Nội tôi có ba người con trai. Bác Trực tôi đi tập kết biệt mù cà cưỡng từ hồi "năm tư". Cha tôi theo du kích được mấy tháng thì hy sinh ngay tại làng. Chỉ còn mình chú Cương con út nên mệ nội coi chú như cục vàng. Chú là người giống ông nội như đúc một khuôn. Mặt sáng trán rộng. Đẹp trai quắc thước…Ông nội tôi là con nhà quan nên cả làng đều kêu bằng “ông ấm”, rồi kêu chú bằng “cậu ấm con”. Nhìn mặt mũi tướng mạo chú, khỏi cần thầy tướng số cũng dám chắc sau này chú phải là quan hàng tá hàng tướng!...
Giữa đám trai làng “rời lưng trâu là đi sau cán cày”, chú là cậu “công tử bột” chính hiệu. Năm học đệ nhị bên phố, có lần chú vô chụp ảnh ở cái tiệm trước cửa Thượng Môn. Thấy gương mặt chú quá “ăn ảnh”, đẹp trai như tài tử xi-nê. Chủ tiệm liền phóng to gần hai thước, trưng làm mẫu trong tủ kính - tấm chân dung lớn nhứt các tiệm ảnh lúc đó. Chú trở thành người nổi tiếng. Bao tiểu thư trâm anh đài các của mấy trường nữ trung học ở xứ đế kinh chết mê chết mệt. Tiệm ảnh ngày càng đông khách. Nhiều cô còn lân la hỏi thăm “lai lịch”, rồi năn nỉ xin chủ tiệm “sang” cho một tấm 6x9, kín đáo ép trong ngăn cặp!... Trong khi bao người đẹp đang mơ mộng về chú thì năm đó chú thi rớt tú tài. Ước mơ thi vô Cao đẳng Mỹ thuật của chú cũng tiêu tan. Từ hồi học trường làng chú đã trổ hoa tay, vẽ rất giỏi. Những năm trung học, chú là cây làm bích báo, dựng cảnh trí cho những cuộc cắm trại, hội hè của trường.... Với mẫu người đẹp trai ra dáng nghệ sĩ như chú, trở thành anh chàng họa sĩ cũng lý tưởng nhứt đời. Khỏi cần ông quan ông tướng chi! Nhưng rớt tú tài có nghĩa là tới tuổi quân dịch. Có thể bị bắt lính bất cứ lúc nào! Chú phải về làng chuẩn bị trốn chui trốn nhũi như bao nhiêu thanh niên trốn quân dịch khác.
Còn mình chú như “thỏng mắm đầu giàn”, mệ nội tôi chạy sấp chạy ngữa tìm cách lo cho chú cái giấy “hoãn dịch” mãi không xong. Cuối cùng mệ gởi chú vô lực lượng Nghĩa quân, an phận làm anh lính quèn quanh quẩn trong làng.
Vậy là số chú chẳng ứng với cái “tướng quan” như mọi người từng đoán, bởi cái anh Nghĩa quân tới già giỏi lắm cũng tới chức trung đội trưởng, chẳng hàm hiệu “lon lá” chi! Được cái ít chết chóc như các thứ lính khác. Sau này nhiều lúc vui chú hay tiết lộ cái “bí mật quân sự”, tôi mới biết cái anh lính làng là thứ sợ chết “một cây”! Chú nói: "Đơn giản, cứ đoán chừng đường mô của “mấy ôông” trên núi thường xuyên đi về thì tránh ra! Đầu hôm chấm địa điểm phục kích chỗ này nhưng khuya dời chỗ khác cho an toàn, dại chi đưa đầu vô miệng cọp, chết uổng mạng! Nhiều đêm kiểm tra đội hình xong, trung đội trưởng khịt khịt mũi rồi biến cái rột như ma. Chắc chắn là mò đi thăm lom tòm tem mấy chị em vợ tử sĩ còn mơn mởn như mít chín! Trung đội trưởng có lần nói hùng hồn: Mình là binh chủng địa phương, anh em chủ lực quân đã anh dũng đổ máu chiến trường, bỏ lại con côi vợ cút, cho nên mình phải hết lòng với các "cô nhi quả phụ"!...
