Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.206
 
Thử tiếp cận một cách nhìn khoa học hơn
Trần Dũng

Về truyện thơ Thầy Thông Chánh

 

Hơn một thế kỷ trước, lúc mà chế độ thực dân cai trị nước ta bước vào giai đoạn hoàng kim của nó, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, tại châu thành Trà Vinh, thầy Thông Chánh đường hoàng nổ súng, giết chết tên Biện lý Jaboin. Đây quả là một sự kiện gây chấn động, một thứ “sét giữa trời quang”, tạo ra nhiều luồng dư luận trái ngược nhau trong các giai tầng xã hội khác nhau. Bọn thực dân và tay sai tuy có hoảng hốt nhưng nhanh chóng trấn tĩnh và tìm mọi cách giảm nhẹ ảnh hưởng; trong khi đó, giới bình dân yêu nước hết sức hả hê, xem đây là đòn tấn công trực diện vào thế lực ngoại xâm ngay tại dinh lũy chúng, tôn vinh thầy Thông Chánh như một anh hùng vị nghĩa vong thân. Một truyện thơ mang tên Thơ Thầy Thông Chánh do một người bình dân nào đó sáng tác ca ngợi thầy Thông Chánh bắn Tây được truyền tụng (và chắc chắn được chỉnh lý dần qua quá trình truyền tụng ấy) trong nhân dân, bất chấp sự cấm đoán của nhà cầm quyền thực dân.

 

Trong suốt thế kỷ XX, truyện thơ Thầy Thông Chánh có một vị trí vô cùng đặc biệt trong dòng thơ ca dân gian Nam bộ. Xét ở mức độ phổ biến cũng như giá trị tư tưởng, trong một chừng mực nào đó, truyện thơ này có thể sánh được với truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Chính vì vậy, nó đã làm hao tốn không biết bao nhiêu bút mực của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian Nam bộ trước cũng như sau ngày đất nước được giải phóng. Không ít học giả thân Pháp, thân Mỹ tìm mọi cách phủ nhận, làm giảm nhẹ ảnh hưởng của truyện thơ. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu sau này lại quá đề cao sự kiện “thầy Thông Chánh bắn Tây” và nhân thân thầy Thông Chánh mà xem truyện thơ như một thứ tài liệu minh họa trung thực sự kiện lịch sử. Xu hướng nào xem ra cũng đậm tính chủ quan, suy đoán nên khó nhận ra giá trị thực của truyện thơ này đối với lịch sử cũng như đối với đời sống tinh thần người dân Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX đến nay.

 

Hôm nay, nhân Hội nghị khoa học thường niên về Văn hóa dân gian do Viện Văn hóa dân gian Việt Nam tổ chức, qua những tài liệu chính thức ít ỏi còn lưu trữ được và qua 6 dị bản truyện thơ Thầy Thống Chánh vẫn đang lưu truyền trong thế hệ những người lớn tuổi ở Trà Vinh mà chúng tôi sưu tầm được, gạn bỏ những hạn chế, những bóp méo cố tình của thực dân và cả sự hả hê, đồn đoán của quần chúng, chúng ta thử tiếp cận một cái nhìn khách quan hơn về hiện tượng đặc biệt này của dòng văn học dân gian Nam bộ.

 

I. VỀ NHÂN THÂN THẦY THÔNG CHÁNH:

 

Về nhân thân thầy Thông Chánh, không thấy tài liệu chính thức nào đề cập. Chỉ thấy duy nhất trên tờ Công báo Bull, Officiel de L’ Indochine, số 11, ra ngày 15 Janvier, 1894 ghi rằng: “Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, bị Toà đại hình Mỹ Tho kết án ngày 18/3/1893 và bị xử tử ngày 8/1/1894, tại Trà Vinh”. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân thầy chỉ là viên thông ngôn bình thường, mà nếu không có sự kiện thầy ra tay bắn Tây, thì chẳng có mấy ai quan tâm tìm hiểu. Chính vì vậy, về nhân thân thầy Thông Chánh, chúng ta đành chấp nhận với nhau ở mức suy đoán từ nội dung các dị bản truyện thơ còn lưu truyền.

