Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
694
123.237.668
 
Chuyện viết từ nhật ký
Hồ Tĩnh Tâm

-          Mùa mật năm nay phải là phất to.

 

Ông chủ nhà trọ của tôi nói với ông Chất sang chơi như nói vậy. Hai ông lão lâu ngày gặp nhau, ngồi hãm bình chè xanh, kéo thuốc lào sòng sọc, bàn toàn chuyện làm ăn; mà chủ yếu là tính xem với số mía ấy, họ sẽ thu được bao nhiêu thùng mật, và sẽ đem bán ở đâu cho được giá. Họ ngồi với nhau đến khuya. Tôi ngồi chầu rìa được một lúc thì đâm ra buồn ngủ, lâu lâu lại ngáp vặt vài cái. Về sau, chẳng biết tự lúc nào, tôi nằm lăn còng queo ra bộ ngựa đánh một giấc. Bất giác tôi nghe như họ nói về tôi. Tôi tỉnh dậy.Ông Chất thấy tôi đã tỉnh, nhìn tôi một cách thân thiện rồi hỏi:

 

-Dạo này cháu học nhiều chứ?

-Nhiều ạ! Tôi trả lời.

-Chà, ông định bàn với cháu chuyện này, chả biết có tiện không?

 

Thế rồi cả hai ông già ngồi bàn với tôi, là, nếu tôi đồng ý, tôi sẽ sang hẳn nhà ông Chất trọ học, vừa yên tỉnh để học bài, vừa trông hộ ông Chất ngôi nhà năm gian. Tôi thấy mọi chuyện đều thuận lợi thì đồng ý, xin với ông Chất sáng mai sẽ sang bên ấy.

 

Ở với ông Chất, tôi cảm thấy thoải mái như ở nhà với mẹ. Ban ngày, ông hất với anh Sinh(người cháu con ông chú đã hy sinh hồi đánh Pháp ở Ngọc Lặc) ra lò mật trông coi việc kéo che; tôi ở nhà tự nấu lấy cơm ăn và lo chuyện học hành. Buổi chiều, tôi giúp cho gà ăn ngô, ăn lúa, và cho con lợn ăn cám. Buổi tối, ông Chất ở lại coi lửa cho lò mật, anh Sinh về nhà ngủ với tôi. Ông Chất thường gởi về cho tôi khi thì mấy chén mật, khi thì xâu gừng đã nấu suốt bốn năm tiếng đồng hồ trong chảo mật, khi thì một tô chè nếp thơm phức, hoặc một gói xôi lạc có kèm thêm ít muối vừng.

 

Công việc của tôi kể cũng nhàn. Ngủ dậy, tôi ra mở cửa chuồng gà, thả đàn gà cả trăm con ra cho chúng kiếm ăn; vãi cho chúng vài lon ngô xay để chúng ăn lấy có cho chắc diều. Buổi trưa đi học về, tôi tự nấu lấy cơm ăn, rồi bắc cái chỏng tre ra gốc mít hay ra bụi tre nằm đọc sách, rồi ngủ thiếp đi trong canh trưa liu riu vài ngọn gió từ đại ngàn thổi tới. Buổi tối, tôi ăn nốt chỗ cơm nguội còn để dành từ buổi trưa, sau đó đi nhốt gà, cho lợn ăn thêm, rồi vào chong đèn ngồi giải bài tập.

 

Thỉnh thoảng chị Nụ ở xóm trên có xuống chơi. Tôi đoán chắc mười mươi là chị Nụ và anh Sinh yêu nhau, vì tôi đã chứng kiến nhiều lần chị Nụ ngồi tỉ mẩn vá áo cho anh Sinh, rồi bằm bèo giúp tôi, và hỏi tôi đủ điều về anh ấy. Hễ chị hỏi về "anh ấy" là tôi liền tức tốc tán tụng, ca ngợi "anh ấy" hết lời. Chị Nụ thừa biết là tôi bịa ra nhưng vẫn cứ để yên cho tôi tha hồ mà huyên thuyên xích địa. Nhiều bữa anh Sinh có nhà, cả ba chúng tôi ngồi đánh tu lơ khơ hàng mấy tiếng đồng hồ. Tôi hay ăn gian từng lá bài để quyết đánh cho cả hai người bại trận. Lệ của chúng tôi là ai thua thì phải để cho người thắng nhất búng hai chục cái vào lỗ tai. Té ra anh Sinh là người hay thua nhất. Mỗi lần chị Nụ thắng, chị cười như nắc nẻ, nhè vào tai anh Sinh búng thật lực. Anh Sinh thì ngược lại, hễ may mắn được búng tai chị Nụ là cả hai vành tai anh đỏ lựng lên. Tôi thì tôi cứ thi hành cật lực phần thắng của tôi với cả hai người.

