1. Trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam có lẽ Hoàng Cầm là một gương mặt thơ không mới nhưng rất lạ. Chính cái lạ này đã tạo nên một lực hấp dẫn của thơ ông trong sự tiếp nhận của người đọc. Thơ ông lạ từ trong giọng điệu, trong sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ... Song cái lạ nhất trong thơ ông chính là sự quyện hòa giữa Tình yêu và cái hồn Văn hóa Kinh Bắc luôn ám ảnh thế giới nghệ thuật thơ của ông. Đây cũng là điều tạo nên cái riêng của cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm. Thế nên, trong trường ca “Tiếng hát quan họ”, không phải ngẫu nhiên ở bài thơ mở đầu ông đã tự bạch: Tôi người làng quan họ, ngay từ khi ông hiện hữu giữa cuộc đời.
Mười năm sau ngày cưới
Chồng nhớ hội yếm đào
(...)
Hai người chợt tiếc mùa xuân
Vội chắp lại đêm xuân thứ nhất
Nhờ đó tôi ra đời
Mẹ quấn quanh tã mỏng
Giọng hát bắt đầu rơi rụng
Theo từng giọt sữa vắt nuôi con
Tôi người làng quan họ
2. Như vậy, Hoàng Cầm ra đời vào mùa xuân (Ông sinh ngày 22/2/1922). Đó là mùa của lễ hội, của tình yêu, của sự phồn thực. Mùa xuân đã kết nối Tình Yêu của Bố Mẹ ông, đã tạo nên một cuộc hôn phối diệu kỳ giữa họ để từ đó, ta có một Hoàng Cầm thi nhân, một Hoàng Cầm nghệ sĩ, một Hoàng Cầm kịch tác gia, nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là một Hoàng Cầm thi sĩ. Tôi rất ấn tượng về ông ở cái chất thi sĩ này. Bởi, trong cõi đời hỗn mang này, người làm thơ thì nhiều nhưng có mấy ai được tôn vinh là thi sĩ. Ngay một nhà thơ có tên tuổi như Đông Hồ mà cũng chỉ dám nhận mình là thi nhân (người làm thơ) chứ không bao giờ dám nhận mình là thi sĩ. Bởi, trong quan niệm của Đông Hồ: “Muốn lãnh được danh hiệu là một thi sĩ, đúng với danh xưng của nó, tôi thấy phải là một người sống một đời sống tinh thần lạ thường lắm, đặc biệt lạ thường.” (1) Và cũng từ mùa xuân vô thường ấy, Hoàng Cầm đã hiện hữu giữa cuộc đời như thi sĩ đích thực với một thân phận lạ, số phận lạ, một hiện hữu khả thể và bất khả thể của kiếp nhân sinh mà những thăng trầm của đời ông và thơ ông là sự minh chứng sinh động cho cái khả thể và bất khả thể ấy trong số phận của ông...
Một điều lạ lùng nữa là cảm thức về mùa xuân của ông không bao giờ có sự cô độc, khổ đau mà trái lại đầy tiếng hát của những hội hè, mặc dù đời ông không phải không trải qua những mùa xuân đau đớn và cô độc. Chính vì vậy, cảm thức Xuân trong thơ ông bao giờ cũng thanh thoát, trong xanh như khí trời mùa Xuân, luôn gắn liền với những giá trị văn hóa của lễ hội mùa xuân: mùa của ân ái, hẹn hò, nhớ thương, chờ đợi...
