướng phát tán tính nhân bản. Văn chương càng khó đọc, tính nhân bản cứ lấp ló không hiểu trọn vẹn, như thế thiển nghĩ là phát tán tư tưởng (rải ra ý tưởng thành nhiều cách lãnh hội, dù nhiều cách nhưng vẫn tập trung đó là những tố cáo người đối xử với người, những bênh vực tầng lớp không may mắn sa vào thấp kém…) Vậy kỹ thuật viết văn và cấu trúc xây dựng truyện là phần quan trọng; càng rắc rối càng được độc giả nhiều dịp bàn tới những tác phẩm tân kỳ. Cho nên trong phần trích dẫn tác phẩm “Lâu Đài” do dịch giả Trương Đăng Dung (nhà xuất bản Văn-Học tái bản năm 2012), người viết bài này tập trung ở việc đọc kỹ để thử nêu ra kỹ thuật viết phức tạp trong từng chương đoạn (mỗi đoạn gồm khoảng bốn năm chương, trong tất cả hai mươi chương của tác phẩm “Lâu Đài”). Còn nội dung thì đã rõ ý hướng nhân bản của tác giả: Trình bày và tố cáo một số tổ chức quyền lực; làm khó dễ hành chánh cho dân bằng lớp lớp viên chức, lớp lớp thư lại, lớp lớp công văn biên bản; thực tâm là sống phè phỡn với tiệc rượu, làm việc chểnh mảng… Bài của tác giả Mai Thị Liên Giang với nhan đề “K. Và Nỗi Cô Đơn Thời Gian Trong Lâu Đài” đang hiện diện trên mạng “tapchinhatle.vnweblogs.com”, viết riêng về tác phẩm “Lâu Đài”. Bài nhận định này có những giới thiệu làm ta lưu ý như sau: 1/ “nhân vật K. cùng với nỗi cô đơn đeo đẳng trong suốt cả hành trình đến Lâu Đài” (Về điểm này, theo thiển nghĩ của người viết bài thì “nỗi cô đơn” không phải là chủ đề chính của truyện, vả lại trong truyện K. có đến hai người yêu là Frida và Olga; và hành trình đeo đẳng của nhân vật K. là muốn tiếp cận với Quan-phòng-thành hay Chánh-văn-phòng Klamm của Lâu Đài để chính-thức-hóa nhiệm vụ “người đạc điền” được vời đến do một thư mời) 2/ Lâu Đài là hình ảnh một “tổ chức quyền lực quan liêu… qua những mắt xích vô tận là các viên chức, thư ký, liên lạc viên” (Về điểm này, quả tác giả Kafka qua những diễn tiến của truyện từ lúc K. đến Lâu Đài do thư mời đến lúc hoài công đợi làm việc chính thức, rốt cuộc uổng phí thời gian. Tác phẩm cho ta thấy Lâu Đài là ẩn dụ của phức tạp hành chánh do nhiều lớp nhân sự. Mắt xích từ Chánh văn phòng bệ vệ xa cách (Bá Tước, chủ nhân Lâu Đài, như một vắng bóng) đến Thư ký văn phòng, đến Trưởng thôn, đến liên lạc viên, cho đến những người giúp việc gây phiền nhiễu; cũng phải kể đến những chủ quán xun xoe quan trên và các gái quầy rượu, gái hầu phòng. Chương 18 và 19, tác giả với bút pháp lặp tới lặp lui việc thư ký, hồ sơ, tài liệu, dụng ý làm độc giả chán ngán những chất chồng của hành chánh. 3/ “K. chính là điển hình xã hội, anh được tác giả giao cho vai trò khám phá thế giới bi hài (Khởi từ ý định mong người của Lâu Đài chính-thức-hóa thư mời làm nhiệm vụ đạc-điền của vùng Lâu Đài; loanh quanh mất thời giờ vì thư mời đó thật ra đã hoãn lại không còn hiệu lực, nhưng giấy hoãn mời ấy chạy từ phòng này qua phòng khác có thể thất lạc, có thể đang nằm đâu đó trong những tủ hồ sơ. Vậy là công tác đạc điền của K. ở vào trường hợp lơ lửng. Trưởng thôn đề nghị tạm cho K. làm việc dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp ở một trường học. Ban đầu K. không chịu, sau chấp nhận vì K. muốn thêm dịp ở lại vùng Lâu Đài để gặp cho được Klamm, Chánh Văn Phòng. Mục đích của K. chỉ có như vậy. Theo bước hành trình của nhân vật K. mà nhà văn Kafka trình diện hệ thống giấy tờ gây rắc rối; phơi bày nhũng nhiễu do lạm dụng quyền thế (qua nhân vật Sortini thuộc sở cứu hỏa Lâu Đài vì bị cô gái đẹp Amalia từ chối mối tình si mà trả thù gia đình cô; qua hé lộ các cô Gái Quầy Rượu đều là tình nhân Quan Phòng Thành); do làm việc chểnh mảng (những hành lang vang âm những tiệc tùng; thư ký văn phòng ngủ li bì, có khi làm việc qua quít bên giường ngủ); do tính quan liêu tạo mối xa cách để