Ba chương trong sách dự thảo gồm 12 chương trong cuốn “Thi Nhân Việt Nam hải ngoại” là các chương Thơ siêu hình, Thơ hoài hương, Thơ tình muôn thuở; xin được viết theo lối sưu tầm những câu thơ xuất sắc của các thi nhân hải ngoại. Những chương này do đó thuộc về cách viết biên khảo. Sở dĩ muốn sưu tầm tất cả những câu thơ xuất sắc của rất nhiều nhà thơ, vì gần như tất cả các nhà thơ đều hơn một lần viết về thơ hoài hương, thơ siêu hình và thơ tình yêu. Những chương còn lại trong 12 chương, sẽ đi sâu vào thơ của một số người viết cho nội dung liên hệ đến tâm cảnh của họ mà thôi, nghĩa là không liên hệ cho tất cả. Nên cách viết sẽ là tiểu luận, bàn trên một khía cạnh nào đó trong bối cảnh phát sinh, nói rõ là bối cảnh hải ngoại. Tóm lại, cuốn sách bao gồm hai cách viết, mang hai đặc tính “biên khảo-tiểu luận”, chưa phải phê bình văn học. Ví dụ như khi đi sâu vào tiểu luận thơ tù cải tạo của một số quân nhân: thay vì lối quen không lạ là nêu ra sự hận thù hay gian khổ; cũng chẳng lạ khi đào sâu tính nhân bản không chính trị trong tình cảm nhớ gia đình, ta thử viết tiểu luận bàn về tâm cảnh có tính chất vừa mỹ cảm vừa siêu thực của đỉnh núi Hoàng Liên Sơn và đỉnh núi Chứa Chan thỉnh thoảng lại tái hiện trong thơ tù cải tạo. Ví dụ thứ hai việc phải viết theo cách tiểu luận (vì chỉ là thơ của một số thi nhân hải ngoại mà thôi), nằm vào chương viết về thơ lộ liễu tình dục của vài nhà thơ nữ. Lối quen không lạ khi nêu ra ý kiến sở dĩ họ viết táo bạo tình dục chẳng qua chỉ là cung cách biểu hiện nữ quyền. Cũng không lạ khi nêu ra ý kiến thứ hai cho rằng đó chính là sự trỗi dậy của vô thức tập thể thời mẫu hệ chưa bị chèn ép lễ nghi đặt định do phụ quyền về sau đã lấy mất thế thượng phong của họ. Vậy ta sẽ tiểu luận với ý kiến mới như sau: tính chất muốn trổi bật về văn học của các nhà văn thơ nữ thuộc “thế hệ một rưỡi”, vì họ chưa thể viết nổi bằng ngoại ngữ Anh văn hay Pháp văn như thế hệ thứ hai thứ ba, mà họ cũng không muốn viết bằng Việt ngữ với đề tài nhiều nhà văn nam đã viết cả rồi.
Với cách thức viết bằng tiểu luận, nghĩa là với tính chất nặng về suy luận thiếu bao quát, đương nhiên đã không giống với cách viết sưu tầm biên khảo như chương về thơ hoài hương dành cho trọn bài viết kỳ này. Sưu tầm mang ý hướng càng đầy đủ thì càng tốt, vậy tại sao không sưu tầm thơ hoài hương từ hải ngoại hướng về từng thành phố, từng tỉnh hay quận lỵ làng xã của mỗi nhà thơ? Tại sao lại sưu tầm thơ hoài hương quy về một vài vùng trọng điểm? Bởi vì quy về vài vùng trọng điểm mới nói lên được tâm cảnh từng nhóm thi nhân hải ngoại, dù trong một hoàn cảnh chung, dù họ đều là người Việt. Tính chất địa phương từng vùng khá rõ rệt. Tính chất địa phương do không gian cùng nhau cư ngụ, lâu dần thành cùng tiếng nói, cùng cách ăn ở, không hẳn do dị biệt về người. Tính chất vùng và tâm cảnh đó không giống với tình hoài hương thuộc hoàn cảnh khác như thời Văn Học Miền Nam, thời Văn Học Pháp thuộc, thời Văn học Kháng Chiến Chống Pháp, hoặc xa hơn như thơ hoài hương thời di dân vào đất nhượng địa Chiêm Thành, di dân vào đất bỏ hoang Chân Lạp. Cụ thể như thời Văn Học Miền Nam, thơ hoài hương sau cuộc di cư tiếp theo Hiệp định Genève là thơ hoài hương về những vùng trọng điểm như Hà Nội và vùng các họ đạo Công giáo Bùi Chu – Phát Diệm. Sau đó là cuộc chiến tranh ròng rã 20 năm, người thôn quê có một số đổ lên thành thị. Ta sẽ vội nghĩ thơ hoài hương thời chiến tranh vừa qua là thơ hoài hương về làng mạc thôn quê. Sự thật cuộc chiến tranh này là chiến tranh du kích theo thế cài răng lược, xôi đậu trà trộn, ngoài một số mật khu hay vùng trắng hoàn toàn được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ một số là thơ nhớ về thôn quê khi người ta đã tản cư lên ở hẳn trên tỉnh. Nếu ta ngẫm lại thì mới nhớ thơ hoài hương thời chiến tranh chính là thơ “lính xa nhà”, “Tết này con không về”, nhớ làng khi ở tiền đồn với “phiên gác đêm xuân”, nhớ thành phố khi từ giã lên đường nhập ngũ mà đành “Trả lại em yêu”, nhớ trường cũ bạn xưa vì đến tuổi khoác chiến y mà đành phải “biệt kinh kỳ”. Vậy thơ hoài hương thời chiến tranh trong Văn Học Miền Nam là thơ nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người yêu, nhớ trường, nhớ bạn học, nhớ nơi ở một thời bình yên, nhớ cuộc sống chưa đến lúc thi hành quân dịch. Vùng trọng điểm thơ hoài hương thời chiến tranh không có không gian rõ rệt chia vùng, mà có thời gian rõ rệt nhớ thời thanh bình chưa khói lửa triền miên.
Tiếp theo thời Văn Học Miền Nam, thơ hoài hương thời Văn Học Hải Ngoại hướng về những vùng trọng điểm nào làm nổi bật tâm cảnh trong một thời kỳ? Trước khi sưu tầm sắp xếp thơ hoài hương hải ngoại, thiết nghĩ ta cần phân biệt tình hoài hương quê quán khác với tình quê hương đất nước trùm phủ đến lãnh vực quốc gia; cũng thế, phân biệt tình hoài hương quê quán khác với tình hoài hương trú quán; khác với hoài hương dành cho một cảm-tình-quán, và tình hoài hương quê quán cũng khác tình quê có tính chất thảo dã phân biệt với cuộc sống nơi thành thị. Sưu tầm sắp xếp những câu thơ xuất sắc biểu hiện những thứ tình hoài hương kể trên, thiết nghĩ qua thơ ta sẽ có đầy đủ ý nghĩa những thứ tình hoài hương được phân loại này, trước khi đi vào phần chính sẽ quy định các vùng trọng điểm của riêng tình hoài hương quê quán mà thôi. Nói rõ, bài viết này đặt trọng tâm ở tình về quê quán, nhưng không là quê quán của đơn vị nhỏ như làng mạc hay tỉnh huyện, mà chính là quê quán ở vào đơn vị cấp vùng.
Vậy trước hết ta phân biệt tình hoài hương quê quán thuộc cấp vùng với tình quê hương cấp cao hơn: tình đất nước. Các nhà thơ viết về quê hương cấp quốc gia thường biểu lộ sự yêu mến khắp cả các vùng đất nước, mỗi nơi họ nêu ra vài nét đặc thù đáng yêu đáng mến, thành ra ta không thấy tác giả nghiêng nặng về một miền nào. Ngày xưa thi sĩ Tản Ðà vào Nam ra Bắc thường xuyên bằng đường xe lửa Xuyên Việt, mỗi nơi ông ca tụng một món ăn đặc biệt chỉ nơi đó mới có, tình đất nước như vậy nghiêng về văn hóa ẩm thực. Ngày nay ở hải ngoại, thơ hoài hương cấp quốc gia dân tộc thường biểu hiện trong những bài thơ khá dài, vì ước vọng của nhà thơ là kể hết những hay đẹp của giang sơn: gấm vóc và oai linh, đơn sơ và sâu sắc, dịu mát và khắc nghiệt; nhất nhất đều là những thân thương được nhắc nhở. Trích ra những bài thơ quá dài nằm ngoài khuôn khổ sưu tầm những câu thơ xuất sắc, vậy xin chỉ trích thơ một đôi người, như của Khoa Hữu, ở trong có một chút Ðà Lạt, một chút Hội An, Sài Gòn, Buôn Mê Thuộc, Nha trang, Củ Chi: Ba trăm năm Sài Gòn ơi/ Bãi dâu cát lở, đất bồi phù du...Ta về Nha Trang gió/ Xô xát lời ca dao/ Tháp mấy tầng đá cổ/ Mòn một cõi chiêm bao...Củ Chi ơi gạch ngói/ Người lính cũ về thăm/ Chiến trường xưa ngọn khói/ Lòng ta bia đá câm/ Con kinh dài trí nhớ/ Chiếc cầu qua lãng quên. Và thơ của Nguyễn Nam An trong bài Nhớ lại đã cảm xúc khi xuôi ngược đó đây vì đời lính nhảy dù trước năm 1975: Như từ lâu bom đạn còn vọng tới/ Ru mãi đời xưa lính thú quê hương/ Con đi nhảy dù, mẹ đừng trông đợi/ Ngày Túy Loan, đêm Ðại Lộc đã thường. Phạm Hồng Ân trong bài Từ sông ra biển: Tưø sông ra biển xuôi theo nước/ Ðêm ghé Hòn Tre hẹn chuyến đi... Mai nương sóng bạc qua Hòn Nghệ/ Lơi lả trăng nghiêng một góc trời... Vòng về Bắc Ðảo mưa phần phật/ Ðốt lá rừng lên thức với nai... Mai hết kiếp người xin hóa núi/ Ngàn năm hùng vĩ mũi Kwala.
