Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.151.043
 
Tiếng cười của Tú Xương qua mảng thơ Xuân
Lê Thành Văn

 

 

 

 

 

            Tú Xương là nhà thơ trào phúng bậc thầy của dân tộc.Thơ ông là tấm gương phản chiếu bộ mặt xấu xa, tàn bạo của chế độ xã hội đương thời. Nghệ thuật trào lộng trong thơ Tú Xương thật muôn màu muôn vẻ. Khi thì nhẹ nhàng, dí dỏm; khi lại mỉa mai , chua chát. ; có khi là tiếng khóc hoà trong tiếng cười gằn – cười ra nước mắt. Riêng trong mảng thơ xuân, tiếng cười của ông cũng hết sức độc đáo, giàu cá tính.

            Theo thông lệ, cứ mỗi lần tết đến xuân về, Tú Xương lại xuất khẩu thành thơ, hoặc chí ít là phải có một vài câu đối:

                        Nhập thế cục bất khả năng vô tự

Chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài

Huống chi mình đã đỗ tú tài

Ngày tết  đến phải một vài câu đối

            Dù làm thơ hay viết câu đối tết, tác giả cũng nhằm mục đích  là để trào lộng. Đối tượng mà ông hướng tới trước hết là bản thân mình. Đã nghèo “rớt mồng tơi”, “chạy ăn từng bữa toát toát mồ hôi”, vậy mà ngày xuân nhà thơ lại hả hê chè chén:

                        Ý hẳn thịt xôi lằn cả dạ

Cho nên con tự mới lòi ra

            Tết đến, nhà nghèo chẳng có gì, Tú Xương vẫn nói trạng đến nực cười:

Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo

Tiền bạc trong kho chửa lãnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

            Nói là nói để cho vui chứ thực chất Tú Xương cũng hiểu tình cảnh mình lắm. Song, điều đáng quý là nhà thơ không hề tha hoá trước cái nghèo, cái khổ của mình. Dù có lúc cái nghèo đã kéo ông về với thực tại và ném vào thơ bao thở than, phiền muộn: “ Chẳng khôn cũng biết một hai điều – Chẳng tội gì hơn cái tội nghèo”. Nhưng vượt lên trên, Trần Tế Xương vẫn mở lòng ra đón xuân với sự phong lưu, đĩnh đạc của một tâm hồn kẻ sĩ:

Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết

Kiết cú như ta cũng rượ chè

            Nếu như mỗi dịp xuân về, Tú Xương tự cười mình với tiếng cười chua chát, có khi thấm đầy nước mắt; thì đối với bọn quan lại, những kẻ hợm đời, ông đã ném thẳng vào mặt chúng sự mỉa mai, khinh bỉ. Hãy nghe cái bọn người đời tự chúc nhau:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu…

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang

Đứa thì bán tước đứa mua quan

            Chúc tết bằng những lời lẽ như thế mà cứ năm này qua năm khác thì là kỳ khôi, buồn cười. Đối với những kẻ mua tước, bán quan thì Tú Xương đã đánh những đòn cực mạnh:

Phen này ông quyết đi buôn lọng

Vừa chửi vừa rao cũng đắc hàng

            Và cũng như chúc sang, chúc lắm con, chúc giàu có thì làm sao cái sự thành người của vua quan sĩ thứ có thể thực hiện được. Từ những nhố nhăng đó, nhà thơ đã chúc lại chúng:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời

Chúc cho khắp hết cả trên đời

Vua quan sĩ thứ, người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người

            Thật là một lời chúc thấm thía có một không hai trên cõi đời này. Đã là người mà phải để cho người khác chúc cho thành người quả là mỉa mai, cay độc. Bởi lẽ, trong cái xã hội thời Tú Xương đang sống, con người đối đãi với nhau “chỉ vị tiền”. Một cô Ký chết vào đúng ngày mồng hai tết, nhưng “hàng phố lại khóc bằng câu đối đỏ – ông chồng thương đến cái xe tay” thì hết chỗ nói. Tú Xương cám cảnh lắm, đau lòng lắm. Ông đã dám vạch trần bản chất bỉ ổi của chúng bằng những vần thơ trào lộng bậc thầy. Hoặc đối với những kẻ hợm đời, loè loẹt nhà thơ cũng mỉa mai không khoan nhượng:

Chí cha chí chát khua dày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là

            Rõ là một tuồng giả dối ngổn ngang ngoài đời mà Tú Xương đã kịp thời phản ánh qua cái nhìn hiện thực sâu sắc. Người đọc vừa cười vừa ngẫm nghĩ khi quá nhiều cảnh tượng xấu xa hiện ra như một “ tấn trò đời” không hơn không kém.

            Qua những vần thơ xuân trên đây của Tú Xương, ít nhiều chúng ta cũng cảm nhận được bức tranh hiện thực của xã hội Việt Nam buổi giao thời. Bằng nghệ thuật trào phúng sắc sảo, nhà thơ đã đánh thẳng vào những bọn cặn bả, hám danh, hám lợi. Dù qua đời ở tuổi ba mươi bảy, nhưng mỗi dịp xuân về, ta còn nghe đâu đay vang vọng lời chúc vừa chân tình nhưng cũng lắm chua cay của Tú Xương:

                                    Vua quan sĩ thứ người muôn nước

                                    Sao được cho ra cái giống người.

 

 

 

Lê Thành Văn
Số lần đọc: 3043
Ngày đăng: 19.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm thức Xuân trong Thơ Hoàng Cầm * - Trần Hoài Anh
Sáng tạo là con đường thi sĩ - Tâm Nhiên
Những khoảnh khắc vô tận - Huỳnh Như Phương
Mầu nhiệm của Tâm Định Tuệ - Tuệ Thiền
Già Nhân Ngãi...Non Vợ Chồng - Phan Tấn Thiện
Kỉ niệm về một bài thơ và một câu hỏi chưa lời đáp - Nguyễn Cẩm Xuyên
Lý tưởng của từng cá tính - Võ Công Liêm
Đời như một hạnh ngộ - Nhật Chiêu
Nguyễn Lương Vỵ với “Năm ngàn ngàn câu” - Võ Chân Cửu
Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân* Sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh - Trần Hoài Anh