Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.276
123.157.423
 
Diện mạo xã hội nam bộ đầu thế kỷ XX qua truyện thơ Sáu Trọng
Trần Dũng

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, diện mạo xã hội Việt Nam nói chung, Nam bộ nói riêng có sự biến đổi sâu sắc như là một hệ quả tất yếu của việc thiết lập hệ thống cai trị thực dân và việc đẩy mạnh khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Cơ cấu xã hội truyền thống Việt Nam trước đó chủ yếu thuộc dạng văn minh làng xã lấy gia đình, dòng tộc làm tế bào, đặt cơ sở trên nền sản xuất nông nghiệp lúa nước bị tấn công dữ dội, liên tục chao đảo trước việc du nhập của những làn sóng văn hóa xa lạ, một cơ cấu xã hội mới, lấy tự do cá nhân làm trọng, lấy sự phụng sự ngoại bang làm cơ hội vinh thân phì da. Đối với những người dân sinh ra và lớn lên trong xã hội truyền thống, sự hiện diện của những đội quân viễn chinh xâm lược cộng với sự biến đổi diện mạo xã hội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX quả là một cú sốc khó có thể chấp nhận được. Từ đó, hình thành một tâm lý chống đối trong tuyệt đại đa số quần chúng bình dân. Một hành vi, một lời nói, một câu chuyện nào đó khả dĩ tác hại ít nhiều đến trật tự cơ cấu xã hội mà thực dân Pháp đang thiết lập đều được người bình dân Nam bộ đón nhận với một thái độ trân trọng. Truyện thơ Thầy Thông Chánh và truyện thơ Sáu Trọng thuộc dòng văn học dân gian phản ánh khá chân thật diện mạo xã hội và tâm lý chống đối của giới bình dân Nam bộ thời ấy.

 

Thơ Sáu Trọng là một truyện thơ dân gian được lưu truyền rộng rãi ở Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và được in thành sách lần đầu tiên khoảng năm 1905. Đến năm 1916, tác phẩm này được tái bản đến lần thứ 6, dù luôn gặp phải sự cấm đoán gắt gao của nhà đương cục. Bản in năm 1916 của nhà in Bảo Tồn do nhà báo Nguyễn Kim Đính sưu tầm có độ dài 672 câu lục bát và hai lá thơ Sáu Trọng gởi cho bà con cô bác, một lá dài 34 câu, lá còn lại 62 câu. Song song đó, qua quá trình thực tế điền dã, chúng tôi bổ sung thêm cho mình được ba dị bản khác của truyện thơ này vẫn đang được lưu truyền trong dân gian. Truyện thơ kể lại cuộc đời anh chàng Sáu Trọng vốn bỏ nhà đi hoang từ bé. Đến năm 15 tuổi, Sáu Trọng trở về thăm quê, gặp và cưới Hai Đẩu làm vợ. Hai người đưa nhau về Sài Gòn sinh sống. Sau đó, Hai Đẩu ngoại tình khiến Sáu Trọng thất chí bỏ đi. Càng ngày Đẩu càng dấn sâu vào con đường tội lỗi. Cô ta lấy anh chồng Ký lục người Pháp và cùng chồng thuyên chuyển về Trà Vinh. Sáu Trọng tìm về Trà Vinh mong răn dạy vợ nhưng bị vợ vu oan khiến anh phải ngồi tù ba tháng. Ra tù, trở về Sài Gòn mới hay Đẩu mướn tay anh chị giết mình, Sáu Trọng lại quay về Trà Vinh giết chết người vợ phản bội, rồi tự nạp mình để chịu án chém.

 

Cả hai nhân vật chính trong truyện thơ cuối cùng đều mất mạng. Nhưng đọc xong, người đọc cứ mãi suy nghĩ không dứt ra được về cái nguyên nhân đã xô đẩy hai cuộc đời vốn xuất thân ngay trong giới bình dân ấy đi đến cái chết. Đó chính là chế độ thực dân và một cơ cấu xã hội khuyến khích lối sống thực dụng, coi đồng tiền là thước đo giá trị cuộc sống, sẵn sàng chà đạp, phá hoại các giá trị đạo đức truyền thống, từng bước chi phối nếp suy nghĩ, nếp sống từng cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng xã hội. Giá trị của tác phẩm chính là ở chỗ đó.

