( Đọc lại Đặng Thân – „tên” Hậu hiện đại- tài ba nhất nhì làng văn VN hôm nay, vẫn thích thú. 2014. november 23. NHN)
Trước khi đọc truyện ngắn này, mời bà con hãy đi mua một tập mùi xoa giấy. Nếu đọc xong chẳng còn cái nào - có thể cùng hội với Đặng Thân chăng? Còn quá nửa hoặc còn nguyên, ắt cần phí khối thời gian để đọc thêm tác giả, hoặc bởi còn phân vân nghĩ chán, xem cùng hội cùng thuyền với y có bõ hay chăng?
Bởi: Mệt lắm! Hãi lắm!
Mệt vì phải cùng y du nhập từ đầu tới cuối vào một cõi nhân gian nhất định, trong một thời gian nhất định, nơi chỉ câu ví von dân gian này diễn tả đủ hết ý nghĩa của nó: CÁ MÈ MỘT LỨA.
Hãi bởi giọng viết đầy ăm ắp năng lượng, cứ dồn người đọc lên đỉnh xuống dốc của cảm xúc, trí vừa những muốn dừng lại suy ngẫm, hài nhận thức đã kéo tuột lương tri ấn xuống bùn, để không thể không đọc một mạch, vừa sướng, vừa cáu, vừa tức anh ách, vừa cười rinh rích liên tục khiến mắt lúc nào cũng nhòa lệ.
Đặng Thân không hư cấu. Y nắn nót lên khung cho bức tranh hàng ngày y sống, vừa phì phèo thuốc lá, nhấm nháp cà phê, y vừa nhẩn nha xếp các chữ cái thành một dòng ngay ngắn: CÁ MÈ MỘT LỨA.
Nơi: ba người đàn bà xuất phát từ ba hoàn cảnh xã hội, gia đình, tính nết, khuynh hướng, cá tính khác hẳn nhau, cùng tiêu phí một thử thách nho nhỏ của thượng đế: kiếp người, trong một xó của xứ sở nhiệt đới gió mùa hình như quanh năm chỉ có hoa trái ra hoa kết nụ thành quả, còn con người lúc nào cũng vẫn y nguyên như thế, chẳng tiến hóa thêm chút nào.
Hoàng Phượng đại diện cho nàng tiên kinh tế „siêu hạng vì cô đi từ lỗ nẻ của nền kinh tế ’tam nông’ này đi lên.
Bạch Trĩ „sinh ra là con nhà tử tế, tức là nhà cán bộ”.
Bích Loan „ra đời trong một gia đình trâm anh thế phiệt”.
Thế giới của ba người đàn bà này là một mớ bòng bong, không biết đường nào lần ra sợi chỉ đỏ của các giá trị, mặc dù đứng về mặt hiện tượng, đây là một thế giới hoạt náo, không hề trì trệ. Thậm chí, quan trọng nhất: hình như đây là thế giới hiện tại một trăm phần trăm của chúng ta, kẻ viết và người đọc, nghĩa là ta đang thưởng thức ta, ngay chính tại nhà ta chả cần đi đâu xa…
Bằng cái giọng viết đặc sệt chất Hà Thành: ngông nghênh mà lịch lãm, du côn nhưng biết điều, giữ khoảng cách nhưng „sát” ngôn từ không thương tiếc, Đặng Thân khiến ta ngơ ngẩn bởi không biết nên trở thành cái gì đây trong cái hiện thực ngồn ngộn thông tin tự thân cắn xé này.
Có lẽ không xứ sở nào con người lại thích nghi nhanh chóng và chính xác với môi trường đến thế:
Nàng tiên kinh tế Hoàng Phượng:
Đánh dép nhựa từ Sài Gòn ra. Đánh niken ở Nga về. Đánh đồ lót, rau thơm và mắm tôm sang Đông Âu. Đánh người sang Trung Quốc, Đài Loan. Đánh núi đồi cho bọn giầu mới ở Hà Nội lên làm trang trại, dựng nhà sàn. Đánh villa Hà Nội cho bọn buôn ma túy ở miền núi về ở. Đánh nhầu. Tấn công phòng thủ không sơ hở, đại tướng anh hùng mới xứng danh.
Cả một nội dung xã hội „thực tiễn” đến mức hết bàn được lãng tử Hà Thành Đặng Thân hạ trong vài nét chấm phẩy như thế đấy.
