Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
524
123.195.718
 
Lê Văn Ngăn "Cuộc đời và thơ ca"
Vương Kiều

            

 

         Thế hệ của thi sĩ Lê Văn Ngăn lớn lên từ khúc đoạn trường của dân tôc, khi hiệp định Genève một lần nữa chia cắt dòng sinh mệnh của đất nước làm hai, bên kia bờ Bắc dòng sông Bến Hải và bên nầy bờ Nam, Nam Bắc là anh em ruột thịt đã thành kẻ thù của nhau. Dân Việt trong sinh mệnh tồn tại đã một lần chia cắt tới 40 năm vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Anh em chúng ta đang cùng hơi thở trong thời đại nầy, chắc hẳn những lúc lắng lòng phải tự hỏi do đâu và vì đâu ? Vũ trụ không có gì vô cố cả, mọi duyên nghiệp tất nhiên đều hiện hữu do nhân trước quả sau. A. Ryunosoke đã nói rằng : “ Số phận không ngẫu nhiên mà là tất nhiên, nó dấu trong tính cách của bạn “.

     Tôi khởi đầu bài viết nầy về “ Cuộc Đời Và Thơ Ca Của Lê Văn Ngăn “ trong dòng chảy văn học miền Nam trước 1975 và sau nầy bằng những thác từ trên để nhìn về nỗi đau và lòng khát vọng mà chúng tôi cùng thế hệ đã bật ra tiếng lời, để thành những bài thơ của mọi con tim trong giai đoạn tan thương của đất nước.

       Văn học miền Nam trước 1975 đã phân định rõ hai dòng chảy khát vọng về bến bờ thi ca. . .hai dòng chảy ấy cho dù không hòa nhập với nhau nhưng vẫn tôn trọng con đường sáng tác của nhau.

      Họ sinh ra, lớn lên bên nầy bờ Nam Bến Hải và ước mơ của mỗi con người tài hoa ấy vẫn có cùng một hướng.

      Hướng ấy là sáng tạo “ Cái Đẹp “ theo tinh thần Dostoievsky đã nói rằng “ Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới “.

      Quách Thoại, thi sĩ của “ Đất Thần Kinh “ người khát vọng nguồn sáng tạo ở miền Nam, Quách Thoại, cuộc đời ông ngắn ngủi [ 1930 – 1957 ], ông tại thế 27 năm như Hàn Mặc Tử, ông là người thèm khát tự do mà thế hệ sau nầy khát vọng từ anh hoa của ông để đi trên con đường sáng tạo, trong ấy có nhà thơ Lê Văn Ngăn.

 

                                   SÁNG  TẠO

 

                   Mặt trời mọc

                  Mặt trời mọc

                  rưng rưng mùa hoa gạo

                 lỡ một mai tôi chế trần truồng không cơm áo

                thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao

                để nhìn các anh như mới gặp hôm nào

               và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắn bảo

              còn sáng tạo ta vẫn còn sáng tạo. . .

 

      Thi ca trước 1975 có những vì sao mà lòng người không quên được với những tên tuổi mà thế hệ chúng ta và mai sau mãi mãi là cảm xúc khi đi vào thế giới đam mê, khắc khoải, khát vọng của họ, đó là những tài nhân biểu hiện như : Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, Hoàng Trúc Ly. . .và bao nhiêu vì sao hòa nhập tạo thành nguồn suối thi ca chảy về non xứ cảm xúc của “Cái Đẹp”.

      Trong dòng sinh mệnh bi thương của dân tộc, tôi muốn nói về dòng văn học phản kháng.

      Lê Văn Ngăn là một trong những đại biểu của dòng thơ “ Phản kháng “ ấy. Sinh thời khi còn niên thiếu, áo trắng quần xanh, sớm chiều cắp sách đến trường Quốc Học-Huế, ông đã tỏ lộ tài hoa với những bài thơ xao xuyến lòng người, thời ấy ông đã xuất hiện trên những tạp chí văn chương miền Nam Việt Nam mà không dễ gì được đón nhận khi tuổi đời còn phong phanh non trẻ.

