Cuối thu, Nàng ngồi trầm ngâm trước phin cà phê nhỏ giọt, nhìn mặt hồ thấp xuống bên mù sương cùng với heo may reo trên từng cánh phượng vĩ ven hồ.Nàng. Đã nhiều lần nàng đặt chân ra phía Bắc rong chơi, nhưng đây là lần đầu nàng có hứng thú ngồi lại bên hồ Trúc Bạch, thưởng thức hương vị cà phê thơm lừng sau chuyến đi khám phá những vạt lúa vàng ươm ở tuần lễ Văn Hóa Du Lịch Danh Thắng Ruộng Bậc Thang Mù Cang Chải, trở về. Thứ màu vàng chỉ thấy qua bức tranh “Cánh đồng Lúa Mì- Wheat Garden” của danh họa người Hà Lan - Van Gogh. Có điều, trong ý nghĩ nàng luôn thấp thỏm với câu hỏi “ Không biết sau mùa lúa chín, những cánh đồng hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá Hà Giang, liệu có kịp nở hoa khi nàng ghé thăm, hay lại phải lở hẹn như kỳ lên Hà Giang lần trước?”.
Không chần chừ gì nữa, ngay trong đêm, Nàng ra bến Mỹ Đình mua vé xe giường nằm đi lên Hà Giang cho kịp trời sáng. May sao, trên xe nàng ngồi lọt thỏm giữa mấy cô gái cũng đang háo hức muốn sớm được khám phá mùa hoa tam giác mạch, trải dài trên cung đường từ tây Bắc sang đông Bắc, nghe nói sẽ nở hoa đẹp nhất vào tháng mười- tháng mười một trên các sườn đồi dốc núi lởm chởm đá tai mèo?
Hoa tam giác mạch. Là con gái, mấy ai không yêu hoa, nhất là loài hoa mang đậm nét dân dã, thuần khiết trên quê hương khô cằn chỉ có đá và đá. Hoa Tam Giác Mạch. Từ lâu nàng đã nghe người ta ca ngợi vẻ đẹp hút hồn từ những chùm hoa li ti, mới đầu có màu trắng sau chuyển dần sang phơn phớt hồng pha tím và trước khi tàn lụi có màu đỏ đậm. Hoa tam giác mạch. Loài hoa được ví như vẻ đẹp của thiếu nữ H’Mông trên các rẽo cao. Loài hoa đặc trưng chỉ xuất hiện vào cuối thu kéo dài cho đến giữa đông, đã khiến bao tâm hồn lãng mạn khó lòng cưỡng lại được trước vẻ đẹp đầy sự quyến rũ của nó.
Hửng sáng, Nàng có mặt tại Hà Giang, ăn sáng, thuê xe, họp với các cô gái đi cùng đêm qua thành một nhóm, chở nhau chạy qua Quản Bạ, Yên Minh, Xí Mần, cung đường Hạnh Phúc . . . tới đâu, các cô đều dừng xe chụp ảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của những cánh đồng hoa tam giác mạch; bỏ quên mất sự mệt mỏi, vất vả vừa trải qua trên các cua tay áo nối tiếp cua tay áo, để cuối cùng òa vỡ bên nụ cười chiến thắng bản thân khi vượt qua những giây phút thử thách nghẹt thở, đứng tim trên các cung đường đèo cao ngất hay lúc trượt nhanh xuống dốc đồi hun hút sâu bên dưới. Hoa. Ôi! Hoa nhiều vô kể, đâu đâu nàng cũng bắt gặp màu hoa phơn phớt hồng của tam giác mạch. Hoa mọc ven đường, hoa mọc dưới thung lũng, hoa mọc tràn lên các sườn đồi-dốc núi, lúc ẩn, lúc hiện mờ ảo trong sương, tưởng đâu đang lạc vào nơi chốn cổ tích.
