Trong cái nắng tháng sáu oi bức, ta rời bỏ thành phố đang sống, leo lên chiếc xe gắn máy cà tàng chạy về phía núi, tìm đến một vùng quê yên bình. Như một đứa con xa trở về đất hứa. Hình ảnh đô thị ồn ào, vẩn đục vì có quá nhiều khói bụi và những con đường ngã ba, ngã tư có bùng binh, đèn giao thông không còn nữa, tất cả đã nằm lại phía sau. Ta đã về với núi.
Những con đường ngoằn nghèo và thời gian trôi chậm buồn cũng không thể nào kéo dãn cuộc hành trình. Chiếc xe cũ kỹ cũng đã đến nơi cần phải đến. Chợ Nhà Bàng hiện ra như một bức tranh đông vui, nhộn nhịp. Những tiếng còi xe, tiếng rao hàng làm vỡ òa không khí của một buổi sớm mai trong trẻo, nắng tràn. Xa xa, từng cánh núi lan dài nằm len giữa đồng bằng thôn xóm, xanh ngăn ngắt. Men theo con đường yên ả hướng về phía Tri Tôn, núi Cấm dần dần hiện ra thâm u và kỳ bí với sương bay là đà trên đỉnh, làm cho người khách lạ không ít xuyến xao. Đây là ngọn núi cao nhứt miền Tây, có nhiều thắng cảnh và chứa đầy huyền thoại. Núi Cấm có độ cao 716 mét, chu vi gần 30 ngàn mét, nằm cận Tỉnh lộ 948 thuộc địa phận xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang).
Những chiếc xe nhỏ từ từ “bò” lên núi như những con kiến li ti giữa thăm thẳm bạt ngàn. Sự ngột ngạt của phố thị gần như hoàn toàn tan biến hẳn. Từ màu xanh bạt ngàn của cây rừng xung quanh, chỉ cần phóng tầm mắt xuống phía dưới kia là thấy được màu xanh màu mỡ của đồng bằng hòa quyện với những làn khói đốt đồng mờ mờ, thăm thẳm. Buổi chiều, nắng cong mình liệng xuống đất từng vệt sáng dài li ti pha chút sắc đỏ. Nắng loang lổ rơi trên mặt lá, ngủ quên bên những vồ đá ngang tàng, chơi trốn tìm trong những lùm cây. Ta đã đến với gió, với núi rừng và bao la trời mây. Ta đã về với mênh mông…
Núi Cấm rộng lớn và rất nhiều điểm đến kỳ thú, dù có dành ra vài ngày có thể vẫn chưa khám phá hết. Có hai đường lên núi, đường xe và đường rừng. Trong tương lai, núi Cấm sẽ còn có thêm cáp treo, xe ngựa… Tuy nhiên, những người thích phiêu lưu vẫn chọn đường rừng, vì mát mẻ, lý thú và có nhiều chùa miếu, thắng cảnh. Hầu hết khách hành hương, các bạn trẻ thường chọn đi đường rừng để thử thách sức mình và tìm cảm giác thú vị khi chinh phục thiên nhiên. Suối Thanh Long hiện nay là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua của những du khách lên núi bằng đường rừng. Nước suối trong vắt và mát lạnh, chảy ầm ào suốt ngày đêm. Nước có nhiều hay ít tùy theo mùa, nhưng không bao giờ khô cạn. Vào mùa mưa có nước nhiều nên suối chảy rất mạnh, từ chân núi du khách cũng có thể nghe tiếng ầm ầm vang động cả một vùng.
Từ suối Thanh Long, tiếp tục đi một đoạn nữa theo đường rừng sẽ gặp ngã ba, rẽ phải sẽ lên “cao nguyên núi Cấm”, rẽ trái để sang điện Rau Tần. Điện Rau Tần là nơi xuất phát võ phái Thất Sơn Thần Quyền lừng danh đầu thế kỷ XX. Các lò võ ở Thất Sơn từng một thời cực thịnh với nhiều võ sư có tên tuổi nổi tiếng, chiến thắng nhiều trận đấu tại khu vực Châu Á. Tuy nhiên, một thời hoàng kim ấy đã qua, hiện nay Thất Sơn chỉ còn vài người biết võ, các võ phái gần như đã thất truyền.
Điểm du lịch chính mà khách du lịch không thể bỏ qua là khu “cao nguyên núi Cấm”. Đây là “lòng chảo” nằm ở độ cao khoảng 500 mét ở trung tâm núi. Nơi đó, hồ Thủy Liêm bất chợt hiện ra giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, sóng gợn lăn tăn soi bóng mây trời, những đàn cá đủ màu sắc tung tăng dưới làn nước trong khe, làm tôn lên vẻ đẹp huyền ảo của núi Cấm. Nơi đó, tượng Phật Di Lặc uy nghi, chễm chệ một góc trời biên tái, sừng sững trước mưa rừng gió núi, luôn phóng ánh mắt hoan hỷ về tất cả mọi người. Pho tượng đó là một công trình nghệ thuật tôn giáo độc đáo và đồ sộ, nghệ thuật điêu khắc mang tính thẩm mỹ cao, sống động và hài hòa. Dù đứng ở vị trí nào trên các cao điểm của núi Cấm đều có thể thấy được pho tượng. Gương mặt an nhiên và nụ cười từ bi của Đức Phật soi bóng xuống lòng hồ như đã từ ngàn năm qua.
