Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.250
123.160.459
 
Về giữa mùa hè
Mường Mán

kính tặng Mẹ và giàn bầu sai quả

 

tuổi thơ ơi tuổi thơ tôi

mòn mắt mẹ ngóng cháy thời cha xa

lời ru khét nắng quê nhà

muối từ câu hát mặn ra nghìn trùng

 

Dưới đám lá xanh dày mịt, những trái bầu dài ngoằng, thõng xuống một cách thoải mái. Là loại cây leo tương đối dễ trồng, chỉ trong vòng một tháng, từ cái giàn trống rỗng khô queo tre nứa, mẹ tôi đã có một giàn bầu nõn mượt sai quả. Chúng leo mọc luông tuồng không uốn nắn, ngọn lá tràn cả ra bốn phía, xâm lược lên tới mái nhà. Có lần, một bà bạn đến chơi, đứng ngó giàn bầu đã tấm tắc ví von: “Cái thứ ni in như đàn bà mắn con, hễ trồng không sống thì thôi, chớ trồng được nó ra trái lia lịa”, đoạn ngỏ ý xin ít cây con mang về, không quên xách theo một trái cỡ bự mẹ có hảo ý hái biếu. Niềm vui của mẹ bây giờ hình như chỉ còn thu gọn ở đám cây trái đó. Muốn làm đẹp lòng bà không gì hơn là thăm hỏi việc trồng tỉa. Cái giàn chẳng lúc nào bỏ ngỏ, nó tựa mảnh đất nhược tiểu liên tiếp chịu sự chiếm cứ của đủ loại sắc dân. Giống bầu tàn đến giống su su, su su tàn đến bí ngô, mướp đắng. Cuối mùa, cái giàn gầy trơ xương mục nom thảm hại hết sức, mẹ phải thuê người chặt tre đan nứa làm lại. Cứ thế, khoảng sân trước nhà luôn rợp bóng mát, và niềm vui của mẹ vun cao. Ít ra, cây cỏ cũng chia bớt với bà khoảng trống quạnh hiu lũ chúng tôi bỏ lại. “Mỗi sáng thức dậy ra thấy mấy chùm trái lớn hơn một tí, trưa chiều ăn cơm thấy ngon, sáng mô khám phá ra mấy trái bị sâu tỉa hư là buồn suốt buổi. Tụi bay đi hết, tau cưng mấy cây bầu cây bí chớ biết cưng ai chừ!” Dẫu mẹ vừa nói vừa cười, nhưng nghe, tôi vụt lặng người trong cảm giác đắng cay nghẹn cổ, không chống đỡ nổi, lặng lẽ quay đi hoặc vẩn vơ tảng lờ sang chuyện khác với cảm tưởng, nếu lúc bấy giờ có một bà tiên như trong chuyện cổ tích hiện ra hỏi tôi muốn gì, tôi sẽ ước xin được trở thành đứa bé con tóc còn để chỏm để lăn vào lòng mẹ khóc ròng, khóc tạ lỗi, tỏ lòng yêu kính, lau xóa mất dấu cảm giác cay đắng kia đi. Chúng tôi - năm đứa - cuống rún cùng chon dưới một cuộc đất, lần lượt dạt xa bàn tay chăm chút của mẹ, xa ngôi nhà, làng xóm, vườn tược thân yêu bởi lý do này hay vì hoàn cảnh khác không cưỡng được. Đứa vì sinh kế, đứa theo chồng con, đứa mắc phải nghề binh nghiệp lính. Tôi là đứa ở trường hợp bất khả sau cùng.

