Milan Kundera
Hiếu Tân dịch
Alain trầm tư về rốn
Đang là tháng Sáu, mặt trời ban sớm ló khỏi những đám mây, và Alain đang chậm rãi thả bộ dọc theo một đường phố Paris. Anh quan sát những cô thiếu nữ: tất cả đều để hở rốn giữa thắt lưng quần quá trễ và áo thun quá ngắn. Anh bị quyến rũ và thậm chí bối rối: cứ như thể sức quyến rũ của họ không còn ở đùi, ở mông, hay ở ngực họ nữa, mà đã chạy xuống cái lỗ nhỏ tròn ở tâm thân thể họ vậy.
Điều này gợi cho anh suy nghĩ: nếu một người đàn ông (hay một thời đại) coi những bắp đùi là trung tâm sức hấp dẫn của phái nữ, người ta sẽ mô tả và định nghĩa đặc trưng của khuynh hướng gợi tình ấy như thế nào? Anh ứng tác một câu trả lời: độ dài cùa bắp đùi là hình ảnh ẩn dụ của của con đường dài, mê ly (đó là lý do đùi cần phải dài) dẫn đến thành công tình dục. Quả thật, Alain tự nhủ, ngay giữa cuộc giao hoan chiều dài của những bắp đùi vẫn cho phụ nữ cái ma lực của tình ái tưởng như không bao giờ tới được.
Nếu một người đàn ông (hay một thời đại) coi những cặp mông là trung tâm sức hấp dẫn của phái nữ, người ta sẽ mô tả và định nghĩa đặc trưng của khuynh hướng gợi tình ấy như thế nào? Anh ứng tác một câu trả lời: tính bạo liệt của cơn hứng, con đường ngắn nhất tới đích, một cái đích cực kỳ kích động vì được nhân đôi.
Nếu một người đàn ông (hay một thời đại) coi những bộ ngực là trung tâm sức hấp dẫn của phái nữ, người ta sẽ mô tả và định nghĩa đặc trưng của khuynh hướng gợi tình ấy như thế nào? Anh ứng tác một câu trả lời: sự thiêng liêng của người đàn bà, Mary Đồng trinh cho Jesus bú, nam giới quỳ gối trước sứ mệnh cao quý của nữ giới.
Nhưng làm sao định nghĩa khuynh hướng dục tình của một người đàn ông (hay một thời đại) coi sức quyến rũ của nữ giới nằm ở chính giữa cơ thể họ: ở cái rốn?
Như vậy đấy: thong thả bước đi dọc các đường phố Paris, anh thường nghĩ về cái rốn, không ngại tự lặp lại mình, và thậm chí còn làm thế một cách dai dẳng kỳ lạ, vì cái rốn gợi lên trong anh một ký ức xa vời: ký ức về cuộc gặp cuối cùng với mẹ anh.
Khi ấy anh mười tuổi. Chỉ có anh và cha anh đi nghỉ, trong một biệt thự cho thuê có vườn và bể bơi. Đó là lần đầu tiên bà đến thăm cha con anh sau nhiều năm vắng mặt. Bà và chồng cũ của bà đóng kín cửa ở với nhau trong biệt thự. Nhiều dặm quanh đó, không khí trở nên ngột ngạt. Bà ở lại có lâu không? Có lẽ một hai giờ, không hơn, trong khi đó Alain tự tiêu khiển một mình trong bể bơi. Cậu bé vừa leo lên thì thấy bà dừng bước để nói lời tạm biệt. Bà đi một mình. Họ đã nói gì với nhau? Cậu không biết. Anh chỉ nhớ rằng bà ngồi trên một chiếc ghế trong vườn, và anh, vẫn mặc quần ướt, đứng trước mặt bà. Những gì hai người nói anh đã quên hết, nhưng có một khoảnh khắc ghi sâu trong trí nhớ của anh, một khoảnh khắc cụ thể, sắc cạnh: từ ghế ngồi của bà, bà nhìn chằm chằm một cách có chủ đích vào rốn con trai bà. Đến bây giờ anh còn cảm thấy cái nhìn ấy trên da bụng anh. Một cái nhìn chằm chằm thật khó hiểu: với anh hình như nó biểu hiện một sự pha trộn không thể giải thích của tình thương và khinh bỉ; đôi môi của người mẹ thoáng có dáng một nụ cười, (một nụ cười của tình thương lẫn khinh bỉ); rồi, vẫn không nhổm lên khỏi ghế, bà ngả người về phía cậu bé và đưa ngón tay trỏ chạm vào rốn cậu. Liền đó, bà đứng lên, hôn cậu, (có thật bà ấy đã hôn anh không? Có thể, nhưng anh không chắc), và ra đi. Anh không bao giờ thấy bà lần nữa.