      Tài hoa của Lê Văn Ngăn phát tiết khi ông bước qua tuổi hai mươi với những bài thơ thắm đượm hồn sử ca :

 

                            Ở nước Vệ đêm dài nghe thánh thót

                            những giọt mưa và những giọt lầm than

                            kêu một tiếng bỗng trăm lời đáp lại

                            bằng giáo gươm va gươm giáo dọc ngang.

                            . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                            Thôi ta chết giữa lời không nói được

                            ngậm trái tim trong miệng để phi tang

                            nầy nương tử có chi mà khóc lóc

                            đời đắng cay nhưng đất vốn dịu dàng.

 

                            [ Đất Nhiễu Nhương – 1972 ]

 

      Bốn câu sau tôi nhớ mãi hình ảnh lão họa sĩ Trần Hoài, người chủ nhà sách Văn Hóa ở đường Phan Bội Châu – Đà Lạt. Mỗi lần tôi gặp ông bên ly bia ở quán nầy quán nọ, mỗi lần tôi nhắc đến Lê Văn Ngăn, ông đều cảm khái đọc thật to cho anh em nghe bốn câu của Lê Văn Ngăn. . .Thôi ta chết giữa lời không nói được. . . .

      Lê Văn Ngăn còn thể hiện tài hoa của mình trong thời kỳ chưa chọn lựa con đường phản kháng qua những bài thơ rung động. . .ngôn ngữ tu từ cuốn hút về “Cái Đẹp”. Ví dù:

                              

                                Gió đưa tình ta sang xa nhau

                                thời Xuân Thu gió thổi ngang đầu

                                quyến luyến mùi hương anh mang áo dạ

                                bóng đổ tường xiêu một ngọn đèn dầu.

                               . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                               Vang hưởng từng khi em cười nói

                               là quanh đời tiếp tiếp truyền đi

                               lãng du ghé bến chân dừng lại

                               nỗi vui thầm mấy lá biệt ly. . 

 

                              [ Bên Hồ Thủy Ngữ]

     

             

        “ Bên Hồ Thủy Ngữ” là bài thơ kinh điển trong thể thất ngôn, sự rung động qua từng câu biến thành hình ảnh, Lê Văn Ngăn đã cảm xúc tới bờ trong bài thơ nầy để còn mãi là thi sĩ Lên Văn Ngăn trong lòng những người yêu thơ, con người tài hoa của Huế bên cạnh những vì sao của non nước Thần Kinh và cũng là bạn hữu của ông với những kỷ niệm mà ông không bao giờ quên : Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Thái Ngọc san, Bửu Ý, Bửu Chỉ. Đinh Cường. . .

      Sinh ra từ làng “ Cại Lừ “ [Niêm Phò], Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế trong môt gia đình sống dưới đáy xã hội, cha ông là người phu xe, mẹ ông là một thiếu nữ duyên dáng bán bún bò, ông lớn lên bằng những giọt mồ hôi của cha mẹ tuông đổ hằng ngày giữa một xã hội nhiễu nhương, chiến tranh như ngọn lửa táp cháy từ miền quê cho đến thị thành, ông đã bật lên tiếng kêu thương của mình bằng những dòng thơ hiện thực :

 

                     Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội

                     nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội

                    bao nhiêu năm, qua bao chiều nắng tắt, bao nhiêu mùa phượng hồng

                    mẹ vẫn lấy chữ nghĩa trộn với mồ hôi của mình

                   bện thành những chiếc thang vượt thoát

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                  Giờ đây tôi đã leo lên bờ vực tối, sống ngang hàng giữa mọi người

                  Nhưng dưới xa mẹ tôi vẫn một mình nằm lại. . .

                    [ Giới Thiệu]

     

      Lê Văn Ngăn trong những bài thơ nhớ về mẹ ông không hề dùng chữ “Vú” nhưng tôi biết suốt đời tha phương lưu lạc của ông, mỗi lần ông về Huế thăm mẹ ở trong căn nhà nhỏ nằm ở lối vào ngõ hẻm An Cựu, mỗi lần ông về mẹ ông mừng rỡ, nghẹn ngào gọi : “Con về đó à. . .” Ông đáp : “ Thưa Vú con mới về. . .”