quan-trọng-hóa vai trò kẻ có quyền (trọn cuốn sách, chỉ có hai lần Chánh Văn Phòng Klamm xuất hiện, một lần trong Quán Ông Chủ mà những người thân cận dưới quyền chỉ được thấy ông qua một lỗ nhỏ đục trên vách tường, một lần ông bước vội vào xe ngựa trong khi tuyết đổ). Và trong sách có nhiều nét bi hài như tác giả Mai Thị Liên Giang đã nêu ra. Nhìn qua lỗ vách để tiếp cận với Chánh Văn Phòng là nét bi hài thứ nhất. Những điều bi hài lần lượt: hai người giúp việc của K. nhốn nháo tranh ăn tranh nằm như trẻ con, mà K. chỉ là kẻ hốt rác trong trường nhưng vẫn phải chịu sự đeo đẳng của hai người giúp việc vì họ được phái đến do Lâu Đài cắt cử; Frida trở thành người yêu của K. một cách chớp nhóang rồi bỏ K. để thành tình nhân của một trong hai kẻ giúp việc; Sortini thấy Amalia quá đẹp nên quên cả lịch sự khi nhảy bổ đến Amalia để chiêm ngưỡng; người dân sống quanh Lâu Đài không hiếu khách, K. phải lấy những nắm tuyết chọi vào cửa cho họ lưu ý mình khi K. chân ướt chân ráo tới vùng Lâu Đài; bà chủ Quán Ông Chủ nhìn say mê Klamm qua lỗ vách vì trước khi lấy chồng bà từng là kẻ tình si; sự cố gắng làm cho quán đắt khách theo phân tích sâu sắc của tác giả Kafka cũng do mối tình thầm kín của bà đối với Klamm chứ không phải do phục vụ gia đình. Tiếp tục với những nét bi hài về lối sống hiện diện trong cuốn sách: K. nhận làm việc quét dọn nơi trường học, cùng vợ chưa cưới Frida phải ăn ở trong một trong hai lớp học; khi nào học sinh học lớp nào thì phải đổi phòng; mà thầy giáo thì giữ chìa khóa không cho lấy củi đốt sưởi ấm trong mùa đông; cô giáo thì chỉ lo cho con mèo hơn là lo cho đời sống người giúp việc lao công nơi trường học. Và những nét bi hài nhất khi tác giả dùng những từ ngữ kêu to như “bí mật của Amalia” mà thật ra chỉ là sự cự tuyệt lối tỏ tình sỗ sàng của Sortini; hoặc từ ngữ trịnh trọng “những cuộc hành hương” mà thật ra chỉ là việc cha nàng Amalia ngày nào cũng đứng chực chờ ở đầu đường dẫn lên Lâu Đài để mong viên chức trên ấy thôi cô lập kinh tế cho gia đình ông vì vụ cự tuyệt tình yêu đó; hoặc dùng từ ngữ lớn lao “những kế hoạch của Olga” (chị gái của Amalia) mà thật ra chỉ là khuyến khích người em trai Barnabas xin làm người đưa thư của Lâu Đài để có dịp tiếp cận các viên chức có chút thẩm quyền nào đó. Những việc nhỏ nhặt như vậy mà lại dùng các từ ngữ “đao to búa lớn” cốt nói lên sự loay hoay một cách khó khăn cố thoát sự chi phối của một kẻ quyền lực thuộc Lâu Đài (ngầm ra lệnh đình chỉ công việc làm nhân viên cứu hỏa của cha nàng Amalia; chỉ thị ngầm cho người thợ làm giày thôi việc ở xưởng làm giày của cha mẹ Amalia; cô lập kinh tế và cô lập liên hệ xóm làng không cho thân quen với gia đình Amalia. 4/ “không gian và thời gian không mang tính cụ thể… Tất cả đều diễn ra với những hình ảnh nhuốm màu sắc huyền thoại” (Lâu Đài không là hình ảnh cao vời chớn chở trong mây, chỉ như một thị trấn có những tòa nhà nhô cao hơn chút ít làng xóm nhà cửa phía dưới, nhưng nó được làm cho xa cách bởi tầng lớp viên chức, thư ký, hồ sơ hành chánh, như đã nói trên. Vậy huyền thoại là do con người có quyền lực tạo ra. Nông dân trong làng mặc đồng phục màu vàng nhạt như trong binh đội: dấu hiệu đang có một thế lực chi phối đời sống. Có những chỉ dấu cho ta biết đây là thời phong kiến, vùng Lâu Đài có thể do Lãnh Chúa cai quản (Bá Tước); thời ấy giai tầng chủ-tớ khá có sự phân biệt qua hình ảnh chủ cầm roi tượng trưng bằng cành cây nhỏ để chỉ bảo tôi tớ; còn đời sống các cô hầu phòng thì chui trong những căn phòng không còn ý thức thời gian trôi qua sáng chiều. Và không gian dĩ nhiên là ở vùng Trung Âu, nơi tác giả Kafka thai nghén tác phẩm. Vậy không gian huyền thoại không phải như cõi siêu hình nào đó mà là nơi khổ ải do người có quyền thế tạo ra.