 

Năm thì mười họa quay về. Đứng dưới giàn cây trái nghe giọng nói kể của mẹ, cả một quãng đời tưởng chìm lẫn trong trí lãng quên, giây phút xô ào về mời mọc mình ngắm lại. Khí hậu tuổi thơ bao trùm khung cảnh quen thân. Mấy bậc thềm có lần bước lên trượt chân vấp ngã. Cây cột đầu hè còn ghi dấu dao khắc đo tầm vóc lớn, anh Hòa cao hơn chị Nhẫn 10 phân, Huy thấp hơn Thành 4 tấc... Vết dao còn hằn trên gỗ bóng, nhưng chúng tôi có bao giờ cùng trở về họp mặt để đo lại những ni tấc kia? Cái bể chứa nước mưa đêm nào tôi nghịch ngợm leo lên nằm vắt chân chữ ngũ, để rồi ngủ lơ mơ lăn tòm xuống ướt lóp ngóp kêu khóc chị Nhẫn vớt ra. Đứa bé rời mảnh sân, rời bậc thềm, rời cái bể nước, rời những trò chơi quanh quất xó bếp lớn theo ngày tháng. Quá khứ không hề thiếu máu, băng hoại, không hề lên men thối mục hư, bởi tự bản chất nó kiến trúc bằng nhiều chất liệu tốt, ròng. Vẫn có thể bới móc ra, mường tượng được.

*

* *

Tuổi thơ tôi được gọi là êm đềm với trăm ngàn nuông chiều dịu ngọt. Cái trí nhớ non nớt thời đó không ghi lại ấn tượng nào dữ dằn. Khi lưng dài vai rộng nhìn lui, mới biết đấy là giai đoạn đau buồn nhất đời mẹ. Mỗi ngày nhẩn nha cắp sách đến trường, trưa chiều cơm canh nóng sốt, quà bánh ê hề, tôi đâu nhìn rõ, hoặc quá ngây khờ để thấy những nét sầu lo trên gương mặt mẹ. Cha vắng nhà hầu như suốt tháng suốt năm. Mẹ giải thích gọn ghẽ: “Chú - chúng tôi vẫn thường gọi cha bằng chú - tụi bây đi làm ăn xa”. Mẹ quán xuyến tất cả một cách đảm đang. Sự đảm đang trong cung cách ngạo nghễ của nền nếp nho phong, và sự cương quyết không hề thiếu dịu dàng. Năm tuổi, tôi bíu gấu áo chị Nhẫn đến trường. Chị học lớp tư, óc tôi còn nguyên là trang giấy trắng chưa có chữ a, chữ b, dấu chấm, dấu phẩy nào lọt vào. Vậy mà tôi vẫn nhất định kêu khóc đòi vào ngồi cho bằng được cùng bàn với chị, không chịu xuống học lớp đồng ấu. Mẹ phải thưa với ông thầy lớp tư vốn quen biết: “Thầy cho nó vô ngồi trốn nắng, ở nhà không ai chăm sóc, tôi bận công việc nó nghịch phá đủ thứ, đi dang nắng với lũ trẻ hàng xóm ngoài bờ bụi suốt ngày”. Ông đồng ý. Tới đó, tôi tha hồ kê đầu lên bàn mà ngủ. Nhưng cũng chỉ được đâu dăm bữa, tới giờ đến trường tôi lại lặn mất tiêu, chị Nhẫn đành đi một mình. Phải lên tới sáu tuổi tôi mới biết hình dáng đáng yêu của chữ a và cái bụng thon thon của chữ b...

 