Vậy nên mới có cảnh ban ngày lính tráng đầy đường nhưng đêm nào Việt Cộng cũng về làng như đi chợ. Chú lại bật mí: “Nhưng thỉnh thoảng cũng phải mần vài trận giả, nổ súng kịch liệt, liệng lựu đạn, hô xung phong rầm trời y như thiệt rồi gọi bên chi khu nã về mấy trái pháo 105 giữa đồng lúa sắp gặt, báo hại bà con kêu trời không thấu. Gần sáng trung đội phó truyền tin ôm máy PRC 25 ò e rè rè: A lô! Se sẻ gọi chim ưng, se sẻ gọi chim ưng nghe rõ không?... Se sẻ xin báo cáo tình hình chiến sự đêm qua... Vào 23 giờ 45 phút, khoảng 2 tiểu đội Cộng quân xuất phát từ hướng núi Thanh Khê đã lọt vào ổ phục kích!... A lô, chim ưng nghe rõ không?!... Với tư thế chủ động, anh em đã bình tĩnh diệt ngay tên mang B40 và lập tức nổ súng tấn công bao vây đội hình địch!... Hơn một giờ giao tranh ác liệt địch thất bại hoàn toàn! Số bị thương, chết được đồng bọn mang đi!... Bên ta hoàn toàn vô sự! Báo cáo, bên ta hoàn toàn vô sự!... Se sẻ cắt máy!...
Rứa là sáng ngày, thiếu tá chỉ huy trưởng chi khu với bộ sậu đích thân đi xe jeep về tại vạt đồng nơi xảy ra chiến sự, nhếch bộ râu rìa bắt tay trung đội trưởng chào rập rập. Trung đội 4 nghĩa quân được tuyên dương đơn vị diệt địch dũng mãnh! Rồi lễ khoác vòng hoa chiến thắng, phát tiền thưởng. Vật heo hơn tạ, ăn mừng chiến công rầm rầm! Hà hà!..."
Vô lính vô tráng rồi nhưng cái thói "công tử bột" của chú vẫn không thay đổi. "Con nhà lính tính nhà quan"! Tất nhiên loại chú gọi là lính kiểng! Lương hàng tháng chánh phủ phát trung đội trưởng lãnh hết. Chú vẫn lãnh lương của mệ cấp như hồi đi học, để thỉnh thoảng còn mời cấp trên uống la-ve! Chạng vạng chú vác súng tới tập họp xong tọt về nhà ngủ thẳng cẳng tới mặt trời mọc ba sào. Mệ kêu như kêu đò mới dậy. Có một đêm tháng chạp, đông chí gió bấc lạnh thấu xương. Khoảng chín giờ chú bỏ phiên gác lù lù vác súng về, run cầm cập. Mệ phải lui hui đi đốt lò sưởi, tìm hai ba cái áo ấm cho cậu lính "công tử bột". Hơ ấm xong chú leo lên giường trùm mền kín mít. Được một lúc, mệ đang ngồi lầm thầm niệm phật thì có tiếng gõ cửa cùng tiếng gọi rất khẽ, giọng nửa Trung nửa Bắc: "Mẹ ơi mẹ!..". Mệ run bắn như người lên đồng, nhưng cũng rất bình tĩnh. Mệ lom khom nhẹ nhàng ôm khẩu súng với bộ đồ lính chui vô giấu dưới bệ ban thờ. Xong xuôi mệ mới lên tiếng "Dà, mấy eng chờ cho chút!". Lúc đó chú đang ngáy pho pho...
Bên giường tôi, mạ trở mình và tôi cũng thức giấc giụi mắt lắng nghe những động tĩnh. Mệ vặn to ngọn đèn bàn thờ rồi run run bước tới mở cửa. Thằng nhóc láu lĩnh mười tuổi trong tôi đã bừng tỉnh hẳn và hiểu ra liền: Việt Cọng về! Tôi chồm hổm trên giường mắt thao láo ra phía cửa, hồi hộp run sợ, và cả háo hức!... Mấy bữa chừ con nít bọn tôi vào mùa chơi bắn nhau súng tre súng hóp. Trận đánh chiều nào cũng mải mê quyết chiến quyết thắng cho tới tối, mạ cầm roi kêu khản giọng mới chịu về. Tôi ở phe "bên tê" nên tất nhiên phải AK cắc cù, phải băng cong! Chiều qua lọ mọ ngồi uốn cả buổi mới cong được, rồi ôm súng nhảy cẫng lên chạy qua khoe thằng Ngùng "Giống y chóc chưa mi?! Hà! Thằng Ngùng nói giống cái cục cứt, mi chộ khẩu AK thiệt chưa? Rồi! Chộ răng chừ?! Tau chộ hồi chạy giặc Mậu Thân!... Mấy chú Việt Cộng cõng tau, thằng Chẽo, thằng Lác... lội qua hói nè! Một tay chú vác AK trên vai, tau còn rờ được cái báng láng boong! Hè hè!...
