“ Hãy nên siêu việt nội ngoại. Khi một người có thể siêu việt cả hai, thì tâm trở nên trong suốt và tĩnh lặng”. Tôi đã đọc nhiều lần điều này. Tôi nghĩ rằng tôi đã siêu việt cả hai, và tâm tôi tĩnh lặng. Và tôi chợt ngớ ngẩn ra.
“ Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép
Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười
Vườn cỏ lạnh hoa buồn không nói xiết
Bước chân dừng nghe rã lệ hai nơi”
( Giòng sông- Bùi Giáng)
Cả hai quên mất. Quên trong và ngoài. Quên sống và chết. Quên nhục và vinh. Quên được và mất. Quên lợi và hại. Quên tất tất mà sao không quên được ngày tháng hư hao, không quên được chữ nghĩa buông tuồng, không quên được mắt nai hốc đá ?
“ Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buột vào như chơi
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn, cho rồi ngày xanh”
( Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Lưỡng vọng- Ryô mô- cả hai đều mất. Mà có mất gì đâu. Mà có còn gì chớ. Đã quên còn-mất, mà mất- còn vẫn vớ vẩn vô tư đi lại, mà âm ba diệu vợi. Gác tay lên trán, ngẫm lời người xưa, mà mưa mây nước sóng
“Em còn nhớ hay em đã quên ?
Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Bên hàng xóm đôi khi ghé thăm
Có hai mùa vẫn đi về
Có con đường nằm nghe nắng mưa “
( Em còn nhớ hay em đã quên- Trịnh Công Sơn)
Rồi tôi lẫn thẫn lại nghĩ. Rồi tôi lại nghĩ so đo. Mà tôi làm sao dò được con sông sâu dường nào, núi cao dường nọ, biển rộng dường kia, mà cái hồn người cao sâu rộng thăm thẳm bao la. Cái hạnh phúc cũng ở ngần mé khổ đau trùng trùng. Mà đã bảo là tôi siêu việt cả hai, và đã bảo là tôi giải phóng nhị nguyên nhất đế, mà lòng tôi vẫn ở tam bành tứ bảnh, mà tôi vẫn đậu ở cành non múa hót.
Còn dăm cốc rượu đắng cay
Còn vài ba cuộc ủ mày ly quê
nắng mưa chẳng hẹn nối về
ánh trăng nước cuốn câu thề mây bay
còn nghe hoa cúc mưa đầy
cá rô quẫy nước cỏ lay đồng chiều
bông súng trắng -vói tay yêu
bóng trưa mận cũ quạnh hiu quê nhà
kiếp nào sông chảy như hoa
chảy trong tuyệt tận chảy ra tuyệt tình
( Thu ly quê- Huỳnh Minh Tâm).
“ Cả hai đều mất” mà vẫn còn đây những nhớ nhung khấp khởi. Đọc vài dòng của anh Tâm Nhiên, gợi lòng tôi một hình bóng “ quê nhà- cố quận” :
“Không biết khởi sự tự bao giờ và do đâu, ngay từ thuở còn thanh xuân mới vào đời thì thi nhân đã rơi xuống nguồn mạch sầu bi thiết, trôi dạt bập bềnh như một cánh lục bình, lưu linh lạc địa qua hàng ngàn bến sông đời rồi mà vẫn còn trên những nhịp sầu cô đơn rờn lạnh ngậm ngùi. Nghe những tiếng lòng tơ tưởng chợt tan vỡ thanh âm trầm lặng dưới dòng nước chảy trôi mau :
“Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian
Ta nghe lòng vỡ cung đàn
Hồn âm thanh rợn chiều hoang lá cành
Gió từng trận thổi đi nhanh
Rơi đôi chiếc lá và ngành trơ vơ
Sông xanh trầm biếc xa mờ
Một hình ảnh cũ ngày thơ ấu còn
Lạnh rồi tự buổi xanh non
Búp măng tơ ấy đã tròn gió sương
Con sông nào đã xa nguồn
Thì con sông đó sẽ buồn với tôi”
( Tâm Nhiên viết về Thi Sĩ Hoài Khanh)
Tất thảy đó đây này nọ sóng sau phủ sóng trước mà dào dạt, cất lên tiếng gọi đời sống về với cái vô thủy vô chung mà không hay không biết thủy chung đòi đoạn phương nào. Bởi tâm hồn của thi sĩ quyết liệt cam go
“ Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong”
Phụng hiến- Bùi Giáng)
Ryô mô
Ryô mô
( TB: * lấy từ ý của EIDO TAI SHIMANO, Nhật Bản)