1951, nhà bị máy bay thực dân Tây phá sập - trong lúc chúng tôi đi tản cư và nhà thì bộ đội Việt Minh đóng. Tình hình tạm yên, mẹ dồn cả gia đình về ở trọ nhà ông bác. Bác tôi cao lớn, ria rậm rì, đôi mắt sáng quắc, thẳng tính, nghiêm cẩn, được trong họ ngoài làng kính nể, và hết lòng thương yêu đùm bọc con cháu. Ngoài giờ đi học, tôi tha thẩn đi chơi với người anh con bác. Hai đứa bằng tuổi nhau, có nhiều điểm tương đồng ý thích nên rất hòa thuận. Đánh đáo, đánh căn cù, đá kiện chán, chúng tôi rủ nhau đi tìm mấy con vật chết - tắc kè, rắn mối, châu chấu vân vân - làm hòm, bắt chước người lớn tổ chức ma chay đám tang. Trò chơi hấp dẫn luôn bọn trẻ trong xóm, chúng kéo đến hưởng ứng khá đông. Ở trường về, mỗi đứa lôi trong cặp sách ra một con vật chết rồi bày việc phúng điếu, hẹn ngày đưa đám cẩn thận, quan trọng y hệt người lớn. Những con vật chết thường kiếm dọc đường tới trường thuộc loại nhỏ, không sớm bốc mùi hôi như ve sầu, châu chấu, chuồn chuồn... Tuy nhiên, chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng lượm được những thây ma nhỏ nhắn ấy. Lắm lúc, cả bọn không tìm ra cái xác nào, ông anh con bác bèn nảy sáng kiến: Ra đồng chụp châu chấu hoặc bắt bướm về bóp chết rồi chôn. Không biết do hấp lực nào, chúng tôi mê thích trò chơi ấy hết sức. Vạt đất trống sau chùa làng vắng hoang cỏ dại là nghĩa trang dành cho lũ vật khốn khổ kia. Bây giờ nhớ lại trò ma chay đám tang ấy tôi nghĩ, bọn trẻ chúng tôi ưa bắt chước việc làm của người lớn, những hội hè đình đám của họ. Đóng kịch khéo để nhại từ giọng khóc não nùng thương tiếc, đến âm điệu bổng trầm điếu văn. Nhưng nào đâu biết hành động giết để cử hành tang lễ trọng thể là có tội với trời đất thánh thần. Mỗi lúc nhớ, tôi chỉ còn biết chặc lưỡi: “Chậc, hồi đó còn nhỏ mình đâu đã biết gì”. Tự an ủi vậy cho đỡ ân hận. Giá như chúng tôi được sinh ra ở thành phố. Nơi mà đồ chơi của trẻ con không thiếu. Nơi có công viên để tới đánh đu khi chán đánh đáo, có rạp xi nê để rúc vào lúc chán ù mọi, chia phe đánh nhau, hoặc có banh để đá khi chán tát cá ngoài đìa ruộng. Ở quê hồi đó một trái banh bằng da là cái rất hiếm. Cả làng chỉ ông giáo viên kiêm thôn trưởng, và vài ba người khác có xe đạp, thì thử hỏi đoạn đường từ chốn tối om chúng tôi đến ánh sáng văn minh điện khí tỉnh thành xa vời biết mấy? Nếu thông cảm vậy, chắc trời đất thánh thần không nỡ trách bọn trẻ chúng tôi đã “phát minh” ra cái trò chơi man rợ, kém vệ sinh kia? Nhà bác tôi khá rộng, gian giữa kê bộ ngựa gõ, dài đến nỗi tôi có thể dang hết tay chân lăn một vòng không sợ hụt té xuống đất. Vâng, bộ ngựa dài và bóng lộn. Chỗ của bác tôi nằm đọc sách chữ Hán hoặc viết giùm đơn trương kiện tụng cho mấy ông bà hàng xóm gởi lên xã lên huyện. Bộ ngựa là nơi bất khả xâm phạm, vùng đất cấm, phi chiến. Không có lý do gì để bọn tôi được phép nô giỡn trên đó. Bộ ngựa, buổi trưa mùa hè đặt lưng nằm xuống mát cơ hồ dưới lưng chèn nước đá. Từ khai thiên lập địa, cấm kỵ răn đe là quyền của người lớn, và nhu cầu nghịch phá luôn thuộc trẻ con. Nên nhiều buổi bác vắng nhà, tôi và ông anh leo lên đánh kiếm tre tập tuồng hát bội. Đứa nào cũng đi chân đất nên dấu chân in rõ mồn một. Bác về, hai đứa nằm thẳng cẳng nhận ít nhất là mươi roi cảnh cáo. Có lần tôi đi học, ông mãnh kia ở nhà. Ông bác trở về vào buổi chiều, thấy có dấu chân trên ngựa liền gọi hai đứa vào. Ông mãnh chối. Chân hai đứa bằng nhau và y chang dấu tội lỗi, cả hai cùng chia nhau trận đòn. Tôi giận ông anh con bác muốn hộc máu mồm, thề chẳng bao giờ chơi với đứa-chối-leo-lẻo nữa. Trong loài động vật có vú trẻ con thuộc “phả hệ” chóng quên, ngày mai lại cùng nhau đi rất thẳng hàng trong trò chơi đám tang.