Tiếp theo, ta phân biệt thơ hoài hương quê quán với thơ hoài hương trú quán và hoài hương dành cho một cảm tình quán. Trú quán chỉ là nơi cư ngụ tạm thời khi là công chức đổi đến làm việc một sở tại, thường là mướn nhà tạm trú một thời gian; có khi cũng tậu nhà định làm quán tạo dựng cơ sở làm ăn. Nếu mua nhà định ở vĩnh viễn thì trú quán trở thành cư ngụ quán. Dù trú quán hay cư ngụ quán thì nhà là không gian ở trọ thân thiết, vì vậy mà triết gia người Pháp tên Gaston Bachelard nói những tiếp xúc cụ thể với cánh cửa, chìa khóa, ngọn đèn khuya, bàn viết với giấy mực, là những động từ thuộc về Hiện Tượng Luận, vì những ý hướng đó ẩn chứa những cảm xúc cụ thể và thẩm mỹ, ngoài ý nghĩa thông thường của những từ ngữ ước lệ có thể diễn giải bằng tâm lý học hay xã hội học hay tâm sinh lý học. Hoặc nghe tiếng nước vỗ nhẹ trong đêm khuya vào những trụ cột dưới nhà sàn, gợi cho người nghe một ý nghĩa chưa từng ai nói thành khuôn sáo, thành ước lệ như nào là tiếng nước rỉ rên, tiếng nước ca hát, tiếng nước ngàn đời chảy mãi... Phải chăng cảm tính nước va vào trụ cột, làm mường tượng đến phù vân của bãi nền, cũng là một tiếp xúc cụ thể thuộc về Hiện Tượng Luận. Còn tâm trạng dành cho một cảm tình quán là thứ tình hoài hương do hệ lụy tình cảm với quê hương người mình yêu, có trường hợp còn đậm đà hơn tình quê quán vì tính keo sơn trai gái bao giờ cũng thành sức mạnh lắm khi vô địch. “The power of love”, nói mãi không bao giờ hết điều này. Cảm tình quán có khi do tình bằng hữu, yêu quê hương của đôi vợ chồng người bạn chí tình. Cảm tình quán lại có khi yêu quê hương một người mình không quen biết ngoài đời, nhưng quen biết một cách trìu mến nhờ sách báo, hay qua lịch sử, như yêu quê hương của một nhà văn nhà thơ, quê hương của một vị anh hùng. Những câu thơ sưu tầm sau đây biểu lộ những dạng hoài hương trên (hoài hương trú quán, hoài hương cư ngụ quán, hoài hương dành cho một cảm tình quán), như Nguyễn Ðình Toàn trong bài Căn nhà cũ: có nước giếng soi trời trong/ Có những lá rơi ngoài song. Hoàng Xuân Thảo trong bài Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây: Em đi Vàm Cỏ Tây heo hút/ lủi thủi tôi về Vàm Cỏ Ðông... Lòng tôi bối rối như kinh rạch/Chằng chịt dọc ngang xẻ tứ bề... Ðiên điển đêm sương khơi bếp lửa/ Mù u dầu thắp viết thư xưa.... Ðồn nhỏ, cỏ năng che vách mái/ Lát ,bàng, chiếu nệm ngủ đơn sơ. Ðỗ Quý Toàn trong bài Ở xa mừng đám cưới Lộc-Chu: Nếu có về Châu Ðốc/ gởi lời thăm con trăng/ nhớ hồi nào mình lội/ giữa phù sa mênh mông... Nếu ghé ngang Bồng Sơn/ hãy bước hai chân trần/ băng qua dòng Lại Giang/ nhìn dừa xanh ướt nắng/ cát trắng dài long lanh. Quỳnh Thi trong bài Cúng dường thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên: Gòng xanh/ từ chốn cội nguồn/ nhảy chơi xuống đó/ tan thành giọt mưa... nhớ người xứ Bưởi duyên đưa/ cảnh xưa đã khác/ phố trưa vẫn còn. Hà Nguyên Dũng trong bài Ðời thêm một cuộc chia tay ngậm ngùi: Xin chào Ðà Nẳng sông Hàn/ Tôi như bèo giạt theo ngàn sóng đau... Ðò em buộc bến sông Hàn/ Dẫu tôi đứng gọi cả ngàn năm không. Trần Vấn Lệ trong bài Chiều ngồi bên núi Chứa Chan: Ngồi đây/ nhớ núi Chứa Chan/ Ngó dòng xa lộ chang chang Biên Hòa/ Nhớ người xưa lắm/ ngày xa/ Chiều nay còn chút/ nắng tà, thương sao. Bùi Bảo Trúc trong bài Căn nhà ở đường Ngô Tùng Châu: Hãy gõ cửa, đêm nay ta trở lại/ Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không/ chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy...Này buổi tối cứ nằm yên ở đó/ Ðèn ơi đèn đừng trở dậy đêm nay...Ngoài cửa sổ lao xao giàn bông giấy/ Cỏ cây ơi phút chốc đã như sương. Trần Văn Nam trong bài Nhà xưa: Nhà ta xưa mái lợp tôn/ Bên đường qua miệt Cái Vồn Cần Thơ/ Vườn ai mận đỏ cuối bờ/ Nghe lòng cũng mát những giờ nước lên/ Ôi con lạch nhỏ không tên/ Nhà sàn nước gọi bãi nền không nơi.
Một phân biệt nữa giữa tình hoài hương trú quán và tình quê thảo dã. Tình quê thảo dã đáng lý chỉ biểu hiện giới hạn trong thơ thi nhân đô thị ngay tại đất nước Việt Nam, nhưng nó còn kéo dài trong tâm thức thi nhân hải ngoại, bởi vì đô thị ở các xứ tiên tiến còn thập phần náo nhiệt, do đó tình yêu thảo dã muốn trở về thiên nhiên cũng thập phần hướng vọng. Thi ca nhuốm màu triết lý, thiền vị, siêu thoát, ẩn dật ca, xa lánh phiền não, xa lánh hệ lụy nhân sinh... Khuynh hướng này đã sản sinh lắm nhà thơ lớn, bất hủ, không thiếu gì sách vở đề cập đến thi ca của họ. Sưu tầm thơ hải ngoại khuynh hướng hoài hương về miền thảo dã không mấy khó khăn. Rất tiếc ta phải đành bỏ qua các bài thơ cũng hướng về thảo dã, về thiên nhiên, nhưng là thiên nhiên yên tịnh hay hùng vĩ của các xứ hải ngoại, do đó chưa phải là hoài hương thảo dã một nơi thân quen thời ấu thơ. Vừa thảo dã vừa là dấu ấn còn để lại lúc tuổi nhỏ mới đúng là quê hương kỷ niệm, càng đậm đà hơn khi đang ở hải ngoại, khi tuổi đã về chiều. Bây giờ không hiếm gì người hồi hương với tính cách khách du lịch, lại được trang bị các thứ máy chụp ảnh, máy quay phim tối tân, khi trở lại nơi hải ngoại thì cho phổ biến nhanh chóng, cảnh thôn làng người cùng quê cùng xóm với nhà thơ có dịp phơi bày bằng hình ảnh cực kỳ rõ nét nhờ kỹ thuật tinh xảo, nhưng có lẽ vẫn không linh động huyền diệu bằng thơ hoài hương miền thảo dã. Tình thảo dã, bởi vậy mang vẻ chung chung thuộc mọi miền đất nước, không rõ một địa điểm nơi nào, như Ðịnh Nguyên trong bài Quê hương: Mai mốt em về trăng thức mãi/ Trải vàng sông cũ nước vừa lên/ Ðất trời lồng lộng thơm da thịt/ Trăng lại cùng em tắm nửa đêm. Trần Lam Giang trong bài Gửi bạn: Viết thư không gửi về nhà/ Ðốt thêm điếu thuốc nhìn hoa cải vàng ... Mai về tắm ánh trăng quen/ Bơi dòng sông cũ/ chèo thuyền tịch dương. Vương Ðức Lệ trong bài Bóng chim tăm cá: Cá biệt tăm rồi, chim khuất bóng/ May còn tiếng guốc gõ đêm sâu. Huy Trâm trong bài Hoa ngàn: Nơi đây lam chướng một miền/ Mắm thô, gạo lốc mà nên nghĩa tình. Hồ Thành Ðức trong bài Ngồi vẽ thuyền, nhớ ca dao: Ngồi đây mà vẽ con thuyền ... Ngồi đây mà vẽ con sông ... Ngồi đây mà vẽ cây đèn ... Canh gà bỗng gáy giữa trưa/ Vườn sau trái rụng, tranh chưa đủ màu. Khánh Hà trong bài Nghe tiếng gà trưa: Ba mươi năm chưa trở lại nhà/ Tiếng gà eo óc tự làng xa/ Nhớ cây khế ngọt bên bờ giếng/ Mùa này chắc khế đã ra hoa. Nguyễn Thị Thanh Bình trong bài Như loài cá salmon: Như loài cá mỗi năm về cội cũ/ Ta cũng mỗi năm quê cũ kêu thầm... Mi sẽ khép lúc xuân về tươi đẹp/ Anh hãy về cho én lượn trên quê. Lê Giang Trần trong bài Người mũ đỏ Võ Thị Vui: mẹ ngồi hiu hắt ngọn đèn khuya/ nhớ ca dao mưa mái nhà chảy xuống. Hồ Công Tâm trong bài Quê hương muà thương nhớ: Chim có đôi làm ổ ở ngọn cau/ Bông bưởi trắng có thơm lừng ngõ trước/ Cúc có vàng cho bướm lượn hiên sau ... Nơi em ở mùa nào cây trái ngọt/ Hay bốn mùa đều trổ trái thương đau. Thái Anh Duy trong bài Về đất mẹ: ngàn cau, ngàn lau đời đời đứng đợi/ biết người về tóc trắng phau phau. Thái Lâm trong bài Tết nhớ quê: Ðường làng tấp nập xa gần/ Ði lễ Tết chúc thân nhân họ hàng/ Thánh đường lễ sớm chuông vang/ Trống đình vào đám rộn ràng bay xa.