 

Rồi mùa mật qua đi. Ông Chất và anh Sinh trở về ở hẳn trong nhà. Mọi việc lại quy về cả một tay ông Chất. Tôi chỉ còn mỗi một việc là tha hồ muốn đi chơi đâu thì đi, miễn là cứ thuộc bài và giải xong bài tập rồi thì được.

 

Dần dà rồi năm cũ cũng trôi qua, Tết Nguyên Đán đến dập dìu từ lúc nào. Trong làng rộn rả tiếng cối giã chè lam, tiếng người gọi nhau đánh đụng thịt lợn. Đúng vào dịp mấy cây đào trước sân nhà trổ bông, anh Sinh có lệnh gọi đi dân công hỏa tuyến ở dốc Bò Lăn vào ngày hăm ba Tết. Trong mấy ngày anh Sinh chuẩn bị lên đường, chị Nụ thường xuyên qua nhà chúng tôi. Chị và anh Sinh ngồi với nhau hàng giờ, nói thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời; lâu lâu lại còn tập hát với nhau. Tự nhiên tôi cũng thấy bâng khuâng trong người như sắp mất đi một cái gì thân yêu mà tôi đang sẵn có. Ông Chất mồm thì nói, "thanh niên đi dân công hỏa tuyến là cái sự đương nhiên", nhưng tôi vẫn bắt gặp có lúc ông ngồi thừ ra, tay cầm ống điếu đã nhồi thuốc mà quên mồi lửa.

 

Rồi cái ngày chia ay cũng đến. Cả xã làm lễ tiễn dân công. Trống nện vang lừng, đội sư tử múa dọc theo đường các thôn trong xã. Tôi với chị Nụ theo đưa anh Sinh ra tận ngoài chợ Thạch Thành. Chị Nụ chuẩn bị cho người yêu đủ thứ lích kích. Mấy tấm bánh chưng, mấy giò chả lụa, một cái khăn bông, một cái khăn mùi soa, một cái ríp đánh răng, một cuốn sổ bìa ni lông, một cây bút Trường Sơn và một lọ mực Cửu Long. Tôi nghĩ, nếu có thể, chắc chị sẽ bứng cả dãy núi mỏ qụa bên kia cánh đồng để gởi theo cho người yêu. Đã học được một nửa năm lớp bảy, tôi biết mình cần phải lánh đi để hai người tiến hành cái chuyện tiễn biệt muôn đời của đôi lứa. Ấy vậy mà cả anh Sinh và chị Nụ cứ giữ rịt lấy tôi, dùng tôi làm cái cớ để trò chuyện. Đến lúc còi xe nổi lên bim bim lần thứ mấy, anh Sinh mới chịu chia tay hai chúng tôi nhảy lên xe. Xe chuyển bánh, tôi thấy từ trong mắt chị Nụ ứa ra những giọt nươc mắt bắt nắng trời lóng lánh. Tự dưng tôi cũng thấy rưng rưng trong lòng, phải đưa cùi tay lên quệt quệt hai con mắt.

 

Thế rồi tôi vào mùa thi cuối năm mà vẫn không thấy anh Sinh trở lại. Một hôm tôi đi học về, thấy ông Chất ngồi xếp bằng trên bộ ngựa, tư lự cầm cái ống điếu. Thấy tôi về, ông gọi:

 

-          Cháu đọc lại cho ông nghe lá thư của thằng Sinh nào!

 

Tôi sướng rên lên, đỡ lấy lá thư xem qua một lượt, rồi hắng giọng tới mấy lần mới đọc được. Bức thư đó đến nay tôi vẫn còn nhớ, vì nó ngắn, và vì nhiều lần tôi phải đọc đi đọc lại cho ông Chất nghe.

 

"Bác và em Huy kính nhớ! Cháu đã vượt qua dốc Bò Lăn, đi sâu vào phía mặt trận. Dân công xã ta ai cũng tiến bộ. Riêng anh Bạch chồng chị Mão đã trúng bom hy sinh ngày… Bác sang thăm và động viên mẹ con chị Mão. Phần cháu đã xin qua bộ đội chủ lực, chiều nay sẽ lên xe sang Lào. Bác ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe, em Huy cố gắng học cho giỏi! Cháu: Sinh. Tái bút: Bác nói với Nụ là cháu sẽ đi xa, xa lắm; nhưng rồi cháu sẽ trở về".

