Múa rối nước còn nhiều thất truyền, ban đầu chưa mấy người quan tâm sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn các làng nghề rối nước Việt Nam. Người nghiên cứu đầu tiên ông Tô Sanh (dân Nam tập kết ra Bắc), do cơ duyên ông lại đến với rối nước đồng bằng Bắc Bộ, còn dân Bắc chẳng mấy quan tâm. Sau ông là Nguyễn Huy Hồng, ông cố lôi kéo bằng được một cô học trò vào nghề, nay chẳng còn ai theo nghiên cứu múa rối.
Khi “Ăn nên làm ra” hình như cả nước là các “Nhà Nghiên cứu” rối nước, ai cũng viết bài định nghĩa nghệ thuật rối nước, nguồn gốc ra đời, đặc trưng, đặc điểm nghệ thuật, lịch sử rối nước, chưa kể đến 11 luận văn nghiên cứu ở cấp độ: Đại học, thạc sỹ, các công ty du lịch, trường đại học nghiên cứu múa rối nước. Thực tiễn múa rối nước tồn tại phát triển đến nay kiếm ra tiền từ những người thầm lặng làm nghề, họ là các nghệ nhân dân gian những phường rối đồng bằng Bắc Bộ, dù đói no gian khổ bao nhiêu cố giữ nghiệp tổ. Người tiếp lửa là các diễn viên, họa sỹ, tác giả, nhạc công đoàn múa rối chuyên nghiệp. Nhiều đoàn gặp khó khăn gian khổ, đôi lúc chẳng ai quan tâm phải nhắm mắt đưa chân mặc dư luận chê cười vẫn phục giữ nghề rối nước, rối cạn. Tiêu biểu như Đoàn Múa rối Hà Nội phải ẩn sau rạp Kim đồng, có thời khắc ngàn cân treo sợi tóc tan vỡ giải thể đoàn. Lúc ấy, ông Lê Văn Ngọ đứng lên gom tiền, vàng cùng nhiều diễn viên hoạt động từ hai bàn tay trắng từ doanh thu tồn tại. Thời gian đầu chỉ diễn vào thứ bảy chủ nhật, khán giả Việt, người nước ngoài chưa biết đến thương hiệu Đoàn Múa rối Hà Nội, sau lên Nhà hát Múa rối Thăng Long. Từng bước, Đoàn Múa rối Hà Nội doanh thu hai ba trăm triệu đồng/năm, lên Nhà hát thu 15-20 tỷ năm, ôi vĩ đại quá! Ngày nay, doanh thu trên 40 tỷ đồng/năm, một doanh số không thể mơ tới. Chỉ tiếc! Rối nước, rối cạn trước đây sống dậy nhờ công chúng người dân Việt (khán giả Hà Nội nuôi đoàn rối của mình) nhưng càng về sau người xem lại quên lãng múa rối, doanh thu cao, rối nước càng xa rời khán giả tiềm năng nguồn cội. Liệu đây có là một thất truyền?
