Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.120
123.139.660
 
Gót chân Asin của Putin
Hiếu Tân

 

 Điểm cuốn sách “Sự thăng trầm của số phận: cuộc đấu giành dầu và quyền lực ở Nga”[i] của Thane Gustafson – giáo sư khoa học chính trị, ĐH Georgetown, Washington.

 

Tony Wood, London Review of Books

Hiếu Tân dịch (“LE TALON D’ACHILLE DE POUTINE” – Books, Mai 2014.)

 

 

 

 

  Từ khi phát hiện ra những mỏ dầu Sibia, 1960s, nước Nga gắn bó với vàng đen. Chính sự sụt giá dầu vào năm 1986 đã kết liễu cơn hấp hối của LX. Chính sự bùng phát của nó, từ 1999, đã tài trợ cho sự trở lại quyền lực của Putin và thiết lập chủ nghĩa tư bản lai tạp và biến chất, biến nước Nga thành gần như một nhà nước dầu lửa. Ngày nay, hệ thống này đã suy yếu. Sự phụ thuộc xuất khẩu dầu khí rất nặng nề, các nguồn đang có xu hướng cạn kiệt và các công nghệ thì lỗi thời.

 

 

  Lịch sử nước Nga thế kỉ XX không thiếu những bước ngoặt, từ CMT10 năm 1917, qua cuộc đánh bại Đức ở Stalingrad 1943, cho đến sự biến mất đột ngột LX cuối 1991. Nhưng mọi người đều biết, làm nên số phận nước Nga không phải chỉ có những thời điểm then chốt này. Những bước chuyển khác, khó thấy hơn, đã uốn cong quĩ đạo của đất nước này. Bắt đầu từ năm 1959. Hồi đó các nhà địa chất từ lâu đã ngờ vỉa quặng ngầm bên dưới đầm lầy L’Ob có dầu, một cuộc thăm dò khảo sát khi đó đã xác nhận điều này, khi phát hiện ra một vỉa dầu ở gần làng Chaim. Từ 1960, giếng R-6 được đào, sau 18 ngày khoan đến độ sâu 1.500 m nó bắt đầu phun dầu với tốc độ 400 đến 500 tấn / ngày đêm, và đây là ngành công nghiệp quan trọng đầu tiên được khai thác ở Sibir. Thành công này kích khởi cơn cuồng nhiệt thăm dò và trong thời gian bốn năm tiếp theo sau, hơn hai mươi vỉa dầu trong vùng này được phát hiện. Nhưng mãi đến tháng Ba năm 1965 khám phá quan trọng nhất trong lịch sử dầu khí nước Nga mới được thực hiện, với mỏ dầu khổng lồ Samotlor: đứng thứ hai thế giới ở đỉnh điểm của nó trong những năm 1980, đến nay vẫn nằm trong số năm nước hàng đầu, sản xuất hơn 35 triệu tấn dầu thô một năm.

 

  Từ đó dầu Sibir đóng vai trò trung tâm trong kinh tế LX. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên nước này bùng phát về dầu lửa. Vào đầu thế kỉ XX, những giếng dầu Bacu đã cho phép nước Nga Sa hoàng soán của Hoa Kỳ ngôi vị đứng đầu thế giới về sản xuất dầu mỏ; và sau Thế Chiến II, trọng tâm của lĩnh vực này đã chuyển chỗ sang những vỉa dầu nằm dọc sông Volga. Nhưng sự phát hiện những mỏ dầu Sibir đã lập một trật tự khác: năm 1975, một phần ba dầu của LX đến từ vùng mỏ l’Ob, năm 1980, hơn một nửa. Tầm quan trọng lịch sử của sự kiện này không chỉ nằm ở phạm vi rộng lớn mênh mông của nó, mà ở thời điểm phát hiện: nó khiến cho LX trở thành nước xuất khẩu dầu lớn vào thời điểm giá dầu thế giới sắp sửa bùng phát, và trong cơn sốc giá dầu năm 1973, nó đã mang lại cho giới lãnh đạo LX nhiều phương tiện dồn dập. Tuôn chảy vào nước này đúng vào lúc mà các cơ sở hạ tầng công nghiệp rộng lớn của nó đang hồi bế tắc, tiền bạc từ vàng đen đóng góp vào bù đắp – và che đậy – sự thụt lùi sức sản xuất của cả nền kinh tế. Năng lượng, chiếm 16% tổng xuất khẩu của LX  trong những năm 1970, dần dần đạt phần chủ yếu, năm 1987 chiếm đến 47% trong tổng số. Và các bộ trưởng luôn luôn đòi thật nhiều dầu để bù vào những chỗ thiếu hụt khác. “Chúng tôi thiếu bánh mì. Hãy cho chúng tôi ba triệu tấn dầu vượt kế hoạch” thủ tướng đã ra lệnh nội bộ như vậy đấy cho một lãnh đạo dầu khí Nga. Nguồn tiền từ xuất khẩu vàng đen đã làm thành mảnh áo giáp cho chế độ Brejnev.

