Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
974
123.197.290
 
Khởi sự từ điểm X
Nguyễn Đạt

 

     Tưởng nhớ Y Uyên

 

Năm của ban nhạc Carpenters*.

 

Khung cảnh màu xanh. Màu xanh ngây của các thứ lá non đang sẫm đi, dần dần đồng nhất với màu xanh của toàn thể. Chúng dịch chuyển, dàn hàng ngang. Chúng bất động, giống tấm phông cảnh. Xa hơn hết của tấm phông cảnh là dãy núi, thung lũng sương mù.

 

Bỗng dưng tôi ở đây. Những người đồng hành, chiếc xe đò, bây giờ ở đâu tôi không biết. Hiển nhiên ở đâu đó, trong khu vực bị bao vây, như lời bàn tán lúc xe ngừng. Tôi cũng không biết về điều ấy. Dù sao cũng thấy được, khu vực bị bao vây trong thứ bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc.

 

Anh ta bỏ ngang cuộc hành trình, xuống xe ở thị trấn có nhiều đá tảng, to bằng những ngôi nhà lớn nhỏ, chồng chất lên nhau. Tôi hỏi anh ta: “Vậy là những dự định đã gãy đổ?” Anh ta cho tôi hiểu, hoặc chỉ muốn trấn an tôi: “Không sao cả, bạn ạ. Tôi có lý do riêng của tôi, còn bạn vẫn có cái để tin tưởng.” Khi anh ta nói vậy, tôi bắt đầu hoang mang. Nhưng tôi không tìm được lý do ở lại thị trấn có nhiều đá tảng. Ít nhất anh ta đã từng sống ở đấy.

 

Tôi đứng trơ cục trong bóng tối. Những đốm sáng thảng hoặc phía xa. Tôi phải đi tới một chỗ có người hay chút ánh sang, xem lại vài thứ mang theo. Tôi vấp vào ai đấy, cùng lúc tôi nghe tiếng kêu đau đớn. Người ấy, tôi chưa kịp nhìn rõ mặt, tiếng nói rất trẻ: “Ông đi thứ giày gì mà cứng vậy?”. Lần này tôi thấy rõ gương mặt người ấy, một thanh niên.

 

Chàng thanh niên có lẽ tiếp nhận lời xin lỗi lắp bắp tôi thốt ra, im lặng đi về phía mấy căn nhà lụp xụp. Đấy là mấy căn nhà liền nhau, cách khoảng không đều với một hoặc mấy căn nhà liền nhau khác. Chúng đồng dạng, như những đụn rơm. Hình như chúng được dựng trên đồng ruộng khi trước, được bồi đắp vẫn còn thấp trũng.

 

Tôi nhận ra những đốm sáng nhìn thấy khi nãy, ánh sáng của loại đèn thắp bằng dầu lửa. Chàng thanh niên đi về phía mấy căn nhà liền nhau. Ánh sáng của cây đèn từ một trong mấy căn nhà đó cố gắng sáng hơn chút ít để soi lối. Thỉnh thoảng chàng thanh niên chúi thân mình, hai tay co lại ôm bụng. Thốt nhiên tôi thấy mình vẫn đứng trơ cục, chợt hốt hoảng. Không chừng đã đứt vỡ gì đấy trong bụng chàng thanh niên. Tôi lao tới phía trước, cách khoảng chàng thanh niên một đỗi xa, mỗi lúc lại thấy khoảng cách xa mù. Một trạng thái tuyệt vọng tìm cơ may cứu vãn trờ tới, vừa lúc tôi nhận ra cái ngáng cửa. Tôi đối diện cây đèn lên khói trên một chiếc bàn. Vài người ngồi quanh đấy.