Sau Đoàn Múa rối Hà Nội, Đoàn Múa rối Hải Phòng, những năm tháng người diễn viên lận đận gian lao giữ thương hiệu đầy đủ: Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng. Các diễn viên cho con rối trang phục vào cái hòm gỗ, đi xe đạp đến các trường phổ thông diễn phục vụ học sinh kiếm chút tiền còm để duy trì nghệ thuật múa rối. Nếu không vì nghề đi làm việc khác kiếm tiền đỡ vất vả, không bị buồn tủi vì nhiều buổi diễn, diễn viên đông hơn người xem…Bên cạnh đó phải kể đến những nghệ sỹ tài năng, các họa sỹ, tác giả làm nghề như Nguyễn Văn Nghĩa, Đặng Lợi, Vũ Đình Thịnh, Tuấn Khanh, Ngô Quỳnh Giao, Đặng Ánh Ngà, Chu Lượng…thầm lặng sưu tầm bảo tồn, sáng tạo nhân vật rối. Sự hy sinh gian khổ các diễn viên, nghệ sỹ chuyên nghiệp sống vì nghề, giữ nghiệp theo cách riêng, các nghệ nhân dân gian lại khốn khó trên đồng ruộng bên ao làng giữ múa rối nước trước những điều “điên rồ không tưởng”…Nhiều gia đình nghệ nhân phường rối Đông Ngư Thuận Thành Bắc Ninh, Đào Thục Đông Anh, Làng Nguyễn Thái Bình… từng phớt lờ dư luận chuyên tâm phục dựng rối nước. Rối nước ngày nay đang phát triển mạnh xuyên qua bao thăng trầm lịch sử, nhiều phường rối bị xóa sổ đã phục dậy trong nhịp sống thời đại mới. Đây lại thêm một lý do thất truyền nghệ thuật rối nước! Các phường rối xưa phát triển mang bí truyền riêng, không làm theo nhau, na ná giống nhau, tiếc rằng những phường rối, con rối cổ nay không còn nữa. Cả nước hôm nay chỉ phường rối làng Nguyễn Thái Bình có hai chú Tễu do nghệ nhân lưu giữ trước năm 1945, còn lại toàn những con rối tạo hình mới. Phải chăng đây lại một thất truyền? Nếu mỗi phường rối còn hệ thống các nhân vật rối cổ những năm đầu thể kỷ XX, thì họ đã lưu giữ nhiều đặc điểm văn hóa người nông dân Bắc Bộ dưới thời phong kiến thuộc Pháp giúp ta một cái nhìn tổng quan nghệ thuật tạo hình con rối cùng những nét lịch sử nghệ thuật múa rối nước dân tộc. Mỗi nhân vật rối nghệ nhân tạo ra mang đậm ý nghĩa văn hóa lịch sử con người thời đại, phản ánh hiện thực đời sống xã hội bằng nhận thức một thời đã qua ngôn ngữ nghệ thuật múa rối nước, nghệ thuật tạo hình con rối. Nghệ thuật múa rối nước liu giữ nhiều bí truyền chưa biết đến trên ba đặc điểm:
Nghệ thuật tạo hình con rối.
Nguyên lý chế tác bộ máy điều khiển con rối.
Chất liệu chế tác con rối.
Đây những bí truyền nghệ thuật múa rối nước phản ánh nhận thức người nghệ nhân dân gian quá trình tư duy sáng tạo nhân vật rối, nhân vật ấy là người nông dân, những đồ vật, con vật…mang dấu ấn lịch sử một thời để biết. Ngày nay, hầu như chúng ta chỉ thấy những nhân vật rối tạo hình mới diễn trò cũ, chưa phản ánh chân thực văn hóa rối nước về người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật tạo hình con rối nghệ nhân dân gian xưa mang dấu ấn sinh hoạt văn hóa, lịch sử làng xã người nông dân Việt thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Người nông dân lam lũ mò cua, bắt ốc, rau cháo quanh năm, “Bán mặt cho dất, bán lưng cho giời”.
Con rối xưa, thân dài rắn chắc, phần chìm dưới nước làm đế ẩn chứa bộ máy điều khiển. Máy điều khiển mỗi phường một bí truyền riêng, dù về nguyên lý chế tác gần giống nhau nhưng phương thức hoạt động vận hành mang kinh nghiệm riêng. Mỗi phường một bí truyền cấu trúc hệ thống bộ máy điều khiển các loại máy:
Máy cứng.
Máy kìm.
Máy ngang.
Máy dây (máy mềm).
Con rối điều khiển từ các loại sào, hoặc dây, mỗi phường mang bí truyền riêng. Nhiều phường sử dụng máy sào, sào tre dài 4m, có nơi độ dài xa tới 7m…Máy sào đơn giản giữ con rối cử động, máy phức tạp con rối diễn nhiều động tác như người. Bộ máy điều khiển con rối công phu, phức tạp, chế tác hai loại máy cứng và mềm, còn gọi máy sào, hoặc máy dây. Máy dây điều khiển nhiều con rối, máy sào ít hơn. Hiện nay, một số nơi kết hợp máy sào, máy dây điều khiển con rối nhiều động tác hoạt động như người diễn viên sân khấu, tạo bước đột phá nghệ thuật hành động con rối.
