Đương thời và cho đến hiện nay Thiếu Sơn được độc giả thừa nhận là một nhà văn đa tài. Từ điển văn học (bộ mới) nhận xét: “… Thiếu Sơn nổi bật hơn ở lĩnh vực phê bình. Với Phê bình và Cảo luận, ông được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam”(1). Nghiên cứu về sự nghiệp của Thiếu Sơn và Phê bình và Cảo luận của ông, các nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Thị Vân Trung, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Võ Phúc Châu…đã có nhiều ý kiến đánh giá xem xét, trân trọng những đóng góp của Thiếu Sơn đối với việc hiện đại hóa nền phê bình văn học nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Vấn đề đặt ra ở bài viết này là ngày nay đọc lại Phê bình và Cảo luận chúng ta tiếp tục nhận ra giá trị độc đáo gì trong công trình nổi tiếng này của Thiếu Sơn?
Trước hết, Phê bình và Cảo luận (1933) là tác phẩm quan trọng đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của phê bình văn học với tư cách là một bộ môn khoa học mang tính xã hội đặc thù, hiện hữu trong đời sống văn học nước nhà mà trong suốt thời kỳ trung đại nó vẫn chưa trở thành một thể loại văn học. Chính sự gặp gỡ với văn hóa phương Tây đã mở ra cho đất nước những vận hội mới để phát triển theo hướng hiện đại hóa, trong đó có sự hiện đại hóa nền văn học dân tộc mà suốt những năm dài trong xã hội phong kiến chúng ta chưa có cơ hội phát triển. Một trong những vấn đề của văn hóa Phương Tây ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa xã hội Việt Nam không thể không nói đến là tư tưởng dân chủ. Có thể nói tư tưởng dân chủ là một luồng gió mới thổi vào đời sống của giới trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, rõ nhất là những trí thức Tây học mà Thiếu Sơn là một trong những trường hợp như thế. Nhận định về sự biến đổi kỳ diệu này, Hoài Thanh – một cây bút phê bình văn học đầy ấn tượng trên văn đàn đương thời đã xác quyết: “Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài một cuộc sống gần như không thay đổi về hình thức cũng như về tinh thần. (...) Nhưng, nhất đán, một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ” (2). Và trong cuộc biến thiên ấy có sự biến thiên của đời sống văn học dân tộc trong đó có lý luận - phê bình.
Thật vậy, nhìn vào hành trình sáng tạo của Thiếu Sơn, ta thấy ông không chỉ là một nhà văn tài hoa mà còn là một nhà phê bình văn học có tư tưởng cấp tiến được hình thành trên nền tảng của tinh thần dân chủ sâu sắc, và một cái nhìn khoa học trong phê bình trên cơ sở của những lý thuyết hiện đại chịu ảnh hưởng từ lý luận phê bình văn học Phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp. Trên từng trang phê bình văn học của Thiếu Sơn, tinh thần dân chủ luôn là tư tưởng chủ đạo, thể hiện khá sinh động trong cách nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những thành tựu, hạn chế của các tác giả, tác phẩm, cũng như các vấn đề về văn hóa, văn học mà ông quan tâm nghiên cứu. Hơn thế, tinh thần dân chủ đã trở thành một phẩm tính trong phê bình văn học của Thiếu Sơn, tạo nên phong cách phê bình của ông. Và điều này ta thấy hiển lộ rõ trong Phê bình và Cảo luận, một tác phẩm không chỉ đặt nền móng cho sự nghiệp phê bình văn học của Thiếu Sơn mà còn cho cả nền lý luận phê bình văn học nước nhà lúc bấy giờ mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Tư duy lý luận phê bình hiện đại đã khẳng định tinh thần dân chủ là một yếu tính quan trọng của phê bình văn học. Một nền phê bình văn học thiếu dưỡng khí dân chủ là một nền phê bình “chết” và không thể mang lại hiệu ứng tích cực cho đời sống văn học. Dân chủ trong phê bình văn học được thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó rõ nhất là sự thể hiện bản lĩnh của nhà phê bình trong việc khẳng định, bênh vực các xu hướng khám phá, tìm tòi cái mới, cái tiến bộ (cho dù có thể nó còn lạ lẫm với một số người), đồng thời nhà phê bình cũng phải biết đấu tranh phê phán những gì phản nhân văn, phi văn học. Cơ sở tạo nên tinh thần dân chủ trong phê bình văn học là tinh thần chấp nhận nhiều ý kiến, quan điểm (thậm chí trái chiều) về một hiện tượng văn học. Bởi, tiếp nhận văn học bao giờ cũng là một phương trình nhiều nghiệm số. Nghĩa là nó chấp nhận những cách hiểu khác nhau về một hiện tượng văn học trên cơ sở “tầm đón đợi” khác nhau của người đọc. Phê bình văn học cũng là một kênh tiếp nhận nên những ý kiến khác nhau của các nhà phê bình về một hiện tượng văn học nào đó cũng là chuyện bình thường trong đời sống văn học.
