Đường thi là di sản vô giá, báu vật không chỉ riêng của nhân dân Trung Hoa, mà còn chung của nhân loại. Với sự chắc lọc ngôn từ, chỉn chu vần điệu, hàm súc cấu tứ, rộng lớn đề tài, kín đáo tư tưởng, đường thi đã làm say mê hàng triệu triệu con tim độc giả của nhiều thế kỷ, và vẫn còn sức lan tỏa lâu bền. Cảm hứng sáng tạo của đường thi vô cùng phong phú, đa dạng. Quyện chặt tình yêu của con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với lý tưởng, con người với đạo…dường không thể tách biệt được. Thường một bài thơ Đường ngắn gọn, viên mãn như một ánh chớp, để lại dư âm tiếng sét độc sáng trong lòng độc giả. Đường thi thấm đẫm mùa xuân trời đất và tâm hồn của con người:
Vu Sơn liên Sở mộng,
Hành vũ hành vân kỷ tương tống.
Dao hiên kim ốc thượng xuân thì,
Ngọc đồng tiên nữ vô kiến kỳ.
Tử lộ hương yên diểu nan thác,
Thanh phong minh nguyệt dao tương tư.
Dao tương tư, thảo đồ lục,
(Giang Nam đùa dở
Vu Sơn nối liền mộng Sở
Tiếp tiếp mây mưa chia tay mấy độ
Hiên ngọc nhà vàng xuân đến rộ
Tiên nữ ngọc đồng không kỳ hẹn ước
Sương thơm khói biếc khó mong
Gió trong trăng bạc mơ mòng nhớ nhau
Mơ mòng nhớ nhau, đường xanh cỏ biếc một màu)
Đó là bài thơ Giang Nam lộng của Nhà thơ Vương Bột (647–675), tự Tử An, người Giáng Châu, Long Môn. Đứng trước mùa xuân sương thơm, cỏ biếc, gió trong, trăng bạc thi nhân sầu nỗi sầu thương nhớ gái đẹp, đã gặp gỡ sao mà chia tay không hẹn ước răng long đầu bạc hử ? Trong thơ có họa, có tâm trạng, có triết lý nhân sinh đường đời dâu bể.
Nhà thơ Dương Quýnh (650-692) sống vào khoảng đời vua Đường Cao Tông, người huyện Hoa Âm. Ông có bài thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt kiệm lời, mà gửi gắm tình bạn lai láng. Ngày chia tay người và cảnh, người và trăng chan hòa miên man bởi bạn ông đã là ngọc, là trăng, mang nhiều lý tưởng và cái đẹp:
Triệu thị liên thành bích
Do lai thiên hạ truyền
Tống quân hoàn cựu phủ
Minh nguyệt mãn tiền xuyên.
(Triệu có ngọc liên thành
Thiên hạ đã nghe danh
Tiễn ông về phủ cũ
Sáng ngập đầy sông trăng.)
( Đêm tiễn Triệu Túng)
Nhà thơ Lạc Tân Vương (khoảng 640-684) sinh vào khoảng cuối đời Trinh Quán, Đường Thái Tông. Nổi tiếng về ca hành. Thơ ông đẹp, sinh động. Giai nhân là mùa xuân mơm mởm, là nhụy xuân trinh trắng, là hương xuân thơm thảo, là gió xuân điều hòa, là nắng xuân mênh mang, là mây xuân la đà, là bướm xuân rộn ràng, là tình xuân nồng đượm.
Mỹ nữ xuất đông lân,
Dong dữ thượng Thiên Tân.
Chỉnh y hương mãn lộ,
Di bộ miệt sinh trần.
Thủy hạ khán trang ảnh,
Mi đầu họa nguyệt tân.
Ký ngôn Tào Tử Kiến,
Cá thị Lạc Xuyên thần
(Giai nhân từ phía đông hàng xóm
Cầu Thiên Tân nhàn hạ bước lên
Chỉnh xiêm y đầy đường hương bám
Bụi bay khi nàng chuyển gót sen
Trên mặt nước dung nhan ẩn hiện
Đôi mày cong vòng nguyệt trăng non
Mượn thơ xưa của Tào Tử Kiến
Gửi tâm tư đến Lạc Xuyên thần.)
(Vịnh người đẹp tại cầu Thiên Tân)
Bài thơ có kết cấu đề, thực, luận, kết thật sát hợp, tả người đẹp như một bức tranh, làm xao xuyến bao tao nhân mặc khách, ý vị vô cùng, sảng khoái vô cùng.
Yêu thích thiên nhiên, say mê bốn mùa, đặc biệt say mê rượu, trăng , mùa xuân, cảnh đẹp của thiên nhiên, sống một đời phóng khoáng, tha hương, ngao du đây đó, thường vấn vương hoài cổ, làm thơ theo lối cổ phong rất được yêu thích. Nhà thơ tôi muốn nói trên là thi tiên Lí Bạch. Nhà thơ Lí Bạch 701- 762) là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung. Thử đọc một bài của ông :
Nguyệt Hạ Độc Chước
...
Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi ;
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Tuý hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ diểu Vân Hán
(Một mình uống rượu dưới trăng
(dịch: Tương Như)
Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời Trăng sáng,
Mình với Bóng la ba.
Trăng đã không biết uống,
Bóng chỉ quấn theo ta.
Tạm cùng Trăng với Bóng,
Chơi xuân cho kịp mà !
Ta hát, Trăng bồi hồi,
Ta múa, Bóng rối loạn.
Lúc tỉnh cùng nhau vui,
Say rồi đều phân tán.
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tít Vân Hán.)
Bài thơ nằm trong tâm trạng thi nhân đang say rượu, say đời. Dường như rượu, hoa, trăng và người hòa trộn nhau trong cõi nhân sinh biền biệt, trường cửu của mùa xuân, đêm xuân phơi phới. Cái mỹ lệ cuộc đời như phơi mở trong tâm hồn của thi nhân ngộ đạo. Câu chữ mạnh mẽ, đã đời.
Thi thánh Đỗ Phủ (712 – 770) là một nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng khác. Ông cảm tác rất nhiều thơ xuân, như để lại nhiều bức tranh đẹp làm xao xuyến và hứng khởi cho nhiều độc giả trước ngưỡng của xuân phập phồng, bồi hồi xúc động:
Hảo vũ tri thì tiết
Đương xuân nãi phát sinh
Tuỳ phong tiềm nhập dạ
Nhuận vật tế vô thanh
Dã kính vân câu hắc
Giang thuyền hoả độc minh
Hiểu khan hồng thấp xứ
Hoa trọng Cẩm Quan thành
(Trời tốt, mưa lành tới
Đang xuân chợt nhẹ rơi
Vào đêm theo với gió
Êm tiếng mát cho đời
Đường nội làn mây ám
Thuyền sông ánh lửa ngời
Sớm trông miền đỏ thắm
Hoa nở Cẩm Thành tươi )
(Đêm xuân mừng mưa)
Bài thơ tả cảnh đẹp, gợi lòng người niềm vui sống, hào hởi trong tiết trời xuân ấm áp lửa đỏ, hoa nở, mây bay
Bạch Cư Dị (772-846) tự là Lạc Thiên , hiệu là Hương Sơn cư sĩ , người gốc Thái Nguyên, Sơn Tây. Thơ ông giản dị, dễ hiểu. Ông có một số bài thơ viết về thiên nhiên u hoài, nhàn tản, nỗi buồn riêng kín đáo
Đại Lâm Tự Đào Hoa
Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai
Trường hận xuân quy vô mịch xứ
Bất tri chuyển nhập thử trung lai.
DỊCH NGHĨA
Trong cõi nhân gian, tháng tư hương thơm đã tan hết
Nhưng hoa đào ở ngôi chùa trên núi mới bắt đầu nở rộ
Ta cứ giận mùa xuân bỏ đi không để lại tung tích
Mà không biết rằng (mùa xuân) chỉ chuyển về đây thôi.
DỊCH THƠ
Hoa đào chùa Đại Lâm
Tháng tư hương sắc phai tàn hết
Sơn tự đào hoa mới nở đầy
Còn giận xuân đi không dấu vết
Đâu ngờ xuân đến nở nơi đây.
Lãng Xẹt Tử dịch
Một cánh hoa xuân tình tứ nở trong tâm hồn nhân sinh. Nhân sinh sống hoa nở. Nhân sinh đi hoa diệt. Lẽ tự nhiên của trời đất. Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại mới nhận biết tự ngã của ta giao hòa tự ngã trời đất. Sống bây giờ và ở nơi đây. Cái đẹp cũng bây giờ và nơi đây, chứ có xa xăm xa xôi gì !? Triết lý
Của nhà thơ Bạch Cư Dị không cũ không mới, không rộng không hẹp, mà xuyên suốt mười mấy thế kỷ, nghĩ mà “ ớn lạnh”, mà cảm nhận mãnh lực thơ ca vô cùng hồn nhiên, vô cùng sức mạnh và quyến rũ.
Còn vô số bài Đường thi huy hoàng, tráng lệ của bao thi nhân vẽ nên bao cảnh, bao tình, bao xúc cảm hạnh phúc, hoặc bao nhớ nhung thao thiết, bao
biến đổi cuộc đời, bao mùa xuân vĩnh phúc, bao gái đẹp lưu ly. Đường thi thấm đẫm mùa xuân, hương xuân, sắc xuân, nắng xuân, trăng xuân…Từ bấy đến nay vẫn sừng sững uy nghiêm mà giản dị như không khí để hít thở giữa đời sống.