Truyện ngắn 2151 chữ
Mưa rả rích. Bức vách trống trước hở sau không che đủ kín căn nhà ọp ẹp nằm cạnh đường tàu. Gió tạt hơi lanh vào thổi tung bức màn ngăn đôi bên này, bên kia căn phòng không lớn dành cho ba người. Chị và đứa con trai bốn tuổi một bên. Phần còn lại là của anh.
Chiếc võng treo ở chái bếp phía dưới. Qúa nửa khuya rồi nhưng anh vẫn nằm đong đưa, mắt lim dim không ngủ chờ đến giờ chở chị về. Như người ở trọ. Hằng ngày anh có nhiệm vụ chở đi bất cứ đâu chị yêu cầu. Trông họ như vợ chồng nhưng thực ra không phải vậy. Cũng không phải mèo mã gà đồng hay rổ rá cạp lại. Cũng không là già nhân ngãi, non vợ chồng. Chỉ là những con người khốn khổ tìm dựa vào nhau mà sống.
Còn phải hơn một tiếng nữa chị mới xong ca đêm nay. Chiếc võng kêu cọt kẹt. Âm thanh nghe buốt tim. Anh đếm từng tiếng rít giữa sợi giây và cái móc sắt.
Bốn trăm mười ba. Bốn trăm mười bốn....
Hai mươi tuổi, anh lên đường gia nhập quân đội tham chiến tại Campuchea khi đang học năm thứ ba đại học Bách khoa. Ba năm lăn lộn trên chiến trường, rừng núi là nhà. Thỉnh thoảng cùng vài đồng đội vào buôn làng chọc ghẹo mấy cô gái Thượng. Xuất ngũ trở về bỗng nhiên ngẫn ngẫn ngơ ngơ, nửa khôn nửa dại.
Đây là đêm thứ bao nhiêu trong hơn một ngàn đêm anh chờ chị..
Chiếc võng đong đưa. Năm trăm hai bảy. Năm trăm hai tám..
Chị là một goá phụ, lớn hơn anh hai tuổi. Chồng chị chết trong trại cải tạo bốn năm trước . Hai mươi sáu tuổi, chị bơ vơ tuyệt vọng nhưng đứa con thơ dại thúc giục chị phải sống, phải chiến đấu từng ngày cho con được tồn tại. Một thời tiểu thư kiêu sa chân yếu tay mềm biết làm sao. Khốn khổ đẩy chị ra đường bán cái mình có. Khách hàng của chị thường là đám đàn ông lái xe, Nhất là đám quá cảnh sang Lào. Bọn này lắm tiền nhưng ít học lại ưa huyênh hoang, khoác lác. Thời hoàng kim của đám ít chữ nhưng may mắn. May mắn của bọn chúng cũng là một phần may mắn của chị
Anh nửa dại nửa khôn nhưng được cái hiền lành. Lúc khôn nói chuyện như nhà hiền triết. Lúc dại lại gọi tên Y’ Hien, Y’ Lo, Y’ Lắc đố mà biết anh gọi ai. Rồi họ gặp nhau, anh có thêm công việc chạy thồ còn chị đỡ tốn một khoản tiền khá lớn cho việc đi lại.
Ngày tháng qua. Cứ tưởng mọi việc như thế nhưng không dễ cho hai con người cô đơn sống gần nhau
Tủ thuốc lá đặt bên đường là bình phong cho cái sự cần cù, chân chính của chị. Hằng ngày chị ngồi ở đó. Thỉnh thoảng anh lại thay mặt những khi chị cần phải đi. Chiều nay chị co ro trong chiếc áo lạnh bạc màu, ho sù sụ. Đứng bên cạnh có tên tài xế nói giọng Bắc bảo cần chị đêm nay...
Cót két! Cót két! Tiếng võng cứa vào tim. Anh lầm bầm “ Đ. mẹ! Đời sao khốn nạn thế.”
Ba năm rồi anh sống chung trong căn nhà cùng chị và đứa trẻ. Những đêm yên lành, anh bên này chị bên kia không nghĩ ngợi, không ham muốn. Anh thản nhiên như không nghe không thấy mỗi lúc chị tiếp những gã đàn ông nhơ nhớp trên chiếc giường của chị. Tấm màn phất phơ tuột ra phơi bày trước mắt anh đôi chân chị xoạc dài nửa trên nửa dưới. Tiếng rên xiết, thở hì hục của gã đàn ông bóp chặt lồng ngực anh.