 

Nhưng nó đã trở thành gót chân Asin của LX. Năm 1986, giá dầu sụt mạnh. Giá một thùng dầu từ 30 đôla xuống dưới 10 đôla, đặt tài chính của Kremlin trước cơn nguy kịch. Chính phủ Gorbachev phải mang nợ nặng nề để nhập khẩu thực phẩm nhu yếu, làm thiệt hại đến đầu tư công nghiệp, khiến sản xuất suy giảm trầm trọng hơn. Cái vòng nợ nần lẩn quẩn này đóng một vai trò chủ yếu trong khủng hoảng kinh tế mỗi ngày mỗi nặng thêm của LX suy tàn. Thật là một điều mỉa mai thú vị của lịch sử: tính thất thường của thị trường vật liệu thô tư bản chủ nghĩa lại góp phần vào sự suy sụp cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản.

 

Sau khi LX sụp đổ, sản xuất dầu sụt xuống, từ mức kỉ lục của nó 570 triệu tấn/ngày năm 1987 xuống đến mức thấp nhất 303 tấn năm 1996 – giảm 47%. Tuy nhiên chưa đầy hai mươi năm sau nước Nga lại trở thành một siêu cường về năng lượng vào thời điểm nó truất ngôi hàng đầu thế giới của Arab Saudi vào năm 2012, lúc này nó cung cấp 13% dầu mỏ của toàn hành tinh. Ngoài ra nó còn dự trữ 12% ngoài Trung Đông. Đã xảy ra chuyện gì vậy?

Cuốn sách của Thane Gustafson “Thăng trầm của số phận” cho chúng ta một phân tích hoàn chỉnh nhất hiện nay số phận của dầu mỏ Nga trong những năm 1990 và 2000. Dựa trên sự hiểu biết ấn tượng về lĩnh vực này, tác phẩm này làm sáng tỏ một cách mới lạ con đường vay mượn chủ nghĩa tư bản của nước này từ cuối kỷ nguyên sô viết. Vì với Gustafson, mà đây là chủ đề trung tâm, những sự kiện trong các năm 1990 và 2000 – những cuộc tư hữu hóa một cách gian manh, và sự lớn lên của tầng lớp quả đầu dưới thời Elsin, sự bùng phát trở lại của khu vực công và sự giải thể của Iukos dưới thời Putin – nằm giữa sự xáo trộn của tòan bộ hệ thống kinh tế, không có khu vực nào không được phản ánh tốt nhất, lần lượt, ra những đòn chí tử làm suy yếu nhà nước sau năm 1991, rồi đến sự hồi phục của nó ở thế kỉ mới. Dầu hỏa đã là chiến trường đặc quyền cho cạnh tranh của những tài sản tư hữu và quyền lực công ở nước Nga. Nhờ có tăng giá cao trong những năm giữa 1999 và 2008, nó cũng tỏ ra là một nguồn quan trọng để tái khẳng định những đặc quyền của nhà nước. Trong câu chuyện của Gustafson, khu vực dầu hỏa là thí dụ tuyệt vời về phương thức thai nghén của chủ nghĩa tư bản Nga, một sự pha trộn giữa thích nghi, ngẫu hứng và thỏa hiệp với những di sản chủ nghĩa cộng sản. 