Cửa mở. Một bóng mũ tai bèo mang khẩu băng cong lách vô. Tôi trố mắt vô khẩu súng hít hà! Một, hai, rồi ba... "Con chào mẹ! Năm nay trời rét quá mẹ nhỉ!...". Mệ run run: "Dà! Mời mấy eng vô nhà!... Chà, mấy bữa ni tiết đại hàn, lạnh dữ lắm!... Thằng út mạ... đang đi học... bị cảm lạnh, chạy về nằm run đó!...". Khi đó chú vừa rên vừa run dữ tợn hơn. "Em nó thuốc men gì chưa mẹ?!... Con có sẵn cả thuốc đây! Chà, học lớp mấy rồi, cậu ấm?!...". Chú vừa hỏi vừa bước tới sờ cái đầu trùm chăn. Mệ cũng bước tới run run kéo kéo cái mền... "Dà, em đang học đệ nhứt eng nờ!... Sang năm thi tú tài!"... "Ồ, thanh niên rồi đấy!... Học xong đi giải phóng nhé!...". Mệ nói: "Chắc là rứa rồi!... Hai thằng eng hắn, thằng tập kết, thằng theo du kích, chết ni hơn ba năm rồi!... "Thế à mẹ!...". Rồi chú quay qua cầm tay mệ: "Thế này mẹ ạ!... Chúng con về đây trước thăm mẹ và nhà ta!... Biết nhà ta nghề làm bánh mứt tết, sẵn đậu đỗ, đường bột các thứ... Chúng con cần mua một ít, chuẩn bị cho anh em ăn tết mẹ ạ!...". Mệ cầm tay chú: "Tưởng chi chớ... được, được, mệ có đủ hết!...". Rồi mệ tới giường lay mạ tôi: "Dậy con! Dậy phụ mạ soạn sành cho mấy eng đi kẻo trễ, trời sáng chừ!..."
Mạ bước ra. Tôi cũng quyết định phóng xuống giường liền! Một chú giơ hai tay: "Ồ, thằng cu kháu nhỉ!... Cháu học lớp mấy rồi nào?... Dạ lớp Tư.... mà... trường ca-nông bắn sập rồi... chừ nghỉ, đi chơi bắn nhau thôi!....Thế bố cháu đâu?... Bố chi?... À, ba ấy?... Chết rồi, máy bay u ti ti bắn, ùm ùm ùm, chết ngoài cồn!...". Chú lặng im ôm tôi vô lòng, xoa xoa đầu. Tôi được dịp luồng tay rờ rẫm vuốt ve khẩu băng cong, sướng tê! Tay tôi vờ sờ xuống phần sau mông chú!...
Cái thứ tôi cần tìm, cần phát hiện còn bí mật, hấp dẫn hơn cái khẩu AK rất nhiều!... Số là hồi Cán bộ Xây dựng nông thôn về đóng ở làng, cứ chiều chiều là con nít bọn tôi tụ tập ngoài miếu xóm ngóng cổ nghe mấy chú kể chuyện. Mấy chú này có biệt tài kể chuyện hay đáo để! Chuyện đời xưa đời nay, chuyện quỷ đánh đu, ma không đầu cho tới chuyện... Việt cọng có đuôi! Chú nói, Việt cọng cũng là người Việt mình nhưng ở trên rừng, đói, ăn lá cây lâu năm nên mọc đuôi như khỉ, đuôi dài ngắn tùy theo người đi lâu mau... Tôi nghĩ, ba mình không chết chắc chừ đuôi cũng dài rồi!... Cho nên, phải tìm cách thấy cho bằng được cái đuôi là điều tôi luôn quyết tâm theo đuổi!
Cho các thứ vô ba lô xong, các chú lật đật chào cả nhà rồi nhẹ nhàng lách cửa, bước ra bóng đêm mịt mùng, lạnh căm căm. Chú tung mền ngồi dậy chắp tay lạy như tế sao! Mệ ôm ngực "Mô phật, mô phật!" liên hồi!...
Từ hồi Cán bộ xây dựng nông thôn về, chú Cương bỗng nảy ra ý định trả súng nghĩa quân, đâm đơn nhảy qua lực lượng Xây dựng. Thời đó có người một năm đi vài ba thứ lính là chuyện thường. Mệ cũng đồng ý, bởi cũng thứ lính làng cả, không phải đi trận hành quân, cực khổ chết chóc, lại có vẻ nhàn nhã. Với lại, thứ này coi bộ hợp với khả năng, có "đất dụng võ" cho chú. Thứ lính suốt ngày đi vẽ vời áp phích khẩu hiệu. Rồi gắn loa truyền thanh, tổ chức ca kịch văn nghệ văn gừng... Quanh năm chỉ mặc bà ba đen la cà khắp làng khắp xóm, uống rượu uống chè, tán gái, nói trạng cả ngày!... Gặp lúc mùa màng cũng xắn tay áo nhảy xuống ruộng "Cán bộ với dân tuy hai mà một/cán bộ với dân tuy một mà hai/nhân dân ta mến thương cán bộ/vui bên nhau hết lòng tranh đấu...". Bài hát này bọn tôi thuộc như cháo chảy!
