Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.250
123.155.298
 
Đôi chim câu trên cây bàng
Trần Văn Bạn

                       

 

            Trong phòng hồi sức ngoại, Bác sĩ bước lại giường bệnh nằm ở phía cửa sổ trông ra vườn hoa bệnh viện. Trên giường, trong tấm drap đã ngả màu, người bệnh nằm thiêm thiếp. Trông anh ta yếu hẳn và khuôn mặt thì sưng húp vì sốt. Biết có người đến anh ta cố mở mi mắt nặng trịch. Bác sĩ cúi xuống:

            -Cậu thấy trong người thế nào?

-Mình mệt …

-Thuốc sẽ làm cậu khoẻ lại.

-Không, mình biết …sớm muộn thì …

-Cậu đừng nói thế. Cậu sẽ qua …

-Cậu an ủi mình phải không? Mình cũng đã nhiều lần làm như cậu. Nghề nghiệp mà … biết người ta chết nhưng mình cứ bảo người ta không chết.

-Nhưng trường hợp của cậu …

-Trước cái chết mình có thể lừa dối người khác nhưng mình không thể tự lừa dối mình. Suốt đêm qua nó… kìa, cậu làm sao thế?

-Thôi, cậu không được khoẻ, cậu nghỉ đi.

Bác sĩ biết tình trạng của bạn anh là nguy kịch. Người bệnh nhìn theo cái dáng dong dỏng cao trong chiếc áo blu của thằng bạn và anh nghĩ đời mình đã gần kề cái kết thúc.

Chỉ mới ngày nào anh cùng đám bạn tuôn ra hàng thôi hàng tràng những lời tục tĩu vô tội vạ, cùng lao vào những nơi giải trí ồn ào, cùng uống, cùng ăn, cùng chim gái ở trường đại học. Và về sau này, khi đã nhận công tác tại bệnh viện này, anh cùng bạn anh thức đêm, cùng đĩnh đạt trong chiếc áo blu đi thăm người bệnh, cùng chia sẻ nỗi vui buồn sau một ca mổ, cùng tận hưởng niềm sung sướng khi biết mình được ngưỡng mộ nơi đôi mắt người bệnh. Thế mà bây giờ, anh đang nằm tại căn phòng quen thuộc này với đôi chân cụt, mình đầy thương tích và người chữa trị lại chính là bạn anh.

Tất cả chỉ tại chiếc xe tải ấy. Nếu nó không đến sớm hoặc muộn hơn một vài giây thì … Mà không, lỗi đâu phải tại nó. Thằng cha tài xế đã tỏ rõ mình là tay lái mẫu mực. Anh ta đã cố gắng hết sức để khắc phục cái ngẫu nhiên. Mọi chuyện nằm ở cái chất rượu tai ác kia. Rượu, chính rượu đã gây ra sự thể này. Nó làm cho đầu óc anh mụ mẫm, quay cuồng, đảo lộn đến nỗi anh không còn biết sợ, nó khiến bàn tay anh cứ xoáy mạnh vào tay ga và sau cùng, đúng vào cái giờ phút ấy, nó buộc anh ngã vào chiếc xe tải đang lao tới, lúc anh tránh đám đông đứng lấn ra đường. Đúng nó. Chính nó kết thúc cuộc đời anh. Nó tệ hại hơn bất cứ hình phạt tồi tệ nào … Mà cũng không hẳn thế. Rượu đâu buộc anh phải tắm mình trong nó? Nó có dính líu gì đến đời anh? Nhưng anh đã mượn nó để chạy trốn mình thì anh phải chịu vậy. Anh tìm cách đỗ lỗi cho nó để làm gì?

Lẽ ra anh có thể xua đuổi nỗi buồn chán bằng công việc. Sự đỗ vỡ trong hôn nhân không nhất thiết đánh gục con người ta. Đằng này, anh uống lu bù, tuồng như chỉ có rượu mới cứu vớt được con người trống rỗng của anh, tuồng như chỉ có cơn say mới làm tan đi điều ô nhục, tuồng như chỉ có hơi men mới làm giảm nỗi đau, cái nỗi đau đến tê dại ở những thằng đàn ông bị vợ bỏ. Mọi lời can ngăn hoàn toàn có tính xây dựng, anh cứ xem như những lời đạo đức giả. Anh giễu cợt tất cả và để mình lao đi trong cuộc sống với cái đà của chiếc xe không bánh lái, thả dốc. Anh mất phương hướng, rũ bỏ mọi giá trị của cuộc sống và đâm ra nghiện rượu.

