Chị ngồi trên bậc cấp. Lũ học trò đã tan hàng từ lâu. Sân trường vắng lặng. Những cơn gió tháng năm bặm trợn hất tung hết mọi thứ bụi cát trên đường nó đi qua. Chị nghe mắt mình xon xót. Hình như có hạt bụi nào đó bay vào. Chị chớp mắt. Những bó hoa thắm tươi vây quanh, minh chứng cho một cuộc chia tay thắm thiết tình thầy trò vừa mới đây. Chị lại chớp mắt. Lẽ nào chị lại muốn khóc sao? Ừ, mà điều đó rồi cũng có hề gì. Cuộc chia tay nào mà không vậy. Mọi khởi điểm rồi sẽ phải có ngày kết thúc. Đời sống vốn như thế, chị biết rồi mà. Nhưng hồi tưởng lại chị không khỏi chạnh lòng. Con người chị thật lạ. Những khi quay cuồng, mệt mỏi vì áp lực từ nhiều phía, chị chỉ muốn chóng kết thúc cho xong. Nhưng bây giờ đây, khi đã thực sự "thõng tay vào chợ", chị lại thấy quanh mình thật trống trải. Cái cảm giác hệt như lần đầu chị ngơ ngác xách túi vào trường.
Đã mấy mươi năm trôi qua rồi. Tóc chị ngày đó còn óng ả, giờ đã cằn cỗi xác xơ. Mỗi buổi sáng khi đứng trước gương soi, chị lại thấy thời gian vừa vô tình vừa khắc nghiệt. Những sợi tóc rụng dần mang theo từng nỗi xót xa. Chị là một người ích kỷ như anh thường nói chăng, khi không muốn mình phải mất đi một thứ gì trên đời, dù chỉ là những sợi tóc nhỏ nhoi, vô tri vô giác. Chị còn là một người hẹp hòi, khi không muốn san sẻ bất cứ một thứ gì cho ai. Học trò của chị chẳng biết chúng có nhận ra điều đó không, nhưng rõ ràng là chúng rất sợ làm chị khóc. Bởi chị mà đã khóc thì cho đến anh cũng khó lòng năn nỉ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ thì khác rồi. Lòng chị như con suối cạn, trơ những đá cuội nham nhở, xù xì. Chị luôn nhắc mình quên đi bằng công việc. Đừng thức dậy mỗi sớm mai trong những nỗi buồn phù phiếm, có ích gì. Chị đã tập yêu đời mà sống trong ngần ấy năm, để giờ đây khi phải quay về với cái thế giới trống trải, không công ăn việc làm, chị lại thấy mình già nua trong nỗi bất lực chống chọi với cô đơn và buồn bã.
Mấy người bạn đồng nghiệp bảo chị giờ sung sướng quá, chị cười tươi. Nhưng thật lòng điều đó chỉ kéo dài trong mấy tháng đầu chị chia tay cùng trường lớp. Có những ngày vắng quá, chị thấy mình không còn ai. Như hôm nay đây lũ học trò ở trọ về quê gần hết, chị thấy căn nhà nhỏ bỗng dưng rộng thênh. Chị đi ra đi vào, hết làm cái nọ lại xọ cái kia, nhưng lòng cũng không hết buồn. Bà bạn già kế bên rủ chị đi chùa… cho vui(!?), nhưng đi được vài lần chị lại thấy chướng. Anh bảo chị xưa giờ vẫn vậy, khó tính và lu bu. Nhưng bởi vì anh không chịu hiểu, chùa chiền bây giờ cũng có nhiều sự lạ lắm. Hay bởi chị không quen cái quan niệm "chùa" trong từng công việc, từng phong cách của những người đến chùa? Hay bởi thiên bẩm chị đã không có căn tu như ngày xưa má chị thường mắng? Nào ai biết được cái sự đúng sai. Nhưng mà thôi, nhắc đến má chị lại bùi ngùi. Má còn có được cái hạnh phúc làm mẹ, để khi qua đời còn có đứa con, là chị đây, thương nhớ. Chứ còn chị thì kể như vô phương. Cả một lũ học trò không có được đứa nào nhớ đến em sao? Anh nheo mắt nhìn chị. Và chị thấy mình hoài nghi trong nỗi chông chênh.
Đêm, chị ra sân ngồi lan man nhớ. Những khuôn mặt cũ rạng ngời, Tuổi mười bảy của lũ trò nhỏ thật là dễ thương. Chị nhớ vanh vách từng cái tên của những lớp mình chủ nhiệm Anh bảo khuyết điểm lớn nhất của chị là nhớ dai(!). Điều gì liệu quên được thì hãy đắp tai ngoảnh mặt mà quên nó đi. Chị không giận anh đâu. Nhưng đôi khi chị tự hỏi liệu điều đó có phải là lý do để những người không phải là anh, đã ra khỏi đời chị mà không một lời từ giã? Có vẻ như chị là một người khó tính. Không, nói như anh thì là một người khó chịu, hay có khi còn hơn thế nữa. Ai lấy em chắc phải có một thần kinh thép thì họa may. Chị phì cười. Anh thật là quá đáng à nghe! Chứ còn gì nữa. Như hôm qua đây chị ở nhà một mình, buồn quá chị lôi cái máy điện thoại ra gọi cho Phi, đứa học trò cưng nhất trong cái lũ nhất quỉ, nhì ma. Nghe giọng Phi lảnh lót từ đầu dây bên kia, chị bảo:
- Cô nè!