 

Khoảng thời gian này, cha tôi thường trở về, không còn đi mất tăm tích nữa. Ông thường về vào lúc giữa khuya. Mẹ thức chúng tôi dậy. Ông ôm hôn từng đứa, cọ chiếc cằm đầy râu vào mặt mũi tôi nhồn nhột. Dưới ánh đèn dầu lù mù vẻ mặt ông trầm ngâm, ánh mắt xa vắng, lơ đãng như thể không nhìn vào đâu cả. Chúng tôi giương những đôi mắt buồn ngủ buồn nghê nhìn ông. Ông hiền dịu hơn bác tôi ở nụ cười. Mẹ ngồi đầu giường mỉm cười trìu mến. Thỉnh thoảng cha ghé gần mẹ thì thầm trao đổi chuyện gì đó chúng tôi không thể hiểu nổi. Có khi nghe ông nói xong, mẹ cau mày buồn rũ. Ông nán lại chừng một giờ rồi quay lưng lọt ra ngoài khuông cửa, mất hút vào đêm thẳm. Mẹ tắt đèn, kéo mền lên tận cổ chúng tôi bảo ngủ đi, đoạn bà lặng lẽ vào mùng, lặng lẽ thở dài.

 

Mỗi đứa chúng tôi đều có một bùng binh bằng đất sét nung để dồn bạc lẻ. Một buổi chiều cuối năm thấy chị Nhẫn, anh Hòa lấy ra đập vỡ, tôi cũng làm theo. Mẹ ngang qua, ngồi xuống nhìn đống bạc, cười nói với chúng tôi:

 

- Tụi bây định mần chi với nấy tiền?

 

Chị Nhẫn không biết học khôn ngoan ở đâu ra mau mắn nói:

 

- Để mua thuốc Cẩm Lệ cho chú.

 

Mẹ ứa nước mắt xoa đầu ba đứa khen giỏi. Chị Nhẫn ra chợ mua hai lạng thuốc Cẩm Lệ, một khoanh giấy quyến mỏng gói thành một cục, đêm nào ngủ cũng ôm khư khư vào long đợi cha về.

 

Mẹ thường bí mật bới xách đi thăm cha ở nơi chốn heo hút nào đó, chẳng cho đứa nào theo. Kết quả những lần đi thăm ấy, chúng tôi có thêm đứa em gái. Mẹ đặt tên em là Huy, vì nơi cha tôi ở hồi đó, sau này tôi được biết là doi Mù Huy, một gò đất nổi giữa cánh đồng bát ngát dưới chân núi xanh, cách làng chừng mười cây số. Tới tuổi đi học, làm giấy khai sinh, anh Hòa đặt lại tên cho Huy là Hương - Diệu Hương, chúng tôi true em: Nghe cứ y như tên một ni cô nhà chùa!

 