Anh bắt đầu uống rượu không phải từ cái ngày anh cùng vợ ra trước toà mượn bàn tay pháp lý cắt đứt sợi dây hôn nhân. Con ma men dần ngấm vào cơ thể anh vào quãng thời gian sau ngày cưới đáng nhớ ba tháng. Những lời chúc tụng hạnh phúc chân thành đến xúc động, những cái bắt tay nồng nhiệt, những nghi thức, màu sắc rực rỡ, tiếng cốc chạm nhau, bầu không khí vui vẻ ấm áp, tất cả những điều ấy cứ tưởng hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với đôi vợ chồng trẻ. Thế mà, cái điều anh luôn mong đợi, mọi người luôn mong đợi ấy không bao giờ đến. Vừa sống chung vài tuần quan hệ giữa anh và vợ đã chớm có sự rạn nứt và sự rạn nứt ấy cứ ngày càng mở hoác ra và lần đầu anh bàng hoàng nhận thấy con đường hôn nhân mình bị hụt hẫng.

Ngày ấy, anh bất ngờ quyết định lấy vợ và đã cật lực xoay xở đủ cách để đẩy nhanh việc thực hiện quyết định đó. Cái hào quang của cô vợ và ông bố cô ta làm anh chớp ngợp. Cô ta xinh đẹp, đang là nhân viên của công ty xuất nhập khẩu, có học thức, lại là con một giám đốc ngân hàng tỉnh.

Trước ngày cưới, anh cứ nghĩ, dù không có tình yêu, mọi tiện nghi vật chất sẽ làm cho đời sống hôn nhân dễ chịu và rất có thể tình yêu sẽ phát sinh, dù muộn. Cho nên, khi sự việc không diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp, khi anh thấy rõ là có một cái gì không lành mạnh chen vào giữa đời sống hôn nhân, anh vẫn cứ cố bám riết vào quan niệm của mình, vẫn cố gắng làm hết mọi cách để tạo ra bầu không khí êm dịu và nhất là anh đem hết trí lực của mình để tạo ra tiền. Nhưng ngày ấy anh đâu biết rằng chính đồng tiền đã gặm nhấm, phá hoại hạnh phúc của anh.

Vợ anh luôn được bao bọc trong sự no đủ. Cô ta tự cho phép mình, như một người có đủ quyền lực, phủ lên cuộc sống một vòng hào quang và làm biến đổi toàn bộ giá trị của nó. Đối với cô ta tình yêu và hạnh phúc chỉ tồn tại với những đòi hỏi tự nhiên về đời sống thường ngày của con người được đáp ứng; sự thoả mãn về thể xác mới tạo ra cho cuộc sống những hệ quả tốt đẹp. Đồng tiền đã huỷ hoại con người cô ta và chính đồng tiền của anh đã vĩnh viễn kết liễu tính người thuần khiết mà hẳn phải còn sót lại ở nơi sâu thẳm trong tâm hồn cô ta.

Tiền cứ đầy vào hạnh phúc chóng đi đến chỗ tan vỡ, anh nghĩ. Con người cứ luôn quanh quẩn với chuyện tiền nong. Chẳng ra người ngợm gì nữa, cũng chẳng phải sống. Không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó. Khi nghèo khổ anh phải hì hục làm ra tiền và khi đã no đủ anh càng hì hục để hái ra tiền nhiều hơn. Ai chẳng cần tiền? Có thể tiền cho người ta hạnh phúc, có thể tiền mang đến nỗi bất hạnh thì vẫn không thể bảo bi kịch có tiền lớn hơn bi kịch không tiền. Ai cũng cần tiền, tất nhiên nhưng anh đã để tiền trở thành vấn đề lớn trong đời anh, làm mục đích sống của anh, nó chi phối suy nghĩ anh, làm biến dạng con người anh, tinh thần anh.

Còn vợ anh? Cô ta không bao giờ yêu anh, anh biết thế. Cô ta chỉ yêu cái hư danh của anh, cái hư danh của gã thanh niên có mảnh bằng cử nhân y khoa, biết vài ngón chơi có thể gọi là đàn điệu; biết ru hồn các cô gái bằng những bài hát do mình tạo ra và được hát lên bởi giọng ca ấm áp của chính mình vào những buổi liên hoan, tiệc tùng có tiết mục văn nghệ giúp vui, những đêm sinh hoạt câu lạc bộ âm nhạc mà nơi đó dường như bầu không khí tràn ngập tình yêu; biết đọc những bài thơ hay và biết nặn ra những bài thơ có chút triết lý được tải trên những tờ báo địa phương để đến với đám độc giả con kỳ nhông. Cô ta thưởng thức và nhấm nháp cái hư danh ấy và khi đã no nê, cô ta đâm ra chán. Và cuộc sống chung đụng giữa anh và cô ta chỉ còn là một cực hình, một sự trói buộc tai ác mà cô ta cần phải tháo bỏ. Cuộc sống chung giữa hai người hoàn toàn chấm dứt khi cô ta công khai cho anh biết anh đang bị cắm sừng. Người cắm sừng anh chính là tay phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu, có quan hệ xã giao với anh, đã có vợ và có nhiều thành tích trong việc dan díu lăng nhăng với đàn bà. Anh không gượng dậy nổi từ đó.