 

 

Một mớ hổ lốn mang danh nghĩa độc lập

 

  Trong thời kì xô viết, khu vực này (dầu khí) được đặt trên một kiến trúc đơn lập, hoàn toàn khác với những nơi khác trên thế giới. Thay vì dựa trên các công ty gắn kết với nhau theo chiều dọc, kiểm soát đồng thời khai thác – vận chuyển – lọc hóa và thương mại, thì chúng lại bị chia tách ra thành những hoạt động riêng biệt: “thượng nguồn” được quản lí bởi những “liên hiệp sản xuất” trực thuộc Bộ Dầu khí, trong khi khâu lọc-hóa – ở  giữa qui trình – trực thuộc Bộ Lọc Hóa dầu. Khâu xuất khẩu đặt dưới quyền một tổ chức thuộc Bộ Ngoại thương.

Với sự sụp đổ của LX, hệ thống này cho ra đời một mớ hỗn độn những thực thể độc lập, và thập kỉ tiếp sau là vở tuồng của một cuộc đấu tranh không khoan nhượng để tổ chức lại và làm cho những xác lột thích ứng. Mong muốn của chính phủ Elsin tạo ra một giai cấp nghiệp chủ tư nhân khi đó tỏ ra có ý nghĩa quyết định: Tháng Mười một năm 1992 tổng thống Nga kí sắc lệnh thành lập ba công ty dầu khí mới liên kết theo chiều dọc, với 55% vốn tư nhân. Lukoil, Iukos và Surgutneftegas, tất cả đều ở Tây Sibir, chi phối toàn cục suốt một thập kỉ và những cổ đông chính của chúng trở thành những tỉ phú. Những di sản khác của công nghiệp dầu khí xô viết được đưa vào một xí nghiệp quốc doanh còn sót lại, Rosneft, sẽ giải thể sau ba năm.

 

 

Những trùm tư bản dầu khí mới

 

Sự chia vụn khu vực dầu khi vẫn còn tiếp tục nửa đầu thập kỉ 90, trong đó các chủ dầu mỏ và ngày càng nhiều chủ ngân hàng rút phần vốn nhà nước để cho ra đời những nhóm doanh nghiệp làm mọi người sửng sốt. (Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của LX, và Transneft, công ty độc quyền về đường ống dẫn dầu, sẽ là hai ngoại lệ chủ yếu của qui tắc li tâm này). Năm 1995, ba  tay trùm này thành công trong việc tự khẳng định là những thực thể tư nhân nhờ đã khôn khéo thao túng các cổ phiếu trong đấu giá. Vladimir Bogdanov, chủ Surguntneftegas đã mua được toàn bộ số cổ phiếu: bằng cách cho đóng cửa sân bay địa phương trong ngày hôm đó, ông ta đã thực sự gạt bỏ được những người đấu giá tiềm năng khác. Và những doanh nghiệp tư nhân chủ chốt dần dần mở rộng khả năng chi phối của chúng: năm 2002, khu vực công chỉ còn đảm nhận 20% sản lượng, và một nửa khu vực tư nhân được kiểm soát bởi một nhúm những tay quả đầu.

   Sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân mới đã được khẳng định một cách ngoạn mục bằng một thỏa thuận khét tiếng quỉ quyệt năm 1995 “cho vay đổi lấy cổ phiếu”, khi đó Elsin nhượng lại cho các quả đầu một phần vốn của những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi mạnh để đổi lấy tiền mặt tài trợ cho chiến dịch tái cử của ông ta. Trong số những người xuất vốn, có một Mikhail Khodorkovski mua lại quyền kiểm soát Ioukos với giá 350 triệu đôla vào cuối năm 1995, mấy tháng sau giá chứng khoán của doanh nghiệp này đã tăng quá ba tỉ.

