Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
615
123.366.108
 
Kẻ không nương náu
Tru Sa

 

     Tôi chưa viết thêm được gì. Trang World từ lúc mở vẫn bỏ trắng. Một dòng đánh vội rồi xóa đi. Gõ một chữ cái, tôi chưa biết phải điền thêm thế nào, và đành xóa. Nếu đặt một con số thì sao nhỉ? Nhưng con số nào thì phù hợp cho một dòng mở đầu đây. Chẵn, lẻ, hay La Mã? Một niên hiệu lịch sử ổn không đây? Trong lúc chưa nghĩ được thêm gì thì bụng dạ lại rỗng tuếch. Bao tử tôi đang sôi thành vạc dầu. Hai ngày trời tôi chưa có được một miếng cơm vào bụng. Tối qua tôi đã ăn nửa gói mì sống và uống chút nước còn lại trong ấm. Mẩu bánh mì từ tuần trước tôi cũng tọng vào bụng. Đây chẳng thể gọi là một bữa. Tôi chỉ cố làm mềm dạ dày để làm việc minh mẫn hơn. Bẵng đi vài tiếng, giờ cái bụng lại trở chứng. Tiếng sôi sục này khiến tôi lả hẳn. Một cái gõ ngón tay xuống phím, để đặt lên trang giấy trắng một dấu câu tôi cũng chẳng đủ sức nữa.

 

     Bản thảo của tôi gửi đến nhiều địa chỉ và luôn mất tăm. Mấy mối quen giờ cũng không lấy bài của tôi nữa. Thư tôi gửi về quê nhà đều không thấy hồi âm. Điện thoại họ không nghe nếu biết tôi gọi về, giờ đây thư họ không nhận nữa. Mấy chỗ quen biết tôi không nhờ cậy được gì. Vài lần ăn chực là quá đủ để tôi tự thấy bẽ mặt và từ biệt vĩnh viễn mái nhà họ. Ở Hà Nội, tôi có nhà riêng, nên chí ít tôi chẳng phải lo ngại về một chỗ trú thân mỗi khi nắng mưa. Dù vậy, tôi vẫn phải nộp đủ tiền điện, nước, internet hàng tháng, những chi tiêu cá nhân…Tôi nói với nhân viên thu tiền rằng hai tuần nữa sẽ trả đủ. Họ không tin tôi lắm và nhắc rằng đúng tuần sau phải trả đủ. Hoặc, tôi sẽ phải sống trong sa mạc tối đen. Mở mail một lần nữa. Hộp thư trống. Tôi rời mail. Cơn đói vẫn tiếp bóp thắt bao tử tôi. Cổ khô, môi héo rát, ngay đến cặp mắt tôi cũng đờ dại đi. Tôi vặn đèn nhỏ xuống. Bởi ngoài trời gió mát nên tôi tắt luôn quạt. Vớ bừa một cuốn sách trên kệ. Một trang mở ra. Rồi trang kế tiếp, kế tiếp. Vài chục trang được lật, rồi thì tôi giữ đứng cuốn sách. Đầu tôi chẳng nuốt được chữ nào. Cũng chẳng biết ở mấy chục trang vừa mở qua viết cái gì. Nhìn trên cùng cuốn sách tôi thấy dòng chữ in José Saramago. Tôi cất sách vào kệ và tìm thêm những cuốn khác. Đâu phải ánh đèn không đủ sáng khiến tôi không nhìn nổi mặt chữ. Nếu nói rằng trang tôi mở chữ ngược, bị lem nhem vì in lỗi hoặc là phần nguyên bản (tôi kém ngoại ngữ) của cuốn song ngữ thì càng không. Chỉ là tôi không thể lưu chữ nào lại đầu. Tôi chỉ giở cho hết sách. Thật hổ thẹn! Giờ, tôi như chàng ngố học chữ bằng cách mua kính. Sau một hồi tìm kiếm Wed, Blog tôi thẫn thờ thoát hết để trở lại bản Word. Chưa thể nghĩ nổi chữ nào khả dĩ đặt lên giấy để mong ngóng rằng đấy là mồi dẫn được chuẩn bị trong một phút xuất thần.

 

     Ngồi thêm một lúc lâu, tôi thấy cần phải ra ngoài. Trước hết tôi cần ổn định lại cái bụng. Ví tiền trống hoác. Lục ngăn trong, ngăn ngoài, rồi ngăn cất giấy tờ tùy thân. Vậy mà chẳng tìm thấy thêm đồng nào. Ba mươi hai nghìn. Đấy là những gì tôi có. Số tiền này hoàn toàn đủ để đắp đầy dạ dày trong một chốc. Thế rồi? Có lẽ ngay đến việc mua một tờ báo để đọc, ngồi lai rai quán nước dù chỉ với điếu thuốc và cốc trà, cũng làm tôi phải đắn đo. Nếu có thể xả láng tiền, và hôm sau thò vào túi thấy chúng vẫn ở đó thì thật tuyệt. Trời, đây có phải chuyện cổ tích đâu. Nhưng giờ tôi mong thế, để có thể dùng quách ba mươi hai nghìn trong tay. Chỉ cần no bụng lấy một chút, có khi tôi sẽ nảy ý viết cái gì và gửi chỗ nào. Mấy số điện tôi cố tình nháy vào không thấy gọi lại. Đến một cái tin nhắn cũng không thấy hiện đến. Máy tính đã tắt, tôi chẳng muốn mở lại chỉ vì chút tin tưởng rằng sẽ có thư báo đăng bài. Vốc nước lạnh rửa mặt, rửa mắt nhiều lần. Mắt tôi vẫn đờ đẫn. Nhìn cái gì cũng lem nhem. Có thể tôi tăng độ và cần phải đeo kính.

 

     Chiều. Đi qua vài quán ăn, tôi vẫn chưa nhắm được chỗ để ngồi vào. Mấy quán cơm bình dân nườm nượp khách ra vào. Phần lớn khách là công nhân, phu hồ, lao công vệ sinh hoặc thợ làm móng. Họ ngồi kín hết chỗ. Quây bàn lại, nếu thiếu ghế thì ngồi bệt xuống đất mà ăn. Không hề có một tiếng nói nào từ đám người. Chỉ có tiếng và cơm, húp canh, tiếng kẽo kẹt của ghế, của bàn rồi thì có người ợ hơi, chén đũa va nhau côm cốp. Tôi không thấy một chỗ trống để có thể vào ngồi. Giấy ăn vứt bừa bộn dưới đất. Những âu thức ăn trong tủ kính chẳng gợi cho tôi chút thèm thuồng nào. Mấy miếng thịt nạc nhìn bợt bạt, rau dưa thì như héo cả và thủng lỗ chỗ, số đậu phụ thì vỡ toác ra và thật trùng hợp khi tôi thấy một con bọ xít rúc dưới đĩa thịt luộc. Cái nơi này, thật chẳng thể nán lại. Cơn đói vẫn sục sạo. Tôi chưa một lần chịu ngồi ăn ở những chỗ cẩu thả về món ăn, chỗ ngồi xộc xệch với la liệt khách đói ăn. Thứ không khí nhơ nhám, trần trụi này luôn làm tôi ngộp thở. Quán thứ hai vẫn là một điểm bình dân, hút khách lao động. Khách vắng hơn nhưng bàn ghế nhầy nhẫy nước mắm, đồ ăn thừa và các mẩu giấy ăn bị nát. Một con chó đang sục sạo tìm đồ ăn rơi vãi dưới đất. Mấy con gián cũng sục sạo.

 

     Thế là, sau một hồi lòng vòng các quán ăn khả dĩ vừa túi tiền, tôi đã ghé vào một quán nước nhỏ. Tôi chỉ gọi bánh, nước trà. Tôi nghĩ sẽ mua vài gói mỳ để chống đói một hai ngày. Uống hớp trà tôi như nuốt một tảng muối. Ruột xót thắt cả lại. Nuốt khan miếng bánh, thấy chừng thế đã khá hơn. Lúc này tôi không vào đây để nhấm nháp trà ngon. Tôi cần thay đổi không khí, để nghĩ thêm thứ sẽ viết tối nay.

   “Phải Khiếm Thư đấy không?”

     Một tên to xác, mày râu nhẵn nhụi, tay đeo đủ loại nhẫn. Bộ vét với cái cà vạt treo nơi cổ khiến gã có dáng dấp một tài phú mới phất lên. Người này tôi không lạ, gã tên Đông. Gã làm trong tòa báo quen mà tôi vẫn thường gửi bài. Sau mấy cái bắt tay thì gã kéo ghế ngồi cùng bàn với tôi.

   “Nhìn tiều tụy thế.”

   “Tôi đang đói đây.”

   “Dạo gần đây sao không gửi bài cho tôi.”

   “Dùng được quái đâu. Mà tôi xin nhắc lại nếu ông còn giở trò trong bài viết của tôi thì tôi sẽ đâm nát mặt ông trong một truyện ngắn đấy.”

