(Tặng : Từ Vũ)
---------
Thơ Việt Nam, từ sau năm1945 thường hiện hữu trên hai chiến tuyến : "Quốc gia- VNCH- chống Cộng" / "Kháng chiến- Cộng sản XHCN" cả hai đều được hệ thống thông tin báo chí (phe nào, phe nấy) quảng bá hết cỡ...
Tuy nhiên, còn có một dòng thơ lơ lửng, không phe phái nhưng thấm đẫm hồn Dân tộc với một nghệ thuật "rất Thơ" (không in ấn xuất bản) cứ âm thầm truyền lan trong lòng người dân Việt ở mọi phía ...Ví dụ : như Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), Thi sĩ Đỗ Hữu (1938-2009) ...
Với Bùi Giáng, thì đến hôm nay (2014)đã được cả 2 phía coi là một trong các nhà thơ lớn của Dân tộc ? còn Đỗ Hữu thì còn rất ít người biết đến, nhất là với giới thơ văn ở Hà Nội.
Đỗ Hữu, tên thật là Lê Hữu Đỗ ,sinh ngày 28-6-1938 tại làng Dưỡng Mong Thượng, quận Phú Vang- tỉnh Thừa Thiên- Huế, anh kém Hữu Loan 22 tuổi, kém Quang Dũng 7 tuổi, làm Thơ từ thời 1949,1960...đã tốt nghiệp Đại học sư phạm, từng là Hiệu trưởng Trường trung học Ninh Hòa (Khánh Hòa). Sau 1975 sang Hoa kỳ định cư , lấy thêm bằng Đại học San José State University, từng làm chủ bút tờ Việt Báo San José...bạn bè cho anh là Nhà thơ hiền lành, khả ái...
Đỗ Hữu mất ngày 9-3-2009 , thọ 71 tuổi để lại vợ là Bích Diệp và các con cháu ở vùng Thung lũng hoa vàng - Mỹ Quốc.
Thơ Đỗ Hữu xuất hiện sau Hữu Loan, Quang Dũng một chút, được truyền tụng trong một số Người Yêu Thơ- miền Nam là 2 bài thơ Sầu Ai Lao & Chiều Việt Bắc. Đọc bài "Sầu Ai Lao" của Đỗ Hữu với những câu :
...Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.
là ta nhớ ngay đến bậc thầy Hữu Loan :
Đèo Cả !
Đèo Cả !
Núi cao ngất !
Mây trời Ai Lao
sầu đại dương...
Ở Hữu Loan, Quang Dũng là khí thế xung thiên đi chinh phạt kẻ thù xâm lược :
*Gian nguy
lòng không nhạt
Căm thù trăm năm xa
Máu thiêng sôi dào dạt
tự nguồn thiêng ông cha
*Xâm lăng !
Súng
thèm
gươm
khát !
(Đèo Cả)
*Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
(Tây Tiến)
thì Đỗ Hữu lại là :
Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
để rồi :
*Buồn quá ngày đi, đêm trở lại
Hoàng hôn hoa Bản phấn rưng rưng
*Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng
thật là "lạc lõng" với cả 2 chiến tuyến ? !
Đến "Chiều Việt Bắc" không biết Đỗ Hữu mới ở tuổi 11, 12 thời ấy có tham gia Thiếu sinh quân (kiểu"Tòng quân hành" ) sang Ai Lao rồi về Việt Bắc hay không mà có những bài thơ như thế ? Ở bài thơ Chiều Việt Bắc ta thấy Đỗ Hữu có hơi hướng bài thơ Dặm Về ( Mai chị về -1945) của Nguyễn Đình Tiên (mà nhiều người đã nhầm cho là của Quang Dũng) :
*Mai chị về, em gửi gì không ?
Mai chị về nhớ má em hồng
Dặm về - NĐT (1)
*Nắng xuống phương nào người thấy không ?