 

   Nếu Bogdanov và Vagit Alekperov, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Lukoil trải qua cuộc đời chuyên nghiệp trên mảnh đất này, thì Khodorkovski là sản phẩm thuần túy của mầm mống nền kinh tế thị trường phát triển vào cuối thời kì xô viết, người phụ trách Komsomol (đoàn thanh niên cộng sản) đã trở thành chủ ngân hàng và đã để mắt tới dòng tiền mặt và giá trị chứng khoán. Bằng cách nhập khẩu nhân sự và công nghệ phương tây, ông ta đã giàu lên đáng kể và nhanh chóng, nhưng ông ta cũng lập dị, bên trong giới dầu khí Nga – “những nhà dầu khí” neftianiki – vốn xuất thân được đào tạo là những kĩ sư và nhà địa chất bận tâm tối đa hóa sản lượng trong một đời vỉa dầu hơn là quay nhanh vốn tái đầu tư. Nhưng Khodorkovski, người không ngại thải hồi, tránh thuế và cắt giảm trợ cấp xã hội cho cộng đồng địa phương, không chỉ hung hăng nhất trong việc kiếm lời. Ông ta còn lấn đặc quyền nhà nước khi thực hiện dự án riêng của mình về đường ống dẫn dầu sang Trung Quốc, hay dự kiến hợp nhất Iukos và Chevron.

 

Gustafson chuyển sang xem xét cẩn thận các kiểu giải thích về sự sụp đổ của Khodorkovski để kết luận rằng số phận của ông gắn với “tổng hợp tất cả các hành vi” của ông ta chứ không phải là do một quyết định này hay quyết định khác. Nhưng sai lầm của ông trong việc xét đoán liên quan đến vai trò của chính quyền nhà nước mới là lầm lẫn chính của ông, nó là tai họa sinh ra tất cả các tai họa khác. Như Gustafson giải thích, Khodorkovski “quen với việc thương lượng với một nhà nước dễ bảo, mà người ta có thể tuyển lựa, dọa dẫm hay mua chuộc những người có trách nhiệm”. Không thấy ở giữa ủy ban thuế viện Duma mà một người tuyệt đối trung thành của ông nhận chỉ thị của ông qua điện thoại, từ trụ sở Iukos, trong khi một phiên họp nghị viện đang họp sao? Nước Nga của Khodorkovski là một nước Nga mà “ở đó mọi sự câu thúc đã biến mất, ở đó các nhà ngân hàng, các nghiệp chủ và những nước ngoài là những nguồn quyền lực và bảo hộ luân phiên nhau”. Ông ta, và nhiều tay quả đầu khác cùng với ông ta, đã không hiểu điều mà những tay kì cựu như Bogdanov và Alekperov không bao giờ lãng quên “quyền lực cưỡng bức của nhà nước không bị bãi bỏ, mà chỉ tạm ngưng”.

 

  Năm 2003 việc bắt giữ Khodorkovski ở sân bay Novossibirsk và liền sau đó trưng thu Iukos đã xác nhận một cách thần kì sự phục hồi của năng lực nhà nước sau cuộc suy sụp những năm 1990, chấm dứt sự mất giá của đồng rúp và cuộc khủng hoảng nợ nần những năm 1998. Ngoài sự phá sản tháng Tám đã phục hồi nền công nghiệp của đất nước, các tòa án ở vào vị thế thấp trong suốt cả thập kỉ, nay đã lại vươn lên vào năm 1999. Giá dầu tham khảo Oural Blend vượt qua 12 đôla một thùng năm 1998, 24 đô la vào năm 2002 và 51 đôla năm 2005. Sản xuất cũng bắt đầu hồi phục, năng lượng ngày hôm qua còn phải dành cho cuộc chiến để kiểm soát vốn thì nay đã được dành cho đầu tư. Trong thời gian từ năm 1998 đến 2004, sản lượng tăng 50%, từ 304 lên 459 triệu tấn, và xuất khẩu tăng gần gấp đôi. Putin thấy ở đây nguồn thu nhập cho phép ông ta tái khẳng định quyền lực và bảo đảm sự ủng hộ của dân chúng, đặc biệt là trả được lương hưu trễ hạn và tiền lương bị nợ từ thời Elsin. Sự thịnh phát của “những Năm Số không” (cách nói ở Nga để chỉ thập niên 2000)  chuẩn bị đất cho cuộc thách đấu giữa ngành công nghiệp dầu khí tư nhân và chính quyền. Như Gustafson giải thích, “không có sự tăng thu nhập bắt đầu từ năm 1999, thì cái được mất về chính trị chắc chắn sẽ không cao đến như thế, những tham vọng của khu vực tư nhân sẽ không lớn đến như thế, và phản ứng của nhà nước cũng không quyết liệt đến thế”