 

Họ nhìn tôi. Một người hỏi: “Anh tìm gì đó?” Tất cả gồm bốn người, ngồi trên ba chiếc ghế. Một người ngồi trên cạnh chiếc giường tre, hai tay chống xoải ra sau. Họ vận không phải một thứ đồng phục, nhưng trong một dạng. Họ giống những kháng chiến quân trong một phim ảnh màn bạc. Những khẩu súng dựng chụm đầu, gần chiếc ghế bỏ trống. Tôi không hiểu lắm về những gì trước mắt, một nỗi sợ hãi khiến tôi nói lắp bắp hơn: “Tôi… tôi đi tìm chàng thanh niên. Tôi lỡ va giày vào bụng anh ấy.” Có những tiếng cười. Người ngồi trên cạnh chiếc giường tre nói: “Bọn tôi đây đều là thanh niên… cả anh nữa.” Họ đang nhìn đôi giày dưới chân tôi? “Giày lính hả?” (Họ hỏi tôi?) Tôi nói, không nhìn vào một ai: “Không phải… đôi giày… Tôi không phải lính… Tôi là sinh viên.” Người ngồi trên chiếc ghế chính giữa hỏi: “Anh ở trên xe đò xuống phải không? Tìm được chỗ ngủ chưa?” Những tiếng thì thầm tiếp theo. “Sáng mai xe đi được rồi đấy… Anh là sinh viên hả? Chuyền những tờ này cho các bạn cùng đọc.” Người ngồi trên chiếc ghế chính giữa mở ba-lô, lấy ra xấp giấy mỏng khổ nhỏ đưa tôi. “Tìm chỗ ngủ cho khỏe, sáng mai lên đường,” người ngồi trên cạnh chiếc giường tre nói.

 

Tôi ra khỏi căn nhà, xấp giấy đó tôi không đọc mà gấp lại ngay, bỏ vào túi áo. Tôi đi tới một căn nhà kín cửa, nghỉ qua đêm dưới mái hiên. Không có ánh sáng của cây đèn, tôi cố xem xét lại vài thứ trong túi áo quần. Còn một số tiền nhỏ. Một ống vố. Tôi quên không lấy thuốc hút cất trong túi xách để trên xe. Chiếc túi xách trong ấy có mấy cái áo quần, cuốn sổ bìa bọc da của Khánh Nhạc. Nàng viết nắn nót trong đó những dòng thơ cho tôi. Anh như người lính trở về không nguồn cội

 

Cuốn sổ bìa bọc da, cái ống vố, đôi giày mocassin không rời tôi. Nhưng tôi đã đổi đôi giày cho người bạn xuống xe ở thị trấn có nhiều đá tảng. Đôi giày anh ta đổi cho tôi thô tháp, cao cổ, dây buộc chằng chéo. Một đôi giày chắc bền, anh ta trao tôi như lời chúc tốt đẹp cho cuộc hành trình. Còn anh ta, có phải đã mệt mỏi? Anh ta sẽ tháo đôi giày mocassin như tháo đôi dép, thu chân lên chiếc ghế mây rộng rãi êm đềm? Tôi biết rất ít về cuộc chiến tranh mà anh ta đã tham dự, qua vài dòng chữ trong bức thư anh ta gửi tôi đã lâu: Không có nỗi say mê nào bằng nỗi say mê chiến tranh, trước mặt là lửa, sau lưng là máu… Tôi hỏi: “Có phải nó giống như nỗi say mê của con bò tót, trước tấm khăn chói lọi?” Anh ta bảo: “Không riêng gì con bò tót. Cả hắn nữa, tay đấu bò. Nhưng, một bị thương, và một chết rồi.”

 

Khánh Nhạc.

 

Bộ váy đen tuyền, nàng hiện ra trong trí tưởng tôi… Nào, hoàng-tử-bé của em, kể lại cho em nghe những ngày vừa qua, những ngày vắng em. Kể lại từ đầu tới cuối… Ý chừng anh ta đã nghĩ tới Khánh Nhạc, khi nói với tôi ở thị trấn có nhiều đá tảng “bạn vẫn có cái để tin tưởng.”