Bạch Trĩ con nhà cán bộ tử tế:
Ngồi ăn cơm với ông bà lúc nào cũng thấy chuyện nghị quyết, thông tư, nghị định, dự thảo luật. Nghe riết thấy phê. Hôm nào không được nghe những chuyện đó là chị cứ thấy buồn buồn. Lúc nào xem ti-vi thấy các bậc lãnh đạo và các đại biểu nói chị thấy sướng lâng lâng như thể chính chị là người đang phát biểu vậy. Chị nuôi mơ ước sau này sẽ học hành quy củ để tham gia vào việc soạn thảo những văn bản ích nước lợi dân đó.
Không còn gì trong sáng hơn cái hệ ý thức này, như thể sinh ra chỉ để chắp cánh bay cho con người!
Còn Bích Loan:
Đặc biệt nhất là cái phòng khách của nhà nàng. Ngày nào nó cũng được đón tiếp biết bao hiền nhân mặc khách. Họ đến nhà nàng để bàn mọi chuyện về chính trị, văn hóa, khoa học, triết học, nghệ thuật và uống rượu ngoại. Ngày tháng trôi đi, cái phòng khách ấy bỗng được mang tên cô con gái xinh ngoan sáng láng có làn da châu Âu của ông bà chủ – “Salon Loan”. Đến với Salon Loan người ta sẽ được nghe những câu chuyện đầy ý vị và cao nhã.
Ai dám bảo tầng lớp tỉnh táo nhất của xã hội không đủ môi trường để phát triển?
Ba mặt bằng của một thời đại: kinh tế - chính quyền - tri thức dưới con mắt quan sát của một kẻ dạo chơi tung tẩy đúng kiểu công tử Hà Nội sao bí ẩn và lận đận như đời ba người đàn bà, những kẻ chỉ muốn bình yên để yêu để lấy chồng, để hạnh phúc như một kiếp thường dân mà không được. Sao thế nhỉ? Có một cái gì đấy luôn luôn chọc ngoáy và không cho họ yên?
Vì nàng tiên kinh tế Hoàng Phượng đã thích tiền lại còn thích thơ? Mà thơ chỉ rặt một loại cuồng:
…Ai cũng biết Thơ là Ngôi Lời, nhưng ôm nàng chỉ thấy đời toàn lỗ. Vì Thơ ơi người thơ toàn một lũ dở hơi không biết bơi, giữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm phao cứu hộ. Chính nghịch cảnh đã làm anh đốn ngộ, rằng cuộc đời rặt một lũ bất nhân, kể cả những người thân. Yêu cái đẹp nên phải đi cải tạo, thích nhân văn mà gặp đời tàn bạo, nên em ơi muốn làm người thì hãy yêu cái xấu. Thậm chí em còn phải giao cấu với bọn xấu nếu em muốn ngày mai em vẫn có khẩu phần…Thương lắm áo dài ơi. Anh vẫn biết em thích mặc áo dài, bởi vì em là hoa thài lài...
Tiền cũng chỉ là một trong những phương tiện để đi đến cùng và hiểu ra nhẽ cái gọi là những chân lý thời đại ta đang sống?
Vì con nhà lành tư tưởng đứng đắn như Bạch Trĩ lại mắc bệnh thiếu máu chậm kinh nên cứ tự thương thân?:
Cứ đọc Làm đĩ của Phụng thì mới thấy cái công nghiệp giải trí của các cụ thật là ghê gớm, dễ mà bán cửa bán nhà. Đừng lo thấy muộn mà buồn, đến năm hai mốt thì… mọc lông. Đúng là xích lô. Trong cụ là cả trăm năm văn hiến hè phố. Nhiều khi không hiểu sao trong vô thức chị thấy mình muốn được như cụ.
Những chắp vá lận đận khôn cùng của những gì trái với tự nhiên của tạo hóa như lý tưởng người nghĩ ra, đôi khi cứ muốn lấp cả ánh dương của mặt trời vĩnh hằng chăng?
Vì Bích Loan con nhà nòi lại cứ viển vông tri thức trên trời dưới biển?:
Loan mang “trí tuệ” về treo giữa phòng trang trọng và nghiêm cẩn như các con chiên ngoan đạo vẫn thường treo ảnh Chúa hay thập tự giá. Nhiều đêm mơ nàng đã thấy mình ôm hôn hai chữ ấy. Những cánh chữ cứ nâng nàng lên như đại bàng nâng công chúa. Nàng thấy mình bay qua châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Lướt trên những thành phố sạch như lau, sáng choang như cung Hằng. Những sa mạc ngút trời. Những đỉnh cao băng tuyết. Những cánh đồng mây trắng vĩnh hằng. Thậm chí nàng còn thấy đôi cánh chữ đưa nàng bay tới thiên đường với những thiên thần bay lượn phất phơ.