   “Gì mà dữ dằn thế.” – Gã cười hềnh hệch, rồi châm thuốc, thở cả khói thuốc vào mặt tôi. – “Có tổn hại gì đến ông đâu. Số đấy bán chạy như tôm tươi.”

   “Ông sửa nhiều chữ của tôi đấy. Phần cuối truyện, tôi không đặt dấu, là dụng ý của tôi. Chưa kể ông đã chú giải sai bét.”

   “Bài đã đăng, nhuận bút cậu cũng lấy rồi. Bỏ qua hết đi.”

     Gã cười hềnh hệch, và lại ngỏ ý lấy bài. Tôi không định từ chối, nhưng chưa nhận lời ngay. Mối quan hệ của tôi với gã này giống hầu hết các mối ràng buộc tương tự vậy với số người ở các tòa báo. Đã nhiều lần tôi thấy bài viết mình bị xẻo đi thịt nạc và đắp bùn thối lên. Tờ báo đấy tôi không mua, và nếu ai đấy nhận ra tôi và hỏi về bài viết, tôi thấy xấu hổ nếu nhận mình là tác giả. Lúc sau, tôi và gã đi nhậu một trận ở quán bia. Tôi không uống cốc bia nào mà cắm đầu vào ăn. Suốt cuộc nhậu gã nói đủ thứ chuyện. Tôi bị gã nhồi đầu đủ thứ. Nhà này, nhà kia khen bài gã viết, bọn cấp dưới cung kính với hắn, vợ con phục uy hắn thế nào, rồi thì hắn đòi làm nhà văn. “Biên tập viên thì quèn quá!” – Hắn nói – “Nhà văn oách hơn.”

     Bữa nhậu đấy gã trả tiền, tuy thế lúc về đến nhà tôi lại không tìm thấy ba mươi hai nghìn lẻ mà mình mang theo.

*

     “Tôi đã sống một cuộc đời đầy hổ thẹn.” (1) – Chỉ lời dẫn này là đủ tôi phải theo đến hết tiểu thuyết. Hệt như đeo lên mình cái gông đá quá nhiều năm, lúc được thả kẻ tù tội vẫn không thấy vai mình nhẹ hơn. Cuốn sách này tôi đã đọc ba lần, vậy mà khi đọc lại tôi vẫn không thấy dễ thở hơn. Nhà văn này hoàn toàn cực đoan và thiếu sỹ khí nam nhi chăng? Nếu là thế thì tôi đã không đọc cuốn này quá hai lần. Thứ văn chương này không làm hỏng đi trực giác, hay nhiễu loạn sóng cảm xúc, cũng như thứ tuyết tinh ngủ quên trong con người. Trái lại, tôi còn thấy phải xé đi tấm rèm nhiễu nhương bụi mù. Đục bằng hết tường để xây lát từ đầu. Nghĩ rằng Godot chẳng đến thì đâu cần phải ngồi đợi, bị úp nón vào đầu rồi mãn nguyện rằng nó sẽ tránh được nắng, mưa, quạ ỉa thì chỉ chốc lát ta sẽ thành con ngựa già trong phủ Chúa, sau những lời nói khẽ vào tai nhau kia là quỷ sứ thì con đường đấy hoang vắng thật rồi…Viết văn, cần thiết phải là con đường không biết lối. Một cánh rừng bạt ngàn sói ưng, rắn, thổ dân. Không trăng, không mặt trời, chẳng tinh tú, chỉ có ta với muôn lối rẽ. Lối nào cũng mỹ miều, lối nào cũng có thể dẫn xuống A Tỳ. Chẳng cần bạn đồng hành, cũng không cần bến dừng. Hãy mò mẫm và chết trong mù đường. Từ cái xác đấy, một rễ hoa sẽ nhú lên và bung nở thành rừng cây. Trong số những gì tôi đã viết thì chưa có lấy một mầm cây. Được in và không được in, công bố và chưa công bố. Phía đấy có tiếng gọi tôi. Cuống quýt đặt một dấu chấm tạm thời, tôi vùng khỏi giấc ngủ. Con thuyền trước mặt tôi đang bị sóng vây hãm. Cánh buồm thủng lỗ chỗ, dây rợ đứt gần hết. Bởi bánh lái đã gãy đôi nên con thuyền bị xoay mòng mòng trong sóng dữ. Không thấy lối nào. Phía trước là biển, sau cũng là biển. Những bộ vây cá mập lấp ló tứ phía. Chỉ một phút nhỡ nhàng lập tức sẽ sa vào hàm quỷ. Mọi thủy thủ đều đã nhảy hết xuống biển, cùng nhau bơi về hướng khác. Người chìm, người thành mồi cho cá, người huơ hoắng rồi chìm nốt. Tôi còn trên thuyền. Mặc dù nửa con thuyền đã bị nước biển gặm mất, và giờ đang chao đảo, chờ đến một trận sóng lớn để tất cả biến thành một đống hoang tàn, thì tôi vẫn ở đấy. Tôi nhìn bên này, bên kia, và do dự. Để mặc bão táp trôi và chôn xương dưới biển sâu? Lúc này tôi có thể làm việc khác mà. Đứng giữa lòng chảo thì không ai ngồi yên được. Tôi từng đọc trong giá sách của mình một câu chuyện thế này. Người thầy giáo ưu tú đã sống cuộc đời của một đức cha liêm trực. Được học sinh kính trọng, cấp trên tin dùng, bạn bè rào đón. Gia đình người thầy sống trong đầm ấm. Cuộc sống mưu sinh không đủ bão để người thầy phiền lụy đến mức phải nốc rượu cùng mảnh gương mang khuôn mặt mình. Mọi sự đều đẹp và cuối đời cũng chẳng có sóng gió gì. Chợt một ngày người thầy này bỏ nhà đi nhiều tháng. Người nhà và bạn bè ông tìm không thấy. Đài báo cũng đăng tin tìm thân nhân. Và cũng nhiều tháng sau, họ nhận được tin ông đang sống ở một vùng quê hẻo lánh với gia đình mình. Một gia đình mới xây dựng. Chưa có chứng nhận của địa phương nhưng đấy là một gia đình. Mọi liên lạc sau đấy cũng đứt đoạn. Chẳng có ai tìm về vùng quê. Người thầy cũng chẳng định bắt một chuyến xe để về nhà, dù chỉ để nhìn người nhà mình một cái rồi đi hẳn. Người nhà tìm thấy nhiều bút tích trong phòng người thầy giáo. Số giấy tờ dường như được viết từ rất lâu. Là bí mật. Giờ thì nó được khui ra và đọc lộ hết. Dòng cuối cùng trong trang giấy cuối cùng. Sau đấy người nhà tìm một tấm ảnh với nụ cười thật hiền, thật gần gũi và đưa vào bàn thờ. Họ đốt hương, và hàng năm vẫn đốt hương. Ở một câu chuyện tương tự. Một bà cụ nọ cả một đời sống cực khổ. Nuôi chồng ốm, con què. Chưa bao giờ cụ gây chuyện, hùa thành đám để phán xét một kẻ chợt lọt vào chuyện trà dư tửu hậu. Trong nhiều năm như thế bà cụ được mọi người biết đến là một người trung hậu. Cũng trong một ngày kia, bà cụ cầm dao giết đứa con và người chồng già của mình. Rồi, cụ xoay ngược dao. Một nhát, và nằm xuống.

 

     Tôi có thể lùi xa đến mức nào khi kéo ra bức màn của sự thật. Kẻ viết văn có thể trong suốt như pha lê không. Bởi cơn đói đã cồn cào và gào lên những tiếng man rợ, thế nên chúng ta phải chấm bút vào bùn thối. Khí trời, rong rêu, nước mưa chẳng cứu đói được. Chúng ta phải tìm đến những món ngon, đủ dinh dưỡng, protein để ních vào bụng. Sẽ có đủ năng lượng để sống, nhưng cũng chẳng no được. Cả khi ngốn đến căng phồng bụng, thì vẫn đói. Mỗi cơn đói thì dai dẳng theo tháng năm, ăn vào đến tâm tủy những ai còn biết rằng nó sẽ không mất.

     Bức thư viết tay đã xong. Trước khi nhét vào phong bì, tôi đã kiểm tra một lèo. Đọc, rồi thấy ái ngại vì những dòng mình viết. Thật sướt mướt, ủy mị và còn điêu trá nữa. Tôi đã lấy nước bôi nhòe con chữ. Tất nhiên tôi chỉ bôi cách đoạn, và ngẫu nhiên như nước rơi từ đám mây. Cuối tuần này, thằng út sẽ về, sẽ mở hòm thư. Tôi sẽ thanh toán được khoản nợ nần trong tháng này.

