Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
875
123.366.642
 
Bài 1/ Kỷ Niệm Thơ: Gặp Lại Vài Bài Thơ Cắt Báo Từ Thời 1950
Trần Văn Nam

 

Tập sách liệt-kê sách báo Miền Nam Việt Nam đến tháng 6 năm 1971 (Tài-liệu của trường  Đại-học Cornell ở tiểu-bang New York-Koa Kỳ)

Tháng 11 vừa rồi, tôi có dịp ghé báo-quán “Khởi Hành” tại Garden Grove California. Nói là báo-quán nhưng thực ra chỉ là nơi phòng trọ của nhà văn nhà thơ Viên Linh. Tuy vậy, nơi đây có nhiều sách báo cũ thuộc Văn Học Miền Nam trước 1975. Trong những sách báo cũ ấy có một tập sưu-tầm thơ cắt trong báo rất xưa tại Sài Gòn của ông Lê Đình Điểu (trước đây, ông là một trong những sáng-lập-viên của nhật báo Người Việt hiện nay. Ông mất năm 1999). Tập thơ cắt trong báo cũ này do bà Lê Đình Điểu giao cho nhà thơ Viên Linh giữ làm tài liệu, sau khi ông mất. Ngoài ra có một tập “Bản Liệt Kê Sách Báo Miền Nam Việt Nam Trước 1975”, in ấn ở trường Đại Học Cornell, Tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Tôi chụp hình được một trang trên đó có đôi dòng về một cuốn sách mỏng in roneo của chính người viết bài này, như sau: (số 4803 -Trần Văn Nam- Văn Nghệ Đi về Đâu Từ 1945 Đến Bây Giờ. Phụ Tập: Thơ Và Triết Học - Trường Ca Của Dòng Sông Xuyên Á - Sài Gòn - Tác Giả Xuất Bản, 1966 - 32 trang). Trong khi đó, hai tập thơ của tôi (nhan đề “Tập Thơ Độc Nhất” và “Tập Thơ Bổ Khuyết”), ấn-loát đàng hoàng năm 1963 tại nhà in Nguyễn Đình Vượng đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, thì không được ghi lại trong tập tổng mục này. Chắc do phát hành hạn chế tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trong năm 1963 và 1964; gần như chỉ tặng vài người quen tại Đại Học Văn Khoa trong khoảng hai năm đó; tôi còn nhớ những người tôi đã biếu tặng hai tập thơ như Giáo sư Nguyễn Văn Trung, các anh  Nguyễn Văn Sâm, Trần Nhựt Tân, Đặng Tiến, Trần Lam Giang, Phạm Quốc Bảo (Bây giờ trong năm 2014, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp vài người ấy tại quán cà-phê Factory, Westminster, ở Quận Cam, California).

 