 

Làm sao mà tôi có thể ghi lại được nỗi buồn của chị Nụ khi đọc lá thư này. Thương nhớ người yêu, chị Nụ xin vào du kích, tham gia vào tổ trực chiến trên đồi mỏ qụa.

 

Sang năm lớp tám, tôi chuyển lên học trường huyện. Ông Chất hàng tháng vẫn gởi qùa xuống cho tôi. Toàn là thứ qùa quuê ở miền bán sơn địa lúc ấy. Thế rồi tôi học hết lớp mười. Rồi tôi tiếp bước anh Sinh vào chiến trường. Từ đó tôi không biết tin tức gì về bác cháu nhà ông Chất và chị Nụ nữa.

 

Năm 1972, trên đường hành quân trên Trường Sơn, vào dạo tháng mười, đơn vị tôi nghỉ lại ở khe Nước Bạc hai ngày. Tôi xin phép vào trạm chuyển quân  gần đó tìm đồng hương. Đi vòng vèo theo một lối mòn nhỏ, tôi đến trước một cái lán tre nhỏ và đẹp. Thấy cửa để ngõ, tôi mạnh dạn bước vào. Ở giữa nhà có một anh bộ đội người gầy gầy, đang cắm cúi ngồi viết. Nghe động, anh ngước lên nhìn tôi, hỏi:

 

- Đồng chí cần gì đấy?

- Dạ, em là lính mới vào Nam, tới chơi thôi ạ!

- Thế thì mời đồng chí ngồi!

 

Tôi thấy anh cán bộ này có cái gì đấy quen thuộc, hao hao giống anh Sinh con ông Chất. Tôi hỏi anh:

 

- Anh tên gì ạ?

- Tôi à? Tôi tên là Sinh. Anh em ở trạm quen gọi tôi là Sinh mì. Chả là vì tôi hay trồng mì cải thiện, ngoài mình gọi là sắn. Thế đồng chí tên gì?

 

- Dạ, tên Huy!

- Huy à? Chà, nom cậu giống thằng em tôi qúa. Dạo tôi ở nhà thì nó học lớp bảy. Bây giờ nó đã lớn, chắc đi bộ đội rồi cũng nên.

 

Nghe anh nói tên Sinh, tôi chộp lấy hỏi, trong lòng không khỏi bồi hồi phấp phỏng, nhất là anh lại nói có một cậu em tên Huy.

 

- Vậy… Anh… anh ở đâu?.. Em hỏi quê ấy mà.

- Quê à? Tôi ở xã Thạch Bình, gần chợ huyện Thạch Thành. Cậu nói tiếng Thanh Hóa, đã có dịp nào lên đấy chưa?

- Chợ Thạch! Anh có phải cháu ông Chất không? Ông Chất chuyên kéo che nấu mật.

 

Tôi thấy mắt anh sáng lên, hơi chồm về phía tôi. Không kìm được nữa, tôi reo toáng lên:

 

- Anh Sinh. Đúng anh Sinh rồi! Em là Huy đây! Huy. Anh không nhận ra em à?

Anh em chúng tôi ôm chồm lấy nhau, đấm lưng nhau bùm bụp. Buổi trưa ấy tôi ở lại ăn cơm tại trạm. Có canh cá nấu măng, có rau xào, rau luộc, có thịt tươi… là những thứ  mà hơn một tháng nay, suốt chặng đường hành quân tôi chưa được ăn một lần nào, bởi chỉ toàn ăn lương khô và đồ hộp. Sau bữa cơm, tôi chạy về đơn vị, xin thủ trưởng được ở lại với anh Sinh một đêm. Chính trị viên đại dội hỏi tôi chỗ ở của anh Sinh, rồi đồng ý cho tôi ở lại cả buổi chiều và buổi tối ở Trạm chuyển quân. Hôm đó tôi với anh Sinh thức trò chuyện với nhau tới qúa nửa đêm. Lần đầu tiên trong đời tôi hút thuốc liên hồi kỳ trận. Anh Sinh cho tôi biết chị Nụ đã vào bộ đội, hiện đang đóng ở trạm chuyển quân B2 tại Lộc Ninh. Anh dặn tôi đến đó cố tìm đến chỗ chị. Tôi hứa là sẽ đến với chị Nụ, nếu đơn vị tôi nghỉ chân ở trạm chuyển B2.

