(1)
Người trẻ tuổi bày tỏ với cha mình, ngay sau buổi tiếp tân kèm tiệc tùng xa hoa, hào nhoáng:
-Bệnh nghề nghiệp của bố! Con không thấy hứng thú khi còn lo bảo vệ bố.Mất tự nhiên, hao phí và mệt mỏi lắm bố à.Vừa qua…
Ông bố rất ngạc nhiên, khoát tay:
-Ồ không.Phải hiểu là vì con, bố đã ngẫu hứng kịp thời “làm nóng” lên dăm mười phút.Một cơ hội tốt dễ gì thường xuyên xuất hiện? Này, có hiểu là bố đã chẳng ngại tốn tiền bạc công sức cũng vì mày thôi con ạ.Nhà nghệ sĩ nào cũng muốn tạo ấn tượng mạnh cho đứa con ngay bên phông ảnh chính mình…Nhất là khi mày đang đứng trên ngưỡng cửa cuộc đời.Thế đấy.Bố đã thành công do diễn xuất, và cuộc sống được tôn vinh ngần nầy cũng nhờ đó con ạ.
Người con ngắm nhìn ông.Nhìn mái đầu nhuộm kỹ che đi các phần tóc đã bạc, giọng thập phần ái ngại:
-Vâng, là diễn viên chuyên nghiệp và danh giá, nên bố gần như dính chặt với sàn diễn mất rồi.Từ tập quán, lần hồi tình trạng đã áp đặt một “bản chất sàn diễn” lên bố.Là thứ bản chất do ngoại lực đào luyện cùng với hứa hẹn tiện ích đặc thù mà nên.Nó đã “đánh tráo” của bố bản chất nguyên
sinh…
Ông bố sáng mắt lên, khẳng định:
-Con đừng quên, cuộc đời nầy rồi cũng chỉ là sàn diễn
cả thôi.Một sân khấu lớn nhất, quan hệ nhất, và toàn diện không riêng gì với bố con mình.Nói chung cho hết thảy.Tất
cả không ra ngoài sàn diễn.Chứ gì? Sàn diễn…
Nhìn vẻ mặt khác lạ của con, ông bố nhíu mày cật vấn:
-Nhưng bố đã làm gì khiến con phải bảo vệ? Ô hay, bố đang ra sức kiến tạo tương lai của con kia mà.Phải bảo vệ bố đấy à? Cái gì nào?
Người con lập tức tường trình về sự cố xảy ra, giọng cố nén chút khôi hài:
-Dài dòng để “lăng xê” con qua cuộc tiếp tân như một lời đề bạt trá hình.Một cuộc gửi gắm đã được đan cài mặc thị cùng nhau từ những bậc có danh uy.Chưa đủ dư thừa sao? Còn hơn thế, khi bố còn đính kèm phần diễn xuất để phổ biến “logo” cần tiếp thị…Thế nào à?
Đây…Lúc đúc kết sau chuỗi ngôn từ tràng giang đại hải, bố tươi cười dang rộng hai tay ra và vội vã tiến về bìa sân khấu.Bố đưa mắt ngước về con đang ngồi giữa bạn bè.Giữ nguyên tư thế tạo hình ấy, bố đứng yên uy nghi trong ánh sáng bừng lên, gom về ngay chỗ đứng.Âm nhạc hào hùng trỗi dậy.Một giây, hai giây, ba, bốn, năm giây…Là thông điệp gì nhỉ? Ai cũng nhanh chóng hiểu ra rằng:“Tất cả đang sẵn sàng chờ con.Vì tương lai, hãy đến bên bố thật nhanh để được ban cấp đặc ân và tiện ích.Đừng bỏ phí, vì thời gian không bao giờ trở lại”.
Đấy! Diễn xuất chánh tông! Bố có biết đâu bất ngờ vì sự chú ý quá độ của mọi người, con đã không cách nào tránh né.Tất cả đều hiểu, con phải làm gì lúc ấy để có ngay sự tương thích cùng diễn xuất của bố?
Người trẻ tuổi thở dài thố lộ:
-Quái! Trước rất nhiều tia mắt đạo mạo, bố muốn con tỏ
ra đầy hưng phấn, ào ngay vào vòng tay bố chứ gì? Con đã
rất lúng túng khi xô ghế đứng dậy, đã cố gắng nở một nụ
cười thật tươi và như một phản xạ, bươn nhanh qua mấy
dãy bàn bề bộn.Chết dở! Mắt chỉ biết trông về phía bố.
