nội thành say đắm hồn phượng cũ
cánh hồng gieo đỏ tựa môi người
gió đông xuân dìu ai qua ngõ
nắng sầu nghiêng chết nửa môi cười
Trong thành ngoài thành phượng đỏ rực cả rồi!”.
Câu nói kèm nụ cười, đôi mắt sáng ngước, tay trái đong đưa chiếc xắc hành lý, tay phải vung vẩy chùm hoa đỏ chói, áo xanh màu da trời hai tà quẩn bên chân, Niệm bước vào khung cửa rộng, dừng lại giữa phòng khách thoáng ngơ ngác, rồi bỗng ngượng nghịu khi thấy trong nhà hình như hơi đông người, không những chỉ có vợ chồng anh Lân mà còn dăm ba người bạn khác nữa. Chị Nhã là kẻ đầu tiên đứng lên đón Niệm: “Mới về hả? Sao không đánh điện tín để anh chị đi đón? Lù lù về như ma”. Anh Lân nhìn chùm hoa trên tay Niệm: “Phượng nở khắp rồi sao? Cô về bảo mọi người mới hay đấy”. Nhiều tiếng cười vây lấy Niệm, làm thiếu nữ bối rối gật đầu chào quanh một lượt, đoạn te tái bước nhanh vào nhà sau. Chị Nhã theo vào: “Ngụy ghê, về chưa chào ai cả đã nói chuyện hoa hòe, ai chẳng tức cười”. Niệm nói: “Về tới phố thấy phượng đỏ tứ phía, không hiểu sao em mừng chi lạ. Năm nay thứ hoa ấy nở nhiều và đẹp gấp mười năm ngoái”. Niệm cắm chùm hoa vào chiếc ly đặt trên bàn, chị Nhã quở nhẹ: “Cái thứ bong đường sá ấy chưng làm gì? Bộ vừa về cô đã leo lên cây hái hoa chắc!”. Niệm cười: “Em bảo bác xích lô dừng lại xin của bọn học trò đấy chứ”.
Phượng, thứ bông đường bông sá, vì phượng nở khắp dọc những ngả đường, đâu đâu cũng thấy phượng dâng những mâm hoa đỏ ối, bật nổi giữa nền cây lá. Màu đỏ phượng ánh lên những váng mây, thêu gấm đào cho không gian Huế ngả dịu vào vòng tay nồng nàn của hè. Xuống phi trường Phú Bài, lên xe ca tới An Cựu, Niệm đã bàng hoàng biết bao khi gặp phượng. Nắng vàng bay múa trong màu hoa phả vào hồn người từng gợn sóng êm ả. Tưởng chừng gió không đến từ trời, từ sông hay non núi mà đến từ hoa, từ tầng tầng cánh huyết thắm dâng ngợp giác quan, rồi buông thả xuống nghìn cánh tươi như máu đỏ. Vừa tới Huế, phượng đã nắm lấy hồn Niệm nhấc bổng lên, ném trôi trên những bước lênh đênh. Ngồi xích lô đi chậm qua phố chính, Niệm ngắm phượng hai bên bờ sông, phượng theo Niệm vào thành che lọng lớn đứng nghiêm trang bên những cửa phủ im bóng. Hoa trổ ngời khắp phố, khoác áo mới cho những hè đường. Phải chăng hoa đưa tin đến cho kẻ vừa về, rằng quê nhà vẫn bằng an, không biến cố như những năm trước, chưa đổ vỡ như những phố không may. Tin bí mật rao truyền qua mạch gió, Niệm vô tình nhận, nên nàng vẫn không hiểu sao khi về tới gặp phượng mình lại mừng quá thế. Mừng quấn quít đến nỗi vừa bước lên thềm nhà đã vội báo tin hoa. Cái tin mọi người ở đây đều đã biết từ hơn tháng trước, khi sớm mai nào thức dậy chợt ngẩng nhìn thấy những cánh phượng thứ nhất về cười rung nụ đỏ đầu cành, trong vườn, trong công viên, dọc đường phố.