Xin được lặp lại một lần nữa: Những dạng tình hoài hương sưu tầm trích dẫn ở các đoạn trên đây chưa mang vẻ đặc thù của tình hoài hương quê quán. Quê quán bao hàm phải có địa danh nơi sinh trưởng. Và địa danh này rồi sẽ được quy về một vùng trọng điểm, như vậy mới đúng chủ đích của trọn bài này là cố gắng nêu ra tâm thức thời đại làm nẩy sinh tình tự về một miền nào đó. Và những vùng trọng điểm của tình hoài hương, xin được lần lượt trình bày. Tuy nhiên có những vùng trọng điểm hình thành do dư luận làm khoáy động một thời, nghĩa là không do tâm thức cùng chung của một nhóm người. Do dư luận một thời, cho nên có ít thi ca biểu hiện tâm thức. Dư luận một thời, đôi khi chỉ do ảnh hưởng sự hiện diện của một hai nhà văn làm nên những cái bóng được nói đến nhiều. Họ cùng một quê quán, cùng có sự nghiệp văn chương vững vàng, và cùng lọt vào bối cảnh gây xôn xao văn học hải ngoại. Và có vùng trọng điểm do hệ quả lịch sử làm vùng này được nhắc nhở hoài, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực, tức là không có nhiều người làm văn thơ, trong khi vào thời trước đã là nơi phát sinh lắm nhân tài văn học. Thiếu nhân lực văn chương do hoàn cảnh lịch sử, cho nên cũng không có nhiều thơ văn biểu hiện tình hoài hương quê quán. Ðến đây thì cần phải nói rõ thêm những cảm nghĩ về vùng trọng điểm Bình Ðịnh và trọng điểm Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình. Riêng lý do thiếu nhân lực làm văn chương bởi vị trí địa lý Thanh Nghệ Tĩnh Bình ở rất xa các trung tâm tập trung người di cư tại Hà Nội-Hải Phòng, sau khi Hiệp Ðịnh Genève ký kết năm 1954. Do vậy không có nhiều dân các vùng đó di cư vào Nam. Rồi 21 năm sau, tức vào năm 1975, dĩ nhiên cũng rất ít người vùng đó di tản hay vượt biên hay xuất ngoại theo chương trình ra đi có trật tự. Hậu quả là ít có thơ văn hoài hương từ hải ngoại về quê quán Thanh-Nghệ-Tĩnh-Bình. Xin trích dẫn vài câu hiếm hoi về thơ hoài hương quê quán vùng này, như Xuân Bích trong bài Nhớ: nhớ núi quầng biệt Quỳnh Côi/ nhớ hương bồ kết nhớ người mẹ quê/ nhớ con chim hót bụi tre/ nhớ nồi bánh Tết bên hè tranh thưa. Song Nhị trong bài Ba mươi năm về lại quê nhà: Tôi về Hà Tĩnh chiều nao...Tôi về tìm lại quê tôi/ Rưng rưng nước mắt khóc người nghìn thu/ Quê người tôi nhớ Nguyễn Du/ Quê tôi tôi đứng giữa mù mịt xa. Huy Trâm trong bài Ði chợ đồng hương: Tiếng ai mềm mại thân thương quá/ Em nói, nghe như người sông Lam. Phải nói rõ là ít có nhân lực văn chương vùng bốn tỉnh kể trên trong Văn Học Miền Nam và Văn Học Hải Ngoại mà thôi, nhưng trái lại thì nhân lực văn chương vùng đó chắc là nhiều trong Văn Học Miền Bắc sau 1954 và Văn Học Việt Nam sau 1975, tất cả cũng do từ bối cảnh lịch sử. Còn Bình Ðịnh sở dĩ trở thành vùng trọng điểm văn học hải ngoại là do dư luận giới văn chương phản bác hay ủng hộ chung quanh bộ sách Văn Học Miền Nam hơn ngàn trang của nhà văn Võ Phiến, và dư luận chung quanh bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Sông Côn Mùa Lũ ấn hành ở trong nước của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Nội hai bộ sách của hai nhà văn làm nên dư luận xôn xao trong thời văn học hải ngoại, thiết nghĩ cũng đã đủ hình thành vùng trọng điểm Bình Ðịnh-Phú Yên, vì hai nhà văn này chẳng những quê quán nơi ấy, mà lại còn gây dư luận có tính chất quy chiếu về địa phương của hai ông, chê khen do liên hệ địa phương cũng không ít. Tuy nhiên thơ hoài hương quê quán ấy không dồi dào, nên gần như chỉ giữ vai trò rắc óng ánh thêm cho vùng được nổi bật do hai bộ sách văn xuôi. Như Vũ Ðức Tô Châu trong bài Về thăm Cổ Lũy: Hỡi những câu hò đêm Cổ Lũy/ Trà Giang ơi/ Nước chảy về đâu/ Có biết ta sầu trên bến cũ/ Sương gió tàn thu nhuộm mái đầu. Ðặng Phú Phong trong bài Qui Nhơn người về: Từ trăng hoang phế soi/ Từ anh ra đi rồi/ Người lên Ghềnh Ráng đợi/ Người về Qui Nhơn ơi... Thời gian vun vút trôi/ Kìa ai hát ru hời/ Còn đây đôi tháp đợi/ Người về Qui Nhơn ơi. Trần Hoài Thư trong bài Từ buổi ta về: Bình Ðịnh ta về/ Bỗng dưng ba ngọn tháp trời/ bao bọc thằng con lưu lạc. Lâm Xương Yên: Ơn của mẹ ngày nào... buôn bán tảo tần xa, con bên mẹ/ Ðại Lãnh, xóm Chụt, chợ Gành, Vạn Giã/ Mẹ con mình thổi cơm nhờ, lót dạ, chờ chuyến tàu khuya... Có lần đốn củi lạc rừng trễ tàu ra, con ngủ bụi/ Mẹ lo âu ruột thắt từng cơn. Hoàng Duy (Lê Văn Ba): Ðồng bao la ba dòng sông chảy/ Núi chập chùng năm dãy non cao... Ðèo Bến Ðá, thành xây phía Bắc/ Ðỉnh Cù Mông đồn gác phía Nam.