 

     Chưa thể đi ngủ ngay vì tôi vẫn chưa quên mình đã mất sạch ba mươi hai nghìn. Sau một giấc ngủ thì mất béng nửa ngày. Bữa cơm chiêu đãi của một bạn văn dù chẳng no được nhưng thế cũng đủ cầm hơi để ngồi vào bàn viết. Ba giờ sáng. Vài tiếng nữa là sang ngày mới. Chưa thể nghĩ phải xoay đâu tiền để cái bụng chịu để tôi yên. Suy tư hồi lâu tôi tạm bỏ cuộc. Uống một hớp nước, tôi thấy tinh thần phấn chấn hơn. Một chữ đánh lên giấy. Thêm một chữ nữa. Một dòng viết hình thành, rồi tuần tự từng dòng được quét lên giấy, dày từ từ. Như tên mù nghe thấy tiếng hát, tôi ngụp lặn trong những tưởng tượng. Luồng sức mạnh cuồn cuộn trong tôi, thúc giục cơ bắp tôi phải làm việc. Mọi tư tưởng đều thông suốt. Giờ đây đến một lọn gió nhỏ tôi cũng không để thoát. Hình ảnh được tôi nhai đầy miệng. Đầu tôi mở ra nhiều quang cảnh. Tôi đang bơi.

*

     Khiếm Thư là bút danh tôi dùng, cũng là tên tôi. Mười năm ròng tôi sống mái với cái tên này. Trong chứng minh nhân dân, sổ hộ tịch, thẻ ngân hàng hay một căn cước bất kì...Tôi mang tên khác. Một cái tên, được đặt và ấn định vĩnh viễn vào tôi kể từ lúc chào đời. Thế nhưng, Khiếm Thư…Đã từ lâu tôi coi là tên chữ mình. Một cây nến cháy rụi, thế đã hết mười năm. Già đi và không thể chơi thú nhún, trốn tìm, mặc áo chuột Mickey hay mắc lỗi cười xòa là hết chuyện. Mười năm. Tôi gánh giấy bút trên lưng và bước vào văn trường. Tôi vẫn chưa thể thành nhà văn. Tôi chỉ là một kẻ viết văn hành khất. Được đồng đạo gọi là nhà văn thì họ đã quá phỉnh nịnh tôi rồi. Mọi bản thảo cần thiết phải công bố, tôi đều công bố. Những tập sách in chung, đăng báo, rồi lại được in chung. Tập truyện đầu tay của tôi được một nhà văn lão thành viết tựa. Sách không bán được. Tôi tặng đi nhiều. Và cũng nhiều lần tôi gặp lại cuốn sách của mình trong gánh đồng nát, một điểm thanh lý sách báo bán theo cân, dưới gầm giường người bạn hoặc trong nhà xí, cũng của người bạn. Tôi đoán chừng chữ tôi viết chẳng thấm được vào đâu. Người nhà tôi chẳng đọc lấy một chữ. Nể tôi lắm, họ mới mở một trang, rồi gấp lại, để như cũ. Tôi không trách họ, vì giờ đây, tôi là Khiếm Thư. Một gã điên viết văn lạc loài chứ không phải đứa con cháu dấu yêu của dòng họ. Những bạn văn. Họ luôn gật khi tôi hỏi. Nếu tôi hỏi thêm, thì nhận được một câu “Được.” Chỉ một câu đấy. Và chấm hết. Lúc khác, tôi ngồi cùng những bậc trưởng bối trong làng văn. Một mâm cỗ đầy đủ rượu thịt. Họ uống, gắp đồ ăn, vỗ đùi bôm bốp rồi tán thưởng tôi. Tôi nghe, và ngỡ ngàng vì không biết họ nói về những sáng tác của mình, của ai đấy hay chính họ. Vì rượu còn, nên họ còn nói tiếp. Nhà này, nhà kia đang cố tết cánh cho tôi bằng giấy màu, bằng bít tất hay bằng lá cây? Tôi muốn đạp tung cả bàn nhậu, để nồi lẩu đang sôi ùng ục kia lột hết da bẩn của họ. Rồi sau đấy, tôi sẽ mang chính cuốn sách của mình, xé tan nát trước mặt họ.

     Tôi đã không làm thế. Ý nghĩ tôi chỉ như thế. Tôi còn cười, tỏ vẻ cảm động vì đã có những bậc thầy văn chương chịu làm độc giả. Tôi. Té ra chỉ là con bọ chét núp dưới lông chuột.

     Từng có người chỉ định tôi viết về những tấm huân chương trên áo. Đấy quả là một nhã ý. Và tôi, cũng viết thành truyện. Tôi gửi cho ông ta. Đọc xong, ông ta gửi lại tôi một lá tâm thư. Đầu tiên, ông ta nói rằng tôi chỉ là một tên nghiệp dư. Tôi gật. Vì đúng là thế. Tiếp, ông ta nói rằng tôi không sinh vào thời chiến, người nhà tôi rặt những kẻ đào ngũ. Tôi cũng gật. Cho xong. Dòng nữa, tôi nhận được những lời mỉa mai, khi ông ta trích dẫn nhiều dòng viết của tôi.

“Đấy là những cục máu của đồng đội…Những tấm huân chương, chà chà, được khắc tinh xảo chưa này. Quả đúng đấy là kiêu hãnh vì chiến thắng, nhưng gượm lại, một giây thôi, nhìn đằng sau đi, những cái ao thịt người…Cái áo với đủ loại bội tinh này, được ngài đính lên áo. Chúng đẹp, óng ánh như tỏa nắng, và còn có trọng lượng. Nhưng từ đấy, tôi không thấy ngài quay đầu lại ra sau nữa. Ngài chỉ đi thẳng. Ngài bịt tai, ngài cúi mặt, rồi ngài lại đi thẳng…” Tôi viết thế. Còn ông ta nhấn mạnh rằng “Mày làm thối văn chương. Đồ mất gốc, tên quái thai, thằng phản động…” Bài tôi không được dùng. Cũng từ hôm đấy, tờ báo đấy không bao giờ đăng bài tôi.

     Sau lần đấy, mấy tháng liền tôi chẳng đăng được đâu. Bài vở gửi đi rồi mất tiêu. Tôi lâm vào đói kém. Chẳng thể nương nhờ chỗ bạn bè lâu quá một ngày. Bí đường, tôi phải tìm đến thằng út.

     Thằng út có nhà trên Hà Nội. Nhà nó cách chỗ tôi hai mươi cây. Hai anh em, nhưng chẳng mấy lần gặp. Thằng út làm kinh doanh, công tác thường xuyên. Còn tôi, một tên viết văn quèn. Chẳng mấy khi ra ngoài. Gọi điện cho thằng út rất khó. Vì nó bận, cũng vì máy tôi luôn bị mất sóng khi gọi ngoại mạng. Như mọi lần, tôi gửi thư vào hòm thư trước cửa nhà thằng út. Nếu vợ nó ở nhà, tôi có thể mượn được chút tiền.

   “Mỗi lần túng thiếu, anh em mình lại có dịp hội ngộ.”

   “Anh nhớ mày nên đến thăm thôi.”

   “Lần nào anh cũng nói thế. Tôi không đánh dấu mỗi lần anh đến thăm đâu.”

   “Cha vẫn khỏe chứ. Mẹ còn ốm vặt không. Anh nhớ họ quá.”

   “Anh sống tử tế cho tôi nhờ.”

   “Mày nghĩ anh tồi thế hả…”

   “Thôi, anh đến là tốt rồi. Ở lại dùng bữa với vợ chồng tôi đi.”   

     Vợ thằng út là người tỉnh lẻ. Tuổi không chênh thằng út mấy. Không đẹp, nhìn rắn rỏi. Dù giọng Bắc rất sõi, nhưng đôi lúc vẫn vấp ngọng. Ít nói, ít cười, nhưng lại tuyệt đối ân cần dù với thằng út, hay với tôi. Mỗi lần đến đây, tôi đều được đãi một bữa ra trò. No bụng ra về, và túi còn rủng rỉnh. Thằng út nhiều lần đã cấm cửa tôi, nhưng tôi đến, nó vẫn tiếp. Trên nội thành, tôi còn một người họ hàng xa. Chưa bao giờ tôi muốn ghé vào đấy. Luôn là chỗ thằng út. Số tiền tôi vay ngót cả chục triệu. Thằng út chưa một lần đòi. Còn tôi, cũng chẳng định nuốt không. Đã có năm tôi kiếm về bộn tiền. Hầu như tuần nào cũng có đăng. Nhiều nhà xuất bản xin bản thảo, tái bản. Nhiều người nhờ tôi sửa và viết giúp phần thiếu bản thảo. Tôi gật, vì ra tiền. Truyện ngắn tôi sửa chữ, cắt câu thừa, thêm chi tiết. Tiểu thuyết thì nhọc hơn vì phải viết thay một nửa. Lúc công bố, tên tôi không được nhắc đến dù là vài chữ đề tặng ở đầu (Hoặc cuối) sách. Đấy là thỏa thuận. Tôi gật, vì ra tiền. Số bản thảo đấy được chọn in, và có ngay tiếng vang. Ngày hội thảo, tôi không được mời, cũng không được báo. Một cuốn sách ký tặng cũng không. Khách đã gửi tiền, và việc tôi đã xong.