 

 

Trong hồi ức, anh như đang sống lại những năm tháng ở trường đại học, những năm tháng túng thiếu, giá lạnh và bận rộn nhưng tốt lành, bình yên và thanh thản. Anh yêu cô bạn học cùng lớp. Trong quan hệ với khá nhiều loại gái của cái thời chàng thanh niên mười tám, đôi mươi thích tán tỉnh lung tung, sùng bái hình thức, muốn khám phá để thoả mãn tính tò mò và xem chiến thắng ái tình như bằng chứng của khả năng chinh phục để phô trương, lần đầu anh nhận thấy mình yêu chân thành, lần đầu anh đắm mình trong nỗi ngất ngây và cũng lần đầu anh biết niềm say mê, rạo rực, vẻ thanh khiết của một tình yêu trong sáng. Cô cũng yêu anh nồng nhiệt. Cách biểu hiện tình yêu của cô có cái gì ngộ nghĩnh nhưng chân thành đến xúc động. Vẻ dịu dàng, trong đôi mắt buồn lặng lẽ của cô ẩn chứa một sức chịu đựng bền bỉ. Dường như cô yêu là để hy sinh cho tình yêu.

Bây giờ, trước mắt anh là cô, cô gái hai mươi tuổi, không có vẻ đẹp đặc biệt nhưng tất cả những đường nét kết hợp hài hoà, tạo nên một vẻ mềm mại, duyên dáng đến ưa nhìn. Cô đang rụt rè bước lại gần anh dưới bóng đêm, trong công viên chạy dọc theo bờ sông, ở phía nam chiếc cầu xinh đẹp nằm vắt ngang qua dòng sông thơ mộng của cái thành phố cổ. Và trong đêm mùa thu tiết trời mát mẻ, có ánh trăng rải khắp thành phố tĩnh mịch, thoáng hơi sương, lần đàu anh hôn cô. Và cũng chính nụ hôn ấy như một định mệnh giáng vào cuộc đời người yêu anh, nó khiến cô về sau này, không cân nhắc đã hiến trọn trinh tiết cho anh.

Lúc này, anh quay về với cái đêm đáng nhớ ấy. Đúng đêm hôm đó, sợi dây trói con quỷ trong lòng buông lỏng, cái tiềm thức chiếm hữu trỗi dậy, anh mở cửa để nó nhảy xổ ra. Anh hả hê làm chủ thân thể cô. Anh thoả mãn, hoàn toàn thoả mãn vì thấy sức mạnh đàn ông mình được thực hiện. Còn cô, khi anh đặt cô nằm xuống thảm cỏ, khi cái giờ phút tối hậu sắp xảy ra với đời cô, cô không phản kháng; cô trao gởi đời cô cho anh Tuy nhiên, sau giờ phút choáng váng, anh nghe ra vị mặn giọt nước mắt cô có pha lẫn niềm hạnh phúc và nỗi sợ hãi. Anh lặng lẽ nằm bên cô. Cô rúc đầu vào sát ngực anh. Ngày ấy không phải đêm đông khiến cô quấn chặt lấy anh mà anh biết, cô cần sự trợ giúp của anh. Với một người dàn bà như thế lẽ ra anh đã tìm thấy hạnh phúc. Vậy mà cuối cùng, anh đã gắn chặt đời mình với một người đàn bà không bao giờ cho anh hạnh phúc.

 

 

 

Tại sao anh phản bội? Tại sao đời anh không có một tình yêu? Tại sao? Anh muốn gào lên.

Tình yêu ư? Sao mà anh cứ luôn bận tâm về nó? Sao mà anh cứ để gần hết thời gian đời mình cho nó? Và sau rốt là cái gì? Chẳng là gì cả. Đó chỉ là một mớ hỗn độn. Thật ra anh cũng có tình yêu, anh cũng được hạnh phúc nhấm nháp hương vị ngọt ngào của nó nhưng anh đã biến nó thành vật hy sinh, thành một trò chơi, thành một món hàng mua bán. Và khi cuộc mua bán đó đạt đến đỉnh cao của sự mặc cả và thoả thuận thì con người tình cảm của anh không còn nữa. Như vậy, chính anh tự huỷ diệt tình yêu của mình. Bây giờ, anh tiếc rẻ làm gì?

Cũng chính cái chuyện tình yêu ấy. Không, cuộc mua bán bẩn thỉu thì đúng hơn. Chính nó đã làm rệu rã toàn bộ khả năng và ý chí làm việc của anh. Vấn đề không phải ở chỗ là khi đã có cuộc mua bán mà tất cả vẫn là chuyện anh bắt đầu nghĩ về cuộc mua bán đó. Đúng thế. Chính cái suy nghĩ ấy nó khiến anh phản bội bản thân mình, phản bội toàn bộ những cái mà anh tin tưởng, ấp ủ, rằng một ngày nào đó anh sẽ thực hiện. Cứ mỗi ngày qua đi anh càng lún sâu vào vũng bùn lười nhác và anh cảm thấy năng lực mình tiêu mòn đi. Thật ra, anh cũng chờ đợi, cũng ra sức thực hiện, cũng hành động nhưng với ý đồ hoàn toàn vụ lợi. Càng về sau này, anh thấy rất rõ, trí óc anh càng mụ mẫm, nó không còn linh hoạt, năng động. Và thực tế, anh làm bác sĩ là để được yên vị, xun xoe và loè thiên hạ. Đúng thế, anh đến với người bệnh chỉ vì anh là một bác sĩ. Tình thương, sự đồng cảm, lương tâm, tinh thần trách nhiệm, khả năng sáng tạo đối với anh chỉ còn là những khái niệm. Anh đã thật sự tước bỏ con người có ích của mình.