Bất chợt, một cơn mưa ào đến. Tuy không lớn, nhưng hình như nó đã chầu chực sẵn từ lâu, cắm từ giọt nước bơ phờ xuống vùng núi âm u nầy. Núi đã lạnh lẽo nay càng lạnh lẽo hơn. Gió ào ào, như muốn cuốn bay đi tất cả để giữ lại nét hoang sơ u tịch của núi rừng. Gió và mưa quấn quít với nhau, xung quanh bốn bề mờ mịt trong những làn sương mỏng se sắt lạnh.
Rồi khi mưa tạnh, ta đứng yên lặng rất lâu như muốn lưu giữ lại không khí sâu thẳm lạ kỳ của núi rừng sau cơn mưa. Ta lại đi theo con đường dốc ngoằn ngoèo để leo lên vồ Bồ Hông - đỉnh núi. Con đường nầy có nhiều dốc và dốc nào cũng cao ngất, phải vất vả lắm mới có thể leo lên đến nơi. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với những gì ta muốn tìm tòi, khám phá về vùng đất kỳ bí nầy. Vậy thì vất vả chút cũng có sao. Những người hành hương thường cho rằng đi núi Cấm phải lên đến đỉnh để cầu mong những điều tốt lành, đi nửa chừng mà không lên đỉnh thì… uổng! Còn những người trẻ, khách du lịch phương xa thì chỉ nghĩ đơn giản là muốn tận hưởng cảm giác được chinh phục núi non hùng vĩ, được đứng trên “nóc nhà miền Tây”. Nên dường như đa số đều không ngần ngại chút khó khăn để chinh phục đỉnh núi.
Cuối cùng thì cũng đến. Càng lên cao càng lạnh, sương mù phủ cả một vùng, nhìn ở đâu cũng chỉ thấy sương bàng bạc trăng trắng. Có khi mây bay là đà trước mặt người. Vồ Bồ Hong không biết từ khi nào đã hình thành một “phố chợ thu nhỏ”. Trên đây cũng có những điện thờ nhỏ là nơi sưởi ấm tinh thần cho nhiều du khách trong cuộc hành trình. Dần tối, cả đất trời đều chìm trong màu đen huyền ảo, yên ắng, gió từ dưới thốc lên từng cơn lạnh buốc. Đồng bằng lúc nầy chỉ còn là những đốm sáng nhỏ li ti từ các phố chợ. Từ dưới vọng lên tiếng chuông chùa văng vẳng trong sương núi và tiếng côn trùng kéo rời rạc. Gió trên cao rồi gió dưới thấp cứ phần phật thổi về. Chắc là đá đang thở!
Trên núi đêm nay, hình như có người lữ hành nào cao hứng, cứ cất lên những câu vọng cổ thật dài, trải ra một vùng núi thâm u. Không biết ai là người đã ca trong đêm đó, hình như giọt phù sa đi lạc đâu đây hay ghe thương hồ của ai đang neo đậu. Chuyến đi chưa kết thúc mà hình như đã có kẻ nhớ đồng bằng, nhớ mùi khói đốt đồng thơm vị tháng Giêng bay dài theo năm tháng. Giấc mộng “giang hồ lãng tử” chợt vỡ oà thay vào đó là giấc mộng đất trời kiêu sa. Ta thiếp đi trong tiếng đàn, tiếng gió ngay khi màn đêm vừa trở mình…
Sáng sớm khi mặt trời chưa lên, phố núi chập chùng trong sương dày đặc, hơi lạnh tỏa ra se se thú vị. Mặc dù trời còn rất sớm, nhưng đã thấy khách hành hương có mặt ở đây không biết tự lúc nào, tấp nập, huyên náo nhưng cũng rất bình dị, gần gũi! Một đêm rồi, ta phải xuống núi thôi. Đứng trên đỉnh Bồ Hông, nhìn lại một vùng đồng bằng, xa xa là núi Tà Lơn, gần nữa là núi Dài, núi Tượng, phía bên kia là những vạt đồng đầy phù sa… Núi Cấm - không chỉ đơn thuần là du lịch, hành hương, ngoạn cảnh, mà còn là nơi nghỉ mát tuyệt vời. Lên với núi, ta có những phút giây thoải mái, bỏ quên đi bao mệt mỏi, bộn bề thường ngày. Để rồi khi xuống núi, hy vọng tâm hồn sẽ được cân bằng để sẵn sàng tiếp tục cho những ngày sắp tới. Nắng đã chồn chân, ta phải về thôi, về với đồng bằng sau một đêm ôm mộng liêu trai.
Thất Sơn, 7/2010