Kết quả…Sau lưng là cốc rượu, lọ hoa tan tành rơi vỡ…
Chiếc khăn trải bàn đã bị dính mắc, lôi theo.Một số khách quý đã phải lật đật vào nhà vệ sinh sau đó.
Để bảo đảm cho “mặt nổi” buổi tiếp tân không bị nháo nhác, lu mờ…Số nhân viên phục vụ đã nhanh chóng lau chùi, dọn dẹp.Họ cố thu mình dưới chân ghế quý khách để làm sạch các đôi giày vướng bẩn.Tất nhiên, bị che tầm mắt nên bố đã không nhìn thấy điều gì.Lời xin lỗi của con sau đó khác nào câu “chào hàng” đầu tiên đến từ diễn xuất của bố! Ôi thật…
(2)
Thấy bố im lặng, người con chán nản, hỏi gắt:
Bố đã quên béng đi sao? Chưa bao giờ con là diễn viên để cùng nhau khế hợp các động thái trên sàn diễn.Ồ, rất có thể con vẫn ngồi yên, khiến chỉ trong một phút sự diễn xuất của bố sẽ rơi vào lố bịch.Nhưng may là không! Thay vì cứ yên vị, con đã kịp thời giúp đỡ nghiệp vụ cho bố.Một sinh viên tốt nghiệp đại học ngành toán lý như con vốn dị ứng với ánh đèn màu và diễn xuất trên sân khấu! Bố quên luôn hay cũng chẳng cần lưu ý?
Ông bố xí xóa bằng biện hộ nghệ thuật:
-Ừ, thì quên…Đột ngột lúc “xuất thần”.Tình trạng mà bất cứ nghệ sĩ nào, nhất là trên sàn diễn như bố đều rất mong đạt đến.Nó minh chứng giữa diễn viên và nhân vật nhập vai đã hoàn toàn làm một.Nghệ thuật cao quý chỗ đấy.Phải biết vượt qua những bất trắc nhỏ nhặt.Đúng chứ? Tất nhiên đã gọi “xuất thần” thì chả làm sao tiên liệu.Bố đã
“ngẫu hứng” và…
Người con trẻ không che dấu mối bất bình:
-Phút “xuất thần” của bố ư? Quên lãng sự riêng tư để
“sống trọn” cùng vai diễn, để “lột tả cho kỳ hết chân thực” chứ gì?Bố đã không lý gì đến thực tế nhân thân và tính tình con của bố! Cứ việc diễn xuất, cứ mặc nhiên rằng đứa con là đồng nghiệp, là diễn viên phụ đang sẵn sàng bên bố?
Người con lắc đầu chỉ ra chỗ tiềm ẩn bất trắc có thể thấy được từ góc nhìn cá nhân:
-Duy, vừa rồi sự “xuất thần” nghề nghiệp kia lại suýt là một nguyên nhân gây thất thố.Nó phủ nhận sự thật nhằm phục vụ một ý đồ diễn xuất “lấy được”.Bố biến con thành diễn viên phụ đầy bất đắc dĩ.Thay vì nhăn mặt, con đã ráng tươi cười lên và đi nhanh về phía bố.
-Hề gì.Cuối cùng thì con cũng đã diễn xuất.Tốt.
Người con nhìn bố đến lạ lùng, khó hiểu:
-Nhầm.Bố nên khen trí thông minh chứ không phải tài diễn xuất nơi con.Con không phải, không thể nào là diễn viên.Xin lỗi bố.
Ông bố dịu giọng, nói vòng để cắt giảm căng thẳng:
-Không thông minh sao lại diễn xuất hay? Ê, hai thứ đó vẫn là một thôi con ơi.
-Chúng khác nhau.Trong diễn xuất, không thông minh
nào thay thế sự trơn tru các động thái từng thực tập nhiều
lần.Chúng trở thành phản xạ máy móc, kỹ xảo.Dĩ nhiên, bố
tài năng hơn rất nhiều đồng nghiệp khác.Nhưng không phải
khi nào cũng đứng trên sàn diễn.Phải không?
(3)
Ông bố gật gù đã có vẻ chịu nghe ít nhiều khuyên giải:
-Dù sao, diễn viên cũng có lúc rời bỏ hóa trang để trở về con người thường bố ạ.“Con người không diễn”.Con người thật, ở sâu trong nội tâm của họ.Nếu không nói cũng chính là “con người cô đơn” trong mỗi một cá nhân.
Lý do, “Con người không diễn” dần bị hạn chế về tần
suất xuất hiện.Tới một lúc nào đó, có nguy cơ chỉ còn chút ít thoáng qua trên sân khấu đời người”.“Con người không diễn”, nó mờ nhạt đi ghê gớm và gây hiệu ứng mơ hồ trong nhận diện tự thân? Vâng, một thực thể “hình như không đủ
sức để chứng minh tồn tại”.