Có mùa hè là có phượng. Phượng không thuộc về hè mà hè thuộc về phượng. Sự trải chói của phượng trên bề mặt rộng của không gian Huế xác định điều ấy. Hoa trùng điệp, lơ đãng cách mấy cũng không thể không thấy hoa. Thiên hạ ở đây quá quen nhịp đi và đến đều đặn, chẳng bao giờ lỗi hẹn của hoa, nên không mấy ai để ý. Chỉ kẻ ở xa mới về mới thấy phượng gọi hồn cách thiết tha, mới nghe phượng nói và thấy phượng khóc, lệ ràn rụa đỏ ngập trong các sân trường, trên mái lầu, mặt thành rêu cũ. Huế buồn ngủ hết ba mùa, mùa hè Huế choàng thức nhờ phượng, bởi phượng và không thể thiếu phượng. Lũ học trò gái trai đội nắng đến những lớp hè, trước giờ học thường rủ nhau đạp xe long rong, vài đứa, thế nào, cũng có đứa cầm một chùm hoa ở tay hoặc dắt bên cặp sách. Có những cô thả bộ vẩn vơ, đưa lên miệng nhâm nhi từng cánh thắm. Có những cậu lang thang theo tình, gót giày mang xác phượng đến tận cổng nhà nàng... nằm vạ. Họ, dúm trẻ dễ thương đó, mỗi mùa mang tin hoa đi khắp phố nhà. Và biết đâu, có những cậu những cô đi xa vào mùa này lại không mang theo vài chùm hoa cho nặng thêm hành lý, nặng them chút tình hoài hương, vì những cõi khác có thể có phượng, nhưng phượng ở đâu cũng không thể xui lòng buồn lòng vui nồng nàn bằng phượng Huế, cái màu đỏ mênh mang úp chụp máu xương người tê tái, đe dọa trong những ngày nhiễu nhương, đồng thời màu đỏ đó gửi tới người lời báo hỷ rực rỡ những mùa hoài vọng.
Năm ngoái, Niệm ra đi vào mùa thu, khi phượng chỉ còn là những cành nhánh bâng khuâng đâm vút lên trời, những mâm hoa rực đã trút vơi, bằn bặt tan vào đất đen theo chục cơn mưa trút, bầy nụ mầm nẩy muộn đành héo rụng, đợi đến mùa sau bừng lên một thời phượng khác. Mùa thu, Niệm khăn gói ra đi cho kịp niên học mới mở ra ở một nơi xa xôi khác, nơi có thời tiết và dòng sông chảy mạnh hơn Huế. Bận rộn với lũ học trò, nhà trọ, mưa nắng quẩn quanh trong phố thiên hạ chín tháng ròng quay quắt nhớ nhung và, giờ Niệm trở về. Kẻ mong ngóng Niệm về nhất không phải là chị Nhã anh Lân, mà là Toàn. Trong nhiều lá thư Toàn không ngớt giục Niệm về. Toàn viết, đùa mãi với cây nạng khác gì kẻ tuyệt vọng ôm khúc củi mục mong nó nở hoa. Anh khẩn thiết mong Niệm về, về để thấy việc anh sắp cưới Nguyệt là chuyện có thật. Niệm nói với chị Nhã: “Lâu nay anh Toàn có ghé nhà không?” Chị Nhã đang bứt từng cọng rau muống xanh bỏ vào thau nước lớn, ngẩng lên: “Mất biệt hơn hai tuần nay không thấy ghé”. - “Thế chị cũng không xuống ngoại chơi sao?” - “Chấm bài thi muốn mù cả mắt còn đâu thì giờ”. Niệm thích thú với ý nghĩ Toàn không hề biết nàng về, thế nào chẳng ngạc nhiên khi Niệm bất thần hiện đến. Thời sự của Toàn lúc này thế nào? Niệm chẳng hề tin những điều anh viết trong thư, đúng hơn là nàng chẳng muốn tin Toàn sắp đội chữ tòng lên đầu Nguyệt. Niệm cúi xuống nhặt cọng rau muống bẻ gãy rời từng đoạn nhỏ: “Thế chị Nguyệt cũng biệt luôn sau?” - “Cả cặp, Nguyệt lẫn