Một người đàn bà bước ra khỏi xe hơi
Một chiếc ô tô con chạy dọc bờ sông. Không khí buổi sớm ớn lạnh làm mảnh đất vô duyên này càng thêm đìu hiu, nơi nằm giữa kết thúc của ngoại ô và mở ra vùng nông thôn, ở đây nhà cửa thưa thớt và không thấy có người đi bộ. Chiếc xe dừng bên vệ đường; một phụ nữ bước ra – trẻ, khá đẹp. Một sự lạ: bà ta đẩy cửa khép lại rất thờ ơ đến nỗi xe không được khoá. Sự thờ ơ ấy có ý nghĩa gì, trong cái thời buổi trộm cắp như rươi này? Hay là bà này quẫn trí?
Không, bà ta không hề có vẻ quẫn trí; trái lại, nét mặt bà ta hiện rõ vẻ quả quyết. Người đàn bà này biết rõ bà ta muốn gì. Người đàn bà này có ý chí rõ ràng. Bà ta bước vài trăm mét dọc theo con đường, đến một chiếc cầu bắc qua sông, một chiếc cầu khá cao, hẹp, cấm ô tô đi qua. Bà ta bước lên cầu, hướng sang bờ bên kia, nhiều lần bà nhìn quanh, không có vẻ một người được ai đó chờ đợi, mà chắc chắn chẳng có ai chờ đợi bà ta. Đến giữa cầu, bà ta dừng lại. Thoạt nhìn bà ta có vẻ ngập ngừng, nhưng không, đấy không phải là sự ngập ngừng hay bỗng nhiên dao động trong quyết định; trái lại, đó chỉ là sự tạm dừng giây lát để mài sắc thêm quyết tâm, để làm cho ý chí sắt đá hơn. Ý chí của bà ta ư? Chính xác hơn: lòng căm hờn. Vâng, phút tạm ngưng trông giống như do dự thật ra là sự kêu gọi lòng căm hờn hãy đến bên bà, nâng đỡ bà, đừng rời xa bà khoảnh khắc nào cả.
Bà vắt một chân qua bờ rào, và tung người lên không. Ở cuối điểm rơi, toàn thân bà đập dữ dội xuống mặt nước và tê đi vì lạnh, nhưng chỉ sau vài giây, bà ngẩng mặt lên, và vì bà là người bơi giỏi, tất cả phản xạ tự động của bà tràn lên cưỡng lại ý muốn chết của bà. Bà nhấn đầu xuống lần nữa, buộc bản thân phải nuốt nước, để bít đường thở. Bỗng nhiên, bà nghe thấy một tiếng hét. Một tiếng hét từ bờ xa. Có người đã nhìn thấy bà. Bà hiểu rằng chết không phải là dễ dàng, rằng kẻ thù lớn nhất của bà không phải là cái phản xạ không thể cưỡng lại của người bơi giỏi, mà là một người mà bà chưa hình dung ra. Bà sẽ phải chiến đấu. Chiến đấu để cứu lấy cái chết của bà.
Bà ấy giết
Bà nhìn về phiá tiếng hét. Có một người đang nhảy xuống nước. Bà cân nhắc: ai sẽ nhanh hơn, bà, trong quyết tâm ở lại dưới nước, để uống nước, để tự chết đuối, hay anh ta, người mới đến? Khi bà gần chết đuối, nước đã vào phổi và vì thế yếu hơn, liệu bà có dễ làm mồi cho kẻ cứu bà không? Anh ta sẽ kéo bà vào bờ, đặt bà nằm trên đất, ép cho nước ra khỏi phổi bà, ghé miệng vào mồm bà, gọi đội cứu hộ, cảnh sát, và bà sẽ được cứu và mãi mãi bị chê cười.