Một vùng trọng điễm nữa được hình thành do hậu quả của lịch sử thì nhiều, còn do người bản quán thì lại ít. Thơ hoài hương của chính người bản quán Sài Gòn rất lác đác, mà cũng không chắc họ là người bản quán, có thể từ Miền Tây hoặc từ Miền Ðông lên định cư từ rất lâu. Họ trở thành dân cố cựu Sài Gòn, có khi do đời sống vất vả tháng ngày ở những khu xóm lầm than nên dĩ nhiên khi ra hải ngoại họ không có dấu ấn kỷ niệm đẹp của Sài Gòn. Và cũng có khi họ vốn từ thơ ấu đã cư ngụ nơi những dinh thự sang trọng Sài Gòn, không có dịp sống để tựu thành kỷ niệm ở những nơi chen chúc bình thường hơn, vì vậy không có dịp so sánh để lãng- mạn-hóa hay trở về bình dân ngược với nếp sống thiếu hòa đồng mà mình đã ở. Một đôi người thì lại lui về ven đô, vì ngay chính trung tâm Sài Gòn thì không có gì để nói. Tại sao không có gì đáng nói? Nào là “em tan trường về, đường mưa nho nhỏ” (Phạm Thiên Thư), nào “Sài Gòn tám phố” (Nguyên Sa), nào “dừng chân trên bến... Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi” (Y Vân), nhiều thứ đáng nói lắm. Nhưng xem lại thì phần nhiều là thơ của người không phải dân cố cựu Sài Gòn, gần như các tác giả hầu hết là người Bắc di cư vào Nam sau 1954. Vì vậy khi ra hải ngoại, không hiếm gì thơ hoài hương về cảm-tình-quán Sài Gòn, nào “Sài Gòn Vĩnh Biệt” (Nam Lộc), nào “Ðêm, nhớ trăng Sài Gòn” (Du Tử Lê), và như Thanh Tâm Tuyền trong bài Trú mưa trên phố Hòa Hưng: Ðột nhiên rào trận thiết tha/ Lạc trên phố bạn, nhớ nhà thân quen... Ðạp xe lặn lội đường về/ Lênh đênh cây cối, bộn bề gió lay. Cổ Ngư trong bài Sài Gòn mùa thu: Sài Gòn mùa thu/ Hai mươi bảy độ/ Giữa lòng đường tràn trào xe cộ/ Có lối nào/ cho bóng thổ mộ/ xưa. Nguyễn Mạnh Trinh trong bài Vòng quanh mấy ngả Sài Gòn: Ðể anh lau em giọt nước mắt/ Của cơn mưa bất chợt Sài Gòn/ Ðể anh ngon ly đậu bánh lọt/ Của ấu thơ hè phố thân quen. Xin chỉ trích vài câu thơ nhớ Sài Gòn để biết rằng đó là thơ hoài hương về một cảm-tình-quán như đã nói ở đoạn trước, chưa phải là thơ hoài hương quê quán Sài Gòn cố cựu. Mà không chắc người cố cựu Sài Gòn là người bản quán. Có điều dân cố cựu hững hờ cái đẹp thơ mộng Sài Gòn. Có người chỉ nhớ cái đẹp hiện thực một chút huyền ảo hóa, pha trộn với hiện thực có sao nói vậy không màu mè, như Phương Triều trong bài Tết, xóm mộ: Nghĩa địa góc quen chiều chợ Tết/ Ông già mở lại gói đời quên... Xóm mộ chiều nay đều đủ mặt... Ông già móc bọc, cô mì gánh/ Bầy biện cùng nhau đón tết về... Xóm mộ bao ngày không ánh lửa/ Chiều nay nhan khói lại tứ bề/ Những lều gió tạt đầy hơi ấm/ Một chút tình xuân trên mỏi mê. Hoặc chỉ quay về ven đô, cũng hiện thực không màu mè vùng quê quán đầy cỏ tranh không xa đô thành, nhưng ta thấy cũng có một chút hiện thực huyền ảo của tạo vật vẫn sinh hóa dưới trời nghiệt ngã, như Hà Nguyên Du trong bài Nơi cây mọc: nơi cây mọc, đá sỏi già, đất cỗi/ gọi tên chi xứ Trảng, ơi quê nghèo... quanh cây mọc, bao nhánh còi, lá úa/ bọ sâu nào ăn mất thuở tươi xanh.
Vùng trọng điểm hoaì hương kế tiếp nhờ là trung tâm du lịch biển: Nha Trang; và trung tâm du lịch khí hậu lạnh: Tây nguyên, Ðà Lạt. Chẳng những là các trung tâm du lịch mà còn là nơi có những trường đào tạo Không quân, Hải quân và trường võ bị quân đội miền Nam. Những người tốt nghiệp xuất thân tại đây, bây giờ thành người lưu vong hải ngoại, hỏi sao họ không hối tiếc thời vàng son nơi này, nơi làm bối cảnh cho họ gặp gỡ các giai nhân, hoặc nếu không được tác hợp thì cũng đã đi vào thơ phổ thành tình khúc “Em Pleiku má đỏ môi hồng... đi lên đi xuống thành phố có em” (Vũ Hữu Ðịnh), hoặc “Rồi mai tôi sẽ xa Ðà Lạt...tình yêu như bóng mây” (Song Ngọc), hoặc “tình nhớ trên thung lũng hồng. Ngàn sau rồi sẽ khóc thầm” (Phạm Mạnh Cương), hoặc “Nha Trang ngày về” (Phạm Duy). Xem lại những bài hát cũ nói về hai trung tâm du lịch này thì đều là những lơì ca ngợi cảm-tình-quán, nhưng đôi khi cũng có chính người quê quán ngợi ca như nhạc sĩ Minh Kỳ “Nha Trang là miền quê hương cát trắng... Nha Trang là miền khách du muốn tới/ Cho phai bao nhiêu bụi đời”. Những bản nhạc tuyệt vời ca ngơị, và cảnh quan thực sự đáng yêu như lời hát, đã gần hai mươi năm được tán thưởng khi ở trong nước, và đã đi theo họ ra hải ngoại để trở thành lời thơ hoài hương về trọng điểm du lịch của đất nước. Trong đó ta thấy thơ hoài hương quê quán cũng có, thơ hoài hương cảm-tình-quán cũng có, thật khó phân biệt vì không biết rõ tác giả sinh trưởng nơi đâu. Khó biết rõ thân thế tác giả khi chỉ sưu tầm được những câu thơ mà thôi, tuy nhiên người viết vẫn mong trích ra đúng thơ hoài hương quê quán, như Lê N. Khai trong bài Hình như trong chiêm bao: Hình như tôi bị hớp hồn/ Khi con vạc lạc cuối còn kêu vang/ Hình như tôi gọi tên nàng/ từ Ban Mê Thuột bạt ngàn về đây? Trầm Mặc Hoa Huyền trong bài Pleiku còn đó: Pleiku phố núi sương mờ lạnh/ Nhuộm trắng đời nhau lúc biệt ly. Hải Phương trong bài Con đường chở đầy những sớm mai đi vẫn đợi: Những ngón tay phơi mở róc rách như hơi thở của dòng chảy thứ ngữ vựng mù sương lâm viên che phủ mờ mờ ngọn hải đăng Le Beau Rivage trùng dương dạt dào con sóng vỗ khát khao bờ bãi đến. Trần Thiện Hiệp trong bài Những con đường không quên: Con đường quê bằng bặc/ Lòng ta ở đồi mơ/ Trường Sơn mây xa đỉnh/ Cánh chim nào bơ vơ. Quan Dương trong bài Nha Trang: Tháp Bà ai thả trơn triền dốc/ Ðể cho nắng chảy xuống chân đồi... Nhìn tảng Hòn Chồng đè hôn sóng/ Em có rợn hồn đợi chiêm bao?... Thoảng tiếng cu cườm xưa gù gọi/ Tưởng già mà vẫn cứ hai mươi. Phan Nhiên Hạo trong bài Ðà Lạt 1987- 2002: Qua cửa sổ mờ sương tôi thấy người đàn bà/ gánh hai chiếc thúng/ Tôi không biết bà gánh gì, nhưng/ tôi biết sức nặng của cuộc đời không ra khỏi được thung lũng.Nguyễn Dương Quang trong bài Dran, ngày về: tôi là giọt sương Dran sớm/ giọt sương Dran chiều... Ðêm ngồi đợi sương mù buông hư ảo/ chuyện xưa xui thác đổ ngàn hàng. Phan Ni Tấn trong bài Cũng người phố núi: Ngày xưa tôi cũng người phố núi... Làm bạn những con đường xuôi ngược/ Mài thân mưa nắng cọ sương trời... Lên cao mới thấy mình lận đận/ Chém cha ba bồ chữ mênh mông/ Từ trên Ðại học tôi rớt xuống/ Thành lính biên thùy trấn núi sông. Trần Quán Niệm trong bài Miền cát trắng: Nha Trang, biển, cát, nắng đầy/ Gió hoàng hoa gọi, sóng bầy cuộc vui/ Dừa già phơ phất lá còi/ Ngàn năm đứng mỏi ngóng người tình xa. Trần Trúc Lâm trong bài Nhớ về Gia Nghĩa: Dòng suối Dak-Nông nước chảy miên man/ Bầy sơn nữ ngâm mình cười rúc rích... Có những đêm trăng lộng vàng tĩnh mịch/ Buôn bản xa mờ khói sóng mơ bay... Nhớ quá đi thôi, chút gì tha thiết/ Ở cảnh ở người chẳng rõ từ đâu.
