1. Không phải ngẫu nhiên trong hệ thống từ vựng tiếng Việt lại xuất hiện cụm từ “ăn Tết” mà không gọi là chơi Tết, vui Tết. Thế nên, những người sống tha hương bao giờ cũng mong đến cuối năm được về quê ăn Tết chứ không phài về quê vui Tết, chơi Tết. Tâm thức văn hóa này phản ánh một thực tế trong đời sống của cư dân nông nghiệp Việt Nam vốn quanh năm sống trong đói nghèo. Sự thiếu ăn, thiếu mặc luôn ám ảnh họ như một tâm thức hiện sinh. Vì vậy, để có một bửa ăn đàng hoàng với đầy đủ dưỡng chất là điều mơ ước của người nông dân ngày xưa. Và điều ấy chỉ có thể được thỏa mãn trong những ngày lễ Tết.
2. Song, nói như thế, không có nghĩa là người nông dân Việt Nam mong Tết đến chỉ để được ăn miếng ngon. Bởi lẽ, đối với người Việt Nam ngày Tết không chỉ để vui chơi, giải trí, ăn uống mà đó còn là lúc trở về với nguồn cội, với tổ tiên, để cảm nhận một cách thiêng liêng nhất cái tình tự dân tộc mà ngày thường có thể bị chìm lấp trong cuộc sống áo cơm lận đận của phận người. Đây cũng chính là sợi dây kết nối các thế hệ với nhau trong cộng đồng dân tộc. Nó trở thành một sức mạnh của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Cho nên, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì người Việt Nam vẫn luôn nhớ về lũy tre làng, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ những bửa ăn ngày Tết… Vì vậy, về quê ăn Tết không chỉ để được ăn cái gì mà chính là để được trở về với nguồn cội, với quê hương bản quán, với mồ mã tổ tiên, với việc đoàn tụ gia đình. Về quê ăn Tết cũng là sự trở về với những ký ức của một tâm thức văn hóa và nói như Vũ Bằng: “về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm; về quê ăn Tết tức là để tỏ cái tinh thần lạc quan ra chung quanh mình, tỏ tình thương yêu cởi mở và biểu dương những tinh thần, những kỷ niệm thắm thiết vì lâu ngày mà quên đi mất” (1) Và phải chăng về quê ăn Tết còn là dịp để mọi người cảm nhận những giá trị văn hóa truyền thống về Tết cổ truyền của dân tộc mà trong đó vấn đề văn hóa ẩm thực là một trong những giá trị không thể thiếu.
Tìm về với văn hóa ẩm thực ngày Tết, phải chăng là tìm về với một nét văn hóa đã ăn sâu vào tâm cảm mỗi người như một phần không thể mất trong tinh hoa văn hóa dân tộc. Bửa ăn ngày Tết không chỉ đơn thuần là việc giải quyết nhu cầu bản năng ở cái phần CON mà chính là để làm thăng hoa cái phần NGƯỜI. Vì thế, ăn Tết là một vấn đề của văn hóa, của nhân cách, của giá trị. Cho nên, văn hóa ẩm thực ngày Tết cũng là một giá trị văn hóa không thể thiếu trong phong tục tập quán ngày Tết của dân tộc. Nó trở thành một phẩm tính trong quốc hồn, quốc tuý của dân tộc, là bản sắc văn hóa dân tộc để khẳng định Việt Nam không phải là cái bóng của bất cứ dân tộc nào khác. Trong tâm thức văn hóa ẩm thực ngày Tết của Vũ Bằng, điều ấy đã được xác quyết một cách rõ ràng: “Ngày Tết, người Tàu có bánh pía, người Nhật có bánh đậu đen và ngày Chúa Giáng sinh, Tây có bao nhiêu là thứ bánh bằng bơ, pho mát, hạnh nhân, săng ti – y. Nhưng lạ lắm, thưa bà, cái bánh Xuân Cầu của ta nó ngon đáo để là ngon – nếu tôi được dùng một danh từ hơi phàm phu một chút, tôi phải bảo là ngon “da rít”!