 

 Trước hết, về quê hương xứ sở thầy Thông Chánh, các dị bản truyện thơ khá thống nhất nhau ở chi tiết: Sau khi tránh tên Biện lý Jaboin bằng cách xin đổi đi nhiều nơi, lên  Sài Gòn, qua tận Nam Vang nhưng tên thực dân dâm đảng này cứ đeo theo ve vản vợ con mình, thầy Thông Chánh xin đổi về Trà Vinh, để:

 

“…

 

Vợ chồng tôi mới đổi về Trà Vinh.

Đặng gần bằng hữu đệ huynh,

Biện lý xin phép Trà Vinh đổi về.”

 

Về Trà Vinh để có bạn bè, anh em, người thân thuộc. Như vậy, có thể khẳng định thầy Thông Chánh là người sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Điều này phù hợp với logique truyền thống: người Việt Nam nào cũng muốn khi nhắm mắt xuôi tay được nằm tại quê hương bản quán. Do vậy, trước khi quyết định chuyện tử sinh, thầy Thông Chánh đã quay trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

 

Chi tiết thứ hai, thầy Thông Chánh là người theo đạo Thiên chúa. Sau khi bắn chết tên Biện lý Jaboin, bị thực dân khảo tra liên tục, thầy đã dõng dạc tuyên bố:

 

“ Chúa sanh tao đứng người ta,

Quân bây cướp nước con nhà nước Nam.”

 

Bình luận về hành động hiên ngang của cha mình, cô Ba Thiệu cũng nói:

 

“Cha ta dù thác bỏ mình,

Cũng trong đạo Chúa cầu xin thiên đường »

 

Nghiên cứu lịch sử giáo dục ở Trà Vinh nói riêng và cả Nam bộ nói chung, dễ dàng nhận ra một điều là khi thực dân Pháp chưa đặt bàn chân xâm lược lên đất Nam kỳ lục tỉnh thì các họ đạo Công giáo chính là những trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ sớm nhất, bên cạnh chữ Pháp và chữ Latin. Đây chính là những công cụ truyền đạo hữu hiệu của các linh mục Thừa sai. Từ đó, khi Pháp cần những thông ngôn, ký lục... phục vụ cho bộ máy cai trị thì các họ đạo Công giáo trở thành nguồn cung cấp ban đầu về nhân lực. Thầy Thông Chánh là một trong số đó.

 

Về tuổi tác, không thấy tài liệu nào ghi lại, duy trong truyện thơ có chi tiết :

 

« Thứ này đến thứ cô Ba,

Mới mười bảy tuổi lấy mà chồng Tây. »

 

Năm xảy ra vụ việc, cô Ba Thiệu, con gái thứ ba của thầy Thông Chánh vừa tuổi 17. như vậy, có thể thầy trên dưới 40 đôi chút, tức sinh khoảng 1850. chi tiết này khá hợp lý, bởi lẽ nếu vượt quá tuổi này, dù xinh đẹp đến đâu, vợ thầy khó có sức quyến rũ đến vậy đối với tên Biện lý Jaboin.

 

Nếu sắc đẹp của vợ thầy Thông Chánh khiến cho tên thực dân háo sắc Jaboin chết mê chết mệt thì nhan sắc con gái thầy, cô Ba Thiệu, càng lộng lẫy hơn. Học giả Vương Hồng Sển miêu tả : « Cô đẹp tự nhiên không ai bì được. Không răng giả, không vú cao su, tóc dài chấm gót, mướt mượt và thơm dầu dừa mới thắng. ». Cô đẹp đến nỗi hãng Xà bông Trương Văn Bền in hình cô để quảng cáo sản phẩm – Xà bông Cô ba ! Cô đẹp đến nỗi Ngân hàng chế độ Sài Gòn in nổi hình cô trong vòng trắng các loại giấy bạc. Tài liệu Hỏi đáp Sài Gòn 300 năm (NXB Trẻ, TPHCM. 2000) khẳng định cô là hoa hậu chính thức đầu tiên của Nam kỳ ( ?).