Toàn”. Niệm thoáng băn khoăn: “Thư mới nhất gửi em anh Toàn bảo hai người sắp lấy nhau mà.” Chị Nhã vờ phát cáu: “Sao mày thắc mắc mãi về bọn họ thế?” Ừ. Sao vậy nhỉ? Có phải vì ngay từ đầu Niệm đã chẳng thích gì Nguyệt lắm không? Những năm còn học ở đây, Nguyệt cùng trường và hơn Niệm hai lớp. Nguyệt ở sát hông nhà, chỉ cần gọi với qua một tiếng là có thể nghe tiếng Nguyệt đáp nếu nàng có ở nhà. Thời chưa quen nhau, Toàn thường leo lên cây nhãn cao nhất trong vườn trông vời qua sân nhà người ta, nhìn trộm dáng kiều ra vô thơ thẩn. Rồi hai người quen nhau. Hình như yêu nhau. Niệm tảng lờ làm bộ không ý kiến gì cả, Toàn cứ gạn hỏi hoài, Niệm nổi nóng bảo Niệm chẳng thích guyệt lắm. Nguyệt đẹp nết na đấy, nhưng cô ấy có cái gì Niệm không thể chịu được. Đôi mắt sắc quá chăng? Dáng đi cố tạo vẻ đài các sang cả chăng? Nét mặt đang cười nói tươi tỉnh đột nhiên ngớ ngớ ra trông thật đần chăng? Niệm càng tỏ vẻ không thích, Toàn càng làm ra vẻ si mết Nguyệt hơn. Có lẽ Toàn yêu Nguyệt thật. Cũng có thể không. Họ sắp lấy nhau? Thôi nhau? Niệm không hình dung được. Hai kẻ vắng mặt được nhắc nhở tưởng như đã ở cõi xa mờ nào khác. Buổi chiều sậm màu dần, những mâm phượng đơm rực trên những ngọn cây, lửa cháy trong lò sửa soạn bữa cơm chiều, chị Nhã lui tới nhẹ nhàng tựa vệt khói giữa những bày biện quen thuộc. Nơi xa xôi, nhiều đêm Niệm đã nằm nhớ quay quắt khung cảnh đơn giản nhưng ấm cúng này.
Niệm mở cửa phòng riêng của mình với chút cảm động thoáng buồn rầu của kẻ vừa trở về, nghe nỗi háo hức đã chìm xuống, loãng mù vào khoảng bát ngát nắng nôi gió lá bên ngoài, của lòng tĩnh lặng bên trong. Niệm nói vọng qua cửa sổ: “Lâu nay có ai vào phòng em không?”. Chị Nhã nói: “Thỉnh thoảng anh Toàn vẫn tới nằm đọc sách một lát rồi đi. Bộ mất mát cái gì sao?” Niệm cười: “Không, tự nhiên em thấy sờ sợ, cứ ngỡ lâu ngày phòng bỏ không, ma quỷ vào đây ngự”. Trên bàn học, chồng sách giáo khoa không ai đụng tới, bụi bám mờ cả chữ nghĩa. Cái bình hoa bỏ không. Tấm ảnh màu tươi chụp Niệm cười trước cổ tháp Linh Mụ lồng kính đặt trên chiếc tủ nhỏ. Nhìn mặt nệm phẳng trũng dấu người nằm, Niệm mường tượng thấy Toàn với cuốn sách mở tầm dưới mắt, chiếc nạng gác bên thành giường cách mệt mỏi. Cái dáng lẻ loi của anh bao giờ cũng tách biệt hẳn với mọi người. Với Niệm, Toàn không những là người anh mà còn là người bạn thân thiết. Niệm hiểu Toàn hơn ai hết. Bao mộng tưởng đầu đời đã rời bỏ anh, thực tại là lưỡi dao bén, gọt trụi lớp vỏ hồn nhiên bọc quanh trái tim xưa kia vang động nhịp sống hồng hào. Niệm đã sợ hãi biết bao khi nghe Toàn bảo, anh chẳng biết sử dụng trí tuệ, tay chân anh như thế nào trong những ngày còn lại. Toàn vốn ít nói. Tiếng nói có vẻ thừa hơn trên môi anh từ ngày chiến trường giữ lại một khúc chân, quân y viện tặng anh cái nạng gỗ. Toàn câm lặng lắm lúc làm Niệm sởn cả gai ốc trong những buổi chiều hai anh em cùng ngồi bên gốc hoàng lan, giữa