Từ ngày có chú Cương gia nhập Cán bộ xây dựng, bọn tôi cứ tò tò theo mấy chú tối ngày coi vẽ khẩu hiệu. Chữ mấy chú viết đẹp gấp mấy lần thầy cô bọn tôi. Cứ đi khắp làng, thấy vách đình vách miếu, vách chợ vách nhà... chỗ trống là mấy chú viết... Hỡi các anh em cán binh Cộng Sản! Hãy buông súng trở về với chính nghĩa quốc gia!... Rồi Chiêu hồi là sinh lộ, là con đường ngắn nhất đi đến hòa bình... Rồi Theo chi Việt Cộng trên ngàn/về đây xây dựng xóm làng anh ơi!... Cứ chú viết ra chữ nào là tụi nhỏ đánh vần ráp chữ nấy. Nên có đứa đi học mới biết mặt chữ cái, lâu nay trường sập nghỉ học vẫn biết đánh vần làu làu.
Buổi sáng đó, gần cuối tháng chạp trời bắt đầu lập xuân, nắng ráo. Tôi đang phụ với mệ lui cui nhồi đất sét nặn ông táo ngoài sân cho kịp phơi. Bụng nôn nao ngày tết gần tới. Bỗng từ cái loa truyền thanh ngoài đường làng oang oang phát chương trình tin tức buổi sáng. Tôi dỏng tai nghe tiếng được tiếng mất: "Mời các bạn... trình tiếp vận thời sự ... đài phát thanh Sài Gòn...Hôm qua, ngày... tháng một...Quân Trung Cộng ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa... thuộc lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam!..." Tiếp theo là một khúc nhạc vang lên: "Hoàng Sa đây đất của ta/ Hoàng Sa đây đất của ta/Bao nhiêu năm qua/bao nhiêu năm qu..a...a!!!..." Giọng bè thanh ngân vang xóm làng giữa sớm mai yên ắng... Tôi nắn xong ba ông táo con con rồi chạy qua câu cổ thằng Ngùng chạy vô sân đình làng. Rất nhiều chú áo đen đang lăng xăng tất bật. Bên cạnh đó là cái ra-đi-ô Philip loại to đang ra rả phát tin "chiến sự Hoàng Sa". Cứ một lúc lại vang lên khúc hát "Hoàng Sa đây đất của ta..." Chú Cương với hai chú nữa đang vung cọ vẽ ào ào trên một tấm bảng to cỡ bốn năm tấm bảng đen trong trường học. Nét cọ vung tới đâu hình ảnh hiện ra tới đó: Chiếc tàu vươn cao mũi trước biển, mấy chú hải quân ôm súng... Mấy thằng tôi cứ đứng xuýt xoa vỗ tay! Rồi một hàng chữ theo bàn tay chú hiện đỏ rực trên nền màu trời màu biển "Hoàng Sa là đất của tổ tiên ta"! Rồi hàng loạt băng rôn khẩu hiệu từ bàn tay mấy chú ra đời, tức tốc được giăng khắp làng. Lại cũng lũ nhóc bọn tôi chạy đi đọc thuộc lòng trước hết "Đồng bào ta cương quyết chống quân xâm lăng"... Một chiếc cổng bằng thân cây cau được làm ngay lối vào làng, treo hai hàng mẹt tròn có hai câu "Thiêng liêng mảnh đất Hoàng Sa/ Từ xa xưa máu ông cha giữ gìn"...
Xế chiều đó, mệ sai tôi chạy ra hàng mã của ông Lư còm lấy cho mệ bộ áo cúng ông Táo. Mệ đặt trước mấy ngày rồi. Ra tới nơi tôi bắt gặp chú Cương đang ngồi trên bộ ngựa của ông Lư còm thợ mã! Chú đang loay hoay... dán một ông người nộm! (Số là lúc trưa, chú ra ông Lư còm hỏi đặt làm gấp một ông nộm theo hình thức chú tả, để kịp sáng mai chú đem qua phố đốt trong buổi mit-tin chi đó! Ông nói tết nhứt sát bên rồi, bà con đặt đồ cúng nhiều quá không làm kịp! Rứa là sẵn có hoa tay, có tài vẽ, đồ lề có sẵn. Chú nhảy vô mần luôn! Chắc chắn là đẹp hơn ông thợ già còm!). Tôi trố mắt: "Ơ, chú mần chi rứa?!... "Mần ông Ọ!... Đem đồ về cho mệ đi, rồi ra coi!" Tôi xách bộ đồ giấy chạy ù về, và không quên chạy qua kéo theo thằng Ngùng. Ra tới thấy chú đang cầm bút lông vẽ cái mặt ông nộm được đúc sẵn bằng đất. Chú vẽ tóc chải vuốt ra sau, bày vầng tráng rộng, gương mặt bầu tròn. Mặc áo quần giấy màu lá cây sậm, cổ bâu gài kín. Mang giày đen!... Nhìn gương mặt "ông Ọ" chú vừa vẽ, tôi thấy giông giống cái ông chủ tiệm mì hoành thánh bên Gia Hồi mỗi lần mạ dắt qua phố ghé vô ăn. Ông ưa bẹo má tôi nói xí lằng xắng lấu xấu xực phàn... chi chi đó. Rồi lần nào cũng cho tôi cái bánh "giò chéo quẩy"...