Suốt tháng giêng mưa xuân trắng ngõ
Những người gái thôn Dương Ổ
Đập sợi thâu đêm
Khi nắng lên se chỉ trắng ngoài thềm
Khi giăng lên đưa con thoi dệt vải
tiếng hát chập chùng, mái gianh phủ khói
Chị em hẹn nhau ngày hội sang năm
Suốt tháng giêng
Để rồi “Khi mùa xuân trở về”, tình yêu và sự hẹn hò ấy gặp sức xuân mà trỗi dậy, mà hồi sinh, mà hôn phối. Trong tâm thức Hoàng Cầm, mùa xuân chính là thiên sứ của tình yêu, là hiện thân của tuổi trẻ, của sự phục sinh, là nguồn sống của tâm hồn con người. Và chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc sống của con người trở nên ý vị. Điều này ta cũng cảm nhận được từ cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm:
Khi mùa xuân trở về
Tiếng hát bốc lên đầu ngọn cỏ
Có những bài ca dao
Bao nhiêu năm lặng câm nằm ngủ
Trong lòng mẹ nghèo
Gặp đêm nay con gái chớm yêu
Bài ca thức giấc
Nhập vào miệng con
Một nụ hồng non
Xòe nở”
Khi mùa xuân trở về
Phải chăng, chính những giá trị văn hóa của vùng Kinh Bắc mộng mơ và huyền ảo cùng với những khao khát cháy bỏng của tình yêu là bến đỗ bình yên của tâm hồn ông. Và chính sự hợp hôn diệu kỳ của văn hóa và tình yêu đã cứu rỗi đời ông và thơ ông ra khỏi bến bờ đau thương của cuộc sống để làm nên nét tươi trẻ, xuân sắc, thanh sạch trong hồn thơ ông.
Có thể xác quyết, cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm là sự hội tụ cái hồn của văn hóa Kinh Bắc và Tình Yêu. (ông đã tự nhận là mình thuộc nòi tình) Vì vậy, trong thơ ông, xuất hiện hàng loạt các bài thơ viết về lễ hội mùa xuân như: Hội vật; Thi sợi bún; Thi đánh đu; Thi hát đúm; Thi dệt vải; Thi thêu gấm; Hội chen Nga Hoàng; Hội Gióng; Hội Long Khám; Hội Vân Hà... Chính các lễ hội này làm cho tình xuân, hồn xuân trong thơ ông thêm nồng thắm, đa dạng. Và mỗi lễ hội lại biểu hiện một cảm thức riêng về nét đẹp của mùa xuân và tình yêu mà lễ hội đánh đu là một nét đẹp ấy.
Có thể nói, lễ hội đánh đu là sự quyện hòa giữa sức xuân của con người với sức xuân của đất trời để làm nên một mùa xuân bất tận của ái ân, của khát khao bùng cháy với những đam mê đầy chất phồn thực.
Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh
Thi đánh đu
Còn đây là nét xuân trong ngày Hội Gióng cũng đầy sự ám ảnh của tình yêu và duyên phận nhưng cũng không kém phần lãng mạn
Xuân đến lụa the
Cầm gậy tre đi se duyên cô Tấm ông Hoàng
Vớt Trương Chi về gấm đỏ lầu Tây
Hội Gióng
Quả thật, cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm luôn gắn với tình yêu và sự tiếc nuối tuổi trẻ, một điều tất yếu trong cuộc sống nhưng cũng là bi kịch của con người trước những giới hạn mang tính định mệnh mà chúng ta không thể nào cưỡng lại được. Chính vì vậy, những giả định thi sĩ đặt ra trong thơ chỉ làm lòng ta thêm xa xót:
Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Nếu anh còn trẻ
Một trong những yếu tính của tình yêu là khát vọng kiếm tìm, là cảm giác trống vắng luôn cần sự bù đắp từ một tinh cầu khác trong vũ trụ ái tình. Yêu nhau và tìm nhau, gần nhau rồi ly biệt, có nhau rồi mất nhau là qui luật của tình yêu. Vì thế, cảm thức xuân trong thơ Hoảng Cầm luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh một người phụ nữ mà hình như suốt đời, ông mãi tìm kiếm trong vô vọng như đã từng dấn thân đi tìm một chiếc lá “Diêu bông” không có thực ở cõi đời!? Và hình ảnh này luôn hiện hữu trong thơ ông như một dự phóng của sáng tạo. Thi giới trong thơ xuân Hoàng Cầm, vì thế là thi giới của Tình yêu và Lễ hội, của khát khao và đợi chờ. Lễ hội ở đây chỉ là chất men để kết nối tình yêu và để tình yêu thêm nồng thắm. Và Đây chính là một tâm thức hiện sinh trong thơ ông.
Đi vào nẻo xuân
Gặp đường lụa đỏ
Ai chờ Em đó
Mà hoa trắng ngần
...