 

Ngay từ câu đầu tiên – “Kỷ vì thọ Pháp tân trào” –  tác giả truyện thơ, một người bình dân nào đó ở Trà Vinh, đã khẳng định, đã vạch mặt chỉ tên ngay cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là sự có mặt của chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta. Chính chế độ ấy đã làm cơ cấu xã hội truyền thống với nếp sống truyền thống, với những giá trị đạo đức truyền thống từng bước bị đổ vỡ. Để phục vụ cho bộ máy cai trị, một số người nhanh chân nhảy ra cộng tác với nhà cầm quyền, trở thành những thầy Thông, thầy Ký, thầy Cai, thầy Đội…  Đứng trên đỉnh quyền lực của chế độ mới là những tên thực dân mắt xanh mũi lõ trực tiếp cai trị xã hội, trực tiếp nắm quyền sinh sát đối với vận mạng người dân, vận mạng cả dân tộc Việt Nam.

 

Để phục dịch cho bọn quan lại và cũng để bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đàn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân ta, ngoài đội quân viễn chinh, thực dân Pháp gom bắt thanh niên trai tráng trong làng, phiên chế vào các sắc lính khố xanh, khố đỏ, lính tập, cảnh sát… Một nghề mới được hình thành, đó là nghề đi lính cầm súng ăn lương. Tất nhiên, cộng tác với chế độ cướp nước, nhất là trực tiếp cầm súng, trong mắt người dân đương thời, họ là Việt gian phản quốc nhưng không ít trong số đó thực ra cũng vì chuyện chén cơn manh áo. Trong truyện thơ Sáu Trọng, tầng lớp này xuất hiện dưới dạng các thầy Cai, thầy Đội, mã tà:

 

                        “Mã ta, lính tập đôi bên

                        Đội cai súng ống trang nghiêm trong ngoài”

 

Những mầm móng ban đầu của quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa xuất hiện kết hợp với cơ cấu phản động của chế độ phong kiến là nét đặc trưng chi phối xã hội mới. Tuy nhiên, do tính chất thuộc địa kiểu cũ, thực dân Pháp chủ yếu vơ vét, khai thác tài nguyên thiên nhiên và sưu thuế nên giai cấp tư sản và giai cấp công nhân thợ thuyền vẫn còn yếu kém. Một số làng quê có vị trí thuận lợi được chọn làm lỵ sở các cấp hành chánh nên bước đầu được đô thị hóa. Những người nông dân mất đất phải rời quê hương xứ sở để trở thành thợ thuyền, lớp nghèo thành thị, mua gánh bán bưng, kể cả sự hình thành lớp người du thủ du thực mà xã hội truyền thống chưa hề có:

 

                        “Du nhàn thành thị sớm trưa

                        Có chàng Sáu Trọng tuổi vừa mười lăm”

 

 Mới mười lăm tuổi nhưng Sáu Trọng đã có mấy năm du thủ du thực ở chốn thị thành. Vậy nên bản tính chân chất ruộng rẫy ngày nào đã dần phai nhạt trong anh. Trong truyện thơ Sáu Trọng, lớp nghèo thành thị xuất thân từ những người nông dân bị bần cùng hóa không phải là ít. Đó là nàng Hai Đẩu sống bằng nghề mua gánh bán bưng, sáng đầu chợ chiều cuối xóm:

 

                         “Có cô Hai Đẩu ở gần

                        Bán buôn chè cháo tảo tần nuôi cha”

 

 Đó là cha mẹ Hai Đẩu trở thành những người thợ thuyền:

 

                        “Con đi xa cách đường xa

                        Chạnh lòng thương má với ba quá chừng

                        Vợ chồng lão thợ rưng rưng…”

 

Sự phân hóa về kinh tế sản sinh ra một bộ phận xã hội phi nông nghiệp, bao gồm bọn Tây cai trị, những nhà tư sản, giới bàn giấy phục vụ bộ máy cai trị, giới thợ thuyền… Chuyện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của bộ phận xã hội này làm xuất hiện tầng lớp trung gian làm dịch vụ chuyên nghiệp giữa nông thôn và thành thị, giữa nông dân và những người phi nông nghiệp. Giới làm dịch vụ được tác giả truyện thơ sáu Trọng gọi chung là “Dọn bàn”. Họ có mặt khắp các đô thị, từ Sài Gòn đến Lục tỉnh:

 

                         “Thua buồn Trọng mới tính nhăn

                        Xuống ở tàu hãng nấu ăn dọn bàn”

                       