Đó là cái ngon của da thịt cô gái quê đẹp mê mệt, đẹp lành mạnh, lâm li trong khi bao cái ngon khác là cái ngon của cô gái tỉnh thành xanh xao và bệnh hoạn, chỉ được cái môi tô son đẹp và bộ áo may vừa khít với một giá đắt tiền!” (2) Và để “mê hoặc” người đọc về cái ngon của bánh Xuân Cầu, Vũ Bằng không chỉ thi vị hóa cái ngon ấy qua sự đối sánh với vẻ đẹp mặn mà của cô gái quê mà còn phân tích sự hấp dẫn của nó bằng những cảm nhận tinh tế, sâu sắc từ góc nhìn văn hóa ẩm thực: “Cầm lấy một miếng bánh mà thưởng thức! Lấy lưỡi đẩy một miếng lên khẩu cái, bạn sẽ thấy bánh reo lên nhè nhẹ, tan ra nhè nhẹ; dư vị của mật quyện lấy đầu lưỡi ta; cái béo, cái ngậy, cùng với cái ngọt, cái bùi vuốt ve hầu đầu ta và đem lại cho ta cảm giác đương nghe thấy trong lòng dạo lên một bản nhạc có tiếng đồng chen tiếng sắt” (3) Đây là sự thấu thị của một tâm hồn nghệ sĩ luôn nhạy cảm trước cái đẹp mà không phải nhà văn nào cũng có được nếu không có thiên năng và tình yêu đối với cái đẹp. Phẩm tính này chỉ có thể có ở những văn nhân biết thưởng thức cái ngon của các món ăn từ góc nhìn mỹ cảm của văn hóa ẩm thực như: Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Chính cái cảm quan nghệ sĩ này mà Vũ Bằng không chỉ lý giải cái ngon của bánh Xuân Cầu ngày Tết bằng cảm nhận từ âm nhạc mà ông còn nhìn vẻ đẹp văn hóa của nó qua cái nhìn của hội họa: “Bây giờ ở đây, ngồi thưởng thức chiếc bánh phồng to như cái sàng, quết bằng nếp với đường, vào một buổi đầu năm, ai là người còn nhớ đến cái “tác phong ăn Tết” ở Bắc không thể nào không nhớ tới những chiếc bánh Xuân Cầu bé bé, xinh xinh, có đủ các sắc tươi màu của một bức họa Gôganh.” (4)
Bên cạnh món bánh Xuân Cầu ngày Tết, trong tâm thức của Vũ Bằng văn hóa ẩm thực ngày Tết còn có hương vị của món cốm Vòng mà giá trị của nó không chỉ để thưởng thức mà còn là món lễ vật không thể thiếu, thể hiện sự sang trọng trong các dịp lễ Tết: “Tôi còn nhớ, lúc bé, mỗi khi có cốm mới, những nhà có lễ giáo không bao giờ dám ăn ngay, mà phải mua để cúng thần thánh và gia tiên đã. Vì vậy, riêng việc ăn cốm đã được “thần thánh hóa” rồi: do đó, cốm mới thành một thứ quà trang trọng dùng trong những dịp vui mừng như biếu xén, lễ lạt, sêu Tết – nhất là sêu Tết. Do đó, chàng trai gặp cô gái, nói đôi ba câu chuyện, biết là đã bắt tình nhau, vội vã bảo “em”: Để anh mua cốm, mua hồng sang sêu. Làm như sêu Tết mà đem hồng, đem cốm sang nhà gái là... nhất vậy! Mà thật ra thì nhà trai đem Tết nhà gái, còn gì quý hơn là cốm với hồng?” (5)
Còn đây là sự tiếc nuối của Vũ Bằng về một món ăn nằm trong hệ giá trị văn hóa ẩm thực ngày Tết mà nay đã trở thành món ăn thường ngày trong cuộc sống. Sự biến đổi văn hóa này là một qui luật tất yếu trong sự vận động của các hiện tượng văn hóa. Nhưng là người vốn nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong đó có văn hóa ẩm thực, nhà văn không khỏi chạnh lòng: “trái với bún chả, món cuốn, trước kia chỉ ăn vào dịp Tết và do người nhà làm lấy thì bây giờ ở Hà Nội lại thường thấy bán rong ngoài phố - và bán gánh như bánh đúc, bánh tro, bánh bèo, bún chả hay cháo sườn.” (6) Đây cũng là thực tế đang diễn ra từng ngày trong sinh hoạt ăn uống của chúng ta, khi các món ăn vốn chỉ xuất hiện trong ngày lễ Tết như: bánh chưng, bánh tét... lại được bày bán quanh năm trong các siêu thị... Văn hóa ẩm thực ngày Tết đang mất dần cái hương vị đậm đà, đặc sắc và quyến rũ của nó là vì thế!?