     Một trăm triệu Việt Nam đồng. Đấy là số tiền tôi tính chẵn trong năm đấy.

     Tôi gửi trả thằng út số tiền mình vay ngày trước. Vốn định rằng sau này tôi sẽ không làm phiền thằng út nữa. Thế nhưng…Tôi còn phải củng cố nhiều mối quan hệ. Kết thêm bạn văn, thiết đãi những ông lớn trong văn giới mà nhờ họ tôi mới có mối làm ăn, mới có dịp được xuất hiện. Hội thảo, tiệc tùng, rồi lại hội thảo. Và, như đáp lại những bữa no, những lời ngưỡng mộ, sùng bái xuẩn ngốc của tôi, họ đã đệ bút nhắc đến tên tôi. Chỉ là việc nhắc tên. Một cái tên thôi, chỉ thế. Với tôi thế chẳng đủ, nhưng ít nhất, tôi còn được có tên trên cõi văn chương này. Một thời gian sau, tôi lại tìm đến nhà thằng út. Tôi nhét thư vào thùng thư trước cổng. Rồi thì tôi đợi, ngày thằng út gọi và nói có nhà….

*

     Tôi đang cố nhích lên một phân. Chân tôi tê cứng lại. Cả ngón tay, đầu, các cơ bắp đều trơ bại ra. Tôi ở yên thế. Chẳng đi, cũng chẳng lùi. Chỉ một chỗ, giống như trước nay vẫn thế. Bất động như cái cây chết, cũng như tên lính quèn bị ánh mắt Medusa quét trúng. Lần thứ bao nhiêu rồi tôi chong đèn trước bàn máy tính, để gõ xuống văn bản con chữ trong đầu mình. Cửa sổ chưa được đóng, chốc chốc lại bập ra bập vào vì gió. Đường xá giờ này chắc chẳng còn ai. Mọi gia đình trong khu đều đã ngon giấc. Bên vợ, chồng, hoặc đứa con nhỏ của mình. Riêng ngôi nhà tấp lè tè, không ban công, cũng chẳng hàng rào, cổng sắt của tôi là còn sáng đèn. Trong ngoài nhà chỉ có mùi hôi, tiếng thở của tôi. Giờ, tôi là kẻ sống sót trong đêm đen.

     Sáu tiếng đồng hồ trôi qua. Tôi chỉ viết ra những câu chuyện ngớ ngẩn về tình yêu, tình thầy trò, những mẩu văn sáo rỗng…Một truyện ngắn, tưởng chừng là tâm đắc nhưng tôi vẫn phải cắt xẻo đi ít nhiều. Những chi tiết sắc, nhưng không được gây máu. Được phép đấm mạnh, nhưng cấm để lại tật. Các câu từ tối nghĩa, tuyệt vọng phải lóc đi để đắp lên thứ hi vọng bốc mùi. Những trầm tích, hóa thạch thì mãi xanh trong. Bụi bẩn, và xương xẩu được phép có nhưng vẫn phải nằm trong một vòng tròn được vạch bằng gậy Như Ý. Tôi cúi đầu mà viết. Có lúc, tôi tưởng những ngón tay đang gõ chữ đều có cấu tạo như cái lưỡi, đều không xương, đều mềm dẻo, tùy biến như con đỉa. Những thứ này sẽ mang tiền lại cho tôi. Điều này thật thiết yếu, vì tôi còn phải ăn, phải mặc, phải đi lại. Những cuốn sách trên kệ chẳng cổ súy cho tôi. Các đấng thiên cổ đang ngoái nhìn tôi từ cuốn sách đấy ư? Hẳn họ giận giữ lắm, và khi mở trang sách, nhìn tấm chân dung của họ, tôi lại thấy nỗi hổ thẹn khôn cùng. Dù là Tolstoi, Michelet, Caver, Golding hay ai chăng nữa…Cũng chẳng để chừa cho tôi một chút khoan hồng. Họ trừng phạt tôi bằng những gì họ đã ban cho tôi. Văn chương của họ. Những khát vọng, tự do, luận triết, tiếng khóc đau đời…Những thứ đã nuôi lớn lương tri tôi. Rồi sau đấy, tôi mở lại sách. Đọc để thấy rằng họ đã làm gì và rằng tôi đã hủy diệt đời văn mình tàn bạo thế nào. Tôi vẫn phải viết thế. Vì để sống.

     Trong ổ máy vẫn còn hàng chồng bản thảo. Đã xong. Chỉ đợi in ra và tiêu thụ. Những trưởng bối của tôi, tôi đều gửi đọc. “Nhà văn trẻ này! Cậu đang trong tuổi trẻ, cần yêu nhiều và khát khao nhiều. Sao phải lão suy sớm thế này”, “Tôi đọc mấy cuốn trước, thấy còn khá hơn bản thảo cậu gửi. Thú thực, tôi chẳng hiểu cậu bày bừa cái gì nữa”, “Đây là viết ư…” Tôi luôn nhận được những lời như thế. Đấy là lần đầu tiên tôi gửi bản thảo, gọi là hẳn hoi của mình. Bị khước từ. Bị gửi trả. Bị bỏ sọt rác. Một bản thảo hỏng ư? Tôi gửi thêm. Vẫn thế. Gửi thêm một bản thảo khác. Người biên tập nói không dùng được. Số bản thảo này, tôi từng nhiều lần in giấy. Để đọc, biên tập lại hoặc đem gửi đâu đấy. Nhiều trang bị tôi gạch nhem nhuốc, viết đè lên trên, xé, hoặc khoanh dấu để viết thêm. Đến giờ bản thảo vẫn chưa hoàn thiện. Một thiên tiểu thuyết dang dở. Tôi mới hoàn thành phần thứ nhất. Dù thế, tôi để kết đóng. Ý tưởng về phần tiếp theo đã có. Tuy vậy, tôi vẫn muốn được công bố phần đầu. Danh chính ngôn thuận xuất hiện thành sách. Đường hoàng trở thành tác phẩm văn học thực thụ chứ không còn là bản thảo, nháp, và giấy rác. Tôi có nhiều sách in ra. Tên tôi chìm nổi bất thường nhưng đã nhiều người biết. Một tác giả, như vô vàn tác giả lúc nào cũng nhan nhản chờ được điểm mặt. Cuốn tiểu thuyết này sẽ là dấu ấn của tôi. Tôi đã viết bằng hết tinh thần. Hoàn toàn khác với lúc phải gò mình mà viết. Vì tiền, và vì sinh nhai. Cực nhọc hơn nhưng tôi lại thấy mình đắm chìm trong những hoan lạc. Tôi cẩn trọng trong việc dùng từ. Khi viết một dòng, một tình tiết thấy rằng quen thuộc, tôi dừng viết lại. Tôi ngồi đấy, cố nhớ mình đã viết điều này chưa, hoặc từng đọc ở đâu. Nghĩ không ra, tôi lục tìm trên mạng, hoặc sách. Thế là, trong nhiều đêm dài tôi chỉ viết được đôi dòng, đôi chữ. Từng có lần tôi viết năm mươi trang một tối. Rồi cũng chính hôm sau, khi đọc lại, tôi xóa hết năm mươi trang đấy đi. May mắn lắm thì một đoạn, hoặc một chữ được giữ lại. Cuốn đầu tiên của tiểu thuyết đã xong. Không thể in, đành xếp xó.

*

     Số tiền cỏn con tôi vay được từ mấy chỗ quen đã không đủ nữa. Trước khi ra khỏi nhà, đã có người gọi cửa. Đấy là bà già thu tiền điện. Nhòm qua lỗ cửa, tôi thấy một người nữa. Một bà cô già khác. Chắc cũng đến để thu phí sinh hoạt từ tôi. Vì đèn tắt hết, nên họ nghĩ tôi không ở nhà. Lúc điện thoại reo, tôi cũng không nghe máy, dù tôi luôn mang nó bên mình. Cửa khóa trái, không đèn đóm, điện thoại reo rồi tự ngắt đã  khiến mấy kẻ ngoài nghĩ tôi vắng nhà thật. Rồi họ đi. Kéo nhau mà đi trong ngao ngán vì một khách hàng mặt dày. Đợi nửa tiếng, tôi mới thực sự ra ngoài. Hai chuyến xe bus. Đến nhà thằng út, tôi không gọi được ai. Chuông tôi bấm đến đỏ ngón tay, cửa vẫn im ỉm. Chỉ còn tôi với ngôi nhà ba tầng đóng mọi cửa nẻo. Cái hòm thư kia. Miệng hòm sâu hoắm, lúc nhét thư tôi thấy tay mình kẹt lại và trôi thẳng vào đấy. Rồi, tôi gỡ tay ra được và đi về. Không còn tiền để đi xe bus nữa. Có lẽ phải cuốc bộ. Rồi bữa chiều sẽ ra sao đây. Lại vay tiền, ăn chực hay bán thứ gì đấy ở nhà…

*

     Trong nhà, tôi là con cả. Trong gia đình, cha tôi là con trưởng.

