1.
Xưa nay, nhiều người thường nói sống ở đời thì bất cứ ai cũng phải có tin tưởng đối với quyền năng của cõi siêu hình, gồm hết từ Trời Phật, thần linh các loại cho đến đám quỹ ma, cô hồn. Như trong giới ngư dân, sống nhờ biển cả, họ luôn sống - và cả khi chết - trong tâm cảnh bị gắn chặt vào vô số điều mê tín, dị đoan, thậm chí là hồ đồ, hoang đường, do kiểu tin tưởng vô điều kiện về những điều siêu nhiên, không kèm theo chút nào lý trí phân tích, phản biện.
Có thể nói, cũng bao la như biển cả, những điều phải tin tưởng, kiêng cữ, giữ gìn trong nghề biển có phần đa tạp, hoang tưởng, nhiêu khê hơn bất cứ ngành nghề nào khác trên đất liền. Có người còn lý luận, cũng như phải mua vé số rồi mới hy vọng trúng số, trước hết cứ có tin tưởng, van vái, cầu xin… cái đã, rồi mới hy vọng những điều mình cầu xin được linh ứng.
Hằng năm, mở đầu mùa lưới đăng ở các vùng biển, mỗi phường lưới, sở cá đều làm lễ tế bái thần Nam Hải để cầu bình an khi ra khơi và xin thu hoạch được nhiều cá, tôm, mực... Theo lệ xưa truyền lại, trong mâm lễ vật bày ra thì bên cạnh nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, trầu rượu, hoa quả, xôi bổng, gà luộc, heo luộc…, còn phải có heo quay. Khi lễ tất, con heo được quăng xuống nước như một vật hiến tế cho biển.
Dần hồi sau này, cuộc sống khó khăn hơn khiến cho lòng tin tưởng có phần trây trễ, đám ngư dân tự ý chế, tức châm chước, không quăng bỏ con heo mà xúm lại chia thịt, cùng nhau chè chén, cũng như cho đám vợ con nheo nhóc của họ được dịp nếm chút mỡ màng của con vật bốn chân sống trên đất liền này.
Theo lời các bậc lão ngư còn sống ở vùng biển Khánh Hòa, vào một thời rất xa xưa, tục hiến tế này có lúc rất khủng khiếp (*). Đó là, vào mỗi đầu mùa cá, khi làm lễ tế thần Nam Hải để xin cầu bình an và đánh bắt thuận lợi, người ta cúng không phải chỉ một con heo quay mà còn có thêm một đứa trẻ bị thiêu sống, không phải để tăng cường phẩm vật cúng thần Nam Hải mà dành cúng riêng cho đám cô hồn ở biển cả, để đám ma vất vưởng này không phá phách.
Nguyên là vào thời đó, phường lưới ở một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bị một mùa cá thất nặng, không thu hoạch được con cá, con mực nào. Trước mặt thợ bạn, ông chủ phường bức bối quá mới buột miệng nói: “Hễ năm nay cô hồn các bác đừng phá, cho tao được mùa cá thì tao hứa sang năm cúng cho một đứa nít nhỏ!”. Không rõ do điều bí ẩn nào, từ bữa đó, phường lưới này đánh bắt bội thu, cá dính lưới gỡ không kịp. Thế rồi, qua năm sau, ông trùm phường, vô tình hay cố ý, quên mất lời hứa đối với biển, rõ hơn là ông đã thất hứa với cô hồn các bác ở biển mà chỉ cúng heo quay, gà luộc. Liên tiếp mấy năm sau đó, ngư dân phường cá này khổ trở lại vì mất mùa cá liên miên. Nhờ cầu người khuất mày khuất mặt nhập xác, người ta mới biết là do ông trùm phường đã quên mất lời hứa.
Từ đó, xuất phát từ hòn đảo tai kiếp này, bắt đầu có tục hiến tế bằng trẻ con cho cô hồn các bác ngoài biển cả.
2.
Theo qui cách về phẩm vật cúng tế thì luôn sẵn có bộ tam sên, do chữ tam sinh nói trại ra. Ba món vật tượng trưng cho sự Sống đó gồm một miếng thịt heo luộc, một quả trứng vịt luộc và một con cua luộc, hoặc con ghẹ, con tôm cũng được. Cũng có phần trúc trắc, lướng vướng khi phải tin đây là biểu trưng của sự Sống, do miếng thịt vốn của con heo đã bị thọc huyết, còn mầm sống trong quả trứng và con cua, con tôm thì đã chết hẳn hòi từ trong nồi nước sôi.
Vậy thì ai nấy đều tin rằng sinh mạng một đứa trẻ mới đúng là vật sống chính phẩm thứ thiệt, mẫu vật hiến sinh cao cấp nhất dù cuộc sống của đứa trẻ thì quá hèn mọn, ngắn ngủi đến vô nghĩa.
Trước mùa cúng cầu an, người ta đi tìm mua trẻ con ăn mày, hoặc lên vùng núi mua con cái dân Thượng đem về nuôi sẵn - như nuôi gia súc lấy thịt. Vào ngày cúng tế, đứa trẻ được tắm rửa sạch sẽ, được cho ăn no nê nhưng không cần gì phải cho mặc quần áo đẹp.
Nhang đèn được thắp trên hương án cùng với một đống cũi lớn được đốt đỏ rừng rực trên mặt cát biển. Vị chủ tế, có thể là bô lão lớn tuổi nhất làng hoặc chính ông trùm phường lưới, lại luôn luôn có nhã ý khước từ công việc cao trọng nhất buổi lễ là hành vi hiến sinh. Do đó, chỉ cần là một gã bạn chài, uống trước thật nhiều rượu cho say khật khưỡng, rồi hắn bồng đứa trẻ thơ ngây đang không rõ chuyện gì đang xảy ra với mình, quăng nó vào lửa.