      Suốt đời ông từ khi chào đời . . .cho đến khi từ giã trần gian điên khùng, ông vẫn uống sữa mẹ từ nuốm vú khai sinh ra mình :

                         

 Trong đêm người mẹ khẻ hỏi mỗi bài thơ con kiếm được bao nhiêu tiền ?

 Và người con trai trả lời tiền chỉ đến với con sau mỗi bài thơ hay

  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 Trong đêm người mẹ khẻ hỏi mỗi ngày con làm được bao nhiêu bài thơ hay ?

 và người con ngồi lặng im mãi bên ngọn đèn dầu

 cuối cùng anh ngập ngừng đáp; có lẽ cả một đời mẹ ạ !

  trong đêm người mẹ thở dài

  thế thì con của mẹ sống bằng gì

 chẳng lẽ con của mẹ sống bằng niềm vui của kẻ khác

 

                        [ Trong Đêm]

      Phụ mẫu mãi mãi là hình ảnh ông khắc khoải suốt đời ông, ông ước mơ vượt qua cuộc sống lầm lội áo cơm của cha mẹ để hướng về một tương lai sáng sủa mong ngày báo hiếu, nghĩ về hình ảnh người cha ông bật lên nỗi lòng :

 

           Có một người phu xe

          cuộc đời cứ quay tròn theo hai bánh xe quay tròn

           quay tròn quay tròn

          quay cho đủ số vòng quay đau khổ

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 Hôm nào trước giờ vĩnh biệt, người cha bảo : Con ơi !

 chúng ta từ lâu không cần dùng đến nước mắt

 thương cha con hãy bước xa con đường cha đã bước

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . .

 

      Lê Văn Ngăn sinh trưởng dưới đáy xã hội, trải qua nhiều bi kịch áo cơm và lắm nỗi đau trong gia đình vì phận số của từng người em.

      “ Thi sĩ rơi xuống cõi đời bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng, không có lấy một người hiểu mình . .Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ, sống bằng tim, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển tất cả cảm giác của tình yêu, tôi đã vui buồn giận hờn, sống đến gần đứt sự sống.’

      Hàn Mặc Tử đã nói lên mệnh số của những bậc tài hoa lưu danh để cho ta suy niệm về lẽ “ phải là. . .” của thi nhân hầu mong phần nào hiểu được họ, gần gũi với họ trong thanh khí hư không để cảm xúc suối nguồn tồn lưu của hồn thơ trong sáng tạo “ cái đẹp trần thế và trăng sao vũ trụ “. Và thi nhân từ đông tây kim cổ đều mỉm cười với lý lẽ đoạn trường mà thi hào Nguyễn Du đã phán :

                                

    Đã mang lấy nghiệp vào thân

   thì đừng trách lẫn trời gần trời xa. . .

 

      Bão lửa chiến tranh đã cuốn hồn thơ dung dị tài hoa của Lê Văn Ngăn cũng như bao thế hệ thanh niên phải lưu lạc đọa đày khắp miền Nam Việt Nam theo từng số phận của mỗi người, khi đứa em ruột của ông là Lê Văn Kịch cầm súng bên nầy chiến tuyến, chết ở đồi Baston-TT/Huế, ông đã tâm sự với em mình :

 

                   Chiến tranh đã trục xuất anh ra khỏi quê nhà

                   bắt tay với phường bán huyết

                   kề ly với kẻ xâm mình.

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                  Có khi sau cuộc thù tạc buồn rầu

                  anh ra hiên nhìn về cố quận

                  thấy khắp nơi lưới bủa chắn đường

                  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                 Chiến tranh đã đưa anh tới nơi nầy

                 ngồi đánh cờ với những tay cuồng sĩ                               

                 quàng vai đi với kẻ điên khùng. . .