                        Dọn bàn nghe nói thiệt hơn

                        Lấy năm đồng bạc cho em về tàu”

 

 Cũng xuất thân từ những người nông dân bị bần cùng hóa nhưng những tay có máu lục lâm giang hồ, có chút võ nghệ và sự gan dạ lợi dụng thời cuộc nhiễu nhương để trở thành dân anh chị đứng bến, sử dụng sức mạnh cơ bắp và luật rừng chuyên bảo kê cho những phi vụ làm ăn phi pháp. Trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã khắc họa không ít nhân vật điển hình cho giới anh chị giang hồ trong các tác phẩm của Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng… Nhưng ít ai biết ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX một nhân vật đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp với đầy đủ tên họ, lai lịch, cá tính… đã xuất hiện trong thơ ca dân gian Trà Vinh qua hình ảnh Năm Tỵ:

 

                        “Này đoạn con Đẩu tính xa

                        Gởi thơ Năm Tỵ vậy mà anh hay

                        Tôi giận thằng Trọng lắm thay

                        Xin anh giết nó để rày làm chi

                        Anh mà giết đặng một khi

                        Một trăm đồng bạc tức thì đền công”

 

 Trong một xã hội mà tầng lớp thống trị trực tiếp là bọn thực dân từ bên trời Tây xa lạ, còn những người bị trị là cả một dân tộc đã có một nền văn hiến đã được thử thách qua hàng ngàn năm lịch sử. Vấn đề dị văn, dị chủng là một trở ngại lớn đối với bọn thực dân lúc ấy. Chính vì vậy, để bôi trơn sự vận hành guồng máy xã hội, cần có những người bản xứ được học chút ít chữ quốc ngữ, chữ Pháp hoặc chữ Latin đóng vai trò thông ngôn chuyển ngữ. Trong lúc nền giáo dục thực dân chưa kịp đào tạo đội ngũ này thì các họ đạo Công giáo – nơi mà chữ Pháp, chữ quốc ngữ, chữ Latin đang là công cụ truyền đạo của các linh mục Thừa sai – trở thành nguồn cung cấp ban đầu những chiếc cầu nối ngôn ngữ, văn hóa ấy:

 

                        “Thông ngôn nghe nói thiệt thà

                        Bẩm cùng Biện lý vậy mà đặng hay”

 

 Bên cạnh nhu cầu về cai trị, về giao tiếp, xã hội mới lại xuất hiện một nhu cầu khá đặc biệt là nhu cầu hôn nhân dị chủng. Những anh chàng mắt xanh mũi lõ cần có một mái ấm gia đình sau những năm dài hành quân xâm lược. Những cô gái Việt Nam “tân thời” cần có anh chồng ngoại mưu cầu cơ hội đổi đời. Bao giờ vẫn vậy, khi có cầu ắt có cung. Nếu nhu cầu cai trị, giao tiếp xã hội do đội ngũ thông ngôn đảm nhiệm thì nhu cầu hôn nhân dị chủng có ngay chiếc cầu nối là những bà mai dẻo mồm dẻo miệng. Chuyện mai dong se duyên kết tóc cho những đôi trai gái đến tuổi thành hôn vốn là một việc nghĩa trong xã hội truyền thống nhưng để trở thành nghề kiếm tiền hẳn hoi thì có lẽ phải đến khi thực dân Pháp thiết lập chế độ thống trị ở nước ta mới xuất hiện. Chính sự bệnh hoạn của một xã hội nhố nhăng đẻ ra cái nghề quái thai ấy:

 

 

                        “Đẩu về ở với mẹ cha

                        Có chàng Ký lục Lang Sa phải lòng

                        Cậy dì Tư Đến mai dong

                        Hỏi con Hai Đẩu bằng lòng hay không ? »

 

 Sự phân hóa về nghề nghiệp, về phương cách sống đã dẫn tới sự phân hóa về giai tầng xã hội. Mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp xã hội, do điều kiện kinh tế và môi trường sống khác nhau đã qui định lối sống, lối tư duy, lối sinh hoạt khác nhau, tức là xuất hiện sự phân hóa xã hội về mặt tư tưởng. Sự phân hóa về tư tưởng, nếp sống, nếp nghĩ, lời ăn tiếng nói của mỗi giai tầng xã hội Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được phản ánh khá rõ nét trong truyện thơ Sáu Trọng. Trước hết, những tên Tây thực dân khi sang Việt Nam tham gia vào bộ máy cai trị nhưng khi đối diện, giao tiếp với văn hóa Việt nam, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những giá trị văn hóa truyền thống của cái xứ sở mà mình đến để « khai hóa » ấy. Nếu những tên Ký lục, thầy Kiện... luôn mang trong đầu óc thực dân nặng nề, lúc nào cũng muốn đàn áp, bắn giết người bản xứ :

 

                         « Ký lục nghe nói ngẩn ngơ

                        Cầm cây súng lục muốn dơ bắn chàng »

                        ...

