1.
N hững ngày đầu xuân mới, còn gì thú hơn là chuyện phiếm về năm mới sang. Hương đất trời dậy nồng nàn trong chén rượu ngày xuân. Vũ trụ vần xoay, khó ai ngăn được : Ngọ đi - Mùi đến...Năm Mùi - năm Dê, tuổi Dê, nghe chẳng chút thanh tao...Nhưng Xuân năm Mùi nay cũng có nhiều vần thơ xuân, chuyện tình thi vị.
Trong 12 con giáp, Dê - Mùi ở vị trí thứ 8, năm biểu tượng sức sưng mãn của Đời - Người ấm no, hạnh phúc.
Năm Ngọ, mã đáo thành công
Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê (Thơ ca dân gian)
Sự sung mãn được khắc nét ở bộ sừng, bộ râu mà dê đực dê cái đều có:
Tuổi Mùi là con dê chà
Có sừng, có gạc, râu ra um sùm (Vè 12 con giáp)
Ấn tượng "râu um sùm' dễ gợi liên tưởng đến thói bờm xơm, tính dê xồm đùa cợt, ghẹo tình của hạng người xấu tính đối với phái nữ khiến người có năm sinh Mùi được cho là ít nhiều ẩn chứa máu cụ Dê mặc dù cho đến nay chưa bằng chứng khoa học nào liên quan! Thực ra dê là loài có ích cho con người bản chất hiền lành, cho thịt ngon, sữa ngọt. Đặc biệt nó tràn trề sinh lực dục tình (một dê đực đáp ứng cho hàng chục dê cái) nên người đời lên án, phê phán những kẻ có thói dê - Bùi Kiệm:
Còn người Bùi Kiệm máu dê
Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu
(Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)
Đậm đặc là trong thơ ca dân gian: Dê xồm ăn lá khổ qua/ Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm; Phụng hoàng đậu nhánh sa kê/ Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi vv..vv.
Nhưng cũng trong dòng thơ dân gian từ dê biến âm thành de, ve (tán tỉnh, ve vản) đậm tình, quyến rũ :
- Cam sành lột vỏ còn the
Thấy em còn nhỏ anh de để dành
- Thằn lằn tắc lưỡi mái rui
Mạ ơi anh nớ ve tui mạ nì (Ca dao)
"anh de để dành", " anh nớ ve tui" - những lời ăn tiếng nói tượng hình tạo niềm khoái cảm thẩm mỹ không chê vào đâu được như Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng được người đời nhắc đến hai câu thơ tả chú dê con tung tẩy hồn nhiên:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
2.
Dê sung tình và cũng rất phàm ăn. Ngay cả thói háu ăn đó của chàng dê cũng thành cầu nối loan tình cho bậc Quân Vương với cung tần, mỹ nữ. Phải duyên hương lửa cùng nhau/ Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào...( Nguyễn Gia Thiều) từ điển tích của Tấn Võ đế (Trung Quốc) mỗi đêm ngồi xe dê dạo hậu cung, xe dừng lại cửa phòng nào (ăn lá dâu non trước cửa) thì vua sẽ ban ân sủng với cung phi đó. Thật không khác nào trò chơi "xổ sổ tình"! Do vậy, không được thỏa khát vọng "tựa mạn thuyền rồng" dù chỉ một đêm người cung nữ tràn sầu thảm:
Thâm khuê vắng ngắt như tờ
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co.
( Nguyễn Gia Thiều)
Nỗi thảm tình ai oán về thân phận người phụ nữ chôn vùi tuổi xuân nơi cung cấm - tư tưởng cốt lõi làm nên giá trị nhân văn khúc ngâm (Cung oán ngâm khúc) vượt thời gian.
Khúc hát "Bách Lý Hề năm bộ da dê" lại mang chứa một cuộc đoàn viên cảm động. Trên bước đường lập chí gian nan, Bách Lý Hề ( được chuộc về từ nước Sở bằng năm bộ da dê) - thời Xuân Thu trở thành Tướng quốc giúp Tần Mục Công dựng nghiệp lớn lúc đã hơn 70 tuổi, say mê công danh quên mất người vợ thuở hàn vi. Chỉ khi nghe điệu sầu thương cất lên của người vợ năm xưa - Đỗ thị:
"...Bách Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày nào cùng nhau ly biệt/ Mổ con gà mái ấp. thổi nồi cơm gạo vàng...Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao? Bách Lý Hề, năm bộ da dê ! Nhớ ngày xưa tiễn chàng ra đi, thiếp tôi nưóc mắt chứa chan! Tới bây chừ, thấy chàng ngồi đó, thiếp tới ruột đứt đòi cơn ! Chừ thương thì thương... Ngày nay giàu sang, quên ta hay sao?", Ngũ Cổ đại phu - Bách Lý Hề (Ngũ Cổ/ năm bộ da dê) mới trùng phùng trong nước mắt với với vợ con.