 

Từ những dữ liệu đó, chúng ta có thể vẽ lại đôi nét về thân thế của thầy Thông Chánh như sau (tất nhiên, không bảo đảm chính xác tuyệt đối) : Thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850, tại Trà Vinh, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Thầy được học chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Latin từ nhỏ nên khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, thầy được mời ra làm thông ngôn phục vụ bộ máy cai trị của chúng. Trong cuộc sống, thầy tỏ ra là một công chức trung thành, mẫn cán của chế độ thực dân Pháp (gã con cho một đại úy người Pháp). Vợ con thầy rất đẹp khiến tên Biện lý Jaboin rắp tâm phá hoại gia cang. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết tên thực dân háo sắc nên bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị xử tử ngày 8/1/1894, tại Trà Vinh.

 

II. VỀ TRUYỆN THƠ THẦY THÔNG CHÁNH :

 

Ngay sau khi vụ án thầy Thông Chánh nổ ra, một người bình dân Trà Vinh nào đó đã làm một truyện thơ tôn vinh thầy. Truyện thơ bị thực dân Pháp cấm đoán nên chỉ còn con đường duy nhất để truyền bá là truyền khẩu. Vì vậy, qua thời gian có nhiều dị bản khác nhau. Hiện, trong tay chúng tôi có 6 dị bản gồn 2 bản 242 câu, bốn dị bản còn lại có độ dài 198, 236, 248 và 262 câu. Tuy số câu là khác nhau, ngôn ngữ thể hiện cũng có phần khác nhau nhưng các chi tiết chính của truyện thơ là khá thống nhất (và có lẽ chẳng khác mấy so với nguyên bản). Nội dung ấy dựa vào những tình tiết vụ án nhưng đã được ly kỳ hóa, văn nghệ hóa, tức là có sự hư cấu nhất định theo mục đích và quan niệm của người sáng tác, người lưu truyền, tức của quần chúng bình dân Trà Vinh, Nam bộ hơn trăm năm qua.

 

Mở đầu truyện thơ, tác giả viết :

 

« Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,

Chép làm một bổn để mà coi chơi.

Trà Vinh lắm kẻ kỳ tời,

Có thầy Thông Chánh thiệt người không ngoan. »

 

Chúng ta thấy có sự nhập đề mang hơi hám Lục Vân Tiên, khi cụ Đồ Chiểu mượn truyện Tây Minh để bắt đầu câu chuyện thì tác giả mượn « Nhựt trình Vĩnh Ký » để thu hút sự chú ý của người đọc. Sâu sa hơn là tác giả muốn tránh sự khủng bố của nhà đương cục, bởi « nhựt trình Vĩnh Ký » là loại Công báo chính thức thời ấy. Tuy nhiên, nếu « nhựt trình Vĩnh Ký » chỉ đăng tải có 3 dòng ngắn gọn thì truyện thơ được « chép » thành trên dưới 250 câu lục bát ! Vậy mà tác giả khẳng định là « chép », hơn nữa chỉ « chép thành một bổn » với mục đích « để mà coi chơi » chứ không có ý định truyền bá, lưu hành. Do đó, khó mà khép tác giả vào tội « tàng trữ, lưu hành, truyền bá văn hóa phẩm ngoài luồng » được.