Một “miếng ngon Hà Nội” khác trong văn hóa ẩm thực ngày Tết luôn ám ảnh tâm thức Vũ Bằng mà càng đi xa càng thấy nhớ, đó là món “hẩu lốn”. Món ăn này cũng được nhà văn miêu tả trong sự đối sánh với món “tả pín lù” của Tàu, món “lâm vố” của Tây và món“xà bần” của miền Nam. Và từ góc nhìn văn hóa ẩm thực, ông đã phân tích sự khác biệt này như một nét riêng trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, từ đó làm rõ hơn cái độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt: “Thực kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có “tả pín lù”, Tây có“lâm vố”, mà ở đây thì chỉ có “xà bần”; ba thứ này cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên, nhưng tại sao ăn vào tôi vẫn thấy có một cái gì “khang khác”, không làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn?” (7) Trong tâm thức của ông “hẩu lốn ngon chính vì nó là sự tiết tấu thoát thai từ ở chỗ hỗn mang ra vậy. Cái và nước là hai mâu thuẫn, nhưng tài tình thay, lại hòa hợp với nhau như tiếng chim loan hòa với tiếng kêu của chim phượng, như trai hòa với gái, như tình nhân trong một phút yêu thương diễm ảo hòa trộn linh hồn vào với tình nhân”(8) Viết về một món ăn bình thường mà Vũ Bằng đã thi vị hóa như thế thì không thể là chuyện bình thường nữa rồi!? Ẩm thực trong tâm thức Vũ Bằng không chỉ đơn thuần là những món ăn nhằm thỏa mãn các giác quan của con người mà nó đã trở thành những tuyệt tác văn hóa vút lên từ những sáng tạo của con người. Hình như dưới ngòi bút của Vũ Bằng món ăn không chỉ là món ăn mà nó chính là giòng sông văn hóa chuyên chở những vấn đề của nhân sinh, của tâm tưởng. Món hẩu lốn, vì thế được Vũ Bằng xem như một thứ đặc sản của văn hóa ẩm thực ngày Tết mà theo ông “Muốn nhận thức thế nào là “ngon chết người đi được” của món hẩu lốn, ta phải đợi đến ngày mồng bốn hay mùng năm Tết, hóa vàng xong rồi, bao nhiêu cỗ bản còn lại đem trút cả vào nồi, “hẩu lốn” lên ăn. Có thể nói rằng ăn như thế tức là ăn cả cái Tết đầy hương và ngát hoa vào bụng” (9) Song, trong tâm thức của Vũ Bằng, món ăn ngày Tết không chỉ là biểu hiện của văn hóa ẩm thực mà còn là biểu hiện của văn hóa gia đình. Bởi: “Món hẩu lốn, tổng hợp các món ăn ngon ngày Tết còn là thành tố của tình yêu gia đình nữa. Ngày Tết ăn hẩu lốn tức là con cháu thừa hưởng kết tinh các món ngon bày lễ do người chết còn để lại cho người sống; giữa người sống với người sống, món hẩu lốn xiết chặt tình thân yêu lại với nhau vì bố cũng như con, chồng cũng như vợ, thưởng thức món đó đều chung một tâm sự như nhau là không thể có món ăn Tết nào “lâm ly” hơn thế”(10)
Có lẽ vì món ăn ngày Tết đã trở thành vấn đề của văn hóa, không chỉ ở lĩnh vực văn hóa ẩm thực mà còn là văn hóa gia đình, văn hóa phong tục, nên nó là một trong những hệ giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Thế nên, trong tâm thức Vũ Bằng, văn hóa ẩm thực ngày Tết là một trong những ưu lo của gia đình Việt Nam. Vì thế, “Mà từ đầu tháng Chạp, nhà chẳng có lúc nào rỗi rãi. Vấn đề quần áo Tết đã giải quyết xong ... người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn một chỗ, vi bóng, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá... tất cả những thứ đó cất sẵn cả vào trong chạn. Tuy vậy, cũng chửa yên tâm. Nhiều khi sực nhớ ra điều gì lại lấy cuốn sổ ra ghi”(11). Lo lắng cho cái ăn ngày Tết cũng chính là lo lắng cho sự hạnh phúc đầm ấm của gia đình, gắn với thiên chức của người phụ nữ... Nó chính là nỗi lo, nỗi khổ nhưng cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của họ. Vì thế, trong những ngày Tết, người phụ nữ luôn sống trong cảm thức quên thời gian, quên tuổi tác để chăm lo bửa ăn của gia đình. Lễ cúng càng nhiều, người phụ nữ càng thêm vất vả nhưng họ lại thấy hạnh phúc trong những vất vả và lo toan ấy.