 

                     [ Giữa Khi Mưa Lưu Hoàng Đổ -1972]

                         Tặng : Lê Văn Kịch

 

      Lê Văn Kịch dòng máu thi ca của Lê Văn Ngăn, có giọng ngâm thơ hồn vía và những bài thơ chưa kịp nở đã chết trận trong “mùa hè đỏ lửa 1972”. Lê Văn Ngăn tiếc thương em mình suốt đời, thể hiện nỗi lòng với vài người bạn thân mỗi lần gặp gỡ :

 

                  Có đêm anh đi ngược lên con dốc

                  nghe ào ào ngọn gió Trung Đông

                  mắt em dịu dàng trong bóng tối

  nhưng con đường ở đằng kia còn lờ mờ bên vực thẳm. . . .

 

                     [Giữa Khi Mưa Lưu Hoàng Đổ ]

                            Tặng Lê Văn Kịch

 

      Số phận ông lưu linh giữa cuộc chiến, khói lửa chiến tranh mịt mùng bốn phía, là tuổi trẻ ông phải tìm ra lý tưởng để dấn thân, thơ ông thời thanh niên man mác vẻ đẹp tình yêu, ông đã yêu, đã si tình nên hồn thơ ông để lại nhiều bài ý lời thật lạ :

 

                   Đôi người bạn ở sau vườn dưỡng khí

                   ngày thanh niên hoa khế rụng bên đời

                   ngồi nghe thấy con đường không giới hạn

                   nắng lòng tôi em lấy áo ra phơi

 

                  con chim trắng tìm hiền nhân mà hót

                  mở song song năm cánh cửa vô thường

                 . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                  Hỡi người em xuống đò sang hữu ngạn

                  hỏi trái tim trong suốt đã cho ai

                  gõ một tiếng lên trường thành ý hệ

                  đường im hơi sao có tiếng thở dài ?

 

                   [Đường Hoa Khế - 1972]

 

      Thơ tình yêu của Lê Văn Ngăn mang hồn người hào hiệp yêu mến “ Cái Đẹp “, trong nguồn suối tình ca, Lê Văn Ngăn giữ một cõi riêng, vượt qua ý niệm ngôn ngữ của tình yêu, ông hòa quyện giữa lẽ sống của cuộc đời với bóng hình người ông yêu bằng những dòng thơ cảm khái khát vọng về đời cùng nhau đi tìm hạnh phúc chung của con người.

      “ Cánh Mạng “, trong lịch sử nhân loại, đại danh từ “ Cách Mạng “ mãi mãi là sự bí ẩn, là biểu tượng thiêng liêng, sánh ngang sự sáng tạo của Thượng Đế. Cuộc chiến mịt mùng khói lửa của Bắc Nam vì ý thức hệ lầm lỡ, đại danh từ “ Cách Mạng “ đã cuốn hút thệ hệ của chúng tôi, từ lớp cùng đinh bần hàn cho đến tri thức tư sản lần lượt lao vào cơn lốc của Cách Mạng. Và dòng thơ của Lê Văn Ngăn đã chuyển hướng theo con đường cứu sinh !!! “ Cách Mạng “. Lê Văn Ngăn đã thể hiện tinh thần ấy bằng những dòng thơ phản kháng mà tổ tiên linh hồn Việt đã để lại di sản ấy từ thời dựng nước và giữ nước :

 

         “ Tôi đang đặt chân lại trên mảnh đất nầy

            mặt đất mà ba mươi năm qua đời sống không ngừng đặt trước mặt tôi những ly rượu đắng

           có trong ly rượu ấy những đôi mắt buồn rầu.

           .. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

          Tôi đang đặt chân lại trên mảnh đất nầy, mặt đất mà các thứ bệnh dịch đang reo hò

         mặt đất mà trước sự chết, tôi thường tự nhủ

         yêu nhau là điều tự nhiên

        làm việc là điều tự nhiên

       bất phục tùng kẻ nào tước đoạt tự do của người khác cũng là điều tự nhiên

       nhưng nhất định

       nhất định những kẻ vỗ tay cho những nhân danh giả hiệu

       nhất định những kẻ dẫm lên những cuộc tình duyên

       không bao giờ là điều tự nhiên.