 

Qua bốn điều ta ghi nhận trong bài viết của tác giả Mai Thị Liên Giang, thiển nghĩ cũng đã phần nào cho biết về cốt truyện. Cốt truyện không hẳn là điều quan yếu trong các tập truyện tân kỳ, điều đáng kể ở bút pháp và cấu trúc xây dựng truyện. Ta chắc dễ nhận ra chủ đích này trong tác phẩm của William Faulkner hoặc của James Joyce. Nhưng ở các tác phẩm của Kafka (người tiền phong của văn chương tân kỳ) và tác phẩm nhà văn Gabriel Garcia Marquez (giải Nobel Văn chương năm 1982) thì cốt truyện lộ diện khá rõ ràng, có thể kể lại tương đối dễ dàng vì cách thức diễn tiến theo tuần tự đầu đuôi câu truyện, chỉ đôi lần đảo lộn thời gian. Nghĩa là hai tác giả này không chuyên chú viết theo dòng ý thức hỗn tạp làm cho độc giả khó hiểu; hoặc triệt để làm nổi bật vai trò của vô thức xâm nhập bất chợt trong đời sống thường nhật (theo như các lời giới thiệu đối với tác phẩm “Âm Thanh và Cuồng Nộ” của William Faulkher); hoặc làm một song hành tâm tính các nhân vật xưa cổ với các nhân vật hiện đại, song hành giữa sự kiện xảy ra trong một ngày ở Dublin Ái Nhĩ Lan (Ireland) với cuộc hành trình trở về nhà của Ulysses trong lịch sử cổ Hy Lạp, trong ấy kỹ thuật “dòng-ý-thức bột phát” hay “độc-thoại nội tâm đột khởi”, thường được áp dụng (theo như các lời giới thiệu đối với cuốn Ulysses của James Joyce). Khi đọc những bài giới thiệu tác phẩm “Vụ Án” và “Hóa Thân”, người viết bài vốn thích tính mỹ cảm và lãng mạn, không có cảm hứng để tìm đọc hai tác phẩm được giới thiệu đầy tính nhân bản này (Hiểu một cách giản đơn: Tố cáo những cách xử án bất công do thượng tôn pháp luật máy móc, căn cứ vào giấy tờ hồ sơ mà có khi do vu oan giá họa; vạch ra những cư xử ghẻ lạnh lắm khi của người thân trong gia đình đối với kẻ tật nguyền hay dị dạng - Những điều này có một số nhà văn học nhận định sâu xa hơn như Nhân Thế Tha Hóa, Mê Cung Xã Hội…) Chính là do chất thơ bảng lảng trong chương đầu của “Lâu Đài” mà người viết cố gắng đọc, rồi nhân đó cố gắng đọc kỹ ở những chương sau để thử nêu ra bút pháp viết phức tạp do ý định tiền phong sáng tạo lối văn chương tân kỳ của tác giả Kafka. Vậy truyện “Lâu Đài” xin bổ túc thêm như sau, chỉ thêm chi-tiết, vì bốn điều nói đến trong bài của tác giả Mai Thị Liên Giang đã phát lộ gần hết cốt truyện: Nhân vật K. được thư mời đến làm nhiệm vụ người đạc điền cho Lâu Đài. Khi K. đến thì trời đã về chiều và vào mùa đông nên lâu đài mờ ảo trong tuyết. Lâu Đài không chớn chở, chỉ như một quần thể thị trấn. K. nghỉ tạm tại Quán Bên Cầu trong làng dưới Lâu Đài. Sáng hôm sau, K. mới biết đường lên lâu đài không dễ, càng đi lên càng nhận thấy không đưa tới nơi, chỉ quanh quẩn; và thư mời làm người đạc điền cũng chẳng dứt khoát có hay không; muốn liên lạc với ngài Chánh Văn Phòng Klamm (bệ vệ chỉ được nhìn qua lỗ vách tường Quán Ông Chủ) thì phải qua các văn phòng thuộc quyền, nào ngài Trưởng Thôn, nào ngài Thư Ký Chánh Văn Phòng trẻ tuổi nghiêm nghị quan cách, nào những Thư Ký Phòng 1 Phòng 2… ; nào Liên lạc viên; mà nơi nào cũng tràn ngập hồ sơ với biên bản; trở ngại khó khăn do phải lục lại hồ sơ, có thể thư mời ấy đã lỗi thời và bị hoãn lại; do thất lạc bởi sự làm việc chểnh mảng mà K. không được báo tin, nên đến Lâu Đài muộn màng. Tác giả muốn dàn trải ra một thế giới phức tạp của nhân sự hành chánh, do con người tạo ra quyền lực xung quanh Lâu Đài. Vì vậy, Lâu Đài mang hình ảnh của nhân quần hơn là hình ảnh chớn chở thuộc huyền bí siêu nhiên. Vậy mà K. cũng được cung cấp hai người giúp việc được phái đến từ Lâu Đài, hai kẻ này như những phần tử nhốn nháo theo phò tá trong khi K. chưa hề chính thức làm việc đạc điền. Tại Quán Ông Chủ, K. nhanh chóng bắt tình với Frida vốn là Gái Quầy Rượu và tình nhân của Chánh Văn Phòng, bây giờ thành vợ sắp cưới của K. Vì không truy ra văn bản chính thức mời K. và văn bản hoãn việc thâu dụng đạc điền; K. được Trưởng thôn sắp xếp cho việc dọn dẹp tại một trường học. Lại xảy ra sự cải vả (về việc xử dụng củi đốt để sưởi ấm) giữa thầy giáo cô giáo với K. và Frida cùng hai người giúp việc. Do việc cô giáo đối xử không tốt với K. mà một người học trò thiện cảm và đưa K. về nhà. K. làm quen với gia đình cậu, từ đó K. nhiều dịp gần gũi Olga, chị của Amalia. Olga bắt tình với K, và K. thường lui tới nhà này với mục đích thực sự muốn liên hệ với em trai Olga là Barnabas, vì nghe phong thanh Barnabas đang trở thành người đưa thư của Lâu Đài thường tiếp cận với Chánh Văn Phòng Klamm. Vì việc lui tới nhà này mà Frida, vợ chưa cưới của K., bắt tình với một trong hai người giúp việc, bỏ rơi K. và trở lại vai trò gái quầy rượu tại Quán Ông Chủ. Điều này khiến cho cho cô gái hầu phòng Pepi mới được nâng lên làm gái quầy rượu phải lui về việc làm tăm tối cũ. Biết được tình cảnh của K. mất vợ chưa cưới và đang vô công rồi nghề, Pepi mời K. về tá túc nơi chỗ trọ của mình, gồm một gian phòng cô đang ở chung với hai cô gái hầu phòng khác. K. hứa sẽ đến, nhưng trước hết K. phải tới Quán Ông Chủ để đối chất với bà chủ vì mới đây K. bình phẩm trang phục của bà chủ quá lỗi thời. Chương thứ 20 đến đây thì hết, dở dang vì tác giả Kafka lâm bệnh nặng, sau đó thì mất… Theo sử liệu, Max Brod là người quản thủ các bản thảo của Kafka, cũng là người được Kafka trối trăng nên thiêu hủy tất cả bản thảo ấy (Max Brod không thể tuân theo, cho nên các tác phẩm quý đối với văn chương nhân loại của Kafka nay vẫn tồn tại). Và theo Max Brod, vì là người thân cận nên ông được Kafka cho biết ý định kết thúc truyện Lâu Đài như sau: nhân vật K. rồi đến lúc mòn mỏi kiệt sức; và trong khi thập tử nhất sinh trên giường bệnh thì K. nhận được giấy phép cho cư trú chính thức trong làng dưới Lâu Đài, chỉ có vậy và cũng đã muộn màng. (Tài liệu về đoạn kết này được ghi trong bộ “Meriam-Webter’s Encyclopedia of Literature”, trang 216, xb. năm 1995 tại Hoa Kỳ - Massachusetts). Như vậy, cốt truyện không lấy gì khúc mắc, có thể không lấy gì hấp dẫn, nhưng khúc mắc thì ở bút pháp, ở cách thức phô diễn văn chương mà tác phẩm này của Kafka được bàn luận tới hoài, và trở thành bậc thầy của các tác giả được giải văn chương Nobel như Willam Faulkner, James Joyce, Gabriel Garcia Marquez (Họ đều thừa nhận chịu ảnh hưởng phong cách văn chương tân kỳ của Kafka). Thiển nghĩ, ta có thể biết được phần nào phong cách viết tân kỳ của nhà văn Kakka trong mỗi chương đoạn, trong đó xin trích dẫn các câu văn đáng lưu ý khiến có thể theo dõi được cốt truyện:

 

1/ Chương đoạn đầu gồm các chương từ một đến bốn: Khởi đầu vào truyện, tác giả xử dụng lối văn chương còn nghiêng về thi-tính, làm cho ta thấy lâu đài tuy chỉ là một quần thể xã hội nhưng cũng có vẻ huyền ảo trong tuyết mùa đông, nhưng dân dưới làng thuộc phạm vi lâu đài không mấy hiếu khách; và ngài Chánh Văn Phòng Lâu Đài là một nhân vật oai vệ lạnh lùng xa cách: - Chàng tiếp tục đi về phía trước, nhưng đường còn rất dài, hóa ra con đường chính của làng lại không dẫn lên quả đồi có lâu đài, mà chỉ dẫn đến gần đó, rồi như cố ý, nó rẽ ngang, không bỏ xa lâu đài mà cũng không dẫn đến gần… càng ngạc nhiên thấy cái làng này mới dài làm sao, đi mãi cũng không hết.Những ngôi nhà nhỏ nối đuôi nhau vô tận với những con mắt cửa sổ đã bị đóng băng… Dù sao chàng vẫn không đơn độc: bên phải bên trái đều có những ngôi nhà của nông dân. Chàng vắt một nắm tuyết ném vào ô cửa sổ gần đấy. Lập tức một cánh cửa mở ra - đây là cánh cửa đầu tiên mở ra kể từ khi chàng lang thang trong làng… (Đoạn khác) - Ông muốn nhìn thấy Klamm à? Ở đây có một lỗ nhỏ, ông có thể nhìn qua được… Qua cái lỗ nhỏ mà chắc là người ta đã khoan ra để quan sát, K. gần như có thể nhìn hết được căn phòng. Ngài Klamm ngồi bên chiếc bàn viết kê ở giữa phòng… Ngài có dáng người tầm thước, béo tốt và bệ vệ… Ngài chống khuỷu tay trái lên bàn và để tay phải đang cầm điếu xì-gà dài lên đầu gối. Trên bàn có chai bia… Ông ấy ngủ à? Khi nhìn vào phòng, tôi thấy ông ấy vẫn còn thức, ngồi cạnh bàn kia mà… lúc đó ông ta cũng đang ngủ, nếu không thì tôi chưa chắc để cho ông nhìn vào. Ông ấy ngủ trong tình trạng như thế này đấy, các quý ông thường ngủ rất nhiều…

