Nhác thấy bóng ông Hùng từ phía xa đi tới, Đăng ra hiệu cho con Tô cùng mình bỏ đi ra nhà sau. Đăng thấy lờ mờ trong tay ông là một xâu cá. Gió biển thổi mạnh làm tóc ông bạt hẳn ra phía sau nhưng ông vẫn vững trên cát và đều bước chân như một kiện sĩ. Mấy năm qua, lần nào ông ta sang nhà Đăng thì nhà đều có thêm một món đồ hoặc một vật dụng gì đó. Đăng cười thầm mà giễu rằng: “Chẳng lẽ ông ta nghĩ có thể lấy lại tình cảm của Đăng và má khi cho đi những thứ như vậy sao?” Đăng không thích ông ta, thậm chí chẳng buồn giấu đi sự căm ghét của mình. Còn má thì ngược lại. Đăng đoán thế. Hoặc ít nhất qua ánh mắt của má, Đăng cảm nhận được như vậy.
Ra nhà sau, Đăng xách cái mủng vốn đã “tới tuổi” và được chắp vá khắp thân. Con Tô ngoan ngoãn chạy theo sau, lúc tiu nghỉu bám gót, lúc tung tăng vọt lên phía trước rượt theo mấy con dã tràng. Đăng lại liếc nhìn cái mủng treo trên giàn cao. Cái mủng mới tinh và được đan chắc chắn bởi đôi tay của người đi biển sỏi sành. Thật ra, Đăng cũng thích cái mủng đó và đã nhiều lần bấm bụng đem xuống dùng nhưng lại thôi. Chẳng có lý do gì hết. Đơn giản vì đó là của ông ta đem qua.
Đăng mang hai tiếng “mồ côi” tính ra cũng ngót đã gần bốn năm, từ thuở Đăng sắp bước qua ngưỡng cửa trung học. Hôm ấy, biển đẹp và hiền dịu như chưa từng có. Tan học, Đăng chửa muốn về nhà ngay, nên để chân trần, xách dép đi dạo một vòng bờ biển. Bàn chân Đăng giật giật khi lún xuống cát mềm và giẫm phải những mảnh vỡ sắc bén của vỏ ốc vụn. Đăng nhìn ra phía xa bờ, mong ba về trong làn gió mặn hơi muối đang làm tóc nó bay ngược về phía sau. Nó nhặt một vỏ ốc mượn hồn, kê miệng thì thầm vào trong đó: “Ba mau về với con và má. Nhớ ba nhiều lắm đó!” rồi ném thật xa ra biển, mong sóng mang lời nhắn nhủ đó đến tai ba. Làm xong việc mà tự cho là ngớ ngẩn ấy, Đăng quay về nhưng thấy là lạ là con Tô không ra mừng nó như mọi khi. Thoáng thấy trong nhà đông người, nó bỏ dép, nhảy cẫng lên, la lớn: “A! Ba về! Ba về!”. Rồi nó đứng sững lại khi thấy nét mặt ai cũng buồn buồn. Má đang lịm người, búi tóc rũ xuống ôm lấy đôi vai gầy trơ, hai tay choàng chặt thân thể ba-đang nằm bất động trên ván. Mọi người tránh sang một bên để nhường lối cho nó. Nó bỏ cặp lên bàn, rồi chạy lại rờ đôi chân ba. Lạnh cóng và tê cứng! Nó lay má: “Má! Ba bệnh rồi. Đưa ba đi nhà thương đi!” nhưng má càng khóc to hơn. Lúc này mắt nó đã bắt đầu bị màu đỏ xâm chiếm. Nó sờ trán, nắm tay ba, giựt giựt nhưng ba lại nằm yên nên nó giục: “Nhanh lên má!” Nó chạy đến níu tay ông Hùng- lúc ấy nó vẫn còn gọi thân mật là chú- năn nỉ: “Chú chở ba con đi giùm đi chú!”. Lúc ấy, ông Hùng quay mặt, khóc oà như một đứa con nít khiến bờ vai chắc nịch rung rung. Nó gào lên, mắt rưng rưng: “Chú không chở ba con đi, rủi ba con…..” Đăng cứng họng. Má càng khóc to hơn. Ngay lúc này, nó mới biết là mình đã mất ba vĩnh viễn như con cá mãi xa đại dương xanh bao la. Nước mắt bắt đầu chảy, và nó lẳng lặng bò tới ván, ôm lấy ba mà không kêu nỗi một lời.
Sau này, qua lời kể của mọi người, Đăng mới biết là thuyền ba đâm trúng đá ngầm và bị đắm. Ba nhường chiếc áo phao cho ông Hùng - người đã cùng ba cán đán mọi việc cho mọi người lúc thuyền ngập. Hai người giằng co nhau và một đợt nước mạnh tràn vào đã đẩy ông ta xuống biển cùng chiếc phao trong khi ba Đăng thì kẹt trong khoang khác và chết trong đấy. Nhưng Đăng không xem đó là nguyên nhân để nó tha thứ cho ông. Nó ghét ông trong lòng thương nhớ và sự mất mát khi ba lìa xa nó.
Một chiều cũng như chiều nào, sóng mang nửa nét hung mãn, nửa nét dịu hiền khi liếm bờ cát với màu xanh triền miên. Đăng có thể cảm nhận được vị mặn dưới chân mình, và điều này chẳng có gì để tự hào đối với một người con xứ biển đã lăn lộn gần hai mươi năm. Đăng nghĩ biển mặn không chỉ đơn thuần do muối mà còn là do mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những gia đình như Đăng đã đổ xuống đấy. Dù biển đã cướp đi của Đăng người nó yêu thương nhất nhưng không hiểu sao, nó vẫn không ghét biển được. Tay nó thoăn thoắt trên mảnh lưới, tấm lưng trần trơ ra đón gió và ánh mắt nó ngóng ra phía vô định xa khơi. Má ngồi xuống cạnh nó, thuận tay gỡ rối mấy lọn nhợ đang rối thành từng chùm. Má nói không nhìn nó:
- Sao con không xài cái mủng chú Hùng cho hả Đăng?
