(Faut-il avoir peur de la Chine?)
IAN JOHNSON. The New York Review of Books.
HIẾU TÂN dịch
(tiếp theo)
Ảnh: Cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Makati (Philippines) phản đối
TQ đột nhập vùng đặc quyền kinh tế của họ. ©JAY GANZON /DEMOTIX/CORBIS
BẮC KINH MẮC BẪY
Người ta phải tự hỏi liệu Hoa Kỳ còn nuôi được đội quân khổng lồ của nó trong bao lâu nữa? Dyer là một phóng viên của tờ Financial Times, và ông có nhiều điều để nói về những nền tảng kinh tế của mỗi nước, nhưng chúng ta không cần nhiều đến thế. Ông chỉ chú tâm nhất vào việc nêu lên – một cách chính đáng, tôi nghĩ thế - luận cứ rằng Trung Hoa có thể ảnh hưởng lên chính sách của Washington vì nó đang giữ một khối lượng nợ khổng lồ của Mỹ. Như Dyer nhấn mạnh, Bắc Kinh mắc bẫy vì tất cả những trái phiếu kho bạc mà nước này có – như một ngân hàng dồn gần như tất cả tiền bạc của mình cho một kẻ vay mượn, Trung Hoa bị buộc chặt vào con nợ chứ không phải ngược lại.
Nhưng tôi muốn rằng tác giả nói cho chúng ta thêm một chút về những viễn cảnh kinh tế của mỗi nước tác động như thế nào vào cuộc đối đầu đang tăng lên của chúng. Từ quan điểm này, tôi càng thêm hiểu cuốn sách của Stephen Roach, “Mất thăng bằng – sự tương thuộc giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa”. Roach là giám đốc nghiên cứu ở khoa quản trị Đại học Yale, và trước đây là nhà kinh té chính của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ở đó ông là nhà phân tích có ảnh hưởng về các nền kinh tế châu Á trong thập niên 1990-2000. Cuốn sách của ông giới thiệu một cách sáng suốt và dễ hiểu về những cái yếu và những triển vọng của mỗi nước; các nhà chuyên môn cũng như những người không chuyên nên đọc.
Theo Roach, mà đây là luận đề, hai nước này phụ thuộc nhau một cách ốm yếu, ông ví với một cặp vợ chồng phụ thuộc nhau quá đáng, trong một tình thế bất ổn vừa cần đến nhau vừa căm ghét nhau. Nhưng ông cho rằng về lâu dài tình trạng của Hoa Kỳ tồi tệ hơn của Trung Hoa. Trung Hoa xuất khẩu quá nhiều, và sự tăng trưởng của nó dựa trên sự đầu tư vốn quá mức. Nhưng các lãnh đạo của nó tỏ ra đã nhận thấy điều này và đã tiến hành một loạt cải cách cơ cấu giúp từ từ thay đổi các thói quen và cho phép phát triển nhu cầu và đổi mới trong nước. Hoa Kỳ, theo Roach, có vẻ không hiểu, giới tinh hoa chính trị của nó chủ yếu cố gắng làm sống lại mức tăng trưởng có được nhờ lượng cầu trong mấy thập niên qua.
Những bức chân dung của hai cặp nhân vật có tầm quyết định, Alan Greenpan [giám đốc cục Dự trữ liên bang Mỹ, 1987-2006] và Chu Dungcơ một bên, và Ben Bernanke [kế tục Greenpan cho đến tháng 1-2014]và Ôn Giabảo bên kia, tạo thành trung tâm của cuốn sách của Roach. Dưới mắt tác giả, Chu tỏ ra là người thắng cuộc trong cặp đấu thứ nhất. Greenpan góp phần tạo ra hết sắc lệnh này đến sắc lệnh khác, trong khi Chu cải cách nền kinh tế Trung Hoa. Chắc hẳn ông đã đưa nước ông vào con đường phụ thuộc quá đáng vào xuất khẩu, nhưng ông cũng thực hiện được những thay đổi cập nhật ở tầm vĩ mô
Ý kiến của Roach lưỡng lự ở cặp thứ hai. Hai người này biết phân tích những vấn đề của đất nước mình, nhưng ít hiệu quả trong việc dẫn dắt thay đổi. Đó là vì, tác giả cho rằng Ôn đã mở đường cải cách thật sự, nhờ phê phán thẳng thắn hệ thống kinh tế Trung Hoa. Ngược lại, Bernanke chưa hiệu quả trong việc đòi cho được những tiến triển cần thiết. Hai so sánh này có thể không công bằng cho lắm, vì là các giám đốc ngân hàng trung ương chứ không phải thủ tướng trong một chế độ độc đảng, Greenpan và Bernanke không có quyền năng như các đối tác Trung Hoa của họ. Nhưng Roach đã viết một cách thuyết phục, khi ông lấy những người này làm biểu tượng cho cải cách kinh tế trong nước họ.