 

Bây giờ, chúng ta cũng bắt đầu từ « nhựt trình Vĩnh Ký », tức từ « nguyên bản » như tác giả khẳng định để đối chiếu với những chi tiết trong truyện thơ. Trước hết, theo truyện thơ, ngày xảy ra sự kiện thầy Thông Chánh bắn Tây là ngày Chánh chung (quốc khánh Pháp) :

 

« Lang Sa bày tiệc châu thành,

Mười bốn tháng Bảy lễ là Chánh chung. »

 

Nhưng « nhựt trình Vĩnh Ký » lại ghi rằng : « Bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 ». Có một độ chênh nhất định về mặt thời gian vì không thể có chuyện tòa án kết tội trước khi xảy ra hành vi phạm tội. Theo Sơn Nam trong Thiên địa hội và cuộc Minh tân, thầy Thông Chánh bắn chết tên Jaboin ngày 14/5/1893. Như vậy, tác giả truyện thơ cố tình đẩy lùi thời gian lại hai tháng nhằm hai mục đích : Thứ nhất, tiếng súng bắn Tây xảy ra ngày quốc khánh Tây có tiếng vang hơn nhiều so với ngày thường ; Thứ hai, tác giả tạo ra bối cảnh hợp lý để qui tụ hàng loạt tên thực dân có máu mặt khắp Nam kỳ về Trà Vinh cho thầy Thông Chánh ra tay, thay vì chỉ mỗi tên Jaboin như « nhựt trình Vĩnh Ký » đã đăng tải và thực tế đã xảy ra :

 

« Thầy Thông thiệt lẹ như cờ,

Bắn quan Biện lý suối vàng vong thân. »

                                    ...

« Trúng nhằm ông Chánh Vĩnh Long,

Trúng ngay bắp vế điệu về nhà thương.”

                                   

 

“Trúng nhằm ông Đốc Cần Thơ,  

Bây giờ lại trúng Chánh tòa Bạc Liêu.”

 

Với lòng yêu nước, căm thù Tây cao độ, tác giả truyện thơ – một người bình dân nào đó ở Trà Vinh – đã khuếch trương “thành tích” của thầy Thông Chánh vì họ biết rằng, chỉ với việc bắn chết mỗi một tên Biện lý đã đủ cho thầy thọ án tử thì tại sao, không nhân cơ hội đó, mượn tay thầy – trên câu chữ – giết thêm một số tên thực dân gộc nữa cho thỏa lòng căm hận cũng như cho cái án tử của thầy trở nên xứng đáng hơn.

 

Tiếp đó, tác giả truyện thơ lại hư cấu thêm một số chi tiết rất thú vị: Sau khi bắt được và lấy khẩu cung thầy tại Trà Vinh, chúng di lý hồ sơ về mở Tòa đại hình ở Mỹ Tho để kết án tử thầy Thông Chánh nhưng, sau đó, lại giải thầy ra Huế để nhà vua trực tiếp xét xử ở cấp phúc thẩm (dù chỉ là hình thức). Rồi lại tiếp tục giải thầy sang Pháp để mẹ tên Biện lý Jaboin xét xử “chung thẩm”. Chi tiết này làm cho không ít nhà nghiên cứu cho rằng tác giả thiếu am tường lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam thời thuộc Pháp. Chúng ta đều biết rằng, kể từ thập niên 1870, Nam kỳ là đất thuộc địa chứ không phải là đất bảo hộ như Bắc kỳ và Trung kỳ. Tòa đại hình Nam kỳ đặt tại Sài Gòn (nhưng có thể xét xử lưu động) và trực thuộc Tối cao pháp viện ở Paris chứ không dính đáng gì đến Bộ Hình ngoài Huế. Đối với những vụ trọng án tiêu biểu thì Toà đại hình Sài Gòn xét xử rồi chờ Paris phê chuẩn (phê chuẩn chứ không phải là phúc thẩm hoặc chung thẩm. Giở lại hồ sơ những vụ án lớn, tiêu biểu ở Nam kỳ như vụ khởi binh Nguyễn Trung Trực, vụ “bạo loạn” trên cánh đồng Nọc Nạng, hay vụ Nam kỳ khởi nghĩa sau này… đều không thấy việc di lý hồ sơ về Paris, thì hà cớ gì vụ án thầy Thông Chánh lại là ngoại lệ!) trước khi đem ra thi hành. Theo Nghị định 167 của Thống đốc Nam kỳ thì kể từ năm 1867 ở Nam kỳ, việc xử án tuân theo hai bộ luật là Đại Pháp hình luật (đối với người Pháp phạm tội) và Gia Long hình luật (nếu là người Việt phạm tội). Nhưng sau đó, đến năm 1887, lại có Nghị định 81 qui định mọi vụ việc hình sự đều được xét xử theo luật nước Pháp, bất kể chủ thể phạm tội thuộc dân tộc nào. Theo “nhựt trình Vĩnh Ký”, vụ án thầy Thông Chánh được Tòa đại hình ở Mỹ Tho xét xử ngày 19/6/1893 và chắc chắn cơ sở để buộc tội là Đại Pháp hình luật. Như vậy, không có cơ sở để nói rằng thực dân Pháp đã giải thầy ra Huế để triều đình xét xử và đưa thầy về Pháp để mẹ tên Biện lý “chung thẩm”. Khi tra cứu tất cả những tư liệu ít ỏi còn lại, chúng tôi không tìm ra chứng cứ nào thể hiện sự di lý hồ sơ và giải giao phạm nhân trong vụ án này. Vậy có thể khẳng định rằng đây chỉ là chi tiết hư cấu. Vấn đề ở đây là chúng ta thử tìm hiểu việc tác giả cố tình đưa thầy ra Huế và về Pháp nhằm mục đích gì?

