Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.148.202
 
Linh vật
Phạm Lưu Vũ

Tèo rất thích siêu nhân. Nhưng siêu nhân của nó không đánh nhau với gã khổng lồ. Đơn giản vì gã khổng lồ chỉ là bịa đặt, không có thật trên đời, bố bảo thế. Một hôm Tèo hỏi bố:

- Vậy siêu nhân thì có thật không bố?

Bố trả lời:

-         Siêu nhân có thể có thật. Đó là người tài hơn người bình thường, khoẻ hơn người bình thường, khôn hơn người bình thường... Tóm lại cái gì ở siêu nhân cũng hơn người bình thường.

 

          Thế nhưng mất công “nghĩ” ra siêu nhân mà lại không đánh nhau với cái gì thì hi bị... lãng phí. Tèo buồn và tiếc cho cái sự... thất nghiệp ấy ở siêu nhân lắm. Hôm nọ, tình cờ nghe được ở đâu hai tiếng “ác nhân”, nó hỏi bố:

          - Thế có ác nhân không bố?

          Bố bảo:

          - ác nhân thì đầy, chỗ nào cũng có. Đó là những người ác.

Nó hỏi tiếp:

          - ác như thế nào hở bố?

          Bố giải thích:

          - ác... hơn người bình thường. Ví dụ hay bắt trộm trẻ con, hay rình đốt nhà người khác, hay gây sự, ăn trộm, ăn cướp... chẳng hạn.

          Thế là Tèo tuyên bố:

          - Vậy thì siêu nhân của con sẽ đánh nhau với lũ ác nhân.

          Và Tèo bắt đầu tưởng tượng ra những trận chiến đấu giữa siêu nhân với ác nhân. Tất nhiên nó luôn luôn đóng vai siêu nhân, chính là siêu nhân. Siêu nhân ấy trang bị bằng bất cứ cái gì có thể có, ví dụ thanh kiếm bằng nhựa, mảnh vỏ chăn khoác trên vai, cái mặt nạ mẹ mua... Thậm chí hai cái kẹp tóc bằng nhựa của mẹ, loại có răng to tướng, cũng được nó kẹp vào hai cổ tay cho tăng phần... siêu nhân. Nó nhanh chóng biến căn phòng thành y như một... bãi chiến trường, ít nhất thì cũng đúng về mặt bừa bộn: đồ chi, chăn màn, quần áo... quẳng tứ tung. Huỳnh huỵch với ác nhân suốt ngày không biết mệt, một hôm nó lại bảo với bố:

          - ác nhân là kẻ rất khôn ngoan bố ạ, nó trốn đâu mất tiêu, con tìm mãi không ra.

          - Phải “dử” cho nó chui ra chứ. - Bố bảo thế.

          Tèo đồng ý với bố là cần phải “dử” cho ác nhân chui ra khỏi chỗ ẩn nấp mới được. Thế là một lần, mẹ bắt gặp nó trong “trang phục” của siêu nhân, một tay cầm kiếm nhựa, một tay đẩy thằng Bi - em nó mới lên hai tuổi đi phía trước. Té ra nó dùng thằng Bi làm “mồi” để dử ác nhân, vì nó nghe bố bảo ác nhân hay bắt trộm trẻ con.

          Thằng Bi lại có vẻ khoái chí với vai trò “con mồi” của mình. Trẻ con có ngôn ngữ riêng, hai thằng hoàn toàn hiểu nhau. Thỉnh thoảng, thằng Bi lại quẩn ra phía sau, túm lấy lưng anh Tèo. ấy là lúc đã “dử” được tên “ác nhân” ra khỏi hang ổ, Bi phải rút lui ra phía sau, để tên “ác nhân” cho anh Tèo “giãi quyết”. Và lũ ác nhân ấy, khi thì là một cái gối ôm, khi lại là chiếc ghế dựa, chiếc bàn, thậm chí cái tủ đứng... Siêu nhân Tèo cứ việc tay trỏ kiếm, miệng hò hét quát mắng, làm cho lũ “ác nhân” kia sợ... im thin thít.