  Vụ Iukos tái cơ cấu ngành dầu khí Nga. Từ nay xí nghiệp quốc doanh Rosneft lấy lại vai trò ban đầu của nó. Các nhà quan sát thấy một sự tiến triển nói chung được coi là tai hại. Tuy nhiên nó chỉ đưa nước Nga về ngang tầm với phần còn lại của thế giới, như Gustafson gợi nhớ lại: ở Arab Saudi, Venezuela và Angola thuộc Na Uy, các công ty dầu khí quốc gia ngày nay đã kiểm soát ba phần tư dự trữ dầu đã được chứng minh của hành tinh; Mỹ là nước duy nhất mà khu vực này bị chi phối bới các công ty tư nhân. Được thành lập năm 1992 Rosneft lúc đầu “có vẻ giống một đống xuồng cứu sinh hơn là một công ty”; bị lột mất những tài sản chủ yếu vào đầu những năm 1990, nó chỉ được vực cho sống lại bằng những mưu toan hợp thức bán đấu giá, lần cuối cùng nhờ cuộc khủng hoảng 1998. Năm 2004, Putin đưa ra dự án hợp nhất nó với Gazprom, nhằm xây dựng một tập đoàn quốc doanh khổng lồ, nhưng những hậu quả của vụ Iukos đặt dấu chấm hết cho quá trình này: chỉ riêng Rosneft có thể nuốt những tài sản của Iukos mà không sợ trừng phạt của các tòa án nước ngoài hoặc các cổ đông không phải người Nga. Kết quả, như Gustafson đã chỉ rõ: là một sự lai tạp điển hình thời hậu xô viết, ở đó những người thừa kế Bộ Dầu mỏ LX  chung sống với nhân viên và các phương pháp quản lí của Iukos.

 

Giới đặc quyền đặc lợi bám chắc bổng lộc

  Chế độ Putin lên đến đỉnh cao của nó vào năm 2008. Nguồn thu từ dầu khí cho phép nước Nga tích lũy được 550 tỉ đôla dự trữ vàng và ngoại hối, đứng thứ ba thế giới sau Nhật Bản và Trung Hoa, cũng như 180 tỉ đôla đưa vào hai quĩ tài chính của nhà nước. Tháng Tư năm đó, Medvedev được chỉ định kế nhiệm Putin, và tháng Bảy giá một thùng dầu lên đến 147 đôla. Tương lai của chế độ “dân chủ tối cao” theo cách nói của Kremlin dường như được bảo đảm. Tháng Tám, cuộc xâm lược Georgie, một đồng minh của Hoa Kỳ và một ứng viên của Otan, thêm một thước đo lòng tự tin của chế độ. Nhưng nó không tính đến cuộc khủng hoảng tài chính đánh vào Phố Wall tháng Chín năm đó. Các xí nghiệp tư nhân của Nga, mang nợ nặng nề, phải đem hoàn trả các khoản nợ nước ngoài của chúng. Cùng lúc đó giá sàn Brent sụt xuống, chỉ còn 33 đôla một thùng vào giữa tháng Mười Hai. Sự suy sụp thật ấn tượng: vào 2008, PIB (như GDP) Nga tăng 6%, năm 2009, sự thụt lùi của nó là 8%, sụt giảm tệ nhất trong các nước G20. Giá dầu lên lại từ 2009, đạt 70 đôla một thùng vào mùa hè, nhưng nước Nga tiêu tốn 13% PIB trong năm, mà một phần đáng kể là từ dự trữ ngoại hối, để cứu trợ các công ty tư nhân và chống đỡ cho đồng rúp. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như vậy đã mở đầu giai đoạn ba trong cuộc đời của chủ nghĩa tư bản hậu xô viêt, sau sự vươn lên của tư nhân hóa trong những năm 1990 và sự quay trở lại của nhà nước những năm 2000. Sau khi đã phơi mình ra trước những luồng gió của nền tài chính toàn cầu, nước Nga tự vấn về mô hình kinh tế của mình, nhưng giới đặc quyền đặc lợi được tôi rèn trong khu vực công trong thời kì những “năm số không” không chịu từ bỏ những bổng lộc của nó - giá dầu thường xuyên cao ngất không phải là vô ích.