                        Thầy Kiện vỗ ghế, đập bàn

                        Chân thời dậm đất hét vang những là »

 

 Thì viên quan Biện lý lại tỏ ra thông cảm được với những hành vi chống đối của Sáu Trọng chẳng qua là vì bảo vệ gia phong, bảo vệ những giá trị đạo đức dân tộc :

 

                         « Tội này tuy đáng tử hình

                        Nhưng tao không chém lưu tình với mi »

 

 Trong khi đó, đa số những người vì miếng cơm manh áo mang thân ra cộng tác với chế độ thực dân chỉ muốn lo tròn bổn phận, công việc của mình theo kiểu « sáng vác ô đi, tối vác về ». đó là những viên thông ngôn, những thầy Cai, thầy Đội, lính tập, mã tà... Tuy khi có điều kiện cũng kín đáo thể hiện tình cảm của mình nhưng lại không muốn vây vào những việc bàng quan thế sự vì sợ vạ lây.

 

 Đáng lên án – và truyện thơ Sáu Trọng đã lên án khá gay gắt – là một bộ phận xã hội không giữ được mình, để cho tư cách đạo đức trượt dài trên con đường suy đồi. Họ sống bất chấp đạo đức, bất chấp luân thường đạo lý, bất chấp dư luận xạ hội. Hãy nghe nhân vật Tư Đến – người chuyên sống bằng nghề mai dong cho những cuộc hôn nhân dị chủng – cụ thể hóa đến lạnh lùng khi định giá bằng tiền chuyện tình duyên con người :

 

                         « Tư Đến nghe rõ nguồn cơn

                        Kêu thầy Ký lục mới đờn nhỏ to

                        Mai dong kiếm chuyện mà o

                        Bụng thầy thương nó muốn cho mấy đồng

                        Lễ nghi năm chục mới xong... »

 

 Khi dịch vụ mai mối hoàn tất, mụ nhận ngay tiền huê hồng hai mươi phần trăm trên tổng giá trị thương vụ :

 

                         « Con Đẩu lấy bạc mười đồng

                        Đem ra đáp nghĩa đền công ơn dì »

 

Rau nào sâu thấy, nhác thấy hơi tanh của đồng tiền, vợ chồng lão thợ đổi ngay thái độ, dễ dàng chấp nhận chuyện dối chúa lộn chồng của con mình, dễ dàng chấp nhận chàng rễ dị văn dị chủng :

 

                        « Vợ chồng lão thợ rưng rưng

                        Rễ con có ngỡi chạnh lòng ngẩn ngơ »

 

Nhưng điển hình cho sự tha hóa, suy đồi về đạo đức chính là nhân vật Hai Đẩu. Ngày còn tấm bé, Hai Đẩu sống trong cảnh nghèo khổ, phải tảo tần mua bán để kiếm sống thì chuyện có được tấm chồng đàng hoàng đã là cả một ước mơ :

 

                         « Đẩu rằng : - Lòng khiến thương anh

                        Cháo chè dẩu lạnh cũng đành dạ tôi

                        Chẳng qua duyên nợ trời xuôi

                        Dầu cha mẹ giết, chết tôi cũng đành

                        Đẩu thề chứng cớ cao xanh

                        Nguyện cùng thiên địa lấy anh trọn đời »

 

 Nhưng khi đôi vợ chồng trẻ chuyển về Sài Gòn, Sáu Trọng một mình bươn chải lo trong lo ngoài thì Hai Đẩu từng bước sa chân vào sự cám dỗ của cuộc sống hưởng thụ chốn phồn hoa :

 

                         « Đủ đồ vi kiến trong mình

                        Hai Đẩu ngoại tình lại lấy anh nuôi »

 