Văn hóa ẩm thực ngày Tết trong tâm thức Vũ Bằng còn thể hiện qua phong tục biếu quà như một nét văn hóa Tết mà điều này lại gắn với trách nhiệm của người phụ nữ. Ta hãy nghe nhà văn tâm sự: “quên làm sao được vào những ngày hai mươi bốn, hai mươi lăm vợ thức từ bốn năm giờ sáng, khoác một cái áo lạnh trên mình ngồi giữa sập sắp xếp các món đồ đem đi biếu Tết những bạn bè thân thiết. Đó là cả một vấn đề phức tạp: Hộp trà Thiết Quan Âm vỏ thiết để biếu ông Long đã đành rồi, nhưng ông Luận hôm qua đã cho rượu, chả lẽ mình lại biếu rượu nữa, thôi hay là biếu cân mứt và chục cam Xã Đoài. Hộp kẹo này đưa sang bác Thanh Châu. Chị Sen ơi, hai hộp trà mạn sen tự tay mợ ướp đây là để dành cho ông Chung, ông Chước. Nhưng đến Nguyễn Dân Giám thì quả là khó nghĩ. Hôm hai mươi ba mới rồi, để đánh dấu tập “Dưới rặng thông” in làm phụ bản số Tết, anh ta sai người làm đội một cái quả to bằng cái nia từ Hàng Cân đến Hàng Gia, đầy đủ bún thang, chả quế, giò lụa, nước xuýt, bào ngư, hầu sì, cuốn; bây giờ biết đem biếu gì đây? Ấy, chỉ có thế mà nghĩ mãi không biết làm ăn ra thế nào.” (12)
3. Như vậy, văn hóa ẩm thực ngày Tết trong tâm thức Vũ Bằng mang nặng dấu ấn văn hóa ẩm thực của đồng bằng Sông Hồng, của văn hóa Bắc Bộ mà ám ảnh nhất trong tâm thức ông là văn hóa ẩm thực của thị dân Hà Nội, nơi ông sinh ra, lớn lên với bao nhiêu kỹ niệm buồn vui khó phai mờ trong ký ức. Văn hóa ẩm thực ngày Tết, vì thế, là một phần máu thịt trong cuộc sống của ông. Nó gắn kết ông với gia đình, với quê hương, với đất nước. Nó làm nên cái hồn cốt trong văn chương của ông không lẫn với ai được. Nó níu giữ ông trong giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc... Bởi theo Vũ Bằng: “ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm tháng nọ sang tháng năm kia.” (13) Vì: “ăn uống là một nghệ thuật? Hơn thế, ăn uống là cả một nền văn hóa đấy.” (14) Thế nên, tìm hiểu tâm thức văn hóa ẩm thực của Vũ Bằng trong ngày Tết cũng chính là tìm hiểu nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ trong văn hóa ẩm thực mà còn trong nhiều lĩnh vực văn hóa khác nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đã làm nên giòng sinh mệnh văn hóa dân tộc, nhất là trong quá trình toàn cầu hóa với nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đang còn chờ chúng ta ở những mùa xuân phía trước...
Xóm Đình An Nhơn, 12/12/2014
Chú thích:
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) Vũ Bằng Toàn tập, Nxb. Văn học, H, 2006, tr.766; tr.254; tr.254, 255; tr.253; tr.258; tr.291; tr.318; tr.321; tr.321; tr.323; tr.763; tr.777; tr.224; tr.224.