Khi anh quay về trăng đã treo nghiêng ngoài của sồ dãy phòng khu nội trú giáo viên. Anh trăng vàng mịn và buồn. Bên kia vòm lá trăng sáng lung linh, vẻ không thật, mơ hồ. Anh thở dài. Một đêm trăng tuyệt đẹp. Anh định đẩy cửa bước vào thì có tiếng gọi khẽ:"Thưa thầy…!"Anh giật mình quay lại, phía trước, khuất trong vách tối là bóng một người-một học sinh nữ. Lớp chín đây, anh nghĩ. Cô bé tiến lên một bước. Khuôn mặt lộ ra trong vầng sáng dịu dàng:" Thưa thầy!..."Anh thốt lên:"Gì thế Diêu? sao khuya rồi mới qua đây? Có việc tìm thầy phải không?" Cô bé bước hẳn ra ngoài sáng. Bây giờ anh mới thấy đằng sau dáng mảnh mai của em còn có hai em gái nữa đứng sát vào nhau im lặng. Diêu lí nhí:"Ngày mai … Thầy đừng về!"À! ra thế đấy. Cuối cùng việc anh chuyển về thành phố sau những năm dạy học ở cái huyện miền núi tỉnh Quảng Nam này đám học trò rồi cũng biết. Tuy có hơi muộn. Anh vẫn mong điều này đừng xảy ra hoặc chỉ xảy ra sau buổi sáng mai khi xe đã chuyển bánh. Anh rất ngại nước mắt, dù là nước mắt học trò. Và những cảnh tiễn đưa. Anh không nghĩ sẽ gặp các em giờ này, đêm nay. Một tình huống chưa chuẩn bị. Tự dưng anh buộc miệng nói một câu không định trước:" À! Thầy chưa về đâu, mai thầy vẫn dạy mà!" Mắt các cô bé sáng lên, long lanh. Mãi khi mấy đứa học trò về lâu rồi anh vẫn day dứt hoài vì câu hứa dối.
*
Chiều tối khi thăm đứa bạn điều trị sốt rét về, anh thấy việc được về dạy thành phố vẫn không làm anh thanh thản. Bao nhiêu đứa mong được như mình kia mà. Anh nghĩ vậy rồi cứ lang thang mà không ghé một nơi nào. Anh đi trên con đường đất quen thuộc chưa kịp tối đã bắt đầu sáng trăng. Tiếng ếch nhái trên đồng chiều trung du buồn da diết. Vầng trăng treo đơn côi sau vòm lá hàng bạch đàn thân trắng. Cánh đồng bắt đầu thẫm xanh lại. Mùi phân bò, mùi rơm ải và hoa dại ven đồi gợi một ký ức cũ, mãi tận những ngày thơ. Hình như vườn nhà ai có hoa dạ lý. Hương nồng nàn trong tối. Thấp thoáng ánh đèn. Những con mắt thao thức của đêm. Ngày mai với anh, tất cả sẽ là ký ức dịu dàng mà mỗi lần nhớ lại anh sẽ tự trách mình. Một cú vấp đau điếng bởi con đường mấp mô. Anh bực với mình và nhận thấy là đã đi quá xa nên bắt đầu quay trở lại.
*
Năm năm trung du. Sống tập thể. Căn phòng nhỏ ngăn đôi. Nửa trong kê chiếc giường cá nhân, chiếc rương, còn một khoảng trống nhỏ. Nửa ngoài một chiếc bàn, vừa là bàn viết vừa là bàn ăn. Chiếc giá sách tự đóng với những quyển sách anh nâng niu mang từ thành phố lên cùng cây đàn guitar. Và cả một tuổi xuân đầy ắp nhiệt tình. Tất cả chỉ có thế. Cuộc sống là một dòng chảy không thể nào cưỡng lại. Anh bị cuốn vào. Chậm từng ngày. Ở nội trú cực mà vui. Ngoài giờ lên lớp khu nhà giáo viên không mấy khi ngớt tiếng cười hát. Ăn đói vẫn văn nghệ, vẫn chơi thể thao, làm báo tường và hồn nhiên lên lớp. Anh đã thực sự yêu mến lũ học trò quê tội nghiệp. Chúng ngây ngô và hiền lành. Có đứa lớn tồng ngồng. Đứng gần vẫn nghe mùi nắng khét trên tóc. Lâu hành quen. Thật lạ, về phố dăm hôm là anh đã nhớ chúng. Nhiều lần đi chơi về muộn đẩy cửa vào- anh có thói quen không khoá, mà cũng chẳng có gì để dùng khoá- trên bàn ai đã để sẵn một đĩa khoai lang, có hôm là sắn luộc gói trong giấy báo. Hôm khác là những bông hoa. Khi là hoa cúc vàng. Khi là hoa mua tím, loài hoa chỉ mọc ở đồi phía bên kia trường. Anh biết là của học trò lớp anh chủ nhiệm. Anh đón nhận những món quà nhỏ ấy tự nhiên như đón nhận tình cảm của chúng dành cho anh vậy. Và lúc này đây chúng đã cầu xin anh. Anh như thấy lại đôi mắt của Diêu khi nói thầy đừng về. Long lanh trăng thu, ngấn nước. Anh nhắm mắt một giây và thấy mình nhẫn tâm. Tuy anh có quyền rời xa vùng quê núi này không trở lại.