Thời con gái, mẹ là con út của một gia đình trung lưu. Ông ngoại tôi vốn có chút máu nghệ sĩ, sử dụng đàn tranh, đàn cò rất tài tình. Trong số bốn chị em, chỉ mình mẹ tôi có giọng hát khá và ưa thích hát, nên ông tập cho mẹ thuộc lắm bài Lưu thủy, Hành vân, Tứ đại cảnh, Kim tiền, Nam ai, Nam bằng... Đêm trăng ngày mùa ông tổ chức ca hát trong sân nhà. Mấy ông cậu cũng biết sử dụng vài ba nhạc khí khác nên cả gia đình có thể gọi là một ban nhạc. Thêm vài thôn nữ trạc tuổi mẹ góp giọng ca, thành thử các buổi ấy thường đông vui. Cha si yêu mẹ, ông không bỏ sót buổi hát xướng nào, âm thầm kết thân với mấy ông cậu chờ dịp tỏ tình. Mẹ biết có người để ý thì đâm ngượng, dẫu ông ngoại có nói cách chi bà cũng không chịu hé môi hát nửa lời khi thấy có “người ta”. Cha buồn lắm, đành giấu mặt sau hàng dâm bụt hoặc qua nhà bên cạnh lắng nghe giọng hát của mẹ. Sau gần hai tháng tương tư, ông thưa với ông nội nhờ người mai mối đến xin hỏi cưới. Từ đấy mẹ không hát cho đám đông nghe nữa, chỉ hát để ru chúng tôi ngủ. Nhưng tiếng hát thời con gái, tiếng hát hạnh ngộ đầu đời chẳng bao giờ còn rung lên nữa. Bây giờ, nếu có còn nhớ, hẳn mẹ cũng chỉ nhớ những khúc tình sầu mà thôi. Bây giờ, mỗi lúc thấy mẹ ngồi trước bàn thờ Phật, tay gõ mõ tay lần tràng hạt, cúi xuống những trang kinh in bằng chữ to thành kính tụng niệm tôi lại nao lòng nhớ cha. Chính người đã khai tâm, dạy chữ quốc ngữ cho mẹ, cho bà được biết ngoài những bài ca truyền khẩu còn có những câu thơ Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc để thỉnh thoảng mẹ ngâm ngợi ru con cho đỡ... buồn! Một buổi trưa đi học về, thấy nhà bác đông nghẹt người. Chị Nhẫn chạy ra ngõ nắm tay tôi khóc:

 

- Chú bị Tây bắn ngoài đồng, người ta chở chú lên nhà thương rồi, mạ cũng lên đó luôn.

 

Cha tôi bị Tây bắn? Ông làm nên tội gì? Tôi chẳng thể biết được. Trong nhà từng cụm người xúm lại bàn tán. Sau 18 ngày nằm điều trị ở nhà thương Mang Cá, xác cha được chở về trên cỗ xe hàng cũ kỹ. Cha tôi chết, một năm trước ngày đình chiến, trước khi quân viễn chinh Marôc, Sênêgan, Lê dương xuống tàu về mẫu quốc. Năm đó tôi lên 6, chị Nhẫn lên 9, anh Hòa 16 tuổi, Thành 4 tuổi và Huy, em gái út, 1 tuổi. Cha chết, có nghĩa là từ nay chúng tôi không còn được nghe tiếng cửa mở khẽ khàng giữa khuya, hết thắc thỏm chờ bước chân người lướt đi ngoài bóng tối, mẹ thôi bới xách băng đồng chỉ sá kiếm tìm, chị Nhẫn thôi mua những gói thuốc lá Cẩm Lệ đêm đêm ôm vào lòng đợi người về. Hết, hết, hết. Nỗi buồn mẹ dài theo nước mắt, đẫm ướt suốt số tháng ngày đơn lẻ gối chăn.

 

Một tuần sau khi hiệp định Genève chia phân đất nước tuyên đọc trên đài phát thanh Pháp Á, công bố trên khắp các mặt báo, một người đàn ông mặc complet xám, đeo kính đen gọng vàng đến nhà tự xưng là đồng chí của cha tôi. Nhân danh tình bạn cũ, ông xin mẹ cho anh Hòa theo ông tập kết ra Bắc để “nối chí anh hùng người cha đã vị quốc vong thân”. Với thái độ kính cẩn pha lo âu, mẹ nói:

 

- Xin cám ơn lòng tốt của bác. Tôi chỉ có mình nó là đứa lớn, như cái đầu tàu để còn kéo sắp nhỏ lên sau này, không thể cho đi được!