 

  Nhưng cuộc thịnh vượng không kéo dài mãi mãi. Nền công nghiệp dầu khí Nga, thuận lợi hơn các đồng sự nước ngoài của chúng, được đặt trên các vỉa dầu cũ, đã được đưa vào sản xuất nhiều thập niên. Sự cất cánh trong những năm 2000 ít gắn với tính năng động của các doanh nhân mới hơn là với những di sản của thời kì xô viết: các “khoan trường”, các đường ống dẫn dầu, kiến thức địa chất và kĩ thuật khoan trong một phạm vi rộng vẫn còn như cũ. Việc tăng hoạt động từ cuối những năm 1990 gây ấn tượng mạnh chỉ vì sự sụt giảm trước đó, sản xuất dầu khí Nga không luôn luôn thấy lại được mức 1987 của chính nó. Dưới mắt Gustafson, “những tài sản thừa hưởng từ LX tác động như một thứ thuốc mê, làm chậm sự thích nghi của khu vực này với quản lí và công nghệ hiện đại, khiến nó vẫn còn tương đối bị cô lập và kém trang bị để cạnh tranh toàn cầu.” Các công ty dầu khí Nga tiến hành tương đối ít việc thăm dò trên đất riêng của nó: phần lớn những mỏ đưa vào hoạt động từ 1991 là do những nhà địa chất LX tìm ra từ trước, chỉ có một vùng mỏ mới quan trọng được tìm ra từ 1988 được đưa vào sản xuất – Vankor, nằm ở bắc tỉnh Krasnoiarsk, được Rosneft khai thác từ năm 2009.

 

  Sự trùng hợp giữa [thời điểm] giá dầu cao và sản xuất tăng mạnh có lợi cho Putin như thế, theo Gustafson, “không phải chỉ là ít có dịp gặp lại, mà là không thể có”. Vận may cho ngành địa chất Nga đã đến hồi kết thúc: những vỉa dầu ở Tây Sibir , hiện nay chiếm hai phần ba sản lượng, đã bắt đầu giảm từ năm 2007, và những nguồn dầu khí mới cần phát hiện về số lượng chỉ đủ để bù cho thiếu hụt. Ngay cả những vùng lãnh thổ cho đến nay vẫn chưa được thăm dò hoàn toàn, thì viễn cảnh cũng không lấy gì làm tươi sáng. Gustafson mô tả những vùng rộng mênh mông không đường sá của Tây Sibir như “một cơn ác mộng của các nhà dầu khí”. Phần chủ yếu của vùng đất này bị bao phủ bởi “những lớp dung nham dày” của những núi lửa cũ, còn những khoảng đất nhỏ hơn hở ra ở đây thì các vỉa có rủi ro là sâu hơn, nhỏ hơn và phân tán hơn ở vùng đầm lầy l’Ob. Như vậy ngành dầu khí ngày càng phải đặt hi vọng vào các mỏ dầu ngoài khơi, Bắc cực hoặc Sakhalin, nhưng vùng này đòi hỏi những khoản vốn đầu tư khổng lồ, và những bí quyết công nghệ mà các công ty dầu khí Nga nói chung không có. Do đó gần đây Rosneft đã liên tiếp đàm phán với các công ty dầu khí quốc tế: EssonMobil và Eni tháng Tư năm 2013, StartOil của Na Uy tháng Tám và BP tháng Mười, tất cả đều nhằm hợp tác thăm dò vùng thềm Bắc cực trong các biển Barents và Kara.

