Ngôi nhà xinh đẹp của anh ở một con đường yên tĩnh mang tên Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, bước vào là một khoảng sân thoáng mát có cây Ivy (đọc là Ai vi, tức cây thường xuân) xanh quanh năm leo kín bờ tường rào. Trong nhà, từ phòng khách đến cầu thang lên các lầu, tôi ngỡ ngàng đến bàng hoàng vì toàn đồng hồ cổ, đồ sứ cổ và hoành phi, câu đối, lồng chim vô cùng quý, hiếm, độc đáo.
Hoạ sĩ Ngọc đang chơi hàng ngàn món đồ cổ. Trong đó nổi bật là 120 chiếc đồng hồ, đủ loại, đủ kiểu bằng đồng, bằng kim loại tráng men, bằng kim loại đặc biệt…(có loại 1000 ngày mới phải lên giây, có loại chạy bằng không khí, không phải lên giây…); 500 bình sứ, tượng sứ cổ; 400 món đồ cổ bằng đồng; 40 món bằng ngọc và vài chục món bằng ngà. Ngoài ra còn tranh khảm xà cừ óng ánh bẩy màu; liễn, câu đối, hoành phi, bình phong và nhiều đồ gỗ quý… có niên đại từ 90 năm trở lên.
Đỗ Duy Ngọc sinh năm Canh Dần 1950 tại Quảng Bình, lớn lên tại thành phố Huế, học Mỹ thuật Huế khoá 1967-1971. Mười lăm tuổi anh xuất bản tập thơ tại Đà Nẵng mang tên Khung tình vỡ. Nhưng rồi anh nhận ra ngay sở trường của mình không phải là sáng tác văn học! Vô Sài Gòn, anh vừa vẽ vừa học, lấy thêm bằng cử nhân của Văn khoa, Sư phạm và Vạn Hạnh. Trước 1975, hoạ sĩ Ngọc đã hai lần mở triển lãm tranh. Trong hội hoạ, anh mê say vẽ thế nào thì trong thú chơi sưu tập đồng hồ, đồ cổ, anh cũng say mê như thế.
Ngọc giới thiệu với tôi lai lịch từng chiếc đồng hồ làm thủ công, từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mặt tráng men, vỏ ngoài là những pho tượng bằng đồng. Đó thật sự là những tác phẩm điêu khắc cao cấp xuất xứ từ Đức, Pháp. Đồng hồ treo tường hay để bàn thì Đức là số Một, (Thuỵ Sĩ chỉ nổi danh với đồng hồ đeo tay). Anh phải tốn rất nhiều thời gian để lùng tìm mua những cuốn sách viết về lịch sử chế tác đồng hồ, lịch sử gôm sứ…
Anh Ngọc có một cuốn sách về những chiếc đồng hồ quý, độc nhất vô nhị trên thế giới. Trong cuốn sách này có nói đến và có ảnh một chiếc đồng hồ mà tôi đang ngắm nghía, chụp ảnh tại nhà anh Ngọc. Với đồ sứ cũng vậy. Nghĩa là anh dày công nghiền ngẫm từ sách vở đến nguồn gốc từng món đồ khi chơi sưu tập. Anh bảo: Ai đã mê chơi thứ này rồi thì chả thiết gì những thú vui trần thế khác! Thảo nào, đã lâu lắm tôi không thấy Ngọc xuất hiện ở những tụ điểm (như 81 Trần Quốc Thảo Q.3 chẳng hạn) mà giới hoạ sĩ, văn nghệ thường ngồi tào lao, uống bia với nhau. Anh nói: " Ngoài thời gian làm việc ở xưởng vẽ, tôi lao vào sưu tập đồng hồ, đồ cổ, mê đến mức chả thiết nhậu nữa! Tuổi anh em mình, đâu còn uống được nhiều như cách nay vài năm! Tôi mê đồ cổ, có khi còn hơn cả ngày xưa mê người đẹp. Nghĩa là cũng tương tư, cũng thổn thức, cũng mất ngủ quên ăn. Một lần, tôi được dẫn tới xem một chiếc đồng hồ có tuổi gần 200 trăm năm. Tuổi cao, quý đã đành, nhưng chiếc đồng hồ này hình như được chế tác theo đơn đặt hàng, rất độc. Nó thật sự là một pho tượng nghệ thuật vô cùng sinh động. Chủ hàng nói giá quá cao, tôi quyết mua nên trả sát giá, họ vẫn không bán. Tôi mất nửa ngày ngẩn ngơ bên chiếc đồng hồ này, rồi ra về, định bụng ngày mai sẽ mang tiền tới mua. Nào ngờ tôi bận công việc đột xuất, ba ngày sau mới tới được thì… ván đã đóng thuyền rồi! Không mua được chiếc đồng hồ ấy, tôi tiếc đến… quên cả đường về nhà, thay vì quẹo tay mặt đi về hướng Đông để về Phú Nhuận, tôi lại quẹo tay trái, đi tuốt xuống Phú Lâm, quận Sáu! Cả tuần lễ sau, tôi cứ như người mất hồn…
- Người đàn ông, khi đã phải lòng một cô gái, dù cô ấy không đẹp tót vời, ta cũng cứ nghĩ là cô ấy đẹp nhất trần gian này! Anh có quá yêu, quá mê đồng hồ mà nói vậy chăng?