“Dừng lại! dừng lại!” người đàn ông hét.
Mọi sự đã thay đổi. Thay vì lặn sâu xuống nước, bà ta ngoi đầu lên và thở sâu để lấy lại sức. Anh ta đã ở trước mặt bà. Đó là một chàng trai trẻ, một thiếu niên, người hy vọng được nổi tiếng, có ảnh mình trên mặt báo. Anh ta chỉ liên tục kêu, “Dừng lại! dừng lại!” Anh đã với được một bàn tay tới bà, và bà, thay vì tránh nó, lại nắm lấy nó, kẹp chặt nó, và kéo nó (và anh kia) xuống sâu dưới đáy sông. Anh ta lại kêu, “Dừng lại!” như thể đó là từ duy nhất anh ta có thể nói. Nhưng anh ta sẽ không nói thêm được nữa. Bà ta giữ chặt cánh tay anh, dìm anh xuống đáy sông, rồi duỗi cả thân người đè dọc lên lưng chàng trai để giữ cho đầu anh chìm dưới nước. Anh cưỡng lạí, anh quẫy, anh đã uống nước, anh cố giằng người phụ nữ, nhưng bà ta vẫn nằm vững bên trên anh; anh không thể ngóc đầu lên để thở, và sau một hồi dài, rất dài, anh ngừng cử động. Bà ta giữ anh như thế một lúc nữa; như thể kiệt sức và run rẩy, bà ta nghỉ, nằm duỗi dài dọc trên người anh. Rồi, tin rằng chàng trai bên dưới bà ta không còn động đậy được nữa, bà ta thả anh ra, và quay người về phiá bờ sông mà từ đó bà ta đến, sao cho không giữ lại trong người bà dù chỉ là cái bóng của những gì vừa mới diễn ra.
Nhưng rồi sau đó thì sao? Bà ta đã quên quyết định của mình rồi sao? Tại sao bà ta không tự mình chết đuối, vì cái người định cướp cái chết khỏi tay bà đã không còn sống nữa? Tại sao, bây giờ khi bà đã tự do, bà không đi tìm cái chết nữa?
Sự sống được hồi phục bất ngờ là một cú sốc đã phá vỡ quyết định của bà ta; bà đã mất sức mạnh để tập trung nghị lực vào việc chết. Bà rùng người, bỗng nhiên bị tước hết mọi ý chí, mọi sự hăng hái, bà máy móc bơi về nơi bà để xe.
Bà ta về nhà
Dần dần, bà cảm thấy nước bớt sâu, chân bà chạm đáy sông, bà đứng lên, đôi giày đã mất trong bùn và không còn sức để tìm nó nữa; bà để chân trần rời khỏi nước leo bờ lên đường.
Thế giới được khám phá lại có một vẻ không mến khách, và một nỗi lo âu bỗng chiếm lấy bà: bà không có chià khoá xe! Nó đâu rồi? Váy bà không có túi.
Lao đầu theo cái chết, người ta không lo lắng về những thứ người ta đánh rơi dọc đường. Khi bà rời khỏi xe, tương lai không tồn tại. Bà không có gì phải giấu. Trong khi bây giờ, bỗng nhiên bà phải giấu giếm đủ thứ. Không được để lại dấu vết. Nỗi lo sợ của bà mạnh dần lên: chìa khoá đâu, làm sao về nhà?
Bà tiến đến xe, bà kéo cửa, và trước sự ngạc nhiên của bà, nó mở ra. Chiếc chìa khoá đang chờ bà, nó bị bỏ quên trên bảng điện. Bà ngồi vào sau tay lái và đặt bàn chân trần lên bàn đạp. Bà vẫn còn run. Bây giờ bà run cả vì lạnh nữa. Áo váy bà sũng nước, nước sông bẩn chảy khắp nơi. Bà xoay chià khóa và lái đi.