 

 

Anh thấy mình bước đi trên những con đường yên tĩnh, rợp bóng cây của khu đại học, dưới vòm trời u ám được ánh lên bởi những tia nắng le lói, vàng úa của buổi chiều mùa đông và trên người anh chỉ phong phanh một chiếc sơ mi cũ. Nhưng bao giờ cũng vậy, dù cái lạnh làm da thịt tê buốt, khi đã vòng qua những con đường quen thuộc, thưa người, anh thường tựa tay vào thành cầu nhìn dòng sông lững lờ trôi và đắm mình trong bao ý nghĩ. Nỗi cô đơn, trống rỗng tự dưng mở hoác ra trong lòng không gì lấp đầy được và cái mới lạ không thể định hình mà lần đầu anh phát hiện ra ở cuộc đời rộng lớn, nó mang đến cho anh cảm giác chơi vơi và thú vị, nó khiến anh cứ phải lang thang.

Cũng vào những mùa đông năm đó, anh cứ ngồi lê ở quán cà phê nhìn mưa rơi, nghe nhạc và cùng với mấy thằng bạn túng khổ nói chuyện đời trong bầu không khí tẻ nhạt, lê thê. Bon chúng là những thằng gàn bướng, bất mãn với những chi tiết hiện thực cuộc sống, chuộng sách vở, có ước muốn tốt đẹp nhưng chẳng bao giờ hành động hoặc hành động nửa vời. Cũng như anh, nếu chúng không hư hỏng thì có lẽ chúng cũng chẳng làm được việc gì cho ra trò.

Có lần thằng bạn anh nói: “Bi kịch thê thảm nhất của một cá nhân là sống trong ước mơ, cuối cùng phải chết trong ước mơ”. Ngày đó, anh thừa nhận ý kiến của bạn anh, thậm chí còn xem nó như một lời phát biểu sâu sắc. Ít ra, anh cũng đã cố hiểu vấn đề trong cách diễn đạt đó dưới một khía cạnh hoàn toàn có tính chủ quan: con người hãy nhìn trực diện vào bi kịch và đừng để bi kịch ấy xảy ra trong đời mình. Tuy nhiên từ trong thâm tâm, anh cảm thấy chán ghét và khinh bỉ cái cung cách sống phớt đời, buông thả và bi quan để cho cuộc đời trôi đi và lặng lẽ chết trong nỗi buồn chán của đám thanh niên trí thức kia. Anh biết rất rõ, anh không thể hoà nhập cùng bọn họ. Bọn họ tự cho phép mình suy sụp hoặc cố tình vứt bỏ tất cả. Còn anh, anh phải làm mọi cách để mình được đứng vững. Anh cần được sống và phải sống với tất cả ý nghĩa của một con người. Anh sớm nhận biết điều ấy. Thế thì vì sao cuộc đời anh phải kết thúc thảm hại như bây giờ? Tiền ư? Vì tư duy thực dụng ư? Vì sự cạnh tranh? Vì… ? Đâu hẳn chỉ có thế. Phải không? Đâu chỉ có thế. Đời anh sẽ khác đi biết bao nhiêu nếu anh biết dìu dắt con người mình chống lại mọi cám dỗ.

Thế giới tràn ngập cám dỗ, anh nghĩ. Ở đâu cũng có bàn tay gớm ghiếc của con quỷ cám dỗ nhúng vào. Không còn cách nào để chống lại hay sao? Tại sao con người ta cứ luôn là miếng mồi ngon cho mọi cám dỗ? Tại sao?

Mùa xuân trôi qua sao mà chậm. Không, Không có mùa xuân cũng chẳng có mùa đông; chỉ có vòng quay của thời gian. Quay mãi, quay mãi. Nhưng mà chậm quá. Không chịu đựng được nữa rồi. Hãy nhanh lên, nhanh lên.

 

 

 

 

Bác sĩ đứng lặng lẽ bên giường người bệnh, đầu hơi cúi xuống, thật cứ như anh đang nghiêng mình trước thi hài của bạn. Y học thật sự bất lực rồi. Có những trường hợp y học không thể điều khiển được cái chết. Nhưng có sức mạnh nào điều khiển được cái chết?

Cậu đấy à?

Bất chợt người bệnh đọc thấy cái chết của mình trong đôi mắt thằng bạn.