“Con người không diễn” vì thế, vẫn cứ sống đầy cô đơn và lang thang không đủ đất dung thân.Bi kịch “Hành khất trước mái hiên nhà mà lẽ ra nó đáng mặt chủ nhân ông”.
Người bố cười khà, ra vẻ thông cảm và phục thiện:
-Ấy do công việc, bố khá thiếu những lúc riêng tư để gần gũi.Lúc mà theo con, bố nên là một “con người không diễn” chứ gì.Song, con cũng phải thông cảm nữa chứ.Do không gian quy định cả mày ạ!
Ông phân bua thêm như nhắc nhở hiện tình:
-Ban nãy thấy đấy, đâu phải chỉ mình cha con ta? Toàn là vai vế, những khách mời thượng lưu, tầm cỡ…Đấy là các mực thước đang trực tiếp đo đạt, quy định giá trị hôm nay cho những người như bố.Còn đáng lưu tâm hơn, rồi sẽ tới phiên mày trong một tương lai không xa lắm.Bây giờ nhé, không có chỗ cho “Hồ trường” để tráng sĩ xưa ngâm thơ hào sảng.Ta phải nắm bắt thực tế thôi con ạ.
(4)
Im lặng nhìn bố hồi lâu, người con trẻ đâm ra muốn đàm luận với ông qua một phương thức khác.Ông bố chỉ muốn khỏa lấp sự cố vừa xảy ra, tỏ vẻ lý thú về đề nghị bất chợt của người con.Điều mà ngày thường khó lòng ông hưởng ứng.“Nói về tư tưởng diễn xuất”, nghe thế, ông cất ngay gọng kính và xoa tay vui vẻ:
-Ý hay.Đâu con nói gì nào? Bố rất muốn nghe đây.
Người con nói về Shakespeare, Pirandello, Camus rồi
Sartre, các kịch tác gia đã trở thành kinh điển.Đơn cử các
tác phẩm để đời “Hamlet”, “Sáu nhân vật đi tìm tác giả”, “Caligula”, “Ả giang hồ” và nêu quan điểm chính mình:
-Cuộc đời này cũng là sân khấu.Vâng, con không phản
bác nhưng để đồng ý bố, nhiều lắm chỉ một nửa mà thôi.Vì
sao nhỉ? Thành ngữ Nga “Một nửa bánh mì vẫn là bánh mì.
Nhưng một nửa sự thật chưa phải là chân lý”.
Ông bố cười to:
-Bố hãnh diện về kiến thức của mày.Không chừng cũng gần vượt qua cả bố.Về triết học chứ gì? Nên nhất quán là đủ con à.Đâu cần đa tạp cho nó thiếu tập trung.Rắc rối là ở Hamlet đấy.Shakespeare “viết tốt” thật!
Người con trẻ bật cười, sửa lại chiếc nơ trên cổ bố:
-Hamlet có “đánh mất” đi chính gã như thường xuyên bị
ngộ nhận không? Hay chỉ là thủ thuật tự “đánh tráo” qua một kiểu “khuôn mặt” khác, vốn cùng nhau tồn tại.“Khuôn mặt” khác kia thực ra, ẩn sâu hơn trong nội tâm của hắn.
Nếu nói rằng, cộng hưởng mọi tư tưởng phức tạp, mọi
“khuôn mặt” với hy vọng diễn xuất đầy đủ “con người” thì không sai, song với chừng ấy “khuôn mặt” trong “hạn chế Hamlet” thì chắc chắn là chưa.Nó hỗn độn hơn nhiều.
Người con nghiêm túc hơn khi nhận định:
-Thử lấy tri kiến nhà Phật để dọi sâu vào tư tưởng trời tây…Vâng, Hamlet “đánh tráo” chứ không hề “đánh mất” gì cả.Như một con súc sắc tùy vào bàn tay gieo, mặt nầy hiện ra không có nghĩa các mặt kia đều tiêu biến.Thực ra, các “khuôn mặt” chỉ thay nhau hiện ra và chìm khuất theo “duyên và nghiệp” mà thôi.Chúng biến hóa ra sao cũng cứ còn là những “khuôn mặt” trong một viên súc sắc.Tất nhiên “con súc sắc người” chả đơn giản với từng ấy “khuôn mặt” đâu bố ạ.Bao nhiêu? Không thể nào đếm hết!
