Xuân về! Đất trời se lạnh, muôn ngàn mắt lá chồi non bắt đầu cụng cựa đón mừng những hạt mưa xuân phơi phới bay trong gió nhẹ ,sực nức hương vị cỏ hoa .Đó đây bếp lửa nhà ai đã rực hồng, mùi bánh chưng ngạt ngào lan tỏa khiến cho hương xuân thêm đậm sắc.
Tết đến xuân về, thiếu bánh chưng xanh coi như thiếu hẳn hương vị ngày tết .Nhớ thuở hồng hoang , Lang Liêu đã đem cái quý giá nhất trong trời đất, ruộng đồng do chính tay mình làm ra tiến cúng Tiên Vương, dâng lên vua cha .Trải bao thế hệ, con cháu vua Hùng từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc vô Nam có ai lại không sắm vài ba cặp bánh chưng đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết cổ truyền của dân tộc .Chiếc bánh chưng chứa đựng tấm lòng, tâm tình của con cháu tôn kính công lao cha mẹ ,tổ tiên như trời như đất . Không ít những đôi nam thanh nữ tú nên vợ nên chồng có lẽ cũng bắt đầu từ :
“Lạt này gói bánh chưng xanh
Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng”.
Bánh chưng được tặng biếu cho người thân và nhất là không thể thiếu trong lệ đi tết mới , tết rể .Cặp bánh chưng xanh kèm theo chai rượu lúa mới làm ấm tình người.
Thế nhưng không phải bánh chưng vùng nào cũng giống nhau . Hải Hậu quê tôi nổi tiếng bởi bánh chưng bà Thìn, cũng như Thái Bình có bánh cáy,Huế có bánh xèo, Nam Bộ có bánh tét ...Bánh chưng bà Thìn sử dụng suốt trong năm . Ai về thăm quê mà không đem theo mấy cặp bánh chưng làm quà . Chiếc bánh chưng chân chất, bình dị , thanh nhã đã theo chân người đi tới khắp mọi miền quê.
Bánh chưng bà Thìn có hương vị khác biệt khó lẫn với các loại bánh chưng khác. Bạn có thể mua bánh chưng ở bất kì chợ nhỏ nào nhưng phải tìm tận tới dốc cầu Yên Định mới đích thực là bánh chưng bà Thìn .Tại sao bánh chưng Hải Hậu quê tôi đã ngon ,bánh chưng bà Thìn còn ngon hơn? Cũng gạo,đỗ,nhân thịt, lá dong ấy song bánh chưng bà Thìn có lẽ được ưa chuộng bởi bí quyết nhà nghề .
Tôi đến thăm gia đình cụ Thìn vào một tối mùa đông .Cụ Thìn đã về với người thiên cổ. Người con dâu duy nhất của cụ, hồ hởi đón tiếp tôi. Bà đẹp thuần hậu, mặn mà của người đàn bà xứ biển.Vẻ chân tình hiếu khách của chủ nhà đã ùa vào tôi cái duyên đằm thắm và bền chặt của bánh chưng đến thế. Đặt vào tay tôi chiếc bánh chưng Gù nóng hổi gói tay thật chặt, bà dịu dàng bộc bạch. Nhờ danh phong và nghề gia truyền bánh chưng của mẹ mà bà đã thay chồng nuôi năm người con khôn lớn thành đạt. Bà còn tự hào vì bánh chưng của gia đình bà còn được mang tận sang Pháp bởi những người con đất Việt nhớ hương vị quê hương.
Bánh chưng ngon bắt đầu từ hạt gạo .Gạo làm bánh phải là thứ gạo nếp Vò Gi đặc sản vừa dẻo, vừa thơm trồng trên chân đất cao cho hạt mẩy, chắc. Những hạt gạo trắng nõn nà căng đẫy như ong non được vo sạch tới nước trong rồi ngâm. Nước để vo và ngâm gạo cũng phải là thứ nước mưa tinh chất của trời. Các loại nước giếng, máy làm gạo bị xám, mất đi cái thanh khiết của đồng quê cỏ nội Việt Nam. Đậu xanh để làm nhân bao giờ cũng nhiều và được chọn từ loại đỗ trồng trên đất cát pha .Không hiểu sao đỗ trồng trên đất cát pha miền Hải Triều ,Hải Thịnh lại vừa bở ,vừa ngậy đến thế. Thịt ba chỉ nóng tươi hôi hổi cắt miếng to vuông vức ướp tò ho gia vị thơm lừng thêm một chút mặn mòi của biển. Hành Thái bình củ to bóng bảy nhưng không thể thơm bằng hành Cồn quê tôi .Giống hành tía ấy mà phi lên thì nức mũi cả ba làng bảy xã.