Mấy ngày cận tết, rồi kéo tới sau tết. Cứ vài ba ngày chú ra ông thợ Lư lui cui làm một "ông Ọ", trả tiền, rồi quấn lại trong tấm ny lông. Chú rủ chú Hảo bạn chú chở dông qua phố tối mịt mới về. Buổi tối tôi ngồi hóng nghe hai chú sôi nổi kể: Đám bạn bè sinh viên của chú bên phố mỗi ngày tổ chức mit-tin một nơi... Những hôm đầu trong sân trường đại học Văn khoa, Luật khoa... Rồi dần ra các đường phố, rầm rộ lắm. Chú kể, lần diễu hành trước bến Long Thuyền, chú đang cầm ông nộm bỗng có một cô giáo với mấy nữ sinh chỉ chỉ trỏ trỏ ngay chú. Hình như họ nhận ra, đúng là cái anh chàng người mẫu trong tiệm ảnh trước cửa Thượng Môn! Vậy là họ vẫy nhau cả nhóm, rồi cả đoàn nữ sinh nhập vô đoàn diễu hành! Mấy cô vung tay đả đảo nhưng mắt nhìn chăm chăm mặt chú, cười duyên hớn hở! Rồi cả quân nhân, mấy anh Nhảy dù, Thủy quân lục chiến về phép đang dạo phố... thấy đoàn nữ sinh, sinh viên đẹp như mơ cũng rập rập nhập vô. Đoàn vô trong Thành, mấy người lớn tuổi đang đánh cầu lông cũng cắp vợt xuống đường!... Vui nhứt là lúc ngang chợ Đông Phố, có mệ vừa bán hết gánh bún bò, dẹp nồi niêu vô gốc me, vác đòn gánh te te chạy theo đả đảo, đả đảo!... Tội nghiệp mệ bán kệ nước chè, mệ tập trung mấy đứa chạy bán nước chè rao, pha cho đầy ấm rồi xua tay kêu chạy theo, mệ nói ai khát rót cho họ uống đừng lấy tiền, nói của mệ cho!... Có hôm, chú vừa dựng ông nộm lên cái bục cao chuẩn bị châm lửa, một nhóm thanh niên quá khích cầm cùi bắp, cam thúi... ném tới tấp vô ông nộm. Cảnh sát và quân cảnh phải thổi còi roét roét, nhảy vô dàn xếp. Họ nói biểu tình phản đối xâm lược là đúng nhưng không được có hành vi manh động, cho dù với một hình nộm!... Mấy anh cảnh sát nhìn gương mặt, tướng mạo chú ra vẻ nể nang. Đoán chắc là trưởng các nhóm biểu tình, thuộc hạng quan quyền nên không dám khó dễ gì!... Có hôm thấy chú cầm ông nộm bị khuất trong đoàn người đông nghịt, một anh xích lô chạy theo kêu chú leo lên, đặt ông nộm đứng trước, dong đi! Tiếng vỗ tay rẩn rần... Lần đó ngồi trên xích lô, chú bỗng thoáng thấy một gương mặt quen quen, hình như thằng Sum, thằng Lê Hồng Sum học chung khối với chú năm Đệ nhị thì phải, dân dưới Hương Thủy. Chú nhớ hình như cuối năm đó nó bỏ học, nghe nói theo Việt Cộng rồi mà?! Lạ!...
Sau đợt đó, nhìn chú thay đổi hẳn. Gương mặt chú sạm nắng, nhìn rắn rỏi phong trần hơn. Chú siết tay chú Hảo giọng quả quyết: "Nếu cần, mai mốt tau đâm đơn đi Hải quân, mi dám chơi không?!"... Chú Hảo cười, nói: "Thôi đi ông thỏ đế!"... Và cũng từ đó, không thấy mấy chú viết khẩu hiệu về Việt Cộng việt cung chi nữa!...
Cho tới chừng một năm sau đó. Ngày Giải phóng sắp tiến vô, các thứ lính chủ lực đều bỏ chạy vắt cẳng. Súng ống vất dọc đường từng đống như củi. Còn thành phần Nghĩa quân với Cán bộ xây dựng như chú đa số lột áo tháo súng, lặng lẽ trở lại cuốc cày…
Mấy ngày đó mệ tôi cứ đi ra đi vô, nhìn cái trán hói, cái “tướng quan” của chú, rồi lắc đầu thở dài ái ngại: “Mơi mốt “mấy ôông” vô, dòm bộ dạng con… không ai tin là thằng “lính chay, lính làng cả!”. Mệ cứ nghĩ quẫn tới chuyện không lành! Rốt cuộc mệ giúi cho chú cả cục tiền, vàng, dặn dò ba câu rồi khoác tay, hối thúc chú phải đi cho mau.