     Quê tôi ở ngoài Bắc. Chỉ một chuyến xe khách là về đến quê. Lâu rồi, tôi chưa trở về đấy. Mấy người nhà vẫn điện cho tôi nhắn rằng trở về. Cha tôi bắt đầu già đi, và tôi phải về nhà. Phải kết hôn, phải sinh con, phải nối giống. Thằng út cũng là con trai. Tuy nhiên tôi là cả. Ông lớn trong họ. Ngai họ Nguyễn chỉ dành tôi ngự. Cờ họ Nguyễn chỉ tôi được kéo.

     Lâu rồi. Đợt tôi về thăm nhà. Trên dưới họ chào đón. Trách rằng tôi đi lâu quá. Rồi thì chuyện đám cưới. Chuyện sinh con. Việc mưu sinh trên thành phố là do tôi quyết. Chẳng ai phản đối tôi cả. Ngay đến người cha gia trưởng cũng không can. Nhưng khi ông nghe tôi muốn làm nhà văn thì giận đùng đùng. “Thật hão.” – Cha nói thế. “Đây là đường con chọn. Con sẽ sống còn vì nó.” – Tôi đáp. Cha vẫn rất giận. Cha vẫn biết tôi mê đọc sách, chỉ không tưởng tôi muốn làm nhà văn. Thời học sinh tôi học giỏi văn. Được đi thi thành phố. Có bằng khen. Được lên truyền hình. Ngần ấy hãnh diện chẳng đủ để cha tán đồng tôi đi vào con đường ngoặt nghèo, đói kém này.

   “Văn chương nham hiểm vô cùng.” – Cha chỉ nói đến thế.

     Ở quê nhà, ông đã lo hết mọi công việc cho tôi. Việc làm trên xã. Một chỗ cứng cựa, nơi ủy ban. Cha có nói chỉ cần tôi muốn thì chỗ nào dưới quê ông cũng lo được. Tôi nói rằng muốn lên thành phố để học và phát triển đường văn. Cha lắc đầu, rồi tôi đi. Lúc đầu ông chu cấp tiền bạc. Xong khóa học viết văn. Một hôm, cha điện thẳng tôi và nói “Anh bỏ nhà, thì hãy để một đứa cháu cho dòng họ. Tôi sẽ nuôi. Họ Nguyễn sẽ nuôi.”

   “Con còn nhiều việc phải lo.”

   “Mất anh không sao, nhưng đừng để cả dòng họ phải để tuyệt nòi vì cái trò văn chương của anh.”

   “Còn thằng út mà cha.”

   “Thế anh có về không!”

     Tôi lưỡng lự. Cuộc gọi chững lại. Một phút. Mười phút. Hai mươi phút. Rồi cha gác máy. Chỉ một tiếng “Cạch” khẽ, nhẹ, và êm. Tôi mất nhà từ đấy.    

     Không còn tiền viện trợ. May rằng cha chưa lấy đi ngôi nhà ông đã sắm cho tôi khi lên đây học. Lâu lâu, lại có điện thoại từ nhà goi. Cha không cầm máy. Là mẹ, ông chú hoặc bà dì tôi. Họ luôn mong tôi về. Cũng chính những người ruột thịt đấy đã giúp tôi mỗi lần tôi đói kém. Điều kiện là tôi phải về. Chỉ thế. Còn tôi thì luôn cầm chừng. Đến bây giờ thì chẳng còn cuộc gọi nào nữa. Không thư, không điện tín, không gì cả. Thằng út là phao cứu sinh của tôi. Thiếu nó, tôi chẳng biết xoay sở thế nào. Số bạn mà tôi kết giao chẳng giúp gì được tôi. Những bữa ăn nho nhỏ. Rồi tôi phải mời lại họ đại tiệc. Ở chính nhà mình hoặc một quán xá nào đấy (Có lần chúng tôi còn đi bia ôm, Bar hoặc nhà thổ.) Hàng chục cuộc nhậu nhẹt. Đổi sách. Chữa thơ văn. Viết bài tâng bốc. Đổi lại để họ truyền cái tên tôi vào tai nhau. Người này qua người kia. Báo này qua báo kia. Hội nghị này qua hội nghị nọ. Từng có lần tôi phải nhượng lại cô bạn gái cho một lão nhà văn già, đã về hưu. Sau một đêm thỏa thú dục. Năm đấy, tôi được giải cuộc thi X. Chỉ là khuyến khích. Rồi tôi được phỏng vấn. Được lên báo. Được mời đi trại sáng tác. Được gọi là nhà văn trẻ…

     Cô bạn gái đấy đã bỏ tôi đi. Trinh tiết cô ấy giữ cho tôi và tôi hiến nó cho lão nhà văn. Sau này, tôi không yêu thêm một người con gái nào cả. Những cuộc tình sau, chỉ vì hứng tình. Tôi không ngại qua đêm với những ả văn sỹ nửa mùa. Chỉ có sự kinh tởm, và sự trục lợi danh tiếng trên những cái xác già nua. Thằng út không mấy khi đọc sách của tôi. Nó bận việc. Một cái cớ quá ổn. Chuyện cô bạn gái tôi chỉ kể với thằng út. Chỉ nó. Tôi mong thằng út chửi mắng, đấm tôi một cái đau, hoặc là, nhổ nước bọt thẳng vào cái mặt tôi. Tôi đợi. Và vô ích. Nó chỉ nghe, rồi chẳng nói gì. Lúc tôi đi về, nó mới lên tiếng. Lời đầu tiên, cũng là lời duy nhất trong suốt buổi gặp mặt.

   “Anh sống tử tế cho tôi nhờ.”

     Lúc đấy, tôi nghĩ. Tôi không muốn sống tử tế. Tôi chỉ muốn viết tử tế. Nhưng tử tế được chưa…

*

     Suốt một thời gian dài, tôi không hề đụng đến sách. Tôi chỉ nằm nhà. Nếu có bạn văn gọi, thì tôi ra ngoài. Tôi đợi mãi. Chỉ có tin nhắn rác, một số gọi nhầm. Gần đây danh tiếng của tôi đang đi xuống. Không đăng, không in. Những tọa đàm, hội thảo tôi cũng không được mời nữa. Tên Đông vẫn gọi cho tôi, nhắc về việc gửi bài. Tôi chỉ gật, rồi chần chừ mãi không viết. Lần thứ hai gã gọi. Vào đúng sáng qua. Tôi đang ngủ nhưng cũng bật máy. Lần này gã muốn tôi hợp tác. Một cuốn tiểu thuyết, mang tên gã, và do tôi viết. Nội dung gã sẽ đưa tôi, còn việc viết thì do tôi chắp bút. “Tôi có quyền duyệt.” – Gã nói. Tiền viết sẽ hậu hĩnh. Đủ để tôi no một chốc. Trước đó, tên Đông ra mắt tập thơ. Như tôi nghe từ chỗ tin cậy thì gã đã xin thơ. Phải rồi. Xin thơ của người khác, rồi gộp làm của mình. Gã không xin bằng miệng. Tôi chắc chắn. Thơ in rồi. Xuất bản rồi. Đã tổ chức hội thảo. Đã có bài phỏng vấn. Và đã có tiếng. Tập thơ đó, tôi có được tặng. Chữ kí tác giả bằng nước mực đỏ. Nhìn nguệch ngoạc như người ta viết Hán văn. Đọc vài trang, tôi vứt xó. Đều là thơ bút tre. Còn tạp nham vì gom góp của nhiều người. Theo thông tin từ buổi hội thảo thì tập thơ đấy được đánh giá là triển vọng, đa dạng và tiềm năng.

     Tôi gác máy trong khi tên Đông còn luyến thoắng. Gã có gọi thêm vài cuộc. Không nghe, cũng chẳng gọi lại. Giờ đây tôi hơi khát nước. Ấm chẳng còn nước. Mấy chai nước dự trữ trong tủ cũng hết từ lâu. Quá mỏi người, và chẳng muốn tìm ấm đun nữa. Tôi trở lại giường. Nằm trở lại như lúc trước.

     Một chữ hiện trong đầu rồi chảy tuột đi. Tôi cố nhớ lại. Và không được. Phòng tôi tối ngòm. Bởi trăng bị chôn trong mây đen. Cũng bởi tôi không để đèn. Mắt tôi vẫn mở. Thực ra mở hay đóng mắt thì cũng vậy. Chỉ một màu thui đen. Từng nhiều lần tôi lâm vào cảnh này. Túng quẫn. Mất sinh khí. Dù thế, tôi vẫn gượng dậy vì một ý tưởng lóe trong đầu. Chỉ một hình ảnh nhỏ. Một câu ngắn. Một cảnh truyện mới manh nha. Chỉ thế thôi. Điều này với tôi còn rực rỡ hơn bình minh. Tôi vực dậy được sau cú táp của rắn Taipan. Như tìm được xuồng, đốt được lửa, đến được Zenrin-Ji(2) và tôi hồi sinh.