Có khi anh nhìn thấy gã đàn ông ôm ghì lấy chị thật chặt, từ hôm trước đến hôm sau ở trên giường với hắn. Làm tình, rồi nghỉ nói chuyện, chuyện chán lại làm tình. Anh biết chị bải hoải, chỉ hắn là sung sướng thỏa mãn. Một đêm là bao nhiêu cuộc mưa gió. Chị cố làm hắn thỏa mãn để ngày mai không phải sống trong địa ngục.
Anh đau thắt lồng ngực. Sờ xuống bụng dưới của mình, cười miễn cưỡng.
Anh trở mình trên võng, đạp chân vào vách. Chiếc võng lại đong đưa. Sao thế này? Đã bao lần anh mất ngủ lúc phải đợi chị về. Anh thương chị. Người phụ nữ mãnh mai, yếu đuối này buộc phải làm cái việc nhơ bẩn đáng khinh. Anh giận chị. Từ lâu anh đã khuyên chị bỏ nghề để anh đi làm nuôi chị và đứa trẻ. Chị bảo không muốn sống bám vào anh.
Mưa vẫn rơi đều đều, chậm rãi. Anh đang ngấu nghiến nỗi đau. Tiếng võng rít gắt gỏng như tiếng còi xe.
Nhưng rồi anh cũng chẳng làm được việc gì để giúp đỡ ngoài cái việc hằng ngày chở chị đi đến nơi nào đó. Nơi có gã đàn ông xa lạ giày xéo thân xác chị. Anh giận chị, không rõ nguyên nhân vì sao. Nhưng rõ ràng chuyện của chị như thế xảy ra hằng ngày là hiển nhiên. Anh thù hận những gã đàn ông ấy. Căm ghét chúng, những tên nằm đè trên bụng chị. Anh hình dung và ghê sợ chị còn phải chịu trận những kiểu hành hạ đòi hỏi quá đáng. Có phải đó là nhiệm vụ, là con đường duy nhất để tồn tại cho mỗi ngày qua đi.
Tiếng còi tàu thét lên trong đêm mưa. A! tiếng còi của chuyến tàu thứ tư vừa chạy qua đây. Gần đến giờ phải đi chở chị về.
Thôi được rồi, thưởng thức đi đã. Nỗi đau thân phận đâu có ngọt ngào.
Không có một tia hy vọng cho cả ba người, anh cũng cố tin và trân trọng vào những đồng tiền chị kiếm được mang về là lương thiện. Những món ăn đạm bạc hằng ngày có một mùi hấp dẫn như trên bàn tiệc nhà giàu sang trọng.
Ba ngàn hai trăm bốn bảy. Ba ngàn hai trăm bốn tám...
Tiếng cót két phát ra giữa sợi dây và chiếc móc sắt đều đều cứa ngọt trái tim anh. Mười lăm phút nữa anh sẽ bật dậy đi chở chị về.
Người ta nói tình yêu là thứ gì đó không thể giải thích được. Nhiều tối anh lại đong đưa trên chiếc võng rồi khóc, rồi cười. Tình cảm anh dành cho chị nó không rõ ràng như những thứ chị mang về. Nhưng có thứ gì đó đang vỡ trong lồng ngực khi anh nhớ lại đôi mắt đọng đầy nước mắt của chị sau đêm bị người đàn ông hành hạ vì không làm cho hắn thoả mãn. Trong mắt chị không hề có một hận thù nào mà chỉ toàn nỗi đau.
Ba ngàn ba trăm mười lăm. Ba ngàn ba trăm mười sáu..
Tiếng cót két nhỏ dần rồi im bặt. Anh lịm dần trong giấc ngủ mê
Cuộc đời sao quá bất công. Anh đã phí tuổi trẻ của mình trong những năm lăn lộn trong núi rừng. Không biết mình đã hi sinh giảng đường đại học cho cái gì. Dưới làn tên mũi đạn anh trở về hình hài nguyên vẹn nhưng lại mất đi nhiều thứ. Những thứ bình thường của một con người anh cũng chẳng còn được bao nhiêu. Đáng lẽ anh đã có một gia đình êm ấm, một người vợ xinh đẹp và một địa vị xã hội chứ không phải cái thân phận sống bám vào người phụ nữ làm đĩ. À, mà không! Chị là một con đĩ có học thức, có lương tri hơn khối con mẹ đỏng đãnh phết sơn, trong đầu đặc sệt những tính toán đời thường. Một con đĩ bất đắc dĩ như chị hơn khối mẹ khoác lác trí tuệ nhưng không biết mình đang nói gì. Những ngôn từ cao siêu phát ra từ những cái mồm thối tha, bẩn thỉu.