-Cậu nói thật đi – Người bệnh đau đớn nói.

Im lặng.

-Kìa, cậu mềm lòng quá. Đó là điều tất cả chúng ta đều phải hứng chịu. Mình, rồi đến lượt cậu, rồi tất cả. Đó là luật công bằng của tạo hoá. Đứng trước nó không thể tồn tại sự giả dối. Đứng trước nó không thể có sự hèn nhát. Trước nó con người ta bình đẳng. Cậu nói đi, nói thật đi.

-Báo trước cái chết thì có ích gì? Mắt bác sĩ hơi đỏ.

-Con người ta không được chuẩn bị cho mình cái chết. Nhưng mà ghê gớm quá. Cậu có thấy thế không? Mà thôi đi, cuộc sống mới là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Cuộc sống là điều ta bận tâm, luôn bận tâm, cần phải bận tâm, lo nghĩ, luôn phải lo nghĩ. Cậu hãy bảo thật đi, con người ta phải bám víu vào cái gì để sống?

-Mình biết nói thế nào? Con người ta phải tìm cho mình một lý do để sống.

Thế thì vì sao con người ta phải chết? Tại sao mình đang phải chết đây? Tại sao?

Bác sĩ quay mặt đi.

Cậu đừng khóc. Mình ghét nước mắt. Mình căm ghét nước mắt.

Đôi vai người bệnh rung lên và lát sau bác sĩ trông thấy hai vệt nước mắt chảy dài xuống thái dương của bạn anh.

-Cậu đừng nghĩ quẩn. Bà dì cậu điện báo chưa ra thăm cậu được.

Bác sĩ lê bước ra khỏi phòng.

Bây giờ có người thân hay không có người thân không còn là chuyện quan trọng. Trước đây, anh mất hết người thân, lúc này không có người thân thì cũng thế. Đời mình là vậy, anh nghĩ, thui thủi sống một mình và thui thủi chết một mình. Dù sao người ta cũng cứ phải chết một mình. Trước cái chết còn có gì cần thiết? Với cái chết mọi thứ trở nên không còn quan trọng. Nhưng anh trọi. Anh cảm thấy trơ trọi.

Anh nhìn qua cửa sổ. Ngoài kia mặt trời hơi chếch về tây, nắng xuân chuyển sang màu vàng nhạt. Bầu trời trong và cao vút với mái vòm màu xanh lục. Ở phía biển, làn gió nồm bắt đầu thổi nhẹ và vị mặn dần tràn ngập không gian. Cây bàng to lớn tán lá sum suê,bao phủ cả một vùng đất như rộn lên trước gió. Duy chỉ có cành cây khẳng khiu khô chết, nhô hẳn lên, nơi mà ba ngày nay đôi chim câu thường đậu, lặng im, cứng đờ. Đôi chim câu vẫn chưa đến. Anh thấy bứt rứt. Một nỗi lo âu và hoang mang dội lên rồi nỗi buồn xâm chiếm, làm anh gần như lịm đi. Anh hướng mắt về cành cây khô chết chờ đợi, chờ đợi.

Anh lại rơi vào trạng thái lơ lửng. Cả thời thơ ấu theo nhau sống dậy trong anh. Vào những mùa hè, lúc lên bảy, lên tám, anh thường bước thấp bước cao chạy trên con đường nhỏ, xuyên qua cánh đồng, tìm về nhà nội. Cái thị trấn quê anh nhỏ đến nỗi anh chỉ cần cuốc bộ vài phút trên con đường từ nhà đến phía cổng chợ, rồi đi dọc theo con lộ chính một lúc, rẽ sang phía mặt trời mọc, vượt qua đôi ba căn nhà, từ đó con đường dẫn anh thẳng đến nhà nội ở phía sau rặng tre xanh. Nội thường dẫn anh đi dạo. Ông cụ thật hiền hoà và dễ gần. Ông có nụ cười cởi mở và độ lượng. Ở bên ông bao giờ anh cũng vui thích thật sự. Rồi bầu trời khoáng đãng, trong lành, rồi cánh đồng bằng phẳng, trải dài có thể phóng rộng tầm mắt đến đường chân trời, rồi hương cỏ đồng nội, tiếng côn trùng rỉ rả, rồi hình thù kỳ quái của đám động vật đồng quê, cái đời sống bình yên ấy đã khiến anh quên đi cảnh sinh hoạt ồn ào lúc chợ phiên, quên đi không khí buồn thảm, tù đọng, hôi hám vào lúc giữa trưa của thị trấn. Anh như hoà nhập vào đồng quê. Anh cảm thấy mình được tự do, bay nhảy, được hít thở khí trời trong lành.