Tôi mải mê ngắm bà Khánh ngồi gói bánh .Đôi bàn tay bà nhẹ nhàng đặt lá,cứ một lượt gạo là một lượt đỗ.Chất lượng bánh ,uy tín nhà hàng là hàng đầu chứ không phải cái lợi lỗ lãi trước mắt .Bàn tay bà khéo léo vun gạo, gấp lá rồi bẻ ra sau ,dùng lạt buộc thật chặt. Ẩn chứa trong từng thao tác vừa tỉ mỉ ,vừa mềm mại điêu luyện ấy là lòng say nghề , yêu thương trân trọng cái lộc của trời đất gieo vào lòng dân gian sự thơm thảo ngọt lành của di sản văn hóa ẩm thực dân tộc .Có lẽ quốc hồn quốc túy cũng quyện hòa trong hương vị bánh chưng xanh.
Khâu luộc bánh thật là quan trọng. Có một tấm bánh chưng dẻo thơm là cả một quá trình luộc bánh công phu. Hỏa cục tương sinh đắc địa, âm dương phải tương sinh, nước lửa phải hài hòa thì bánh mời rền ngon. Thời buổi hiện đại những bếp củi ,bếp rơm thay dần bằng bếp than ,bếp điện ,bếp ga...tấm bánh chưng có lẽ vì thế mà kém đi nét đặc trưng của nó. Quanh năm gia đình cụ Thìn dùng củi để ninh bánh . Thứ củi thông thơm , reo tí tách, chứ chẳng bao giờ dùng củi xoan mà luộc bánh chưng. Lửa củi vừa đượm vừa không bị cháy cướp lại gợi cho người ta cái cảm giác hương vị của tết nhất ấm áp mà đoàn tụ .Khi nước sôi cạn săm sắp bánh thêm một ít nước lạnh rồi tiếp tục gầy .”Sao bà không thêm nước nóng cho nhanh sôi lại ạ!”.Bà Khánh chưa vội trả lời tôi .Bà bóc một chiếc bánh .Chao ôi !Cái màu xanh xanh trang nhã của lá dong vườn gói ghém lớp gạo trắng ngọc ngà, ấp ủ nhân đỗ xanh quyện trong vị đậm đà béo ngậy của thịt, mỡ, hành ...khiến người ta tứa nước miếng.
Bà tủm tỉm: “Bánh còn nguyên hạt gạo mà nhừ tơi ,tan thấm vào đầu lưỡi là bởi tiếp thêm nước lạnh .Chẳng cần theo dõi đồng hồ cứ tiếp sáu lần nước lạnh là có thể vớt bánh ra.” Mà cẩn thận hơn mỗi lần vớt bánh lại nhúng vào nước lạnh rửa bớt lớp nhựa gạo trào ra ngoài lá dong , bánh đẹp và để được lâu hơn.
Những đêm đông ghé vào quán cóc, huơ tay trên bếp lửa nồng , nâng niu chiếc bánh chưng gù nóng hôi hổi , ăn từng miếng bánh mới thấy cả đất trời thu cả vào trong cái hương vị đặc biệt ấy. . Lại thấy náo nức reo vui vì đó là dấu hiệu của đời sống ấm no , con người tự tạo ra hạnh phúc . Lại thấy thêm yêu , thêm tự hào nền văn hoá ẩm thực cổ truyền độc đáo của dân tộc biết bao!
Hoa đào khoe sắc thắm .Tết này nhà bạn cũng có nồi bánh chưng xanh nhưng nếu có dịp về Hải Hậu ,về với những chiều vàng cánh sáo diều vi vút trên cánh đồng quê ngạt ngào hương lúa ,về với những nề cát trắng lắng nghe sóng biển rì rào ,những cánh buồm ra khơi trong ánh bình minh ngày hồng rực rỡ bạn nhớ ghé qua quán bánh chưng cụ Thìn thưởng thức hương vị đặc biệt của đồng quê tôi . Chắc hẳn miền đất Hải Hậu đầy nắng gió sẽ lưu luyến mãi bước chân người ra đi.