Thời điểm cận kề, đường bộ bị cắt đứt từ đèo Hải Vân. Chú chạy về cửa Thuận, chẳng còn tàu bè nào trong bờ. Mấy chiếc tàu lớn của hải quân đang tít ngoài khơi. Một tốp lính “rằn ri” bị bỏ rơi, đã quăng hết súng ống, đang điên cuồng gào thét… Thấy bộ dạng chú, mấy cặp mắt vằn lên đỏ ngầu nhìn chú lăm lăm, đa số nói giọng Nam: "Đú má, lính tráng đâu hết!... Tính chuồn một mình sao… trung úy!... Trung úy lột bông mai quăng đâu rồi? Muốn tụi em xẻo tai, mổ bụng moi lá gan trung úy coi to nhỏ không?!... Đẹp trai như trung úy, chết uổng lắm à nghe!"... Chú như hươu non sa hang cọp, run run quỳ xuống lạy trối chết rồi móc cái “giấy nghĩa quân” dạ dạ, trình hai tay. Tụi hắn gằm ghè rồi đá cho chú mấy “bốt-đờ-sô”*, thụi mấy thụi, bỏ đi...
Chú chạy qua làng biển, xòe tiền, vàng ra, đòi thuê ghe gọ đưa ra tàu bằng mọi giá! Bà con nhìn chú, chắp tay: "Dạ thưa... đại úy!... Chừ đại úy có cho vàng đống tụi con cũng chịu, không dám chở… sĩ quan! Lính dù, thủy quân lục chiến hắn bắn chìm liền, ngày qua bị mấy chiếc rồi, ớn lắm, khiếp lắm!"... Cùng đường, chú xin tá túc qua buổi, nhưng bà con cứ đừa qua đẩy lại, chẳng nhà ai dám chứa chấp chú cả!
Sáng ngày sau, có dấu hiệu của quân giải phóng tiến tới. Khi tiếng loa phóng thanh phát lời kêu gọi, chú cùng với số lính tráng bị kẹt lại lật đật lột hết quần áo, còn độc tà lỏn, tất cả dong hai tay lên trời, đi thành hàng một ra giữa bãi cát. Anh giải phóng trẻ măng, mang băng đỏ, khoác AK đứng trình bày về chủ trương “khoan hồng” của cách mạng. Lát sau anh tiếp: "Vậy, trong các anh, ai là sĩ quan, hoặc có cấp bậc đề nghị tự giác đứng qua một hàng riêng!". Ai nấy nhìn nhau, không ai nhúc nhích. Anh đi từ đầu tới cuối hàng lính, nhìn ngay mặt chú: "Anh mà là lính à!...Các anh không qua mắt được chúng tôi đâu!". Vậy là chú được “tiếp nhận” theo “chế độ sĩ quan”!
Làng nô nức những ngày đoàn viên. Bác Trực tôi cũng từ ngoài Bắc lù lù về. Mệ tôi vui mừng khôn xiết nhưng trong bụng thì như lửa đốt bởi chưa có tin tức gì về chú Cương! Khi mệ kể về chú, thấy bác gục gặc, nhưng gương mặt ra vẻ ngờ ngợ, không tin cho lắm!... Bác chỉ ở làng được hai hôm, thăm hỏi bà con họ hàng bà con xong, bác lật đật xin phép lên đường vì còn bận công tác. Bác không nói gì về chức vụ của mình nhưng nhìn bác, đoán chắc phải cỡ cấp tá là chót! Tôi chạy khoe liền với tụi bạn trong xóm: "Ê! Bác tau… Đại tá cách mạng! He he!" Cả xóm cả làng cũng tin chắc thế, bởi nhà tôi “dòng dõi nhà quan” mà!
Mấy bữa sau, bác lại về bằng xe “dép Liên Xô”, đi cùng mấy ông “cốp” nữa! Tụi con nít xúm chật đường xóm. Bác xoa đầu tôi giới thiệu với mấy đồng chí của bác: “Con của thằng em ruột kế mình, bố nó hy sinh trong này!... Lát nữa theo bác, bác đưa qua phố chơi nhá!". Mệ tôi hôm đó thì thiệt vui. Mệ cứ đi lui đi tới, ấp úng muốn nói gì đó với bác nhưng thấy không tiện! Số là mệ vừa nghe tin chú Cương, chú vẫn “bình yên vô sự”, đang kẹt ở một trại cải tạo sĩ quan, chờ xác nhận, nay mai sẽ về!...