Nhiều nơi quen chế tác con rối bằng gỗ sung, đây ẩn chứa bí truyền khi ra đời một con rối. Nghệ nhân tuyển chọn các bước: Quy cách chọn gỗ, chọn thớ gỗ mịn, gỗ già, phơi khô…Bước tiếp theo kỹ thuật tạo hình con rối, tạo dáng, nét mặt, tay chân, đặc tả tính cách nhân vật đẹp, ấn tượng kỳ ngộ. Đây những bí truyền, nghệ nhân phải tay nghề cao mới sáng tạo những con rối gây ấn tượng mạnh hấp dẫn chinh phục người xem, một thành công không nhỏ nghệ thuật múa rối nước. Con rối còn vượt qua các bước: Sơn phủ màu, đánh bóng, ngâm nước nắng mưa không phai màu… là những bí kíp nghề tạo hình con rối dân gian. Nhiều người chỉ biết đến gỗ sung chế tác con rối, thực tiễn còn nhiều loại vật liệu khác: Gỗ mỡ, thòng mục, gỗ duối, gỗ vông, vàng tâm, gỗ chảu, gỗ mít, chất dẻo…chất liệu chế tác đi theo khoa học công nghệ đang biến đổi hình hài con rối. Với những tiết mục rối hiện đại chế tác từ chất dẻo nhanh đẹp, đặt bộ máy điều khiển đơn giản thuận lợi các con rối động vật: Rái cá, chim cánh cụt, cá voi, cá mập, cá sấu… Nhưng riêng rối dân gian thì chất liệu gỗ với phương thức chế tác thủ công chưa thể bỏ qua, bởi đó là nghệ thuật dân tộc truyền thống, vốn cổ nghệ nhân.
Nghệ thuật rối nước đang đánh mất nhiều bí truyền từ các nghệ nhân làng nghề phường rối, xưa mỗi làng nhiều trò diễn riêng. Phường rối Đào Thục nhiều trò đặc sắc: Trâu chui ống, Dệt cửi, Lên võng xuống ngựa, Phùng Hưng đánh hổ. Phường rối làng Nguyễn có có 31 trò, nhiều trò đặc sắc: Bật cờ cùng một lúc 12 lá cờ từ dưới nước bật tung lên, pháo chuột chạy xung quang mặt nước. Đây những bí truyền nghề rối nước chưa thể biết đến kỹ thuật làm pháo, bật cờ. Nghệ thuật diễn rối nước, Chú Tễu múa, pha trò trong tiết mục Tễu múa. Chú Tễu múa bằng ngôn ngữ động tác hình thể, không diễn lời thoại, một trò diễn nguyên gốc múa rối nước làng Nguyễn, một minh chứng nghệ thuật Múa rối cổ nhân dân gian. Tuy nhiên, rối nước sống với chèo nên chú Tễu thường giáo trò bằng lời thoại pha trò cười. Chú Tễu Muá, diễn pha trò bằng ngôn ngữ tạo hình thể, đây mới đồng bộ cùng hệ thống ngôn ngữ múa rối không lời thoại, khi Tễu ra trò diễn lời thoại là sự du nhập từ chèo vào… Không ít người quên lãng cứ nghĩ rối nước, rối cạn xưa diễn trò mang lời thoại, Tễu giáo trò, các con rối nói lời thoại văn học kịch như người nói… Nhưng nghệ thuật múa rối dân gian xưa, rối nước, rối cạn diễn trò bằng ngôn ngữ động tác hình thể không nói lời thoại. Múa rối là nghệ thuật xếp trò, diễn kể lại những nét sinh hoạt người nông dân văn hóa làng xã thông qua ngôn ngữ biểu cảm động tác hình thể con rối. Đây mới là nghệ thuật múa rối dân gian nguyên gốc. Do thất truyền, một thời kịch nói hóa múa rối, sau này con rối diễn trò nhời như sân khấu chèo. Mọi người coi đây là thế mạnh tài giỏi, mới lạ nghệ thuật múa rối có con rối đi lại, hát nói như người diễn viên sân khấu. Thực chất người ta quên phương thức diễn trò không lời thoại, bằng ngôn ngữ hình thể con rối biểu cảm tích trò mới là nghệ thuật đích thực như tên gọi các nghệ nhân đặt tên: Múa rối. Sự sai lầm chết người này dẫn đến một Hội đồng Khoa học thuộc Bộ Văn hóa thông tin thể thao&du lịch, quy định phải gọi tên:Rối nước-Không được gọi là Múa rối nước. Theo họ, rối nước không có múa, do những thất truyền, nhiều người hiểu sai nội dung cơ bản một loại thể trò diễn sân khấu dân gian dân tộc. Những sai lầm khái niệm nghệ thuật cơ bản này sẽ đưa nghệ thuật múa rối, bao gồm rối nước, rối cạn đi đâu? Câu trả lời: Múa rối đã đánh mất bản thể nghệ thuật dân gian tối cổ!