Trí thức trong cái môi trường tắc nghẹn vì đông đặc mọi sự giống hệt giấy hoa dán tường cho phòng thêm diêm dúa - thì đã sao?
Vì sao cái thiên đường trần thế vẫn thường được gọi là cuộc sống người ấy lại cứ lủng củng lỉnh kỉnh không thể gọi tên, không đặt nổi tên, cứ lẫn lộn như ma với người trong nghĩa địa giữa giao thời tranh tối tranh sáng của đêm và ngày?
Vì sao ba người đàn bà ấy không thể thấy hạnh phúc họ mơ?
Cô sung túc thì phải yêu chùa, yêu cúng bái để tìm an ủi lòng:
Cô giành nhiều thời gian và tiền bạc cho các chùa chiền. Tên cô luôn nằm trong những tấm bia đá ghi danh những tấm lòng từ thiện. Cô còn sắm cả xe hơi cho bậc hòa thượng khả kính nhất đất nước. Chỉ mong đổi lấy…
Cô chính thống:
Ra trường Bạch Trĩ về công tác ở cơ quan của mẹ hiền kính yêu. Chỉ sáu tháng sau chị đã lên Phó phòng. Chị đi nước ngoài như đi chợ. Có lẽ đã được 29 nước rồi. Thế mà cũng chẳng thấy thằng Tây nào nó để ý đến mình cả.
Cô thông thái:
Ấy chết em có gì đâu. Chẳng có gì cả. Em là một khối u đáng thương. Cần phải được đại phẫu càng sớm càng tốt. Em tăm tối chỉ vì em sáng quá, em ngu dại chỉ vì em thông minh quá. Trí năng quá phát triển sẽ làm người ta dure khủng khiếp, không thể bước chân vào cửa ngõ của huyền diệu được. Đằng sau cái vầng trán sáng láng kia là cả một khu chế xuất đậu tương.
Vì một cái gì đấy vô hình chăng khiến đời cứ lẫn lộn lúc vật biến thành người, lúc người thành vật, cứ định tiến thành lùi, định ra chỗ sáng lại hóa đang ngồi yên trong bóng tối, tưởng đang tiến về phía trước lại hóa ra chỉ loay hoay một chỗ thích nghi, tưởng đang hân hoan hưởng thụ lại hóa ra chỉ ăn đồ thừa bã cặn…
Đọc Đặng Thân đến đây người ta bắt đầu cáu: vậy mi muốn gì hỡi giống người kia? Không ăn được thì đạp đổ, làm lại từ đầu, còn hơn ngồi đấy mà nỉ non! Còn không làm lại được từ đầu thì… cho mi chết! Đi mà ngắc ngoải tiếp, mò mẫm tiếp, sờ soạng tiếp, hãy đợi tiếng gà gáy khắc xuất hiện bình minh.
Hãy đợi! Hãy đợi! Hãy đợi!
Chính lúc đó chàng lãng tử Hà Thành Đặng Thân tủm tỉm cười, vứt điếu thuốc sang một bên thỏ thẻ: đâu, ai vẫn nấy sống đấy chứ?
Hoàng Phượng đã sớm gặp được tình yêu của mình trên đường đi làm ăn bên Trung Quốc. Đó là người đàn ông vẫn thường kinh doanh cùng mặt hàng với cô. Trước đây vì là đối thủ cạnh tranh nên cô rất kình địch. Tưởng là quân nó hóa ra quân mình.
Còn Bạch Trĩ thì sao? Chị đã chủ động ngỏ lời yêu con giai út cụ xích lô. Anh là người khỏe mạnh nên chắc những đứa con của họ sẽ có một đời sống lành mạnh.
Bích Loan thì đã từng có một cái đơn thượng lên tòa án để kiện một tên phạm tội cưỡng dâm. Sau rồi hồi tâm thấy ấm ấm cái bụng, nàng rút lại. Từ khoảnh khắc rút lại lá đơn, nàng bỗng thấy mình hoát ngộ. Cái sự ngộ của quân trí thức bao giờ cũng lòng vòng mất thời giờ.
Nhưng, kết thúc như thế người ta gọi là có hậu.
Người đọc thở đánh phào:
Có thế chứ, cá mè một lứa thì đã sao, thì cùng xếp hàng ngang… tiến!
Tiến đi đâu?
(Budapest.2010.06.28)