Tôi ngồi lên xe, mũi phồng như trái đào. Tụi con nít chạy theo la dậy xóm! Trên đường qua phố xe ghé mấy nơi nữa, bác luôn miệng giới thiệu với quan khách: “Thằng cháu gọi bằng bác, con thằng em liệt sĩ!”. Lúc xe chạy ngang cửa Thượng Môn, tôi bỗng kêu: "Bác ơi, chú Cương đó bác tề!!" Bác giật nẩy mình cho xe dừng lại, nhìn theo tay tôi, mắt bác sáng quắc, cứ tưởng là thấy chú Cương thiệt, bác mừng quýnh: "Đâu, đâu? Thằng Cương, thằng Cương đâu?!"…
Lúc này tiệm ảnh đã chuyển qua mua bán gì đó, biển hiệu tiệm không còn nữa nhưng cái tủ kính có tấm ảnh chú vẫn “hoành tráng” ngay giữa nhà. Bác nhận ra ngay bởi người trong ảnh giống bác y như đúc, chỉ có trẻ hơn. Cả mấy bác đồng chí trong xe đều ngoái ra: "Em ruột đồng chí đấy à!... Ảnh to thế! Phải cấp “trung ương” trong này đấy nhỉ!" Nét mặt bác nghiêm lại vẻ giận dữ, môi mím chặt... “Đi thôi!”
Sau đó bác lại trở ra Bắc công tác. Cho tới ngày chú được trả về anh em vẫn chưa gặp mặt nhau. Thời gian sau, chú được đưa vô làm Thông tin văn hóa xã bởi có 2 anh ruột liệt sĩ với cán bộ tập kết. Với lại, cái nghề cờ đèn kèn trống, băng rôn biểu ngữ là môn ruột của chú mà! Và lúc rảnh, chú vẫn thường xuyên ra ngồi chỗ hàng mã, phụ ông thợ Lư còm vẽ vời cắt dán. Hình như chú có duyên với nghề này!
Sau thời kỳ đổi mới, gia đình chú chuyển qua sống bên phố Gia Hồi và mở luôn cái hàng nghề thợ mã!... Đời sống ngày càng sung túc thì cái nghề của chú càng thịnh đạt. So với lớp thợ mã kỳ cựu ở thành phố này chú chiếm ưu thế (bởi nên nhớ rằng, nếu không trượt tú tài, không vì thời cuộc đẩy xô thì với năng khiếu trời cho, chú sẽ trở thành một họa sĩ hoặc nhà thiết kế chi đó!). Cho nên hàng mã do chú làm ra luôn độc đáo và đầy sự sáng tạo!... Khách hàng của chú toàn những quan chức cộm cán, những tay nhà giàu có hạng ở thành phố đế kinh này. Năm trước nghe nói có tay giám đốc xây ngôi biệt thự hơn chục tỷ. Sắp hoàn thành thì ngã lăn ra chết bất đắc kỳ tử! Sắp tới kỳ cúng trăm ngày, mụ vợ cho xe huê-kỳ đời mới đón chú tới, yêu cầu chú làm ngôi biệt thự giống y khuôn này, càng to càng tốt. Tới ngày mụ cho cái xe tải to đùng không mui tới chở. Mụ cho xe chạy diễu qua mấy đường phố lớn, cho thiên hạ biết tấm lòng vàng khối của mụ đối với người chồng vắn số!... Rồi nghe chuyện mấy tháng trước, có ông Việt kiều dưới làng biển về xây cái lăng mộ cho vợ gần ba tỷ cũng lên đặt đồ mã của chú. Vợ ông này ngày trước vượt biên chết do tai nạn ngoài khơi. Chừ xây lăng mộ cả núi tiền nhưng oan hồn vẫn ở dưới biển. Ông vẫn mơ thấy vợ về khóc, than lạnh lắm! Lần này ông đặt chú làm ngôi biệt thự thiết kế cả lò sưởi như ở nước ngoài. Không đốt tại lăng mộ mà thả bè ra biển. Mấy ông thợ mã xưa thường kết bè chuối bè tre, nhưng chú thiết kế bằng vật liệu hiện đại là những tấm xốp khổ lớn, bảo đảm trôi tới Mỹ cũng chưa lật! Rồi cả đoàn ô tô đón chú và mấy chục thầy cúng về biển làm lễ tống tạ... Cũng nhờ những khách hàng cỡ đó mà mấy năm trước chú tậu được lô đất trong Thành, để làm mặt bằng thi công các "công trình âm phủ" cỡ lớn. Bởi có công trình, chú phải thuê cả đội ngũ thợ mã lành nghề. Khẩn trương ngày đêm mới kịp bàn giao cho khách!...
Vừa rồi tôi có dịp về quê. Bên nội chừ còn mình chú, tôi phải ghé thăm trước. Chú ngồi khuất sau hàng đồ mã, cái đầu hói tới quá đỉnh! Tóc xoăn dài lơ thơ. Càng có tuổi trông chú càng đẹp và giống một số gương mặt nghệ sĩ thứ thiệt. Có nét của nhạc sĩ họ Trịnh, rồi hao hao ca sĩ Duy và phảng phất chân dung cụ Nguyễn nhà văn!... Nước mắt tôi chực trào ra, tôi định giả vờ người đi mua hàng nhưng không nén được, tôi nhào vô ôm chú một lúc lâu chú mới nhận ra thằng cháu ruột!...