Vì thế tác giả không có tâm lí thất bại chủ nghĩa. Ông khẳng định rằng Hoa Kỳ có con chủ bài quan trọng, có thể xuất khẩu ở mức cao nhất, chẳng hạn, sang Trung Hoa nếu nó thật sự bắt đầu tiêu thụ. Nhưng, muốn thế, nước này cần giảm đi các cơ sở công nghiệp của nó và cải tiến thể chế. Thế mà, như Roach nhấn mạnh, Hoa Kỳ đang mất đi lợi thế cạnh tranh của nó, và thường xuyên nhường đất trong tương quan quốc tế. Dưới mắt nhiều công dân, chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái này là những hệ thống cơ bản như cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị, hệ thống y tế, giáo dục cấp cơ sở. Điều này dẫn tác giả đến kết luận rằng nhà sử học Paul Kenedy đã có lí khi nói lý do suy thoái của Hoa Kỳ là “sự mất cân bằng giữa sự vươn xa vô song của sức mạnh quân sự Mỹ khổng lồ và sự xói mòn cơ sở kinh tế quốc gia”.
Điều đó không có nghĩa là Trung Hoa tránh khỏi những rối loạn nghiêm trọng, vấn đề lớn ngầm ngầm chắc chắn là cải cách chính trị. Thuật ngữ này đang được sử dụng quá nhiều trong nước này, nhưng trước hết để gợi lên việc hợp lí hóa bộ máy quan liêu, và nhu cầu có sự phản ứng mạnh hơn của chính quyền trước sự ca thán của các công dân.
Tuy nhiên người ta chống đỡ rằng vấn đề nhân quyền không quan trọng gì đối với sự tăng trưởng của Trung Hoa – rằng những vấn đề chính trị trong nước không phải là kết quả của việc bành trướng ra nước ngoài. Nhưng đó là một sai lầm, vì rõ ràng là sự hà khắc của chế độ là nguyên nhân gây ra nghi ngờ cho các nước đối với Bắc Kinh. Nếu nhà nước tiếp tục bắt nhốt những người ôn hòa, nhiều nước ngoài sẽ tiếp tục tự hỏi liệu Trung Hoa có phải là loại nước có thể là đối tác thân thiện và ổn định trong dài hạn không?
MẶT TRÁI SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG HOA
Vụ án xử nhà hoạt động nhân quyền Xu Zhiyong (Hứa Chívĩnh) hồi tháng giêng vừa qua (2014) là trường hợp gần đây nhất trong vấn đề này. Ông bị kết án bốn năm tù vì đã “tổ chức tụ tập và gây rối trật tự công cộng” trong hoạt động cho Phong trào Công dân Mới. Nhóm này hoạt động hoàn toàn ôn hòa, đấu tranh đòi cải cách hệ thống chống tham nhũng và ủng hộ một hệ thống giáo dục công bằng hơn, đặc biệt cho những trẻ em có hoàn cảnh bất lợi ở nông thôn. Hai yêu sách này nhất trí ở mức độ lớn với những ưu tiên của lãnh đạo Tập Cậnbình, và Hứa nói chung được coi là một người ôn hòa trong giới bất đồng chính kiến. Sự thô bạo trong đối nội này không cản trở Trung Hoa đàm phán trên các thị trường cung cấp vật liệu thô: Bắc Kinh có tiền, còn các chủ tài nguyên kia muốn bán; nhưng nó khiến các nước phát triển (và, nói rộng ra, dân chủ) khó khăn trong việc đối xử với Trung Hoa như một đối tác đáng tin cậy trong dài hạn.
Chủ đề này được đề cập trực diện trong cuốn sách của David Sambaugh “Trung Hoa vươn ra thế giới: sức mạnh cục bộ”. Sambaugh là một trong những nhà phân tích có ảnh hưởng nhất về quan hệ Hoa – Mỹ. Cuốn sách vạch ra những mặt trái của sự trỗi dậy về quân sự của Trung Hoa: không thể sử dụng sức mạnh mới của nó để ảnh hưởng lên thế giới. Đây là một tác phẩm có qui mô lớn, kết quả của nhiều thập kỉ nghiên cứu vô số những cuộc tiếp xúc với giới có quyền quyết định của Trung Hoa. Cuốn sách của ông được viết dựa trên những cuộc trò chuyện không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở châu Âu và nhiều nơi khác, cho tác giả một cái nhìn 360o về sự vươn lên của cường quốc mới này.