Khép tà áo mới
Em vào đêm xuân
Vào Xuân
Sự thăng hoa của tình yêu khiến mọi sự vật cũng chìm vào thế giới của vô ngôn, của tuệ giác để chỉ còn lại tình yêu với thứ ngôn ngữ riêng của nó: Ngôn ngữ của lặng im, của trái tim, của thân thể, của khát vọng kiếm tìm...
Em hỏi sao anh cứ đến tìm?
Thuyền nào đưa lối chật khoang tim?
Nhưng anh nín lặng dìu em bước
Lên hết bầu xuân tiếng mõ chìm
Chùa Hương
Còn đây cũng là một biểu hiện đầy tính chất mỹ cảm trong sự kết hợp hài hòa giữa tình yêu và mùa xuân. Dường như, trong tâm thức sáng tạo của Hoàng Cầm tình yêu và mùa xuân luôn là sự hợp hôn mầu nhiệm. Mùa xuân là mùa của tình yêu và tình yêu nào cũng là một mùa xuân miên viễn. Hai phạm trù tưởng như của hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau, một thế giới của ngoại cảnh và một thế giới của tâm cảnh lại luôn gắn kết với nhau một cách hài hòa. Và chính cái mùa xuân tình ái này cũng là một hiện hữu trong tình yêu mà Hoàng Cầm đã cảm nhận một cách tinh tế và đầy sức ám gợi.
Xuân hương thương xuân chồi yếm mỏng
Phập phồng biển động sóng nao lòng
Hai đường nhật nguyệt tròn nông nỗi
Rưng rức vòm sao rẽ lối cong
Tương biệt hành
Còn đây lại là một cảm xúc cháy bỏng khác của ân ái trong tình yêu mà nếu không có sự rung động tinh tế của một trái tim thi sĩ thì không thể lắng nghe được sự thổn thức tế vi và mỏng manh như thế này:
Thôi Em! Cỏ mịn chân đê
Anh đưa Em nhẹ gót về xanh xưa –
Chỉ tay xuống đất làm mưa
Mát chân Em khỏa lững lờ nguồn xuân
Tan rồi hạt bụi ái ân
Vướng mi Em một đôi lần... phải không?
Xanh xưa
3. Aimé Césaire cho rằng: “Thơ là sức chuyển dịch kia, nó nhờ tiếng nói, hình ảnh, ảo tưởng, ái tình và hài hước mà đem tôi đặt vào trung tâm sống động của bãn ngã và vũ trụ.” (2) Và thơ Hoàng Cầm là một loại thơ như thế. Cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm cũng là một cảm thức có tầm vũ trụ, vì nó luôn gắn với những vẻ đẹp của tự nhiên, của văn hóa mà sự kết tinh của những vẻ đẹp ấy lại là con người và tình yêu. Nhà thơ luôn đặt con người và tình yêu trong sự quán chiếu với những hệ giá trị của văn hóa và tự nhiên đồng thời đặt tự nhiên và những hệ giá trị văn hóa trong sự quán chiếu của tình yêu và con người. Vì vậy, cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm là một thứ cảm thức của tâm cảnh và tâm cảm cho nên nó có sức quyến rũ tâm hồn con người. Nó là một thứ hương hoa kết tinh từ những đóa xuân của đất trời và của lòng người. Nó vừa hiện hữu lại vừa không hiện hữu. Nó không phải là thứ thơ tụng ca cất lên những lời ngoa ngôn và sáo rỗng, bay bổng và vô nghĩa về những vấn đề hoàn toàn xa lạ với cuộc sống con người. Bởi nói như P. Reverdy: “Nhà thơ gần như chỉ sống bằng cảm giác, hướng lên ý tưởng và rốt cuộc, chỉ bày tỏ những tâm tình”.(3)
Và đây cũng chính là một phẩm tính làm nên giá trị thơ Hoàng Cầm mà ta có thể tìm thấy trong cảm thức xuân mà ông đã chia sẻ trong thơ.
Bướm ngũ sắc rã rời tay trẻ xé
trách mình quá lộng nắng tàn xuân
Đếm giờ
Chú thích:
* Những câu thơ trích dẫn đều lấy từ Hoàng Cầm Thơ, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2011
(1) Đông Hồ Câu chuyện văn chương, Nxb Khai Trí, SG 1969, tr. 186
(2)(3) Dẫn theo Trần Hoài Anh, Thơ – Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2009 tr. 269, 279.