          Khỏi phải nói sự ầm ĩ, “ác liệt” và ngổn ngang của căn phòng những lúc Tèo và thằng Bi có nhà. Nhưng những lúc bố mẹ đi làm, hai đứa đi học (Tèo lên bốn, học lớp mầm, còn Bi học lớp cm thường) thì sao? Căn phòng chắc sẽ chìm trong im lặng? Chưa chắc đâu. Đầu tên là một tiếng thở dài. Bác bàn gỗ già nua đã lên nước nâu bóng kê ở trong phòng chợt cất tiếng, giọng không giấu vẻ buồn bã:

          - Tôi ngần này tuổi đầu. Nghe nói con người mỗi giờ thở ra thở vào trên ba nghìn sáu trăm lượt, vì thế mà loài người có linh hồn ngay từ khi mới đẻ. Còn tôi, mỗi hơi thở của tôi dài mười hai năm. Thở đủ ba lần mới bắt đầu được ban linh hồn. Lại phải chờ qua chín lần thở nữa, trước sau tổng cộng một trăm hai mươi năm, mới trở thành linh vật (vật linh thiêng, giống như đồ cổ, đồ cổ sở dĩ quý vì đó chính là linh vật - chú thích của bố). Bấy giờ thì đến con người cũng còn kém. Không ngờ linh vật đâu chưa thấy, nay đã thấy mình thành ác nhân.

 

-         Tôi cũng thế - Bác tủ đứng lên tiếng - mỗi hơi thở của tôi kéo dài chín năm. Nay đã thở được ba lần rưỡi. Bây giờ cũng thành ác nhân.

 

          Cứ thế căn phòng bắt đầu ồn ào. Các đồ vật thi nhau than thở. Bỗng cánh cửa tủ lạnh từ từ mở ra, có tiếng lạch xạch, mấy chai nước lọc bằng nhựa trong suốt nhãy xuống nền nhà. Các chai nước tự giới thiệu mình là nhà thơ (tại sao chai nước lọc lại là những nhà thơ thì Tèo giữ “bí mật” đến tận bây giờ, dù sau đó, bố có gặng hỏi mấy lần, song Tèo vẫn không giãi thích). Các nhà thơ nước lọc  muốn có đôi lời động viên các bạn đồ vật. Các nhà thơ ấy nói, lý sự rất nhập nhằng, giọng lạnh như... nước đá:

 

-         Có gì đáng buồn đâu cơ chứ. Đó chỉ là cậu chủ nhỏ tưởng tượng như đóng kịch mà thôi. Sự tưởng tượng ấy làm khai phát nguyên khí của lũ đồ vật chúng ta. Không thế thì chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi là những thứ vô tri vô giác hay sao? Các vị bị cuốn vào vở kịch. Thế là thành sân khấu. Mà tưởng tượng là khởi nguồn của trí tuệ. Như chúng tôi đây này, không tưởng tượng làm sao thành nhà thơ. Nhà thơ chúng tôi đương nhiên là một thứ linh vật, không cần đợi phải thở cho đủ số lần. Các vị có muốn nghe đọc thơ không?

 

          Các “ác nhân” bất đắc dĩ kia chưa kịp trả lời, thì lại có tiếng lạch xạnh. Rồi một bó đèn cầy đỏ ối từ nóc tủ rơi xuống, lăn lóc tứ tung. Lũ đèn cầy giới thiệu ngay mình là những nhà văn. Nhà văn kiểu ấy đương nhiên cũng là những linh vật. (Điều này Tèo cũng giữ “bí mật” đến tận bây giờ). Các nhà văn đèn cầy bảo các nhà thơ nước lọc:

          - Chưa cần nghe các ngài đọc thơ, thì cũng biết thơ ấy chắc nhạt như cái chất lỏng chứa trong bụng các ngài. Tiếc rằng chai nước muối để trong nhà tắm kia không phải nhà thơ.