 

Mẹ tiễn khách ra cửa. Như còn áy náy bởi sự từ chối của mẹ, trước khi quay đi ông ngoắc tôi lại, móc túi lấy tờ bạc 5 đồng mới toanh dúi vào tay, trầm giọng:

- Tôi mãi còn nhớ những món quà chị bới về cho chúng tôi hồi còn ở chung hầm với anh!

 

Mẹ ra dấu cho tôi nói cám ơn và, khi bóng người đồng chí cũ của cha khuất sau rặng dương liễu trước nhà, mẹ quay vào vùi mặt xuống gối khóc ngất. Dành dụm được một số tiền kha khá, mẹ quyết tâm dựng lại mái nhà đổ nát, không muốn ở đậu nhà bác nữa. Chúng tôi kéo nhau về trên nền đất cũ. Đất cũ: sự kết hợp ngoạn mục của vôi vữa, gạch nát, đá vụn, gỗ cháy, cỏ mọc luông tuồng đủ loại và, hiu quạnh. Bác tôi đứng ra trông coi giùm việc cất nhà, công việc hoàn tất chóng vánh. Lúc này chị Nhẫn thôi học giúp mẹ buôn bán. Anh Hòa lên tỉnh trọ học từ những năm trước. Trường làng đã bị bom đạn phá sập, tôi học lớp nhì ở ngôi trường do các bà phước trông coi trên đất làng láng giềng. Trường nằm cạnh ngôi giáo đường lớn thủng mái. Mỗi chiều tiếng chuông đổ ngân nga nghe buồn bã đến nao lòng. Tôi đi học một mình mẹ không yên tâm. Bà qua nhà hang xóm mượn cô con gái ông giáo Phương trông chừng giùm. Tuy học chung lớp nhưng con bé lớn hơn tôi ba tuổi, mẹ bắt tôi gọi nó bằng chị. Con bé có đôi mắt thật hiền và một chiếc răng cửa sún, có cái tên giống đôi mắt: Hiền. Lâu lâu Hiền nhắc nhở:

 

- Tới trường có đứa mô hăm đánh là kêu chị liền nghe!

 

Một bữa, tôi sưng húp mặt mày vì bị một thằng oắt xô té nhào từ tầng cấp xuống. Tôi vác mặt đến mách Hiền. Nó rời đám bạn gái nắm tay tôi chạy băng qua sân, vào văn phòng trình lên soeur bề trên. Chờ Hiền lễ phép thưa gởi xong, tôi kéo nó ra hành lang giận dữ nói:

 

- Răng chị không đánh thằng nớ, thưa với soeur thì ích chi?

 

- Đánh chi cho đau tay, chị bề trên cho độ 5 điểm xấu chạy đàng trời tháng ni nó cũng đội sổ.

 

Để an ủi, Hiền dắt tôi sang nhà ông cai trường mua cho hai trái ổi thật lớn. Cái tật ham ăn của tôi riết nó cũng biết ý. Mỗi lần cho cái gì thì phải nhiều hoặc to tôi mới chịu nhận. Kinh nghiệm ấy Hiền học được hôm chia nửa trái chuối, tôi phụng phịu lắc đầu. Nó hỏi gạn. Tôi đáp gọn lỏn: “Không thích ăn cái gì một nửa”. Con bé quả là hiền và thông minh đáo để. Một ngày mùa thu, đang giữa buổi học không dưng tôi choáng váng mày mặt, mắt nổ đom đóm, gập người nôn thốc tháo thức ăn điểm tâm lẫn nước xanh nước vàng xuống gầm bàn, soeur Camille ngừng giảng bài đến nâng tôi dậy bảo có lẽ bị trúng gió, đoạn gọi hai đứa học trò lớn đưa tôi lên phòng soeur nằm nghỉ. Soeur lên theo, lấy dầu khuynh diệp thoa khắp mình mẩy, cho uống thuốc cảm kèm một ly sữa đầy, và dặn cố nhắm mắt ngủ. Quá trưa, soeur quay lại nom lạ hoắc với mái tóc cắt ngắn gọn ghẽ không còn tấm khăn đen trùm đầu, khoác sơ mi trắng thay vì chiếc áo chùng đen vẫn mặc mỗi khi bước vào lớp học, đôi mắt trìu mến và nụ cười ngát vẻ thương yêu.

