Ngày lễ nhưng chuyến xe đi Bến Tre không đông khách như tôi tưởng. Khi tôi ngồi xuống ghế của mình, bên cạnh vẫn còn một chổ trống. Xe sắp rời bến, một người đàn bà khoảng năm mươi , hối hả bước lên xe và ngồi xuống bên cạnh tôi.
Đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi không hỏi chuyện trên xe đò như bản tính khép kín của người miền trung. Một lát sau người đàn bà ngồi bên với chất giọng miền Nam thật mềm mại , mở lời trước :
-Để kịp chuyến xe này, em phải dậy từ ba giờ sáng để bỏ hàng cho xong.
Tôi lén nhìn người khách ngồi bên. Chị có chiếc mũi nhìn nghiêng khá xinh , nước da trắng và đôi môi mỏng hơi xếch .
-Cô bán hàng gi?
-Dạ, em chuyên bỏ hàng nấm và đồ khô cho các nhà hàng. Công việc bận rộn quá chừng nhưng hôm nay em phải về quê ăn cưới . Chỉ là con cái mấy người quen thôi chứ không bà con chi nhưng tình làng nghĩa xóm mà chị. Tới Bến xe xong em phải bắt xe buýt về tận Mỏ Cày.
-Cô không đi cùng các con.
-Dạ em không có chồng con.
Tôi hơi ngạc nhiên. Người đàn bà nhan sắc không tệ, giọng nói cuốn hút và có vẻ khá giả.
Tôi mĩm cười:
-Cô kén quá.
-Dạ, số em lận đận chứ nhiều người theo đuổi em lắm đó mà mối nào cũng không xong.
Người đàn bà nở nụ cười thân thiện:
-Người đầu tiên muốn hỏi em làm vợ chính là ông anh rễ của em.
Nhà em nghèo và đông anh chị em. Khi chị Tư em có chồng em còn nhỏ lắm.
Nhà vợ chống chị cách nhà ba má em khoảng bốn cây số. Một hôm đang ngồi trước nhà má em nghe mấy người đi cấy về ngang nhà trò chuyện “trời ơi không biết con Tư bệnh gì mà ốm nhom như bộ xương khô”. nghe vậy má em tất tả qua nhà anh chị Tư . Trời ơi, khi má em đưa chị về đến nhà không ai nhìn ra chị. Chị thều thào nói “con chào ba” mà tiếng chị nói nghe như hơi gió thổi. Anh Tư thật tệ, vợ ốm đau mà anh chỉ lo nhậu suốt. Từ ngày má em đem chị về , anh đã không về thăm vợ còn giận dỗi nói vợ anh để anh nuôi, ai biểu đem về mần chi.
Ba tháng sau chị em chết. Buồn quá, ba em cũng sinh bệnh rồi qua đời sau đó khoảng một năm..
Chị mất rồi ba mất , má em nợ nần chồng chất , em mới học lớp bảy đã phải bỏ học, lên Sài gòn phụ rửa chén cho nhà hàng. Ở đây em làm quen với mấy bà bán hàng rồi em tập tành đi buôn. Trời thương, em bán gì cũng đắt mới có mấy năm em trả hết nợ cho má em . năm em mười chín tuổi em đã cất lại nhà ngói cho má . Rồi em gửi tiền về cho bả nuôi mấy đứa em ăn học.
Lúc này mỗi lần em về thăm nhà đều thấy ông anh rễ ghé qua.
Hôm giổ ba em, chú Ba hàng xóm nói với má em:
“Con Xíu cũng đã đến tuổi lấy chồng, chị Ba coi thử ý nó, hay là chị gã nó cho anh Tư của nó . Tội nghiệp từ ngày vợ chết nó cũng chưa chịu bước thêm..”
Chú ba vừa có bà con vừa là bạn nhậu với anh rễ em.
Nghe vậy em tức mình, trả treo ngay trong bàn tiệc:
“nói thiệt với chú Ba, con thà tự tử còn hơn lấy người chồng như anh Tư của con, hơn nữa dù là anh rễ ảnh cũng đã là anh trong nhà.”
Từ đó em không thấy ảnh qua nhà nữa.
-Lúc đó cô còn trẻ quá.
-Năm em hai mươi hai có một ông thầy giáo cấp ba góa vợ muốn cưới em.
Ông này không có điểm nào để chê. Tuổi hơi lớn tuổi nhưng dáng người nho nhã trí thức.
Tìm hiểu cả năm trời đến ngày gần cưới ổng nói với em:
“khi nào mình cưới xong, em phải lo cho gia đình mình chớ không được gánh nặng cả nhà em như lâu nay nữa đó”
Em nghe mà lạnh mình. Rồi em lấy hết bình tĩnh nhoẻn miệng cười:
“Sao anh nói sớm quá dzậy”.