 

2/ Chương đoạn thứ nhì gồm các chương từ bốn đến chín: Văn phong của Kakka dần dần nghiêng về bút pháp tượng trưng có vẻ bi hài về chuyện tình chớp nhóang (giữa K. và Frida), việc lưu trữ hồ sơ hổ lốn (ông bà Trưởng thôn), tình si đáng buồn cười (bà chủ Quán Ông Chủ đối với ngài Chánh Văn Phòng); đối xử không lễ độ (thầy cô giáo trường học đối với K); tăng vẻ quan cách trịnh trọng của viên chức Lâu Đài (Ngài trẻ tuổi Thư ký Chánh Văn Phòng Monus): - Người đàn bà mở tủ, K. và trưởng thôn cùng nhìn vào. Cái tủ nhét đầy các loại giấy tờ. Khi người đàn bà mở tủ, hai tập hồ sơ lớn quấn lại thành hai tập giấy khổng lồ được bó làm một như người ta bó củi khô, truồi ra làm bà ta hoảng hốt nhảy sang một bên… cho dù hồ sơ mắc kẹt ở chỗ chúng tôi, hoặc trên đường đi bị mất, sự thật thì chỉ có phần ngoài đề địa chỉ phòng B là đến được mà trong thực tế, rất tiếc tập hồ sơ đã mất lại nói về việc nhận người đạc điền. Trong lúc đó, phòng A vẫn cứ đợi trả lời và đã có những báo cáo lên trên… Như vậy, hiển nhiên là việc không cần đến người đạc điền ít ra vẫn còn là vấn đề chưa rõ ràng dứt khoát… (Đoạn khác) - Hình dáng tòa lâu đài đã bắt đầu chìm trong bóng tối, nó đứng câm lặng như vẫn thế. K. chưa bao giờ thấy ở đó dấu hiệu nhỏ nào của cuộc sống, có lẽ ở xa như thế không thể nhận ra cái gì cả, nhưng con mắt vẫn khao khát được thấy cái gì đó, và không thể nào chịu được sự bất động câm lặng này… Ngài trẻ tuổi, khi đến bên cửa mà K. đã bước qua để vào sân, còn quay lại nhìn lần nữa. K. như thấy ngài lắc đầu… sau đó với cử chỉ cương quyết, nhanh nhẹn, và dứt điểm, ngài quay lại bước nhanh vào hành lang, rồi biến mất ngay sau đó… và bây giờ mọi ánh điện đều đã tắt… người ta đã cắt đứt mọi quan hệ với chàng… Bà chủ quán thì với những bước dài nhón chân chạy đến cánh cửa mở ra sân, và nhìn trộm ra ngoài qua lỗ tra khóa… Bây giờ thì người ta thay nhau nhìn ra, nhìn lâu nhất là bà chủ quán… nhìn với vẻ mặt căng thẳng, người oằn xuống gần như là quỳ… bà vuốt khắp mặt, sửa lại tóc, thở sâu… Vậy là Klamm đã đi rồi sao? Chàng hỏi … không thể thấy gì nữa, gã xà-ích đã quét luôn cả dấu vết trong tuyết…

 