Con người cố áp đặt sự sống lên bà đã chết đuối, và con người mà bà cố giết trong bụng bà vẫn sống. Ý nghĩ tự tử đã biến đi vĩnh viễn. Không trở lại. Người trai trẻ đã chết, cái bào thai vẫn sống, và bà sẽ làm tất cả những gì có thể để không ai phát hiện chuyện đã xảy ra. Bà đang run, và ý chí của bà sống lại, bà không nghĩ gì ngoài cái tương lai trước mắt: làm sao ra khỏi xe mà không bị ai nhìn thấy? Làm sao lủi, trong bộ váy áo nhỏ giọt thế này, qua cửa sổ nhà người gác cổng mà không bị ông ta nhận ra?
Alain cảm thấy một cú đấm mạnh lên vai anh. “Cẩn thận, đồ ngu!”
Anh quay lại và thấy một cô gái đang đi ngang qua anh trên vỉa hẻ với những bước dài quả quyết và vội vã.
“Xin lỗi” anh kêu sau lưng cô ta (bằng giọng ẻo lả của anh).
"Cứt chó”cô ta trả lời (bằng giọng mạnh mẽ của cô) mà không quay lại.
Những người xin lỗi
Hai hôm sau, một mình trong căn hộ nhỏ của anh, Alain nhận ra rằng anh vẫn còn cảm thấy đau ở vai, và quyết định rằng người phụ nữ trẻ đã xô đẩy anh trên hè phố chắc chắn làm thế là có mục đích. Anh không thể quên cái giọng the thé của cô ta gọi anh là “đồ ngu” và anh nghe lại lời van vỉ của anh “Xin lỗi,” tiếp theo là câu trả lời "Cứt chó!” Lại một lần nữa, anh đã xin lỗi vào chỗ hư không. Tại sao luôn là cái phản xạ xin lỗi ngu ngốc này? Ký ức này sẽ không rời bỏ anh, và anh cảm thấy anh phải nói với một ai đó. Anh gọi cho bạn gái của anh, Madeleine. Nàng không ở Paris, và điện thoại di động của nàng tắt. Bởi vậy anh bấm số của Charles, và vừa nghe thấy tiếng người bạn, anh đã xin lỗi. “Đừng giận nhé. Tớ đang trong tâm trạng rất tệ. Tớ cần nói chuyện.”
“Đúng lúc đấy. Tớ cũng đang điên đây. Nhưng cậu làm sao?”
“Bởi vì tớ đang cáu với bản thân. Tại sao tớ lại tìm mọi cơ hội để cảm thấy có lỗi?”
“Thế cũng không tệ lắm”
“Cảm thấy có lỗi hay không cảm thấy có lỗi, tớ nghĩ đó là tất cả vấn đề. Cuộc sống là một cuộc đấu tranh của tất cả chống lại tất cả. Điều ấy ai cũng biết. Nhưng cuộc đấu tranh ấy tác động như thế nào trong một xã hội ít nhiều văn minh? Người ta không thể vừa trông thấy nhau là xông vào tấn công nhau. Cho nên họ cố ném cái nhục của tội lỗi lên nhau. Người làm cho người khác cảm thấy có tội là người thắng. Ai thú nhận mình có tội là thua. Anh đang bước đi trên hè phố, chìm đắm trong suy tư. Một cô gái đi đến, cứ phăm phăm thẳng tiến như thể cô ta là người duy nhất trên trái đất, không nhìn phải nhìn trái gì cả. Hai người đâm sầm vào nhau. Và đó, một khoảnh khắc của sự thật: ai sẽ mắng té tát người kia, và ai sẽ xin lỗi? Đó là một tình huống cổ điển: thật ra, cả hai đều là người xô và người bị xô. Tuy nhiên một số người luôn luôn – ngay lập tức, tự động coi mình là người xô, và như thế ở về phía sai. Và người kia luôn luôn – ngay lập tức, tự động coi mình là người bị xô, và như thế ở về phía đúng, mau chóng kết tội và đòi trừng phạt người kia. Cậu thì sao, trong tình huống ấy, cậu sẽ xin lỗi hay kết tội?”