Có lần mình cũng ao ước có một đứa con. Nó phải là đứa bé vui tươi khoẻ mạnh, yêu đời, can đảm và có ích. Vậy mà cô ấy cứ lần lữa … Thì ra cô ta đã có sự sắp đặt trước, đã chuẩn bị cho cái kết cục đó. Cô ta không muốn ràng buộc bởi sự ràng buộc nào. Cái con đàn bà đĩ thoã, trẻ đẹp, mất hết tính người, nó nham hiểm, bẩn thỉu đến nhường ấy. Sao nó không chọn ai lại chọn đúng mình để gieo rắc tai hoạ? Nhưng … sao lại trách người đàn bà ấy? Đàn bà bao giờ cũng thế. Họ thích thú vặt trụi lông bọn đàn ông, biến thằng đàn ông đó thành món hàng chưng bày để họ thoã mãn thói hám danh ngốc nghếch trong tư cách chủ nhân của họ và khi món hàng đó trở nên cũ kỹ, lỗi thời, không còn làm họ vừa lòng nữa họ đâm ra chán và vứt bỏ hoặc họ biến gã đàn ông tài năng kia thành con lừa cung phụng cho họ. Nếu không người đàn bà này thì cũng người đàn bà khác. Anh không thể thoát ra được nếu anh còn muốn lao vào cái vòng lẩn quẩn kia. Thế thì anh trách người đàn bà anh đã tự nguyện cưới hỏi để làm gì?

 

Mà cũng may đứa bé đã không ra đời. Mình còn nhớ, năm mình học  lớp sáu, lớp bảy, nhiều lần mình cứ khóc nấc lên khi thấy ba mẹ mình xô xát giằng xé nhau. Suốt những năm tháng đó mình có cảm giác không sống nổi. Mẹ cứ khóc hoài, khóc lặng lẽ, khóc đến cạn nước mắt, cứ như bà lấy chồng để khóc. Ba thì cứ lầm lì mãi: thế giới như ngạt thở vì sự im lặng dồn nén của ông. Hình như có người đàn ông muốn giành mẹ ra khỏi tay ba mình … Mà nghĩ lan man gì vậy? Ngủ đi. Đừng lo nghĩ phiền muộn gì nữa. Cứ bình tâm chờ đợi. Mọi chuyện sẽ hết sức đơn giản khi nó đến. Chết? Là sự dừng lại? Là … ? Đã nhiều lần, rất nhiều lần mình thấy nó? Không, mình chưa bao giờ nhìn thấy nó. Mình chỉ nhìn thấy xác chết thôi. Mình chưa bắt gặp, cảm biết nó. Phải chăng con người ta sẽ không biết đến sự hiện hữu của nó, sẽ không sợ nó nếu con người ta chưa một lần nhìn thấy xác chết, nghe nói đến nó? Không. Sự sống có khả năng đánh biết, né tránh cái chết đang đe doạ nó. Sự sống luôn lo sợ cái chết tấn công. Cái chết luôn tồn tại… thì sự sống cũng luôn tồn tại. Thế thì vì sao phải run sợ? Số phận khắc nghiệt buộc mình sớm phải từ giã cuộc sống và bản thân mình không thể làm khác hơn được thì tại sao mình phải run sợ? Chết! Đó là quy luật vĩnh cửu. Ai rồi cũng phải chết. Mình cũng thế. Vậy thì không có lý do gì mình phải run sợ. Nhưng nó đến với mình sớm quá. Anh thấy luyến tiếc. Giá được sống một thời gian lâu nữa … Sẽ tốt đẹp biết bao. Anh sẽ làm lại cuộc đời. Sống! Đó là niềm hạnh phúc nhức nhối, là nỗi đau, là cuộc vật lộn thú vị, là sự kéo căng, kích thích, dữ dội và hào hứng. Chưa bao giờ mình muốn từ bỏ cuộc sống.

 

Mùa hè năm sau, ông nội chết. Cái ông già tốt bụng, điềm đạm, hiền hoà không bao giờ còn có mặt trên đời này nữa. Cái bóng mát của cây đại thụ bỗng dưng tan biến, cái dòng sữa nuôi sống tâm hồn trẻ thơ đột nhiên dừng chảy. Anh cảm thấy bơ vơ và có cái gì bị gãy vỡ, một cái gì – lần đầu tiên trong đời, anh chợt phát hiện ra – không bao giờ tìm lại được, không gì có thể thay thế được, một cái gì thân thiết, máu thịt. Anh cũng nhận ra trong anh có sự biến đổi.

 

Ngày đưa đám ông cụ, đó là ngày trời quang mây tạnh, nắng lớn, gió hanh khô thổi mạnh. Trong phòng cái nóng trộn lẫn với mùi trầm hương, khiến người ta có cảm giác cái chết xông lên mũi. Ông nội nằm im như ngủ trên chiếc giường quen thuộc của ông, chiếc giường mà anh vẫn thường nằm chung với ông mỗi lần anh về thăm, với làn da hơi xanh và khuôn mặt trở nên nghiêm trang, đẹp đẽ lạ thường. Người chết chuẩn bị cho mình cái chết từ trước, bao giờ cũng có khuôn mặt như thế. Cái chết luôn làm khuôn mặt người ta dịu dàng, ý nhị! Lát nữa đây, chắc là thế thôi, khuôn mặt mình cũng sẽ thanh thản, đẹp đẽ. Người ta sẽ thương tiếc. Mà thôi đi … Giá mà không có nó… Không, Khuôn mặt mình hẳn phải khủng khiếp. Nó là biểu hiện của nỗi cùng cực, đau đớn, tang tóc … Thôi đi. Đừng nghĩ ngợi lung tung. Không thể khác hơn được thì hãy kiên nhẫn chờ đợi. Nóng vội làm gì? Cuối cùng thì nó cũng đến.