 Một người thiếu vững vàng trong cuộc sống, lại ham thích chuyện hưởng thụ trong một xã hội nhiễu nhương đầy cám dỗ thì chuyện trượt dài trên con đường tha hóa, bỏ chồng lấy Tây là chuyện đương nhiên, không chóng thì chầy. Cô Hai Đẩu tảo tần mua bán, hồn nhiên, vô tư ngày nào trở thành một me Tây ăn chơi sành sõi. Trong cặp mắt của nhân vật Hai Đẩu, mọi chuyện trên đời không qua một chữ Tiền. Vì tiền, cô ta sẵn g bỏ chồng, sẵn sàng bán rẻ tấm thân mình. Cuộc hôn nhân với viên Ký lục chẳng qua là cuộc mua bán, có trả giá sòng phẳng :

 

                        « Em là con gái thời xưa

                        Qua cưới năm chục có  vừa ý không »

 

Vì tiền, Hai Đẩu có thể bán mình thì đối với cô, mọi chuyện trên đời đều có thể giải quyết bằng tiền. Vậy nên không có gì là khó hiểu khi để đề phòng hậu họa, Hai Đẩu thuê tay anh chị giang hồ Năm Tỵ giết chết người chồng cũ Sáu Trọng :

 

                         « Này đoạn con Đẩu tính xa

                        Gởi thơ Năm Tỵ vậy mà anh hay

                        Tôi giận thằng Trọng lắm thay

                        Xin anh giết nó để rày làm chi

                        Anh mà giết đặng một khi

                        Một trăm đồng bạc tức thì đền công »

 

 Với đồng tiền, Hai Đẩu chưa thể giết được Sáu Trọng bằng luật rừng thì sau này viên Ký lục, lại bằng những đồng tiền nhiều hơn, đã thuê hệ thống pháp luật thực dân kết liễu tính mạng chàng :

 

                        « Có quan thầy kiện một khi

                        Ở đâu đi đến vậy thì không hay

                        Cùng thầy Ký lục ở ngoài

                        Ló trong túi áo một vài tờ săn

                        Thầy kiện vỗ ghế, đập bàn

                        Chân thời dậm đất hét vang những là

                        Quan tòa thôi mới thốt ra

                        - Tên này có tội luật ra chém đầu!”

 

 Nếu Hai Đẩu là nhân vật điển hình tuyến phản diện thì tác giả truyện thơ xây dựng hình ảnh, tính cách nhân vật Sáu Trọng theo hướng đối lập – điển hình chính diện. Tuy từ thiếu thời, bị xã hội xô đẩy, Sáu Trọng đã bỏ nhà lên Sài Gòn sinh sống trong giới bụi đời nhưng sức mạnh văn hiến mấy ngàn năm của dân tộc đã giữ cho chàng trai này lối suy nghĩ, lối sống theo quan niệm trung, hiếu, tiết, nghĩa truyền thống. Ngày còn trai trẻ một thân một mình thế nào cũng được, khi có vợ con thì trách nhiệm người đàn ông trong ngoài, chàng phải chu toàn:

 

                         “Chồng thời ở với Lang Sa

                        Dặn vợ ở nhà gìn giữ ngoài trong

                        Bạc lương một tháng mười đồng

                        Tiện tặn hết sức mới hòng đủ ăn

                        Hai Đẩu tính nết lăng xăng

                        Ăn trơn mặc trắng, nợ nần khó khăn

                        Thua buồn Trọng mới tính nhăng

                        Xuống tàu làm hãng nấu ăn dọn bàn

                        Một mình nấu dọn châu toàn

                        Tháng lương hai chục mới an việc nhà»

 

 Bao công việc khó khăn nặng nhọc, Sáu Trọng đều không quản ngại chỉ mong cho gia đình hạnh phúc, đủ ăn đủ mặc, tránh được mọi thị phi cuộc đời. Khi Sáu Trọng biết chắc vợ mình ngoại tình với Tám Lịch, anh tỏ ra bình tĩnh, không muốn làm lớn chuyện cho xấu mình xấu ta, chỉ mong vợ con hồi tâm tu tĩnh:

 

                        “Nghĩ lòng muốn giết cả hai

                        Song le chuốc oán gây thù mà chi

                        Thôi thì cũng đứng nam nhi

                        Anh nuôi lấy vợ vô nghì cả hai

                        Trọng buồn kiếm việc làm khuây

                        Bỏ đi Châu Đốc mấy ngày cho xa »

 

 