3/ Chương đoạn thứ ba gồm các chương từ mười đến mười bốn: Nhà văn Kafka đẩy việc mô tả con người, những nhân vật phụ, đến mức độ vượt quá hiện thực, chỉ như những điển hình, làm độc giả nghĩ họ không phải đang sinh hoạt thực sự, chỉ là những tượng trưng cho bá tánh nhân loại. Như những người giúp việc cho K. thật là những kẻ nhốn nháo, dám chọc ghẹo cô chủ, không đúng là người giúp việc, chỉ như những bộ hạ từ Lâu Đài phái đến để dò xét người lạ mặt đến Lâu Đài. Như thầy giáo cô giáo sao không có chút lịch sự nào đối với K. và Frida tạm thời phụ trách việc quét dọn trong trường trong khi chờ đợi công việc đạc điền được xác nhận hoặc chính thức bị hoãn lại; phải chăng họ là điển hình của giới được coi như lớp người tử tế mà hóa ra không tử tế chút nào. Như Frida, tuy là vợ chưa cưới của K. nhưng lại tỏ ra mật thiết với một trong hai người giúp việc, đôi khi giỡn hớt vì họ quen nhau lúc còn ở tuổi thiếu niên, có những biểu hiện tinh cảm thương xót; phải chăng Frida là điển hình của người dễ có tình cảm giao động, không vững vàng trong tâm hồn. Cậu học trò Jancsi thấy ở K. toàn là điều đáng khâm phục đáng bắt chước, muốn đem K. về nhà giới thiệu với mẹ mà phải đợi cho khi nào cha vắng mặt; phải chăng Jancsi là điển hình của bất mãn giáo dục gia đình mà người cha thường độc quyền dạy dỗ không cần tham khảo với mẹ cho có phương pháp mềm dẻo hơn. Tóm lại, ta thấy các nhân vật như đều tượng trưng những tâm tính, hành vi được đẩy lên mức thái quá, vượt xa hiện thực chủ nghĩa: - dường như Frida cùng cánh với chúng, hoặc chí ít cũng quá bao dung đối với chúng. Tất nhiên chúng là những kẻ điển trai, nhưng chỉ cần có nghị lực thì không có ai là không đuổi đi được, chàng sẽ chứng minh điều đó qua bọn giúp việc. (Đoạn khác) - Nếu nhắc đến K., cậu mỉm cười nói những điều này vẻ phấn chấn, nếu nhắc đến ông bố, cậu nói vẻ xót xa buồn bã. Nhưng cậu còn nói thêm: Tuy thế K.vẫn có thể nói chuyện với mẹ cậu, nhưng không được để bố biết.

 

4/ Chương đoạn thứ tư gồm chương mười lăm và mười sáu: Chương mười lăm dài nhất trong tác phẩm “Lâu Đài”, như một truyện lồng trong toàn truyện, gồm bốn phần cũng khá gây cấn: Bí mật của Amalia - Sự trừng phạt Amalia - Những cuộc hành hương - Kế hoạch của Olga. Tiểu truyện này được lồng vào truyện “Lâu Đài”; biết được sau khi cậu bé Jancsi đưa K. đến làm quen với gia đình cậu. Tiểu truyện phơi bày sự lạm quyền của một trong những viên chức của Lâu Đài và gia đình người dân tìm cách đối phó một cách yếu ớt trước sự trả thù ngấm ngầm; không có văn bản kể về tội gì (giống như ở trường hợp “Vụ Án” về một bản án đến tử hình mà không có trình bày chứng cớ; không văn kiện nói đến tội gì). Chương mười sáu chỉ như một chương kết nối: sau khi K. lui tới gia đình Olga, một trong hai kẻ phụ việc đến báo tin Frida nay đã dứt tình với K. Vài trích dẫn cho chương đoạn này: - Bố em cúi thấp đầu và ra hiệu cho chúng em ý là hãy cúi chào Sortini… chúng em người này tiếp người kia tiến lại, cho tới lúc ánh mắt ông dừng lại ở Amalia. Sortini đành phải ngước lên vì Amalia cao hơn ông nhiều. Ông ta sửng sốt, nhảy qua chiếc cần máy bơm để đến gần hơn với Amalia… Đó là lá thư Sortini gửi cho cô gái đeo dây chuyền đá thạch lựu… Ông ta đòi Amalia phải lập tức đến chỗ ông ấy ở Quán Ông Chủ… Một lá thư như thế làm phẫn uất bất kỳ cô gái nào… nhưng sau đó hằn nỗi khiếp sợ bởi giọng điệu đe dọa… sẽ thắng cô gái không giống như Amalia. (Đoạn khác nói về sự trừng phạt Amalia) - Brunswick (thợ đóng giày trong tiệm làm giày của bố Amalia) đến xin thôi việc nói rất chân thành với ông bố rằng anh ta muốn làm việc độc lập… Người ta lần lượt gạch tên trong sổ đặt hàng… viên chỉ huy đội cứu hỏa đến thông báo cho bố em biết rằng đội cứu hỏa đã sa thải ông và xin lại ông cái bằng cứu hỏa… Gia đình em không có đất, thế mà chẳng ai nhờ chúng em làm việc gì… chúng em buộc phải gần như vô công rồi nghề… Tất nhiên gia đình em phải bỏ nhà, Brunswick đã chuyển đến ở, người ta cho chúng em cái lều này… ngay cả khi chuyển nhà mệt mỏi như vậy, chúng em không ngớt gặp những chiếc xe chở ngũ cốc, những chủ xe khi thấy chúng em họ liền quay lưng, ngoảnh đầu đi… tên họ của chúng em không bao giờ còn được gọi tới nữa… bố em chỉ cần họ tha lỗi cho ông. Nhưng họ phải tha lỗi cái gì? Họ trả lời: tạm thời chưa có sự tố cáo nào chống ông từ Lâu Đài cả, những chuyện như thế không có dấu vết trong các biên bản. (Đoạn khác, về việc Frida nhờ một người giúp việc báo tin nàng đã dứt tình với K.) - Bây giờ tôi làm hầu phòng ở trong quán Ông Chủ, Frida lại làm việc ở quầy rượu uống… tôi đã thấy các cô gái bám theo ông như thế nào, dường như ông kéo họ bằng sợi dây vậy, nhất là cái cô đen đúa (Olga) đang mê mệt vì ông… Ừ, thì mỗi người có một khẩu vị riêng…