Hoạ sĩ Ngọc nhìn tôi, không trả lời ngay… Bỗng hàng chục chiếc đồng hồ đổ chuông. Tiếng chuông vang lên, ngân nga, mỗi chiếc đồng hồ đánh chuông theo một âm vực khác nhau, chỉ có thể cảm nhận được chứ khó mà tả được! Những con chim quý trong lồng son nghe chuông đồng hồ cũng đua nhau hót đáp lại! Chờ dứt những tiếng chuông, tiếng chim, Ngọc nhìn như hút vào những chiếc đồng hồ của mình:" Chúng đang trò chuyện với tôi! Với tôi, những chiếc đồng hồ không còn là máy móc, không là vật vô tri. Nó như một sinh vật, biết rung động, hỉ nộ ái ố như người! Những chiếc đồng hồ cổ là cả một thế giới cuốn hút tôi. Tôi chìm trong nó, nó thấm trong tôi, như tri âm, tri kỷ. Đồng hồ là cái máy đo thời gian, vậy mà không một chiếc đồng hồ nào đồng giờ nhau, không một tiếng chuông đồng hồ nào ngân nga giống nhau! Mỗi đồng hồ như một cá thể, có cá tính, có bản sắc riêng, và niềm khát khao riêng! Anh thấy đó, chỉ cần đụng nhẹ tay ta vào quả lắc đồng hồ là nó đứng liền, cơ thể đồng hồ chẳng khác chi sự sống. Sự sống rất mong manh, dễ bị tổn thương lắm! Trong tiếng tích tắc của đồng hồ, tôi cảm nhận được mạch máu, nhịp tim của một cơ thể đang đập, đang hiện hữu, đang làm việc, đang vui thú và cống hiến cho cuộc đời…
Một điều ngẫu nhiên mà chưa chắc ai cũng để ý: Nhịp tim lý tưởng cho một vận động viên là 60/phút, nó tương đương với 60 giây là một phút của đồng hồ! Ra thế! Từ ngàn xưa, người ta đã nghĩ ra những điều vĩnh hằng rồi! Đêm đêm, khi tĩnh tâm, nghe nhịp đồng hồ, nhịp thời gian đi, tôi ngộ ra một điều là Tất cả đều có tâm hồn, linh hồn. Đồng hồ là thế! Cái tâm của nó sáng lắm"!
Bộ sưu tập đồng hồ của Hoạ sĩ Ngọc do những mối lái tìm mua được từ miền Tây Nam Bộ. Dường như có sự phân công khu vực chơi, sân chơi! Những gia đình giầu có ở Bắc và Trung thì chơi đồ sứ làm ở bên Tầu. Những gia đình giầu có ở miền Tây Nam Bộ thì lại chơi đồng hồ và đèn (đèn đầu, đèn tọa, đèn treo…) làm thủ công ở châu Âu, cụ thể là Đức và Pháp! Nghề chơi quả là lắm công phu! Cụ Nguyễn Du đã viết thế trong Truyện Kiều.
Một hôm hoạ sỹ Ngọc đến tôi chơi. Tôi mở một chai rượu ngon, anh chỉ uống đúng một ly. Tôi hỏi: Anh mê đồng hồ, đồ cổ đến bỏ cả rượu? Trả lời: "Không, do sức khoẻ thôi mà!". Tôi hỏi:" Tôi đã từng xem tranh của Bửu Chỉ vẽ đồng hồ. Anh Ngọc có thích không? Trả lời: " Thích! Thời tôi còn là sinh viên, tôi đã mê tranh của Savaldor Dali (Tây Ban Nha). Hoạ sỹ này được người ta xếp vào trường phái Đađa. Ông Savaldor vẽ cái đồng hồ dị dạng, như đang chảy ra… Càng ngắm bức tranh này, người xem càng liên tưởng đến cuộc đời và số phận của từng kiếp người, hơn thế nữa, người ta ngộ ra cái vô hình mới là vĩnh hằng, cái có thể cầm nắm được chỉ là hữu hạn!"
. Mua đồng hồ cổ, có khó lắm không? Đáp:" Rất khó, nhưng đôi khi lại quá dễ, bởi nó là cơ duyên, như là bạn tri âm tri kỷ tìm đến nhau! Nó đến với mình, mình tìm đến nó. Cái thú ở chỗ: món mình đang lùng tìm thì gặp; món mình đang thiếu thì mua được; món mình đang thích thì có người giới thiệu; và cuối cùng là mua được vật quý với giá hời! Thí dụ anh có một cái ấm trà đời Càn Long, chẳng may bể nắp ấm, tình cờ anh mua được chiếc nắp ấm này. Còn gì thú hơn! Bởi vậy, nhiều khi có tiền mà vẫn không mua được đồ cổ. Nó là Trời ban cho, cầu ước cũng không gặp, ngẫu nhiên mà gặp, duyên kỳ ngộ…".
Thú chơi sưu tập đồng hồ, đồ cổ có giúp gì cho nghề hoạ của anh? Hoạ sĩ Ngọc trả lời: Tuyệt vời lắm! Nó bồi bổ sự nhạy cảm, nó là nguồn cảm hứng!Tôi ngộ ra nhiều chuyện lắm! Từ lịch sử tiến hoá của nhân loại, văn hoá từng vùng, từng dân tộc, đất nước, con người, thời đại, nhân tình thế thái, thân phận người nghệ sĩ chế tác ra những sản phẩm đó… Những gì người xưa tâm huyết được hiển hiện trong giá trị vĩnh hằng của tác phẩm nghệ thuật. Theo tôi, giá trị nhất là họ đã truyền cái hồn của họ vào tác phẩm. Giá trị về phần hồn, theo tôi mới là giá trị lớn nhất của đồ cổ, bên cạnh giá trị niên đại và nghệ thuật! Ngày nay, một món đồ gọi là nghệ thuật, liệu có mấy giá trị phần hồn?
Thành phố Hồ chí Minh, tháng 12-2003/tháng 3-2004