     Những phút quý giá đấy tôi không thấy lại nữa. Nó qua mất rồi. Tôi cứ đợi mãi.

*

   “Không phải anh. Khiếm Thư thì không thế này.”

     Chỉ câu này. Những bạn văn mà tôi tin cậy. Tôi có gửi nhiều nơi khác thì bặt vô âm tín. Các nhà xuất bản quen không nhận in. Tiểu thuyết chưa có tên. Tôi không nghĩ việc thiếu tên là lý do không in được. Cuốn này, tôi viết bốn năm ròng. Nó được tập hợp, sửa chữa, phát triển từ các tiểu thuyết cũ, còn dang dở. Không một ai biết về bản thảo này. Tôi lén lút viết nó. Viết dai dẳng trong nhiều đêm. Viết trong cơn đói bào dạ dày chảy máu. Viết khi máu tôi còn sôi, dầu trong đầu còn nuôi được lửa. Giờ thì cuốn sách đã xong. Và đến lúc phải công bố. Số bạn văn tôi gửi đọc thấy phật ý. Theo họ thì cuốn sách này ngang ngược, bố láo và có tính phá hoại. “Không giống Khiếm Thư.” – Lời nhận xét cuối cùng tôi được nghe.

   “Thế nào là phá hoại?” – Tôi hỏi.

   “Văn chương cũng có luật. Như cái vòng kim cô của Tề Thiên Đại Thánh.”

   “Văn chương cũng cần dân chủ.”

   “Dân chủ thì cũng cần luật. Cậu đang phá luật. Cũng phá tiền đồ của mình đấy, Khiếm Thư!”     

   “Nghĩa là viết phải ngó trước, ngó sau, như thằng ăn trộm?”

     Anh bạn đấy không giải câu hỏi của tôi. Cũng không bạn văn nào cho tôi một câu đáp thuyết phục. Khi ấy, mấy người họ nhìn nhau, cùng lắc đầu. Nhìn nhau chán, họ nhìn sang tôi. Cũng lại lắc đầu, cùng nhau. Mấy trưởng bối tôi cũng gửi đọc. Mười tuần trôi qua, tôi không thấy hồi âm. Lúc hỏi, họ nói “Sẽ đọc.” Tôi còn phải chờ. Tôi lại quên. Họ bận trăm công nghìn việc, và luôn thiếu thời gian.

     Để viết cuốn tiểu thuyết này tôi đã thiêu đốt toàn bộ thời gian và sức lực. Mọi vốn liếng, của cải tôi mang ra cược hết. Viết xong, đầu tôi trắng xóa. Và bây giờ, tay tôi cũng trắng xóa như thế. Tôi lục túi, lục từng cái quần, từng túi áo và xới tung hết đồ đạc, dò xét từng gậm bàn, chân ghế. Không một đồng nào kẹt lại.

     Không thấy thằng út gọi đến. Cũng không vay mượn được ở đâu. Tàn bữa rượu, mấy bạn văn vẫn nhắn nhủ tôi rằng “Hãy là Khiếm Thư mà chúng tớ biết. Về nhà lúc trời còn chưa tối.” Từng người rút khỏi bàn rượu. Người bạn tôi quý nhất nhìn tôi, xòe tay. Thấy tôi ngồi im, cậu ta chỉ lên trời, và bảo “Đầu súng trăng treo.”(3) Thấy tôi vẫn ngồi im, trong khi nhân viên quán đã mang hóa đơn đến, họ đành lắc đầu. Không có Mạnh Thường Quân. Mỗi người móc túi, áng chừng tiền rồi góp vào. Một tên bảo chỉ uống nên sẽ đóng ít. Có tên xin khất, nói khi nào lấy nhuận bút sẽ trả. Tôi còn ngồi. Bọn họ thì đã đi. Bá vai nhau, vẫy tay sang đường. Đèn đỏ. Đèn xanh. Xe đi. Xe dừng.  Không còn thấy ai nữa.

     Ngồi một lúc, tôi cũng đi. Đã mười một giờ đêm.

     Về đến nhà, tôi bật đèn. Không thấy sáng. Tiếng lách tách kéo dài. Hồi lâu thì dứt hẳn. Tôi dò dẫm, lúc sờ được ra giường thì nằm vật xuống.

     Sáng hôm sau, tôi vào nhà tắm. Mở vòi. Không thấy nước chảy.

   “Còn một ngày nữa mới hết tuần kia mà.” – Tôi làu bàu.

*

     Bức thư viết trong lúc đói meo. Chữ mất nét, đi trượt hoặc tụt xuống dòng kẻ ngang. Được nửa bức, tôi chẳng nghĩ thêm được gì. Vò đầu. Rứt hàng chục sợi tóc. Đầu vẫn ong ong. Một cái vò tay, hoặc xé đôi sẽ kết liễu bức thư. Cũng chấm dứt nỗi ngao ngán đang dồn cục dưới cổ tôi. Bụng tôi kêu óc ách. Mắt mờ đi như gã cận mất kính. Đến cái điện thoại cũng đã cạn sạch pin vì không có điện sạc. Tôi cắn đầu bút. Rồi lại viết. Viết xong thư, tôi chẳng buồn đọc lại. Tôi nhét thư vào phong bì rồi ra ngoài bắt xe Bus.

     Xe đến. Cửa xe mở toang. Một chân đi lên, rồi lại bước xuống. Tôi lục lại túi quần, túi áo. “May mà còn chưa lên.” – Tôi thì thầm, rồi đi khỏi trạm dừng xe.

     Hết dãy phố này, là hết một quận. Ngã tư chật cứng xe. Chẳng thể lách nổi để sang kia đường, tôi bỏ con đường này. Đường bên kia cũng thế. Tôi lau lại mắt kính. Vừa đi, tôi vừa nhìn ngó các khu nhà. Rồi tôi nhớ xem mình có quen ai sống gần đây không. Một người quen đôi lần cũng được. Miễn là kẻ đó nhơ nhớ mặt tôi thì tôi sẽ có cách làm thân. Ăn chực, rồi mượn tiền. Mấy tòa nhà. Thấp và cao. Lè tè, hoặc kín cổng cao tường. Kiến trúc Châu Âu, nhà gạch phố cổ. Đều lạ hoắc. Tôi lại đi, rồi nghĩ ngợi tiếp về một bản mặt quen.

     Thằng út.

     Sau một tiếng, tôi đã đến được cổng nhà thằng út. Tôi rút lá thư, rồi nhét lại vào túi. Hôm nay tôi không phải đến để gửi thư. Một hồi chuông dài. Bấm vài hồi nữa. Thấy trong ngoài cửa vắng teo, tôi gọi tên thằng út. Dù mệt, tôi vẫn cố gọi thật to. Tiếng bị đứt nửa chừng. Tôi ho, rồi thấy giọng bị khản.

   “Không có ai ở nhà đâu mà gọi.” – Một ông già sống gần đấy nói với tôi.

   “Ông có biết bao giờ thằng út về không? Cháu là anh nó. Có việc gấp ở quê.”

   “Chắc chẳng về nữa. Nhà này bán rồi.”

     Tôi hỏi thêm thì ông già lắc đầu. Một cái lắc đầu, và mọi hi vọng tan nát. Chẳng nghe được thêm gì nữa. Một cái hít thở lúc này cũng khó khăn quá. Tôi nhìn ngôi nhà. Nhìn cổng, nhìn tường, nhìn hòm thư. Rồi tôi rống tên thằng út. Tiếng tôi vọng cao rồi mất hút vào không trung.

     Chiều tối, trời mưa. Tôi chưa về nhà. Tôi còn ngoài đường. Chẳng che đầu. Chẳng mua ô, áo mưa. Cũng chẳng tìm chỗ trú. Chỉ đi và chỉ một mình. Mắt bị mưa rơi trúng, tầm nhìn nhòa đi và mù mờ dần. Việc nhịn đói hai ngày trời, đi bộ cả đoạn đường mười lăm cây số đã rút triệt sức lực của tôi. Mắt mờ. Tai ù. Chân tay bải hoải. Đầu tôi thì nhức mỏi đến mức một hạt mưa rơi vào cũng đau như búa đập. Áo quần tôi ướt nhẹp, các lớp vải dính chặt như ăn vào da. Sau một ánh chớp, mưa to hơn. Hạt mưa ngày một to, xối ngày một mạnh. Chưa bão đâu nhưng mưa to quá. Một cành cây bị gió cắt, gãy lìa và rơi xuống đầu tôi. Chẳng biết có chảy máu không, nhưng đau. Lại có tiếng gì đấy ở bên ngoài. Rất to. Rất loạn. Tôi chẳng nghe ra nữa. Lúc một ánh đèn quét qua, và làm mắt tôi bừng tỉnh chốc lát thì một cơn đau lại nhói lên. Rồi thì tôi không biết gì cả. Trận mưa đã đánh gục tôi.

*

   “Sao thế nhỉ?”