Mặc dù Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn được coi là tác phẩm mở đầu cho phê bình văn học Việt Nam hiện đại nhưng tinh thần dân chủ trên đã được thể hiện sâu sắc. Ngay trong lời Tựa tập Phê bình và Cảo luận, khi bàn về hai chữ “Phục hưng” trong câu: “Nước ta đang có một thời kỳ Phục hưng” của ông Ưng Quả, (Giáo sư Trường Quốc học) dùng trong một bài diễn thuyết về văn học ( ngày 20 Mars 1932, tại Hội Trí tri, Huế), Thiếu Sơn viết: “Hai chữ “Phục hưng” đó sợ dùng chưa được đúng nghĩa vì dầu văn học nghệ thuật của ta có tiến bộ hơn trước, thì cũng chỉ là nhờ ở cái ảnh hưởng của văn học nghệ thuật Tây phương, chứ không phải xưa kia ta sẵn có mà nay phục hưng lại (…) Tuy nhiên, bài diễn thuyết của ông Ưng Quả vẫn là một bài khảo sát có giá trị về cái hiện trạng của văn học nước nhà. Ông đã thấy rõ cái trình độ tiến hóa của văn chương Việt Nam trong 20 năm nay và đã tìm ra được những thể văn mới phôi thai tự Tây học, hay nhờ có Tây học mà được hoàn bị hơn xưa, như tiểu thuyết, lịch sử, phê bình,vv…”. Ý kiến của Thiếu Sơn không phủ định ý kiến của Ưng Quả mà thêm một lần nữa khẳng định: nhờ ảnh hưởng của văn học nghệ thuật phương Tây, văn học nghệ thuật của ta tiến bộ hơn trước, đã thấy xuất hiện ở Việt Nam một số thể tài mới góp phần “hoàn bị” nền văn học như tiểu thuyết, lịch sử, phê bình. Hoặc bàn về tiểu thuyết Thiếu Sơn cho rằng:“lối văn tiểu thuyết của ta trong ít năm nay, đã tiến được một bước khá dài. Nó đã chịu ảnh hưởng ở văn học Pháp, và có lẽ còn phải nhờ ở cái ảnh hưởng đó mà mới tiến hóa thêm được” (3). Đặt trong bối cảnh nền văn học nước nhà đang dò dẫm những bước đầu tiên tìm đường phát triển, đây đó còn nhiều quan điểm thủ cựu, việc nhà văn thừa nhận sự ảnh hưởng của văn học nghệ thuật phương Tây như một ngọn gió lành đối với văn học nghệ thuật Việt Nam là dấu hiệu cho thấy tinh thần của ông luôn cầu thị, cởi mở, sẵn sàng đón nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại để hiện đại hóa nền văn học nước nhà. Và từ đây mở ra cho văn học một chân trời mới để hòa nhập vào nền văn học hiện đại của thế giới. Chính sự nhập cuộc mạnh mẽ này trong những năm tháng mà nền văn học nước nhà còn chịu ảnh hưởng khá nặng nề của văn hóa Hán vốn ăn sâu trong văn học trung đại, ta mới thấy tinh thần dân chủ đã thể hiện rõ trong tư duy nghệ thuật của Thiếu Sơn như thế nào!? Và đây là căn nguyên giúp ông tiếp nhận các lý thuyết phê bình văn học phương Tây để vận dụng vào việc khám phá các hiện tượng văn học.