          Các nhà thơ nước lọc cũng không chịu kém, lập tức đáp trả:

-         Trên đời có thứ văn giống hệt bóng ma trơi, vừa thích dựa vào lưng tường mà nhập nhoạng, vừa cố bám vào đuôi gió mà leo lét... văn ấy gọi là văn “đèn cầy”. Bây giờ mới biết, thì ra là các ngài đó ư?

 

          Các nhà văn đèn cầy giận đến nỗi tím cả cái đầu nhọn, nơi có một mẩu bấc màu trắng thò ra, đang định tìm lời đôi co với các nhà thơ nước lọc, thì phía góc phòng có một giọng trầm trầm cất lên. Đó là giọng của chiếc lộc bình lớn bằng sứ, tự xưng là nhà tiên tri. Nhà tiên tri ấy nói:

 

- Mỗi hơi thở của ta dài ba vạn sáu nghìn giờ. Có linh hồn đã tám mươi mốt năm nay. Lại phải trải qua ba trăm tám mươi tư năm nữa mới trở thành linh vật. Các vị cùng là những thứ đồ vật tồn tại trong một phòng, cùng là lũ đầy tớ phục vụ cho một chủ, thì phi biết đoàn kết chứ. Đừng có gây sự với nhau nữa. Cho dù sự tranh giành nay đã lan tới cả những cõi im lặng. Nhưng đây chẳng phải đang là một câu chuyện cho thiếu nhi ư?

Nhà tiên tri bình sứ nói xong, trên bàn bỗng có tiếng reo khe khẽ, yếu ớt của chiếc ủ tích, vốn chuyên dùng để hãm nước chè tươi, khiêm tốn tự nhận mình là giai sĩ. Giai sĩ ủ tích ấy bảo:

- Thế ra tôi có họ hàng với bác bình sứ cả đấy. Nhưng tôi hãy còn non bấy lắm, mới có linh hồn được ba ngày hôm nay. Ôi! Bác bình sứ ơi, hình như kiếp ủ tích chúng tôi không cần phải đợi tới ba trăm tám mươi tư năm như bác, mà chỉ cần ba mươi sáu năm là đủ để trở thành linh vật...

Giai sĩ ủ tích vừa dứt lời, trong phòng bỗng nhao nhao câu hỏi, hình như đều muốn hỏi nhà tiên tri bình sứ:

- Còn chúng tôi thì… sa… sao?

- Chúng tôi thì… sa…sao?...

- Chúng tô... ôi...?

Đó là câu hỏi của lũ gối, chăn, lũ đồ chi bằng nhựa, cả của cây chổi quét nhà làm bằng đót, cái phất trần làm bằng lông gà... Giọng của chúng như tiếng muỗi kêu, lào thào đứt quãng, cứ nhỏ dần và cuối cùng tắt lịm, có khi chưa kịp nói hết câu. Chúng chẳng khác gì những kiếp phù du, chúng là những vật chưa có linh hồn, chỉ có một chút nguyên khí tích tụ qua mấy trăm giờ làm cái thân đồ vật. Nay chúng thốt ra được mấy từ đó là hết sạch chút nguyên khí ấy, lập tức quay về lại cái thuở mới thành hình. 

 

Thì ra, trở thành linh vật là ước mơ của tất cả các đồ vật, bất kể nặng hay nhẹ, bền vững hay phù du, có chút công dụng hay chỉ là những thứ đồ vô tích sự... tất cả, không chừa cái gì. Nhà tiên tri bình sứ kia hình như không muốn tr lời, mà lại đột ngột chuyển sang giọng khác, nghe có vẻ rất nghiêm trọng:

- Hãy im ngay, ác nhân thật sắp tới rồi đó.