 

5/ Chương đoạn thứ năm gồm chương mười bảy đến mười chin:  Đây là ba chương, theo thiển nghĩ, tác giả làm ta chán ngán với việc thư lại giấy tờ, cách làm việc lười biếng mà tỏ ra vẻ bận rộn đến thẫn thờ mệt mỏi; đầy dẫy những từ ngữ lặp đi lặp lại như hồ sơ tài liệu, thẩm quyền, thẩm vấn ban đêm,  hành lang giao thư, phân phát tài liệu, chuông bấm giao thư, người phục vụ giao thư… Thay vì viết tiểu thuyết làm người đọc theo dõi do tình tiết hấp dẫn thì Kafka, theo thiển nghĩ, lại dùng bút pháp gây chán ngán đọc vì đầy dẫy chững từ ngữ lặp tới lặp lui thuộc về hành chánh. Nhưng do đó, ta phải đọc lại và tự hỏi tại sao tác giả áp dụng bút pháp gây chán ngán? Chán ngán đọc hàm chứa chán ngán hành chánh thư lại. Đây là những trích dẫn cho chương đoạn này: - các viên chức thích nhất là giải quyết những việc chính quyền ở trong quầy uống hoặc trong phòng của họ, có thể trong khi ăn hoặc ngay trong giường trước lúc ngủ… (Đoạn khác) - Nhưng thỉnh thoảng, anh chàng phục vụ này cũng mất hết kiên nhẫn, anh ta quay trở lại chiếc xe, ngồi lên những tập hồ sơ, lau mồ hôi trán, và một hồi lâu không làm gì khác ngoài việc vung vẩy hai chân…

 

6/ Chương đoạn thứ sáu chỉ gồm chương hai mươi: Chương đoạn này đọc cảm thấy gần gũi với đời thường, không phải mang tính chất tượng trưng hay điển hình cho nhân tính tha hóa hay phức tạp mê cuồng nào đó; chỉ là những cảm nghĩ chủ quan của một cô gái từ hầu phòng được đưa lên thay thế làm gái quầy rượu, nhưng cô đảm nhận vai trò có bốn ngày. Pepi, cô gái ấy, giàu tưởng tượng nên nghĩ rằng Frida có những mưu đồ ra đi để lấy tiếng chạy theo tình yêu với K., rồi lại vận động Chánh Văn Phòng Klamm không đến Quan Ông Chủ , do đó Chủ Quán phải mời Frida trở lại. Pepi cho rằng Frida chỉ vì mục đích đề cao mình; làm Pepi mừng hụt thoát đời đáng buồn mãi làm gái hầu phòng. K. đã bị Frida bỏ rơi và Pepi đề nghị K. đến sống nơi chỗ cư trú khiêm tốn của Pepi cùng chung phòng với hai cô gái hầu phòng khác; có thể giải quyết tình trạng lơ lửng không còn làm việc quét dọn ở trường học mà giấy mời làm đạc điền cũng chưa đâu vào đâu. Xin nhắc lại: Truyện “Lâu Đài” đến đây thì dở dang, vì tác giả Kafka lâm bệnh nặng và mất sau đó ít lâu. Trích dẫn văn cho chương đoạn này: - … cô ta (Frida) ngồi đó, đằng sau quầy rượu như con nhện trong cái lưới của mình, những sợi tơ nhện đến khắp nơi… Người ta chỉ nhìn thấy Frida mang bia vào phòng Klamm, sau đó thì cô ta lấy tiền đi ra, còn cái gì không nhìn thấy thì Frida kể lại… Frida quyết định sẽ gây tai tiếng rằng cô ta, người tình của Klamm, đi trao mình cho kẻ khác… coi khinh sự danh giá (làm người tình của Chánh Văn Phòng)… Chỉ có một khó khăn là kiếm đâu ra được người phù hợp để có thể chơi trò chơi láu cá này… may mắn có một chàng đạc điền trôi dạt đến quán rượu… (K. có ý kiến sau khi nghe Pepi chủ quan nhận xét Frida): - đấy là những tưởng tượng sinh ra trong những căn phòng đày tớ chật chội… quen ngó trộm qua lỗ khóa, và việc đó quy định cách nghĩ của các cô… Tôi chẳng hạn, hoàn toàn không nói được một cách chính xác như cô, rằng tại sao Frida đã bỏ tôi… quả thật người ta muốn cô ấy trở về… trong công việc cô ấy là người rất có kinh nghiệm… Cô đã để ý tới ánh mắt của cô ấy chưa? Ánh mắt này không còn là ánh mắt của một cô gái làm việc ở quầy rượu… nó hợp với ánh mắt của bà chủ quán thì hơn. Cô ấy bao quát tất cả… chỉ khi tôi so sánh mình với cô (Pepi) thì trong tôi mới xuất hiện cảm giác: có lẽ cả hai chúng ta đã cố đạt được một cái gì đó bằng đao to búa lớn, quá ầm ĩ … Chúng ta như đứa trẻ hất cả chiếc khăn trải bàn xuống mà vẫn không lấy được gì, chỉ hất đổ hết của ngon vật lạ lên mặt đất… (Đoạn khác) - Frida đã bỏ anh, và không theo sự lí giải của em, cũng chẳng giống sự lí giải của anh… trời lạnh mà anh không có việc làm, không nơi ngả lưng; thôi đến chỗ bọn em…