“Tớ ấy à, tớ chắc chắn xin lỗi.”
“Ôi, bạn tội nghiệp của tôi, thế là cả cậu nữa, cậu cũng thuộc đội quân những người xin lỗi. Cậu mong xoa dịu người kia bằng những lời xin lỗi của cậu.”
“Nhất định rồi.”
“Và cậu là sai. Người nói lời xin lỗi là kẻ tuyên bố rằng anh ta có lỗi. Và nếu cậu tuyên bố rằng cậu có lỗi là cậu khuyến khích người kia chửi mắng trách móc cậu một cách công khai, cho đến chết. Đấy là hậu qủa không tránh được của lời xin lỗi đầu tiên.”
“Đúng đấy. Người ta không nên xin lỗi. Thế nhưng tôi thích một thế giới ở đó mọi người đều xin lỗi, không có ngoại lệ, không mục đích, không quá đáng, không vì cái gì cả, nơi mọi người chất nặng những lời xin lỗi.”
Alain cầm điện thoại lên gọi cho Madeleine lần nữa. Nhưng điện thoại của nàng đổ chuông vô ích. Như anh thường làm trong những lúc tương tự, anh hướng chú ý vào một tấm ảnh treo trên tường. Trong căn hộ nhỏ của anh chỉ có mỗi bức ảnh này: khuôn mặt một phụ nữ trẻ – mẹ anh.
Vài tháng sau khi sinh Alain, bà đã bỏ chồng, ông, với bản tính thận trọng của mình, không bao giờ nói xấu về bà. Ông là một người đàn ông lịch lãm, tinh tế. Đứa bé không hiểu tại sao một phụ nữ có thể bỏ một người đàn ông lịch lãm, tinh tế như thế, và lại càng không hiểu sao bà có thể bỏ con trai của bà, người cũng là (như anh nhận ra) một người lịch lãm, tinh tế ngay từ thơ ấu, (nếu không nói ngay từ trong bụng mẹ.)
“Mẹ sống ở đâu?” anh hỏi cha.
“Có lẽ ở Mỹ.”
“Ý cha nói gì, ‘có lẽ’?”
“Cha không biết địa chỉ của bà ấy.”
“Nhưng mẹ có bổn phận phải cho cha biết.”
“Bà ấy chẳng có bổn phận gì với cha cả.”
“Nhưng với con? Mẹ không muốn nghe tin tức về con sao? Mẹ không muốn biết con đang làm gì sao? Mẹ không muốn biết con nghĩ gì về mẹ ư?”
Một hôm cha tôi mất hết kiên nhẫn.
“Vì con cứ nài nỉ, cha sẽ cho con biết: Mẹ của con không bao giờ muốn sinh con ra. Bà ấy không bao giờ muốn có con ở đây, ngồi chôn chân trong chiếc ghế bành dễ chịu này, nơi con đang ngồi rất thoải mái. Bà ấy không muốn liên quan gì tới con. Nào bây giờ con đã hiểu chưa?”
Cha tôi không phải là người hung hăng. Nhưng, mặc dù hết sức kiềm chế, ông không giấu nổi sự bất bình sâu sắc với người đàn bà đã cố sức ngăn cản một sinh linh ra đời.
Tôi đã tả cuộc chạm mặt cuối cùng của Alain với mẹ anh, ngoài bể bơi của một căn nhà thuê nghỉ hè. Hồi ấy anh mười tuổi. Anh mười sáu tuổi thì cha chết. Sau đám tang mấy ngày, anh bóc một bức ảnh của mẹ ra khỏi album gia đình, và đóng khung treo nó lên tường. Tại sao không có ảnh của cha anh trong căn hộ của anh? Tôi không biết. Điều ấy không hợp lý? Chắc chắn rồi. Bất công? Không nghi ngờ gì. Nó là thế đấy. Trong căn hộ nhỏ của anh, trên tường chỉ có một bức ảnh duy nhất: bức ảnh của mẹ anh. Với nó, lâu lâu anh lại nói chuyện.
Sinh ra một người xin lỗi như thế nào?