Như đã trình bày ở đoạn khởi đầu của bài này, các vùng trọng điểm cho thơ hoài hương không phải thời nào cũng giống nhau, mà do tâm thức riêng biệt hình thành từ bối cảnh lịch sử hay bối cảnh xã hội. Ví dụ thời Văn Học Miền Nam, vùng trọng điểm văn chương Nam Bộ là ở Miền Ðông với nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ông là cái bóng lớn với những truyện ngắn gợi thời lịch sử khai hoang ở miền Ðồng Nai-Biên Hòa, nghĩa la cái bóng đó không do những tiểu thuyết tình phong tục xã hội, mặc dù một trong những cuốn tiểu thuyết ấy đem lại cho ông giải thưởng văn chương toàn quốc thuộc Văn Học Miền Nam trưôc 1975. Và vùng trọng điểm thứ hai cho văn chương Nam Bộ thời Văn Học Miền Nam cũng lại là những truyện ngắn gợi thời khai hoang Miền Tây, nhất là miền Cà Mau-Rạch Giá, với nhà văn Sơn Nam làm cái bóng lớn thứ hai. Nhưng đến thời Văn Học hải ngoại thì trọng điểm của văn chương Nam Bộ là hoài hương về quê quán miệt vườn. Tại sao không còn cảm hứng viết bi-hùng-sử như “Rừng Mắm” hay “Bà mọi hú” (hai truyện ngắn cuả Bình Nguyên Lộc), tại sao không còn cảm hứng viết về những nhân vật mở đường khai hoang về xứ khỉ ho cò gáy như “Cô Út về rừng” hay “Mùa len trâu” hay “Một cuộc biển dâu” (ba truyện ngắn của Sơn Nam), tại sao lại là cảm hứng nhớ miệt vườn trong bối cảnh văn minh tân tiến ở hải ngoại? Thật dễ trả lời sự hình thành tâm thức đó đối với người từ giã ruộng vườn để sống đời văn minh kỹ nghệ đất nước tân tiến. Cho dẫu sau này việc hồi hương về thăm quê nhà không mấy khó khăn, nhưng chỉ là về thăm mà không về ở. Sau hai ba chục năm định cư, họ đã bám rễ vào đất mới với công ăn việc làm, nhà cửa tậu nên, con cái thành những phần tử hữu ích cho xã hội xứ người. Miệt vườn với cảnh sông nước, với thú vui ấu thơ chốn quê mùa, với cây trái vườn xưa, với chim chóc và động vật ruộng đồng, với món ăn đặc sản, với tụ họp bè bạn ăn uống, với hát vọng cổ nói thơ, với tình trai gái, với cưới hỏi, với phong tục... Nhưng những thứ này ở đâu cũng có nơi những miền thôn quê khác trên đất nước, đâu phải riêng ở Nam Bộ. Sở dĩ Nam Bộ được người quê quán nói đến nhiều, có lẽ do sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long làm con người quá triều mến, nhớ đến nhiều nên muốn nhắc lại hết kỷ niệm để san sẻ hoặc hồi tưởng cho riêng mình. Hoài hương quê quán thôn làng ở những miền khác như ở ngoài Bắc hay miền Trung, đã hình thành nền văn chương sau lũy tre xanh từ lâu rồi, chỉ có thi ca miệt vườn là mới nở rộ gần đây thôi. Những câu thơ hay về tình hoài hương quê quán miệt vườn; biểu hiện tình thân dành cho địa hình, thổ ngơi, chim muông động vật, đặc sản, tình trai gái miệt vườn, dấu ấn kỷ niệm. Ðịa hình sông nước tràn trề ghi dấu trong thơ của Hồ Trường An trong bài Gò Công, đất bưng ruộng biền: Cũng trũng, cũng gò, cũng rẫy đồng/ Một bề biển lớn, ba bề sông/ Bèo theo nước cuốn qua Vàm Láng/ Nắng mở đường lên hợp chợ Giồng... Sóng lặng ghe xuồng về trẩy hội/ Bão lên cò vạc tách xa bầy/ Sao như soi rạp chưa tuôn biển/ Ðã nối vòng tay Vàm Cỏ Ðông. Lâm Hảo Dũng trong bài Như kiếp thương hồ: Dăm chiếc ghe buôn về khắp xóm/ Cũng buồn, tôi dạo gốc ô môi/ Ðời ai như nước lêu bêu ấy/ Trên những dòng sông rợp tiếng cười. Giang hữu Tuyên trong bài Mưa ở Arlington, nhớ mưa quê nhà: Hồn bình nguyên rộng trên tay/ Căng đầy nỗi nhớ sông dài phù sa/ Ơi miền Nam, ơi quê nhà/ Dưới ao sen nở mẹ già vo cơm. Nguyễn Vĩnh Long trong bài Bến Lức: Nhịp qua thương nhớ nhịp về/ Một dòng xanh nhỏ lời thề nước non/ Chân ai dấu nhỏ đường mòn/ Câu hò Vàm Cỏ vẫn còn trên sông. Kiều Mộng Hà trong bài Bâu Búi: Ta về thăm lại dòng sông xưa/ Dòng sông buồn có những nhánh dừa... Nơi đây heo hút, gió vun vút/ Nước mặn đồng chua cỏ cháy khô... Chiều lắng bến sông vàm Bâu Búi/ Tiễn đưa ta ra cửa Gành Hào... Ta trở về sau mười chín năm/ Chân trần trên cát đậm tình thâm/ Cám ơn đất cũ còn lưu giữ/ Kỷ niệm sâu trong nắm mộ nằm. Trần Phù Thế trong bài Ngã tư lồng đèn: Anh từ Ðại Ngãi đến/ Em từ Long Phú qua... Khẳm lừ ghe dưa hấu/ No đầy xuồng khoai lang... Vô tình anh quen em/ Ngã tư cột lồng đèn... Trăng sao làm nguyệt lão. Thổ ngơi cây trái và món ăn đặc sản, chim muông và động vật, được ghi dấu trong thơ Hoàng Thượng Dung trong bài Nhớ xuân quê mẹ: Mặn muối Bạc Liêu thương đót mắm/ Tháp Mười điên điển nở vàng chưa?... Lưu luyến Vũng Tàu hương mắm ruốc/ Hồng bay Bà Ðiểm lá trầu cay... Ôm hết tình quê hương thắm thiết/ Giật mình pháo nổ buồn lê thê. Phương Triều trong bài Trái mộng: Em đỏ mắt sơn xanh đời mốc lạnh/ Áo chàng-hiu nào mặc ếch chiều mưa... Con tép bạc múa râu đòi nước ngọt/ Vợ chồng tôm hí hửng cuộc vui đùa... Ta lỡ vận rong chơi ngày thất nghiệp/ Em vô tư không cả một câu chào... Con bửa củi gục đầu trên vỏ quẹt/ Tay ai trì kéo nặng một đời nhau. Tài Nguyễn trong bài Quê nội Gò Công: Se sẻ chuyền cành, trao trảo gọi/ Võng bên hè say giấc ngủ trưa... Bắt con chuồn chuồn cắn rún sâu/ Chuồn ơi, mày giúp tao lội mau... Ốc bưu luộc chín thơm hương bưởi/ Câu cắm ruộng khuya chụp ễnh ương. Ngô Nguyên Dũng trong bài Puzzles cảnh quê nhà: lu nước lắng phèn ôm ấp bóng/ trăng mười lăm xối mát chân không/ lửa đom đóm thắp đèn hôn phối/ bần ngơ ngác rụng kín lưng sông... bụi khô khốc thổi vàng sân úa/ mối mọt âm thầm khóc nỗi riêng. Thy Lan Thảo trong bài Gò Công ơi, ta nhớ: Ðậu rồng, me đất, bông so đũa/ Tôm đất nguyên đầu thơm canh chua... Ly mắt trâu nhớ trà Bố Lỹ/ Gò Công ơi nhớ mấy cho vừa... Thịt cua quyên gạch, chua rau dấp/ Rượu đề Gò Me say được chưa? Thái Thụy Vy trong bài Phù sa sông Hậu: Nhà tôi ở Chắc Cà Ðao/ ở ngay sông Hậu, ngả Gò Ông Khâu... Ngủ nhà cao cẳng mát ghê/ Chuột nướng rau ngỗ mải mê một đời. Và cường điệu tình trai gái miệt vườn, nhưng cũng cuồng nhiệt, sâu sắc, và ỡm ờ, như thơ của Kiệt Tấn trong bài Tiền Giang Hậu Giang: Nắng Tiền Giang, mưa Hậu Giang/ Xe lam vừa tới miệt Ba Càng/ Ruộng khô thổi nóng lùa hơ tóc/ Tóc em thơm phức mùi dưa gang... Nắng Tiền Giang, mưa Hậu Giang/ Sông Mỹ đò đưa bến Vĩnh Tràng/ Bên chùa tôi đã ôm em siết/ Xa rồi còn luyến tiếc đò ngang. Nguyễn Tấn Hưng trong bài Tình thu trên xứ Mỹ: Cồn Rồng một chuyến đò ngang/ Nước Cửu Long khoác cho nàng rửa chân... Cầu Quây nối bước chân son/ Con đường Trưng Trắc đi mòn tuổi thơ. Ðạm Thạch trong bài Chắc gì em: Kỷ niệm bồi hồi/ Dồn tôi thành sóng/ Xô tôi đâm đầu/ Vào em tảng băng... Tôi về thủ thỉ/ Ru ngọn dừa xanh/ Con đuông ẩn mình/ Ðục tôi héo úa. Hồ Thanh trong bài Nỗi nhớ: Tháng 8 qua phà sang Rạch Miễu/ Một vùng mây nước nhớ bâng khuâng... Cầu khởi công rồi trơ cột sắt/ Triều dâng con nước chảy bình yên/ Mai kia ví nếu đường thông tuyến/ Tủi phận em phà bị lãng quên... Ở đâu còn thấy bóng xà lan/ Kéo một giòng ghe khẳm cát vàng/ Cơn suyễn trầm kha qua tiếng máy/ Thở cùng cụm khói, ánh sương tan. Nguyễn Thanh Châu trong bài Lời tỏ tình với cô gái Cần Thơ: Con cá lội dưới ao/ Con chim chuyền bụi ớt/ Có lẽ đâu kiếp trước, em thấy anh phải lòng/ Muốn nên vợ nên chồng... Câu ca dao dạm ngỏ/ Em đừng làm mặt khó/ Kẻo mốt nọ mai kia. Hồ Tĩnh Tâm trong bài Một chiều mưa: Em bán dưa gang, tôi mua niềm hẹn ước/ Chuyến xe đò vụt chở giấc mơ xa. Viết để mang chất miệt vườn với phong vị của những câu hát vọng cổ, nhưng từ ngữ vẫn tân kỳ sáng tạo như thường có ở thơ Tô Thùy Yên, trong bài Nhớ có một lần trên bắc khuya: Ông lão khô quắt như thanh đước/ Ðàn hát mưu sinh bến bắc đêm... Trăng thiếp, sao mê, sông ráo gió/ Buồn như sóng nối, tản không tan... Em về giồng dưới qua truông gió/ Bông sậy còn day ngất nỗi buồn... Tình ý theo người đi một đổi/ Một đỗi, dài hơn bốn chục năm.