Ông bố nghe và bắt đầu ngáp vặt:
-Bố ơi.Trong hằng hà sa số “khuôn mặt” sở hữu kia để tùy nghi diễn xuất, nhiệm vụ nhân bản nhất, ý nghĩa nhất của tự mỗi đời người, là nỗ lực truy cập “khuôn mặt vĩnh cữu” của chính mình.Cũng có thể gọi là “khuôn mặt muôn đời” hoặc kinh điển hơn “bản lai diện mục” theo kiểu nói Huệ Năng.Nếu không, chủ sở hữu của cả hai thứ xác thân và tinh thần nầy “mãi mãi chỉ là sự ngộ nhận liên tục”.Kết quả từ bộ sưu tập “nhiều khuôn mặt cứ vẫn thay nhau, luôn đánh tráo trong ta”.
Bởi thế, với Phật pháp câu hỏi về “bản ngã” hay “đích thực ta là ai? Với khuôn mặt thế nào? Ở đâu?” đã trở thành tiên quyết, chí tử.Nó từ đó cảnh báo rằng, sự vô minh về “bản ngã” là vô minh trùm lên mọi “cái biết” mà con người đã, đang và sẽ còn hãnh diện, ôm đồm…Bi hài kịch!
Thấy người con dừng lại và kéo hộc tủ.Ông bố trố mắt nhìn chăm chăm vào một viên súc sắc nhỏ đang được thảy lên và rơi xuống mặt bàn:
-Không như loại súc sắc thông thường trên tay con.Mỗi bàn tay gieo “con súc sắc người” còn tùy vào cơ duyên nhân quả…Luôn luôn, nó mang theo níu kéo của “nghiệp lực” chi phối khác nhau.Có nghĩa, tình trạng ngẫu nhiên theo toán học từng phán quyết cho thứ súc sắc vô tri, thông thường này, không còn đúng ở “Con súc sắc người” đã nói. Là súc sắc mang nhân quả đi theo như bóng với hình…
Người con trẻ ôn tồn trở về thực tế:
-Bố à.Khái niệm diễn xuất, dù sân khấu cỡ nào cũng chỉ
là một phần của cuộc sống.Cho dù phần trăm ấy lớn thế
nào hoặc lợi ích thực tế đến đâu, đối với nhà nghệ sĩ cũng
chỉ là diễn xuất sân khấu mà thôi.Bên cạnh, diễn viên còn có cuộc đời thật, tâm tư thật của con người riêng hắn.
Nếu bảo rằng, cuộc đời nầy cũng chỉ là loại sân khấu lớn
mà thôi.Một thứ sân khấu mặc nhiên, tự hiện.Thế, có ai để tâm không? Các đạo diễn, họ là ai và với lý do nào tồn tại?
Quyền tự quyết? Hay buộc dựa trên kịch bản ở nơi nào?
Và khán giả hay đám đông còn lại khi ấy sẽ thưởng thức được những gì? Hoặc giả rất có thể cần thiết đòi hỏi chọn lựa như những ai từng rút tiền ra mua vé, khi ấy họ đòi hỏi chỗ nào? Ở ai? Thật bi hài, khi mà “diễn viên cũng chính là khán giả”…Là kẻ, với một “khuôn mặt” khác phải nhập vai, đã được diễn tập trước từ phân công đạo diễn! Hai vai trong chỉ một con người.”Đánh tráo”!
Bố có tự hỏi đấy không? “Mỗi cá thể tham dự trong tấn tuồng đại trà mang hình hài xã hội kia”, diễn viên.Vâng, khi ấy con người thật sự của diễn viên sẽ tồn tại ở nơi đâu? vào những khoảnh khắc nào cụ thể? Cuộc “đánh tráo” các “khuôn mặt” cứ thế lặng lẽ thay nhau trong mỗi một con người.Thấy đấy! “Đánh tráo” chứ không hề là “đánh mất” đâu bố nhé!
Người con nhặt viên súc sắc lên ngắm nghía, để sau rốt ném mạnh qua cửa sổ và phủi sạch bàn tay:
-Nếu cho là “đánh mất”, khác gì ta mặc nhiên coi con người tư riêng của mọi diễn viên, hay nói cách khác “cái tôi mỗi con người trong xã hội”, lúc bấy giờ không còn lý do tồn tại? Họ hoàn toàn là “con súc sắc người” trong bàn tay đạo diễn.Những công nhân của “Tổng công ty diễn xuất”!
