Không phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa cổ nhân đã dùng hoa mai để chưng trong ba ngày tết. Bởi lẽ, mai được xem là quý nhất trong tứ quý: mai, lan, cúc, trúc. Mai có thân cành khẳng khiu; hoa thì mềm mại, mỏng manh và dù đến khi rơi rụng nhan sắc vẫn tươi nguyên. Một loài hoa giản đơn, hầu như không có mùi mà sao mỗi lần nhìn thì lòng ta cứ lâng lâng, thư thái. Có lẽ vì thế, hoa mai đã trở thành đề tài cuốn hút các nghệ sĩ cổ kim khắc hoạ thành những áng thơ bất hủ.
Chính từ bản chất, dung nhan và vóc dáng ấy, hoa mai trở thành hình tượng biểu trưng cho những gì cao đẹp, thuần khiết và tuyệt vời nhất:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua xuân trước một nhành mai
Xuân tàn hoa rụng là quy luật muôn đời của tạo hoá. Nhưng cành mai trong thơ Mãn Giác Thiền Sư lại hoá thân tiếp tục nở hoa và tồn tại như một sự vĩnh hằng, bất biến. Quả vậy, hoa mai chính là lẽ sống, là nhân cách của người đạo cao đức trọng. Hoa mai là biểu tượng cho sự cao quý, thanh khiết đã khiến cho Cao Bá Quát phải sùng bái:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
( Mười năm đàm đạo giao du khó như tìm gương cổ, một đời ta chỉ biết cúi đầu lạy trước hoa mai)
Các nhà thơ viết về hoa mai không phải chỉ đơn thuần nhìn bằng mắt như các nghệ nhân tạo hình chân phương, các thi sĩ nhìn mai bằng một biểu cảm cao nhất của tâm hồn dào dạt cảm xúc. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã mê mai đến mức xem mai là tri âm, tri kỷ đó sao:
Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người thân
Đến Nguyễn Trãi, trong gần 400 bài thơ, ông đã cảm tác không dưới mười bài về hoa mai. Có lẽ, với vóc dáng gầy guộc ma cốt cách thanh cao của mai có phần nào giống với tâm hồn và tính tình Nguyễn Trãi: cương trực, thẳng thắng, một lòng trung hiếu. Tác giả từng ví những cánh mai rơi như ngọc rụng: “ngắm hoa tàn xem ngọc rụng”. Hơn nữa, hoa mai lại khoe sắc, điểm xuyết cho đất trời từ đông sang xuân, cho dù trong giá rét, lạnh lẽo. Nguyễn Trãi viết về hoa mai với tấm lòng yêu quý tột cùng:
Càng thuở già, càng cốt cách
Một phen gió, một tinh thần
Hoặc: Mai sinh phải tuyết lạnh chẳng hiềm
Vì vậy, mặc dù ông viết nhiều về các loài hoa khác nhưng trước sau Nguyễn Trãi vẫn dành tình cảm nhiều nhất cho hoa mai:
Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi
Yêu mai vì tiết sạch hơn người
Trong thơ ca, hoa mai ngoài biểu tượng cho sự cao quý, trong sạch và cương trực của người quân tử, nó còn là hình tượng thường sóng đôi với trúc để biểu tượng cho tình yêu nam nữ:
Chắc rằng mai trúc lại vầy
Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau
Mai và trúc trở thành một cặp uyên ương, một biểu tượng cho tình yêu chung thuỷ, bên cạnh các cặp hình tượng thuyền – bến, mận – đào.
Mừng xuân không thể thiếu hoa mai. Mừng xuân cũng không quên lần dở những trang thơ viết về loài hoa tuyệt đẹp này. Hớp một ngụm trà, một thoáng trầm ngâm, ngồi ngắm mai vàng nở rộ, lòng chợt nhẹ nhàng thanh thoát mà bồi hồi tưởng nhớ cổ nhân