vườn nhà ngoại, gốc cây họ đã cùng trồng cùng vun tưới năm mười một tuổi - Có lần Toàn đùa, bao giờ Niệm lấy chồng nhớ mang cây hoàng lan theo trồng dưới cửa sổ phòng ngủ, sẽ không mơ thấy mộng dữ - Vào những chiều như thế, Niệm thường nhắc kể về thời bóng họ quấn quít bên chân nhau. Thời Niệm lẽo đẽo theo anh, tham dự hầu hết mọi trò chơi bạo mạnh của bọn trẻ trai đồng lứa. Nhảy bổ vào những cuộc vui săn chim bằng ná cao su, chia phe đánh giặc giả, chen chân vào các rạp coi cọp ciné..., lắm lúc Niệm quên hẳn mình là con gái, Niệm từng làm thủ môn cho đội banh của Toàn đấu với đội xóm vườn đào, xóm Ngã ba Thánh giá, và trở thành thủ môn giỏi bao giờ chẳng hay. Những buổi tắm sông Toàn đã phải nhốt Niệm vào phòng kín khóa cửa, mặc Niệm gào khóc nguyền rủa anh, Toàn nhất định không cho Niệm theo anh và bọn nhỏ leo lên kè đá bông nhông xuống dòng nước dữ. Toàn lì, Niệm còn muốn gan lì hơn anh trong mọi trò nghịch ngợm. Suốt ngày hai anh em quấn quít bên nhau, mối ràng buộc êm ái bén rễ ăn sâu trong vòng tay bao dung của ngoại. Mối rang buộc nới rộng dần theo năm tháng, cho đến một hôm, Toàn nhìn thật lâu vào đôi mắt to của cô em, chợt nhận ra rằng Niệm đã khôn lớn. Niệm thảng thốt thấy Toàn nhìn Niệm bằng khóe mắt thật dị kỳ. Khóe mắt của Toàn như chẳng phải của Toàn nữa, mà là cái nhìn của một người con trai lạ mặt nào ẩn giấu bí mật bát ngát sau cái vóc dáng quen thuộc của anh. Cái nhìn ấy ám ảnh Niệm nhiều đêm, làm nàng thấy không thể đi đứng nói cười nô đùa hồn nhiên trước mặt ông anh họ như trước được nữa. Mãi cho tới bây giờ. Cây hoàng lan vẫn còn. Tuổi lớn đã vụt đến cùng cây nạng theo Toàn bước lênh khênh. Tóc ngoại ngày mỗi bạc trắng hơn. Và Niệm lúc này, vừa từ nơi xa xôi về, ngồi nhìn dấu trũng Toàn để lại trên mặt nệm như dấu tích một lẻ loi cùng cực.
Dưới giàn đậu quyên râm bóng, ngoại ngồi bất động dõi mắt theo mấy con bướm bay lượn quanh những khóm hoa. Mọi tiếng động như hút hết lên mây, bị ngăn lại sau những mành lá. Chiều trùm xuống chỗ ngoại ngồi từng thước im lặng lớn. Chút nắng sót muộn vừa đủ nhuộm óng ánh những ngọn tóc bạc trắng phất phơ đầu mỗi hơi gió, và khẽ lả xuống cơ hồ có bàn tay bí mật nào dám hỗn hào nghịch tóc ngoại. Không hiểu nghĩ gì mà không dưng ngoại bỗng mỉm cười. Ngoại của Niệm và của Toàn đó, người Tôn nữ già đang ở thật xa chốn điện đài hoang phế. Ngoại chẳng màng gì đến những mảnh vàng son tơi tả nữa. Bây giờ tàn lọng che ngoại là giàn đậu quyên, là mái nhà lợp ngói âm dương đứng lặng giữa vùng xanh cây trái. Hài xưa nay thay thế bằng guốc gỗ mức mộc mạc thô sơ. Quạt trầm thôi không dùng nữa, quạt nan tre bồi giấy mỏng cũng thừa để ngoại quạt nóng ấp nồng. Ngoại ngồi đó, giữa lũy tre bọc ấm làng Nam Phổ, mắt hiền hậu nhìn lũ bướm tung bay, chẳng cần biết thời gian đang trôi, chiều đang lên hay chiều xuống. Ngoại mỉm cười và giật mình nghe tiếng gọi quen thuộc của đứa cháu gái.