 

“Cũng con lộ ấy, nào đào khoét phá đường, rồi đắp lấp sửa chữa…,” ai đấy lên tiếng. Hóa ra, dưới mái hiên đang có người nằm. Tôi không biết người này nói một mình hay nói với tôi. “Anh cũng đi chuyến xe chết tiệt ấy chứ?” Lần này người ấy rõ ràng hỏi tôi. Tôi gật đầu, sau đó nghĩ không chắc người ấy nhìn ra, trong bóng tối. Vậy là tôi lầm. Người ấy có con mắt của loài cú: “Anh sắp cạn túi rồi hả?...,” nhìn thấy cả những tờ giấy bạc nhỏ, toàn bộ số tiền của tôi.

 

“Đấy… nó lại vòng tới đấy.” Nó là ai? Tôi không biết người ấy muốn nói gì. Có nỗi xao động nào đấy, tôi không biết. Nỗi xao động đang lan trên không, ở tầng mù mịt của đêm. Một dấu chấm đỏ chớp tắt, di chuyển chậm rãi; tiếng động của xuồng máy dưới sông, nhưng tiếng động ấy loang ra trên cao.

 

“Anh đã đi máy bay trực thăng rồi chứ?” Tôi nói tôi chỉ vài ba lần nhìn thấy nó bay trên cao mà thôi. Tiếng người ấy: “Tôi đi trực thăng một lần, mà xém chết đấy… Đạn bắn lên, trượt cách người tôi có một phân.”

 

Những chấm đỏ chớp tắt, tiếp tục lằn ranh nghi hoặc trên không. Tiếng động như tiếng xuồng máy. Tiếng đạn nổ gần, xa. Người cùng nằm dưới mái hiên đã ngủ hay đang hồi tưởng về lần sém chết? Nhưng lúc này, rõ ràng ai đó trong căn nhà thức giấc, mở máy thu thanh, tiếng hát tràn ra.

 

Tiếng hát Karen Carpenter.

 

Từ một nơi chốn của lục địa xa xôi và rực rỡ muôn màu, chảy tới như dòng thủy ngân, thấm tận hang cùng ngõ hẹp của các lục địa

 

Người nằm dưới mái hiên lẩm bẩm gì đấy, giữa dòng mượt nhung của tiếng hát.

 

Tiếng đạn nổ gần, xa. Chấm đỏ chớp tắt. Chiếc máy bay trực thăng đó, hay một chiếc khác. Vẫn thứ tiếng động xuồng máy quậy lục xục mặt nước. Tiếng hát Karen. Có thể người ấy đang đau, cất lời mê sảng.

 

Người của chiếc xe đò thức tôi dậy. Trời mờ tối. Hiên nhà sáng hơn được chút ít. Tôi thử tìm kiếm nhưng không thấy người cùng nghỉ hồi đêm. Có thể người ấy nhìn ra, trong khu vực bị bao vây, vỏ viên đạn đã trượt bên mình chỉ cách một phân, từ hồi nào đó.

 

Chiếc xe đò. Con lộ. Nơi tôi đứng nhìn tấm phông cảnh, lúc này đang dịch chuyển. Xe rời khu vực u tối, đi vào buổi sáng mặt trời vừa nhô lên, lại đứng dừng. Ngay phía trước chiếc xe, một đồn binh. Những người lính với súng ống, vận thứ đồng phục tôi ngó quen mắt. Vài người trong số họ tới sát bên hông chiếc xe, kiểm soát, xem xét giấy tờ.

 

Tôi mở túi áo, lôi ra xấp giấy, thốt giật mình. Xấp giấy mỏng khổ nhỏ, những người trông giống kháng chiến quân đưa tôi hồi chập tối. Đôi mắt tinh ranh dưới vành chiếc nón lưỡi trai kịp nhận ra vẻ lúng túng của tôi. Người lính ấy lạnh giọng: “Anh đưa tôi coi giấy tờ gì đây?” Cười vẻ hài lòng bắt được quả tang kẻ phạm tội, người lính ấy nói: “Mời anh xuống xe.”