 

Bị ném về Bắc cực

  Nhưng ngay cả khi chiến dịch mở màn này thành công, thì phần của dầu mỏ trong xuất khẩu của Nga có lẽ vẫn buộc phải hạ thấp. Một phần lớn của nó bị chiếm bởi khí đốt: từ trước đến nay, vàng đen có xu hướng cung cấp nguồn ngoại hối cho đất nước, trong khi khí đốt chỉ để tiêu thụ trong nước. Từ cuối những năm 1990, Gazprom ngày càng đặt trọng tâm vào xuất khẩu, chủ yếu sang tây Âu, đem về số tiền đáng kể. Năm 2012, cuộc tư bản hóa chứng khoán đưa doanh nghiệp này lên vị trí thứ chín của thế giới (Rosneft đứng thứ 12). Các nhà kinh doanh khí đốt cũng tìm cách phát triển thăm dò trong vùng Bắc cực, nơi mà sự biến đổi khí hậu cho phép tiếp cận những trữ lượng khổng lồ về mêtan hóa thạch. Nhưng, ngay cả trong lĩnh vực này, nguồn dự trữ cũng là có hạn và việc chuyển từ dầu sang khí không tính đến vấn đề sự phụ thuộc quá mức của đất nước vào xuất khẩu hydrocarbur. Một vấn đề trở thành cấp thiết hơn kể từ cuộc “cách mạng đá phiến” ở Mỹ, vì sự tăng một cách cơ bản cung cấp nguồn năng lượng không cổ điển chắc chắn sẽ làm giảm giá và đem lại cho các khách hàng châu Âu của Nga một nhà cung cấp thích hợp hơn với thị hiếu của họ.

  Việc đổi mới nền kinh tế vẫn còn là một đối tượng tranh biện thiết yếu đối với giới đặc quyền đặc lợi Nga. Tháng Chín 2009, Medvedev – khi đó là tổng thống – cho rằng việc đất nước phụ thuộc hydrocarbur là “nhục”; gần đây hơn, Putin còn đi xa hơn trong thông điệp hàng năm của ông ta gửi đất nước “chúng ta không thể để cho ngân sách Nga và bảo hiểm xã hội là những con tin của các thị trường tài chính và các nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Lẩn khuất đâu đó nỗi sợ thấy đất nước trở thành nạn nhân của lời nguyền “vật liệu thô”. Nỗi sợ này từ đâu mà ra?
Lời nguyền ấy có ba dạng cơ bản. Trước hết, nó là “căn bệnh Hà Lan”, khi nguồn thu từ xuất khẩu những sản phẩm thô đổ dồn về gây nên việc định giá lại đồng tiền làm hại đến khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế khác. Điều tồi tệ này chắc chắn sẽ làm hại đến đồng rúp, ngoài những điều khác, nó góp phần làm cho Moscou trở thành một trong những thành phố đắt đỏ nhất hành tinh. Hai là, tính thay đổi thất thường của các sàn giao dịch có thể có tác động gây bất ổn lên ngân sách, phó mặc toàn bộ các mặt hoạt động cho những chu kì [luân phiên giữa] mở rộng ngoạn mục và khủng hoảng. Ở Nga, 30% PIB (GDP) gắn với số phận của khu vực vật liệu thô, chỉ riêng dầu khí đã chiếm khoảng một nửa thu nhập từ xuất khẩu và hơn một phần ba nguồn thu của nhà nước. Nhưng như thế còn ít nếu so với những vương quốc dầu mỏ ở Trung Đông: ít nhất 70% ngân sách của Bahrein, của Cô oet và của Arab Saudi phụ thuộc vào hydrocarbur. Dân số cũng là một khác biệt lớn. Thu nhập về dầu mỏ tính theo đầu người của Nga không là gì so với các nước vùng Vịnh: 2000 đô la năm 2009, so với 25000 đôla của Qatar.

  Cuối cùng, văn học về “lời nguyền vật liệu thô” cũng gợi lên một tập hợp những triệu chứng chính trị mập mờ hơn: chúng tiếp tay cho tham nhũng, gặm mòn nền dân chủ và tiếp sức cho những cuộc chiến nội bộ. Trên thực tế, dầu khí Nga đã nuôi lớn tham nhũng trên đất nước này. Nhưng những khía cạnh khác của bệnh lí này được áp dụng ít hơn ở Nga, chủ yếu vì chúng đặc trưng cho những nhà nước yếu và kém phát triển. Nước Nga được công nghiệp hóa trong những năm 1930, và nhiều vấn đề gần đây của nó không đến từ dầu khí mà đến từ những cuộc khủng hoảng sau khi LX tan rã.