Trong tập thơ sưu tầm nhiều tác giả cắt trong báo của ông Lê Đình Điểu, tôi thấy có những người như Châu Liêm, Mạc Ly châu,Trần Minh Phú, Nguyên Hữu, Mường Sơn (thấy ghi sáng tác tại Quy Nhơn năm 1956), Vân Long (thấy ghi sáng tác tại Ba Vì năm 1954). Hai bài thơ của Nguyên Hữu cắt đúng với khuôn khổ cột báo dành cho thơ đăng trong tờ Nhân Loại mà tôi còn nhớ rất rõ, vì cũng khuôn khổ đó tôi có một bài thơ nhan-đề “Phương Ấy” và ba bài thơ nữa đăng trong tuần báo Nhân Loại đó, khoảng cuối năm 1957. Nhớ lúc ấy tôi học lớp Đệ Tứ Tư Thục Văn Lang (đường Cô Giang, hay đường Cô Bắc vùng Chợ Quán), rồi sau đó đầu năm 1958 tôi vào lớp Đệ Tam ban Văn Chương Tư Thục Hàn Thuyên (đường Cao Thắng, Sài Gòn). Trong số, một bài thơ của tôi được tòa soạn Nhân Loại chụp thủ-bút và đăng nguyên một trang. Rất tiếc tôi không còn nhớ một câu nào của bài thơ in thủ-bút ấy, cả nhan-đề cũng quên, hình như là “Khói Sương Sơn Cước”. Nhưng bài thơ “Về Thị Thành” của tôi thì còn nhớ đôi câu và nhớ bài thơ ấy được thi sĩ Đinh Hùng chọn cho phát thanh trong chương trình “Tao Đàn” với giọng ngâm của Hoàng Thư (?) Ngoài bốn bài thơ trên báo Nhân Loại, tôi còn một bài trên báo “Sinh Lực”; một trên báo “Chiến Hữu” ở Pleiku, một bài trên báo “Gió Mới” ở Sài Gòn, một bài thơ sáu chữ cảm hứng cuộc kháng chiến chống Pháp ven dãy núi tuyết Atlas ở Algérie (không nhớ đăng trên báo nào). Thuở  ấy tôi lấy bút hiệu là M.S., nhưng rồi tôi thấy có một người khác cũng lấy bút hiệu M. S. và cũng lại là thơ về núi rừng với những từ ngữ chịu ảnh hưởng thơ Quang Dũng, thơ Đỗ Hữu, thơ Dao Ca. Vì có sự trùng hợp, nên tôi đã nhờ ông Nguiễn Ngu Í cho đăng đôi dòng trên Tạp chí Bách Khoa: nói rõ xin bỏ luôn bút hiệu M.S. (Không còn nhớ Bách Khoa số mấy). Ông Nguiễn Ngu Í cho đăng miễn phí với lời lẽ mạnh mẽ khiến tôi cũng hơi ngượng, vì cái bút hiệu ấy cũng chỉ mới khiêm tốn xuất hiện vài lần trên báo. Chỉ xin kể lại đây như một kỷ niệm vui, vì những bài thơ tôi sáng tác thuở ấy ngẫm nghĩ lại thì toàn là tâm tình giả tạo, chẳng hạn lúc ấy tôi mới chừng 17 mà có câu thơ thất tình như “Áo tím ai về quên khép cửa/Nghe lòng nguội lạnh đã từ lâu”, do lấy cảm hứng từ căn nhà thuộc khu công chức Hỏa Xa đường Phạm Ngũ Lão nhìn qua ngõ hẻm hun hút. Ngõ hẻm ấy có cơ sở in Từ Điển Việt Nam của ông Thanh Nghị. Nhìn xuyên ngõ hẻm sâu hơn nữa qua đến Vũ Trường “Tour D’Ivoire” đường Bùi Viện (sau đổi tên là “Đêm Màu Hồng”, và bây giờ nằm ở  Khu Phố Tây Ba-Lô Sài Gòn). Hoặc viết như đang lữ hành trên đồi núi, do thuở  ấy tôi rất thích thơ Quang Dũng và những tiểu-thuyết đường rừng của Ngọc Giao, Tchya, Trường Xuân. Một bài thơ của Nguyên Hữu trên báo Nhân Loại; bây giờ sau 57 năm tìm thấy lại tại báo quán “Khởi Hành”, xin ghi lại:

NHỚ THỦ ĐÔ (Gửi vào lòng Sài Gòn)

Dăm bửa nay về qua lối vắng

Khói chiều ai đốt giữa lòng trai

Bàn tay tím một giòng  mưa nắng

Thương nhớ ngày đi ngút dặm dài.

 

Phương ấy lá vàng trên mấy ngõ

Lá chiều thôn xóm có còn xanh?

Áo chàm bụi trắng, thơ lên đó

Người bản châu xa mấy thị thành.

 

Châu bản độ rày mưa gió lộng

Về nương khép kín mộng rưng buồn

Hôm qua trâu đổ vào bên lũng

Trâu đổ trên giòng cây lá tuôn.

 

Mây trắng cứ về qua đỉnh núi

Màu chàm cứ trút giữa mông lung

Bàn chân sơn nữ rây bên suối

Trăng xuống đi trong vũng lạnh lùng.

 

Trăng đã khơi màu lên vực thẳm

Nằm nghe đất lắng nhạc đương mùa

Đêm đêm kể chuyện em thơ lắm

Lối nhỏ đi về ai đón đưa.

 

Đêm xuống dăm nhà chưa khép ngõ

Nằm trên trang dở mộng sông hồ

Về nương nhóm lửa chờ tương ngộ

Âm hưởng ngàn mùa nhớ Thủ Đô.