- Dạ cô là ai ạ?
- Không biết cô là ai thật à?
- Dạ không ạ. Tiếng đứa học trò nghe xa lạ.
Chị cảm thấy hụt hẫng mất mấy giây:
- Nếu em không biết thì thôi vậy, mình khỏi nói chuyện - Rồi chị tắt máy, ngồi bần thần như vừa bị ai hớp hồn.
Vài giây sau, chuông điện thoại đổ dồn. Chị lặng lẽ rút phích cắm. Cảm thấy tim mình nhói đau. Đời sống vốn đơn giản như những phép tính nhân chia trừ cộng mà chị đã dạy. Những mối quan hệ rồi một lúc nào đó sẽ phải vậy thôi. Bây giờ chúng nó đã thành danh chi mỹ hết rồi, chị là cái quái gì mà buộc người ta phải nhớ. Vậy là những điều chúng tâm sự với chị ngày xưa chỉ có giá trị nhất thời thôi sao? Chị giận dỗi nghĩ. Và rồi chị đâm bực bội với chính mình khi nhớ lại những yêu thương mà chị dành cho chúng. Anh nói chị là một người cố chấp, không cởi mở và khó cảm thông. Nhưng cảm thông cái gì chứ. Chúng nó, cái đám "tiểu yêu" của chị, làm sao mà chúng nó có thể không nhận ra giọng nói đặc biệt của chị được? Cho dù thầy trò đã cách xa nhiều năm. Nhất là với Phi, lúc nào buồn nó cũng có thể lay chị dậy dù chỉ để than thở vài câu. Thôi, anh đừng bào chữa cho tụi nó làm gì, chị biết. Những tâm hồn non nớt ngây thơ chỉ tìm thấy trong quá khứ, còn hiện tại người ta chỉ cần nhớ những đối tác làm ăn quan trọng mà thôi. Chị bất quá cũng chỉ là một kỷ niệm cũ kỹ nằm trong hộc bàn đầy bụi, thỉnh thoảng giở ra không biết chừng lại làm chúng nó dơ tay và biết đâu lại cảm thấy bực mình. Chị loay hoay trong những ý nghĩ buồn bã, đau khổ vì cảm giác bị lãng quên. Rồi chị ngẫm nghĩ, ngày xưa mình có như vậy không? Con người ai không mắc sai lầm? Biết đâu chị cũng đã từng vô tâm với những người đã dạy dỗ mình mà không nhận ra? Biết đâu trên bước đường mưu sinh chị cũng đã không ít lần giẫm lên người khác để giành lấy phần hơn cho mình, mặc kệ những lời giáo huấn vàng ngọc của các bậc tiền bối? Cái bối cảnh của cuộc đời dù có diễn biến không ngừng, thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ "cái tôi" là quan trọng nhất. Giống như học thuyết "Tam đoạn luận" vậy thôi.
Thì hà cớ gì chị lại phải buồn bã và đau khổ như vậy. Anh bảo đôi khi thấy chị giống như một đứa trẻ con, vui đó, buồn đó, rồi lại cười toe khi được dỗ dành. Chị nghênh mặt nhìn anh, ai mà không vậy chứ? Chị chỉ… hơi khác người một chút xíu, đó là chị thích sự công bằng, mà nghĩ cho cùng trong yêu thương, biết lấy gì cân đo tình cảm để hiểu được rằng ai yêu ai hơn ai? Những ngày đứng trên bục giảng, chị đã thực sự công bằng với tất cả chưa? Nhất là với cái tính khí của chị thì xem ra điều đó quả có đáng nghi ngờ lắm chăng?! Chắc gì chị đã không từng trù giập học trò mỗi khi phật ý? Chị phân vân tự hỏi và cảm thấy giật mình trước những điều anh nói. Thôi chết, chắc là chị lại phải làm một bản tự kiểm, không biết chừng còn dài hơn những bản tự kiểm của lũ học trò, mà chị đã từng chì chiết khi chúng (vô tình hay cố ý) để quên tội trạng. Ai sẽ là người đay nghiến chị đây khi cái lương tâm con người trong chị hình như còn mãi rong chơi đâu đó?
Càng nghĩ chị càng lã mồ hôi. Chị thực sự hoảng hốt khi nhớ lại những ánh mắt ngây thơ đã đặt niềm tin vào chị, một con người "rất cực đoan", không cởi mở và khó tha thứ, chỉ biết nghĩ đến mình mà quên mất những cảm xúc và tổn thương trong lòng người khác. Ôi! Chị quả tình đáng thương và tội nghiệp biết bao…