  Dưới mắt Gustafson, “sự rối mù của dầu khí và của chính trị” ở nước Nga là một hiện tượng tiêu biểu của thập niên xô viết cuối cùng và của sự chuyển biến thời kì hậu xô viết; LX không phải là nước dầu khí, nhưng nước Nga hậu xô viết ngày càng mang đặc điểm đó. Để tránh điều đó, tác giả khuyên không chỉ mở cửa cho công nghệ và đầu tư nước ngoài, mà còn phải bơm một liều lượng tự do mới vào nền kinh tế. Người ta có thể nghi ngờ tính thích đáng của phương thuốc này khi người ta nhớ, cùng với Gustafson, rằng sự mập mờ cuối cùng trong việc mở rộng tự do đã đồng hành và làm cho gay gắt thêm sự suy yếu thảm hại của nhà nước. Vả lại, thời kì đỉnh cao của sở hữu tư nhân trong công nghiệp dầu khí cũng là thời kì mà người ta ít chuẩn bị cho tương lai nhất.

 

  Nhưng tất cả sự khác biệt rõ ràng giữa sở hữu tư nhân và sở hữu công cộng ở Nga chỉ là sự đánh lừa. “Sự thăng trầm của số phận” không mô tả sự thay thế mô hình nhà nước bằng một mô hình tự do đã tạo ra một hệ thống lai tạp như thế nào, Rosneft có thể là một doanh nghiệp nhà nước khổng lồ, nhưng nó được đánh giá cao ở sàn chứng khoán London, và cạnh tranh với các công ti quốc doanh khác – đặc biệt là Gazprom – như một công ti tư nhân. Ngược lại, Lukoil và Surgut- neftegas có thể là những công ti tư nhân, nhưng chúng cúc cung tuân thủ những chỉ thị chính trị từ Moscou, cái đầu ủng hộ chính sách đối ngoại của Kremlin ở biển Caspien, cái thứ hai tài trợ cho việc chuộc Rosneft  khỏi chi nhánh sản xuất của Iukos. Sự xáo trộn về nhân sự, của những động cơ và những xu hướng chiến lược của các khu vực công và tư là dấu chỉ rõ ràng của chủ nghĩa tư bản Nga ngày nay. Sau khi đã đọc Gustafson, không ai có thể nghĩ rằng Putin đang tái tạo lại chế độ xô viết: một sự mập mờ mới của tư nhân hóa, như tác giả cho thấy, rất có thể đang gợi ra một chiến lược hiệp thương của tầng lớp đặc quyền đặc lợi của khu vực công nhằm chiếm lấy các công ti hiện nay, đặt dưới quyền kiểm soát của nó.

 
HT  dịch, 18 Janvier 2015

 

 

 

 

Bài liên quan: Khi giá dầu lên, nước Nga đẩy tự do vào tình trạng khó khăn

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=14751

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2777
Ngày đăng: 04.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Tân Cương đang đến gần khủng hoảng - Hiếu Tân
Những người lãnh đạo cuộc phản kháng của Hong Kong ra cho chính phủ hạn cuối cùng của Cải cách là 1 tháng Mười - Hiếu Tân
Quốc Gia Duy Nhất Coi "Hạnh Phúc Của Dân" Là Sự Thịnh Vượng - Trần Vấn Lệ
Tại sao Trung hoa đặt giàn khoan dầu bên trong vùng biển của Việt Nam? - Hiếu Tân
Gia đình Mandela nổi giận với giới truyền thông quốc tế. - Hiếu Tân
Thành phố và cuộc sống đô thị - Đinh Lê Na
Vụ phong tên lửa cho thấy chúng ta mù tịt về bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Nghĩ về thế cờ tàn của Bắc Triều Tiên - Hiếu Tân
Tổng thống và rượu - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)