 

“Đem thầy Thông Chánh xuống tàu,

Chở ra ngoài Huế nạp rày vua ta.”

 

Lý ra, khi tiếp nhận phạm nhân, triều đình sẽ giao cho Bộ Hình xét xử, đàng này lại chính nhà vua trực tiếp thụ lý (chi tiết phi lý này càng khẳng định tính hư cấu của vấn đề). Sau khi nghe thầy tường trình khúc nôi cơ sự, những ức hiếp của tên Biện lý trước người cô thế, những mong phá hoại gia cang người khác, thầy Thông Chánh ra tay trừng trị là đúng đạo lý truyền thống của người Á Đông, nhà vua tỏ ra thông cảm và hứa sẽ can thiệp. Thầy Thông Chánh khẳng khái khuyên vua:

 

“ Cúi đầu tâu vọng thánh hoàng,

Xin vua an nghỉ, nghị ngơi chương tòa.

Việc này là của Lang Sa,

Giết tha mặc nó, vua xin làm gì ?

Làm vua chánh trị trào nghi,

Đi chiều lòng nó vậy thì thất danh »

 

Việc cố tình đưa thầy Thông Chánh ra đến Huế, hoá ra, chỉ nhằm có thế ! Tác giả đã làm sáng tỏ tính khẳng khái, can trường của thầy trước lẽ tử sinh và đạo vua tôi. Tuy nhiên, suy gẫm kỹ một chút, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng tác giả đã dùng biện pháp đối lập để hậu thế so sánh bên cạnh cái kiên cường của thầy Thông là sự bạc nhược của một ông vua, đại diện cho cả đất nước lúc ấy, trước sức mạnh bạo ác của kẻ xâm lược. Hãy để ý những cụm từ : Xin giùm, an nghỉ, nghị ngơi, đi chiều lòng nó... để chỉ thái độ của vua, của triều đình trong cơn nước bỏng dầu sôi, trước sự an nguy của một bề tôi, trước sự hưng vong của xã tắc, nếu nói rộng ra. Sự « thất danh » của nhà vua, của triều đình, của cả ý thức hệ phong kiến đâu chỉ trước mỗi thầy Thông Chánh mà là trước cả vận mệnh dân tộc, sứ mệnh lịch sử. Thật đáng khâm phục một người bình dân ít học nào đó ở Trà Vinh, hơn thế kỷ trước, đã nhìn ra chân lý lịch sử và khẳng định chân lý ấy như một sự cày xới, dọn đường cho luồng ý thức hệ tiên tiến, mấy thập kỷ sau, nhanh chóng bén rễ vào vùng đất Trà Vinh, vùng đất Nam bộ.