Nhận ra Niệm, ngoại đứng lên cười thành tiếng, trách móc nhẹ nhàng: “Cháu làm ngoại giật mình, về bao giờ thế, hở?”. Niệm dựa xe đạp vào cây khế dành, sà đến ôm vai ngoại: “Ngoại đang ngồi nhớ ông cháu phải không?” - “Láo nào. Bảy mươi rồi, mày làm như ngoại còn hai mươi”. Niệm quả quyết: “Rõ ràng cháu thấy ngoại đang mơ màng mà”. Mắt ngoại âu yếm rực sáng tia nhìn vui. Ngày xưa nhan sắc ngoại nổi tiếng một vùng, ngày nay nhan sắc ấy vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt lồng khung trong tuổi già. Hai bà cháu bước dưới những tàng cây. Ngoại cầm tay Niệm nhìn từ đầu đến chân mỉm cười. Niệm ước thầm ngoại cho mình nửa nét duyên muộn màng trên nụ cười của bà. Ngoại nói: “Cháu lớn thật rồi, gả chồng là vừa vặn. Ngày xưa bằng tuổi mày ngoại đã bồng má thằng Toàn trên tay, ngày nay tụi mày chỉ giỏi ẵm búp bê nhựa”. Niệm nhìn quanh căn nhà hiu quạnh: “Anh Toàn đâu ngoại?” Ngoại lần tay vào túi áo lấy miếng trầu gấp nhỏ, miếng cau tươi bỏ vào cái cối tí hon nghiền nát, chầm chậm từ từ. Niệm nghĩ ngoại lãng tai không nghe rõ lời nàng hỏi, nhắc lại, lớn hơn: “Anh Toàn đi đâu vắng, thưa ngoại”. Ngoại đứng dừng lại: “Cháu vào ăn cơm với ngoại nhé”. Niệm bắt đầu sốt ruột, ngạc nhiên thấy ngoại chợt trầm ngâm buồn buồn, không còn vui vẻ như lúc nàng mới đến. Niệm bỗng nhớ cái tánh ưa lẫy hờn của ngoại, của những người trọng tuổi. Ngoại đang giận anh Toàn chuyện gì chăng? Niệm ghé miệng gần tai ngoại hơn: “Anh Toàn đi chơi chưa về sao ngoại?” Ngoại bỏ miếng cau trầu giã nát vào miệng, chậm rãi: “Hắn đi rồi”. Niệm lặng người trong khoảnh khắc. Mơ hồ cảm thấy có nỗi bất trắc nào đó trong sự vắng mặt của Toàn, thốt nhiên tim nàng đập mạnh: “Anh Toàn đi đâu vậy ngoại?”. Trước vẻ bối rối của Niệm, ngoại bình thản: “Lên Pleiku thăm má nó”. Niệm chưng hửng, ngẩn ngơ vì sự biến mất đột ngột của Toàn ngoài dự tưởng nàng, cùng lúc cơn giận mơ hồ dâng lên nghẹn cổ: “Anh Toàn đã hứa đợi cháu về, sao giờ lại bỏ đi hở ngoại?”. Ngoại lắc đầu: “Biết đâu, nó bảo vài bữa có mày về, mày sẽ đến ở với ngoại cho đỡ buồn”. Niệm kín đáo thở dài.