Mà đây chiều tím rụng song song
Chiều Việt Bắc- ĐH
rất hơi hướng thơ Thâm Tâm :
*Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Tống biệt hành- TT
*Vàng tuôn mấy lối ngày thu muộn
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong ?
Chiều Biệt Bắc - ĐH
Những câu như :
Khói mắt lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
thì lại rất Quang Dũng :
Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai ?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Đôi bờ - QD
Còn câu : "Buồn xưa chiều đọng sầu láu lách"
thì có khác nào thơ Nguyễn xuân Sanh :
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi
Buồn xưa-1942
Sau 1975, Đỗ Hữu sang định cư ở Mỹ, giọng điệu Thơ anh vẫn 1 dòng chảy cố hữu :
*Lời ca em hát bay theo gió
Ru nhịp cho đời vui lãng quên
*Bỗng dưng lòng nhớ về Quê mẹ
Ngàn cánh chim Bằng mỏi cánh bay...
Nhạc chiều -ĐH
ĐÔI LỜ KẾT : thơ Đỗ Hữu, với những ai chỉ mới biết thơ anh (chưa từng đọc Hữu Loan, Nguyễn Đình Tiên, Quang Dũng, Nguyễn xuân Sanh...) thì đó là những câu thơ Diễm Tuyệt mà Bùi Giáng có lúc hứng đã kêu lên "Hay hơn thơ Quang Dũng"...
Chao ôi, thơ là tiếng con tim, là sự giãi bày một nỗi niềm tâm tư của một con người ở một thời mà anh ta đã sống..hồn thơ Đỗ Hữu phải nói là "đượm" ,hình tượng thơ ĐẸP, tình buồn "lạc bước" giữa đường đời , thơ Đỗ Hữu là như vậy, NK xin trân trọng giới thiệu & cảm nghĩ , xin được chia sẻ cùng các Bạn Thơ Hà thành.
--- (1) "Dặm Về" (Mai chị về) là cuộc chia ly của Thi sĩ Nguyễn Đình Tiên với chị Phan Ánh Tuất (Tú tài) cùng 21 tuổi/ hồi tháng 9-1945 ở Thị xã Thanh Hóa.
SẦU AI LAO
------
Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt
Mây cứ sầu tuôn núi võ vàng
Lá vẫn pha chàm trên sắc áo
Mưa nguồn thác đổ đá mù sương.
*
Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm
Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào
Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt
Mây trời bàng bạc sầu Ai Lao.
*
Lưng đèo quán gió mờ hun hút
Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều
Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ
Người ơi,thương nhớ biết bao nhiêu.
*
Ở đây hơi đá chiều vây khắp
Khép chặt mình tôi giữa núi rừng
Buồn quá ngày đi, đêm trở lại,
Hoàng hôn hoa Bản phấn rưng rưng
*
Người có theo tôi lên dốc nắng,
Nhìn xem hoa rải sắc trên đường.
Chiều nay gió thổi buồn ghê lắm
Lá đổ sau chân một lối vàng.
CHIỀU VIỆT BẮC
------
Nắng xuống phương nào người thấy không ?
Mà đây chiều tím rụng song song
Vàng tuôn mấy lối ngày thu muộn
Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong ?
*
Khói mắt lên mờ xanh bóng ai
Phương xa chiều xuống ngút sông dài
Đường kia có phải sầu xưa đọng ?
Trở bước hoa Lau trắng ngập đồi.
*
Con đường đất đỏ mờ sau Bản
Thung lũng vàng lơ, nắng trở chiều
Núi biếc chập chùng vây Ải lạnh
Dặm về lá đổ phấn tàn xiêu
*
Rừng núi âm u chiều Việt Bắc
Chầy ngày lạc bước, ai ngồi than.
Buồn xưa chiều đọng sầu lau lách
Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường.
ĐỖ HỮU
-------
Viết tại Góc thành nam Hà Nội 7-10-2014