 

 

Trời đã về chiều. Đám y sĩ, y tá làm công việc thường lệ của họ. Trong phòng không khí có vẻ sống lại bởi người qua lại đông hơn và tiếng nói lao xao. Anh nhìn qua cửa sổ. Cảnh vật như dát vàng. Lá bàng vẫn dập dờn trước gió. Cành cây khô chết vẫn trơ trọi, nhô hẳn lên trên như muốn với tới vòm trời màu xanh lam mênh mông. Thế thì đôi chim câu không đến nữa rồi, sẽ không bao giờ đến nữa. Thế là hết. Tuy nhiên, từ trong sâu thẳm lòng anh vọng lên tiếng nói: “Đôi chim câu sẽ đến”.

Hai cô y tá bước lại với tất cả đồ lề nghề nghiệp của họ. Anh khó nhọc lắm mới mở được đôi mắt đã dại đi. Trông họ buồn và có vẻ lo lắng. Họ bắt đầu làm việc. Họ làm sao mà lâu! Anh thấy tê dại đi vì đau đớn. Nhưng chẳng ích gì đâu, anh nghĩ, chỉi thêm đau. Mọi cái chết đều xuất phát từ sự đau đớn, ngoại trừ …

Hai cô y tá bước lại giường bệnh hác.

Đúng vậy, anh nghĩ, ông nội có thời gian chuẩn bị cho mình cái chết. Ông cũng làm cho người ta quen dần với cái chết của ông. Còn mình, mình biết mình chết nhưng mình chẳng có thời gian để suy nghĩ về nó. Nhưng sao mình cứ lẩn quẩn mãi thế này? Chết mà không biết cái chết là một bi kịch? Đừng bận tâm chuyện vặt đó nữa. Có mấy ai không phải hứng chịu chuyện đó? Ba mẹ mình biết gì về cái chết? Quả pháo bất ngờ chụp xuống, cả hai người tan ra từng mảnh. Hôm đó, ở trường học anh hớt hải chạy về thì ngôi nhà đã trở thành đống gạch vụn và khói còn đang bốc lên nghi ngút trước mắt anh. Anh đã không khóc nổi, quỵ xuống, khuôn mặt xanh nhợt thất thần ngước lên trời. Người ta đào xới, sục tìm, cuối cùng mang ra hai cái xác nát nhừ, tả tơi chẳng còn ra hình thù gì nữa. Người ta cũng tìm góp những mảnh thịt vụn. Thị trấn bị ném bom.

 

 Ba mẹ có thấy được nó? Hôm đó, mình không đi học, mình ở nhà với họ thì cái gì sẽ xảy ra? Liệu mình có thấy được nó? Ai thấy được điều ấy? Thằng cha công nhân lâm nghiệp có thấy được điều ấy? Cây rừng chỉ đè gãy đôi chân anh ta, chắc cái chết chưa ám ảnh anh ta, khuôn mặt anh ta chỉ biểu hiện vẻ đau đớn tột đọ thôi. Trong dôi mắt của thằng cha mình cứ như vị cứu tinh. Thằng cha sợ mất đôi chân – con người ta có một đôi chân mà. Cô vợ sắp cưới của anh ta thì cứ khóc ròng, khóc ròng, trông đến thê thảm, suýt nữa thì quỳ sụp xuống lạy mình. Chỉ cần một ca mổ không rắc rối lắm mình sẽ trả lại cho anh ta đôi chân nguyên vẹn. Vậy mà… mình cứ kéo dài thời gian, cứ vòi, cứ vòi. Ai dạy mình làm cái trò bẩn thỉu đó? Mình? Con vợ đĩ thoã hay là cuộc sống? Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc …chỉ là trò khỉ, tất cả chỉ là trò khỉ. Đám bạn tốt bụng của thằng cha khệ nệ mang đến những thứ của nợ đó đến cho mình để làm gì? Họ có lý do của họ. Còn mình, mình có lý do của mình chăng? Không. Buộc người ta cung phụng cho mình no đủ thì không thể bảo đó là lý do có thể chấp nhận được. Khi không thể đòi hơn, mình bắt tay vào việc thì đã quá muộn: anh ta đã bị hoại thư. Anh ta đi dần vào cái chết. Khuôn mặt, đôi mắt anh ta, về sau, luôn lộ vẻ kinh hãi. Anh ta biết mình chết, tất nhiên, với anh ta cái chết đã được báo trước. Nhưng liệu anh ta biết gì về cái chết?Anh ta chuẩn bị cho mình được gì trước cái chết?

