Thơ Haiku là một thể thơ xuất phát từ Nhật Bản. Từ "haiku" được phiên âm từ Tiếng Hán là hài cú hay bài hài, nghĩa là nguyên một bài thơ chỉ có một câu, mang tính chất hài hước vui nhộn. Theo Miyazaki Toshiko, chữ haiku xuất phát từ "haikai renga no hokku" (những dòng khởi xướng cho bài thơ liên ca). Đặc điểm của loại thơ này là rất ít từ ngữ, chỉ cô đọng trong 17 âm tiết theo thể vận 5+7+5. Nguyễn Thánh Ngã, người làm thơ của tỉnh Lâm Đồng, và cũng là người đầu tiên của tỉnh đạt “thủ khoa” của cuộc thi Haiku Việt- Nhật năm 2009 do báo Tuổi Trẻ và Đại sứ quán nước Nhật tổ chức. Bài thơ đạt giải mang tên “ Đứa trẻ” chỉ với 9 âm tiết như sau: “ Xó chợ/ Chiếc lon trống/ Hạt mưa mồ côi”, xem ra khác với qui định của thể Haiku truyền thống như định nghĩa, phải chăng đó cũng là sự “biến hóa” vi diệu của thể thơ vốn cô đọng nhưng đa ngôn, đa nghĩa này, hay gần với sự thăng hoa, siêu hóa của thơ Thiền? Hoặc giả Ngã đã “cách tân” thơ Haiku theo hướng riêng của mình...
Tập thơ gồm 251 bài thơ, một “Lời” của nhà thơ Thu Nguyệt và giới thiệu của nhà thơ Lê Anh Dũng, cùng những phụ bản và bìa do Ngã trình bày. Nếu như ở các tập thơ trước như “Nhớ xanh”, “Nhìn từ đôi mắt khác”, “ Thượng nguồn ngạc nhiên”, và “Gõ”, Ngã thiên về lối thơ tự do, thi tứ trong trẻo, hình ảnh ấn tượng, thì với tập “Haiku” lần này, Nguyễn Thánh Ngã đã đắm chìm trong một trạng thái cảm xúc khác biệt: Gần gủi đời thường với những chiêm nghiệm sâu sắc, mang mang cái ý vị của một thiền sư qua sông và một hôm thấy núi… “ Núi bút/ Viết lên bầu trời/ Chữ của mây bay” ( bài 101) hay “ Mây đè núi/ Núi đè sông/ Đè bóng thuyền gãy khúc” ( Bài 114).
Không gian trong thơ Ngã chẳng đâu xa vời, ngay chính Đà Lạt của Ngã, của những ruộng đồng, ao đầm chung quanh, xa hơn là các buôn làng và những ngôi chùa mà Ngã có lần được duyên hạnh ngộ. Với Đà Lạt, Ngã viết: “ Thơ người Đà Lạt/ Viết từ sương mù/ Và trên cánh hoa” ( bài 1), “Phượng tím/ Những quả chuông rung/ Trên áo học trò” ( bài 5), hay như “ Mặt trời que diêm/ Sương mù Đà Lạt/ Những người gánh rau” ( bài 6), chỉ đơn giản thế thôi, giống như trong thơ Haiku nêu lên “Sự kiện hiện tại” ( câu 1), “Ý nghĩ thứ 1” và “ Ý nghĩ thứ 2” ( những câu tiếp theo), hay “ Nêu lên mùa” và các câu nêu ý nghĩ thể hiện qua 17 âm tiết. Bài thơ “Đứa trẻ” đạt giải I trong cuộc thi thơ Haiku Việt- Nhật của Ngã là sự “cách tân” táo bạo với 9 âm tiết gói gọn như trên. Phải chăng đây cũng chính là sự biến hóa vi diệu của thể Haiku mà thiền sư Basho cũng đã từng áp dụng, bởi tinh túy chính là sự cô đọng, khái quát lớn nhất của tâm cảm và thi cảm. Trong tập thơ của Ngã những bài thơ là sự thể nghiệm của thể Haiku mà chẳng phải Haiku truyền thống, song không thể nói là … không phải Haiku. Thế mới tài tình!