Đứng cạnh ngoại lúc này, tựa con cá trở về biển cũ, Niệm tìm thấy lại mình trong vóc dáng lặng thầm những ngày tháng sống hồn nhiên như cây cỏ. Tưởng chừng cô bé con thuở nọ, chưa một lần dời bước khỏi vườn nhà, phương xa còn mãi là những cõi khép kín bên ngoài bờ giậu. Hơi thở Niệm tan ngầm, bắt kịp dễ dàng nhịp thở của mọi thứ mọi vật đang có ở chung quanh. Hàng chậu kiểng đặt dưới chái bếp lâu ngày không cắt tỉa, cành lá xuề xòa. Chiếc áo mưa rách của Toàn treo rũ bên cái cối đá dưới gốc cây đào lộn hột dễ chừng hai ba năm không buồn đổi chỗ. Mảnh sân sau - chỗ ngoại và Niệm đang đứng - chẳng rộng cũng chẳng hẹp hơn. Giới hạn bởi bức tường cổ cả trăm năm, không ngõ giao thông với vườn nhà kế cận, mảnh sân sau là thế giới thu hẹp của những đêm sao, những trưa đong đưa võng hóng gió. Dưới hiên, chỗ đặt lu nước vẫn ẩm ướt những mặt đá nhẵn mòn. Niệm rời ngoại, đến múc từng gáo nước mát lạnh trong lu dội xuống hai bàn chân trắng hồng nổi trên màu guốc gụ, đăm đăm nhìn lên bức tường cũ kỹ. Nét dao khắc trên đó chưa phai mờ. Trong thoáng lòng ấm dịu, Niệm như nghe rõ tiếng cười của Toàn, và thấy rõ cái dáng cao cao của anh đứng cạnh bức tường, dí mũi dao nhọn vào lần vôi ám màu mưa nắng, hôm trước ngày Niệm ra đi. Hôm đó cũng có nắng vàng giống bữa nay, nhưng không có nến phượng thắp sáng nền trời, Toàn bỏ vội trái đu đủ gọt dở xuống cạnh lu nước, hoa cây dao bảo Niệm đứng yên để anh chạm vào tường dáng đứng gầy gò của người em gái. Trò chơi bất ngờ và trẻ con như thể hai anh em chưa khôn lớn. Nét dao chạy vòng theo hình chiếc bóng Niệm hắt lên tường, do ánh nắng buổi chiều đang xuống dần đầu những ngọn cây. Bức tường giờ xanh mốc thêm một lớp rêu phong, nét khắc mờ mờ tỏ tỏ. Không dưng, Niệm muốn so lại bóng mình trong dáng đứng cũ. Nàng loay hoay cố tìm một vị trí thích hợp để ánh nắng có thể dọi mình dán chặt vào đúng cái khuôn do nét dao để lại, nhưng chẳng thể, lúc này nắng đã xuống quá thấp, hắt bóng nàng lệch hẫng lên phía đầu tường. Niệm đứng lặng nhìn bóng mình mà ngỡ như bóng ai khác, mơ hồ chiếc bóng cũ đã theo Toàn ra đi. Niệm buồn bã: “Anh Toàn muốn trốn cháu hay sao mà lại bỏ đi trước khi cháu về hở ngoại?” Thấy Niệm rơm rớm nước mắt, ngoại vỗ về: “Cái thằng vô tình hết sức, nhà vườn rộng thênh thang thế này nó bỏ ngoại một mình chẳng thèm ngó lại, chỉ có mày là thương ngoại thôi”. Mở cửa vào nhà, Niệm giúp ngoại sửa soạn bữa cơm chiều, nàng không ăn vì chẳng thấy đói. Niệm xới cơm vào chén ngoại: “Anh Toàn lên Pleiku thật sao?” Ngoại cười điềm đạm: “Chứ mày nghĩ nó đi đâu bây giờ?”.
Đi đâu bây giờ? Ngoại có vẻ tin Toàn lên Pleiku thật. Nhưng Niệm chẳng tin chút nào. Từ ngày dì Khanh bước thêm bước nữa, Toàn cơ hồ coi như mẹ đã chết. Anh không hề buồn chuyện tái giá, nhưng dù sao, dì Khanh cũng đã thuộc hẳn về một đời sống khác, với những hệ lụy buồn vui nóng lạnh khác. Toàn không muốn đặt chân - dù bây giờ anh chỉ còn một chân, rất khiêm tốn - vào cái đời sống riêng đó. Dì Khanh đã kinh ngạc và khóc ngất ngày Toàn chống nạng từ quân y viện trở về, thản nhiên bắt tay ông Chánh, nói cảm ơn ông ta và hi vọng ông sẽ mang lại hạnh phúc cho mẹ trong quãng đời còn lại của bà.