“Tại sao mẹ không phá thai? Tại cha ngăn cản mẹ à?”
Một giọng nói đến với anh từ bức ảnh. “Con sẽ không bao giờ biết chuyện đó. Mọi điều con tưởng tượng về mẹ chỉ là những chuyện cổ tích. Nhưng mẹ thích những chuyện cổ tích của con. Ngay cả khi con làm mẹ thành ra một kẻ giết người, đã dìm chết một người đàn ông trong khúc sông ấy. Mẹ thích cả. Giữ lấy nó, Alain ạ. Hãy kể cho mẹ một câu chuyện. Tiếp tục tưởng tượng đi. Mẹ nghe đây.”
Và Alain tưởng tượng. Anh tưởng tượng người cha trên thân thể mẹ anh. Trước khi giao hợp, bà cảnh báo ông: “Em chưa uống thuốc, cẩn thận đó!” Ông trấn an bà. Do đó bà làm tình không chút ngờ vực. Rồi, khi bà thấy dấu hiệu cực đỉnh xuất hiện trên mặt ông, bà kêu lên, “Coi chừng!” rồi “Không! Không! Em không muốn!” Nhưng khuôn mặt người đàn ông càng lúc càng đỏ, đỏ và đáng ghét, bà cố đẩy sức nặng của cái thân hình ấy, cố thủ chống lại nó, bà vùng vẫy, nhưng ông giữ bà chặt hơn, và bà hiểu rằng đối với ông đây không phải là cái dục vọng mù quáng mà là ý chí – cái ý chí lạnh lùng, có suy tính– trong khi đối với bà nó không chỉ là ý chí, nó là căm thù, lòng căm thù dữ dội vô cùng vì bà đã thua cuộc.
Đây không phải lần đầu Alain tưởng tượng ra cảnh giao hợp của họ; cuộc giao hoan này ám ảnh anh và gợi cho anh cái giả định rằng mọi con người là bản sao chính xác của cái khoảnh khắc thụ thai của nó. Anh đứng trước gương và khảo sát khuôn mặt mình, xem có dấu vết nào của những căm thù song đôi, đồng thời, dẫn đến việc sinh ra anh: lòng căm thù của người đàn ông và lòng căm thù của người đàn bà vào cái khoảnh khắc cực khoái của người đàn ông, lòng căm thù êm dịu và mạnh mẽ về thể chất, đi đôi với lòng căm thù cang cường và yếu đuối về thể chất.
Và anh nghĩ rằng kết quả của lòng căm thù song đôi ấy chỉ có thể là một người xin lỗi. Anh dịu dàng và thông minh như cha anh; và anh luôn luôn là người xâm phạm, người bắt người khác phài chịu đựng mình, như mẹ anh đã nghĩ về anh. Một người vừa là người xâm phạm lại vừa dịu dàng bị kết án bởi một logic không khoan nhượng, phải xin lỗi trong suốt cuộc đời. Anh nhìn lên gương mặt trên tường và một lần nữa anh lại thấy người đàn bà trong bộ váy áo rỏ nước ròng ròng, chui vào ôtô, lủi nhanh không bị nhận ra qua cửa sổ nhà người gác cổng, leo lên thang gác, và, chân trần, trở về căn hộ nơi bà vẫn ở đó cho đến khi kẻ xâm phạm chui ra khỏi ngưởi bà. Và nơi, mấy tháng sau, bà sẽ bỏ cha con họ mà đi.
Cây Eve
Alain đang ngồi trên sàn nhà trong căn hộ nhỏ của anh, dựa lưng vào tường, đầu gục xuống: hình như anh đang gà gật? Một giọng đàn bà đánh thức anh.