 

Ngụp lặn, chơi vơi giữa dòng nước, con người ta có nhìn thấy cái chết? Cái lần tắm sông ấy, đám bạn hèn nhát đã để thằng bạn mình vật lộn với cái chết trong dòng nước.. Nó cựa quậy dữ dội quá. Thật cứ như nó cố bứt khỏi đôi tay đang siết chặt lại của thần chết. Trong cơn hoảng hốt thằng bạn mình có nhìn thấy bóng dáng của thần chết? Nó chết đi mà không giải thích cho người ở lại điều gì.

 

Không ai nhìn thấy nó, mình cũng thế. Đừng nghĩ ngợi gì nữa cả. Bây giờ, anh thấy tỉnh táo lạ lùng. Phải nghĩ rằng ta sống, ta luôn sống, không có cái chết, không có nỗi phiền muộn; phải tận hưởng cuộc sống trong niềm vui sống … Anh quay cuồng trong mớ ý nghĩ hỗn độn.

Gần tối, anh cố mở mắt lần nữa. Không gian tràn ngập ánh hoàng hôn màu đỏ rực. Lá bàng vẫn dập dờn trong gió. Cành cây khô chết vẫn trơ trụi vươn lên nhưng không thể chạm được vào vòm trời xanh thẳm bao la. Cành cây khô chết nhuộm một màu máu. Anh lả người, mắt dán vào đấy, như không còn cảm biết gì nữa.Trời sụp tối. Cây bàng phút chốc trở thành cái bóng đen khổng lồ, sừng sững, uy nghi như bao trùm tất cả, một cái bóng cố định, đầy uy lực và bí ẩn.

 

Suốt đêm anh chìm trong những cơn mộng mị hãi hùng, gần sáng là những giấc mơ đẹp.

Nhưng rồi những khốn khó sẽ qua. Đã bảo không dễ gì con người ta chết. Tất cả chỉ là trò đùa. Ô kìa, bây giờ đôi chim câu đã về, đã về rồi đây. Nó đã về rồi. Thế mà mình cứ chờ đợi mãi. Đã bảo điều mong đợi sẽ đến mà. Còn có điều gì đáng phiền muộn? Sao lại phiền muộn? Hạnh phúc chứ! Rất hạnh phúc, phải không?

 

Anh nhìn thấy đôi chim câu gần trong tầm tay. Nó tươi tắn khoẻ mạnh và thỉnh thoảng màu lông trắng như tuyết của nó loé lên những ánh bạc chói loà theo nhịp đập đôi cánh. Nó lượn mấy vòng, sát bên nhau, theo đường tròn đồng tâm. Đột nhiên, nó rẽ ngang, nhịp cánh chậm lại và đậu lên cành cây khô chết. Cành cây khô chết như run rẩy, cử động. Đôi chim câu đứng đó, vươn cổ về phía anh, toàn thân phát quang, toả ra thứ ánh sáng rực rỡ, chói mắt, làm sáng cả một vùng rộng lớn, soi rõ những lá bàng há miệng uống sương, thứ ánh sáng kỳ diệu, đặc biệt lạ, khiến anh ngạc nhiên và thích thú. Anh mỉm cười.

 

Lúc bình minh người ta phát hiện anh không còn thở nữa. Anh nằm trong tư thế thoải mái của một con người hạnh phúc đang ngủ say.

 

Trần Văn Bạn
Số lần đọc: 2158
Ngày đăng: 12.08.2015
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quả bong bóng lợn - Nguyễn Hồng Nhung
Trâu già mà... - Thái Quốc Mưu
Đảo gọi - Phan Trang Hy
Đánh dấu - Trần Băng Khuê
Caffeine - Nguyễn Thỵ
Giấc mơ bóng tối - Trần Băng Khuê
Áp thấp nhiệt đới - Nguyễn Thỵ
Truyện ngoài chính sử. - Phùng Thành Chủng
Lớn & lớn - Mặc Phương Tử
Chiếc nhẫn cưới - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả
Thế giới mùi vị (truyện ngắn)
Lửa (truyện ngắn)
Về một sự thật (truyện ngắn)
Cái đuôi (truyện ngắn)
Tái sinh (truyện ngắn)
Điều con muốn biết (truyện ngắn)
Lưỡng tính (truyện ngắn)
Bảy sắc cầu vồng (truyện ngắn)
Khuôn mặt phòng họp (truyện ngắn)
Lụt (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 2 (truyện ngắn)
Một vụ hiếp dâm 1 (truyện ngắn)
Thây ma (truyện ngắn)
Mưa (truyện ngắn)
Ông Già và Con Ngựa (truyện ngắn)
Khâu miệng (truyện ngắn)
Án văn (truyện ngắn)
Dao và thớt (truyện ngắn)