Sambaugh chỉ ra rõ ràng rằng: Trung Hoa hay làm bộ làm tịch ra vẻ quan trọng, nhưng thành tích ngoại giao của nó rất xoàng. Trừ phi những sự kiện xảy ra liên quan trực tiếp đến lãnh thổ của nó, Bắc Kinh chỉ đóng vai người đứng xem, trong phần lớn những cuộc xung đột quốc tế, nó không bao giờ để chúng ảnh hưởng đến các vấn đề của nó. Công cụ chủ yếu của chính sách đối ngoại của nó là những cuộc viếng thăm với nghi thức nhà nước của các nguyên thủ nước ngoài.
MỘT LỐI TIẾP ĐÓN KỲ CỤC
Trong một trong những chương mà tôi thích nhất, Sambaugh miêu tả những nghi lễ ấy diễn ra như thế nào. Những người nước ngoài bao giờ cũng đến những chỗ nhất định: quảng trường Thiên An Môn, Đại Lễ đường Nhân dân, dinh thự của các nguyên thủ quốc gia Điếu Ngư Đài, và trụ sở chính phủ Trung Nam Hải. Một cuộc gặp kì cục không tránh khỏi thế nào cũng diễn ra ở một trong hai địa điểm sau cùng. Vị lãnh đạo Trung Hoa vẫn đứng trong một căn phòng đóng kín cửa chưa để cho ai nhìn thấy. Ông ta luôn luôn đứng thẳng. Khách nước ngoài bấy giờ được đưa vào một căn phòng đợi. Như vậy bắt buộc người khách phải bước đến chỗ vị lãnh đạo Trung Hoa. Khách đi đến bên tay phải của lãnh đạo cộng sản và cả hai đứng thẳng, mắt nhìn vào camera. Sau đó họ bắt tay nhau, mắt vẫn luôn nhìn vào camera.
Vị trí của người khách nước ngoài ở bên phải là quan trọng bởi vì ông ta sẽ phải vặn thân mình một cách lúng túng để bắt tay chủ, trong khi vị lãnh đạo kia chỉ cần giơ tay phải ra một cách nhẹ nhàng. Kết quả là,vị lãnh đạo luôn tỏ ra thoải mái và tự tin, trong khi khách dường như thường có vẻ khó chịu. Cách diễn tuồng này chắc cũng được dành cho những cuộc giao tiếp nội bộ. Nhưng nó cũng phản ánh một sự thiếu thực chất trong thuật ngoại giao của Trung Hoa, và một sự tự tin cường điệu trong nghệ thuật dàn cảnh. Chắc chắn nó cũng nói lên vài điều về nhu cầu có tàu sân bay và việc bảo vệ nó quá mức bằng rất nhiều điệu bộ sân khấu - ở đây có một mong muốn đọ sức và vượt đối thủ. Về mặt nào đó, cái mong muốn tạo ra một hiệu ứng thị giác này nhắc ta nhớ đến một tác giả lớn Trung Hoa đầu thế kỉ 20, Lỗ Tấn, và cách ông chế giễu cái thói ưa chuộng “thắng lợi tinh thần” của người Trung Hoa.
Tình yêu của người Trung Hoa với các khẩu hiệu cũng đang phát lộ. Trong nước, các công dân thường xuyên bị oanh tạc bởi những khẩu hiệu như: “xã hội hài hòa” hay “giấc mơ Trung Hoa”. Ở nước ngoài, nước này cũng sử dụng một công thức vô nghĩa từ mười lăm năm nay, tung ra những từ ngữ như là “khái niệm mới về an ninh”, “con đường phát triển hòa bình” mà Trung Hoa đang theo, “trỗi dậy trong hòa bình”, “đối tác chiến lược” hay “thế giới hài hòa”. Và người ta chờ đợi nước ngoài tán thành những khẩu hiệu này. Nhưng như Shambaugh nhấn mạnh, người ta không yêu cầu nó nhắc lại những công thức này như một con vẹt mà không bao giờ đi vào một cuộc thảo luận nghiêm túc.
