Dù nhạc sĩ Văn Cao sống ở miền bắc, trước năm 1975, người miền nam không hề xa lạ với ông. Những Bến Xuân, Buồn Tàn Thu, Suối mơ, Trương Chi, Sông Lô…luôn được hát ,được yêu mến. Và chúng tôi càng yêu ông, thương xót cho ông hơn khi biết rằng sau khi đất nước trở thành đôi bờ chiến tuyến, ông không còn sáng tác. Lý do tại sao , tôi không được rõ. Có thể ông bị cấm sáng tác, có thể tự ông muốn biến thành người câm khi biết rằng tâm hồn mình đã trở thành cung đàn lỗi nhịp.
Trong khi ở miền nam, Phạm Duy, người bạn thân của ông, như con bướm bay lượn trong tự do (có khi quá đà), thì tôi có cảm giác Văn Cao như con chim cô đơn, tàn tạ trong chiếc lồng chật chội. Ước gì thời gian đó, ông biết được rằng ở một miền đất nước cách chia có người vẫn nghĩ, vẫn nhớ rất nhiều đến ông, đến một người đã có cái nhìn vô cùng trang trọng với tình yêu đôi lứa.
“Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một lần”
Trong ngôi nhà tình yêu, chỉ vắng nhau một lần, đã trở nên hoang vắng, buồn bã đến thế sao?
Văn Cao sáng tác không nhiều nhưng bài nào cũng hay. Với riêng tôi, tôi vẫn thích nhất Cung Đàn Xưa.
“Hồn cầm phong sương, hình dáng xuân tàn
Ngày dài mờ trôi, sầu lắng cung đàn”
Điệu valse của Cung Đàn Xưa thật lạ kỳ. Nhịp điệu rất sang , rất “Tây” ấy không gợi cho tôi nhớ đến những điệu valse của Strauss mà lại đưa tôi vào không gian man mác buồn của Đường thi.
“Tạ từ Hoàng Hạc người đi
Tháng ba hoa khói xuôi về Giang Châu
Cánh buồm lẻ bóng khuất mau
Dòng trường giang chảy về đâu hỡi người” (*)
Cung Đàn Xưa ấy bao năm trời đành “tắt bao thắm tươi” và chúng ta không còn nữa được nghe tiếng sáo “ai oán khúc ca cầm châu rơi” của chàng “Trương Chi” tội nghiệp. .
“Cung thương lạc phím đàn
Cung Nam lạc phím người”
Thật đau đớn khi người nghệ sĩ phải tự giam cầm trái tim chan chứa yêu thương của mình..
Một sáng tháng giêng năm 2000, ngồi bên một quán nước nhìn ra dòng sông Saigon thấp thoáng sau những rặng trúc bên bờ Thanh Đa, tôi bổng nghe văng vẳng một điệu valse kỳ diệu như một dòng suối ngọt ngào.
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông…”
Người bạn ngồi bên nói cho tôi biết đó là bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao. Bài hát như một tiếng khóc mừng khi đất nước im tiếng súng.
Tại sao ông chỉ thầm vui được thấy một “mùa bình thường” trong khi những người chung quanh ông đang hò reo một “mùa xuân đại thắng”?
Có phải một chút bình thường như tiếng gà gáy trưa, một chút khói bay trên sông, một trưa nắng vui, cũng là điều tâm hồn dịu dàng của ông khao khát trong suốt bao nhiêu năm?
Lòng ngập tràn hy vọng, ông thật thà trong niềm vui đoàn tụ:
“Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người”
Vậy mà theo lời người bạn, không dễ để tiếng lòng chân thực của Văn Cao đến được với mọi người. Được sáng tác năm 1975, phải đến sáu năm sau bài hát mới được phép phổ biến.
Thật dịêu kỳ khi con chim ủ rủ, chết lặng trong lồng hơn 20 năm, bỗng một ngày hồi sinh cất cao tiếng hót lảnh lót, tươi vui đến như vậy. Tôi nghe như có những giọt nước mắt đang lăn xuống trên đôi gò má nhăn nheo của tác giả.
Mùa Xuân Đầu Tiên được phép hát có lẽ là hạnh phúc cuối đời của ông và ông sớm ra đi sau đó lại là điều may mắn.Bởi nếu còn sống đến giờ này chắc chắn ông lại buồn bã, tuyệt vọng nhìn thấy “Mùa Bình Thường” của ông chưa bao giờ là hiện thực.
Sau khi im tiếng súng , người có nhận ra quê người? người có thực sự yêu thương người?
.
Đã 20 năm ừ ngày Văn Cao từ biệt chúng ta nhưng dường như:
“Tơ đàn chùng cùng với tháng năm
Rừng còn nhắc tới người
Trong chiều nào giửa chốn đây
Hồn cầm lắng tiếng đời”.
(Suối Mơ)
Hà Phan
(*)
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận.
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Thơ Lý Bạch
(Người viết dịch.)