 

Họ dẫn tôi đi. Ít phút sau tôi đứng trên vùng đồi trọc, thỉnh thoảng có đám cỏ khô úa trước những căn nhà cùng một kiểu; tất cả đều ở bên trong rào dây kẽm gai có treo những lon sắt rỉ. Dưới lộ, chiếc xe chuyển động. Chiếc xe vụt đi, phía sau bụi đất bốc mù.

 

Một người khác, mà họ đứng nghiêm chào “Trình đại úy…” thẩm vấn tôi; xác định tội trạng tuyên truyền cho địch, còn bảo tôi là kẻ mưu toan giả dạng quân nhân, mang giày lính.

 

“Tạm giữ để điều tra,” người được thưa trình là đại úy nói.

 

Nơi tạm giữ là chiếc thùng sắt lớn, vuông vức, có cửa khóa, có nắp mở phía trên để lọt những vật nhỏ.

 

Họ không điều tra gì, hoặc họ điều tra ở bên ngoài chiếc thùng sắt giam kín tôi. Ai đấy mà tôi chỉ thấy bàn tay, tới chỗ tôi hai lần, buổi trưa và buổi tối, tôi đoán vậy. Bàn tay mở nắp phía trên, đưa vào cái dĩa nhôm đựng cơm, một ca sắt đựng nước trà. Suốt đêm, tôi đoán vậy, vật gì đó rơi lộp độp trên mặt chiếc thùng sắt lạnh giá.

 

Vào lúc mặt trời lên cao bằng sáng ngày hôm trước, khi chiếc xe đò ấy ngừng lại ở đồn binh, tôi được trả tự do. Người mà họ thưa trình là đại úy bảo tôi: “Đừng dại dột như vậy nữa… Lo học hành đi.”

 

Tôi bước xuống con lộ. Một người lính cười nhăn răng, nói với tôi: “Bồ tèo ráng đi bộ ngược trở lại mươi cây số. Ở đấy có nhà trọ, có quán cơm, có đủ cả.” Tôi hỏi: “Xe lên Đà Lạt không chạy ngang qua đây nữa sao?”

 

Cách cười nói của người lính này cho tôi hiểu, tôi ngờ nghệch. Bởi vì không chiếc xe nào chạy qua được chiếc cầu gãy ở thị trấn có nhiều đá tảng. Bởi vì làm cầu tạm cũng phải cả tháng trời mới xong. Bởi vì tình hình chưa ổn…

 

Tôi đi ngược trở lại bằng đôi chân không giày. Họ còn giữ của tôi đôi giày, tôi mừng được ra khỏi vùng đồi trọc có rào dây kẽm gai nên đã quên hỏi. Tôi để quên cả chiếc túi xách trên xe đò từ sáng hôm qua.

 

Tôi đi bộ, chân không giày, như những buổi vui đùa trên đồi thông với Khánh Nhạc. Đến khi nào tôi sẽ gặp, và liệu tôi sẽ kể những gì để Khánh Nhạc yên lòng? Về chiếc ghế mây bí mật? Về tiếng hát Karen?

 

Tôi đi ngược trở lại khu vực bị bao vây, như người ta nói. Tôi sẽ gặp lại cả tấm phông cảnh.

 

 

 

Chú thích của tác giả:

*Năm 1972, năm ban nhạc Carpenters xuất hiện và lừng lẫy.

Nguyễn Đạt
Số lần đọc: 2101
Ngày đăng: 30.11.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đàm Đạo Về “Như Huyễn” - Tuệ Thiền
Lấp lánh trăng thu - Vũ Dy
Mảnh vườn thuê - Võ Thụy Như Phương
Mùi khói tết - Võ Thụy Như Phương
Máu bầm - Võ Thụy Như Phương
Hát giữa trần gian - Phan Trang Hy
Trót lỡ với mùa thu - Ngưng Thu
Người thợ mã - Dương Đức Khánh
Truyện ngắn 200 chữ - Phó Văn Ngọc
Chuyện Ngựa - Nguyễn Huy Lộc