Thời Văn Học Miền Nam, xin nhắc lai, vùng trọng điểm hoài hương, liền sau năm 1954 đối với các nhà thơ từ ngoài Bắc di cư vào là Hà Nội và châu thổ sông Hồng, bao gồm đặc biệt các xứ đạo Bùi Chu-Phát Diệm. Có thể nhắc nhở vài hình ảnh dễ nhớ như “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” (Hoàng Anh Tuấn), “Tôi xa Hà Nội, năm lên mười tám, khi vừa biết yêu... Tôi xa Hà Nội, năm em mười sáu, xuân tròn đắm say” (Anh Bằng), “Con đi xây tình viễn xứ, đâu có quên tình cố hương” (Thái Thủy). Tuy nhiên thi ca hoài hương đất Bắc sau năm 1954 không để lại dấu ấn lớn cho văn chương, không lớn như trong văn xuôi với Mai Thảo (Tập truyện ngắn Ðêm giã từ Hà Nội, Căn nhà vùng nước mặn), với Doãn Quốc Sỹ (Tập truyện dài Dòng sông định mệnh, Ba sinh hương lửa), với Thanh Tâm Tuyên (Tập truyện dài Bếp lửa), với Nhất Linh (Tiểu thuyết Dòng sông Thanh Thủy). Mai Thảo viết lòng hoài hương như “con cá thu về đầm mình trong vùng biển cũ”, khác nào loài cá salmon trưởng thành ngoài đại dương, mà cuối đời theo tiếng gọi của bản năng, tìm về đúng dòng suối trong rừng già ở đất liền, nơi chúng nó được sinh ra. Và dù đang ở Sài Gòn nóng bức mà khi đọc truyện Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, ta không khỏi thấy giá lạnh, giá lạnh đó do tác giả thấm từ đất Bắc đưa vào, tuy tác giả không chủ yếu viết về tình hoài hương. Ðọc truyện Dòng Sông Ðịnh Mệnh của Doãn Quốc Sỹ mới thấy tác giả yêu vô cùng con sông chảy qua làng ông, với những tiêu đề như thơ. Vui buồn của sông tượng trưng cho truyện của một đời người: “Khúc quành của dòng sông- Con sông dài đi tìm ánh trăng mười sáu- Hai ngả sông đi về đâu?- Xa cách- Hai nhánh sông gặp gỡ- Thuyền ơi thuyền, thuyền trôi nơi đâu- Khúc quành cũ, con sông xưa- Hai nhánh sông phân ly- Ðêm trăng thuyền về bến cũ- Sông đã ra tới biển có còn khúc quành nào đâu”. Hai mươi mốt năm sau, tức năm 1975, và hai ba mươi năm nữa ở hải ngoại, vùng trọng điểm hoài hương quê quán Hà Nội và châu thổ sông Hồng được thay thế bằng hoài hương cảm-tình-quán Sài Gòn (cũng là một điều đã nói ở đoạn trước). Những người lớn tuổi thực sự nhớ Hà Nội bằng kỷ niệm đã sống với, chỉ còn lác đác, hiếm có thi nhân “để lại con tim” vì một mối tình dang dở như nhạc sĩ Anh Bằng ra đi lúc mười tám xuân xanh. Có thể còn nhiều người, vào năm 1954 khi xa Hà Nội, lớn tuổi hơn; nhưng họ không là những thi nhân, không sáng tác thơ hoài hương Hà Nội khi ở hải ngoại. Những người trẻ, trong số đó thật là nhiều thi nhân, khi vào Nam năm 1954 thì trọn thời gian thanh xuân sống với kỷ niệm học hành, sự nghiệp, tình duyên, chiến tranh ở đó. Ðầy kỷ niệm trong thời đại chiến tranh khốc liệt tại miền Nam, họ đâu có gì kỷ niệm lúc một hay năm sáu tuổi thì đã vào Nam, vậy đâu có gì để hoài hương về quê quán. Cũng giống như bây giờ thế hệ thứ hai thứ ba tại Hoa Kỳ hay Pháp quốc, hay Úc Ðại Lợi-Canada đựơc nhắn nhủ “có bao giờ em hỏi, quê hương mình nơi đâu?”. Kỷ niệm sống-với mới làm nên thi ca tình tự, còn ngoài ra là thơ tìm lại nguồn cội do khảo cổ, lịch sử, kiến thức. Thơ hoài hương do cảm hứng từ phát kiến mới về lịch sử, từ khảo cổ khai quật gần đây, từ du lịch theo tour hướng dẫn, chỉ là thơ hoài hương hứng cảm do được mở rộng tầm mắt, không phải thơ hoài hương xúc cảm do kỷ niệm xa xôi. Sưu tầm được cả hai dạng hoài hương (xúc cảm và hứng cảm) về quê quán vùng trọng điểm Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, xin trình bày trước nhũng câu thơ hoài hương xúc cảm, như Hà Thượng Nhân trong bài Nhớ Hà Nội: Em hãy đến thăm dùm chùa Trấn Quốc/ Thăm Cầu Giấy thăm những người quen thuộc/ Thăm quê hương dùm kẻ thiếu quê hương. Viên Linh trong bài Nhớ Hà Nội: Em hãy đến thăm dùm bãi Nghi Tàm/ Nơi thuở nhỏ anh từng chạy nhảy... Nghe tiếng véo von, nhớ về Hà Nội/Nơi Trâu Vàng, Ngựa Ðá, Cõi Rồng Xanh. Vĩnh Lộc trong bài Không đề: Ði trên đê Hồng Hà/ Nghe sóng mùa nước nổi...Ðường Tràng Thi êm mát/ Chuyến xe điện ngàn năm. Chu Vương Miện trong bài Cẩm Phả Min: xa quá lắm cửa ông Bạch Long Vỹ/ Cẩm Phả Min nhòa nhạt tuổi thơ/ 50 năm hồi còn để chỏm/ ngoái lại nhìn mái tóc lơ thơ. Và bài Cao Mỵ Nhân: Mấy chục năm xưa trên cõi Bắc/ Mừng xuân giữa núi phản tay phàn/ ruộng bậc thang nói vào phi mã biệt/ đầu Quảng Tây, thập vạn đại sơn... Năm mươi bốn năm xa rồi đất Bắc... Ðời chị đời em, ngó lại sững sờ. Hoàng Dương trong bài Lên phố lu: Tàu ngược, bè xuôi, núi lượn vòng/ Lũng dài mây đuổi nắng khoanh vùng/ Xóm mới nhà ai vàng mái cọ/ Cuối ghềnh mưa ngả trắng sông Hồng. Trần Nguyên Anh trong bài Tháng sáu: Bạch Hạc Phong Châu nguồn đất tổ/ Vĩnh Tường Phủ Vĩnh gốc quê tôi/ Ba Vì hữu ngạn cao sừng sững/ Hình ảnh mang theo suốt cuộc đời. Ng. Cát Minh Nguyệt trong bài Xuân tha hương: Mưa bụi giăng trắng xóa/ Mờ phủ bóng quê nhà/ Hoa đào trên xứ lạ/ Không thắm đỏ hồn ta. Lưu Văn Vịnh trong bài Thơ ấu: Hồ Gươm mẻ một miếng/ bóng Rùa thần bọt tan... lá me rơi lả tả/ kẹo kéo vỉa hè quen.. tuổi thơ là đám hội/ mây mây mây bay qua. Hoàng Song Liêm trong bài Về làng cuõ: Trái sấu xanh thuở đầu đời đi học/ Vị trên môi còn chát chát chua chua/ Một chân trời tím ngát dưới chân đê/ Chợt nhớ tháng ba màu hoa gạo... Thương cái cò lặn lội mãi bờ ao/ Thương cái cò, chìm giấc ngủ tôi sâu. Trần Quốc Bình trong bài Làng tôi: Làng tôi cả thảy gồm ba xóm/ chạy dọc theo dòng sông uốn quanh... Ngôi đình cổ kính mang tên Ðậu/ Có sân rộng rãi nhãn bao quanh...Tôi bỏ làng đi lúc tuổi xanh/ Ðể lên theo học ở kinh thành/ Thế rồi đi mãi không quay lại/ Phiêu bạt theo thời buổi chiến tranh. Có thể nhắc, thơ hoài hương qưê quán thủ đô Hà Nội hay đồng bằng sông Hồng của các nhà thơ trên là thơ do xúc cảm những kỷ niệm còn lại khi vào