                                 

        [ Đất Của Những Người Bất Phục – 1972 ]

 

      Bài thơ nỗi lòng phản kháng ấy gồm 108 câu, chiêm nghiệm rõ rằng, thi sĩ là biểu tượng của nhà tiên tri từ hồn vía chân thật nên Bích Khê, thi sĩ của thần linh đã để lại bài thơ “ Đề Bia Trước Mộ “ tiên tri về phận số của mình về sau khi ông được an táng tại Thu Xà – Quảng Ngãi :

                                 

                                   Mây tuyết thời gian trôi tựa nhạc

                                   hồn tôi siêu thoát để tiêu dao

                                   những tờ thơ mới đầy hơi hám

                                   tay khách đa tình sẽ chuyển trao.

                                   . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

                                  Tiếng tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh

                                  về dưới thông già viếng mã tôi

                                  đầy cỏ xanh xao mây lớp phủ

                                  trên mồ con quạ đứng im hơi.

 

      Và Hàn Mặc Tử tiên tri về phận số của mình :

 

                                   Một mai kia ở bên khe nước ngọt

                                   với sao sương anh nằm chết như trăng

                                   không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

                                   đến hôn anh đến rửa vết thương tâm.

 

      Hình ảnh ngôi mộ Bích Khê thời chiến tranh đúng như bài thơ của ông, cũng như Hàn Mặc Tử khi trút hơi thở ở trại phong Qui Hòa – Qui Nhơn, chỉ có những bà phước đưa ông về nắm đất lạnh với cây thánh giá vội vàng làm bằng cây cọc để vĩnh biệt ông.

      Và Lê Văn Ngăn trong bài thơ “ Đất Của Những Người Bất Phục – 1972 “ đã chân thật báo hiệu cho chúng ta ý nghĩa tiên tri ấy khi thế hệ chúng ta và con cháu đang phải sống, phải thở trong không gian của mọi bệnh dịch tràn lan trong cuộc sống :

 

          Tôi đang đặt chân trên mảnh đất nầy

         không còn một giọt nước mắt ngày xưa

        để khóc

       trên những mớ ngổn ngang của áo cơm và sợ hãi, người ta truyền tụng rằng đây là thời của sức mạnh

       đây là thắng thời của những kẻ kiêu binh

       tôi đang đặt chân lại trên mảnh đất nầy, mặt đất mà các thứ bệnh dịch đang reo hò. . .

 

      Từ thực tế bi kịch của đất nước, ông đã để lại những bài thơ chân thành, tôi tin, những ai kia vong thân trong danh vị và quyền lực đọc thơ ông sẽ hổ thẹn và tỉnh ngộ để tìm về Hồn Việt.

      Lê Văn Ngăn sau 1975 ông ước mơ “ Thái Bình Tu Nổ Lực , Non Nước Ấy Nghìn Thu” và ông âm thầm đi tới cho dù bao nhiêu bệnh dịch trong bài thơ báo biểu của ông vây bủa ông và cuộc sống khát vọng bao la của ông. Thơ ông vang vọng trong lòng những người yêu thơ và bạn hữu, họ yêu mến và kính trọng ông. Đài Tiếng Nói Việt Nam trước 1975 đã đọc bài thơ “ Sóng Vẫn Đập Vào Eo Biển “ đăng trên Tạp Chí “ Đối Diện “ để góp phần cổ vũ vào tinh thần kháng chiến thời ấy :

 

      . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

       Vâng ! Điều ấy

     khi bạo lực còn bắt tay nhau

     khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người

     khi ấy bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em ?

     đây là điều tôi dứt khoát

     Quê Hương ! Quê Hương ! Nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời đầy sao

      nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc chết cho tình yêu

      đấy là việc của con người.

          . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

           [ Sóng Vẫn Đập Vào Eo Biển – 1972]

 

      Bài thơ biểu tượng tinh thần phản kháng của ông nổi tiếng trong lòng những người yêu nước gồm 85 câu, ở trong ấy tình yêu của ông chan hòa như là chân lý hiện hữu mà đã là người thì không thể thiếu.