Đêm đó hai người đàn ông cùng uống rượu và nói chuyện với nhau rất tương đắc, ít ra người ngoài trông vào ai cũng thấy thế. Toàn từ chối lời mời của ông Chánh, không lên Pleiku. Buổi sáng đưa mẹ ra phi trường, Toàn đã thản nhiên nói với dì Khanh: “Bây giờ mẹ thuộc về ông Chánh, còn con, con sẽ thay thế mẹ ở bên bà ngoại, ngày nào ngoại mất con sẽ báo tin rước mẹ về”. Hôm dì Khanh đi, Toàn lang thang đâu đó đến tối mịt mới về nhà, Niệm và ngoại ngồi chờ bên mâm cơm, cả hai cùng khóc.
Và, bên mâm cơm bữa nay, Niệm ngồi nhìn ngoại lẻ loi giữa căn nhà vắng trống. Có phải thời sum vầy đã qua, bây giờ là thời một mình? Ngoại có bao giờ hoài niệm chuỗi ngày xanh ngắt xưa? Áo ủ hương nồng từng nếp lụa ngà xôn xao mây gió, trâm cài tóc biếc theo chị em thả hài lướt trên những đường thơm. Gương soi nửa in mặt hoa, nửa in bóng ngự thuyền. Mộng ngời đêm lẻn trốn ra cửa đông thành trao bàn tay cho lần hẹn hò thứ nhất. Rồi khúc hát hạnh phúc lứa đôi, tiếp dài sang những khúc nổi trôi theo chồng con đèo bồng qua ngày chói chang, qua đêm tăm tối. Có mùa đông quây quần quanh chiếu ngồi, mùa xuân đông bầy cháu con hành hương hái lộc, mùa hạ lênh đênh thuyền ngược giòng Hương, đời nhẹ bồng theo tiếng đàn nhịp phách. Có ông ngoại cầm hết hàng chục mẫu ruộng thẳng cánh cò bay, thành khói sương một đêm trên chiếu bạc, gả con gái lấy chồng ngoại phải bán hết tư trang, gọi là chút hồi môn kẻo thiên hạ chê nhà ta sa sút... Xa hết, khuất mau, để giữa vầng tóc trắng bảy mươi, ngoại ngồi trơ trọi một mình. Một mình ngoại tay nâng cái chén và những miếng cơm, như và từng hạt chia rời nuốt cho trôi, cho quên nỗi ngậm ngùi cô chiếc. Một mình Toàn đâu đó bên bóng rừng đồi núi hay đường dài, chiếc nạng gõ rền nhịp đều, điệp trùng trong âm thanh buồn bã không nguôi của hàng trăm hàng ngàn chiếc nạng khác, dọc những ngã ba ngã tư khuất khúc trong long thời chiến dài rộng mênh mông. Một mình Niệm trở về ngồi đây, giữa buổi chiều của năm hai mươi tuổi, cũng buồn bã như chiều của ngoại, của người bảy mươi. Ngoại, Toàn và Niệm, mỗi người như được sinh ra để đi đứng và sống một mình.
Niệm nghe nỗi háo hức gặp ngoại, gặp Toàn phút trước, phút này khô quắt lại thành giọt đắng ngậm tê đầu lưỡi. Đùa mãi với cây nạng, khác gì kẻ tuyệt vọng ôm khúc củi mục mong nó nở hoa. Anh khẩn thiết mong Niệm về, về để thấy việc anh cưới Nguyệt là chuyện có thật. Sao Toàn chẳng đợi Niệm về? Anh không chịu đựng hơn nữa đời sống tịch mịch ở đây sao? Anh không thấy ngoại già và ngoại cần thiết sự có mặt của anh sao? Mối tình của Nguyệt và anh là chuyện hoang đường hay có thật? Cô gái đẹp, nết na ấy đã không cho anh tìm thấy chút bóng mát nguôi quên nào sao?