     Một chân không nhấc được. Chân còn lại cũng chẳng nhúc nhích được. Tôi không thể lết đi bằng tay vì nơi này hẹp và uốn theo một vòng tròn nhỏ. Tiến, lùi, sang trái, rẽ phải đều bị cộc đầu. Thành ra tôi chỉ ở yên một chỗ. Chỉ còn một lối để tôi thoát khỏi chỗ chật hẹp này. Phía trên kia. Bởi nơi này có tối mấy đâu. Chỉ nhá nhem như bầu trời chiều bị mây đen lấp. Trên kia có một điểm sáng, giống như cửa thông gió. Ánh sáng chẳng chói gắt như nắng tháng tám. Càng không dịu, hoặc lờ mờ như bóng trăng. Một luồng sáng lưng chừng, vừa đủ để tôi hiểu mình chưa mù. Nếu nói rằng khoảng ánh sáng đó quá xa chỗ tôi. Giống như nằm dưới đất tưởng tượng lôi được cả dải ngân hà xuống bằng đôi tay trần, thì sai rồi. Chốn sáng trên kia xa lắm, cũng gần lắm. Tôi hoàn toàn có thể lên đấy. Trước mặt tôi là một đoạn dây thừng được nối với cái ô cửa màu ánh sáng trên đấy. Lúc giật đầu dây tôi thấy sợi thừng căng ra, phía trên cùng rất chắc. Chỉ cần leo lên thôi. Thế là thoát nạn. Nhưng tôi đã không làm thế. Cái cửa bên trên, sẽ có một “tôi” nữa. Kẻ này tôi nhẵn mặt, và gã ta rất khoái trên đấy. Các quang cảnh đủ sắc màu, với hàng chục kẻ quen mặt đứng quanh. Bọn họ, với cái miệng mở rộng, luôn tươi cười. Cái lưỡi họ dài ngoằng, trồi ra hố miệng còn thừa vài cen-ti-mét. Đoạn lưỡi ngúc bên này, ngoắc bên kia, chầm chậm liếm lên đầu, cổ và gáy gã “tôi”. Gã “tôi” thích chí, trong khi bị những kẻ xung quanh liếm ướt sũng. Đốt pháo tay. Đốt pháo hoa. Những cặp mắt lấm lét, đầy nghi hoặc. Mấy cái lưỡi kia vẫn ngoe nguẩy, có cái còn thụt ra thụt vào như con rắn. Tôi không thể lên thêm lần nữa. Chỉ ngoi nửa cái đầu lên, rồi nhìn đôi ba phút đã là quá đủ. Giờ đây, tôi bị đạp xuống chỗ này. Tối tăm, ảm đạm, mục rỗng và luôn đói khát đến mức một mẩu bánh mốc nhiều tuần cũng thành thượng phẩm.

     Dưới chân tôi ngổn ngang những xác giấy. Có cả sách. Sách bị long bìa, bị mất nửa, rơi gáy. Những quyển sách giống hệt nhau. Chúng đều của tôi. Chữ Khiếm Thư in to dưới tên sách. Số sách này đã đi cùng tên tôi. Ăn khách đấy, bán đấy, ấm áp đấy và cũng nhảm nhí vô cùng. Tôi cố bới từng cuốn lên. Sau cùng, tôi tìm ra nó, cuốn truyện đầu tay. Cuốn này không bán nổi. Không ai đọc. Và chẳng ai hiểu như tôi đã chắp bút. Đấy là cuốn khấm khá nhất, và tôi đã phải khai trừ nó khỏi kho sách của mình. Giờ nó trở lại trước mặt tôi “…Dưới cái nhìn của một người có ngoài hai mươi tuổi, thế giới là đáng sợ và dường như đang tan rã, đang hấp hối…”  Thế giới tuổi hai mươi của tôi thế ư? Giờ. Tuổi ba mươi của tôi. Thế giới trong tôi sao rồi. Tôi nhìn lên, rồi lại nhìn xuống. Cuốn sách đã tuột khỏi tay tôi từ lúc nào. Tôi bới và không thấy. Cuốn sách đầu tay, cuốn sách tuổi hai mươi của tôi, đã lẫn lộn vào hàng chục xác sách khác. Thế giới tuổi ba mươi. Nó thế nào? Hay là, cái thế giới đấy tan rã rồi, hấp hối rồi? Tôi muốn quên phéng nhưng đầu tôi cứ lùng bùng. Một nhát chí tử từ sau gáy và giữa đỉnh đầu. Nhìn xuống, rồi lại nhìn lên. Có tiếng vỡ trong đầu tôi. Tôi ước lúc này có một cây viết trong tay. Chẳng do dự, tôi sẽ đâm thẳng đầu bút vào lồng ngực. Đâm thật mạnh, và rạch một đường thật rộng. Sau đấy, với đôi tay trần, tôi sẽ moi sống quả tim để xem nó còn biết chảy máu không và đã ghẻ lở đến mức nào. Thằng út thời còn bé đã luôn ở bên tôi. Nó nhỏ tuổi nhưng lại che chở cho tôi. Sau này lớn nó vẫn che chở tôi. “Viết cũng là một cách khóc lương tâm. Anh khóc được, tôi thì không. Anh sướng hơn tôi.”- Thằng út bảo tôi. Tôi đáp gì lúc đấy. Không nhớ nữa.

     Cái hốc trên kia vẫn mở. Dây thừng chưa rút lên và còn vắt bên này, vắt bên kia như mach bảo với tôi rằng “Lối thoát đây này.” 

     Tôi ước mình có một cái kéo thật sắc.

     Một lúc lâu. Thật lâu. Tôi không nhìn thấy gì. Điểm sáng nhỏ trên kia đang nhạt dần, và chờ tắt ư. Mặt trời đã ngừng ban phát lửa sống cho tôi hay chính cặp mắt tôi đã chối bỏ mặt trời. Chìm vào màu khuya khoắt thật lâu, mắt tôi đã mở được. Ánh sáng hé dần, rất chậm rãi như người ta vặn đèn bàn từ nấc nhỏ nhất.

     Một bệnh viện và tôi là bệnh nhân.

     Tôi gặp thằng út. Và, cha tôi…

*

   “Cha phải gọi con là con trai, hay tôi phải gọi cậu là Khiếm Thư…”

     Lời đầu tiên của cha khi thấy tôi, cũng là tiếng nói đầu tiên tôi nghe được khi mở mắt. Vì mới truyền nước, cơ thể tôi rất yếu. Lúc tôi cố gượng dậy, để chào cha thì cha bảo tôi nằm yên. Hai môi tôi dính chặt, phải vài giây miệng tôi mới há được. Miệng không nói được thành tiếng và chỉ mấp máy. Viên bác sỹ đến chỗ cha và nói về bệnh trạng của tôi. Lâu quá rồi, tôi mới có dịp được nhìn thấy cha. Ông mặc sơmi nâu sẫm, quần vải đen, cái vết chàm ở trán phải vẫn còn. Ông chẳng già đi nhiều lắm. Tiếng ông nói vẫn ồm ồm, lúc nói chuyện tay vẫn nắm thành quả đấm. Đứng cạnh cha, viên bác sỹ kia trông có vẻ lép vế. Mỗi lần cha tôi huơ tay là bác sỹ lại né, hoặc lấy tay che mặt, che đầu.

     Lúc sau thằng út vào. Nó nhìn tôi, rồi quay đi. Mặt nó trông ưu tư. Chẳng biết bởi vì xót tôi hay vì cha.

     Bệnh viện truyền thêm một chai nước rồi ngừng hẳn. Tôi bắt đầu ăn được. Tôi ăn ngấu nghiến, thậm chí ăn bốc. Cháo rất nóng nhưng tôi húp sùm sụp, nước cháo đổ xuống cổ, áo và vấy ra khăn giường.

   “Thật thảm hại!” – cha tôi nói.

     Thằng út chợt ngồi lên giường nằm. Tấm lưng tổ chảng của thằng tám mươi kí choán tầm nhìn cả của cha lẫn của tôi.

   “Tại sao tao lại ở đây?” – Tôi hỏi thằng út. Vì vừa nói vừa ăn nên tôi bị nghẹn.

   “Anh cứ nghỉ…” - Thằng út nói chừng đấy, thì cha chen vào. “May phước cho anh nhà văn là người ta tìm thấy số của tôi trong túi anh.”

     Tôi vẫn ăn. Cha cũng chẳng nói thêm câu nào. Thằng út ngồi chắn trước tôi. Cái lưng rộng bè như lưng gấu của thằng út làm tôi và cha không thấy nhau.

     Được ăn uống đầy đủ và uống thuốc, tôi dần hồi phục. Cha vẫn thường vào thăm, nhưng cả hai chẳng nói gì. Thằng út cũng vậy. Tuy nhiên nó thường túc trực cạnh tôi. Thường thì, cha tôi vào thì nó cũng vào theo.

     Không một bạn văn nào đến thăm tôi. Họ không biết. Không muốn. Và tôi không thiết.