 

Tôi ngồi dậy, cảm thấy không còn đau đớn gì nữa. Dọc đường về hôm ấy chốc chốc tôi lại mỉm cười thú vị nghĩ đến mái tóc ngắn của soeur. Từ lâu đứa nào cũng tưởng các soeur trọc đầu giống những tu sĩ nhà chùa... Sau ba ngày nghỉ dưỡng bệnh tôi đến trường, và phút chốc cái điều tôi cho là bí-mật-vừa-được-khám-phá ấy lan rộng trong lớp. Đứa tin,  đứa không tin, chia ra hai ba phe bàn cãi. Rốt cuộc, không biết do chú ôn con dịch vật nào mách lẻo, giữa giờ toán pháp soeur Camille kêu tôi đứng đậy, nghiêm giọng:

 

- Tò mò là một tính xấu, nhất là trẻ con lại tò mò tìm hiểu chuyện người lớn. Các em chắc ai cũng biết trò Quảng đã phạm phải cái lỗi nặng, đáng tiếc đó về chuyện chị có tóc hay không? Để cảnh cáo, trường quyết định đuổi trò Quảng một tuần lễ. Chị mong Quảng cũng như các em đừng mắc phải tật xấu đó nữa.

 

Cả lớp im thin thít. Từ bàn đầu, Hiền e dè ngoái cổ nhìn tôi. Và kẻ mắc phải tật xấu cúi gầm mặt. Trên đường về, Hiền cố gợi đủ thứ chuyện tôi vẫn câm như hến. Ngước nhìn bầu trời ẩm đục những mây, nó kéo tay tôi:

 

- Đi lẹ lên, trời sắp mưa, thấy không?

 

Tôi giật phắt tay lại. Hiền không hề đưa tay ra lần thứ hai, có lẽ con bé chán ngấy bản mặt nặng chình chịch của đứa vừa bị đuổi học. Hiền chạy lúp xúp bỏ tôi một quãng xa. Tôi vẫn cố bước thật chậm, tỏ vẻ không cần đến sự có mặt của nó trên mặt đất này nữa. Gió xô cuốn ào ạt cây lá trên đầu. Vừa đi tôi vừa nghĩ những lời nói dối để chạy tội với mẹ. Từng đợt mưa mỏng bắt đầu tạt trước mặt, sau lưng, tứ phía. Bóng Hiền mất hút không còn nhìn thấy. Tôi nhét cặp vào dưới áo cắm cổ chạy. Ngang qua sân đình, tôi nghe tiếng Hiền gọi. Hai tay ôm vòng cây cột lớn trước hiên, con bé cười ngặt nghẽo hẳn là vì thấy tôi ướt như chuột lột. Ức lắm nhưng tôi vẫn chạy lại chỗ nó đứng, quay lưng giả vờ mải giũ giũ hai vạt áo ướt cóc nhìn thấy.

 

Cố nhịn cười, Hiền nghiêm trang bảo:

 

- Cởi áo ra chị vắt cho khô, bận áo ướt đau chết.

 

- Chết bỏ! - Tôi xẵng giọng, bực tức đá cục gạch vụn dưới chân. Hiền mát mẻ:

 

- Hay chưa, chết thì chôn chớ răng lại bỏ?