          Tất cả nghe nhà tiên tri bình sứ nói thì bỗng lặng ngắt đi vì sợ hãi, ai ở đâu cứ giữ nguyên tư thế, giỏng tai nghe ngóng. Quả nhiên có tiếng bước chân tiến về phía cửa phòng một cách thận trọng, lén lút. Rồi ổ khoá cánh cửa phòng chợt lay động. Có tiếng khoá xoay trong ổ. Cái kiểu mở khoá này, rõ ràng không phải của nhủ nhà. Bỗng cánh cửa bật mở toang, một khuôn mặt gian xảo, lấm lét và bẩn thỉu hiện ra. Đúng là một tên trộm. Tên trộm đo mắt lướt qua một vòng, rồi không bỏ phí một giây, gã nhanh nhẹn tiến về phía chiếc tủ...

 

          Tên trộm quả là một tay thạo nghề. Với chùm chìa khoá vạn năng trong tay, không một động tác thừa, gã dễ dàng mở được tất cả các ngăn tủ, lôi ra một bọc tiền, cả đồ trang sức của mẹ... Gã nhét hết vào một chiếc túi vi màu đen. Mồ hôi thấm đẫm lưng áo gã, tỏa ra một thứ mùi khen khét nồng nặc. Chừng như đã hài lòng với kết quả thu được, tên trộm quay mặt lại. Bấy giờ gã mới để ý thấy mấy chai nước lọc, mấy cây đèn cầy vứt tung toé. Gã bước nhanh tới, cầm lấy một chai nước, mở nắp rồi đưa lên miệng tu.

 

          Căn phòng dường như im lặng tuyệt đối, chỉ có tiếng nuốt nước ừng ực và mùi hôi của tên trộm. Bất ngờ lại có tiếng thở dài. Tiếng thở dài làm thấu tận tim gan. Tên trộm chợt giật nãy mình, buông rơi chai nước. Nước trong chai chảy loang ra sàn nhà. Tên trộm cảm thấy rợn người, dựng đứng hết cảa lỗ chân lông. Gã hong hốt ngó quanh một vòng rồi vội vã tìm đường tháo chạy. Gã sợ tiếng thở dài. Nhưng vừa mới bước được một bước, gã dẫm ngay phải chỗ nước đổ, bị trượt một chân làm hai tay gã chới với, văng cái túi đen đựng tiền của vào tận góc phòng. Chân kia của gã cố bước sang một bên, tìm cách lấy lại thăng bằng. Bất ngờ lại dẫm phải mấy cây đèn cầy. Mấy cây đèn cầy lập tức lăn tròn dưới bàn chân gã lại làm cho cái chân ấy trượt theo. Lần này thì gã mất thăng bằng thực sự. Tên trộm kinh hoảng bật ra tiếng kêu: “ối!” một cái. Hai chân gã trượt ngửa lên, cả thân thể nặng nề của gã giáng đánh huỵch xuống sàn nhà, đầu va phải một bên chân bàn. Bàn gỗ bị rung lên, xê dịch đi một tí. Trên mặt bàn có chiếc ủ tích. Chiếc ủ tích lưỡng lự một giây rồi nhân đà rung, nó lắc mạnh một hai nhịp rồi rơi xuống, giáng trúng vào giữa trán tên trộm. Chiếc ủ tích văng tiếp xuống nền nhà, vỡ ra làm mấy mnh. Tên trộm vừa bị cú ngã, đang định bò dậy, thì lại nhận ngay cú trời giáng ấy. Gã giật nãy người lên, giãy giãy mấy cái rồi nằm bẹp xuống, bất động...

 

          Khi tên trộm tỉnh lại thì trời đã xế chiều. Trên trán gã giờ đã nổi lên một cục u tím bầm to bằng quả ổi. Có tiếng chân người đang bước vội lên cầu thang. Hình như bố đi làm về. Từ dưới nhà, bố phát hiện đồ đạc bị xáo tung. Tên trộm đã khuân ra một số thứ, song chưa kịp mang đi. Giá như gã đừng có tham lam mà mò lên tận căn phòng này... Tên trộm hoảng hốt bật dậy. Bây giờ thì gã chỉ còn nghĩ tới cách tháo thân. Gã lao tới, mở cửa ra ban công rồi lẻn vội ra ngoài. Từ đó, gã nhanh chóng rút ở trong người ra một sợi dây dù, gã hấp tấp cột sợi dây ấy vào lan can rồi đu người tụt  xuống...