 

Sau đó, tác giả lại tiếp tục cố tình đưa thầy Thông Chánh sang tận đất Pháp, dinh lũy của kẻ thù, để mẹ tên Biện lý trực tiếp ra tay xét xử :

 

« Mụ đầm nổi giận lôi đình,

Thông Chánh dám giết con tao bỏ mình. »

 

Thầy Thông Chánh tỏ ra khẳng khái trong cuộc đối chất tay đôi này :

 

« Thông Chánh nổi giận lôi đình,

Mẹ nào con nấy một dòng chẳng sai. »

 

Chỉ với một lời nói ngắn gọn của thầy Thông, tác giả đã vạch trần chân tướng của bọn thực dân, của bọn chuyên cướp nước người, chuyên ức hiếp người cô thế. Điều này càng rõ hơn khi ta xâu kết các chi tiết mà thầy Thông Chánh đối mặt với bọn Tây sau khi vụ việc xảy ra. Trước hết là tên Tây bẹt hạng chuyên nhiệm vụ khảo tra người phạm tội :

 

« Chúa sanh tao đứng người ta,

Quân bây cướp nước con nhà nước Nam. »

 

Kế đến là tên Nguơn soái (theo cách gọi của người bình dân chỉ tên Thống đốc Nam kỳ, một tên thực dân đầu sỏ trên đất thuộc địa) tại phiên Tòa đại hình :

 

« Thầy Thông nổi giận chửi ngang,

Mầy còn hỏi nữa còng phang lên đầu. »

 

Cuối cùng là khi đối mặt với cha mẹ bọn thực dân tận bên chính quốc :

 

« Thầy Thông nổi giận lôi đình,

Mẹ nào con nấy một dòng chẳng sai. »

 

Ai cũng biết, về mặt pháp luật, Pháp là nước theo hệ thống luật Continental ảnh hưởng trực tiếp của nền pháp luật La Mã cổ đại nên các chế định pháp quyền rất chặt chẽ. Thế mà tác giả truyện thơ cố lờ đi, đẩy tên Thống đốc (chứ không phải Pháp quan – Chánh án) ra xét xử, dù đã có Nghị định 167 và Nghị định 81, rồi mẹ tên Biện lý (chứ không phải Dự thẩm Tối cao pháp viện) ra chung thẩm. Đây chính là biện pháp sắp xếp vấn đề theo thế phát triển, để tác giả – qua giọng lưỡi của thầy Thông Chánh – tung hoành cuộc khẩu chiến trước cả một hệ thống thực dân từ Nam kỳ cho đến chính quốc.

 

Bên cạnh những đòn tấn công trực diện và quyết liệt vào các thế lực thực dân và phong kiến, truyện thơ Thầy Thông Chánh còn dành những tình cảm nồng nàn, nhân hậu đối với đồng bào, dân tộc mình. Giữa một cuộc hội chợ ở một tỉnh lẻ, dù là hội chợ Chánh chung (đây cũng là chi tiết hư cấu) thì chắc chắn quần chúng người Việt đông hơn quan chức người Pháp, mà tác giả vẫn vạch đường điều chỉnh quĩ đạo những viên đạn thầy Thông nhắm thẳng vào bọn Tây tà cướp nước :

 

« Khá khen cây súng tài cao,

Người  Nam không trúng, trúng nhằm người Tây. »

 

Tiếng súng nổ làm cuộc chơi tan vỡ, mạnh ai nấy chạy thoát thân, người lớn sợ xanh mặt, con nít khóc nháo nhào. Vậy mà tác giả viết :

 

« Vui thay như hội Tầm Dương,

Cháo bồi bột bán đổ đường mà đi. »

 

Thì ai cũng hiểu niềm vui của tác giả không vì cảnh « cháo bồi, bột bán đổ đường mà đi » mà chính là sự hả hê « người Nam không trúng, trúng, trúng nhằm người Tây » !