Còn ở nước ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), đỗ Trạng Nguyên năm Ất Mùi (1535) dân gian quen gọi là Trạng Trình, là nhà văn hóa lỗi lạc của Việt Nam trong thế kỷ 16. Phẩm hạnh trung trinh, có tài thơ văn và ông còn được lịch sử ghi nhận về tài tiên tri không ai sánh kịp. Ở góc độ đời riêng, người đời còn truyền mãi giai thoại tình với người vợ thứ ba của quan Trạng Ất Mùi này. Một lần cùng bạn hữu lên núi Đồ Sơn ngắm cảnh vịnh thơ, sau khi xuất khẩu bài thơ "Hải uy" (Biển mạnh), Nguyễn Bỉnh Khiêm còn cao hứng ra vế đối: Trai Đồ Sơn đứng núi Đồ Sơn, Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt. Trong khi các đang bạn lúng túng tìm ý, từ thì ở rặng cây gần đó một hầu gái bước ra đưa cho ông một tờ giấy nhỏ ghi câu đối: Gái Minh Nguyệt ngồi trong cung nguyệt, Nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu. Đọc xong, quan Trạng Nguyễn vô cùng kinh ngạc vì đối quá chuẩn! Cảm sắc, mến tài chủ nhân của câu đáp đối, Nguyễn Bỉnh Khiêm dò tìm và đưa Minh Nguyệt về làm thiếp. Bất chợt mà lại nên duyên chồng vợ, chuyện tình tri kỉ thi ca thơ mộng không kém mối tình "Nguyễn Trãi - Thị Lộ"! Đáng tiếc là duyên tình Nguyễn Bỉnh Khiêm và người bạn đời Minh Nguyệt đằm thắm mặn nồng chẳng được lâu. Về sau ông chiều ý cho dựng ngôi chùa cách không xa nơi ông dạy học, ẩn cư - am Bạch Vân để bà hướng Phật, tu tại gia. Trong chùa có trồng hai gốc mai, nên được gọi là chùa Song Mai (1). Khói sương tình mộng giữa hai người vẫn lãng đãng. Hôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đến dự buổi khánh thành chùa, bà Minh Nguyệt mắt hoài vọng phía biển quê nhà ra vế đối ẩn nỗi trách thầm Hải bất ba đào, khan hải tĩnh (Biển không có sóng, biển thành biển tĩnh). Nghe xong mà lòng xôn xao, quan Trạng Nguyễn liền tỏ bày niềm riêng bằng cách chỉ tay xuống hồ nước trước chùa đáp lại: “Hồ vô minh nguyệt, hồ bán mê” (Hồ không có ánh trăng, hồ thành mờ ảo). Quả là "Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở" ( Ngập ngừng - Hồ Dzếnh), thiên tình sử của quan Trạng Ất Mùi vẫn ánh lánh trên lớp bụi thời gian dẫu đã trôi qua gần 500 năm!
3.
Xuân và Tình hai mặt không thể tách rời - nguyên lý căn cơ làm nên cõi nhân gian nổi chìm dâu bể/ hồng ngọc, lụa là. Năm mới - năm Mùi đến, hẳn ai trong chúng ta đều chung khát vọng " nhật nhật tân, hựu nhật tân", xuân mới, ngày ngày lại mới, mới hơn. Tình yêu Xuân, yêu Người, yêu Đời càng dạt dào tình long lanh xuân trong Thơ. Những vần thơ của nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005), một trong những đại thụ của nền thơ hiện đại nước nhà và cả Phong trào Thơ Mới (1932 -1945) ở chủ đề Xuân sáng trong, phơi phới xuân qua các bài thơ Áo Xuân, Xuân, Trăng Xuân, Xuân Ý...
Cây xanh cành đẹp xui tay với;
Sông mát tràn xuân nước đậm bờ (Xuân)
Xuân rạng lối, tràn bờ, chúng ta hãy "vận tấm áo xuân" mà 7 thập niên trước người thơ sinh năm Kỷ Mùi (1919) của Lửa thiêng, Vũ trụ ca, Kinh cầu tự (1940 - 1942) thong dong dạo đất trời nguyên đán cất điệu "tâm tư ngào ngạt" chào xuân mới đắm mê:
Ta vận tấm xuân đi hớn hở
Tâm tư ngào ngạt hiến dâng đời
Thân cũng hát lừng cao nhịp lửa
Hoa thiên thu hẹn nở cùng môi. (Áo Xuân)
Cuối Chạp 2014
(1) Hiện nay chùa là một trong chín điểm thuộc Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng tại làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
(2) Các bài tham khảo:
- "Con dê trong thơ ca" - Việt Chung
- Bách Lý Hề - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- "Những mối tình tuyệt đẹp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" - báo TTVN