Thái độ ủng hộ, cổ vũ, ca ngợi cái mới, cái hiện đại trong văn chương là một đặc điểm xuyên suốt trong Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn. Ông luôn hướng ngòi bút của mình vào việc tìm kiếm những đóng góp mới trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm và tác giả văn học mà ông nghiên cứu. Theo ông đó mới chính là những đóng góp quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển của nền văn học nước nhà trong quá trình hiện đại hóa. Thiếu Sơn xác quyết: “nhà phê bình là kẻ đọc giùm cho người khác (…) đọc giùm cho người khác, nghĩa là cùng một cái công trình, người ta cũng đọc, mình cũng đọc, mà phần mình phải biết chỉ cho người ta thấy cái nghĩa lý của câu chuyện, chỗ dụng ý của tác giả, cái nghệ thuật của người làm và cái văn thể của cuốn sách” (4). Chính ở quan niệm này cũng cho thấy tinh thần dân chủ trong phê bình văn học của Thiếu Sơn vì ông không hề áp đặt tư tưởng của nhà phê bình lên công chúng ngược lại, rất coi trọng ý kiến khác nhau của công chúng tiếp nhận và xem nhà phê bình chỉ là “người đọc giùm” cho người khác. Và điều này cũng cho thấy Thiếu Sơn đã không cho phê bình một thứ “quyền uy” nào như cái kiểu “phê bình quyền uy” vốn tồn tại ở một thời không xa trong nền lý luận phê bình của chúng ta mà hiện nay nó đang có nguy cơ trở lại trong đời sống văn học làm cản trở bước tiến của lý luận phê bình văn học dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa của thời kỳ hội nhập và phát triển.
Vì vậy, khi phê bình Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Thiếu Sơn đã rất có bản lĩnh khi phản biện vấn đề: Tố Tâm trái với luân lý ở chỗ nào? Trên cơ sở văn bản, ông phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng hành vi của nhân vật từ đó đưa ra những nhận xét xác đáng về nhân vật: “Tố Tâm thương Đạm Thủy trước khi thấy mặt chàng, người chàng, địa vị chàng ở xã hội, gia thế chàng trong nhân quần, vì cái tình của nàng thật không có gì là tầm thường vật chất cả. Mà nàng biết thương chàng ở chỗ văn chương tư tưởng thì lại càng tỏ ra nàng là người có tài, có học, có tinh thần mỹ thuật, có tư tưởng thanh cao ” (5). Việc phân biệt rạch ròi “hạng gái thường” và “gái văn minh” (6) cho thấy tư tưởng tiến bộ của nhà phê bình, ông trân trọng giá trị tự do cho con người và vì con người, ông phê phán thứ luân lý khắc khổ cùm kẹp, bóp chết tự do cá nhân, tiêu diệt quyền sống của con người: “Đọc sách Tố Tâm ta phải nhận thấy cái hèn kém của luân lý nước nhà, vì nó mà một vị giai nhân phải giã thế từ trần để lại một bực tài tử phải sống mà nuốt lệ” (7).
Tinh thần dân chủ của Thiếu Sơn được thể hiện khá triệt để trong cách ông bàn bạc, luận giải vấn đề. Ông tôn vinh, ghi nhận đóng góp của Hoàng Ngọc Phách khi cho rằng “Tác giả đọc sách tây nhiều, đã quen thuộc với những nhà tâm lý tiểu thuyết như Paul Bourget, Georges Sand, và cũng có nhiễm những cái phong vị lãng mạn của Lamartine hay Victor Hugo, nên tả tâm lý thật đúng và tả ái tình thật hay (…). Văn đã mới, truyện đã mới, cách bố cục có trật tự, cái cơ mưu có lý do, hành động theo tâm lý, mà giải cấu hợp tự nhiên, thật là cuốn sách của người học mà biết nghề” (8). Nhưng ông cũng không đồng tình với tư tưởng nửa vời của Hoàng Ngọc Phách: “ Chỉ tiếc cách lập luận của ông Song An nó trái hơn với cái ý nghĩ tự nhiên của cuốn sách. Ông cố ý đem truyện Tố Tâm mà răn đời đừng mắc mưu vào ái tình, đừng lạm dụng văn chương tư tưởng mà làm việc cho ái tình(…) thành ra ông muốn kết án ái tình rồi! Ông nói truyện tình cho đã đời, cho người ta mê mệt rồi ông giết chết một người trong truyện mà chỉ ra: “tình là hại, đừng có chơi với nó mà chết”” (9). Rõ ràng theo Thiếu Sơn, nhà văn cần phải triệt để ủng hộ, bênh vực tư tưởng mới – tư tưởng tự do luyến ái chính đáng của con người, không nên có cái nhìn nhị nguyên trong đánh giá các hiện tượng của đời sống xã hội.