Với chi, anh biết cuộc chiến đã lùi xa và sự khủng khiếp để lại của nó là điều chị không thể hình dung và tưởng tượng ra trước đây. Điều đang xảy ra với chị bây giờ nó kinh khủng hơn vết thương lở loét bởi chiến tranh. Không có máu đổ, không băng bó nhưng lại đau đớn hơn ngàn vết cắt. Nó không là cơn sốt nhưng nóng rát. Không là cái rét nhưng tê dại. Nó là sự đánh mất nhân phẩm, giá tri. Nó tạo nên sự hỗn loạn, hoang mang của người thua cuộc chịu khuất phục bởi những kẻ cao ngạo đôi khi đến tàn độc của người chiến thắng. Chiến tranh chưa hẳn đã tàn độc. Con người là nhân tố tạo nên điều này.
Vĩnh Nguyên, tên thằng con trai sáu tuổi của chị cứ quấn lấy anh. Nó mừng rỡ gọi Ba khi anh đi đâu trở về. Có lẽ nó giống cha bởi nó có khuôn mặt không giống chị. Thằng bé đẹp như thiên thần, đáng yêu quá.
Anh bắt đầu nhớ mỗi khi chị vắng nhà. Chẳng biết vì sao anh lại nhớ người phụ nữ một con làm đĩ này. Chỉ biết rằng sau một lần cãi vã anh nhận ra rằng mình đã yêu chị nhưng lại không đủ can đảm tôn vinh cái hạnh phúc mà mình có thể với đến được. Một điểm sáng le lói thúc giục anh bước tới giành giật lại chị từ phía những người đàn ông khốn kiếp kia. Anh đã không đủ can đảm làm điều này để giành giật chị khỏi những bàn tay bẩn thỉu, đê tiện ấy
Phải quay về. Phải trở lại. Anh cần có một gia đình êm ấm. Chị cần có anh chở che và quên đi những tháng ngày cơ cực không được làm người tử tế.
Tiếng còi tàu thét vang!
Tiếng kẻng đánh thức trong doanh trại quân đội bên kia đường khiến anh choàng tỉnh. Tiếng vội vã của bánh sắt siết trên đường ray. Năm giờ sáng trời vẫn tối đen. Anh giật mình, hối hận vì đã lỡ ngủ quên, bật người đứng dậy, xô mạnh cánh cửa bước ra ngoài.
Có tiếng rên yếu ớt bên cạnh bụi cây dâm bụt trước nhà. Chị đang nằm vật dưới sân nền ẩm ướt, bàn tay nắm chặt nhánh cây đến bật gãy. Anh hốt hoảng chạy về phía chị, bế thốc thân hình mềm nhũn. Trong ánh đèn đường loang loáng dưới mưa anh nhận ra vết bầm trên khuôn mặt tái xanh. Ôm chặt chị vào lòng anh chạy như điên, băng qua hai ngã tư đến trạm xá. Anh gào lên khi hơi lạnh từ thân thể chị thấm vào cơ thể mình.
Chị bất động và có cái gì như đang vỡ, tan dần khi anh ôm chị bước qua cánh cửa trạm xá.
Mọi thứ lịm tắt. Nước mắt anh chảy trên khuôn mặt tái xanh và đôi mắt chưa kịp khép lại của chị.
*****
Ba mươi năm sau
Anh bây giờ là một doanh nhân thành đạt, đã có một gia đình hạnh phúc cùng người vợ thuỷ chung cùng hai con trai. Con trai đầu Trần Vĩnh Nguyên là kỹ sư xây dựng đi du học ở Pháp về, còn cậu em đang là sinh viên kiến trúc tại Singapore.
Ngôi nhà bên đường ray tàu lửa đã được sửa sang lại nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc cũ. Giữa nhà có bàn thờ của chị. Vợ chồng anh hằng ngày về nhang khói cho chị. Di ảnh người phụ nữ vẫn luôn nở nụ cười duyên dáng, đôi mắt long lanh ẩn sau cặp kiếng cận nhìn vợ chồng anh như muốn gởi gắm điều chị chưa làm được cho con mình.
Đôi khi lúc gần sáng anh một mình chạy xe về thắp nhang cho chị. Nghe tiếng bánh sắt siết trên đường ray lòng anh đau đớn lắm. Anh nhìn chân dung chị trên bàn thờ, vẫn mĩm cười không oán trách.
Tiếng còi tàu u u vang lên trong đêm gần sáng nhắc nhở anh tháng ngày khốc liệt đã qua. Nó vang mãi như bản giao hưởng dài vô tận.
Quên được không?
Thời gian trôi nhanh đi một khoảng dài trong đời người, anh vẫn khắc khoải đợi tiếng còi tàu. Nó mênh mang, day dứt năm này qua năm khác.
Làm sao quên !
Đà Nẵng 17/08/214