 

Sau khi nổ súng giết chết một loạt những tên thực dân gộc tại các tỉnh Nam kỳ, sau những cuộc khẩu chiến nẩy lửa với đủ hạng thực dân, cái chết của thầy Thông Chánh là đã được báo trước. Nhân dân Nam kỳ đổ về Trà Vinh tiễn đưa thầy như tiễn đưa người anh hùng :

 

« Truyền đi Lục tỉnh giáp vòng,

Đi coi Thông Chánh đứng nên anh hùng.

Càng Long,Ất Ếch, Trà Vinh,

Ba Xuyên, Rạch Giá cũng đi đùng đùng

Bắc Trang, Trà Cú, Gò Công,

Sài Gòn, Tân Lạc cả ngàn muôn dân.

Thiên hạ đông đảo quá đông,

Bến Tre cũng đến, Mõ Cày cũng sang…”

 

*

Từ những phân tích trên, chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng: Từ chỗ vì chén cơm manh áo mang thân ra làm việc cho Tây một cách mẫn cán và trung thành nhưng vẫn bị chúng ức hiếp, toan phá hoại gia cang nên thầy Thông Chánh, sau nhiều lần nhẫn nhịn, đã ra tay giết chết kẻ thù. Hành động của thầy rõ ràng xuất phát từ sự ghen tuông, từ động cơ cá nhân, không hề mang hơi hám chính trị (và chưa bao giờ vụ án này được xem là án chính trị). Nhưng dẫu sao, ở vào bối cảnh nhiễu nhương lúc ấy, trong lúc nhiều người sẵn sàng quí gối dâng vợ con mình cho Tây hòng tìm chút đỉnh chung phú quí (cả ngày nay, nhiều bậc làm cha mẹ cũng sẵn sàng gã bán con mình, mong cuộc đổi đời) thì phát súng của thầy Thông Chánh nhằm bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ đạo lý truyền thống dân tộc, ngẫm ra cũng đáng quí lắm thay!

 

 

Từ sự kiện đơn giản ấy, tác giả – một người Trà Vinh bình dân nào đó – đã sáng tác truyện thơ Thầy Thông Chánh. Bằng những thủ pháp nghệ thuật đáng khâm phục, tác giả đã hướng phát súng của thầy Thông Chánh vào tận thành trì của chế độ thực dân cướp nước và sự ươn hèn của triều đình phong kiến, đồng thời khẳng khái biểu thị thái độ yêu nước thương nòi mãnh liệt của mình. Chính những giá trị đó đã đáp ứng được nỗi lòng của giới quần chúng bình dân trước cơn quốc phá gia vong nên họ chắt chiu gìn giữ rồi lưu truyền cho các thế hệ con cháu, mặc cho sự cấm đoán gay gắt của chế độ thực dân.

 

Cũng chính từ những giá trị đó mà nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian sau này đã khá thống nhất nhau trong nhận định: “Cùng với Thơ Sáu Trọng, Thơ Thầy Thông Chánh là hai truyện thơ làm rung rinh chế độ thực dân Pháp ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX”.

 

(Trình bày tại Hội nghị khoa học thường niên về Văn hóa dân gian

do Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam tổ chức.

Hà Nội – 28/11/2004)

 

Tài liệu tham khảo:

- Công báo Bull, Officiel de L’ Indochine Francaise, số 11. ngày 15 Janvier, 1894.

- Cao Huy Đỉnh. Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam. NXB KHXH. Hà Nội, 1976.

- Địa chí Văn hóa TPHCM. Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên. NXB TPHCM, 1986.

- Tạp chí Bách khoa, số 412. Sài Gòn, 1974.

- Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Giáo trình nhiều tác giả. Đại học Luật Hà Nội, 1997.

- Nhà nước và pháp luật thế giới. Giáo trình nhiều tác giả. Đại học Luật Hà Nội, 1997.

- Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng. Nguyễn Hữu Hiệp – Lê Minh Quốc. NXB Trẻ, 1998.

Trần Dũng
Số lần đọc: 3182
Ngày đăng: 24.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - Trần Dũng
Gieo vần cho thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian - Nguyễn Xuân Kính
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi - Nguyễn Thị Phương Châm