“Mẹ thích mọi chuyện con nói với mẹ từ trước đến giờ, mẹ thích mọi thứ con bịa ra, và mẹ không có gì thêm vào đó cả. Chỉ trừ, ừ, có lẽ, về cái rốn. Đối với trí óc con, một mẫu đàn bà không có rốn là một thiên thần. Đối với mẹ, đó là Eve, người đàn bà đầu tiên. Nàng sinh ra không phải từ một cái bụng, mà từ ý định bất chợt của Đấng Sáng tạo, một ngẫu hứng của Người. Chính là từ âm hộ của nàng, âm hộ của người đàn bà không-rốn, sinh ra sợi dây rốn đầu tiên. Nếu mẹ tin vào Kinh Thánh, thì còn có những dây rốn khác nữa: mỗi cáí dính vào một người đàn ông bé tí và một người đàn bà bé tí. Thân thể đàn ông không có phần nối dài, hoàn toàn vô dụng, trong khi từ cơ quan sinh sản của người đàn bà có một sợi dây khác, ở cuối mỗi sợi dây ấy một người đàn bà hoặc đàn ông, và tất cả, hàng triệu và hàng triệu nhân lên, biến thành một cái cây khổng lồ, một cái cây hình thành từ vô vàn thân thể, một cái cây mà những cành của nó vươn tới trời. Tưởng tượng xem Cái cây khổng lồ ấy bắt rễ từ âm hộ của một người đàn bà bé nhỏ, người đàn bà đầu tiên, nàng Eve không-rốn tội nghiệp.
“Khi mẹ có thai, mẹ thấy bản thân mẹ là một phần của cái cây ấy, lủng lẳng từ một trong những đầu dây của nó, và con, chưa sinh ra – mẹ tưởng tượng con bơi trong khoảng không, móc vào một đầu dây từ cơ thể mẹ, và từ lúc đó trở đi mẹ mơ thấy một cảnh ám sát, rạch cổ họng của người đàn bà không-rốn. Mẹ tưởng tượng thân thể nàng đau dữ dội, nát bấy, cho đến khi toàn bộ cái cây khổng lồ ấy mọc lên từ nàng – lúc này bỗng nhiên không chằng không rễ – bắt đầu đổ xuống. Mẹ nhìn thấy những cành lá toả ra vô hạn của nó đổ xuống rào rào như một cơn mưa rào bất chợt, và – con có hiểu không – những gì mẹ mơ thấy không phải là sự kết thúc của lịch sử loài người, cùng với tương lai và quá khứ của nó, với mở đầu và tận cùng của nó, cùng với toàn bộ chiều dài tồn tại của nó, với tất cả ký ức của nó, với Nero và Napoleon, với Phật và Jesus. Mẹ muốn sự hủy diệt hoàn toàn cái cây bắt rễ từ trong cái bụng nhỏ không-rốn của người đàn bà ngu muội đầu tiên, đã không biết mình đang làm gì, hay chúng ta sẽ phải trả cái giá khủng khiếp nào cho cơn hoan lạc khốn khổ của nàng, là cái chắc chắn chẳng mang lại cho nàng niềm vui mong manh nhất.
Giọng nói của người mẹ tắt lịm, và Alain lại dựa vào tường, ngủ gật.
Cuộc đối thoại trên xe mô tô.
Sáng hôm sau, khoảng mười một giờ, Alain có cuộc gặp với các bạn của anh, Ramon và Caliban, trước cửa bảo tàng gần Vườn Luxembourg. Trước khi rời khỏi nhà, anh quay lại nói tạm biệt với mẹ trong bức ảnh. Sau đó anh đi xuống phố và bước về phía chiếc mô tô của anh, đậu không xa căn hộ.
Khi ngồi lên xe, anh có một cảm giác mơ hồ là có một thân thể dựa vào lưng anh. Như thể Madeleine đang đi với anh và khẽ chạm vào anh. Ảo ảnh làm anh rung động; như là biểu lộ tình yêu mà anh dành cho cô gái của anh. Anh nổ máy.
Rồi anh nghe một giọng nói sau lưng: “Tôi muốn nói thêm chút nữa.”
Không, đó không phải là Madeleine; anh nhận ra giọng của mẹ anh.
Lưu thông chậm, và anh nghe: “Mẹ muốn rằng không có sự hiểu lầm giữa mẹ và con, rằng mẹ con ta hiểu nhau hoàn toàn –”
Anh phải phanh lại. Một người đi bộ len lỏi giữa những ô tô để sang đường và quay về phía Alain với một cử chỉ hăm dọa.