      Sau 1975, mùa xuân đất nước thống nhất, Lê Văn Ngăn vẫn giữ hồn thơ dung dị, yêu mến cuộc đời trong những góc bé nhỏ sinh tồn, thơ ông không là những tiếng chuông hay là những tiếng trống làm người ta giật mình tự hỏi, thơ ông bình thường, lặng lẽ như dòng sông chảy qua cuộc đời với buồn vui của cuộc nhân sinh :

 

         Đêm đêm vào lúc thành phố bắt đầu giấc ngủ

       chi lại cầm chổi bước ra khỏi nhà

      để quét dọn những chặn đường đã định

          . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

        Một nhà thơ ở miền tả ngạn trước lúc qua đời

       còn để lại trong lòng chị những câu nói đẹp lòng

      khuôn mặt cuộc đời quanh đây ơi ! Chị thường nhủ thầm

      và đêm đêm, vào lúc thành phố bắt đầu giấc ngủ

     chị lại cầm chổi bước ra khỏi nhà. . . .

 

       [ Gặp Một Người Bình Thường]

 

      Cuộc đời và thơ ông là bản giao hưởng của sự thực với gia đình, bạn hữu và bao nhiêu tha nhân trên cõi đời ông từng gặp, nếu đời ông có những lầm lỗi nào trong cuộc tồn sinh thì lỗi do cuộc thế đẩy đưa ông, áp đặt thể hiện hành vi nằm ngoài trái tim nội tại.

 

      Ông thành thạo tiếng Pháp, yêu Jacques Prévert, Paul Eluard, Albert Camus, Aragon, .yêu văn học Pháp trong thế kỷ 20 mà ông đã hòa quyện vào những dòng thơ cảm xúc tự nhiên của ông, đã góp phần tạo nên cuộc đời và thi ca Lê Văn Ngăn.

      Ông sống chân tình với bạn hữu, với những miền đất ông từng gắn bó giữa cuộc thế bể dâu, ông mê Đà Lạt như yêu Huế, những năm sau nầy mỗi lần ông vào Sài Gòn thăm con cháu thì ông đều lên Đà Lạt để cảm xúc lại thiên nhiên một thời ông đã sống và đã khai sinh tập thơ đầu tay “ Vào Một Thời Im Bóng - 1972“, ông tìm thăm bạn bè một thời buồn vui với ông ở đất hoa. . .

      Thi sĩ Lê Văn Ngăn đã vĩnh biệt cõi đời vào lúc 10g40 ngày 27/2/2015, bạn bè từ miền Trung đến miền Nam cùng nhau về Qui Nhơn tiễn biệt ông, mừng cho ông đã thoát  khỏi đớn đau của bệnh tật, mừng cho ông đã về hạnh ngộ bên những cuộc vui với Ngô Kha, Thái Ngọc San, Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn . . . ở cõi trên, những người bạn chí tình của ông đã cùng ông tạo nên “ Cái Đẹp “ của Huế bên cạnh vẻ đẹp mà trời đất ban tặng cho non nước “ Thần Kinh “.

     

                                                                                      

 

                 

Vương Kiều
Số lần đọc: 3578
Ngày đăng: 19.06.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kiệt Tấn , đôi khi thèm chết nhưng vẫn mê đời - Trương Văn Dân
Tôn Phong* - ngọn nến tự cháy - Từ Sâm
Phạm Phú Hải 'Thi sĩ dị thường' - Tâm Nhiên
Paul Eluard ”Nhà thơ khát vọng” - Võ Công Liêm
Nguyễn Trung Hiếu - Hãy xanh cho thấy hết lòng nông sâu! - Mai Bá Ấn
Mùa thu nhớ thi sĩ Bích Khê (1916 -1946) - Đinh Cường
Vài điều nên biết về một người bạn Pháp G.Dumoutier (1850 - 1904) Cựu giám đốc Nha học chính ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ - Vũ Anh Tuấn
Bửu Chỉ "Con người và cuộc đời trong tranh vẽ" - Võ Công Liêm
Nguyên Minh "Một cuộc đời với văn chương" - Trương Văn Dân
Nguyễn Lương Vỵ Thi nhân bất tuyệt hòa âm - Tâm Nhiên
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)