Ngay dịp rằm tháng bảy, xứ tôi cả phố cả phường nhìn đâu cũng thấy bày hàng mã. Cái hàng của chú cũng đỏ rực, xanh vàng hàng trăm thứ. Tôi nhìn một dãy cả chục ông nộm mặc áo đủ màu, rồi nhìn vào phía trong thấy cả đống hình nhân bằng tre đan. Rồi những khuôn mặt bằng đất màu hồng sắp sẵn từng chồng... Chợt nhớ lại chuyện cũ tôi cười cười: "... Năm nay kỷ niệm đúng bốn chục năm vụ Hoàng Sa đó chú!... Sẵn đây răng chú không mần một mớ "ông Ọ" đem đi đốt chơi cho vui chú!"... Chú ngớ người một lúc rồi vỗ trán vỗ đùi: "Ui cha! Mi cũng còn nhớ chuyện nớ nữa à!...". Rồi chú cười nheo mắt, tay chú chỉ chỉ nháy nháy qua cái tiệm mì hoành thánh đối diện ngay trước cửa. A, hình như cái tiệm lúc nhỏ mạ dắt tôi vô ăn thì phải! Một anh mắt hí. Mặt thịt từng múi. Anh đứng khoe cái bụng nước lèo, hai tay đang múa điệu nghệ trước cái chảo mì xào to tướng!... Chú nâng ly bia cụng với thằng cháu cái cốp, cười khà khà!... Rồi chú cười mỉm, gục gật như đắc ý điều gì đó.
Buổi sáng hôm đó dưới chân cầu Tràng Bạc, dãy thuyền rồng hàng trăm chiếc dày đặc được trang trí cờ hoa sặc sỡ. Du khách thập phương nô nức chuẩn bị trẩy hội Điện Hòn Bát. Từng tháp vàng mã lấp lánh được kết tủa tinh xảo cùng trăm thứ lễ vật đặt trên thuyền chuẩn bị tiến dâng Thánh Mẫu...
Dòng sông lúc này vẫn còn bàng bạc trong sương. Bỗng từ phía Gia Hồi xuất hiện một chiếc tháp vàng mã to đùng như cái nhà nổi, cao lừng lững trên mặt nước, đang trôi ngược lên. Lễ hội này thiên hạ đua nhau hóa vàng trên sông, có nhà giàu đốt cả tấn giấy là chuyện thường! Chắc đại gia nào đó muốn làm nổi! "Làm cho to rồi xả rác đầy sông, hay ho chi!" - Bà con phía chợ Đông Phố nghĩ vậy. Dãy công viên phía bờ nam, từng tốp công chức, sinh viên và không ít du khách trong nước ngoài nước đang thể dục sáng. Sương mù tan dần, người ta thấy chiếc tháp nổi do một chiếc xuồng máy dong đi, đang từ từ qua phía bờ nam. Vài ba trung niên quần short trắng ngừng động tác bước xuống sát bờ. Ô!!... A!!!... Một cái tháp màu đỏ xen trắng như tháp đài truyền hình. Bốn chân đế màu đỏ tươi. Và bốn phía được gắn các chữ số nổi màu vàng: 981. Mấy con số mà tại thời điểm này, trên dải đất chữ S này từ ông tướng tới anh bán kẹo kéo đều có chung thái độ như nhau.
"Cái chi rứa?!!... Gì dzậy?!!... Đoàn làm phim à?!". Những câu hỏi ngạc nhiên cất lên. Bởi mọi người thấy trên cái xuồng máy loại nhỏ gần đó, có hai người, một thanh niên và một "đạo diễn" đầu hói. Người thanh niên trước mũi xuồng cầm cây đuốc châm lửa giơ cao. Chiếc xuồng nổ máy xé nước lao tới giàn tháp. Hàng trăm người lao xuống mép nước hồi hộp theo dõi.
Khi cách giàn tháp hàng mã chừng mười mét, người thanh niên vươn người về sau lấy đà và vung tay. Ngọn đuốc như một mũi tên lửa lao vút lên không trung vẽ một đường cầu vồng sáng rực rồi lao phặp vào giàn tháp. Một cột lửa bừng vụt lên cao.
"Bù...ùm!!!" Tiếng nổ đã xé tan giàn tháp thành những mảnh vụn tung lên cao rồi lả tả rơi xuống mặt nước. Hình như lúc thiết kế, ông "đạo diễn" đầu hói đã cho đặt dưới chân tháp một năng lượng gì đó nên nó mới nổ dữ vậy!
Tiếng hò reo trên bờ rộ lên bừng bừng.
Hai chiếc ca-nô từ trạm cảnh sát đường sông dưới chân cầu Tràng Bạc vội vã lao ra...
Truyện đã in báo Văn Nghệ số 43/2014