 

Qua sáu chương đoạn gồm hai mươi chương kể trên, theo chủ quan của người viết bài này thì chỉ hứng thú đọc ở chương đầu do thi-tính huyền ảo về một quần thể tạo vật thấy gần kề mà đi hoài không tới của Lâu Đài trong mùa tuyết đổ; và ở chương mười lăm với tiểu truyện khá tình tiết có diễn tiến đầu đuôi; và ở chương hai mươi với tâm tình ganh ghét nhỏ nhen mà rất thật của cô gái muốn vươn lên một địa vị khá hơn trong xã hội. Ngoài tính thơ mộng, tính cốt truyện, tính hiện thực ấy, các chương còn lại dường như tác giả trình bày một thế giới điển hình tượng trưng cho những hạng người, nên mang nhiều kịch tính, không gần với hành vi đời thường. Tuy vậy, có những đoạn mô tả rất chính xác tính kiêu căng hợm mình, vừa giả vờ ngủ vừa quan sát người muốn hầu chuyện; điều này có lẽ phản ánh từ những gần gũi thế giới các nhân sự được ưu đãi xung quanh quyền lực của người cha tác giả. Tác giả Franz Kafka là nhà văn được các nhà nghiên cứu bàn luận tới nhiều, phải chăng ở bút pháp tiền phong tân kỳ, ở cấu trúc tiểu thuyết tiền phong sáng tạo, ở nhân-sinh quan phê phán; vượt qua tính hấp dẫn thường lệ của tiểu thuyết cũ.  Xin trích dẫn thêm những câu văn của Kafka trong “Lâu Đài” chưa đưa vào trong từng chương đoạn kể trên, vì có sự trùng hợp hoặc vì tính chất của cái hay còn nằm trong vẻ cổ điển: - Nhìn Lâu Đài, thỉnh thoảng K. cảm thấy như mình đang quan sát một ai đó ngồi điềm tĩnh và nhìn ra trước mặt… người đó không quan tâm đến điều gì cả như thể chỉ có một mình anh ta, và không ai để ý đến, thế nhưng anh ta cũng biết là có người nhìn… Cái gác chuông giống như một người có tâm tính chán chường, sống ru rú trong phòng ở nơi cuối cùng nhất của ngôi nhà, bỗng phá mái, nhô lên cao cho cả thế gới biết. (Đoạn khác) - Chàng lấy ra một chai mở nút ngửi rồi vô tình mỉm cười: cái mùi ngọt ngào dễ chịu xốc vào mũi như khi chúng ta nghe những lời khen tốt đẹp từ một người nào đó mà ta rất yêu quý, và chúng ta không biết chính xác là khen gì. (Đoạn khác) - K. còn lại một mình, một phía là gã xà-ích và chiếc xe trượt tuyết đang xa dần, phía khác là ngài trẻ tuổi đang bỏ đi. Cả hai đều đi rất chậm, như thể muốn để chàng hiểu rằng chàng có quyền gọi họ quay lại. (Đoạn khác) - … chỉ có nụ cười của anh ta là tỏa sáng, nhưng nụ cười cũng không giúp được gì giống như những ngôi sao ở trên trời trước cơn bão dữ tợn dưới mặt đất. (Đoạn khác) - ông ta đang lau cặp kính mũi, Klamm thường xuyên làm việc này, và có thể là trong khi đó ông ta cũng quan sát Barnabas, giả thuyết rằng không có cặp kính mũi thì Klamm cũng nhìn thấy… những lúc như thế Klamm gần như nhắm mắt vẻ đang ngủ, vừa ngủ vừa lau kính… một viên thư ký hơi giống Klamm, lúc đó hắn ta mới bắt chước tác phong ngái ngủ, uể oải của ông ta mà làm ra vẻ quan trọng… Bởi vì đấy là đặc điểm dễ bắt chước nhất, có nhiều người đã sao chép lại của ông ấy… (Hết phần trích dẫn tác phẩm “Lâu Đài” của Kafka qua bản dịch của Trương Đăng Dung).

 

 

City of Walnut, California, tháng 9 năm 2014

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 4718
Ngày đăng: 15.09.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gặp tác giả "Em ơi! Hà Nội Phố" ở quê nhà - Trần Trung Sáng
Tử vi Ai Cập - Nguyễn Hồng Nhung
Phép thuật của màu sắc - Nguyễn Hồng Nhung
Bản cầu hồn cho Điện Biên Phủ - Nguyễn Anh Tuấn
Những bí ẩn của bản thể - Võ Công Liêm
Nỗi cô đơn của châu Mỹ La Tinh - Bùi Hoằng Vị
Nỗi buồn của bà Chúa hoa rừng - Nguyễn Anh Tuấn
Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống - Tuệ Thiền
“ Lời tình buồn” . Thơ, nhạc và các bản dịch . Anh, Pháp, Ý. - Trương Văn Dân
Tổng luận ca trù - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)