Nghệ thuật múa rối gồm: Múa rối nước, múa rối cạn nghệ nhân xưa diễn trò không lời thoại, lấy con rối làm ngôn ngữ biểu cảm động tác hình thể mô tả lại tích trò sinh hoạt thôn dã, lao động sản xuất… Nhiều phường rối còn diễn các trò nông: Cày bừa, Đi cấy, Dệt cửi, Trâu chui ống, Sỹ nông công thương…Các trò du hý: Múa bát tiên, Đánh đu, Nhi đồng hứng thủy, Kéo co, Chọi trâu, Múa lân, Chèo thuyền. Diễn trò ngư: Câu cá, Kéo vó, Câu ếch, Đánh cá, Xiếc cá, Riu tôm…các trò diễn bằng ngôn ngữ động tác, không lời thoại. Phương thức trình diễn này, là nghệ thuật Việt cổ đã chạm đến các hình thức nghệ thuật hậu hiện đại: Múa biểu cảm, Kịch hình thể, kịch câm…mang ký hiệu học tín hiệu thông tin nghệ thuật thế kỷ XXI, chẳng tự hào lắm sao?
Cảnh báo những thất truyền nghệ thuật múa rối hiện nay:
Múa rối nước cần bảo liu nuôi dưỡng các nghệ nhân dân gian theo chế độ chính sách tại phường múa rối, khuyến khích các cụ truyền hết nghề vì nghệ thuật văn hóa dân tộc.
Những tiết mục múa rối, cần trở lại diễn động tác hình thể thay vì diễn trò nhời như sân khấu chèo.
Phục hồi nghệ thuật tạo hình nhân vật múa rối, chế tác các loại máy điều khiển con rối theo nghệ nhân dân gian.
Thống nhất tên gọi: Múa rối nước, múa rối cạn như nghệ nhân đã đặt tên, Nhà nước công nhận.
Sân khấu múa rối đang đứng trước những thách thức văn hóa nghệ thuật thời toàn cầu hóa, lối sống sinh hoạt, lao động lớp người kỷ nguyên khoa học công nghệ múa rổi đang biến đổi. Muốn bảo tồn tránh những thất truyền hiểu sai nghệ thuật múa rối cần sự hỗ trợ Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao&Du lịch, Nhà nước ban hành chính sách bảo hộ nghệ thuật dân gian dân tộc giúp các phường rối tồn tại. Những nghệ sỹ sáng tạo múa rối cần dựa trên vốn múa rối cổ nghệ nhân dân gian phát triển múa rối hậu hiện đại, đáp ứng lớp người mới. Múa rối nước, múa rối cạn không bảo cổ, cần vân động theo hai hướng:
Bảo tồn vốn múa rối cổ, khai thác hết những trò rối dân gian nguyên sơ.
Phát triển nhiều trò diễn mang nội dung nhịp sống con người thời đại mới, nghệ thuật vì giới trẻ người dân Việt.
Múa rối nước đang phát triển mạnh như thời kỳ hưng thịnh dưới các chế độ phong kiến Việt Nam, song còn mang tính tự phát thiếu nghiên cứu khoa học bài bản. Các đoàn, nhà hát khu vực công lập, phường rối làng quê, nhà hát múa rối xã hội hóa cần xây dựng thương hiệu mạnh, tự chủ doanh thu tồn tại bền vững. Mỗi đơn vị bảo tồn phát triển múa rối dân gian vì thế hệ trẻ, muôi dưỡng tình yêu quê hương, xây dựng văn hóa tâm hồn con người mới bằng nghệ thuật múa rối Việt Nam dân tộc thời đại.
Ảnh Google.
Hà Nội ngày 31-5-2015.