*
Anh ngồi trên thềm hiên. Trăng sáng miên man. Đêm nguyệt bạch bình yên lạ lùng. Tiếng vạc sành kêu trong lá ướt. Anh có niềm vui là đợi trăng lên. Bài Người về bỗngnhớ của Trịnh công Sơn tối nay anh không hát nhưng lời bài ca như ngân lên mãi: Nhìn ra quanh đây đồi núi reo ca chờ nắng lên thưa rồi hãy về bàn chân đi xa người về bỗng nhớ… Cây đàn nằm hờ hững trên đùi bất động. Anh cảm thấy mình có lỗi khi không kịp ngâm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ cho học trò nghe như đã hứa. Anh biết về thành phố anh sẽ không còn ngồi đợi trăng. Ở phố hình như không có ai đợi trăng. Đợi trăng. Nghe có vẻ phù phiếm quá. Hôm qua anh đã "phân phát" tài sản ít ỏi của mình. Cây đàn, những quyển sách, chiếc rương quần áo và mấy vật linh tinh khác. Trong chiếc túi xách nhỏ của anh chỉ còn cái áo khoác mẹ mua cho ngày anh lên đây và quyển Trăm năm cô đơn của G. Mác - Kết, kỷ niệm một thời.
*
Anh thường tỏ ra không quyết đoán và đã giận mình nhiều lần vì điều ấy. Hình như anh chưa tự quyết định cho mình một cái gì ra hồn. Anh đi dạy vì gia đình anh muốn thế. Anh chuyển về thành phố cũng do ba mẹ anh chạy vạy. Chỉ còn chuyện đi hỏi vợ cho anh nữa thôi. Biết đâu họ đã nhắm nhe một đám nào kha khá ở nhà rồi cũng nên và chỉ còn đợi anh về là dắt đến như một đứa trẻ. Tờ quyết định chuyển vùng đã nằm trong túi áo ngực. Rượu chia tay đã uống rồi. Chỉ còn chờ đến mai. Tuần trước, khi trao quyết định cho anh, thầy hiệu trưởng chỉ nói:" Mừng cho cậu, bọn mình sẽ rất nhớ!" Tuy biết sẽ có ngày này nhưng anh vẫn bất ngờ. Một chút gì như thảng thốt. Hôm qua khi đã làm một ly, K nói:" Một chiến hữu nữa bỏ cuộc." Mặt nó tỉnh queo. Lúc đó anh nghe rượu đắng ngắt.
*
Trăng vẫn trên cao vời vời. Anh gãy nhẹ dây đàn. Một cung thứ ngân lên, xa vắng, tan chìm vào đêm. "Khuya rồi. Vào ngủ, mai còn về!" Tiếng K vọng ra. Anh ậm ừ. K không hiểu anh. Còn anh, anh hiểu mình không? Trong hai, người ta chỉ có quyền chọn một. Ít ra là đối với anh lúc này. Anh nhớ đến trò chơi ném đồng xu hồi bé. Sao không là bởi đồng xu mà là anh phải chọn. Mọi chuyện đến cuối vẫn có thể thay đổi kia mà. Anh mĩm cười giễu mình. Ít ra mình cũng tự quyết định lấy một lần. Và anh quyết định. Một quyết định của riêng anh. Mai mình sẽ ra bưu điện. Rồi mẹ sẽ rất buồn. Anh cố lắng nghe tiếng vạc sành nhưng nó đã im từ lâu. Chỉ còn trăng, vời vợi. Sáng mai bạn bè sẽ mừng rỡ ôm anh mà nói anh đã bỏ lỡ một cơ hội và đám học trò vẫn có quyền đợi anh và anh sẽ không còn day dứt vì câu hứa dối, vì anh biết, anh sẽ lên lớp hai tiết Văn đầu.
Krông Bông, 5/ 1995