Nam năm 1954. Thi nhân ít nhất cũng 13 hay 14 tuổi trở lên thì mới có kỷ niêm để mà viết lại sau gần nửa thế kỷ rời xa. Tuy nhiên cũng có người lớn tuổi, đã thừa kỷ niệm, nhưng họ không hoài hương bằng xúc cảm mà bằng hứng cảm do đọc lại tài liệu lịch sử chính truyền hay huyền sử cổ tích, do tin tức khảo cổ gần đây về cuộc khai quật thành Thăng Long hoặc di tích thời đại Hùng Vương tại châu thổ Hồng Hà. Những người trẻ hơn hoặc sinh trưởng tại Miền Nam sau năm 1954 thì làm thơ hoài hương do hứng cảm nhờ những chuyến đi du lịch càng ngày càng thường xuyên giữa hải ngoại và nội địa. Thế hệ già và trẻ, do kiến thức và du lịch, cùng nguồn hoài hương hứng cảm, như Trần Hồng Châu trong bài Chợ huyện một tháng sáu phiên: Nhịp nhàng quẩy gánh chân đi/ Ðôi vai bé nhỏ thần kỳ làm sao... Gió mưa lòng vẫn tấm son/ Ðồi Lim phố huyện vây tròn tình em... Em là con gái ca dao/ Ngàn thu hồn Việt dạt dào lời thơ. Ðỗ Quý Toàn trong bài Chuyện cũ, ở đất mới xa xăm: Ở đất nước xa xăm/ nơi mỗi một dòng sông/ là một lời thân mến... Có một chàng Trương Chi/ vọng trường giang tiếng hát... Có chị Tấm cô đơn/ ra bờ ao đứng khóc... Có cây cau trổ bông/ cây trầu leo quấn quít... Ở đất nước xa xăm/ lúa rì rào kể chuyện/ với đồng ngô bãi dâu/ chú Cuội bỏ quên trâu/ chỉ vì trăng đẹp quá. Nguyên Sa trong bài Tiễn bạn: Tiễn nhau nhớ tháng giêng mưa/ Sông Hồng nước đọng bóng chưa nhập hình/ Tiễn anh linh hiển u minh/ Cắn vào da thịt thấy mình bỏ đi. Phạm Quốc Bảo trong bài Tuổi trẻ Việt chấp cánh cho thế kỷ 21: Cuối thiên niên kỷ thứ năm/ thay vì/ gom các giống dân/ tại đồng bằng sông Hồng/ gầy nên dân Việt/ chúng ta lại đi ngược chiều/ bung ra khắp thế giới. Ý Nhi trong bài Lời từ biệt Hà Nội: Tôi đem theo bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái/ một Hà Nội ngói nâu/ lặng lẽ trời mây... không khó nghèo/ chỉ lặng im màu ngói dưới trời mây... không tan vỡ/ chỉ lặng im màu ngói dưới trời mây. Khoa Hữu trong bài Về Hà Nội nhớ Sài Gòn: Hà Nội ta, Hà Nội ơi/ đá trong lăng miếu, nhạn ngoài ải quan. Vaø Lưu Văn Vịnh với “Việt Sử Siêu Linh” (văn xuôi nghiêng về thơ) tản mạn phong thủy của châu thổ Hồng Hà, đây là vài đoạn: Tới ngã ba sông Thao nước đỏ, sông Lô nước xanh quấn quanh ba ngọn núi đột ngột nhô cao như đầu rồng... xếp hàng chầu về linh địa có chín mươi chín ngọn núi như chín mươi chín thớt voi... lại thêm vài chục quả đồi thấp hơn như đàn rùa từ Việt Trì bò lên... vua Hùng vừa ý chọn làm quốc đô... ba ngọn Tam đảo là chi giữa, làm tổ sơn cho toàn châu thổ Hồng Hà, là mạch xuất phát đổ khí lực vào Thăng Long... Các mạch sông Hồng, sông Mã, đều chảy theo hướng Ðông Nam thuộc cung Thìn là Long cung.
Thơ hoài hương về quê quán dồi dào nhất dành cho vùng trọng điểm có cảnh đẹp thanh tú, nhiều di tích lịch sử và lúc nào cũng nhiều người làm văn làm thơ: Trọng điểm cố đô Huế và Quảng Nam Ðà Nẳng. Những vùng khác nếu trở nên trọng điểm hoài hương là do biến thiên theo tâm cảnh từng thời kỳ, như thời gợi nhớ lịch sử khai hoang Nam Bộ (thời Văn Học Miền Nam) mờ nhạt để nhường cho thời gợi nhớ miệt vườn Nam Bộ (thời Văn Học Hải Ngoại), còn trọng điểm hoài hương Huế cùng Quảng Nam-Ðà Nẳng thời nào cũng như nhau, thời Văn Học Miền Nam hay thời Văn Học Hải Ngoại cũng vẫn là một tâm cảnh bất biến dành cho cố đô và Quảng Ðà. Nội mỗi một nơi cũng đủ làm thành trọng điểm nếu xét về số lượng cũng như phẩm lượng văn vật, tại sao gộp chung lại làm một. Lý do vì cố đô Huế và Quảng Nam Ðà Nẳng sát kề nhau, thơ liên hệ giữa hai miền gần như gắn bó, nhất là thơ tình, đúng như ca dao vẫn thường được nêu ra: “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Kinh tế và lịch sử cũng nhiều liên hệ từ trước và còn mãi về tương lai khi đường hầm hiện đại Hải Vân làm sự qua lại giữa hai miền không còn là đường đèo nguy hiểm, khi cố đô Huế đã trở thành khu bảo tồn di tích được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, khi hải cảng Ðà Nẳng được canh tân để mở đường thông thương vận chuyển lớn qua Lào và Thái Lan, khi Chu Lai sẽ được xây dựng thành khu du lịch nhiều khách sạn năm sao và sòng bài quốc tế. Họa sĩ Trịnh Cung, người quê quán Nha Trang, có lần đi thăm Huế, cho rằng với cảnh vật và cuộc sống nơi đây thì ta không ngạc nhiên tại sao từ trước đến nay Huế vẫn nhiều thi sĩ. Sưu tầm thơ trong sách báo, ta thấy Quảng Nam-Ðà Nẳng cũng tương đương. Nhưng, chẳng hạn tình dành cho người con gái Huế làm có người quá nhớ Huế khi đang sống nơi hải ngoại, thơ đó chưa phải hoài hương quê quán như chủ đích bàn luận cùng sưu tầm của bài viết này, mà chỉ là thơ hoài hương cảm-tình-quán. Nếu thi nhân có quê quán xa như ở ngoài Bắc hay trong Nam làm thơ nhớ Huế thì ta dễ nhận ra đó là thơ hoài hương cảm tình quán. Còn như người xứ Quảng làm thơ yêu Huế thì ta lại phân vân có nên phân biệt giữa cảm tình quán và quê quán, vì như đã nói hai nơi gần như một. (chỉ giọng nói khá phân biệt mà thôi). Sự gộp chung do cùng tính chất cùng tâm cảnh, do người viết bài này có cảm tưởng mơ hồ như vậy, không phải do hiểu biết rõ về địa lý nhân văn. Nhưng cũng xin trình bày vài hiểu biết nhân văn. Phân chia Bắc-Trung-Nam là phân chia chính trị do tính chất bảo hộ hay thuộc địa hay còn để trực thuộc triều đình nhà Nguyễn, bởi sự đặt định của thực dân Pháp. Phân chia Bắc-Nam sau hiệp định Geneve là phân chia để mỗi bên về một chủ nghĩa. Còn phân chia do địa lý nhân văn, do quần cư sinh sống, là tự nhiên. Cho nên thơ hoài hương về hai miền gần nhau là hoài hương về một miền địa lý nhân văn. Toàn cõi Việt Nam cũng chỉ là một miền địa lý nhân văn xét về chủng tộc, ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế. Nhưng tình quê quán có khi phải cảm