Hoa. Trên đường vào Đồng Văn, Nàng nhìn thấy hoa tam giác mạch xuất hiện mỗi lúc một nhiều hơn ở Lũng Cú, Phố Cáo, Ma Lé, dinh thự vua Mèo, Mã Pí Lèng . . . và có lẽ không nơi nào lại đẹp, lại mơn man cho bằng ở thung lũng Sủng Là, nơi từng được các nhà làm phim chọn làm cảnh quay trong phim “ Chuyện của Pao” phỏng theo truyên ngắn “ Tiếng Đàn Môi Bên Bờ Rào Đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
Đẹp. Nàng không thể cưỡng lại được trước vẻ đẹp cùng sự quyến rũ từ cảnh sắc thiên nhiên nơi Sủng Là, nên đã đứng ngây người trong giây lát , nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực, trước khi cùng đám con gái lao nhanh qua cổng làng văn hóa Lủng Cẩm nằm ven đường quốc lộ 4 C. Ở đó, sau cổng chào vừa được nâng cấp bằng loại gỗ quí, thay cho cổng cũ sơn màu đỏ máu nhìn cứng nhắc, sơ sài, đơn điệu; là con đường bê tông chạy giữa cánh đồng hoa hồng, giữa hai hàng cây lê vươn vai đứng cạnh những cây sa mộc điểm xuyết đây đó dưới chân đồi, bờ ruộng, dẩn tới ngôi nhà cổ hai tầng của Mua Súa Páo nấp sau bờ rào đá. Tuyệt. Nàng rón rén đi vào giữa cánh đồng bạt ngàn màu hoa phơn phớt hồng tam giác mạch, tự sướng với chiếc iphone, qua cách tạo dáng chụp nhanh những bức ảnh kỷ niệm; đồng thời, tận hưởng thứ cảm giác kỳ lạ như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Hoa tam giác mạch. Nàng thừa nhận nàng không phải đang mơ, mà thực sự đứng trên mảnh đất địa đầu đất nước, nơi nhiều người mơ ước có được một lần đặt chân đến khám phá. Ôi! Một lần nữa, nàng xin cám ơn Hà Giang, cám ơn một mùa tam giác mạch đang đỏ hồng trên các sườn đồi, rẻo núi, như dẩn lên tận trời xanh. Thích thú, Nàng cúi xuống hôn lên loài cây thân thảo họ lúa, có hoa dạng kim tự tháp cùng với các mặt bên đều là tam giác, ở giữa đính hạt mạch màu đen. Thoạt đầu, hoa nở trong màu trắng, chuyển dần sang phơn phớt hồng pha chút tím nhạt , sang tới giữa đông hóa ra thành màu đỏ thắm cực kỳ xinh đẹp, để rồi tàn lụi ngay sau đó. Chính nhờ vẻ đẹp dân dã, tìm ẩn ấy mà thời gian gần đây được rất nhiều người quan tâm, nhất là giới trẻ, các cô dâu chú rể, giới nghệ sĩ nhiếp ảnh . . . đua nhau tìm về đây, chụp cho được những bức ảnh nghệ thuật ưng ý trên những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang.
À! Vậy đã rõ, nhờ vào hình dáng của hoa mà người miền xuôi đã đặt tên cho nó là tam giác mạch, trong khi người Mông ở các nơi lại gọi là cây Chêz. Riêng với nàng, tam giác mạch hay cây chêz đều là loài thân thảo dễ trồng, điều quan trọng là khi mang những hạt về gieo quanh vườn nhà, liệu chúng có ra hoa hay chỉ cho toàn lá vì không thích hợp với thổ nhưỡng phía Nam? Kệ. Nàng lén hái một ít hạt giấu vào túi sách mang theo bên mình, còn việc mọc cây cho hoa hay không phải chờ mang về trồng thử mới biết được. Dù sao, ai đó cũng đã an ủi nàng: “ tam giác mạch non có thể luộc ăn thay rau, khi kết hạt hái về đem xay thành bột làm bánh, hay đem trộn với ngô chưng cất cho ra loại rượu uống có hương vị rất lạ”. Nghe thế, Nàng thấy tự tin, hy vọng ngày nào đó ở ngay Sàigòn cũng sẽ có mặt những luống hoa tam giac mạch cho mọi người đến chiêm ngưỡng, thay vì phải cất công lên tận Hà Giang; còn ngược lại, nàng có rau để ăn cũng hay?