Xem xét cách đánh giá của Thiếu Sơn về Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) hoặc Quả dưa đỏ (Nguyễn Trọng Thuật) chứng tỏ ông không phải là một nhà phê bình có quan điểm nghệ thuật máy móc, bảo thủ mà là một người có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, hiện đại, luôn xuất phát từ những tìm tòi, sáng tạo cái mới của nhà văn được thể hiện trong tác phẩm để khẳng định giá trị đích thực của văn chương.
Xuất hiện bất ngờ trên diễn đàn văn chương học thuật, Thiếu Sơn được coi là một trong những người đầu tiên cho ra đời ở nước ta một loại phê bình mới: phê bình nhân vật (phê bình tác giả). Với lối phê bình mới lạ, “lối văn chặt chịa, chải chuốt, trong đó ta thấy cái ảnh hưởng của văn Tây dung hợp với cái sở hiểu rất chắc chắn” (10), khiến người đọc phải ngỡ ngàng trước cách viết tinh tế, nhạy bén của Thiếu Sơn. Hàng loạt chân dung nhà văn, nhà thơ: Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Tương Phố nữ sĩ, …được khắc họa trên tinh thần phát hiện những “hương vị” đặc biệt, làm nổi lên những vẻ đẹp khác nhau. Viết về Tương Phố, Thiếu Sơn đồng tình với ý kiến của Rébufat (một văn sĩ người Pháp) khi cho rằng: “Tương Phố là một người đàn bà về hạng cao đẳng…và nhận ra rằng bà chịu ảnh hưởng của văn chương lãng mạn của nước Pháp nhiều lắm” (11). Ông cũng cho rằng Tương Phố nữ sĩ là tiêu biểu cho “hạng phụ nữ cao đẳng, có bổn chất khác thường, có tâm hồn lãng mạn, có tánh tình đa cảm, lại thường biết thưởng thức mỹ thuật và yêu mến văn chương” (12). Với việc khắc họa sinh động chân dung Nữ sĩ Tương Phố, Thiếu Sơn đã cho thấy ông là người rất đề cao vai trò của người phụ nữ trong sáng tạo nghệ thuật và xây dựng cuộc sống hiện đại khi cho rằng Tương Phố là “một người tiêu biểu cho một hạng nữ lưu đã từng có ảnh hưởng đến lịch sử văn học và lịch sử tiến hóa của phụ nữ xứ ta” (13). Khi cái nhìn về người phụ nữ còn khắt khe, thành kiến của tư duy trọng nam khinh nữ vốn thấm sâu trong ý thức của xã hội Việt Nam thì những lời đánh giá của Thiếu Sơn về Tương Phố đã thể hiện một cái nhìn mới, một cách nghĩ mới về vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nó hoàn toàn khác với những cái nhìn bảo thủ xem thường phụ nữ trong xã hội đương thời. Nhà văn đã góp tiếng nói giải phóng phụ nữ, mang lại sự công bằng cho phụ nữ nước Nam vốn rất thiếu sự quan tâm về nữ quyền. Biết hướng về cái mới, bảo vệ cái mới là một phẩm chất cần thiết của một nhà phê bình vì chính Belinxki từng nhấn mạnh: Sứ mệnh của phê bình là “giết cái cũ (…) chuẩn bị cho nền nghệ thuật mới ra đời” (14).
Đối với các tác giả như Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn không hề nhầm lẫn giữa những đóng góp của họ về văn chương nghệ thuật với các vấn đề ngoài văn chương. Có thể nói, ở những bài phê bình các tác giả này, ông đã tỏ rõ là một cây bút phê bình khách quan, không thiên vị, có bản lĩnh, có chính kiến khi bàn luận. Trong phê bình, Thiếu Sơn luôn tỏ ra sòng phẳng, công bằng, không hề bỏ sót đóng góp, dù nhỏ, của bất kỳ ai. Phương châm phê bình của ông là “sáng suốt, để giữ lòng rộng rãi”. Chính vì vậy, có thể nói ông là người có công khuấy động không khí sáng tác và thưởng thức văn chương những năm 1932 – 1945 của nước nhà.