- Nó…. À! cái mủng cũ vẫn còn tốt lắm má à!
- Con đừng giấu má làm gì! Con ghét chú Hùng lắm phải không?
Đăng dừng tay, ngắt lời má, bỏ miếng lưới vá dang dở trên đùi.
- Má à! Con không phản đối chuyện má với ông ta, nhưng đừng bắt con nhìn cảnh ông đang thay thế ba. Con… Con xin lỗi!
Đăng bỏ đi, mạnh chân đá nắm cát văng ra xa. Con Tô chạy theo chụp lại những giọt cát rơi lã chã trong gió mềm. Nhìn Đăng có vẻ bực mình, nên nó cũng cụp đuôi, mắt buồn buồn mà chậm rãi bước theo sau. Không phải Đăng không thấy vai má gầy hơn từ khi ba mất do phải tảo tần và vật lộn với biển để có miếng ăn. Đăng cũng thấy hình như dòng chảy hạnh phúc đang dâng lên trong người má từ khi có sự chăm sóc chu đáo của ông ta. Nhưng mỗi lần Đăng và má đụng tới chuyện này là y như hai địch thủ. Và như thể chưa lần nào nó nghĩ sâu sắc đến mức cần thiết về những điều mà má cần cho bản thân mình. Nó không có tư tưởng là má hết thương ba mà nó phản đối chắc là do bản thân nó ích kỷ. Chẳng lẽ nó chỉ còn một mình má mà má lại thuộc về một người khác sao? Nhiều khi nó tự nghĩ là mình có hết thương ba hay không khi không chấp nhận ông Hùng. Một điều mà nó biết chắc là ông ta không thể nào thay thế được ba dù bà con trong làng này ai cũng tán thành.
Tối, xách xâu cá nằng nặng trên tay, nó sẽ cho má bất ngờ vì lượng cá nhiều hơn mọi hôm mà lại về sớm. Con Tô đã chạy đi đâu không thấy bóng dáng. Nó không màng. Đó là con chó trung thành và đáng yêu nhất mà nó từng gặp. Trong thời gian nó suy sụp, con Tô là người bạn hứng nhiều nước mắt của Đăng nhất và Đăng tin là nó hiểu được những gì mình đang phải trải qua. Chưa bước vào nhà, Đăng nghe tiếng ông Hùng vọng ra theo chiều gió:
- Sao bà cứ lần lựa mãi? Bà không nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình sao?
Đăng tức trong dạ. Ông ta đang cố thuyết phục má ngã về phía ông ta đây! Má quay lưng về phía ông ta, nói:
- Xin lỗi anh! Tui chỉ có mỗi thằng Đăng là con. Tui không thể!
- Tui biết, nó không chấp nhận tui. Tại sao chứ? Mấy năm rồi, tui coi nó như con, bằng cách của tui chớ đâu có bắt nó mở miệng kêu tui là ba. Anh nhà với tui là bạn chí cốt, tui muốn chăm sóc bà với nó, để khi chết xuống dưới, không phải hổ thẹn khi nhìn thấy ảnh…
- Anh Hùng! Mình có nợ mà không duyên. Tôi không thể để mất con tôi…
Má gục đầu vào vai ông ta, hai làn vai run rẩy trong làn tóc thưa và đã lấm tấm điểm bạc. Ông Hùng ngập ngừng cánh tay, rồi để xuống nhè nhẹ lên vai má, khẽ vuốt ve và nói lời an ủi. Đăng bỏ xâu cá xuống rồi đi ra biển, còn nghe bên tai trong gió tiếng nấc của má. Biển đêm lào xào, tự dưng lại nghe não nề như một mỹ nhân ngư đang trỗi lên dạ khúc buồn. Đêm đó, Đăng cứ ngồi miết ngoài bờ biển mà không về nhà. Con Tô lại ngồi cạnh nó, nghe nó thì thầm những lời gì không rõ mà lâu lâu ư ử trong miệng rồi liếm mặt Đăng một cách trìu mến.
Sáng hôm sau. Lúc má sắp chở cá ra chợ, Đăng lên tiếng:
- Má phụ con một tay đem cái mủng của chú Hùng xuống với. Từ rày con sẽ mang nó ra giăng lưới.
Má ngạc nhiên, nhìn nó trân trân. Nó cười, hất đầu sang một bên? “Má không muốn vậy sao? Hay là…..”. Má mỉm cười. Chao ôi! Sao mà đẹp!
Đăng kéo lê cái mủng trên cát để lại một lằn dài phía sau và con Tô hí hửng chạy phía trước, sủa gâu gâu inh ỏi trong tiếng sóng ầm ầm. Nó lại nhặt một vỏ ốc mượn hồn, kề miệng nói vào trong ấy: “Dù thế nào đi nữa, ba vẫn là ba của con và má” rồi dùng hết sức bình sinh mà quăng nó ra thật xa về phía xa khơi ngút ngát. Nó liếm môi, thấy lợn cợn trong mấy hạt cát còn vương lại là vị mặn của biển. Và lạ thay, lần đầu tiên, nó thấy vị ngọt trong giọt nước biển đó./.