Thi thoảng tôi lại về dưới đó, bước qua cổng rào râm bụt, đi ngang qua sàn nước được thiết kế sát cổng rào cạnh lối đi. Tay bụm vốc nước mưa rửa mặt rồi để nước ướt vậy chớp mắt mấy cái cho tỉnh mới vô nhà. Muốn vô nhà cửa trước thì phải rẽ trái, băng qua gian nhà thứ hai mới lên được cửa trước nhà thờ. Nhà quê thiết kế ba gian như nhau, lối vào na ná nhau, đều băng qua sàn nước, với tay hất miếng nước mưa mát lạnh rồi mới đi vô.
Nhà thờ có nhiều cửa sổ ngó ra vườn nên thoáng mát. Cạnh cửa sổ bên trái là chiếc đi văng cũ, bên trên nội móc hai đầu võng lên hai song cửa sổ, một đầu bên vách trái và một đầu phía trước ngó ra hàng ba. Ngồi trên võng đưa nhè nhẹ bằng một chân, chân kia xếp bằng trên võng, tay cầm cái quạt mo cau khô nhúm nhíu. Nhà có chừng chục cái nội tự tay gọt thành quạt để những dịp giỗ chạp con cháu về đầy nhà có mà xài. Còn ngày thường nội cột thành một xấp cất trên đầu tủ. Trên đó đủ thứ đồ linh tinh được nội tỉ mẩn xếp ngay ngắn, gọn gàng.
Thi thoảng tôi về. Dưới đó mọi thứ vẹn nguyên. Gian nhà thứ hai nền đất lổm chổm ẩm ướt. Mỗi bận quét nhà trên bằng chổi bông cỏ thì đến cửa hông lùa xuống hết rồi dùng chổi tàu cau quét tiếp ra nhà sau. Nền đất lỗi lõm chỗ to chỗ nhỏ, muốn quét phải quét bằng mũi chổi mới sạch nhà. Còn không thì chịu khó lấy chổi bông cỏ bị cùn mà quét. Chổi tàu cau thì nhà có chừng mấy chục cây. Loại chổi được nội bó tròn chứ không phải loại chổi dẹt bè ra như chổi ngoài chợ bán. Mỗi tàu cau khô rụng xuống, lũ trẻ chúng tôi chạy ùa ra xí lượm rồi một đứa ngồi hai ba đứa kéo. Kéo riết vô sân phơi thêm một hai nắng cho dốt rồi cắt mo cau rời ra. Nội dạy chúng tôi bật mo cau cho thẳng thóm đâu ra đó xong lấy mấy tấm thớn me to đùng ra dằn lên để vài hôm cho mo cau thẳng bè ra mà làm quạt. Còn tàu lá cau được nội róc đi phần lá, chuốt từng cọng sống lá cho sạch để dành bó chổi quét sân.
Hồi mới về dưới đó tôi vừa 13 tuổi. Mỗi lúc quét nhà nội lại kể sự tích cái nền nhà gian giữa cho tôi nghe. Nội bảo hồi mới đắp nền, đất còn hơi ẩm chưa dẻ xuống hết thì cô tôi về đám giỗ, cô đi guốc nhọn nên mấy chỗ lõm chỗ lồi đó là vết tích của bước chân cô tôi. Cứ vậy mà năm này sang năm khác, đến năm 17 tuổi tôi rời xa ngôi nhà đó, rời xa miền quê yên ả đó để đi. Nội về với đất đã mười mấy năm. Ngôi nhà không còn vết tích. Cái dấu lõm lồi dưới nền đất trong gian nhà giữa giờ không còn nữa mà câu chuyện về đôi guốc nhọn của cô tôi vẫn in sâu trong ký ức. Đến tận bây giờ tôi vẫn không tài nào hiểu nổi cô tôi sao lại đi tới đi lui khắp gian giữa trong nhà, để dấu guốc nhọn của cô rải đều khắp nền đất như vậy?
Thi thoảng tôi thật sự muốn về. Nội vẫn ngồi bên cạnh trong gian bếp được che bằng mái lá. Ở đó có cái giường cũ kỹ được dùng làm chỗ ăn cơm. Góc giường lúc nào cũng có sẵn cái rế lót nồi cơm bằng tre đan. Trong lòng rế là miếng báo cũ để lọ nồi không rớt xuống vạt giường. Nội vẫn ngồi đúng chỗ của mình trong mâm cơm trên chiếc ghế lót hàng (ghế lót quan tài được tận dụng làm ghế ngồi) bên dưới. Chị em chúng tôi xếp bằng trên vạt. Cơm nóng, canh tập tàng tép rong, cá rô bí kho khô và vài trái chuối già chín rục. Những bữa cơm thơm mùi củi ướt, mùi bùn, vị lờ lợ của khạp nước sông lóng phèn và cuộc đời tôi từ đó dường như đã quyện hẳn vào trong lọn khói chiều bên mái lá.
Thi thoảng tôi lại muốn về. Muốn ngồi trên vạt giường cũ đó, tay bắt miếng lá chuối hình phễu hứng lấy viên bột nếp đươc nội bọc nhân, vo tròn rồi xếp lại thành hình chop nón. Đặt cái chóp bánh đó ngay ngắn lên một miếng lá chuối khác to hơn rồi gấp đầu trên, gấp đầu dưới, hai bên xếp gọn bẻ gập lại với nhau đem đặt vô xửng hấp chín. Chừng đâu mười phút là bánh chín thơm lừng mùi lá, cái dẻo của nếp mới, ngọt lịm đường mía khó ai mà cầm lòng được. Bánh chín. Bàn thờ ông bà mỗi nơi một dĩa. Đó là những buổi Tiên thừa, hôm sau chánh giỗ cúng kiến xong gở bánh ăn là được.
Lâu lắm rồi không ăn bánh ít. Chợ ở Sài Gòn lá chuối bán nhiều. Không có chỗ phơi lá cho dốt để gói bánh thì đem trụng nước sôi cho lá dịu lại. Bột nếp bán sẵn ngoài chợ mua về, thắng đường cát trắng lấy caramel rồi nhồi bột mà gói. Cũng là bánh ít, cũng thơm mùi lá chuối nhưng khó mà tìm được vị ngọt lịm của đường mía, cái dẻo của bột nếp xay bằng cối đá nhà quê…
Thi thoảng tôi lại muốn về…