 

Nhưng rồi do yêu cầu chiến dịch, đơn vị tôi phải hành quân cấp tốc, không dừng lại ở bất cứ một trạm chuyển B2 nào. Đến tháng 3, chúng tôi tham gia một trận đánh lớn ở Long Khốt. Rồi qua tháng 4, tháng 5, chúng tôi được điều lên biên giới Kampuchia tham gia đánh chặn. Một lần, trong chuyến đi công tác lẻ với hai tay trinh sát tiểu đoàn qua Cần Cháp nhận máy PRC25, chúng tôi nghỉ đêm tại kho gạo của quân khu ở xã Đắc Xát. Chúng tôi làm quen và bắt chuyện  với mấy anh lính coi kho. Họ kể cho chúng tôi nghe về vị chỉ huy trạm tuyến đường biên của mình.

 

-          Bà này coi hiền mà nghiêm lắm. Chỉ huy đâu ra đấy. Đánh giặc tập kích thì đánh ra trò. Nhưng đừng tưởng bà gộc ghệch như cánh đàn ông tụi mình.  Đẹp như con gái mới mười tám hai mươi ấy. Khối ông sĩ quan chết mê chết mệt, vậy mà bà ấy chẳng thèm chấm ông nào; gặp ai tới tán tỉnh cũng cứ lạnh như tiền. Tiếc cho các cậu không được gặp bà ấy để rửa con mắt. Trận vừa rồi bà nữ tướng của chúng tớ bị thương kha khá, hiện đang nằm viện. Muốn gặp, cứ đến viện Y 26, hỏi thăm bà Nụ trạm Q547.

 

Nghe nói tên Nụ ở Thanh Hoá, tôi chồm lên hỏi:

 

- Nụ. Đinh Thị Nụ phải không? Người thanh thanh, có hai lúm đồng tiền. Đúng không?

- Đích rồi! Hoan hô thủ trưởng của chúng tớ! Vậy mà tớ cứ tưởng cậu là lính mới.

- Đừng đùa. Chị của tớ đấy. Đây này! Cái lược duyara này là của người yêu chị ấy ở khe Nước Bạc gởi tặng chị ấy đấy. Các cậu chuyển giùm nhé! Cứ nói tớ là Huy ở Thạch Bình, Thạch Thành. Chà, cậu nào có cho tớ xin tờ giấy, tớ phải viết mấy dòng cho phải đạo.

 

Cuộc chiến tranh thần thánh đi vào giai đoạn cuối. Tốc độ ghê gớm của súng đạn, xe tăng, máy bay và bích kích pháo,  cuốn hút chúng tôi lao băng băng về phía trước theo dòng lũ của bão táp. Thời gian vùn vụt trôi qua. Cuộc chiến tranh được kết thúc bằng sức tiến công thần thánh của các binh đoàn chủ lực đánh thốc vào thành phố Sài Gòn. Một hôm tôi đọc báo quân đội thấy tên anh Trần Văn Sinh, chỉ huy trưởng Trung đoàn X, đang tham gia xây dựng tuyến đường sắt thống nhất. Vậy là tôi tìm đến thăm anh.

 

Đến với một người chỉ huy rung đoàn công binh không phải dễ. Trung đoàn của anh đóng rải suốt một cung đường mấy chục cây số. Thoạt đầu tôi vào trung đoàn bộ, nhưng anh đã xuống đội 28 từ hôm qua. Tôi xuống đội 28 thì anh đã qua đội 25 đốc thúc lắp tà vẹt.  Tôi đến đội 25 thì anh đã đến cây số 1354  coi sóc việc đổ móng cầu. Tiện có chiếc Jil 57 chở xi măng đến đó, tôi leo lên đi nhờ. Cậu trợ lý tuyên huấn dặn tôi, đến đó nếu không gặp thì theo xe về luôn ban chính trị, sáng mốt thế nào anh Sinh cũng về E bộ để họp tổng kết công đoạn.

 

 May cho tôi là vừa đến cây số 1354 thì đã gặp ngay anh Sinh đang đứng ngay bên cạnh chiếc máy trộn bê tông. Anh tóm lấy hai vai tôi mà lắc lấy lắc để.

 

-          Chà, thằng em đã trưởng thành ra phết rồi đây. Mày chuyển ngành đi học là phải lắm! Hòa bình rồi, cánh lính trận chúng mình cũng phải có thằng đi học chứ! Thôi, vào trong này với anh!