 

Làm như mưa gió chẳng hề hấn gì nữa, tôi vụt chạy ra khỏi mái hiên, con bé nhào theo chụp cổ áo tôi lôi vào. Quơ tay đẩy xô túi bụi, sau cùng tôi vẫn bị Hiền dồn vào cây cột. Nó mím môi, mặt rắn đanh trông thật dữ tợn, hai tay quyết liệt lần mở những cúc áo. Tôi vùng vẫy cố thoát một cách tuyệt vọng, hình như nó mạnh gấp mười tôi. Tôi la ơi ới và Hiền phá lên cười như nắc nẻ. Muốn ngộp thở dưới hai cánh tay ốm teo nhưng rắn chắc của nó, túng thế, tôi đành giở món “cẩu quyền” ra, há miệng cắn vào chỗ nhòn nhọn trên tấm ngực mỏng của con bé, chỗ gần miệng nhất. Cái “núm cau” mới nhú bị một cú đau điếng, Hiền co rúm người lại, dang thẳng cánh tát tôi đánh “bốp”, đầu dội vào cột thêm một tiếng “cộp” nữa và, nó rời tôi với chiếc cúc áo trên tay. Nhặt lẹ chiếc cặp sách trên nền đá tôi chạy biến vào màn mưa trùng điệp, không ngoảnh lại. Hình như tôi khóc thì phải. Nước mắt hòa mưa khó phân biệt. Chỉ cảm thấy đôi mắt cay xè.

 

Sau hôm giở “cẩu quyền” đáp lại sự chăm sóc chân thành của Hiền, con bé chẳng bao giờ sang rủ tôi đi học nữa. Mẹ chẳng hay biết. Tới trường, Hiền luôn tránh mặt tôi, làm ngơ coi như trong lớp nó đang học không có đứa nào tên Quảng nữa. Tôi ở lại với mẹ suốt mùa hè niên khóa ấy. Năm sau lên tỉnh học nốt lớp nhất và chương trình bậc trung học. Hiền thi xong bằng Primaire, lấy chồng, đẻ con, trở thành cô giáo trường làng. Ngôi trường tôi đã từng bíu theo gấu áo chị Nhẫn vào “trốn nắng” hồi năm tuổi.

 

Tháng sáu, mặt trời trồng đứng trên cao. Tôi trở về. Ngồi trên bậc cấp trước thềm. Chân trần áp lên mặt đất mát lịm. Trí lao đao và mắt ráo hoảnh vẩn vơ ngắm những trái bầu dài thõng. Đám lá mướt xanh đong đưa muôn vàn cánh nắng. Tôi ngồi ở đó, nhìn mẹ ngày mỗi già thêm bên lũy cây trái vườn nhà. Giữa không khí yêu thân. Rộn ràng tiếng chim gù trên mái ngói. Mênh mang tiếng ve sầu dọc dài những ngọn dương cao. Tôi nhắc lại thời đầm ấm xưa. Nói về cha tôi. Nói về ngày thơ ấu của tôi, của anh chị em tôi như trong cơn mê hoảng. Để nghe tiếng nói kể thân yêu của mẹ, bao giờ cũng bắt đầu bằng ba tiếng: Ừ, hồi đó... Hồi đó không như bây giờ. Sự chia lìa là vết dao cắt chia năm xẻ bảy, đứt đoạn, vụn rời. Có vá víu chắp nối lại chăng nữa cũng chỉ nhờ hoài niệm. Hỡi anh Hòa, chị Nhẫn, Thành, Huy, hỡi soeur Camille, hỡi Hiền thân mến! Tôi vừa trở về, lòng bình yên thanh thản như mùa hè lộng gió trên cao. Hỡi những bóng mát che rợp thời niên thiếu tôi! Hỡi mẹ, mẹ có còn nhớ những khúc ca đầm ấm thời mẹ về với cha, có lụa là khăn dài áo cưới, hay bây giờ mẹ chỉ còn nhớ những khúc tình sầu?

Mường Mán
Số lần đọc: 3299
Ngày đăng: 05.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viết từ nhật ký - Hồ Tĩnh Tâm
Hai anh em - Phạm Lưu Vũ
Người thợ sửa giày góc phố - Hoàng Đình Quang
Triết lý thợ hồ - Hoàng Đình Quang
Hành hương - Hoàng Đình Quang
Một người Sài Gòn - Hoàng Đình Quang
Thương con - Phương Nam
Chói chang - Hào Vũ
Lan Huệ sầu ai - Hoàng Đình Quang
Ông lão vườn chim - Anh Đức