Người bố bối rối không biết nói gì.Dần dà, ông ta hiểu manh nha rằng, mình và sự cố vừa qua chỉ là một “lát cắt” trong tổng quan nhận định từ giới trẻ có kiến thức và ý thức ngày nay.Điều này khiến ông ta vừa bất an vừa ẩn chứa vui
mừng.Vì sao? Ông không thể và không muốn trả lời minh thị.Bây giờ, ông mới thấy quả nhiên có “con người cô đơn” đang lẩn lút ở trong ông…Đứa con để mặc bố trầm tư và
kết thúc như tự thoại với riêng mình:
-Bởi thế thỉnh thoảng nhờ thủ thuật “đánh tráo”, diễn viên tạm dừng và vỗ tay “tự cổ động lấy mình”Làm gì thế? Để đừng quên, mặt khác họ cũng đang là khán giả.Cứ thế, sân khấu xã hội thành tựu thứ áp lực quy định hẳn vào vận số của con người.Cái mà ai cũng cứ ngỡ chỉ có mệnh trời đưa đẩy.Đấy chính là thứ “nghiệp lực” vô minh, hành lang của bóng tối. Là đường dẫn cho bi hài kịch thế sự hiện hình.
(5)
Mấy ngày sau, ông bố bước vào phòng đứa con với tư thái của một người chưa thỏa mãn về cuộc tranh luận ngay hôm tiếp tân đầy long trọng.Họ lại tiếp tục và dần thu hẹp ít nhiều biên giới thường nhật.Tất nhiên, những bất đồng căn cơ còn đó.Ông bố sau một hồi nói theo kiểu vòng xoay, bao giờ cũng quy về kết luận cố hữu “Đấy.Ta phải thực tế thôi con ạ”.Bây giờ, ông mới ngó đồng hồ và giật mình kêu lớn:
-Trễ hơn mười lăm phút! Ừ, phải đi đây nhưng mà bố sẽ tiếp tục “đấu tranh tư tưởng” với con, chưa có ngã ngũ đâu mày nhé! À mà nhớ đấy, cần gì con nói bố giúp đỡ.
-Vâng, cảm ơn bố.
Người con thầm nghĩ…Bố chưa bao giờ năng nổ tranh luận cùng con cái những vấn đề “ngoại sổ” như hôm nay. Từ lâu ngoài những căn dặn dại khôn, khô khan nhằm uốn nắn gọi là giáo dục vào đời, quá ít khi ông tự đến gõ cửa phòng con cái.
Giờ đây, ít ra ông cũng đã mới hơn trong câu nói “cần gì, con nói bố giúp đỡ”.Thay vì, kiểu thông điệp đã công phu diễn xuất trong lần tiếp tân kia.“Tất cả đang sẵn sàng chờ con.Vì tương lai, hãy đến bên bố thật nhanh để được ban cấp đặc ân và tiện ích.Đừng bỏ phí, vì thời gian không
bao giờ trở lại”.
Từ ban phát, ông bố đã chuyển thành giúp đỡ.Với người
con, chừng ấy quả là biến chuyển tuyệt vời không mong đợi.Chỉ cần thực tâm muốn cầu thị lắng nghe, thì may ra mọi giúp đỡ mới không còn là ban phát.
Thật ra, ban phát nhấn mạnh đến khoảng cách đối diện,
là biên giới giữa cao và thấp, giữa ban cho và nhận lấy.Ban
phát không đặt nặng về nhu cầu nào, thứ gì là cấp thiết cho
đối tượng được ban? Nó chỉ nhằm nâng cao uy thế chủ thể ban phát.Đặc biệt, ban phát để tâm đến sự tri ân hồi đáp như một thứ lợi tức trá hình nhân nghĩa.
Giúp đỡ, không như thế.Giúp đỡ đích thực là thế đứng cạnh nhau để hiểu biết, cảm thông và cùng nhìn về một hướng.Giúp đỡ tự biết tìm hiểu và tôn trọng nhu cầu cấp thiêt từ đối tượng kêu cầu.Và, giúp đỡ vì vậy chẳng để tâm đòi hỏi đến tri ân.
(6)
Mẩu chuyện trích ngang sinh hoạt giữa hai bố con diễn
viên nhà nọ chỉ có thế.Hai thế hệ nối liền nhau, nhưng họ không hề nối liền nghiệp vụ và, càng khác nhau hơn qua cung cách tiến thân.
Họ có thể còn tiếp tục tranh luận hay không? Sẽ đi đến một kết quả thế nào? Chưa thể biết.Dù để lại đây với nhiều câu hỏi.Vâng, nhưng người thuật chuyện vẫn đã xong công việc của mình.Ít ra, vài dấu hiệu lạc quan cũng đã sáng lên trước bao niềm hy vọng….
(Vườn đá - thành nội Huế, 02/10/2014)