 

          Bố ào vào trong phòng thì tên trộm đã chạy thoát, cửa ra ban công vẫn mở toang, sợi dây dù vẫn còn đung đưa nhè nhẹ. Trong phòng đồ vật ngổn ngang, bàn ghế bị xô lệch, mấy chai nước lọc đứng nằm nghiêng ng, đèn cầy vứt lăn lóc, có cây bị gãy làm mấy khúc, song vẫn dính nhau bởi cái lõi bấc bên trong. Dưới chân bàn, chiếc ủ tích bị vỡ, vương vãi những mảnh sứ cong cong ngửa lên trần nhà, dường như nó vẫn đang tiếc nuối điều gì, dường như vẫn còn nghe thấy tiếng vỡ của nó đọng lại đâu đây... Bố phát hiện cái túi vi đen quăng ở góc phòng, tên trộm đã không kịp mang đi.

 

          Tối hôm ấy, cả nhà quây quần kiểm tra lại tài sản, không bị mất thứ gì. Thật là hú vía. Bố kết luận rằng chiếc ủ tích bị vỡ, những chai nước lọc, đèn cầy, sự lộn xộn trong phòng... tất cả đều do tên trộm gây ra. Nhưng Tèo thì không nghĩ thế. Nó quả quyết rằng trước khi tên trộm đột nhập, trong phòng đang diễn ra điều gì đó... Và câu chuyện trên đây, chính là Tèo đã “khám phá” ra. (Tất nhiên phi qua sự biên tập, “phiên dịch” lại của bố). Tèo nhìn chiếc bình sứ - bây giờ phải gọi là nhà tiên tri bình sứ. Chắc chắn đã có một tiếng thở dài, tiếng thở dài phát ra từ nhà tiên tri trứ danh ấy, tiếng thở dài làm hoảng hồn tên trộm. Chính nhờ có tiếng thở dài ấy, nhờ sự góp sức tình cờ nhưng kịp thời của các nhà thơ nước lọc, các nhà văn đèn cầy, và nhất là sự “hy sinh” thân mình của giai sĩ ủ tích... tất cả đã “cứu” cho bố mẹ một “bàn thua” trông thấy.

          Câu chuyện đến đây xin được tạm dừng. Bố mẹ mừng vì không mất thứ gì, song Tèo và thằng Bi thì hơi buồn một tý. Buồn nhất là các đồ vật trong phòng, nom chúng lặng lẽ đi trông thấy. Chúng đang xót thương cho số kiếp ngắn ngủi của giai sĩ ủ tích dũng cảm kia. Một vật làm bằng sứ mong manh, dễ vỡ mà được đặt ở trên cao, nếu có linh hồn, thì điều đầu tiên cái linh hồn ấy nghĩ tới, chính là nỗi sợ bị rơi xuống. Vậy mà nó đã dám rơi... Ôi! Nó vừa mới có linh hồn vẻn vẹn được ba ngày, vừa mới kịp ước mơ sẽ trở thành linh vật...

 

 

Truyện thiếu nhi

QT thiếu nhi 2005

Viết cho Tèo và Bam Bi yêu quí

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3683
Ngày đăng: 24.05.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ly - Nguyễn Thị Thu Hiền
Valentine - Lê Ái Siêm
Chuyện của chị - Lá Me
Biển ngọt - Huỳnh Tài
Thương quá rau răm - Nguyễn Ngọc Tư
Về giữa mùa hè - Mường Mán
Trăng trên doanh trại - Mường Mán
Chuyện viết từ nhật ký - Hồ Tĩnh Tâm
Hai anh em - Phạm Lưu Vũ
Người thợ sửa giày góc phố - Hoàng Đình Quang
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)