Nhưng Hai Đẩu ngày càng trượt sâu vào mê lộ suy đồi. Sáu Trọng trở về nghe bà con lối xóm kể lại chuyện vợ mình giờ đã trở thành me Tây còn ngoại tình nhăng nhít. Dầu gì, với trách nhiệm người chồng, Trọng thấy mình phải tìm gặp giúp người xưa tỉnh ngộ, dù chuyện duyên nợ không còn cũng phải sống sao cho ra người, không để tủi hổ với cha ông, xóm giềng :

 

                         « Xóm giềng to nhỏ gần xa

                        Vợ mầy đi lấy Lang Sa đã rồi

                        Sáu Trọng nghe nói dầu sôi

                        Anh em can gián thôi thôi chớ hiềm”

 

Hai Đẩu chẳng những không hồi tâm mà còn vu với tên Ký lục là Sáu Trọng tìm tới dỡ trò sàm sỡ:

 

                        “Nó là một đứa tội tù

                        Sài Gòn nổi tiếng ban bù mặt rô”

 

Nhận lời mời tới nhà tên Ký lục, dư biết chuyện vu khống của Hai Đẩu nên Sáu Trọng hiểu rằng chuyến trở lại giáp mặt với tên Tây thực dân là lành ít dữ nhiều. Nhưng đã là bậc mày râu, chẳng thể hạ mình trước uy vũ. Sáu Trọng khẳng khái đón nhận sự nguy hiểm, mặc bao lời can gián của bạn bè:

 

                         “Sáu Trọng nghe nói biết rồi

                        Nếu ta tới đó mạng thôi chẳng lành

                        Đi vô mới xứng hùng anh

                        Dẫu nó có bắn cũng đành dạ đây”

 

Kết quả chuyến giáp mặt với tên Ký lục là Sáu Trọng lãnh án ba tháng tù. Ra tù, trở về Sài Gòn, Sáu Trọng lại hay tin Hai Đẩu rắp tâm thuê anh chị giang hồ giết mình. Tới mức này thì không thể nhẫn nhịn nữa được rồi, không còn chút chi là tình nghĩa phu thê một thời đầu ấp tay gối. Sáu Trọng quay lại Trà Vinh, quyết ra tay trừ loài dâm đãng, bội phu, không còn tính người:

 

 

                        “Sáu Trọng mới nói một khi

                        Trả thù cho đặng thác thì cũng yên

                        Nói rồi vội vã đi liền

                        Xuống tàu trực chỉ thẳng miền Trà Vinh”

 

Cao trào của truyện thơ sáu Trọng chính là đoạn miêu tả cảnh Sáu Trọng ra tay trừng trị Hai Đẩu. Giết người, nhất là một người đàn bà chân yếu tay mềm thì không có gì là đáng nêu gương nhưng trong hoàn cảnh cụ thể của truyện thơ Sáu Trọng, đây chính là sự ra tay trừng trị của cái Thiện trước cái Ác, của đạo lý dân tộc trước lối sống suy đồi như một hệ quả của làn sóng Âu hóa, trong một chừng mực nào đó chính là phản ứng của người dân Việt trước hệ thống cai trị và trật tự xã hội mà chế độ thực dân đang dày công xây dựng. Vậy nên, đọc đoạn thơ này, chúng ta dễ nhận ra sự hả hê phóng bút của tác giả, chẳng khác nào hình ảnh một Lục Vân Tiên tả xung hữu đột trong đám Phiên quân:

 

 

                        “Thật chàng tích giận đã lâu

                        Ngày nay nghe mắng xiết bao lửa hừng

                        Nói rồi xách mác lại gần

                        Chém chơi một nhát ngã lăn nằm dài

                        Tiếp theo một mác ngang tai

                        Thọc ngay một mác trúng ngay cửa đì”

 

 

Dám làm dám chịu là khí phách của người hảo hớn. Diệt xong loài ác gian, Sáu Trọng chẳng hề trốn tránh mà đến ngay cửa công nộp mình, sẵn sàng đón nhận cái chết:

                  

                        “Anh em chẳng rõ chơn tình

                        Tôi làm tôi chịu dám khinh luật trời

                        Nói rồi tức tốc chơn dời

                        Xách mác vậy thời tới nạp cửa công”

 

Thái độ bình tâm trước giờ thọ án tử của Sáu Trọng được tác giả truyện thơ đề cao như sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý dân tộc muôn đời bền vững trước sự xâm lăng ồ ạt của các làn sóng văn hóa ngoại lai:

 