Mối tình với ông thầy giáo coi như chấm dứt. Từ đó em lo buôn bán , lo cho lũ em học xong đại học chẳng nghĩ gì chuyện chồng con.
Vậy mà năm em ba mươi em quen với một anh cán bộ văn phòng huyện ủy . Anh này còn độc thân , tính tình vui vẻ , hoạt bát, ai cũng mừng cho em
Một bửa ảnh hỏi em:
“Em có nhà riêng hay ở nhà thuê?”
Em trả lời
“Em một thân một mình nên thuê căn phòng nhỏ xíu gần chợ Bình Tây mỗi tháng hai triệu rưỡi thôi.”
Em chán ổng quá chị ơi. Thực ra em có mua một ngôi nhà khá rộng .Em cho thuê căn nhà đó mỗi tháng tám triệu rồi em thuê phòng ở cho gần bạn hàng buôn bán.. Với lại một mình ở nhà to vừa sợ vừa phí phạm. Bạn em nói mày khùng quá ế chồng là phải, thời buổi này muốn có chồng phải khoe của.
Tôi bắt đầu bị lôi cuốn vào những mối tình của người đàn bà:
-Cô đã chia tay với anh này ?
-Dạ, ảnh thương cái nhà hơn thương em. Em để ảnh đi tìm ai có nhà mà lấy.
Năm em bốn mươi má em la quá chừng. Bà bảo tao sắp nhắm mắt rồi mày liệu ưng đại một tấm chồng. Sau đó có người giới thiệu em với ông hiệu trưởng tiểu học. Ông này hiền khô. Vợ cờ bạc , nợ nần rồi chia tay , con cái đã lớn.
Cái số của em thật kỳ. Gần cưới, ổng điện thoại cho em.”Lâu nay anh có món nợ ngân hàng, mổi tháng họ trừ lương anh năm trăm ngàn. Nay số nợ còn hai chục triệu. anh muốn em giúp anh trả món nợ đó để cưới xong vợ chồng mình không lo nghĩ chuyện nợ nần.”
Em tức cười quá trả lời ngay “gớm! có hai chục triệu mà anh làm như hai tỉ, làm gì mà anh lo dữ dị!!!”
Ông này dở òm, chắc ổng tưởng mất có hai chục triệu mà có được tấm chồng cũng rẻ.
Người đàn bà cười to. Tiếng cười hồn nhiên như vừa kể xong câu chuyện tiếu lâm.
Rồi cô nói nhỏ như để cho chính mình nghe:
- Chẳng lẻ ổng không tin rằng khi thành vợ chồng em sẽ cùng ổng lo chung hết mọi chuyện sao.
-Cô có lần nào gặp được một người đàn ông thật tốt?
- Dạ có. Anh ấy nhà ở Chợ Lớn. Em quen với em gái của anh ấy. Nhà anh rất giàu. Trước ,ba anh có tiệm thuốc bắc nhưng khi ông qua đời anh không nối nghiệp cha mà chỉ buôn thuốc bắc từ Trung Quốc về bán . Em hay đến nhà anh lấy hàng nấm quý. Em mến anh ấy vì anh là người rất có hiếu với mẹ dù mẹ anh rất nóng nãy, hung dữ.
Trong nhà người làm đều ớn bả nhưng người ta thương ảnh nên vẫn ở lại làm việc.
Không hiểu sao một người mẹ như vậy mà lại sinh ra anh con trai hiền hậu quá chừng.
Tụi em thương nhau lắm nhưng mẹ anh không bằng lòng cho anh cưới em.
Mẹ anh muốn anh cưới con gái nhà giàu. Mà có nhiều nhà giàu muốn gã con gái cho anh thiệt. Càng ngày bà càng tức giận, không cho anh gặp em.
Một hôm bà mắng anh:
“ Nó có …cái đó bằng vàng sao mà mày không bỏ được” Em gái anh kể lại cho em nghe lần đó là lần đầu tiên anh dám hét vào mặt mẹ:
”Mẹ quá đáng lắm. Tụi con chỉ là bạn Cô ấy là người đàng hoàn, mẹ phải tôn trọng người ta chứ .Cô ấy chưa phải là vợ con sao mẹ nói năng như vậy”
Rồi anh bỏ đi Trung Quốc dù mười ngày nữa mới tới kỳ đi lấy thuốc.
Rồi ảnh không bao giờ về nữa. Anh chết trong trận động đất ở bên đó . Báo chí có đăng chuyện này chị có nhớ không?.
Từ đó người đàn bà im lặng mắt nhìn xa xăm về phía trước.
Xe qua cầu Rạch Miểu rồi ghé vào bến.
Xuống xe, nhận xong hành lý, tôi đưa mắt tìm cô Xíu nhưng cô đã đi mất từ lúc nào.
.
.
-
-