đến đơn vị làng xã, thì hoài hương quê quán chung cho một vùng tâm cảnh không phải là phân chia vụn vặt. Cũng đều là thi ca hoài hương nhớ con người và cảnh trí hữu tình, nhớ di tích thành quách hay di tích đền đài. Ðể thấy sự khó tách rời thơ hoài hương Huế-Quảng Nam Ðà Nẳng, xin trích dẫn trước tiên thơ hoài hương cảm tình quán của những người có quê quán hơi xa Huế và Quảng Nam-Ðà Nẳng. Như Hà Huyền Chi trong bài Vienna: Anh tới thành phố nước/ Lòng gợn sóng Vienna/ Kè ôm nhau tình tự/ Sao chúng mình chia xa... Thèm nghe tiếng rao hàng/ Chiều Ðông Ba Gia Hội/ Ðời tình đã sang trang... Nghìn ga vui đã tới/ Chẳng giúp ta quên nàng. Hoặc Nguyên Sa trong bài Tôn Nữ Thanh Hằng: Gặp em Tôn Nữ Thanh Hằng/ Anh vô triều đại Công Tằng Nữ Tôn... Tuốt trong đại nội trăng soi/ Chánh cung lại có nụ cười thứ phi. Và dưới đây thật là phong phú thơ hoài hương Huế-Quảng Nam Ðà Nẳng, như Kiêm Ðạt trong bài Về chân trời tím: Áo em lụa trắng sông Hương/ Qua đò Thừa Phủ nhớ thương rạt rào. Nguyễn Ðức Bạt Ngàn trong bài Bên bờ Ô Lâu: Tôi về gặp lại hư không/ Bàn tay nội ngoại bay vòng nát tan... Khi về đậu giữa tăm hơi/ Gà trưa gáy muộn ngang trời quạnh hiu. Huỳnh Liễu Ngạn trong bài Vân Lâu: Xõa vội tóc những hàng cây đứng gió/ mùa lên cao em hoàng tộc se màu... đôi mắt ngó từ Vân Lâu dội xuống/ mà Hoàng thành tơ lụa trải niềm đau. Nguyễn Phươngtrong bài Tôn Nữ Mùa Xuân: Những tưởng mười năm em có hiểu/ chút gì si hận của riêng ai/ Mười năm gặp gỡ và câm nín/ Em vẫn vô tình, mây trắng bay... Tôn Nữ Mùa Xuân, năm tháng đợi/ Vẫn còn bao tháng đợi năm chờ. Ngữ An trong Bài ở Huế: Huế chỉ có hai mùa mưanắng/ Nắng thì buồn mưa lại trầm ngâm/ May còn có em bên đồi nọ/ Ðể tôi về thả mộng qua sông. Kiêm Thêm trong bài Những đêm trăng thần thoại: tôi lớn lên cùng con sông/ chảy xuôi về mạn ngược... Dòng sông Bồ êm ả xuôi trôi. Phạm Cao Hoàng trong bài Trước khi rời bỏ Việt Nam: bữa đó con về thăm Phú Thọ... nồi cá rô thơm mùa lúa mới/ và tiếng cười vui của mẹ hiền... ngày mai con lại ra đi nữa/ cứ đi hoài mà chẳng đến nơi. Luân Hoán trong bài Tiên Phước 1946: Tiên Phước đội trời nghênh ngang đứng/ tôi chào ra mắt thuở lên năm/ lòng như vạt đất mời cây mọc/ xin gọi lại một lần, thay viếng thăm. Hà Quốc Huy trong bài Tết nhớ thằng bạn: Ði xa Huế dẫu đời lận đận/ Nhưng còn thành Nội ở trong tim/ Nhưng còn hình ảnh núi Ngự sông Hương. Thái Tú Hạp trong bài Ta thấy ta về quê hương: Ở đó ta đã lớn lên/ Giữa thành phố Hội An... Có thuyền vui Cửa Ðại/ Ðêm trăng vàng trải lưới vá đau thương... Áo lụa Duy Xuyên/ Thương về Tuy Phước/ Chiều Hải Vân mây khoác kín sao trời. Võ Ðình Tuyết trong bài Thơ về Ðà Nẳng: Ðà Nẳng cùng ai thương nhớ thương/ Năm xưa, rượu tiễn bước lên đường/ Hôm nay ngồi đếm từng trang sử/Ðể thấy trang nào cũng xót thương. Phùng Minh Tiến trong bài Về thăm sông Thu Bồn: Sông Thu nay lở mai bồi/ Bèo tan Cửa Ðại, mây trôi phương nào/ ... Trời ơi! Thoảng một nụ cười/ Theo nhau chi để lụy người núi sông. Mạc Phương Ðình trong bài Ngũ Hành Sơn và kỷ niệm: Lời hẹn ước quyện vào năm cụm núi/ ngẩng đầu lên như thấy bóng thiên đường... Năm cụm núi vẫn ngàn năm chẳng đổi/ Cuộc tình mình vẫn mãi với trăm năm. Hoàng Lộc trong bài Phố người, gặp đồng hương: Những cao lầu, hoành thánh/ Ðã ăn ở Hội An/ Tới đâu rồi cũng tránh... Ðã yêu ở Hội An/ Tình đã ra cửa Ðợi/ Tới đâu dù được yêu/ Cũng nghe mình có lỗi. Thành Tôn trong bài Hương đồng phấn nội: Ðợt khói lam chiều tương tư mái rạ/ Anh có thấy gì trong đó hay không?... Trống sớm làng Trung, chuông chùa xóm Thượng/ Tiếng quê hương vang vọng tháng năm dài... Ðợt khói lam chiều tương tư mái rạ/ Em có thấy gì trong đó hay không? Hoàng Ðịnh Nam trong bài Câu Lâu ngày về: Câu Lâu chỗ Thu Bồn tan rồi hợp/ Ðể cùng xuôi về biển mẹ mênh mông...Vô Tình trong bài Ai về xứ Huế: Ôi chao con nhỏ làm thơ ấy/ Lọt mắt anh chàng xứ Quảng Nam... Bỗng dưng tôi sợ mùa hoa đến/ Sẽ vắng người ta chắc quá dài/ Phượng vĩ nở đầy sân Quốc Học/ Ve sầu Ðồng Khánh nhớ thương ai. Lưu Nguyễn trong bài Nhũng ngày ở Cửa Ðại, Hội An: Buổi sáng buổi chiều lang thang Cửa Ðại/chân bước thênh thang, lòng chẳng mong cầu/ những áo những cơm những ngày dầu dãi... mây trắng mây xanh, phiêu du lồng lộng/ thành phố sau lưng, như thể nghìn trùng. Ðặng Hiền trong bài Ðà Nẳng tháng chạp: Gốc phố chết, tế bào khô khốc/ Mái rêu xanh ở chút tình cờ/ Ðời của cát theo về thăm biển/ Một bước thôi chẳng thấy mặt người. Trần Yên Hòa trong bài Người cùng quê: thật tình tôi không biết/ anh là người Quảng Nam, Ðại Lộc/ nếu biết/ tôi đã tìm đến anh/ trước ngày anh ra đi vĩnh viễn... Có phải anh đã bỏ đi vội vã, anh Trầm Tử Thiêng. Trần Trung Ðạo trong bài Xuân nhớ Hội An: Em về phố Hội chiều mưa lớn/ Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng/ Ta như giọt nước mùa mưa đó/ Ðã cuốn trôi về trăm nhánh sông. Hồng Hoàng trong bài Ðể nhớ thời em: Một mai tóc bạc anh về núi/ tìm khối hoa cương trắng Ngũ Hành/ tạc em lên đỉnh cao vòi vọi/ để nhớ thời em xuân rất xanh. Lê Văn Bá trong bài Tiếp lời ru mẹ: Sông Thu ơi, quê nhà trời xa thẳm/ Mây Ngũ Hành có quyện đỉnh Sơn Chà... Ðất Quảng bao dung theo tiếng hò đưa/ như nước trường giang mãi trong tình mẹ. Lê Thị Hàn trong bài Quê mẹ: Nhớ nhung về Bến Cát mờ sương/ Bóng nước mây đưa Ðồi Vọng Cảnh... Tay nhỏ chợt ôm ngày thơ dại/ Nửa vòng Trái Ðất bỗng xa xôi. Dư Mỹ trong bài Quảng Nam ơi, vẫn còn đây nỗi nhớ: Quảng Nam ơi! Bao giờ ta trở lại/ Thăm một lần rồi mãi mãi mai sau/ Mai ta chết dù vùi thây viễn xứ/ Hồn vẫn bay về nơi cắt rốn chôn nhau.
(Trích “Giai phẩm Xuân 2006” của Nhật báo “Người Việt” ở Westminster, California - Bản gửi từ tác giả)
(City of Walnut, California)
...