Khám phá sâu hơn những thủ đoạn loại này, Shambaugh cho ta thấy một sự khủng hoảng bản sắc dân tộc. Ông có một cuộc nói chuyện công khai với Men Honghua (Môn Hồnghoa) của trường Đảng trung ương. Môn khẳng định rằng những giá trị phổ quát vĩ đại của Trung Hoa đã bị hủy hoại trong thời kì Cách mạng Văn hóa. “Chúng tôi đã mất những giá trị của chúng tôi – chúng tôi không có giá trị chung nào cả. Có một khoảng trống gía trị ở Trung Hoa. Chúng tôi không còn hệ tư tưởng nào nữa.”
Cấu trúc chính trị và xã hội sâu xa của Trung Hoa cũng được thấu hiểu trong “Câu chuyện Trung Hoa năm 2013: khai hóa Trung Hoa”: [China Story Yearbook 2013- Civilizing China] một loạt bài đăng bởi nhà Hán học Australia Geremie Barmé và tác giả sống ở Bắc Kinh Jeremy Goldkorn. Đây là lần xuất bản thứ hai trong năm của tập hồi ức quí báu này, mà người ta có thể tải xuống miễn phí. [http://www.thechinastory.org/]
Yearbook chứa một tổng kết các sự kiện gần đây với những bài ngắn và gay gắt, do các tác giả như Leta Hong Fincher viết về phụ nữ, Benjamin Penny viết về các mô hình xã hội, và Sebastian Veg về chủ nghĩa dân tộc. Goldkorn cũng viết một chương rất hay về những cố gắng của nhà nước nhằm “khai hóa” (tức là kiểm soát) Internet.
Bài của Barmé về những giá trị của Đảng cộng sản đặc biệt đáng chú ý. Ở đây ông nhấn mạnh mâu thuẫn chủ yếu. Một mặt, ĐCS công khai vứt bỏ cái mà nó gọi là “”những giá trị phổ quát”, tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội Trung Hoa đã phục vụ tốt cho đất nước rồi. “Một tâm lí đắc thắng như thế che dấu sự thật là có một cuộc xung đột gay gắt của các nền văn hóa ngay trong lòng ĐCS. Thế giới quan duy vật nghiêm ngặt của nó loại trừ hoàn toàn việc chấp nhận tính phổ quát của các giá trị nhân loại. Nhưng, ít nhất trên bình diện diễn ngôn này, nó thừa nhận vai trò tích cực tiềm tàng của các giá trị, giống như bản thân chủ nghĩa Marx, vốn đầu tiên được sáng tạo ra ở phương Tây.
***
Sau khi đọc những cuốn sách này, tôi bị Dyer thuyết phục, rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một thách thức thực sự. Tôi cũng nghĩ rằng cuộc thảo luận của Shambaugh về khả năng ảnh hưởng của nó đặc biệt có sức thuyết phục. Trở thành một cường quốc bá quyền, phần nào có nghĩa là có một nền văn hóa hấp dẫn mà kẻ khác muốn bắt chước, và dường như Trung Hoa không được [trời?] phú cho điều này. (Mặc dầu lịch sử của nó quyến rũ, và văn hóa của nó có bề dày truyền thống).
Nhưng tôi không ngừng suy nghĩ về cuốn sách của Roach. Thông minh và có một văn hóa có ảnh hướng, tốt!, nhưng cần phải dựa trên một kinh tế chính trị nghiêm chỉnh và một chế độ thuế khóa bền vững. Nhất là, nó cần có một dân chúng và một giới tinh hoa chính trị có niềm tin vào chế độ của họ. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục bỏ qua sự thật sơ đẳng này, Trung Hoa có thể không cần đến một chương xây dựng hải quân theo thuyết Mahan; sự thăng tiến của nó sẽ có thể mặc nhiên diễn ra một cách đơn giản.
__________________________________
* Bài của Ian Johnson trên New York Review of Books, 8 tháng Năm, 2014, điểm cuốn sách của Geoff Dyer “CUỘC ĐẤU THẾ KỶ: Thời đại mới của cuộc đối đầu với Trung Hoa – và Hoa Kỳ có thể thắng được như thế nào” [The Contest of the Century: The New Era of Competition With China – And How Ameriaca Can Win]. Bản dịch Pháp của Sandrine Tolotti, (Le March du Siècle: Le Nouvel Âge de la Rivalité avec la Chine – et comment les États Unis peuvent l’emporter) . Bản tiếng Việt: HT, 2-2015 dịch từ bản tiếng Pháp.