“Mẹ sẽ nói thẳng. Chúng ta luôn luôn cảm thấy kinh khủng khi đưa một người vào thế giới này khi người đó không có yêu cầu ấy.”
“Con biết.”
“Hãy nhìn xung quanh con. Tất cả những người mà con nhìn thấy, không có ai ở đây theo ý nguyện riêng của họ. Tất nhiên, điều mẹ vừa nói là một sự thật tầm thường nhất. Quá tầm thường, quá cơ bản, đến mức chúng ta đã thôi không nhìn nó và nghe nó nữa.”
Trong nhiều phút anh chạy trên một làn đường giữa một xe tải và một xe con, và bị ép từ cả hai bên.
“Người ta cứ huyên thiên về các quyền con người. Thật là nhảm. Sự tồn tại của con người không dựa trên một quyền nào cả. Thậm chí người ta không cho phép anh tự kết liễu cuộc đời anh theo lựa chọn của riêng anh, những kẻ bảo vệ nhân quyền ấy.”
Đèn tín hiệu ở ngã tư bật đỏ. Anh dừng xe. Những người đi bộ ở hai bên hè phố bắt đầu đi sang phía đối diện.
Và người mẹ tiếp tục: “Nhìn tất cả bọn họ xem! Nhìn đi! Ít nhất một nửa số người mà con trông thấy là xấu xí. Là xấu xí – đó chẳng phải cũng là quyền con người sao? Và con có biết mang theo cái xấu xí ấy suốt cả cuộc đời là thế nào không? Không một phút nào khuây khoả. Hay giới tính của con? Con chưa bao giờ chọn nó. Hay mầu mắt của con? Hay thời đại của con? Hay đất nước của con? Hay mẹ của con? Không cái nào trong số đó thành vấn đề. Những quyền mà một con người có thể có chỉ dính dáng đến những thứ vô nghĩa, những thứ không có lý do gì để chiến đấu cho nó hay để viết những tuyên bố vĩ đại cả!”
Anh tiếp tục lái đi, và giọng của người mẹ dịu dàng hơn. “Con có mặt trên đời này như con hiện nay là do mẹ đã yếu đuối. Đó là lỗi của mẹ. Hãy tha thứ cho mẹ.”
Alain im lặng, sau đó anh nói, giọng nhỏ nhẹ: “Mẹ có lỗi vì cái gì? Vì đã không có đủ sức mạnh để ngăn không cho con ra đời ư? Hay đã không hoà giải bản thân mẹ với cuộc đời con, một cuộc đời, như nó diễn ra, đã không quá tệ?” .
Sau một thoáng im lặng, bà trả lời, “Có lẽ con nói đúng. Như thế thì mẹ có lỗi đến hai lần.”
“Con mới là người nên nói lời xin lỗi.” Alain nói. “Con đã rơi vào cuộc sống của mẹ như một cục phân bò. Con đã đuổi mẹ chạy sang Mỹ.”
“Hãy vứt lời xin lỗi của con đi! Con thì biết gì về cuộc sống của mẹ, hở thằng ngố của mẹ? Mẹ có thể gọi con là thằng ngố không? Ừ, đừng giận, theo ý mẹ thì con là một thằng ngố. Và con có biết cái ngố của con đến từ đâu không? Từ lòng tốt của con đấy! Lòng tốt ngớ ngẩn của con!”
Đã đến Vườn Luxembourg. Anh đậu xe.
“Mẹ đừng cản, để con xin lỗi.” Anh nói. “Con là một người xin lỗi bẩm sinh. Đó là cách mẹ sinh ra con, mẹ và cha. Và, như thế đấy, là một người xin lỗi, con hạnh phúc. Con thấy thoải mái khi chúng ta xin lỗi nhau, mẹ và con. Chẳng phải đáng yêu sao, việc xin lỗi nhau ấy?”
Rồi họ bước về phía bảo tàng. ♦
Dịch Pháp – Anh: Linda Asher .(The New Yorker)
Dịch Anh –Việt: Hiếu Tân. 10 June 2015