 

Anh kéo tôi vào một cái lều vải lổn ngổn bốn năm cái ba lô sờn cũ.

 

-          Uống nước đi! Chè xanh chính cống xứ Thanh ta đấy! Thằng C phó ở đây vừa về quê chịu tang mẹ trở vào, hắn vác theo cả mấy bó. Lại cả một cân nhót, mình cứ thay mặt hắn mà liên hoan một ít. Phần tụi nó còn ối ra đấy!

 

Tôi thật không ngờ là anh Sinh đã thay đổi nhiều đến thế. Mập ra. Đen chắc như gỗ lim. Nói nhanh như máy.

 

- Nào! Bây giờ thì chú mày kể chuyện chú mày cho anh nghe đi! Có cả thảy mấy con bồ rồi?

Nhưng tôi chỉ sốt ruột hỏi thăm anh tin tức về chị Nụ.

-          Thì hãy thong thả đã nào. Kỳ này đi phép, chú mày nhất định phải lên Thạch Thành một chuyến. Còn chị Nụ, chị nhắc chú mày luôn. Hòa bình đã hơn một năm mà cấm gởi về cho ông bác tớ một lá thư. Lại sắp mùa đến mật rồi. Chà, thèm bữa chè nếp qúa chừng! Đêm đêm anh nằm ngủ, cứ nghe tiếng cây rừng kêu kẻo kẹt như tiếng kéo che. Ngày mốt về E bộ, anh bão tụi nó đánh đụng con lợn tạ, ăn Tết sớm với chú mày.

 

Anh phá ra cười hết sức thoải mái, làm tôi cũng bật cười theo. Qua câu chuyện của anh, tôi biết chị Nụ đã chuyển về quê làm giám đốc nông trường Thạch Yên, một nông trường lớn chuyên trồng cam và cà phê ở Thanh Hoá. Anh chị dự định đến mùa mật năm sau sẽ về làng làm lễ cưới.

 

-          Chú mày biết không? Khi anh xuống xe ở Kim Tân thì đã mười giờ đêm. Trời sáng trăng bàng bạc. Phải còn gần hai chục cây số nữa mới tới nhà, nhưng mũi anh nó ngửi thấy mùi mật, tai anh nó nghe thấy tiếng trâu phì phò kéo che, anh nôn cả người. Gọi đò mãi không được, anh buộc túm hết đồ đạc vào ni lông, bơi luôn một mạch qua sông; rồi cứ thế mà đi phăm phăm như chạy. Bao nhiêu năm xa quê, nay mới được dẫm chân trên con đường đất đỏ, nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới chân như nghe tiếng hát. Mà ở quê mình, sao chim đa đa nhiều thế không biết. Mình đi tới đâu cũng thấy đa đa giật mình vỗ cánh bay ràn rạt, rồi sà xuống đáp vào đâu đó, kêu toáng cả lên như hò như hét. Bấy giờ anh đi như người lên đồng. Biết gì không? Khi đến khúc vòng lượn theo thung lũng, anh thấy có một bóng người ngồi bên đường. Nghỉ đó là một người đàn ông đang nghỉ mệt nên anh bước tới định mời anh ta một điếu thuốc lá miền Nam. Ai ngờ… Em biết gì không? Một cô gái. Một nữ quân nhân lủ khủ cái ba lô và hai túi du lịch. Mà em biết ai không? Người đó lại chính là chị Nụ của em. Chị cũng bơi vượt sông như anh, bơi trước anh chừng nửa tiếng.  Chị cũng như anh, cũng đi nhờ xe bò ma của lâm nghiệp.

 