Trong tiếng kêu la thất thanh, tuyệt vọng nhưng không thể kéo dài, chỉ trong chốc lát đứa trẻ vô phước đã bị thiêu chín như một con heo quay.
Tất nhiên là không hề, không thể có một tiếng vỗ tay hay tiếng hò reo nào. Và hy vọng là trong đám đông vây quanh đống lửa thiêu người, cũng không có một đứa trẻ nào khác được phép có mặt.
Chính xác thì đứa trẻ bị đốt cháy, bị thiêu sống chứ không phải được quay như heo quay.
Mặt khác, chỉ khi nào người ta bỏ công tỉ mỉ ra quay chín từ từ một con heo thì mới bốc lên mùi thịt heo thơm lựng, làm chảy nước miếng mọi người. Và kể từ thời heo cúng không bị quăng xuống biển sau lễ tế nữa, mùi thơm ấy hứa hẹn một bữa thịt heo quay hiếm hoi, đắt giá, để đám con người nghèo khổ có dịp được nhai chút thịt heo thơm ngon, béo ngậy.
Còn ở đây, một khi con người cũng bị làm vật hiến tế như con heo, thì tại bãi thiêu, hiển nhiên không ai trên đời này có thể phân biệt được mùi thịt cháy của đứa trẻ là có khác hay có thơm bằng mùi thịt heo quay hay không.
Về các ý kiến, đánh giá đối với các hương vị này, khác có thể có từ loại cao lương mỹ vị siêu cấp là thịt người nướng/quay thì nếu muốn ghi nhận, các nhà báo, nhà văn ngày trước chỉ có thể có một cách lấy tin duy nhất là phỏng vấn người cõi ma - bất cứ hồn ma biển nào đó - mà ngư dân thời đó đã nhân danh khi dâng cúng đứa trẻ, tức một sinh mạng con người.
Cũng không hề gì, kể từ lúc người ta cời cái xác cháy đen ra khỏi đống lửa rồi đem quăng xuống biển, coi như để các hồn ma biển thưởng thức phần thịt người cháy nóng ấy, thì hồn đứa trẻ lại nhập vào đám cô hồn của biển cả.
3.
Đáo lệ năm sau, người ta lại nhân danh cô hồn các bác ở biển để thiêu sống một đứa bé khác. Càng đông vui, nhộn nhịp những hồn ma ngoài biển cả.
Dĩ nhiên đứa trẻ bị hiến tế nào cũng có một cái tên, vì lúc sinh con ra đời, cha mẹ nó dù dốt nát, nghèo khổ đến nỗi sau này phải bán con, nhưng nhất định là họ phải có đặt cho nó một cái tên nào đó để gọi.
Đặt tên con, việc làm thông thường này đã trở nên vô nghĩa, thừa thãi đến buồn cười, nếu như cha mẹ đứa trẻ, bằng cách nào đó, biết trước được ngày chết, đặc biệt là kiểu chết của con mình. Tất nhiên, lương tri của những bậc cha mẹ dù ở hạng dân nghèo mạt, bần cùng đến đâu đi nữa cũng sẽ lên tiếng, một khi biết được rằng người ta ngỏ ý mua con mình về là để ‘sử dụng’ mạng sống của nó chứ không phải để nuôi làm con nuôi hay cho làm đầy tớ, hay bất cứ một dạng nô lệ nào khác.
Lương tri con người cũng sẽ lên tiếng, dù cho giá tiền bán đứa con nhà ăn mày hay con dân sóc Thượng có vượt cao đến gây kinh ngạc, chẳng hạn ngang với giá một ông tổng đốc đầu tỉnh hay một tổng thống nước ngoài. Chính tình cảnh bị gạt gẫm về tương lai và số phận của con mình sau khi nó được người mua ẵm đi mà các bậc cha mẹ bán con đã vô tư mà tiếp tục sống bình yên, vô tình mà tránh được một nỗi đau đớn, ân hận cực kỳ lớn lao, sâu nặng...
Chỉ còn lại là những nhà tính danh học, gia phả học gì đó, hay cả những nhà tội phạm học đời sau, mới ray rứt về sự kiện một số đứa trẻ chết đi mà không hề có mồ mã cùng bia mộ lưu lại tên tuổi.
Cũng thật tiếc là triết học hiện sinh đời sau đã không xuất hiện sớm hơn, cho kịp có mặt vào thời kỳ xảy diễn tục hiến tế dã man nói trên ở vùng biển này. Còn có thí dụ điển hình nào hùng hồn, sống động hơn về cái thân phận con người phi lý đến nôn mữa, về cái cách con người hiện hữu như một vật thừa thãi, chỉ để vất bỏ, cho bằng sự kiện được kể lại về những đứa trẻ có tên gọi đàng hoàng khi sống nhưng trở nên vô danh, bị cưỡng bức phải vô-danh-thị khi chết đi, chính xác là bị giết chết một cách hết sức dã man là thiêu sống.
Trong nghĩa địa của vạn chài đã dẫy đầy những ngôi mộ gió, thứ mộ không có hài cốt, dành cho người đi biển bị mất tích ngoài biển khơi mà không tìm được xác, cũng không hề dành chỗ cho những đứa trẻ bị thiêu chết trong lễ hiến tế vì xác các cháu đều bị đem quăng xuống biển.
Con người bình thường khi chết thì hầu hết đều được chôn cất, còn đứa bé đã mang danh là vật hiến tế thì hình như không còn được xem là người. Do đó, khi lễ tế hoàn tất, xác nó được giao ngay cho biển cả, làm gì có chuyện chôn cất?
-------
(*)Theo tư liệu sách ‘Non Nước Khánh Hòa’ – Nguyễn Đình Tư, 1967.