Nhắc đến đây, Nàng bỗng nhớ đã đọc đâu đó truyền thuyết về loài hoa này, rằng: “ngày xửa ngày xưa có hai nàng tiên, một nàng là tiên gạo còn nàng kia là tiên ngô, hai người được phái xuống hạ giới đi gieo hạt. Khi công việc xong, còn thừa lại những mày gạo mày ngô, hai nàng chưa biết bỏ vào đâu. Nhác trông thấy các khe núi tương đối sâu và kín, tiện tay hai nàng đổ hết vào đấy. Năm sau mất mùa, ngô lúa trong bản đã cạn, cái đói cầm chắc nếu không tìm ra lương thực thay thế. Người người hoảng sợ, chia nhau đi đến các nơi xa xôi tìm kiếm cái ăn. Thoảng đâu trong gió, có người nhận ra mùi hương lạ mùa màn bay đến tận mũi. Mừng rỡ, mọi người theo đó lần dò tìm đến tận các khe núi; bất ngờ, họ đã phải ngỡ ngàng khi đứng trước một rừng hoa li ti mọc tràn từ núi này sang núi kia. Nhìn kỹ, thấy dưới mỗi chiếc hoa màu đỏ, đều có đính theo những chiếc hạt màu đen. Mọi người thử hái mang về, giả bỏ lớp vỏ, nấu ăn thấy thơm mùi lúa gạo. Nhờ vậy, năm đó người dân trên các bản vùng cao đã tránh được nạn đói khủng khiếp, nhờ có thứ để ăn thay cơm”.
Sau thời gian tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều người dân bản vùng cao, Nàng nhận thấy đời sống của họ ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Một phần do học tập được lối canh tác, gieo trông lúa nước theo cách của người Kinh, một phần nhờ sức lao động cần mẩn khiến cho sản lượng lúa thu hoạch hàng năm; không chỉ đủ ăn mà còn thừa ra lương thực để mang đi mua bán hoặc trao đổi. Tuy nhiên, ngày nay cho dù đời sống đã khá lên, nhưng họ vẫn không quên việc trồng cây tam giác mạch quanh vườn nhà, để đề phòng khi mất mùa có cái ăn hoặc tạo thêm thu nhập mỗi khi có khách du lịch ghé thăm. Do đó, việc các chủ vườn dựng biển thu tiền, mười ngàn đối với mỗi lượt khách du lịch bước vào rưộng tam giac mạch ngắm hoa, chụp ảnh, quay phim, xem ra cũng xứng đáng với công lao mà họ đã bỏ ra. Trước là làm đẹp cho đời lại có thu nhập, sau có cái dùng làm thức ăn cho gia súc. Cho nên, việc lên án một số người đã vui chơi, dẫm đạp lên các ruộng tam giác mạch; đồng nghĩa với việc xô đổ bác cơm của người nghèo vùng cao, mới đầu tạo ra sự búc xúc mạnh mẽ trong cộng đồng mạng xã hội. Nhưng, sau khi đọc bài viết kèm theo hình chụp cô gái mặc trang phục đồng bào H’ Mông, đứng tạo dáng giữa đồi tam giác mạch của mình ở Simacai-Lào Cai, do tác giả “Sói Sầu” đăng trên Vitalk. vn, khiến nhiều người phải công tâm nhìn lại. Theo lời tác giả: “Mình chụp chị khi chị ấy đứng nhìn khách du lịch đông như kiến, đang tha hồ chụp ảnh, dẫm đạp, bẻ hoa trên cánh đồng tam giác mạch của chị. Mình hỏi chị có buồn, bực, tức gì không, thì chị ấy bảo không. Thu nhập tiền triệu mỗi ngày là một niềm vui đối với chị ấy và chỉ cần 2 ngày thôi là cả vườn tam giác mạch coi như có lãi rồi, vì hoa bị dẫm nát đã có bò ăn, không vấn đề gì cả. Mà tam giác mạch không bị dẫm nát cũng sẽ mang cho bò ăn. Mà không cho bò ăn thì sau 2 tuần nó cũng lụi tàn”.
Dù vậy, tôi cũng xin chia sẻ quan điểm với bạn Sói Sầu: “Chúng ta phải giữ gìn hoa cho chúng ta, cho những người đến ngắm, đến chụp ảnh sau chúng ta, không phải nhìn thấy cảnh tượng những vạt hoa tan nát; mặt khác, nó còn nói lên ý thức tự trọng của mỗi con người”.