Tình yêu của Nguyệt vẫn không lấp đầy những khoảng trống? Niệm biết, trong Toàn có những khoảng trống thăm thẳm mở ra như miệng vực, anh nhìn xuống và thấy mình quẫy lộn dưới ấy.
Chẳng ai nói thêm lời nào nữa.
Niệm bỏ ngoại ngồi lại với mâm cơm buồn tẻ, bước ra vườn, huyễn hoặc bởi ý tưởng Toàn đang ẩn núp đâu đó sắp lên tiếng gọi mình, như thời nhỏ, mỗi lần chơi trò trốn tìm, Toàn vẫn thường trốn thật kỹ, đợi Niệm khóc chào thua mới chịu ló ra. Lần này Toàn trốn thật rồi, trốn khuất sau lớp mù sương dày mịt, chẳng thể tìm thấy được nữa. Niệm cảm tưởng nàng đã mất Toàn vĩnh viễn. Mất như tuổi thơ họ đã mất không bao giờ còn sống lại được lần nữa, thời quấn quít bên nhau.
Trở về kịp mùa hè, ngỡ rằng kịp hẹn, không hay Toàn đã nuốt hẹn bỏ đi, Niệm đứng giữa biển câm lặng mênh mông Toàn để lại, lòng hoang mang trống trải như ngày xưa mỗi lần bắt hụt những trái banh bão lốc, khác một điều, bây giờ không còn nghe tiếng Toàn trách móc cô em vụng về, dọa chẳng cho giữ chân thủ môn nữa. Lời trách móc của Toàn lúc này rì rào trong biển gió, lồng lộng khôn nguôi. Có phải Toàn trách Niệm đã bỏ anh mà đi, đã cho anh thấy anh là kẻ sinh ra chỉ để đi đứng, và sống một mình? Dù sao Toàn ra đi cũng làm Niệm chợt cảm thấy mình có nhiều điều để tự trách. Những điều trước đó nàng không hề để ý, hoặc vì quá coi nhẹ sự cần thiết của mình bên anh. Với Toàn, Niệm có thể là cả thế gian bát ngát này. Niệm vắng mặt, cả thế gian cùng khuất lấp, cái còn lại chỉ là cơn choáng váng dài dặc anh phải chống trả liên miên, chống với hai tay đã mỏi với súng đạn ba lô, những ngày nằm rừng thời trước, với cây nạng và cái chân còn lại bây giờ. Nguyệt không thể thay thế Niệm, vì Nguyệt hoàn toàn vắng mặt trong thời mộng tưởng anh. Với Nguyệt, hiện tại nóng hổi khô khốc tật nguyền luôn bày trước mặt, Toàn khó lòng làm ngơ trốn thoát. Trong khi với Niệm, Toàn được đầm mình vào dòng sông ấu thơ dịu ngọt. Dòng sông hiền lành có cội nguồn giấu ẩn trong anh trong Niệm, còn chảy thao thiết không ngừng. Tới cuối kiếp. Niệm bỗng nhớ đến khóe nhìn đăm đăm kỳ dị của Toàn thuở nào. Khóe nhìn nói một điều anh không thể nói. Và, có phải Toàn nghĩ rằng nghìn năm nàng không thể hiểu, nên anh đã nhất định giấu kín lời nói đó bằng sự biến mất, không đợi Niệm về?
Đâu đó giờ này Toàn đang gập ghềnh nạng gỗ cuối phố chợ hoặc đầu sông biển mịt mù. Trong căn nhà rộng thênh, ngoại lẻ loi với bóng tối quánh dần trên những chỗ ngồi không người trở lại. Trải kín trên mặt đất rộng mênh mang, giờ này đang có những cuộc gặp gỡ, chia tay, những đôi cặp tìm đến nhau và những người đi một mình. Giờ này hàng nghìn cánh phượng thắm bâng khuâng nhỏ máu xuống những con đường trong phố, nhuộm hồng những gót chân tình nhân. Giờ này Niệm bước lui tới dưới những tán lá thẫm ngát bóng chiều và, một lúc nào đó, thốt nhiên nàng dừng lại, sững sờ trước cây hoàng lan đã bị chặt cụt tận gốc.