Lúc ấy trăng đã chếch về phía thượng nguồn sông Bưởi. Anh với chị mừng tới mức cứ ôm lấy nhau mà khóc. Khóc đã rồi thì đi. Có hai người nên quyết định đi tắt qua cánh đồng mía của nông trường. Đồng mía bạt ngàn, lúc nào cũng rào rạt những gió là gió. Khi lên tới bờ đê. Em còn nhớ con đê ấy chứ? Con đê ở ngay đầu xã. Con đê mọc đầy cỏ gà và cỏ may ấy mà. Bấy giờ anh với chị ngồi phịch xuống luôn vạt cỏ ướt đẫm sương đêm. Chị Nụ cứ đếm đi đếm lại: "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao". Còn anh thì bứt luôn mấy bông cỏ gà, bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm. Trời ạ, nó ngọt! Anh nói với chị điều đó. Chị cũng nhai thử một bông, rồi nhổ ngay xuống đất mà mắng anh: "Ông này chỉ khéo xúi dại". Rồi chị ôm lấy anh mà đấm túi bụi. Vậy là cả hai ngã lăn ra mà cười khanh khách. Vừa cười vừa lăn. Lăn từ trên bờ đê xuống vệ đê. Từ dưới đó anh nghe thấy tiếng xe trâu cót két. Chị Nụ la lên: "Ai đó ơi! Cho đi về nhà với!". Nghe tiếng họ trâu trên đê, anh với chị nắm tay nhau chạy lên phăng phăng. Biết xe ai không? Xe của nhà ông Thấn, nhà mà chú mày ở trọ buổi đầu khi lên Thạch Bình sơ tán ấy. Ông ấy còn mừng hơn cả anh chị. Khi đánh xe về tới giếng đình Nghè, ông ấy vừa gõ mõ vừa la toáng cả lên: "Bà con ơi! làng xóm ơi! Thức dậy đi! Thằng Sinh với con Nụ, chúng nó về làng đây này!". Chó sủa nháo cả lên. Làng mình sao mà lắm chó thế. Mỗi nhà có dễ phải nuôi tới bốn năm con. Chúng đua nhau chổng mõm lên mà sủa ngậu xị suốt cả dọc đường, sủa inh cả làng xóm. Nhà nhà lần lượt thức dậy thắp đèn. Tiếng mở cửa loạch xoạch loạch xoạch. Anh cảm động tới mức chỉ muốn khóc rống lên. Mà nhà cái ông Thấn, ông ta đánh xe thẳng vào sân đình trung, chụp lấy cái dùi, nện thẳng tay thật lực vào tang trống. Ông ta đánh thúc theo kiểu đánh trống trận, cái bận ông thúc trống cho cả làng đi rượt bắt phi công Mỹ nhảy dù.

 

Đấy! Thay bằng về nhà thì anh và chị lại về ngay đình trung. Dân làng kéo tới kìn kìn. Tay Chủ nhiệm hợp tác xã đứng trước cửa đình, nói lời chào mừng như đọc diễn văn. Thì ra anh và chị Nụ là hai người đầu tiên sống nhăn về tới làng.

Anh Sinh phá ra cười. Tôi cũng phá ra cười.

 

Bên ngoài vuông lều bạt, nắng miền Trung nhảy múa rung rung như nhảy lửa.

 

Hồ Tĩnh Tâm
Số lần đọc: 3132
Ngày đăng: 04.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hai anh em - Phạm Lưu Vũ
Người thợ sửa giày góc phố - Hoàng Đình Quang
Triết lý thợ hồ - Hoàng Đình Quang
Hành hương - Hoàng Đình Quang
Một người Sài Gòn - Hoàng Đình Quang
Thương con - Phương Nam
Chói chang - Hào Vũ
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức
Xôn xao đồng nước - Anh Đức
Cùng một tác giả
Ngũ long công chúa (truyện ngắn)
Nàng (thơ)
Thầy Thi (truyện ngắn)
Có một mùa mưa (truyện ngắn)
Bến thần Kê (truyện ngắn)
Cu Đồ cháy mấn (truyện ngắn)
Chết giữa dòng sông (truyện ngắn)
Đêm Noen (truyện ngắn)
Vi rút rừng xuân (truyện ngắn)
Huynh đệ thần kê (truyện ngắn)
Gà đẻ gà cục tác (truyện ngắn)
Công an xã (truyện ngắn)
Hoành (truyện ngắn)
Bập bùng giai điệu (truyện ngắn)
Dòng sông tuổi thơ (truyện ngắn)
Cõi hoang thăm thẳm (truyện ngắn)
Mùa xuân dìu dịu (truyện ngắn)
Chuyện ở Làng Gao (truyện ngắn)
Chú Bảy (truyện ngắn)
Dấu ấn cuộc đời (truyện ngắn)
Một thời (truyện ngắn)
Thằng bé chết (truyện ngắn)
Tư Sẹo (truyện ngắn)
Nhỡ xe (truyện ngắn)
Con cà con kê (tạp văn)
Xóm phố (truyện ngắn)
Vòng quay của ngựa (truyện ngắn)
Con ngựa (truyện ngắn)
Giai điệu (truyện ngắn)
Bên hồ sen trắng (truyện ngắn)
Út Hường (truyện ngắn)
Bông điên điển (truyện ngắn)
Anh Dần (truyện ngắn)
Bạn cùng làng (truyện ngắn)