Nhiều người bảo Kinh Dịch khó hiểu, đọc không vào. Tuỳ tâm đấy thôi, lại tuỳ lúc nữa. Bởi Dịch vốn là thời, là lúc. Chưa đến thời, chưa đến lúc thì đọc không vào, gặp thời, gặp lúc tất đọc “vào” ngay. Vấn đề là có cái “thời”, (hay cái “lúc”) đó trong kiếp người hay không.
Ví dụ: khoét phía dưới mà đắp cho phía trên, trên trông thì cao đẹp, phương phi đấy, nhưng cơ mà rỗng dưới. Đó là quẻ “Tổn”, nghĩa là tổn hại, chẳng bền, chẳng hay ho gì (xin lưu ý, quẻ “tổn” vốn từ quẻ “thái” (thịnh), lạc một nét mà thành). Ngược lại, vạc bớt trên, đem đắp xuống bên dưới, thì trên dẫu bớt phương phi, nhưng cơ mà dưới vững. Thế là quẻ “ích”, nghĩa là ích lợi, bền lâu (lại xin lưu ý, quẻ “ích” chính từ quẻ “bĩ” (suy), cải một vạch mà ra). Thế mới biết không những “thượng thực, hạ hư” là “hư”, ngược lại là “thực”. Mà thậm chí đang lúc “thịnh” nếu không khéo vẫn “tổn”, ngược lại, giữa cơn “suy” mà khéo biến, vẫn cứ “ích” như thường.
Có người lo rằng nay xử ông Tổng Giám đốc này, mai bắt ông Thứ trưởng nọ... cứ cái đà này thì mất hết cán bộ. Thật là lo hão. Đây chính là một cách làm “ích”, ích nước, lợi dân.
Mới hay khi bậc Lãnh tụ bảo: “lấy dân làm gốc”, thì chính là lúc Người đang nghĩ tới quẻ “ích” trên kia vậy.
Người ta cứ hay quen mồm: mình đã vào cái tuổi “tri thiên mệnh...” ý muốn nói mình đã năm mươi. Ấy là tỏ ra biết đến câu: “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” (năm mươi tuổi biết được mạng Trời) của Đức Khổng Tử. Tuy nhiên “năm mươi” là một chuyện, còn có “tri thiên mệnh” hay không, lại là một chuyện khác. Đâu phải cứ “năm mươi”, là dứt khoát sẽ “tri thiên mệnh”. Cái vế tuổi tác kia của Thánh nhân chẳng qua chỉ là ước lệ mà thôi. Quan trọng là vế sau, đó là thứ tự, thang bậc nhận thức của con người mà nếu có tăng (lạy giời đừng giảm), tất sẽ tăng theo thứ bậc như thế.
Thôi cứ cho là năm mươi tuổi biết được mạng trời đi. Biết mạng trời, là biết được mọi quy luật, vận dụng được mọi quy luật khách quan... Biết mạng trời ghê gớm như thế, nôm na là hiểu được lòng trời. Thế thì trên nữa là gỉ? Chắc phải ghê gớm hơn nhiều lắm.
Thế mà lại chẳng có gì ghê gớm mới lạ chứ, ngược lại, rất đơn giản. Trên nữa là “lục thập” (sáu mươi), lục thập thì: “nhi nhĩ thuận” (nghe thuận tai), thế thôi. Nhưng đừng có mà đùa với cái sự đơn giản” ấy. Bậc Thánh nhân đã hiểu được lòng trời rồi, mà phải mười năm sau nữa mới biết nghe thuận tai, bởi khi “thuận tai” nghĩa là đã hiểu được... lòng người. Té ra lòng người còn khó biết hơn lòng trời kia vậy. Hiểu lòng người, nghĩa là hiểu người, là biết người. Khi đó dù có nghe những lời khen hay chê, hay hay dở, nịnh hay chửi, tục hay thanh... cũng đều... thuận tai hết. Mới hay chuyện Tần Thuỷ Hoàng ngày trước, tự tay bắn chết đến hai mươi bẩy người tới can vì chuyện bất hiếu, căng xác ngoài cửa cung, phải đợi đến người thứ hai mươi tám, cũng tới can đúng cái chuyện ấy, bấy giờ mới biết nghe. Thế thì để đạt tới cái sự “thuận tai” kia, đôi khi còn phải trả giá bằng cả xương máu nữa cơ đấy.
Thôi đã trót lạm bàn thì lạm bàn cho trót. “Lục thập” biết lòng người rồi, nghe thuận tai rồi, nếu tiến lên nữa thì tiến đến đâu? Tiến tới “thất thập” (bẩy mươi tuổi) chứ còn sao nữa. Bẩy mươi thì: “tòng tâm sở dục...” (tuỳ lòng muốn). Nôm na là biết được lòng mình, điều khiển được lòng mình. Ghê chưa? Thánh nhân rắc rối quá, lại thâm thuý nữa. Lòng mình té ra khó biết nhất, khó điều khiển nhất, khó hơn cả lòng thiên hạ. Trình độ ấy cao đến đâu thì không thể biết được, trừ khi... đạt tới thì thôi. Y như Lão Tử bảo: “tự biết mình là thông...”. Tự biết được mình thì giỏi lắm rồi, chỉ có những bậc “thông thái” mới “tự biết mình” mà thôi.
Nhưng cơ mà eo ơi, phải đợi đến tận “thất thập”, bẩy mươi tuổi (may ra) mới biết được mình, mới điều khiển được lòng mình thì em ơi, suốt bẩy mươi năm cuộc đời kia, tránh sao cho khỏi lầm lỡ bây giờ?
Tự dưng rách việc đâm lảm nhảm, chẳng đâu vào đâu. Nếu trót đọc đến đây, xin đừng ai chê mắng, bởi người viết những dòng này thú thực vốn chưa biết đến “nhĩ thuận” là gì.
ăn cơm nhà... (phần 1)
ăn cơm nhà... (phần 2) (là bài: “dạy và học muôn đời” - đã đăng trên SCL)