Mối duyên hạnh ngộ, đâu phải không do tâm cảm tương thích mà thành, bởi theo Ngã là “ Con tằm rút ruột/ Nỗi đau hóa kén/ Áo lụa thướt tha” ( bài 211), và cũng chính sự tương thông, xảy ra sự kết ngộ lạ thường: “ Hồ cạn/ Cua kẹp cẳng cò/ Đôi bạn di cư” ( bài 100), và còn nữa, kể cả sự trần trụi, thô mộc: “ Hai cây thông/ Ôm nhau khóc/ Trước lưỡi cưa” ( bài 102). Hay như “ Ao trưa/ Chuồn chuồn đậu/ Trên cái bóng mình” ( bài 66), hoặc là sự liên tưởng thanh thoát, gây dấu ấn: “ Thiếu nữ tắm sông/ Chải từng giọt trời xanh/ Chấm gót” ( bài 109). Sự liên tưởng mở rộng, đắm chìm vào tầng lớp ngữ nghĩa khiến ta chợt lạnh người khi cái hoang vu, vắng lặng, được diễn đạt chỉ trong 5 từ của tiếng Việt: “ Nhà hoang/ Hạt bụi/ Gầy” ( bài 55), càng khiến sự đốn ngộ trong lớp lớp tầng tầng chữ nghĩa nhiều khi vượt thoát khỏi lớp áo tiểu tiết, câu nệ về thể loại mà neo vào trong trí tưởng thân phận người, như Ngã đã từng đốn ngộ: “ Thắp nén nhang/ Tim tôi bật lửa/ Một tàn tro” ( bài 63), hoặc “ Hoa nở hướng dương/ Người nở hướng Phật/ Thoát nắng” (trang 78).
Đắm chìm trong cõi Haiku của mình hay nói khác đi, là Ngã đang tự qua sông, tìm kiếm những vi diệu trong cõi “Ohaii” của Ngã, khác nào người xưa cỡi giày qua sông và bây giờ là : “ Con kiến qua sông/ Trên cọng rơm vàng/ Cần gì thuyền lớn” ( bài 31). Ngã tìm thấy gì trong cuộc sống này? Đấy là lúc nhà thơ “ Từ vô lượng/ Tôi là chú tiểu nào/ Quỳ kia” ( bài 64). Là sự nhìn lại: “ Cõng vệt bùn trên lưng/ Củ sen già ra chợ/ Lạnh tanh mùi tiền” ( 70), mà cái mùi tiền kia tác động thế nào với hành giã trong cõi trọc mang mang đa phận cùng cái tôi bé nhỏ: “ Mắt mẹ già còn ấm/ Làn sương thu/ Đợi con về vuốt mặt” ( 139) thì cái cõi trần kia còn những gì được mất khi: “ Hình bóng thiêng liêng/ Đã vùi vào đất/ Trong tiếng kinh huyền” ( 142).
Ở ý niệm, Nguyễn Thánh Ngã cũng từng ngộ: “ Ở đây/ Ngoài câu chữ/ Hư không tràn đầy” ( bài Ý), vẫn còn những vụng về chèo chống: “Lời nói/ Không nói/ lại vang” ( bài 54) hay như cái thường tình, dễ thấy: “ Gọi em/ E / Mờ mắt” ( bài 56).
Đọc Ngã, đắm chìm cùng với Ngã cũng dễ thấy, trên ngón tay Phật có bao điều thành bại, người tiên phong trên con đường chông gai lắm ý lắm tình, mê say rong ruỗi, đốn ngộ rồi sẽ đứng đâu trong cõi Ta Bà lắm sắc nhiều không này? Phải không Nguyễn Thánh Ngã?
Gò Dầu hạ, tháng 4/ 2015