                         “Tràn rao khắp chốn thị thành

                        Dẫn chàng Sáu Trọng hành hình một khi

                        Trọng rằng: -Từ giã cố tri

                        Anh em ở lại vĩnh vi trọn bề

                        Anh hùng sống ở thác về

                        Nên hư cũng tiếng theo lề lối xưa”

 

 Xung quanh nhân vật trung tâm Sáu Trọng, xã hội Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn tồn tại những người sống có nhân có nghĩa, thủy chung, hào phóng dù hoàn cảnh của họ nghèo khổ, dù xã hội xô đẩy họ vào con đường cùng buộc phải chọn lấy nghề chẳng hay ho gì. Đó là nhân vật Năm Tỵ, một tay dao búa giang hồ đâm thuê chém mướn nhưng dứt khoát không làm điều phi nghĩa, trái lương tâm:

 

                         “Năm Tỵ dở thơ xem xong

                        Nực cười Hai Đẩu hai lòng bội phu

                       Hại chàng Sáu Trọng ở tù

                        Vậy mà trong dạ oán thù chưa nguôi

                        coi thơ tức giận một hồi

                        Lấy tiền không giết ai thời làm chi

                        Nói rồi quày quã ra đi

                       Kiếm thằng Sáu Trọng vậy thì cho hay”

 

Đó còn là những anh em “Dọn bàn”, những người lao động không tên tuổi sinh sống bằng những công việc hết sức bình thường ở Sài Gòn, Châu Đốc, Trà Vinh, ở khắp mảnh đất Nam bộ này, dù thân hay sơ nhưng cũng hết lòng đoàn kết, thủy chung, tương trợ nhau qua lúc khốn khó hiểm nguy:

 

                         …“Dọn bàn nước mắt hai hàng

                        Ai dè mắc phải mưu gian làm vầy

                        Anh em ta phải giăng tay

                        Lên toà sanh tử chớ rày bỏ nhau”

                       

                        …“Dọn bàn nghe nói hãi kinh

                        Đồng bang huynh đệ đồng tình nuôi nhau

                        Anh em lớn nhỏ lao xao

                        Cảm thương Sáu Trọng tù lao oan tình”

                       

                        …“Dọn bàn mới nói lời này

                        Làm ơn há để trông rày trả ơn

                        Anh em tử tế thời hơn

                        Cùng nhau huynh đệ keo sơn đời đời”

 

 Đọc truyện thơ Sáu Trọng, chúng ta còn nhận ra cách ứng xử, hành vi, lời ăn tiếng nói khác nhau một cách khá điển hình của các tầng lớp xã hội khác nhau. Những nhân vật Hai Đẩu, vợ chồng lão thợ, mụ mai dong Tư Đến… chỉ biết đồng tiền mà không đếm xỉa gì đến gia phong đạo lý có lối sống, lối cư xử hết sức trơ trẽn. Đối trọng lại là tuyến nhân vật Sáu Trọng, Dọn bàn, Năm Tỵ… sống có tình, có lý, cư xử điềm đạm, đĩnh đạc.

 

Có một chi tiết khá lý thú trong truyện thơ Sáu Trọng cần nghiên cứu là tuy lên án khá gay gắt tư tưởng, quan niệm sống hưởng thụ, chạy theo đồng tiền, Âu hóa một cách mù quáng nhưng tác giả truyện thơ vẫn nhận ra và miêu tả một cách khá sinh động cái mà hôm nay chúng ta gọi là giao lưu văn hóa. Vượt qua những dị ứng ban đầu, những giá trị tinh hoa chân chính của cả hai nền văn hóa Đông – Tây đang từng bước có sự thẩm thấu, đối thoại tiếp nhận lẫn nhau. Nếu nói sự tiếp nhận của người dân bị trị trước sự du nhập của nền văn hóa Pháp là chiều xuôi thì, ở phía ngược lại, chính những người mang tư tưởng thực dân đi khai hóa xứ người lại bị chính nét đẹp của nền văn hóa bản xứ thuyết phục và họ bị ảnh hưởng lúc nào không hay. Trường hợp những quan tòa ở Trà Vinh dùng dằng không tuyên án chém trước khí khái tiết nghĩa của tội nhân Sáu Trọng là một ví dụ:

 

 

                        “Quan trên thôi mới xét ra

                        Cũng vì con Đẩu nó mà chẳng minh

                        Tội này tuy đáng tử hình

                        Song ta không chém lưu tình với mi”

 