Tinh thần dân chủ trong phê bình văn học của Thiếu Sơn còn thể hiện ở chỗ ông đã đề cập đến tầm quan trọng của chữ quốc ngữ trong sự phát triển của văn học và xã hội, vai trò của báo chí trong việc nâng cao dân trí, mối quan hệ giữa báo chí và văn học. Với tinh thần, thái độ và phương pháp phê bình khoa học, cuốn sách phê bình đầu tiên của Thiếu Sơn đã phần nào thực hiện được chức năng cao quý của mình - chức năng thúc đẩy văn học phát triển theo con đường hiện đại hóa. Có thể nói, tinh thần lý luận và phê bình văn học của Thiếu Sơn mang tính học thuật cao, hiện đại và tiến bộ. Từ những trang viết của ông có thể thấy ông đã sớm coi phê bình văn học như một hoạt động sáng tạo đầy tự do và dân chủ của người nghệ sĩ.
Trước đây Phê bình và Cảo luận đã được nhiều học giả khen, chê ở những mức độ khác nhau. Phan Khôi sung sướng, ngợi ca Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn “coi đó là những “hột gạo no nê nguyên vẹn”. Vũ Ngọc Phan hơi khe khắt, khi gọi Thiếu Sơn là “một nhà phê bình mềm mỏng và thủ cựu”. Nguyễn Văn Trung lại quy tác giả vào “nhóm phê bình ấn tượng chủ quan, giáo điều”. Thanh Lãng nồng nhiệt, tuyên dương Phê bình và Cảo luận “đã khai mở hẳn một kỷ nguyên mới”…Tuy có thể vẫn còn những ý kiến khác nhau về Phê bình và Cảo luận nói riêng và sự nghiệp văn học của Thiếu Sơn nói chung, song ngày nay đọc lại Phê bình và Cảo luận của ông, ta vẫn thấy nó ẩn chứa nhiều giá trị mà một trong những giá trị làm nên phẩm tính Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn đó là tinh thần dân chủ trong phê bình văn học. Và với giá trị đặc sắc này Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn xứng đáng được coi là dấu mốc quan trọng, ghi nhận sự ra đời của thể loại phê bình văn học, làm tiền đề cho tính chuyên nghiệp của nền phê bình văn học dân tộc những năm sau đó và cho đến ngày nay. Phê bình và Cảo luận của Thiếu Sơn vì thế đã để lại cho chúng ta một bài học lớn về tính khoa học, về nhân cách và bản lĩnh của một nhà phê bình văn học chân chính. Nhà phê bình phải luôn có ý thức sáng tạo trên nền của những sáng tạo văn học với một tinh thần dân chủ tự do trong học thuật, nhà phê bình không được biến mình thành một thứ “công cụ” tầm thường phục vụ cho những ý đồ ngoài văn học rồi biến mình thành một kẻ “ăn theo, nói leo” như người đời thường nghĩ, phê bình văn học không thể là chốn dung thân của những kẻ bất tài.
Ra đời đến nay đã hơn 80 năm nhưng Phê bình và Cảo luận cùng những quan điểm phê bình văn học hết sức phóng khoáng, tự do, dân chủ của Thiếu Sơn vẫn thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề cần ngẫm ngợi trong tiến trình xây dựng một nền phê bình văn học thanh sạch, lành mạnh trên tinh thần tôn trọng tự do và dân chủ trong học thuật. Và chỉ có như vậy chúng ta mới hòa nhập được vào dòng chảy của nền lý luận phê bình văn học hiện đại thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa đầy thách thức hiện nay.
Chú thích
(1). Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá (2005), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr. 1680.
(2). Hoài Thanh, Hoài Chân,(1988), Thi Nhân Việt Nam, Nxb. Văn học Hà Nội, tr. 17
(3) (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) . Thiếu Sơn ( 2001), Nghệ thuật nhân sinh, (tuyển tập), Lê Quang Hưng sưu tầm và chỉnh lý, Nxb.Văn hóa TT, Hà Nội.Tr.63,19, 44,44,47, 47,47,18, 37, 37,41.
(14). Dẫn theo Nhiều tác giả ( 2002), Lí luận văn học (tập 1) – Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, tr.384.