     Theo lời kể, tôi đã ngất xỉu trước cổng nhà thằng út. Mấy người dân đã đưa tôi vào bệnh viện. Chắc họ đã lục ví tôi và tìm thấy địa chỉ của cha. Một cuộc gọi khẩn và thế là tôi được cứu. Nghĩ lại, mấy người đấy nghĩ gì khi thò tay vào một cái ví trống hoác, chỉ rặt giấy tờ và danh thiếp? Bỏ chuyện đấy lại. Lúc này, khi sức khỏe hồi phục, thì tôi sẽ phải ra viện. Mọi phí tổn đã có cha tôi. Nhưng sau đó…

   “Tiếp theo, anh định thế nào?” – Thằng út nói với tôi.

   “Cảm ơn mày, vì đã đến đây cùng cha.”

   “Trả lời câu hỏi của tôi, ngay lập tức!”

   “Ra viện…Rồi…” Tôi cố kéo dài chữ “Rồi” và im lặng thêm một lúc – “Mày có nhận được thư anh gửi không?”

   “Tôi không biết. Anh định sao. Cha đến đây là để đưa anh về. Anh quyết đi, ở lại đây, hoặc theo cha.”

     Tôi còn chần chừ, thì một tiếng từ sau gáy đã dội đến. Rất nhanh, rất vang và rất ồm.

   “Này con trai, cũng này, nhà văn Khiếm Thư.”

     Cha tôi ở phía sau. Viện phí có lẽ đã đóng xong. Ông đi lại gần tôi. Rồi ông nói

   “Đã khỏe hơn chưa, con trai, và nhà văn Khiếm Thư.”

   “Con vẫn là con cha thôi.”

   “Cậu tên gì, nói với tôi. Thành thật với tôi.”

   “Con là Khiếm Thư!”

     Bàn tay vốn lúc nào cũng nắm lại của cha xiết chặt hơn. Ông cau mày, lừ mắt, quả đấm lại xiết chặt hơn. Ông chẳng nói gì. Chỉ cười. Nụ cười rất tươi, nhưng cơ mặt vẫn khô như đá. Cặp mắt ông vẫn lầm lừ, như ánh mắt sói xé rách màn đêm. Cha đi đến chỗ tôi. Bóng ông chỉ thấp thoáng vài giây, rồi không thấy đâu nữa.

     Tầm mắt tôi lại một lần nữa bị chắn bởi cái lưng thằng út.

*

   “Anh hèn lắm.” – Cha nói.

   “Đúng. Con rất hèn, nên mới phải viết văn.”

   “Anh chưa chán cái trò văn vở đấy ư? Nhìn mà xem, anh đã thảm bại rồi.”

   “Chưa đâu! Còn thời gian. Còn đường và con còn đi được.”

   “Tôi không quan tâm anh đi đâu. Anh có chui xuống cống tôi cũng mặc xác. Nhưng đừng có lôi em anh theo.”

   “Con nợ thằng út. Rồi con sẽ trả đủ, chưa phải bây giờ.”

   “Anh sẽ chẳng trả được gì. Tôi nói rồi, anh là thằng hèn. Trò chữ nghĩa chỉ là vỏ ốc của anh. Cơ nghiệp em anh mất cũng vì anh. Nó không lấy vợ cũng vì anh. Mất nhà cũng vì anh.”

   “Thằng út cưới vợ rồi mà cha.”

   “Không có.”

   “Người con gái ở nhà nó…”

   “Đấy là thư kí của tôi.”

   “Cha thật tà ma!”

   “Còn anh thì hèn lắm!”

*

     Tôi và cha đều im lặng. Đôi mắt cha tìm gì từ tôi. Còn cặp mắt tôi thấy gì từ cha. Bốn con mắt chết cứng trong gian phòng, giữa một ấm trà đang nguội dần.

*

   “Con trai tôi, hay Khiếm Thư.”

     Cha không nói thêm câu nào nữa. Cha lại nhìn tôi. Mắt tôi vẫn chưa rời cha.

*

     Cũng thật lâu. Và tôi dần quên bẵng đi mọi suy nghĩ của mình từ nãy giờ. Tâm hồn cha, tôi không thấu được. Ông ấy cũng vậy thôi. Chẳng gì cả. Bọn tôi là những ruột thịt đeo cặp mắt của kẻ qua đường.

     Tôi với tay ra. Dường như cha thấy được gì đấy, liền xòe tay ra. Bàn tay to, những ngón lớn, thô ráp như rèn từ thép nguội. Bóng tay phủ lên mặt tôi, và từng ngón tay đang khum lại như những móc sắt.

     Ngay lúc này, tôi thấy thằng út.

     Thằng út đột ngột vào phòng và đột ngột cắt đứt đường biên của hai cánh tay.

   “Cha!” – Thằng út nói thế. Rồi ngừng lại.

     Một lúc lâu nữa. Thì, cha nói với tôi “Sáng mai tôi và thằng út sẽ về. Anh đi cùng không?”

   “Đi hẳn ư?” – Tôi ngoái nhìn thằng út.

   “Chuyến xe sáu giờ sáng mai, trước cổng nhà này.” – Thằng út không nói, cha nói.

     Tôi ra về. Vì ngồi một chỗ lâu, nên hai chân tôi tê rần. Thằng út đã phải đỡ tôi dậy rồi dìu ra cửa. Đi qua cha, tôi thấy mái tóc ông. Nhiều tóc bạc quá. Giống như từng sợi tóc cùng lão hóa trong một chốc ngắn.

     Đến cửa, thằng út không dìu tôi nữa. Tôi nhìn nó bảo “Tôi là kẻ tội đồ.” Nó không dành cho tôi lời cuối cùng nào. Thằng út xoay lưng về phía tôi. Rồi nó đứng trước cửa. Choán bằng hết khoảng trống trươc cửa. Cái lưng to như bàn gỗ của thằng út đang gồng lên như một cánh cửa thứ hai đóng lối vào căn buồng nơi cha ở đó. Xuống dưới. Tôi gặp lại vợ thằng út. Cô nàng mở cửa cho tôi. Không còn lời nói vấp. Cử chỉ cũng hoạt bát, nhanh nhẹn, và từ nụ cười, đôi mắt đột ngột tinh quái, tôi thấy những quả trứng nhện.

    Nhà thằng út. Không, phải nói là nhà của cha vì cha đã mua lại từ thằng út. Cái ngôi nhà đấy đang tụt dần về phía sau.

*

     Nhà tôi đây. Cửa không khóa. Lúc ấn công tắc thì đèn bật sáng. Nước chảy. Điện đóm ổn định rồi. Tập bản thảo chưa đặt tên nằm trên bàn. Tôi nhớ trước đấy tôi đã vò rồi ném vào góc nhà. Giờ nó ở đây. Trên bàn làm việc. Cạnh cái máy tính. Tôi thấy một cái phong bì. Bên trong có tiền và thư.

     “Tử tế cho tôi nhờ.”

    Bức thư chỉ như thế. Tôi ngồi mãi trong phòng. Và đọc đi đọc lại dòng thư.

*

     Chuyến xe sáu giờ sáng ngày hôm đấy đã xong xuôi.

     Sáu giờ sáng. Tôi đọc bức thư thêm một lần nữa. Chữ trên thư đã nhòa hết mực. Hàng chữ trong thư tôi đã thuộc và tôi đọc ra miệng. Sau đó, tôi xé vụn lá thư. Xé vụn mọi cuốn sách mang tên mình. Xé vụn mọi bản thảo mang tên mình. Và xé vụn mọi thư mục bản thảo mang tên mình bằng một cái kích chuột.

     Tôi mở Word và gõ những dòng đầu tiên.

 

 

(1) Dòng mở đầu trong tiểu thuyết “Mất tư cách làm người” của Dazai Osamu

(2) Tên một ngôi đền của Nhật Bản

(3) Câu thơ của Chính Hữu

 

 

 

Tru Sa
Số lần đọc: 2367
Ngày đăng: 10.12.2014
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thi thoảng muốn về. - Võ Thụy Như Phương
Một chiều ở xóm " Bình dân" - Mộc Miên Thảo
Bàn tay trong một bàn tay - Elena Pucillo Truong
Khởi sự từ điểm X - Nguyễn Đạt
Đàm Đạo Về “Như Huyễn” - Tuệ Thiền
Lấp lánh trăng thu - Vũ Dy
Mảnh vườn thuê - Võ Thụy Như Phương
Mùi khói tết - Võ Thụy Như Phương
Máu bầm - Võ Thụy Như Phương
Hát giữa trần gian - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Kẻ không nương náu (truyện ngắn)
Khói (truyện ngắn)
Những Bình Minh (truyện ngắn)
Bản âm (truyện ngắn)
Tường Sắt (truyện ngắn)
Vật Choàng (truyện ngắn)
Bóng đèn (truyện ngắn)
Tháo Mắt (truyện ngắn)
Người gù (truyện ngắn)
Chữ (ký)
Con Non (truyện ngắn)