Chính bản thân những nhân vật thuộc tuyến chính diện mà tác giả truyện thơ đề cao như Sáu Trọng, Năm Tỵ, Dọn bàn… trong cách ứng xử, trong lời ăn tiếng nói của mình ít nhiều đã có ảnh hưởng bởi nền văn hóa Pháp. Năm Tỵ tuy khơng giết người phi nghĩa nhưng vẫn tỉnh bơ nhận tiền của Hai Đẩu; hoặc như Sáu Trọng lúc thiếu thời đã bỏ nhà đi hoang – điều này không xảy ra nếu những nhân vật này là sản phẩm thuần tuý của văn hóa Việt Nam. Điều dễ nhận ra nhất trong sự giao lưu văn hóa là giao lưu về hôn nhân và ngôn ngữ. Trong truyện thơ Sáu Trọng, cuộc đối thoại tay đôi giữa tên Tây Lý lục với Sáu Trọng là loại ngôn ngữ nửa Việt nửa Pháp rất lạ lùng mà hai bên vẫn có thể hiểu nhau được. Thậm chí chữ Pháp nguyên bản được tác giả tạo thêm nhiều âm sắc để chuyển tải trong thơ lục bát thuần túy Việt Nam một cách khá nhuần nhuyễn. Điều này vừa phản ánh một cách trung thực lời ăn tiếng nói của một bộ phận cư dân, nhất là bộ phận thị dân thời ấy lại vừa thể hiện khả năng tiếp nhận, vay mượn, chuyển hóa vốn từ nước ngoài để làm phong phú thêm kho từ vựng tiếng Việt:

 

                        “Bạc-đon, ông chớ phát-sê(1)

                        At-tăng mổ-rắc công-tê túc-xà(2)

                                A-quăng mết-trết của ta(3)

                        Rẽn-đia cả-xối lũy mà xổ-huê(4)

                        ...

                        Cùng thầy Ký lục ở ngoài

                        Ló trong túi áo cũng vài tờ săn(5)

                        ...

                        Trọng còn nói tiếng Lang Sa

                        Quan trên dạy chém, tôi mà mẹc-xi(6)

 

Truyện thơ Sáu Trọng – một tác phẩm văn học dân gian Trà Vinh khá đặc sắc. Ở tác phẩm này, người đọc dễ dàng nhận ra giá trị tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp cướp nước, tố cáo hệ thống cai trị của chúng nhằm đàn áp bóc lột nhân dân ta cũng như chà đạp lên các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của nhân dân ta... Song song đó, như mọi tác phẩm văn học chân chính khác, nó còn là tấm gương phản ánh trung thực diện mạo xã hội ở thời điểm nó ra đời. Đọc truyện thơ Sáu Trọng, người ta nhận ra một xã hội Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đang có sự phân hóa sâu sắc, nhất là sự phân hóa về các tầng lớp, giai cấp xã hội, theo sự tác động của cơ chế kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dưới dạng thực dân phong kiến. Sự phân hóa giai tầng, nghề nghiệp kéo theo sự phân hóa nhanh chóng về mặt tư tưởng, về lối sống, nếp sống, nếp sinh hoạt, cách ứng xử và cả lời ăn tiếng nói nữa. Trong một xã hội đang phân hóa ấy, lúc ngấm ngầm lúc bộc phát diễn ra cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lăng của hệ thống văn hóa thực dân đầy tính thực dụng, suy đồi nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong hoàn cảnh của giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây đáng được xem là một thái độ yêu nước, chống giặc ngoại xâm của tác giả và cả những người đã chắt chiu gìn giữ, lưu truyền truyện thơ này mặc sự cấm đoán của thực dân Pháp.

__________________________

 

1. xin lỗi, ông chớ giận !   2. Để tôi thuật lại trước sau.   3. Trước đây nó là vợ của tôi.   4. Tôi không động tới nó mà nó bỏ đi.    5. vài tờ 100 đồng.   6. Tôi cám ơn !

 

Trần Dũng
Số lần đọc: 3473
Ngày đăng: 30.04.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử tiếp cận một cách nhìn khoa học hơn - Trần Dũng
TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - Trần Dũng
Gieo vần cho thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Việc phê bình, trao đổi ý kiến về văn nghệ dân gian - Nguyễn Xuân Kính
Tục thờ đá trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam - Nguyễn Việt Hùng
Văn hoá truyền thống của người Kinh ở Vạn Vĩ trong quá trình giao lưu, biến đổi - Nguyễn Thị Phương Châm