NGUYÊN HŨU

Bút hiệu Nguyên Hữu chỉ thấy đôi lần trên báo Nhân Loại như đã kể trên, sau đó không còn thấy xuất hiện ở đâu nữa. Giống như trường hợp những bút-hiệu thi sĩ khác như Huyền Giang (Với bài thơ “Màu Đêm” sáng tác ở Sông Mao), như Bình Đô (Với bài thơ “Giã Từ Đà Lạt”) mà thuở  ấy tôi có cắt báo sưu tầm, nay coi như đã hoàn toàn mất vào dĩ vãng gần 60 năm trước ... Trong tập thơ sưu tầm cắt trong báo của ông Lê Đình Điểu, tôi gặp lại một bài thơ còn xa xưa hơn nữa, đăng trên báo “Đời Mới’ khoảng năm 1954 hay 1955: bài thơ “Nhạc Đơn” của ông Vân Long. Trước khi gặp lại bài thơ ấy tại báo-quán “Khởi Hành” như đã kể trên, tôi không nhớ một câu nào kể cả nhan-đề, nhưng tôi vẫn nhớ nội-dung bài thơ có cái gì quạnh quẽ nói về một lữ-khách phiêu lưu một mình trong rừng, và tôi viết lại bằng ký-ức mờ mịt trong bài “Có Một Dòng Thơ Bị Lãng Quên” (đã đăng trên Tạp chí Khởi Hành số 5 tháng 3 năm 1997; sau bổ-túc thêm đôi dòng về cái nhớ mơ hồ, để đăng trên mạng “vanchuongviet.org” ngày 28.12.2010). Những dòng ấn tượng mơ hồ ấy như sau: “… một bài thơ bảy chữ trên tờ Đời Mới, viết về một người đi ngựa lỡ bước trên đường rừng. Đến nay vẫn còn vang vọng trong tâm tiếng tí-tách củi lửa reo trong quán và tiếng sột soạt của con ngựa đứng nghỉ ngoài trời”. Bây giờ có được chính bài thơ ấy trước mắt, mới biết rằng sở dĩ tôi thêm thắt ấn tượng là vì vẫn lảng vảng trong trí nhớ những từ ngữ trong bài thơ ấy, như “Gót mã” (khách này đi ngựa) “, hay “bếp không hồng” (tôi nhớ ngược lại là có tiếng tí tách củi lửa). Xin ghi lại bài thơ trong sưu tập cắt báo ấy:

 

NHẠC ĐƠN

Đêm tiễn chiều đi, rừng ngọt ngào

Núi thêm màu tím, sáng thêm sao

Gió ru em bé đồi không ngủ

Suối thắm hàng mi, lệ ứa trào.

 

Có chàng lữ khách phương xa đến

Gót mã vì… mây vướng bước  chân

Dốc núi chênh vênh màu tím sẫm

Tóc tung xòa, nếp trán phong trần.

 

Tạm nghỉ nhà ai bên sườn non

Người không một bóng, bếp không hồng

Căn nhà hoang lạnh như lòng khách

Gió hắt hiu về lấp trống không.

 

Núi vắng người đơn lòng ngậm ngùi

Khách nâng triều sóng nhạc chơi vơi

Hồ cầm lưu luyến bên khe núi

Núi đắm say vì đỡ lẻ loi.

 

Đêm đứng không đi, rừng thở dài

Sao trời lấp lánh mắt xanh ai

Đàn ru…  em bé đồi thiu ngủ

Gõ loáng trăng mờ ớn lạnh vai.

 

VÂN LONG ( Ba Vì, 8-1954)

 

Sau năm mươi bảy năm, tôi gặp lại các bài thơ dưới hình thức cắt báo rồi copy lại nên vẫn giữ khuôn khổ  đã từng đăng trong các tờ “Nhân Loại”, “Đời Mới”. Làm sao không bồi hồi như tìm thấy lại thời gian đánh mất. Xin cám ơn những trang giấy báo, và nếu không có những người yêu thơ như ông Lê Đình Điểu thì không bao giờ còn gặp lại chúng nữa.

(Trích Tạp chí “Khởi Hành” ở Nam California, số 213-214, tháng 11 năm 2014 - Bản gửi từ tác giả)

 

 

City of Walnut, California, tháng 11 năm 2014)

 

 

 

 

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2956
Ngày đăng: 20.02.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhàn đàm với nghệ thuật - Nguyễn Huy Lộc
Trích dẫn văn của Kafka trong bản dịch "Lâu đài" (Thử Nêu Ra Chi Tiết Kỹ Thuật Viết Phức Tạp Qua Thứ Tự Các Chương Đoạn Của Tác Phẩm) - Trần Văn Nam
Gặp tác giả "Em ơi! Hà Nội Phố" ở quê nhà - Trần Trung Sáng
Tử vi Ai Cập - Nguyễn Hồng Nhung
Phép thuật của màu sắc - Nguyễn Hồng Nhung
Bản cầu hồn cho Điện Biên Phủ - Nguyễn Anh Tuấn
Những bí ẩn của bản thể - Võ Công Liêm
Nỗi cô đơn của châu Mỹ La Tinh - Bùi Hoằng Vị
Nỗi buồn của bà Chúa hoa rừng - Nguyễn Anh Tuấn
Gợi ý về minh triết tâm linh & cuộc sống - Tuệ Thiền
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)